Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Hoa lạ Côn Sơn








30/04/2016
Đỗ Đình Tuân

TÌNH EM

(Tặng Ánh Nga)
 
Từ Định Tường anh lên Sài Gòn
Khi ngọn lửa chiến tranh vừa tàn lụi
Nơi đô hội một thời tráng lệ
Nơi em với tháng ngày lăn lộn
Trong bão dông còn mất với quân thù
Áo học trò nơi giảng đường buổi ấy
Vẫn nồng nàn tiếng hát yêu thương
Em nhỏ nhẹ trong từng câu hát
Say lòng người vào những đam mê
Anh lơ lững trở băng còn chưa biết
Em mặn mà chỉ dẫn ngọn gió mơ
Ôi Sài Gòn từ đó đến giờ
Em vẫn trong tôi không phai hình bóng
Nét hồng tươi trên khuôn mặt ngây thơ.
                                     VN

GẶP DÁNG KIỀU XƯA

          Tặng Liên Kiều, nhân ngày Thày, Trò
                 PTTH Chí linh gặp mặt tại
                  22 Trần Duy Hưng Hà nội

Hôm nay gặp dáng Kiều xưa,
Ngập ngừng một thoáng kịp vừa nhận ra.
Mấy mưoi năm đã trôi qua,
Sum suê khóm trúc, nay già thân mai.
Nét kiều Em giấu dưới ngài,
Nhưng khống giấu được đóa mai mỉm cười.
Mặn mà Em hiến dâng đời,
Giữ về mình nét hồng tươi phúc nhà.
Chị Em mình phận đàn bà,
Má hồng thoáng đã thành bà hôm nay.



                Hà Nội : 30/4/2016
                         Cẩm Tú

NHỮNG BÀI CA ĐI CÙNG NĂM THÁNG CỦA NS TRẦN VIẾT BÍNH


KHÁCH ĐẾN NHÀ...

                                      
Chị Hạnh Vân, một đọc giả cao tuổi (73 tuổi) ở TP Nha Trang đã đọc được bài của tôi đăng báo, chị muốn ra thăm gia đình và tác giả. Sáng 28-4-2016 chị đã tới thăm gia đình, ngày 29-4 tác giả đã đưa chị Hạnh Vân đi thăm chùa Côn Sơn, đền thờ danh thần Nguyễn Trãi, đền thờ vạn thế sư biểu Chu Văn An, và đền thờ Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ ở TX Chí Linh tỉnh Hải Dương. Đây là một số hình ảnh về chuyến ra thăm gia đình Tạ Anh Ngôi. Xin trân trọng giới thiệu
Nam Sách, ngày 30-4-2016
Photo & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

DẠI-KHÔN.


Ngày xửa ngày xưa cũng dại khôn.
Dại khôn,khôn dại vẫn trường tồn.
Khôn mà vô đạo là khôn dại,
Dại biết tu thân hóa dại khôn.

Đương thời ai biết ai khôn dại,
Mạt vận mới hay kẻ dại khôn.
Hãy hỏi theo thày TU học đạo,
Tham lam lừa lọc chết vì khôn.

 
huudoandt 4-2016.

CHIỀU LÀNG QUÊ

 
Nắng vàng đã ngả chiều hôm
Đàn chim gọi bạn bồn chồn lao xao
Lưng đèo tiếng gió xạc xào
Mang theo nỗi nhớ rót vào lòng nhau !

Không gian xanh biếc một màu
Trên đường thủng thẳng đàn trâu ra về
Nước non nặng một lời thề
Hoàng hôn gợi nỗi say mê thưở nào !

Bóng chuyền tụ tập khát khao
Đông vui bè bạn gửi trao tâm tình
Luyện rèn thân thể dáng xinh !
Dâng đời cường tráng thân hình tuổi xuân

Tháng ngày vất vả bao lần
Cuốc cày trăm vạn bước chân đông hè
Lao công tần tảo tứ bề
Ruộng đồng, vườn tược sơn khê sớm chiều !

 
                                   VN

Tìm đi....sẽ thấy!


            
Chưa khi nào nó thấy câu ngạn ngữ: "Gõ đi...cửa sẽ mở! Tìm đi...bạn sẽ tìm thấy!" lại đúng như lúc này, ít ra là với nó.

Có lẽ từ những trang viết của chủ nhân NKN về cái xe tăng "sứt môi" có số hiệu 380 huyền thoại ấy mà nó tò mò ghê gớm! Mà có lẽ, còn cả cái chất lính luôn chảy trong huyết quản của nó nữa. Càng gần ngày 30/4 nó càng nung nấu ý định đi tìm hình ảnh cái 380. Lọ mọ bao ngày trên Google mà thấy vô vọng. Chiều qua, 28/4/2016, lúc nó đã gần như bỏ cuộc với câu an ủi: "Chắc chưa có duyên tìm được" thì như phép lạ, cái xe ấy rơi cái đùng trên trang Facebook của nó! Sợ nhầm, nó nhìn đi nhìn lại, rồi khi đọc được câu xác nhận của chủ nhân thì nó gần như muốn nhảy dựng lên mà la hét. Và tự nhiên nước mắt tuôn rơi! Chỉ là người ngoài cuộc và là thế hệ hậu chiến tranh nhưng không hiểu sao cái xe tăng "sứt môi" ấy án ngữ trong lòng nó sâu đậm đến thế! Nhìn 380 trong ảnh ở khoảnh khắc lịch sử cách đây 41 năm thật đúng y như những gì nó hình dung: hiền lành nhưng oai vệ và hùng dũng! Nhìn thân hình tả tơi đầy thương tích và biết chắc bên trong xe, đội hình 5 người giờ chỉ còn 2 chiễn sĩ nó càng thấy xúc động vô cùng! Khâm phục biết bao! Tự hào biết bao! Và thương quá!

Bức ảnh vô giá ấy cũng thật sự mới được bạn bè tìm thấy vì người chụp là nhà báo nước ngoài, bà Frăngxoa Demulder- nữ nhà báo Pháp. Tuyệt vời thật. Cám ơn bà vô cùng!

Rồi trưa nay, 11g30, trên VTV4, chương trình "Gặp gỡ khán giả ngày 30/4" lại được nghe về những ký ức của ngày ấy, lại thấy Đại tá NKN của Xóm mình lên sóng!

Thật quá nhiều may mắn đến với nó! Cảm xúc của những ngày Tháng Tư năm 1975 lại nóng ran trong lồng ngưc! Cám ơn những người lính! Cám ơn "sứt môi 380"!

Tý Xù

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Một bức ảnh cũ

          Ảnh tập thể giáo viên trường phổ thông cấp 3 Chí Linh chụp ngày 22/12/1969

- Hàng người đứng(từ trái sang phải):


Nguyễn  Minh Tư, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Văn Tạc, Trần Minh Tuấn, Điền(?), Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Cảnh Thành, Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Minh Dục.
 

- Hàng người ngồi (từ trái sang phải): 


Nguyễn Xuân Vĩnh, Nguyễn Văn Sáu, Phạm Mộng Hải, Đỗ Đình Tuân, Nguyễn Thị Tạo, Võ Thị Minh Điểu, Đoàn Đình Chiêu, Nguyễn Cao Giang, Vũ Viết An (cháu bé ?)



28/04/2016
Đỗ Đình Tuân 

LỄ CƯỚI TRÊN ĐỒNG


 
Em ôm đóa ngọc ở trên đồng
Vị ngọt thớm hương của lá đòng
Thắm thiết tình yêu người thiếu nữ
Ngày ngày cấy bón với vun trồng

Bao nhiêu đắng chát để trong lòng
Tất cả mồ hôi nắng mưa ròng
Lặn lội bùn nhơ nơi nước quẩn
Dâng đời trái thảo với hương nồng


Mừng em lễ cưới buổi hôm mai
Ánh nắng chan hòa khắp đó đây
Lũ bướm trên co tung cánh đẹp
Đàn chim hót rộn khúc vui vầy

                       VN

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Vá vườn


Vườn còn cái vũng con con
Thuê thì chả bõ sức còn lại chơi
Vá vườn mệt lắm ai ơi
Được dăm gánh đất mồ hôi ướt đầm
Vội lên ghế xích đu nằm
Nghỉ vài chục phút mới cầm mồ hôi 
Vá vườn mệt lắm ai ơi
Được dăm gánh đất tai tôi đã ù
Vội lên nằm ghế xích đu
Nghỉ vài chục phút đỡ ù đôi tai
Đành theo lối đánh lâu dài
Nay mà chưa kín thì mai vội gì...?


27/04/2016
Đỗ Đình Tuân

CÔ GIÁO KHÔNG GIÀ


    (Tặng Em Thúy Vui nhân ngày Thày, trò
              PTTH  Chí linh gặp mặt tại
         22 Trần Duy Hưng Hà nội 23/4/2016)

Gặp Em vui lắm Vui ơi!
Nhớ Em ngày ấy luôn vui nhất trường.
Em cười lại càng dễ thương,
Tung tăng Em bước vào trường cấp ba.
Tóc dài da trắng mượt mà,
Ngày đầu tôi tưởng Em là học sinh.
Giờ vào lớp tôi giật mình,
Em là cô giáo tiếng anh mới về,
Thế rồi tôi cứ mải mê,
Ngày nào tôi cũng đi về theo Em,
Họp hội đồng dưới ánh đèn,
Em như một đóa hoa sen quê nhà,
Một năm rồi một năm qua,
Em bồng cháu bé sang nhà tôi  chơi,
Ngập ngừng không nói lên lời,
Em chào ,Em sắp xa rồi Chí Linh.
Thế rồi những chuyện mưu sinh,
Đã gói lại hết tâm tình năm xưa.
Ba mươi năm đã có thừa,
Hôm nay gặp lại vẫn ưa nét nhìn.
Chuyện trò ríu rít như chim,
Trông ra đã thấy bóng nghiêng tà tà.
Bây giờ Em đã lên Bà,
Em là cô giáo không già trong tôi
 
              Hà Nội : 20/4/2016
                            Cẩm Tú

NHỚ VỀ NGÀY ẤY

 
Tiếng ve khoe sợi nắng hồng
Hàng cây phượng đỏ mắt trông bạn bè
Trang lưu bút nắng hè bịn rịn
Ép sổ hồng cánh bướm tím xanh
Một thời để nhớ trong lành
Học sinh ước mộng hương lành thơ ngây
Lời vàng đá mê say khát vong
Đã vươt muôn dông bão cuộc đời
Ngập ngừng trước cánh hoa rơi
Bâng khuâng nhớ lại một thời học sinh
Bao kỷ niệm nuôi ân tình ngày ấy
Cứ trào dâng cuộn xoáy tâm hồn.


 

                                                                                                     VN

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Gieo câu lục bát...

 
Gieo câu lục bát làm duyên
Để ai má lúm đồng tiền tròn xoe
Gieo câu lục bát làm vè
Nước non kể chuyện càng nghe càng buồn
Gieo câu lục bát làm vườn 
Để xem hoa nở đưa hương ngạt ngào
Gieo câu lục bát làm mào
Nghe giàn gà gáy xôn xao phố phường
Gieo câu lục bát làm đường
Để cho con cháu tha hương tìm về...


26/04/2016
Đỗ Đình Tuân

MAI VÀNG XỨ BẮC

Hoàng mai rực rỡ tháng ba,
Cánh vàng, nhụy thắm nõn nà lộc tươi.
Tưởng rằng xuân đã cạn rồi,
 Mới hay hoa vẫn dâng đời sắc hương
                 

                     Hà nội : 12/3  Bính Thân ( 2016 )
                                        Cẩm Tú

Nhạc phẩm Đồng Nai Mùa Sầu Riêng do Thanh Dạ ghi lại từ WEBLOGS của Nhạc Sỹ Trần Viết Bính


Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Cốc vũ



Đêm mưa ngày lại nắng chang chang
Cốc vũ năm nay khá nhịp nhàng
Rau ngót rau đay um luống biếc
Bí ngô sài đất nở bông vàng
Mướp hương đậu đũa leo giàn mới
Rau rệu thài lài kín ngõ hoang...
Đủng đỉnh ông già khi nắng xuống
Tay đào tay cuốc lại nghênh ngang.


25/04/2016
Đỗ Đình Tuân

Người phổ nhạc thành công bài thơ “Đồng Nai mùa sầu riêng”


Làng âm nhạc Việt Nam có nhiều nhạc sĩ phổ thơ rất thành công, trong đó có nhạc sĩ Trần Viết Bính. Có thể nói với việc phổ nhạc bài thơ “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa như đã “đóng đinh” tên tuổi của ông. Tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta” đã từng ca ngợi ông là “người nhạc sĩ tài hoa đã biến bài thơ tèng tèng thành bài hát hay”. Tuy nhiên, ít người biết và nhắc đến bài hát “Đồng Nai mùa sầu riêng” - mà theo tôi, một ca khúc hay về Đồng Nai mà nhạc sĩ Trần Viết Bính đã phổ nhạc rất thành công.
          Tác giả bài thơ “Mùa sầu riêng” là anh Thanh Dạ, tên thật là Nguyễn Duy Dự - một thầy giáo dạy văn ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi cùng vượt Trường Sơn đi vào chiến trường, cùng về Ban Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa. Hồi ở trong rừng, tôi và anh Dự từng đi làm rẫy, đi địa bàn với nhau. Sau giải phóng, chúng tôi về Ty Giáo dục tỉnh Đồng Nai, anh ở bên thanh tra, tôi ở phòng phổ thông. Do đam mê làm thơ, anh chuyển sang Hội Văn nghệ Đồng Nai một thời gian. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình anh chuyển về quê Nam Sách, tỉnh Hải Dương tiếp tục làm nghề dạy học. Hiện nay anh đã nghỉ hưu tại quê nhà. 
Untitled-1.jpg
Bài thơ “Mùa sầu riêng” của anh đã được nung nấu từ những chuyến công tác cơ sở và đến thăm một gia đình cách mạng ở xã Phước Nguyên, huyện Long Thành. Đó là những năm 1976 - 1977. Gia đình có hơn mười người con. Con của bà cụ chủ nhà là một cô giáo đã dẫn chúng tôi đi trong vườn sầu riêng và chỉ cho thấy một căn hầm bí mật trong vườn - nơi cô và gia đình đã nuôi giấu một anh chiến sĩ. Bài thơ được thai nghén từ đấy, viết từ lời của một người con gái: “Giấu anh trong vườn cây/Dưới gốc sầu riêng nhỏ/Mặc quân thù ruồng bố/Vẫn thương anh vẹn tròn”.

Ở những khổ thơ tiếp theo là sự chia ly giữa anh và em, anh chiến sĩ tạm biệt cô gái khi “đại quân mình về tới” và hẹn mùa sầu riêng sẽ trở lại: “Rồi mùa xuân năm nào/Đại quân mình về tới/Tạm biệt em, anh đi/Vườn sầu riêng đợi/Anh đi còn dặn lại/Sẽ trở về Phước Nguyên/Khi đất trời bình yên/Khi mùa sầu riêng chín”.

Người con gái đợi chờ, mong nhớ trong khắc khoải - khi mùa sầu riêng đến: “Anh cứ đi xa mãi/Để vườn sầu riêng nghiêng/Ôm kỷ niệm thiêng liêng/Căn hầm trong lòng đất/Để sầu riêng cất mật/Để sầu riêng ngọt ngào/Để thương nhớ dâng trào/Mỗi mùa sầu riêng chín!...”.
“Mùa sầu riêng” là một bài thơ hay của nhà thơ Thanh Dạ. Năm 1980, khi mới chuyển công tác từ Nam Định vào Đồng Nai, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã được nhà thơ tặng bài thơ này. Bài hát “Đồng Nai mùa sầu riêng” trình làng văn nghệ Đồng Nai, ra mắt khán giả Đồng Nai từ đó. Nếu với bài thơ “Hạt gạo làng ta” nhạc sĩ phổ nguyên bài thơ chỉ đổi mỗi từ “ khẩu súng” thành “cây súng” thì với “Đồng Nai mùa sầu riêng” ông sáng tạo rất nhiều về ca từ, nâng bài hát lên rất cao. Trước hết là cái địa danh Phước Nguyên được đổi thành Đồng Nai. Sầu riêng thì các tỉnh Nam bộ nơi nào cũng có nhưng sầu riêng gắn với một câu chuyện tình, một tâm hồn nhớ thương cháy bỏng, day dứt khôn nguôi thì chỉ có trong bài hát này. “Đồng Nai mùa sầu riêng” đã được đóng dấu triện Đồng Nai. Có những đoạn nhạc sĩ vẫn giữ nguyên, mở đầu bài hát cũng chính là khổ thơ đầu: “Giấu anh trong vườn cây/Dưới gốc sầu riêng nhỏ/Mặc quân thù ruồng bố/Vẫn thương anh vẹn tròn”.
Có những đoạn nhạc sĩ thêm vào: “Trong căn hầm con con/có anh nuôi chí lớn/những đêm xưa rùng rợn/vẫn ngời lên ánh sáng”. Có những đoạn chỉ sửa một từ “năm nào” thành “không quên” (“Rồi mùa xuân không quên. Đại quân mình về tới). Có đoạn sửa hẳn một câu: “Anh cứ đi xa mãi” thành “Anh đi xa em nhớ”. Tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo về ca từ của nhạc sĩ Trần Viết Bính trong đoạn cuối của bài hát: “Anh đi còn dặn lại/sẽ trở về Đồng Nai/khi lũ giặc thù kia/không còn ngoài biên giới/anh đi còn dặn lại/sẽ trở về Đồng Nai/Khi đất trời bình yên/anh sẽ về bên em”.

Thời điểm ra đời bài thơ - năm 1977, chiến tranh biên giới chưa nổ ra. Nhưng bài hát sáng tác vào năm 1981, khi chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã xảy ra, nhạc sĩ đã khéo lồng ghép sự kiện này vào bài hát. Là người lính thì “đâu có giặc là ta cứ đi” cho nên lời thề hẹn sẽ về Đồng Nai chưa thể thực hiện được. Người con gái khắc khoải, thương nhớ dâng trào, tin tưởng người con trai sẽ trở về. Cả bài hát gắn liền với kỷ niệm: vườn sầu riêng, căn hầm, chia ly. Nhưng cao hơn cả là khát vọng hòa bình, khát vọng có cuộc sống bình yên và khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Người nhạc sĩ đã “đọc” được từ tâm hồn của con người Việt Nam - khi sau 1975 chúng ta đã mấy chục năm ròng chiến đấu hy sinh  để giành độc lập, thống nhất, chiến tranh biên giới nổ ra, người lính lại tiếp tục cầm súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Tôi chợt nhớ tới bài hát “Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (phổ thơ Lê Giang) cũng sáng tác vào thời điểm này. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã “nuôi” cảm xúc từ những năm chống Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh biên giới bắt gặp bài thơ của Lê Giang, ông viết bài hát thể hiện khát vọng hòa bình , khát vọng hạnh phúc lứa đôi nhưng ca từ thì diễn tả cái mơ ước rất giản dị, cụ thể và cảm động: “Chờ phút giây bình yên/đợi đạn bom ráo tạnh/để được gần bên anh/để được ghen để được hờn/để được thương để được giận/để thành chồng thành vợ và để cùng hôn con”.
Hai bài hát cùng một nỗi khát khao rất đỗi con người. Với bài “Đồng Nai mùa sầu riêng” dù tôi không am hiểu về giai điệu nhưng khi nghe hát (qua giọng ca Như Hảo và nhiều ca sĩ khác) thấy rất xúc động. Nét nhạc của nhạc sĩ Trần Viết Bính giản dị , mộc mạc mà sâu lắng, thiết tha.
Dù còn nhiều ca khúc và công trình nghiên cứu về âm nhạc khác, nhưng chỉ với “Hạt gạo làng ta” và “Đồng Nai mùa sầu riêng” thôi cũng đủ được người yêu nhạc nhớ đến nhạc sĩ Trần Viết Bính.

SỚM HÈ QUÊ HƯƠNG

 
Mênh mông sải cánh cò bay
Bình minh nắng sớm như say cánh đồng
Lúa chiêm xanh tận bờ sông
Ai đưa câu hát giữa dòng thiết tha
Mến thương tình nghĩa mặn mà
Con đò, gợn sóng, cánh hoa, điệu hò
Kinh Thày yêu đến vô bờ
Quê hương ơi sải cánh cò bao la..

                                                                                           
                                                                                                     VN

SÁNG QUA ĐI DỰ HỘI THƠ

                                                                         
Sáng qua đi dự hội thơ
Phông sai chính tả ngẩn ngơ lòng mình
Tặng hoa chụp ảnh lình xình !!!
Nhà thơ:Phạm Ánh Sao trưởng ban thơ hội VHNT tỉnh Hải Dương
Tác giả Tạ Anh Ngôi
Nguyên GĐ đài truyền hình tỉnh Hải Dương Nguyễn Thanh Cải
Ông Nguyễn Xuân Cảnh
Gia đình họ tộc Nguyễn Trác tặng quà và hoa
Vợ chồng ông Nguyễn Trác Hùng-Chủ nhân buổi lễ
   TP Hải Dương,ngày 24-4-2016
Photo & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

KHẤN EM NGÀY GIỖ ***





Xa quê nửa thế kỷ rồi **
Chiến trường níu giữ ? Chưa hồi hương sao ?
Gìơ Em ở Mặt Trận nào
Hãy cho Anh biết, Anh vào đón Em !


Phố Quê - 17/3/ ÂM LỊCH (23/4/2016)

** Em nhập ngũ 9/1966
***Ngày giỗ Em trai - Liệt sỹ Nguyễn Duy Thính (Hy sinh tại Quảng Nam ngày 03/5/1969 - tức 17/3/âm lịch)

Lời than vãn của một đôi giày

(Nhân gặp một ý thơ của Hương Ngàn trên facebook)




da em mềm mịn đế em dầy
ra chợ anh nào cũng thử ngay
chàng béo sỏ chân kêu rất khít
anh gầy đút cẳng nói vừa thay
khi day khi dận không chùn cẳng
lúc mó lúc sờ chẳng nghỉ tay
cứ thử kiểu này em đến nát
từ giờ xin kiếu các anh đây.

24/04/2016
Đỗ Đình Tuân

KHÁT VỌNG


 
Phượng đỏ sân trường vắng bóng em
Mình tôi lạc lõng bước bên thềm
Lời ca vọng lại bao nhung nhớ
Tiếng hát ngân vang nỗi khát thèm
Cái buổi chia tay đầy luyến ái
Thương ngày hẹn ước thỏa lòng xem
Bao nhiêu mộng thắm còn dang dở
Để lại bây giờ khát vọng thêm


                          VN

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Khoảnh khắc trong ngày


Hai mươi ba giờ  
Choàng tỉnh dậy. Đèn mấy phòng đều sáng đến lóa mắt. Nghiêng sang phải, thấy Hiển nằm ngoẹo đầu, tóc bơ phờ, một bên mép trễ xuống, hơi thở nặng nhọc từng nhịp, từng nhịp như bị tắc, bị dồn ứ ở đâu trong cổ họng.
      Đầu nặng như có đai quanh bó chặt lấy thái dương. À, đang ngủ ở nhà mình cơ mà. Chợt nhớ đêm nay là đêm thứ hai không còn mẹ nữa. Nước mắt ứa ra, chẩy xuống một bên vành tai nóng rực. Mọi khi vào giờ này mới rời bàn máy tính, hé cửa buồng mẹ kiểm tra. Mẹ thường đi nằm lúc hơn 22g sau khi che vợi ánh sáng của chiếc bóng đèn ngủ nhỏ xíu trong góc phòng bằng một cuốn lịch cũ. Người già đêm hay phải dậy đi tiểu. Mẹ giữ chút ánh sáng để còn tìm cái gậy dựng ở cạnh giường.
     Chiều muộn hai vợ chồng mới từ quê lên Hà Nội, ăn uống quấy quá rồi lăn ra ngủ, không cả tắt đèn. Hơn một tuần hầu như không ngủ. Bây giờ thì cửa căn buồng mẹ vẫn đang mở toang, trống huơ trống hoác. Chiếc gối trên giường mẹ để lệch về một bên. Ánh đèn từ phòng ngoài rọi vào, hắt chéo lên tường một mảng sáng rực rỡ. Mẹ ơi, phần xác mẹ đã nằm yên dưới ba thước đất, hồn mẹ ở đâu?
     Đang ngồi miên man nghĩ, liếc thấy đã hơn 3.00 sáng. Cái giờ cũng hay chợt thức khi nghe tiếng lộc cộc từ bên buồng mẹ. Cửa buồng ngủ luôn để ngỏ từ ngày mẹ ở đây để còn nghe tiếng động từ buồng bên cạnh. Nhà chỉ có 3 mẹ con, mẹ thích ngủ một mình. “mẹ hay phải dậy đêm, đứa nào nằm với mẹ rồi cũng mất ngủ lây. Cứ để mẹ ngủ một mình cũng được, cần thì mẹ gọi”. Nói thế là với con giai, con dâu thôi, chứ con gái thì khác, vẫn được ngủ cùng mẹ kia mà.
     Yên tĩnh quá. Đêm đầu hè sau ngày cốc vũ, có “rét nàng Bân” nên không thấy oi nồng. Mọi khi vào giờ này, đều như vắt chanh, mẹ khua gậy lộc cộc, lộc cộc vào buồng vệ sinh. Tiếng lộc cộc đêm thanh vắng nghe rất rõ mặc dù mẹ đã cố đi rất nhẹ. Cứ 4 tiếng cộc cộc là mẹ ra đến cửa buồng ngủ, 3 tiếng cộc cộc nữa là mở cửa buồng vệ sinh, rồi tiếng bật công tắc đèn. Tiếng bật đèn bao giờ cũng không liền ngay tiếng mở cửa vì mẹ còn phải rờ rẫm tìm. Lại một tiếng kẹt cửa nhẹ rồi im ắng. Bao giờ cũng nín thở chờ tiếng xả nước. Nếu lâu chưa thấy tiếng xả nước thì ngồi dậy để nghe ngóng và thở phào khi nghe tiếng nước xả ào ào trong bồn cầu. Rồi nhìn thấy bóng mẹ dò dẫm đi qua cửa sau khi đèn trong buồng vệ sinh đã tắt. Còn 4 tiếng cộc cộc nữa, tiếng mẹ húng hắng nhẹ rồi yên lặng. Nhẹ nhàng hé cửa buồng, thấy mẹ nằm im thì mới về ngủ lại. Có hôm mẹ ngồi trong bóng tối, lấy dầu gió xoa lên thái dương, mùi dầu gió thơm hăng hắc. Thế là ngồi xuống bên mẹ, vòng tay bóp đầu, bóp vai cho mẹ thật nhẹ, thật nhẹ. Chỉ một lát thôi, mẹ bảo: “đỡ nhức rồi, con về ngủ đi”. Đêm nào cũng thế, gần một năm từ ngày đón mẹ lên Hà Nội sau khi được nghỉ hưu. 
     Mà giờ này đêm nay, còn đâu tiếng lộc cộc đó nữa, chẳng bao giờ còn nữa mẹ ơi.
Năm giờ sáng 
Vừa mới chợp mắt lại một lúc thế mà giờ đã tỉnh hẳn. Con người có đồng hồ sinh học chăng, thì đúng với mình rồi. Bao năm qua cứ 5 giờ sáng là thức giấc. Từ ngày về hưu cũng vậy. Trải tấm đệm mỏng chỗ rộng trong phòng khách để tập thể dục. Lại nhớ khi còn mẹ, giờ này là lấy viên thuốc huyết áp, một viên tiểu đường nữa và cốc nước ấm cho mẹ đây. Rồi vào buồng vệ sinh pha nước vào cái thau nhựa, xếp chiếc ghế con bên cạnh để mẹ ngồi, lấy muối trắng bỏ vào cái ca, cùng cái khăn tay rửa mặt của mẹ đặt trên cái ghế nhựa cao. Uống thuốc xong mẹ ra vệ sinh buổi sáng. Mẹ tự làm lấy chẳng phiền đến các con. Cái bồn rửa bằng gốm sứ hiệu Linax đẹp mấy cũng chẳng có giá trị gì cho mẹ vì nó gắn cao thế thì làm sao mẹ với tới. Chẳng cứ mấy thiết bị vệ sinh mà nhiều thứ tưởng rằng cao cấp trong nhà này cũng chẳng mấy tác dụng cho mẹ khi mắt đã mờ, tai đã nặng, mẹ ơi…
     Tập thể dục xong đã hơn 5.30, khi còn mẹ thì nắng cũng như mưa, hai mẹ con lại xuống sân để mẹ tập đi bộ. Nếu mưa thì đi trong hành lang rộng thênh thang của tòa nhà. Trước khi đi, pha cho mẹ một cốc bột sắn dây không đường, thứ mẹ thích uống hàng ngày. Nhẩn nha ngồi đợi mẹ sửa soạn một cách bình thản. Mẹ lấy tay vuốt vuốt mớ tóc “húi cua” ngắn 3 phân mà cứ khoảng 20 ngày lại lấy tông đơ điện dũi cho mẹ một lần. Rồi chậm rãi đặt một vòng khăn tròn lên đầu thay cho khăn vấn tóc làm giá đỡ cho chiếc khăn vuông đen đội kiểu “mỏ quạ” từ ngày xưa. Có hôm mạnh dạn bảo: “mẹ ơi, trời nóng thế này, mẹ cứ để đầu trần cho mát, nhiều bà cụ già dưới sân vẫn để đầu trần đấy thôi”. Nhưng chẳng thuyết phục được mẹ. “Ai lại để cái đầu trơ ra thế này, không được con ạ. Cái bà cụ Thảo lại còn mặc cả quần hoa nữa chứ, bảo rằng cho nó sạch. Sạch hay không là do mình chứ. Bà già là cứ phải quần đen”.
     Mẹ chịu khó đi bộ thật. Chiếc xe đẩy làm chỗ dựa cho mẹ bám cả hai tay mà đi. Cái này là cái thứ tư rồi đấy, mẹ phải bám vào xe mà đi gần 20 năm rồi. Ngày trước xe làm bằng ống sắt vừa nặng vừa chóng hỏng. Giờ xe được làm bằng đuya-ra, nhẹ và bền chắc hơn nhiều. Hai bánh trước làm bằng nhựa tổng hợp khá tốt. Hai càng sau bằng đế nhựa mài xuống đất cho khỏi trơn trượt nên chóng mòn. Ông anh rể trên Hòa Bình, vào cửa rừng nhờ thợ mộc ở đó kiếm cho mấy mẩu gỗ gì rắn hơn cả thép, dùng rất lâu hỏng. Khoảnh sân trong khu chung cư khá rộng, được lát gạch men. Chiều dài đoạn sân phải hơn 90 m. Sáng nào mẹ cũng đi đủ 15 vòng mới ngồi tạm nghỉ. Trời nóng thì luôn ngồi quạt cho mẹ bằng chiếc quạt nan. Tai mẹ nặng, phải ghé sát vào tai trái mà nói thì mới nghe được. Có mấy bà cụ ít tuổi hơn mẹ cũng thường đi bộ ở sân, lúc ngồi nghỉ hay trò chuyện cùng mẹ, lại phải ngồi bên “làm phiên dịch”. Có cụ bảo: “bác chăm cụ thế này là quí hóa lắm, mai kia cụ chết, không cần phải khóc”. Ừ mình có khóc đâu nhỉ, giờ nhìn cái xe chỉ ứa nước mắt thương nhớ mẹ mà thôi. Mẹ ơi, cái xe này con sẽ giữ mãi như một kỉ vật của mẹ. Một vật dụng thân thiết giúp mẹ chống chọi với căn bệnh tiểu đường mấy chục năm. Sáng nào mẹ cũng đi hai đợt như thế cho đủ 30 vòng sân. Có lúc thấy mẹ ướt đẫm vai áo, dừng lại giữa sân, ghé tai mẹ hỏi thì mẹ bảo: “hôm nay mỏi thế, nhưng mới được 28 vòng, còn hai vòng nữa cơ”. Rồi mẹ lại cố từng bước, từng bước…Đi thong thả bên cạnh quạt cho mẹ, vung tay rộng để làn gió thoảng hết từ đầu xuống chân, cũng là một động tác thể dục luôn. Hôm nào trời gió mát thì thôi. Có người tham gia :”anh mua lấy cái quạt con con chạy ắc qui gắn vào xe cho cụ, vừa mát vừa đỡ quạt”. Vâng, điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Mẹ có con giai đi bên cạnh, quạt đều đều, mẹ đi khỏe hơn chứ vì như có con tiếp sức. Cái sự tiện lợi kia, có lúc lại chẳng bằng cái tận tụy mộc mạc chất chứa yêu thương.
Mười giờ sáng
Cái đồng hồ điện tử kêu tít tít một hơi, báo đến giờ ăn rau của mẹ. Hôm nay, tiếng kêu kéo mình về với hiện tại. Mẹ mất rồi còn đâu. Chúng con sẽ cúng cơm mẹ mỗi ngày theo phong tục. Nhớ hồi mới phát hiện mẹ bị tiểu đường. Anh bạn bác sĩ chuyên khoa bảo :” Người bị bệnh tiểu đường có thể sống khỏe với 3 điều kiện. Một là ăn kiêng ít bột, ít đường, nhiều rau, hai là vận động thật nhiều, ba là dùng thuốc để hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là vận động và ăn nhiều rau”. Thế mới có bữa rau vào lúc 10 giờ sáng và 6 giờ chiều hàng ngày cho mẹ. Từ hôm bị ngã, mẹ không vận động được, chỉ ít ngày mà sức khỏe mẹ sụp xuống thật nhanh. Mẹ thích ăn rau luộc nhừ, không cần chấm mắm muối, rau thì mùa nào thức ấy, trừ rau muống. Đến bữa mẹ ngồi cùng cả nhà, chỉ một lưng cơm thôi, thức ăn thì gắp sẵn, hoặc để bát riêng gần mẹ. Nếu có xương ninh hoặc chân giò thì cứ để mẹ tự ăn, mẹ không thích lọc xương ra, chỉ cần cái khăn tay nhỏ vắt kiệt nước để cạnh cho mẹ lau, thế là mẹ cầm tay mà ăn ngon lành.
     Giờ nghỉ trưa mẹ ngủ rất tốt, có khi đến 15 giờ mới lộc cộc khua gậy ra phòng khách. Một cốc nhỏ nước quả hoặc quả cắt nhỏ là bữa phụ buổi chiều. Mẹ thích nhất là thanh long, chuối tây, bưởi. Khó mời được mẹ những thứ ngọt như cam, xoài, dưa hấu, đu đủ, táo…nếu có thì chỉ một miếng thật nhỏ. Rồi mẹ ngồi ngắm con giai tập một bài thái cực quyền ngay trong phòng khách. Mẹ bảo :” dạy em Chính tập với. Nó lười tập nên bụng to chứ không chắc người như anh đâu. Mà cái thằng, chỉ thích câu cá, đi câu thì ngồi cả ngày, ích gì”. Hơn 10 ngày nay, con không tập được. Hôm nay ngồi đây nghĩ về mẹ, chân tay con mỏi rã, chưa tập được. Rồi ngày mai, ngày kia con sẽ lại tập, chỉ tội không có mẹ ngồi nhìn con tập thôi, mẹ ơi...
Mười bẩy giờ 
Tiếng ồn ào ngoài hành lang. Bọn trẻ trong chung cư tan học đã về. Chúng lại ùa xuống sân chung để chơi bóng, trượt pa-tanh, đi xe đạp mini. Buổi chiều mẹ thường tập đi trong hành lang cho an toàn, không thoáng bằng ở ngoài sân nhưng không sợ lũ trẻ xô vào. Mẹ đếm cẩn thận lắm, đoạn đường ngắn hơn nên hôm nào cũng đi hai lượt, mỗi lượt phải đủ 20 vòng. Giờ đã sang hè, 5 rưỡi chiều mà vẫn còn nắng. Nhìn bọn trẻ nô đùa ngoài sân, nhìn hành lang chung cư dài hun hút không thấy bóng mẹ tập đi nữa. Mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu?
     Bữa cơm tối thật nhạt. Mấy đứa con sợ bố mẹ buồn nên kéo cả sang. Rồi cũng lại chỉ kể chuyện về bà nội. Đứa chắt đích tôn lên 3 tuổi khoe :”hôm qua con đội khăn mầu cam, sao ông bà không đội mầu cam? Con sợ, kèn nó thổi to quá. Hôm nay ông bà quên không đón cụ lên à?”. 
Ừ, ông không đón được, cụ đi xa, đi xa lắm rồi con ơi. 
“cụ đi công tác à, như bố Quyết à? Cụ có mang vali không?”. 
Cụ đi rồi, không mang gì cả con ơi. “cụ đi nhẹ như thiên thần” mấy người hàng xóm chứng kiến giờ phút lâm chung của mẹ nói thế.
Hai mươi hai giờ
Chiếc tivi ở phòng khách nói một mình chẳng có ai xem. Hiển kêu đau đầu đi nằm sớm. Ngồi ở bàn máy tính mà chẳng thấy ham muốn xem gì, đọc gì như mọi khi. Máy điện thoại rung nhẹ, có tin nhắn mới :“Mai ông đón cháu hộ con nhé”. Ừ, mai sẽ đi đón cháu, sẽ tiếp tục cuộc sống thường ngày mà không còn mẹ nữa. Bước ra ban công, gió nhẹ và mát dịu. Trời trong, trăng 17 đã lên cao, trăng thành phố không sáng bằng ở quê, nếu không để ý có khi còn không thấy trăng nữa giữa những căn nhà cao tầng. 
Vầng trăng cao trên kia, có mẹ tôi ở trên đó không?
 
22/4/2016
Đỗ Văn Nghị

Đồng Nai mùa sầu riêng

 
 

RÀY ƯỚC MAI AO

  (Họa nguyên vận bài MÃI ƯỚC AO của Hương nhãn trời Âu)


 
Bác còn rày ước với mai ao
Thơ phú tình tang mãi dạt dào
Cùng bạn tung hoành cho chí thỏa
Với em ngang ngửa kém ai nào

Giao lưu Âu Á tầm nhìn mở
Đọc sách thánh hiền cốt cách cao
Ngán cảnh nước non chưa chuyển đổi
Nên còn rày ước với mai ao

 
                                                                                    23-4-2016
                                                                                     Song Thu

Phụ chép bài: MÃI ƯỚC AO

Mấy cuộc thăng trầm vẫn ước ao
Trời cho sức khỏe mãi dồi dào
Chiều chiều với bạn thơ cùng phú
Tối tối cùng em... kém hiệp nào
Đã nguyện đời này tâm đức sáng
Noi gương kiếp trước dạ thanh cao
Bảy mươi tuổi đẹp xuân đương độ
Thế sự vần xoay vẫn ước ao.

 
                                                                                                Hương nhãn trời Âu

NGHE HÁT CHẦU VĂN

 
Sáng nay nghe điệu chầu văn
Lời ca nắn nót, cung đàn nỉ non
Cô đôi thượng ngàn Kim Môn
Danh thơm ngoài cõi, tiếng đồn trong cung
Đền Sinh chiêng mõ, gió rừng
Bầu trời, cảnh phật, bách tùng reo vui
Trăm hoa đua nở thắm tươi
Chim bay, bướm lượn, cá bơi ngược dòng
Sông Thương nước chảy gương trong
Cho ai soi bóng áo hồng thướt tha
Sườn non vách đá nắng hòa
Ấm êm cảnh vật, cỏ hoa sắc màu
Ngàn xanh dạo gót cùng nhau
Điệu chầu văn gợi muôn câu tự tình.

 
                       VN

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Từ nay vườn lại thêm hoa



 
20/04/2016 Đỗ Đình Tuân

ĐẦU HÈ

 
Hoa gạo nở trắng trên cành
Lúa non tươi tôt vươn xanh cả trời
Nắng bừng mọi chốn thắm tươi
Bướm vàng bay lượn, chim cười ái ân
Ngoài rừng búp lá vươn mầm
Cho người thưởng rét nàng Bân một lần
Cá bơi hồ nước trong ngần
Đóa hoa rực rỡ chen đầm ngó sen
Người đi chảy hội bước chen
Đàn sáo bay liệng, tiếng kèn góp vui
"Mừng ngày hạ tới nơi nơi"
Nắng hòa câu hát gió trời mê say.

 
                                                                                                      VN