Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Điểm diện các nhà văn bằng thơ 11: Nguyễn Thi






11-Nguyễn Thi

     (1928-1968)



Trăng sáng soi riêng một mặt người

Chia ly đôi bến cách phương trời

Ước mơ của đất anh về đất

Im lặng mà không cứu nổi đời.

                       Xuân Sách
-Trăng sáng: tập truyện năm 1960 (Bút danh Nguyễn Ngọc Tấn).
-Ước mơ của đất: Truyện ký, viết về nữ anh hung Nguyễn Thị Hạnh, sáng tác sau cùng của Nguyễn Thi.

Giâu gia xoan

       Ngắm bức ảnh con rồng đất - giâu gia xoan, hình dung nó quẫy đuôi như đang chực vượt qua bờ đất để bỏ ông mà đi, tự dưng thấy nao nao trong lòng...
     Ngày bé, chùm giâu gia xoan là một món quà chợ của mẹ. Cái chùm quả nhỏ, vài quả còn xanh, mấy quả chín ương ương và những quả mọng mầu hồng sẫm, được buộc bằng một sợi rơm hay cái lạt sao mà quyến rũ thế. Mấy anh em xúm lại khi mẹ vừa đặt cái rổ đi chợ về, lấy chùm quả ra chia cho mỗi đứa vài dảnh, đứa bé nhất sẽ được phần nhiều nhất như lẽ tự nhiên ở cái nhà này. Mẹ không quên dành cho đứa đang đi học một phần xứng đáng. Rồi mẹ tất tả lo chuyện cơm nước bữa trưa của cả nhà và những người bạn thợ của bố. 
       Bận phụ việc thổi bễ lò rèn nên nó tắc lẻm hết ngay. Cái Việt thì chỉ nhón vặt một hai quả rồi còn để dành cho đến tận sau bữa trưa, khi bố và mấy chú thợ đã ngáy khò khò sau bữa cơm, mới bày ra bán hàng. Thế là, chỉ cần vài mảnh giấy gập lại làm tiền, có thể mua được nhiều quả nữa từ cái hàng quà của cô em gái kém 2 tuổi. 
       Cái ngày dễ đến hơn nửa thế kỉ rồi...
      Lớn hơn chút nữa, mới biết đến cái cây cho loại quà quê dân dã ấy ở hè nhà ông thợ cắt tóc phố Chợ. Đúng mùa hoa nở trắng trên cây và rụng đầy cánh mỏng manh trên nền đất. Lá ấy, hoa trắng mịn màng ấy, mùi hương ngai ngái ấy, mới biết sao lại gọi là giâu gia xoan.
      Một lần khác, đang là chiến sĩ huấn luyện ở huyện Kinh Môn, buổi đi gánh than cám từ bến sông về, chỉ với mấy hào mà cả tiểu đội được nửa mẹt giâu gia chín mọng của một bà cụ hàng nước bên đường. Món giải khát mấy chục năm rồi mà giờ ngồi gõ những chữ này vẫn còn ứa nước trong miệng...
      Nhưng giờ thì không thấy ai bán nữa, ở đâu chứ phố xá Hà Nội thì không. Trẻ con giờ cũng suốt ngày trong trường, trong lớp và thứ quả quê mùa kia không còn hấp dẫn nữa. 
      Thời gian trôi và mọi sự đã đổi thay rồi...
    Ông giáo già hẳn là phát hiện ra cái thế rồng quẫy này vào lúc ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, sau một hồi cuốc đất, nhặt cỏ. Cứ hay đoán mò thế, vì để trông thấy cái cây trên bờ đất này thì có khi là trước đó rồi, lúc đang phát bờ hay dọn góc vườn kia. Nhưng nó chỉ thành rồng khi ông ngồi nghỉ và cái trí tưởng tượng phong phú, có chất thơ ca bay bổng mới choán lấy tâm hồn ông, Và chắc là ông vui lắm, ông chạy vào nhà lấy máy ra chụp và làm thơ để khoe với bà, khoe với trò, khoe với bạn Tri Ân.
     Chắc là chẳng ai lại đi trồng cái cây ở chỗ cheo leo đến thế. Nó tự đến đấy chứ. Chợt nghĩ, cuộc sống thật nhiều sự bất ngờ, khó đoán định và lựa chọn biết bao. 
     Một thằng bé con nào đó vừa ăn dỗ em gái được vài quả chín, đi qua đánh rơi xuống bờ đường? 
   Một con chào mào vừa sổ lồng nhà ông đầu xóm, vớ được quả chín mọng ăn rồi nhả hạt xuống đây?...
    Hay là... 
   Nhưng dù sao thì cái cây ấy đang có thực. Nó bám cheo leo trên cái bờ đất và thoải mái vung bộ đuôi hoành tráng chờ gió lớn. Mùa hoa, chắc nó là Bạch Long Vĩ chứ chả chơi. Đất lành chim đậu, mà nay rồng đang ghé đến thế này cũng là sự lạ. Chim đậu rồi chim cũng bay đi. Rồng ghé đến rồi thăng cũng là lẽ thường tình. Nhưng dấu vết ấy của Rồng Giâu Gia ở vườn nhà ông giáo chắc sẽ còn mãi trong kho ảnh của Tri Ân Cuộc Đời và trong trí nhớ của đám học trò giờ cũng không còn chơi bán hàng và ăn dỗ em được nữa....

29/9/2016
Đỗ Văn Nghị

Xem phim



Xem lại phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17”
Xem mãi vẫn cứ thổn thức.
Những ai đã từng có tuổi 17 ở vào thời khắc ấy đều thấy 1 chút là mình trong bộ phim ấy!
“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”
 
VA

TUYỆT VỜI HOA SÚNG

Kết quả hình ảnh cho TUYỆT VỜI HOA SÚNGỞ KÊNH BÍCH

Kênh Bích một chiều bơi hái hoa
Mênh mông đồng cỏ ngút ngoài xa
Rừng tràm phảng phất mùi hương lạ
Cạnh hố bom thù thắm cánh hoa

Thẳng đứng vươn tầm cao tỏa ánh
Xòe bông hưóng tới đỉnh vinh quang
Thu trời gói đất trong hồn cánh
Vạn tấm chân tình vẫn nặng mang.

                                           VN

DÁNG EM




Thúy Bình -Cựu diễn viên đoàn Chèo tỉnh Hải Dương trình diễn bài thơ:"Dáng em"của Nguyễn Xuân Cảnh tại buổi "Liên hoan Văn Nghệ-Thơ Ca"do CLB thơ VN tỉnh Hải Dương tổ chức

Hải Dương, ngày 25-9-2016
Camera & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi
 

CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 18

Một thoáng Vê rô na
Có một câu chuyện tình mà có thể nói hầu hết mọi người trưởng thành trên thế giới này biết đến- đó là chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliet. Người làm cho cặp nam nữ này nổi tiếng như thế chính là nhà viết kịch lừng danh Sexpia người Anh. Thế nhưng, có lẽ lợi lộc của sự nổi tiếng này lại thuộc về thành Verona- quê hương của chàng Romeo và nàng Juliet- một thành phố cổ kính nằm ở phía bắc của nước Ý. Theo thống kê, năm 2007 thành phố này chỉ có 264.191 người dân nhưng đã đón tới 3 triệu khách du lịch. Như vậy, cứ mỗi người dân- bất kể nam phụ lão ấu- sẽ đón 10 khách, còn có thu nhập nào cao hơn?
Tất nhiên, để hấp dẫn lượng du khách khổng lồ trên thành Verona không chỉ có chuyện tình Romeo và Juliet mà bản thân nó với bề dày lịch sử mấy nghìn năm cùng những di sản vô giá mới là sức hút chính. Cũng chính vì vậy, thành phố Vê rô na đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngay từ khi vừa mới bước vào thành phố người ta đã phải ngỡ ngàng bởi sự cổ kính của các cổ thành bao gồm những đoạn tường thành cao vút, vững chãi và những cổng thành cổ kính rêu phong. Có lẽ đây cũng là thủ phủ của một công quốc khi cộng hòa La mã chưa thống nhất cách đây hơn 2000 năm thì phải.
Điều đặc biệt nữa là ở Verona cũng có một đấu trường cổ và người ta cũng gọi nó là Colosseum (nhà cháu cứ gọi là Cô- li- dê cho nó quen thuộc ạ). So với Cô li dê ở Rô ma thì quy mô đấu trường ở Verona có vẻ hơi khiêm tốn hơn một chút song về độ cổ kính thì chắc không kém tý nào. Có khi nó còn có phần hơn vì được xây dựng bằng đá cẩm thạch màu hồng chứ không phải bằng gạch nung như ở Rô ma. Vừa nhìn thấy nó, nhà cháu đã vợi ngay đi cảm giác tiếc nuối khi hành trình này không đến được Rô ma vì thực ra cái mà nhà cháu muốn chiêm ngưỡng nhất ở Rô ma cũng chính là Cô li dê mà thôi. Được tận tay sờ vào những phiến đá hồng đã bị thời gian, mưa nắng bào mòn hàng nghìn năm nay trong lòng trào lên thật nhiều cảm xúc. Lại nhớ đến Xpác-ta-cút với những cuộc đấu kinh thiên động địa của ông trong đấu trường đã làm say mê hàng triệu con người. So với những công trình khác, có lẽ đấu trường Cô li dê thực sự là một công trình văn hóa công cộng và có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển xã hội loài người. Đó là nơi tôn vinh sự cao thượng, sức mạnh một cách công bằng nhất. Và cũng ở chính tại các đấu trường này, một hình thức cao nhất của dân chủ - trưng cầu ý dân- đã được thông qua (đại khái khi kết thúc cuộc đấu, nhà vua hay lãnh chúa- người chủ trì cuộc đấu sẽ xin ý kiến thần dân có nên tha chết và trả tự do cho võ sĩ thắng cuộc hay ko bằng cách đưa tay ra. Nếu đa số dân chúng giơ ngón tay cái lên, võ sĩ sẽ được trả tự do. Nếu đa số dân chúng chúc ngón cái xuống, anh ta sẽ bị giết chết).
Đứng dưới mái vòm đấu trường, trong nhà cháu cứ lăn tăn câu hỏi: sao người ta lại có thể để lại cho thế giới nhiều thứ thế nhỉ? Chợt liên hệ đến nhà mình. Thực tình, nhà cháu nghĩ ngoài những gì thiên nhiên ưu đãi như Hạ Long, Sơn Đoòng... thì nhà mình chỉ có Mỹ Sơn khả dĩ đem so được với thiên hạ. Tiếc rằng nó đã bị chiến tranh phá hủy mất 80% và thực ra đó cũng là di sản của tộc Chăm pa chứ chẳng phải của tộc Vịt nhà mình. Thấy phía trước đấu trường là một bãi cuội, chợt nhớ đến ông bạn LTD có cái thú sưu tầm đá cuội nhà cháu ngó trước ngó sau không thấy ai để ý bèn cúi nhặt đại 1 hòn.
Ngẩn ngơ mãi trước đấu trường Cô li dê nhưng rồi vẫn phải đi theo đoàn- vào thăm nhà của nàng Juliet.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, ngôi nhà cổ kính, cũ kỹ với cái ban- công bình dị của gia đình nàng Juliet đã trở nên vô cùng nổi tiếng và trở thành địa chỉ hành hương đối với rất nhiều cặp tình nhân trẻ tuổi cũng như các du khách khác. Dưới cái ban công đó người ta đã dựng một bức tượng nàng Juliet bằng đồng. Gội mưa, tắm nắng nên bức tượng ngả màu đen bóng- trừ khoảng ngực của người thiếu nữ là sáng bóng màu đồng thau vì hàng vạn, hàng vạn bàn tay đã đặt lên đó để cầu mong may mắn trong tình trường như một tín điều được truyền tụng ở đó. Bên cạnh đó là một cánh cửa mà người ta dán những mảnh giấy ghi ước vọng vủa mình hoặc thậm chí cả những bức thư gửi nàng Juliet lên đó. Ngõ thì hẹp, sân thì chật mà ai cũng muốn chen vào tận nơi nàng Juliet đứng hoặc tới cánh cửa mơ ước nên cứ phai chen vai thích cánh. Tuy vậy, gương mặt ai cũng hết sức vui vẻ, tươi cười. Không chịu kém miếng, nhà cháu cũng bon chen với mọi người len vào đứng cạnh nàng Juliet và thử sờ lên bầu ngực giá lạnh của nàng một tý nhưng bị chen dữ quá! Nhìn cái cảnh chen chúc ấy, nhà cháu bật lên mấy vần ngẫu hứng:

Trải mấy nghìn năm gội gió mưa
Nàng Ju li ét vẫn đợi chờ
Giây phút Rô me ô trở lại
Ngờ đâu toàn một lũ ngẩn ngơ!

Cũng giống như ở Mi lan, đường phố ở Vê rô na cũng được lát bằng đá là chính. Đặc biệt, con ngõ dẫn vào nhà Juliet được lát bằng những phiến đá lớn màu ngà vàng. Nhiều hòn đã mòn vẹt đi, nhẵn bóng. Dường như nó đã nằm im ở đó từ ngày thành phố này được dựng lên thì phải. Những vòi nước công cộng ở đây có vẻ cũng rất cổ xưa rồi. Tuy nhiên, nước ở vòi hoàn toàn có thể uống được.
Cuộc hành quân bộ từ đấu trường ra chỗ đỗ xe lại là cơ hội cho nhà cháu chiêm ngưỡng bức thành cổ của Vê rô na thời xưa. Chắc do là thủ phủ của công quốc nên thành trì ở đây được xây rất cao và vững chắc. Lạ một điều, không hiểu sao trên thành lại có bức phù điêu biểu tượng của Rô ma- thành phố của chó sói?
Con sông Adige chày sát bên thành phố như một điểm nhấn làm duyên dáng thêm thành phố yêu kiều Vê rô na. Nhưng đã đến lúc ta phải tạm biệt người!

























Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

CÂY ĐỀ LÀNG CŨ


Sau bao năm đi kháng chiến xa quê
Tôi về hưu làng đã lên thành phố
San sát nhà tầng điện đường rực rỡ
Cây đề xưa vẫn đứng đợi người về

Qua tháng năm tán lá nghiêng che
Bao thế hệ ra cây hóng mát
Gió Nam thổi từ cánh đồng bát ngát
Xua vơi đi bao cực nhọc cuộc đời

Tạm biệt cây đề lớp lớp chúng tôi
Tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ
Nhiều người đi giờ không về nữa
Nằm lại chiến trường thành liệt sỹ quê xa

Cây cũng hiên ngang vượt bão táp phong ba
Chứng kiến làng với bao thay đổi
Xóm nghèo xưa nay mang tên phố mới
Gốc đề xù xì vết sẹo chiến tranh

Da mọc che thân cây đứng vươn cành
Xòe tán rộng làm chứng nhân lịch sử
Tổ Đảng họp dưới bóng đề làng cũ
Cây xôn xang
                  Chim hót gọi xuân về…

                                      Bài & Ảnh: Tạ Anh Ngôi

VƯỢT ĐÈO GIÓ

Vượt qua đèo gió đến Cao Bằng
Gặp lại em đây má ửng hồng
Vẫn bộ màu xanh dân tộc thái
Thả dài mái tóc giữa đèo buông

Trên cao gió lộng tiếng khèn vang
Gọi khắp muôn nơi đẹp nắng hồng
Mướt lá rừng xanh chim gọi bạn
Tiêng khèn rộn rã vượt biên cương


                                   VN

Điểm diện các nhà văn bằng thơ 10: Chế Lan Viên



10-Chế Lan Viên
     (1920-1989)

Điêu tàn ư ?Đâu chỉ có điêu tàn
Ta nghĩ tới vàng son từ thuở ấy
Chim báo bão lựa chiều cơn gió dậy
Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa
Thay đổi cả cơn mơ
Ai dám bảo con tầu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tầu ta cũng uống
Mặt anh em trong suối cạn
Hội nhà văn.
                          Xuân Sách.
-Điêu tàn: tập thơ năm 1937
-Ánh sang và phù sa: tập thơ năm 1960
-Hoa ngày thường, chim báo bão : tập thơ năm 1967
-Những ý khác lấy ý trong các  bài  « Tiếng hát con tầu » và « Người thay đổi đời tôi, người  thay đổi thơ tôi »
Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi

Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội
Không hay trong xà lim anh Hoàng Văn Thụ đang nằm
Không biết anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối
Không hay trên biên thùy Bác đã dừng chân

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ

Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết
Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay
Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày

Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không
Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu
Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo
Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ
Làm tất cả! chỉ trừ không đổ máu!

Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về
Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ
Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa
Lòng son ngời như buổi mới ra đi

Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. 
                                                 Ta nghe bừng tỉnh dậy
Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường
Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy
Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương

Người đánh thức tương lai đã về kia, 
                                                          Bác hôn lên hòn đất
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc
Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong

Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì?
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật
Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê...

Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn Bác viết
Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng
Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép
Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân

Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu

Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa
Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon
Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ
Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non

Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn
                                                             đắng chất thị thành
Đời tươi mát như ao sen mùa hạ
Anh em bốn bên mà ta ở giữa
Có được trái cây thơ, ta biết quí cả mùa lành

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời
Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp
Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi
Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn, NXB Văn học, 2002
Tiếng hát con tầu
 
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con

Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương

Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga

Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao

Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, ngươi là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta

Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu
                                                     không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân

Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn, NXB Văn học, 2002

Và thu


Vào thu thật rồi kìa!
Những ngày đầu năm học. Sách vở, thầy cô, bạn bè,…chộn rộn đủ thứ. Háo hức đến trường. Ai dám bảo chỉ chăm chăm vào lớp nghe giảng bài? Một cái ngóng vu vơ. Một cái chạm khẽ của tia nhìn. Bóng ai đó thoáng qua cửa sổ lớp. Tiếng ai đó xa xa mà vẫn quá gần. Một vành nón cố dấu đi mái tóc nhưng vẫn để lộ khuôn mặt chủ nhân…
Thế là ngẩn ngơ.
Thế là nhớ.
Thế là thành dở hơi.
Ôi cái thời me, sấu!
 
VA

CUỘC ĐỜI

Kết quả hình ảnh cho CUỘC ĐỜI
 
Ngày, ngày đau nỗi biệt ly,
Một mình cam chịu, trách gì đời đâu!
Phong trần mưa, nắng dãi dầu,
Tóc xanh nay đã đổi mầu tuyết sương.
Đời nghèo phải sống tha hương,
Mỏi mòn trong cảnh long đong một mình.
Thương ai nặng nghĩa, nặng tình,
Cuộc đời bao nỗi bất bình triền miên.
Kiếp mình ai sắp đặt nên?
Hay là qui luật tự nhiên của đời?

                                 Nguyễn Đề Kháng 
                                    10/1987

KHIÊU VŨ


CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 17

Chamolix- Mont Blanc- Thiên đường có thật?
Mont Blanc- theo tiếng Pháp nghĩa là Núi Trắng- có độ cao 4.810,9 mét, là đỉnh cao nhất của dãy An- pơ và nằm trên biên giới Pháp- Ý. Đỉnh này đã bị chinh phục lần đầu tiên từ 8 tháng 8 năm 1786 bởi Jacques Balmat và Michel-Gabriel Paccard. Hai ông đã leo lên đỉnh Mont Blanc từ hướng Chamolix và đã được dựng tượng ở đây. Có lẽ đây cũng là hướng tiếp cận đỉnh Mont Blanc thuận lợi nhất nên Chamolix đã hình thành một thị trấn du lịch rất đông vui, sầm uất. Hiện tại, từ Chamolix lên Mont Blanc có thể đi bằng cáp treo. Có thể hình dung Chamolix với Mont Blanc như Sa Pa với Phanxifang của VN vậy.
Sau khi vượt qua biên giới Thụy Sĩ- Pháp ở một cửa khẩu khác, con đường dần đi vào vùng rừng núi chập trùng thuộc dãy An pơ. Tuy nhiên, với lợi thế canh tác lúa cạn nên các cánh đồng ở đây vẫn rất phong phú chứ không bị lệ thuộc vào nước tưới như ở ta. Càng lên cao, đường càng hiểm trở. Có nhiều đoạn người ta phải làm cầu cạn để vượt qua các khe núi hoặc sườn núi dựng đứng không mở đường được. Xa xa đã nhìn thấy những ngọn núi mà đỉnh của nó trắng xóa nổi bật trên nền trời xanh thẫm. Nhiều người trong đoàn chắc là chưa tìm hiểu về băng vĩnh cửu nên thắc mắc sao mùa hè lại có băng tuyết trên đó? Rồi thì thị trấn Chamolix cũng hiện ra trước mắt sau khoảng 2 giờ xe chạy.
Nằm ở độ cao hơn 1000 mét nên Chamolix rất mát mẻ, thậm chí sẽ là se se lạnh nếu không có áo khoác. Trời ở đây rất xanh- một màu xanh ngọc thạch khó mà tả hết vẻ đẹp bằng từ ngữ. Còn hoa ở đây cũng rất nhiều, rất đẹp. Một con suối chảy chảy từ núi băng xuống xuyên qua thị trấn, chia thị trấn làm đôi. Có điều, nước ở con suối này không trong mà màu nó lại bàng bạc như nước bùn. Nghe nói đó là nước ở các sông băng chảy xuống. Dọc hai bên suối những ngôi nhà với ban công trang trí bởi những giỏ hoa rất hài hòa, tự nhiên. Ở trung tâm thị trấn là tượng đài kỷ niệm hai người đã chinh phục Mont Blanc đầu tiên. Thị trấn đông nghẹt khách du lịch đến từ khắp nơi. Còn cư dân toàn thị trấn chủ yếu là làm dịch vụ phục vụ cho khách du lịch như nhà hàng ăn uống, nghỉ trọ, bán đồ thể thao, bán hàng lưu niệm v.v...
Sau bữa trưa, HDV yêu cầu ai muốn lên Mont Blanc thì đăng ký để anh còn đi mua vé cáp treo (thực ra đó chưa phải là đỉnh Mont Blanc mà chỉ là một khu vui chơi trượt tuyết ở gần đó thôi- độ cao khoảng 4000 m). Vốn chẳng lạ gì cảnh băng tuyết nữa, với lại cũng sợ độ cao lớn sẽ có ảnh hưởng tới huyết áp nên hai anh em nhà cháu quyết định đầu hàng. Một số nữa cũng vậy nên chỉ khoảng ½ là muốn đi. Tuy nhiên, đi được một lúc thì lại có thêm người đào ngũ. Cuối cùng chỉ có 9 người đi, bao gồm: cặp vợ chồng trẻ, cặp bố con, cặp nhà báo và 3 chàng ngự lâm pháo xịt (ba chàng khiêm tốn không nhận là pháo thủ nên nhà cháu đành gọi họ là pháo... xịt).
Thời gian còn lại khá dài nên anh em nhà cháu quyết định sẽ đi thăm thú, tìm hiểu một chút về cái thị trấn bé nhỏ mà đông đúc này. Trước hết, đó là các cửa hàng bán đồ thể thao và đồ lưu niệm nhan nhản trong thị trấn. Tuy nhiên, chả mua được gì cả vì toàn đồ leo núi là chính, còn quần áo thì quá đắt so với VN. Đối với các đồ lưu niệm có lẽ mặt hàng thủ công và các mẩu đá sưu tầm từ trên Mont Blanc là có vẻ hấp dẫn hơn cả. Tiếp đó, anh em nhà cháu đến ga tàu hỏa Chamolix. Té ra ở nơi thâm sơn cùng cốc và trên độ cao như thế này song người ta vẫn duy trì hoạt động của đường sắt mới tài chứ. Và đường sắt ở đây cũng là loại đường sắt đặc biệt- đường sắt có răng cưa để đủ khả năng leo dốc cao. Loại này trước đây ở Việt nam cũng đã từng có- đó là đường sắt Phan Rang- Đà Lạt nhưng sau đó đã bị phá dỡ đi mất. Ga Chamolix như một viện bảo tàng nhỏ về lịch sử phát triển đường sắt ở đây. Trong ga có rất nhiều tấm ảnh về quá trình xây dựng đường sắt qua những địa hình phức tạp bằng những công cụ hết sức thô sơ cách đây hơn thế kỷ. Còn bên ngoài nhà ga là khu trưng bày chiếc đầu máy cổ xưa cùng những cụm thiết bị liên quan đến đường sắt như cặp bắng răng truyền lực và đường ray có răng cưa, mô hình lắp ghép chúng với bánh xe lửa v.v... Tham quan chán anh em nhà cháu ngả lưng trên bãi cỏ cạnh đó một lúc lâu. Ngả mình trên bãi cỏ xanh, ngửa mặt ngắm không chán mắt màu xanh ngọc thạch của bầu trời cùng những đỉnh núi hùng vĩ phủ màu tuyết trắng. Thật là sảng khoái! Nhớ lại những bồn hoa trên đường, những gương mặt tươi cười mà mình đã gặp không chỉ ở đây mà cả ở Pháp, ở Thụy Sĩ- ko phải 2/3 che kín như nin-ja ở HN, SG còn 1/3 thì nhăn nhó, cáu kỉnh... tự nhiên nhà cháu bật ra hai câu thơ:
Trời xanh, mây trắng, nắng vàng
Hoa tươi, người đẹp... thiên đàng đấy chăng?

Mãi đến gần tối, đoàn lên Mont Blanc mới về đến thị trấn. Ai cũng xuýt xoa vì lạnh, vì lạ và cũng vì niềm hứng khởi. Cả đoàn lên xe chạy về một thị tứ nhỏ gần biên giới Pháp- Ý. Ở đây lại gặp người quen: Ibis!
Buổi tối kết thúc bằng trận rượu vang+ xì gà+ chém gió của mấy gã liền ông trong gió mát (không có trăng thanh) ngoài sân KS. Tận đến lúc hết 6 chai và gió quá lạnh mới tạm dừng. Đời mà cứ thế này kể cũng thích thật!





















Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành!

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Vẫy đuôi

Rồng này có những bốn đuôi
Quanh năm vẫy gió gọi mời tứ phương
Vẫy hoa vẫy bướm trong vườn
Vẫy người qua lại trên đường hỏa xa
Đuôi dài càng vẫy bao la
Đuôi cao sẽ nở mùa hoa trắng ngần
Ai  xa vẫy lại cho gần
Ai sơ vẫy lại để thân nhau cùng
Chỉ khi cây lặng gió đừng
Thì rồng đây mới chịu ngừng vẫy đuôi.

28/09/2016
Đỗ Đình Tuân

Xem bóng đá


Ngoại hạng Anh, Mờ-u đá muộn
Một mình xuýt xoa, tấm tắc giữa đêm
Vợ ôm gối ra nằm xem cạnh
Hay..hay, chồng, sao không thấy...
                                                      ...Hồng Sơn(?)

                                                            24/9/2016
                                                           Đỗ Văn Nghị

Sức mạnh của ngôn từ


Chúng ta đang dần thêm già = Chúng ta đang mất dần tuổi trẻ.
Kiểu gì thì ta cũng thích “Thêm”, không thích “Mất”.
Mặc kệ là “Thêm GIÀ
 
VA

MÃN KHAI





BỨC ẢNH NGÀY XƯA VÀ BÂY GIỜ


Năm mươi năm cuộc chiến đôi miền
Giặc Mỹ khom lưng, thiếu nữ hiền...  
Khẩu súng chừng như e ấp lắm
Vòng tay vẫn cứ tựa thần tiên
Muôn xưa nước Việt từng nhân nghĩa  
Vạn kiếp dân nam thắng dẹp phiền  
Trái đạo càn khôn loài quỷ dữ  
Muôn vàn quả ngọt ắt làm tiên.

                                                                                                                   VN

THU CẢNH

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh vườn mùa thu đẹp

Vườn thu xào xạc lá thu rơi
Hơi lạnh se se khắp mọi nơi
Trước cửa rung rinh hoa thắm nở
Ngoài sân ăm ắp nắng vàng phơi
Cây trà trên chậu đơm thêm nụ
Cuốn lịch trên tường bóc đã vơi
Năm tháng trôi dần vào dĩ vãng
Xuân đang lấp ló phía chân trời…
                              Nhân Hưng, ngày 28-10-2012
                                               Tạ Anh Ngôi  

CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 16

Thêm tý Giơ ne vơ
Theo kế hoạch, ngày hôm nay đoàn sẽ đi thăm một thành phố nữa ở phía bên kia hồ Léman- TP Lodan nhưng vì vợ chồng nhà “đồng hồ” lại có vấn đề với của quý mới sắm- cần sửa cái gì đó, hình như cái dây đeo thì phải. Cũng phải thông cảm thôi, phải chi gần tỷ mua đồ mà nó không hoàn thiện thì ai mà chịu được. Với lại còn phải làm thủ tục hoàn thuế nữa. Vì vậy, nhất định họ sẽ phải quay lại đó, mà nó 8 giờ mới làm việc nên ít ra phải 10 giờ mới xong là sớm. Nếu đi Lodan rồi lại quay về đây thì hóa mua đường, với lại ngay ở Giơ ne vơ cũng còn một số địa điểm chưa tham quan, trong khi Lodan cũng không có gì đặc biệt. Vì vậy, cả đoàn thống nhất không đi Lodan nữa mà sẽ đến tham quan khu vực Trụ sở phái bộ Liên hiệp quốc tại châu Âu. Trong lúc đó vợ chồng nhà “đồng hồ” sẽ đi giải quyết công việc của họ.
Trụ sở phái bộ LHQ đóng ở ngoại vi thành phố Giơ ne vơ, trong một cánh rừng. Mà cái thành phố này cũng lạ, trừ khu phố cổ tập trung ở bờ hồ Lé Man thì ở các khu vực khác nói “thành phố ở trong rừng” hay “rừng trong thành phố đều được”. Rất nhiều cây xanh và thảm cỏ. Chả thế mà môi trường ở đây trong sạch thế, đến nỗi xe các nước khác vào đất nước họ lại phải đóng phí môi trường!
Không được hoành tráng như trụ sở LHQ ở NY song trụ sở phái bộ LHQ ở đây cũng rất uy nghiêm với hai hàng quốc kỳ của các nước thành viên cắm phía trước. Chắc họ sắp xếp theo bảng chữ cái hay sao đó nên quốc kỳ VN ta và Hoa Kỳ ở sát cạnh nhau. Tuy nhiên, chờ mãi để bấm một kiểu cả hai lá cờ tung bay mà không được. Hôm nay ít gió quá!
Đối diện với phái bộ LHQ là một công viên, ở đây có đài phun nước khá lớn, đặc biệt có hai tượng đài mà ý nghĩ của nó rất sâu sắc. Đó là tượng đài một khẩu pháo mà nòng bị xoắn thắt lại- một số các cụ nhà ta nói đùa là bị “thắt ống dẫn tinh”. Tất nhiên, nó chẳng nói gì hơn là nguyện vọng chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xung đột trên Trái đất này. Nhưng dường như đó vẫn chỉ là mơ ước xa vời khi mà ở nhiều nơi trên thế giới vẫn có hàng chục người thiệt mạng vì bom đạn, súng ống mỗi ngày... Còn tượng đài thứ hai là một chiếc ghế khổng lồ bị gãy mất một chân- chắc nó được dựng lên để phản đổi việc dùng mìn sát thương trong chiến tranh, đồng thời ủng hộ các giải pháp làm sạch bom mìn tại các khu vực đã từng có chiến tranh trên trái đất. Nói chung, đấy là một ý tưởng tuyệt vời và có ý nghĩa cảnh báo ghê gớm.
Ngay gần trụ sở phái bộ là trụ sở của Cao ủy LHQ về người tỵ nạn UNHCR và một số cơ quan khác. Tuy nhiên việc canh gác ở đây nhà cháu cảm thấy rất lỏng lẻo, bình thường. Có lẽ người ta đã quá tự tin vào an ninh, an toàn ở đây thì phải.
Đến giờ hẹn, cả đoàn lục tục quay lại vị trí xe đỗ. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy cặp đại gia “đồng hồ” có mặt theo hẹn. Dẫu vậy, cả đoàn vẫn rất vui vẻ chờ và tỏ ra thông cảm với họ. Ai chả có lúc phải phiền đến mọi người một chút, phải không các cụ?
Mãi đến 10.30 mới thấy họ trở về, mặt mũi hớn hở. Chắc là mọi việc đã mỹ mãn! Mấy thành viên trong đoàn đùa vui: từ hôm qua đến giờ phải chờ nhiều quá, phải có gì bù đắp chứ? Anh chàng mê đồng hồ vui vẻ nhận lời.
Một lần nữa xe xuyên qua thành phố nhằm biên giới Thụy Sĩ- Pháp nhưng ở phía bên kia của đất nước đồng hồ nhỏ bé này thẳng tiến. Đích đến hôm nay của đoàn là Chomanix- một thị trấn du lịch dưới chân Mont Blanc.