Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Tảng đá tiệt lộ thiên cơ: Tàng tự thạch

     "Tàng tự thạch" ở Quý Châu (Trung Quốc)

[Chanhkien.org] Vào tháng 6 năm 2002, một “tàng tự thạch” (tảng đá mang chữ) có niên đại 200 triệu năm tuổi đã được phát hiện tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Một vết nứt vỡ được hình thành từ 500 năm trước đây trên tảng cự thạch đã để lộ ra 6 chữ Trung Quốc, khắc nổi trên mặt đá như thể được viết bằng bút lông, “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”). Riêng chữ “vong” trông đặc biệt lớn. Các phương tiện truyền thông chính thức tại Trung Quốc đại lục đều tường thuật tin này, nhưng họ giấu nhẹm chữ “vong” đi và chỉ đề cập rằng trên đó viết “Trung Quốc Cộng sản Đảng”. Tuy nhiên chữ “vong” có thể thấy rõ ràng trên ảnh của tờ Nhân dân Nhật báo và mạng Tân Hoa Xã.
Theo một phiên bản hải ngoại của tờ Nhân dân Nhật báo, huyện Bình Đường là một vùng núi cao với thung lũng sâu ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc. Thôn Chưởng Bố của huyện Bình Đường là một vùng thắng cảnh hữu tình, rộng chừng 6 cây số. Tại nơi đây, người ta có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên với nhiều vùng núi non kỳ bí, các dòng sông, những khối đá, hang động, tre nứa và cả cá nữa. Vùng này bị cô lập và vẫn còn hoang sơ không có dấu vết con người trong một thời gian dài.
Tháng 6 năm 2002, Triển lãm Nhiếp ảnh Quốc tế Đô Quân coi vùng này là một thắng cảnh để chụp ảnh. Trong một đợt khai quang vùng này như thường lệ, “tàng tự thạch” đã được phát hiện một cách tình cờ.
“Tàng tự thạch” bị vỡ làm đôi do rơi xuống đất từ một vách đá, và vết nứt vỡ đủ rộng để chứa hai người. Hai phần của tảng đá rộng 6 mét ở mỗi phần, cao gần 3 mét và nặng khoảng 100 tấn. Những chữ “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” có thể được thấy rõ ràng ở mảnh phía bên phải, và mỗi chữ lớn gần 1 mét vuông. Các chữ này nhìn rõ tới mức chúng dường như đã được khắc vậy.
Sau khi tới khu vực thẳng cảnh tại thôn Chưởng Bố vào tháng 10 năm 2003, Phó Chủ biên tờ Nhân dân Nhật báo, ông Lương Hành viết: “Khi ở trên vách đá, người ta có thể phát hiện rằng những đám mây có thể trông giống con chó, hay thứ gì đó trông giống một người hay con thú, bức tranh hay biểu đồ. Tuy nhiên, tất cả những thứ này đều bị giới hạn bởi bề ngoài của bức tranh. Nếu hôm nay một tảng cự thạch đột nhiên có thể viết, nói, điêu khắc, phát triển kỹ năng viết, hay sử dụng các thuật ngữ chính trị, thì liệu người ta có tin không? Liệu họ có dám tin điều đó không? Nhưng đối diện với hai mảnh của “tàng tự thạch” bị tách ra, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc phải tin.”
Các du khách đi tìm những hiện tượng kỳ bí đã không thực sự dám tin vào điều đó. Dù có khéo léo như Trời Thần, thì làm sao mà có thể xảo diệu đến thế? Đã từng có “Sách trời”, “Đá Mặt trời”, “Đá Thần”, v.v. và nay lại thêm “tàng tự thạch”, thứ đã trở thành kỳ quan chính trong “bảy kỳ quan” của thung lũng Chưởng Bố, và nhận được sự thán phục của nhiều người.  Trong tháng 8 năm 2003, huyện Bình Đường đã mời một chuyên gia địa chất tỉnh Quý Châu để điều tra về Chưởng Bố, người sau đó đã viết một báo cáo chi tiết về cuộc khảo sát. Báo cáo khẳng định rằng “tàng tự thạch” đã rơi xuống từ một vách núi cao về phía thung lũng sông của Chưởng Bố. Trên dốc đứng của vách núi, có thể thấy một vết lõm tương ứng ở nơi mà tảng đá rơi. Sau khi khối cự thạch này rơi, nó tách làm đôi, và những chữ giống như viết bằng bút lông “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” có thể được thấy rõ ràng ở phần bên phải mặt trong khe nứt.
Ba tháng sau, đoàn khảo sát văn hóa khoa học Trung Quốc gồm các nhà khoa học nổi tiếng để điều tra về các hiện tượng địa chất dị thường ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu đã được thành lập để nghiên cứu “tàng tự thạch” trong khoảng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 2003. Đoàn gồm 15 người, trong đó có ông Lý Đình Đống, viện sĩ Học viện Khoa học Trung Quốc, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, là một chuyên gia về Địa chất Không khí và Biểu đồ Địa lý; ông Lưu Bảo Quân, một nhà địa chất học trứ danh của Học viện Khoa học Trung Quốc; ông Lý Phượng Lân, giáo sư Đại học Khoa học Địa lý Trung Quốc, ủy viên của Công viên Địa chất Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên Đất Quốc gia, và là một chuyên gia cổ sinh vật học.


Các chuyên gia tin rằng “tàng tự thạch” ở thung lũng sông Chưởng Bố có niên đại khoảng 270 triệu năm trước, thuộc kỷ Péc-mi. Sự sắp xếp ngay ngắn của các chữ trên “tàng tự thạch” có thể được giải thích từ khía cạnh địa chất rằng không có dấu hiệu là chúng đã được con người làm ra, tuy thế xác suất xảy ra là rất nhỏ. Tảng “tàng tự thạch” này không chỉ là một kỳ quan tầm cỡ thế giới, mà còn có một giá trị nghiên cứu địa chất lớn.
Trong cuộc khảo sát này, Nhân dân Nhật báo, CCTV, Quang Minh Nhật báo, Khoa kỹ Nhật báo, Vệ tinh Du lịch, Đài truyền hình Quốc tế Trung Quốc, cùng hơn 20 hãng thông tấn khác bao gồm People’s Daily.Net, Sina.Net, Eastern Net, Sohu.Net, Yahoo, và New China đều đưa tin về phát hiện trên. Hơn 100 tờ báo khác, cùng các đài truyền hình và các website đã đăng lại tin về cuộc khảo sát khoa học này.
Ngay cả khi không ai dám đề cập đến chữ thứ 6, “vong”, và họ chỉ đưa tin về 5 chữ đầu, thì bất cứ ai cũng có thể thấy và hiểu được ý nghĩa của nó.
Trong vũ trụ vô hạn với những khả năng vô hạn này, điều gì cũng có thể xảy ra. Trong thời không vô hạn của chúng ta, Tự Nhiên luôn có thể tạo ra những đồ án lý tưởng nhất; trong khi sự trùng hợp này chỉ có thể xảy ra trong hàng tỷ năm, và bất ngờ thay, đã xảy ra tại làng Bố Y, huyện Bình Đường.
(From Email TTV)/Đại kỷ nguyên

SON CON






HƯƠNG SẮC....

Kết quả hình ảnh cho HƯƠNG SẮC....
 
Phố núi quê mình thắm sắc hương
Lời ca điệu hát gọi muôn phường
Bao cô gái đẹp tình e ấp
Vạn điệu xòe hoa gợi nhớ thương

Vọng khắp non sông khúc sáo mèo
Vang trùng hải lý điệu chăm pa
Sáu câu cổ nhạc miền nam bộ
Giọng lý qua cầu thực thiết tha 


Nhịp phách vòng quanh đón ngựa ô
Dân ca xứ nghệ giận thương mà
Mải nghe ví dặm người yêu tỏ
Xứ húê câu hò vẫn bổng xa 


Đất nước trong mình rộn tiếng ca
Ngàn hương sắc biếc vẫn reo hòa
Non sông nghĩa nặng tình dân tộc
Vui hội ngàn hương sắc đặm đà

                                          VN

ĐƯỜNG LÊN CHÙA ĐỒNG YÊN TỬ

                                                                            
Yên Tử, ngày 29-11-2016
Photos & Giới thiệu :Tạ Anh Ngôi

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Họa thơ bác Nguyễn Trân Trân


Đúng là tay Đỗ Đình Tuân
Dở khôn dở dại hâm hâm nửa vời
Ương ương chẳng giống như người
Để cho sét đánh lỡ thời uổng công
Có buôn dưa, có bán hồng
Nhưng không có chí làm Rồng rẽ mây
Yên lòng vui với cỏ cây
Qua vận rủi đến vận may nhờ trời
Không cay đời, chẳng nín hơi
Cứ thơ cứ rượu cứ cười “bông dua”
Nghĩ về “tiếng sét” ngày xưa
Thoảng qua như trận gió lùa sau lưng.
28/11/2016
Đỗ Đình Tuân
Phụ chép thơ bác Trân Trân

Dòng tộc nhà Đỗ Đình Tuân
Sinh ra một gã hâm hâm nửa vời
Văn chương chữ nghĩa bời bời  
Vì một "tiếng sét" lỡ thời tiếc không  
Một thời buôn vải bán hồng  
Vẫn nuôi chí quyết làm Rồng rẽ mây  
Tưởng rằng mất quả được cây
Hóa ra rẽ hướng lại hay quá trời  
Cay đời ngậm nín dài hơi  
Nhờ hồng phúc trả nợ đời sướng chưa  
Nghĩ lại tiếng sét ngày xưa  
Cám ơn người đổ gió mưa giữa chừng!
 
Nguyễn Trân Trân

Điểm diện nhà văn nhà thơ 58: Nông Quốc Chấn

58. Nông Quốc Chấn
     (1923-2002)

Tưởng anh dọn về làng xưa
Ngờ đâu về tận thủ đô nhận nhà
Sướng cái bụng lắm lắm à
Đêm là đèo gió ngày là hồ Tây.
                     Xuân Sách
 
        Nông Quốc Chấn, nhà văn người dân tộc Tày, tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18-11-1923 tại Ngân Sơn, Cao Bằng, mất ngày 4-2-2002. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Tây Bắc vào thi ca”. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt II.

Bình dị Nông Quốc Chấn
Thứ Sáu, 10/05/2013, 14:31 [GMT+7]

            Tôi có khoảng 20 năm làm việc dưới quyền bác Nông Quốc Chấn. Khi còn học phổ thông cấp 3 (1962) tôi đã được đọc và học bài thơ “Dọn về làng” của ông đoạt giải thưởng ở Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới họp ở Berlin năm 1951. Bài thơ là một áng văn chương giản dị, đậm chất dân tộc và lạc quan trong niềm vui chiến thắng.
         Nông Quốc Chấn trước hết là một nhà hoạt động văn hóa đầy tâm huyết và mẫu mực. May mắn, tôi được gần gũi ông qua công việc có thể gọi là hằng ngày. Ông phụ trách khối Văn hóa quần chúng của Bộ văn hóa. Thực sự, khối lượng công việc này rất rộng lớn, là linh hồn và sự sống còn của mọi hoạt động trong đời sống văn hóa nhân dân. Trong thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, có sự đóng góp một phần không nhỏ của công tác văn hóa quần chúng. Đấy là những phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, và rất nhiều đội văn nghệ xung kích, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, chống mê tín dị đoan. Là các cuộc phát động thi sáng tác, biểu diễn văn nghệ ở khắp các địa phương mà đã phát hiện được rất nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước và hầu như các nghệ sĩ trở thành nổi tiếng đều đi lên từ những phong trào ấy như Trần Khánh, Thanh Hoa, Quang Thọ, Ngọc Bé, Quốc Đông, Mạnh Hà... và rất nhiều các nhà thơ, nhà văn, kể cả những cái tên nổi lên mà bây giờ người ta mới thấy có lý, đó là nhà thơ Cầm Giang và Bút Tre...
         Nông Quốc Chấn là một “cây sào” đẩy con thuyền văn hóa Việt Nam vượt qua nhiều ghềnh thác và sóng gió bằng chính tình cảm và hành động của ông. Quả thật, tấm gương của ông và kinh nghiệm của ông làm bài học thực tiễn cho các tầng lớp cán bộ văn hóa ở cơ sở. Chưa bao giờ người ta thấy ông nói những lời to tát, và khi gặp vấn đề phức tạp hay khi cán bộ của mình mắc khuyết điểm thì ông tìm hướng giải quyết nhẹ nhàng với tình cảm thân ái, chính vì thế ông như “cục nam châm” thu hút bạn bầu và cán bộ cấp dưới nể trọng, tự giác phục tùng.
         Ngay trong những bức thư gửi cho cấp trên hay viết cho cấp dưới, lúc nào ông cũng tìm những ngôn từ khiêm tốn và giản dị song đầy thuyết phục. Chính tôi biết lá thư của ông gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc xin thành lập “Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số” cũng rất chân tình và giản dị, chính vì thế, thư ông đã được trả lời ngay là đồng ý, và chính đồng chí Tổng Bí thư gợi ra lộ trình để từng bước tiến hành.
         Ông là nhà thơ và là Thứ trưởng Bộ Văn hóa nhưng có cuộc sống rất bình dị. Nhà ông lúc đầu ở tầng 3 khu tập thể Kim Liên, sau lại chuyển về con phố cụt giáp với chợ Giời, phố Yên Bái. Ông ở lầu 2 một căn hộ hình thước thợ, nhìn hướng tây nên mùa hè nóng như rang. Mãi vài năm cuối đời, ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Toàn Cảnh, anh em mới sắm cho ông được cái máy điều hòa nhiệt độ và cái ti-vi 21 inch của hãng JVC do Việt Nam lắp ráp.
Gần như suốt thời kỳ “làm quan” ông vẫn chỉ tiếp khách bằng bộ sa-lon gỗ gụ đã bạc phếch. Đối với ông, các hàng quán chỉ là một thứ xa xỉ. Sáng nào, trước khi đến nhiệm sở ông cũng “làm” hai bát cơm nóng với thức ăn đơn giản, có khi lại ăn cơm rang do bác gái dậy sớm chuẩn bị, có lúc vội thì “xơi” cơm nguội.
       Có lần, tôi được Bộ cử đi công tác ở Tiệp Khắc, do ông ký quyết định. Trước khi đi tôi vào thăm ông đang nằm viện. Ông dặn dò và đưa cho tôi vài chục “cua-ron” (tiền Tiệp) và bảo: Sang đấy nhớ mua cái mũ nồi mà đội, cậu đội loại mũ này hợp đấy, còn thừa tiền mua cho mình cái “đùi gà” của cái ấm đun nước bị cháy để chị ấy có cái đun nước hằng ngày nhé. Tôi buộc phải cầm tiền mà thấy lòng ái ngại vô cùng, vì năm ấy lần đầu tiên được xuất ngoại chẳng biết thế nào, nhưng thôi thủ trưởng dặn thì cứ biết thế, rồi sau này tùy cơ ứng biến.
         Lại lần nữa, ông bảo, tôi với anh đi mua cho thằng cháu (con anh cả) đôi giầy “bat-kết”. Thằng cháu đi học về, lếch thếch một chân giầy, một chân đất. Thì ra, mải chơi đùa cu cậu đánh mất một chiếc giầy. Ông nội đành cầm nốt chiếc giầy còn lại để cùng tôi mang ra hiệu mua đôi khác. Mua được cho cháu đôi giầy mới, tưởng ông vứt chiếc giầy cũ đi, ai ngờ ông mang về cất để “phòng” khi nó đánh mất một chiếc lần nữa, thì đã có chiếc này thay thế. Tôi thấy mình muốn tủm tỉm cười về cái tính “cẩn thận” của ông, mà sự cẩn thận ấy là cái hồn nhiên vô tư không hề tính toán của một nhà thơ đâu kém phần lãng mạn.
         Người ta bảo làm “quan” ở Bộ Văn hóa, ông Chấn là một người “thiệt thòi” nhất, cũng là bởi ông chẳng bao giờ đòi hỏi, so bì với ai. Có thế nào hưởng thế ấy. Có lần đi công tác Sài Gòn, ông mang cả gói đường, hộp sữa và cà-phê trong cặp. Ấy thế mà tiện, nằm cùng phòng với ông trong nhà khách Bộ ở Sài Gòn, sáng nào ông cũng dậy sớm pha cà-phê và cho tôi uống cùng, chả mấy khi ra hiệu. Cứ đi công tác ở đất “phồn hoa đô hội” này thì đâu có tốn.
Quả thật bài thơ của Xuân Sách nói về Nông Quốc Chấn trong cuốn “Chân dung nhà văn” thật oan cho ông, và không chính xác, không đúng 100%, bởi tôi biết, chưa bao giờ ông “giành nhà” hoặc hưởng thụ xa hoa như thơ Xuân Sách nói. Nông Quốc Chấn lúc mất cũng yên lặng như chính sự lặng lẽ của đời ông, mà ngay cả gia đình cũng bất ngờ.
         Trước khi mất vài tháng, ông còn bảo tôi: Hôm nào rảnh rỗi, anh dẫn tôi và nhà tôi đi ăn bánh tôm Hồ Tây nhé. Từ ngày về Hà Nội đến nay, bà nhà tôi chưa một lần được biết Hồ Tây. Thế đấy, anh em chưa kịp hẹn nhau trọn nghĩa tình thì anh ấy đã vội đi xa, thế là cái quán bánh tôm Hồ Tây ấy vẫn còn đây mà không bao giờ có cơ hội nữa để đón vợ chồng nhà thơ xuất sắc của dân tộc Tày đến thưởng thức bánh tôm và một lần bà lão được ngắm Hồ Tây như ước nguyện thật đơn giản như những gì đơn giản nhất của đời ông…
Trần Trương

LỜI VÀNG NGỌC CUỐI CÙNG CỦA HƯNG ĐẠO VƯƠNG

"...phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được."
 

 
Việt Nam buổi mới khai thiên
Nước non muôn dặm đẹp miền sơn khê
Dân lao khổ đã hướng về
Cội nguồn dân tộc đâu nề hy sinh
Dỡ nhà... hiến máu... của mình
Thân làm giá súng, trung trính, tung hoành
Quản chi gươm súng bạo hành
Xông lên trận mạc quyết giành tự do
Hòa bình xây dựng cơ đồ
Mặc ai nhũng nhiễu, tham ô, cửa quyền
....
Thuế cao sưu nặng triền miên
Vẫn giao nộp đủ chẳng phiền lụy chi
Chỉ mong nhà nước hoàng huy
"Khoan sức dân..." không có gì được hơn. 

 
                                    VN

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Văn tế đệ tứ tổ nhân 100 năm ngày giỗ



Văn tế đệ tứ tổ 1
nhân 100 năm ngày giỗ


Hôm nay hăm tám tháng mười, 2
Nội ngoại anh em họ Đỗ;
Nghiêm trang đứng trước từ đường,
Kính cẩn dâng hương cúng tổ.
Từ khi Người cưỡi hạc vân du;
Thấm thoắt đã trăm năm ngày giỗ.
Nhân tình đã lắm đổi thay
Thế sự trải bao biến cố…
Nhớ linh xưa:
Trưởng thượng trong làng, vẹn nguyên nét cổ.
Buông quần lá tọa, búi tóc củ hành
Phe phấy quạt mo, nhẩn nha guốc gỗ
Tự là Kính Chỉ, dáng người luôn giản dị, ung dung;
Húy Đỗ Đình Hy, tâm tính vốn hiền lành, đức độ.
Thập lý hầu, kiêm trưởng văn vũ hội lão nhiêu;
Sung bổ chức, chánh tổng Cổ Châu tiền bản xã.
Một đấng nam nhi, ba bà nội trợ.
Bà cả chưa con, sớm về tiên tổ.3
Kế thất Phương Thị Noãn, sinh gái Ngoạn, trai Hào; 4
Thứ thất Đỗ Thị Trà, sinh tam nam, nhị nữ. 5
Từ đó Đỗ gia thêm nhánh thêm cành;
Con cháu sinh sôi đông chồi nhiều nụ.
Âu cũng nhờ phúc đức tổ tông;
Dễ đâu phải bỗng dưng mà có ?
Cám công dưỡng dục sinh thành,
Xin tỏ muôn vàn kính nhớ.
Hôm nay truy niệm ơn Người,
Con cháu đồng lòng kính hứa:
Đốt trên đốt dưới, luôn gắn kết răng môi;
Nghĩa tử nghĩa tôn, vẫn ấm tình máu mủ.
Như cá một bầy, như chim một lũ.
Không tách chia đàn, không phân bỉ thử.
Ba chi thành thế vạc ba chân;
Chung gánh vác lo gì nghiêng đổ.
Anh em hòa thuận, nuôi dưỡng đạo nhà;
Con cháu thảo hiền, mở mang nghiệp tổ.
Công đức tổ tiên ngày một nêu cao;
Thế hệ mai sau ngày càng tiến bộ.
Tu tâm tích đức nối gót tiền nhân;
Phúc ấm điểm lành sinh sôi nảy nở.
Cúi xin tằng tổ, liệt tông…;
Đoái thương phù trì giúp đỡ.
Cho nhà nhà thịnh vượng an khang;
Để mãi mãi vững bền dòng họ.
Cúi xin thượng hưởng!
 
                       09/11/2016
                       Đỗ Đình Tuân
1  
11 Đệ tứ tổ: tức cụ Kính Chỉ Đỗ Đình Hy: cụ tổ đời thứ tư của dòng họ Đỗ Đình thôn Thông Lộc xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh,(Thời trước là Cổ Châu Hạ xã, tổng Cổ Châu, huyện Chí Linh).
2.2     Hăm tám tháng mười: 28/10/ năm Bính Thân tức 27/11/2016, Họ Đỗ tổ chức ngày giỗ kỷ niệm 100 năm ngày mất của cụ. (Cụ mất ngày 28/10/ năm Bính Thìn tức là ngày 23/11/1916)
3.3     Bà cả: gia phả chi 1 không ghi bà này, chỉ ghi “Kế thất Phương Thị Noãn… gia phả chi 2 ghi là “Chính thất Nguyễn Thị Thích”
4 4    Cụ Noãn sinh gái cả là Đỗ Thị Ngoạn và một giai trưởng là Đỗ Đình Hào.
5.5   Tam nam là các cụ Đấng, cụ Trường, cụ An. Nhị nữ là cụ Thang, cụ Điểm (Theo thứ tự trên dưới là: Cụ Thang, cụ Đấng, cụ Trường, cụ An, cụ Điểm).


27/11/2016
Đỗ Đình Tuân

Điểm diện nhà văn nhà thơ 57: Võ Huy Tâm

57. Võ Huy Tâm
     (1926-1996)

Đem than từ vùng mỏ
Về bán tại thủ đô
Bị đập chiếc cán búa
Hoá ra thằng ngẩn ngơ.
                 Xuân Sách
 
Nhà văn Võ Huy Tâm... "vô tâm"

Nhà văn Võ Huy Tâm (1926-1996), sinh tại Nam Định nhưng làm phu mỏ nhiều năm ở Quảng Ninh. Ông bước vào nghề văn khá lạ với vốn văn hóa chưa qua bậc tiểu học. Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết "Vùng mỏ", dày ngót 500 trang, được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952.


   Nhà văn Võ Huy Tâm trong bộ đồ nghề công nhân mỏ
                               
          Mới đầu "Vùng mỏ", chỉ là những trang ghi chép, trang nhật ký tố cáo sự hà khắc của cai mỏ, nêu cao tinh thần đấu tranh, đòi tăng lương giảm giờ làm, bóc trần tội ác bóc lột của bọn thực dân Pháp. Sau ông được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn. Võ Huy Tâm có tới hàng chục cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ, kịch bản phim và truyện viết cho thiếu nhi, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Năm 2001, ông được tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt một.
        Năm 1970, ông về làm trưởng ban văn xuôi tuần báo Văn Nghệ. Có một cái tết, cơ quan phân phối mấy kg thịt lợn để mang về cho vợ con ở Quảng Ninh. Thịt được phân cho nhà văn từ 29 tết. Ông đạp xe từ Hà Nội đến thị xã Hải Dương thì trời tối, lại mệt. Không về ngay Quảng Ninh được, ông đành vào nhà một người quen ở đây, đưa tặng phần thịt và nói: "Tối hôm nay tôi ăn tết với gia đình ở đây, gia đình lấy mà cho tôi góp phần cỗ tí chút".
       Thế là giao thừa năm Bính Tý ấy, Võ Huy Tâm đón giao thừa nhà bạn ở Hải Dương, trưa mồng 1 tết mới đạp xe về Quảng Ninh và đến mồng 3 tết mới về đến nhà ở Cẩm Phả.
         Ngày ấy, Võ Huy Tâm và Ngô Văn Phú cùng ăn cơm ở bếp ăn tập thể của báo. Vợ con Võ Huy Tâm vẫn ở Quảng Ninh. Đầu tháng lĩnh lương ông tiêu pha rủng rỉnh... Cuối tháng lại ăn cơm chịu, có tháng quên thanh toán để nhà bếp nhắc. Trong cơ quan, Võ Huy Tâm thường chơi cờ tới khuya với Ngô Ngọc Bội cùng tổ văn. Để khỏi quên bàn thắng, bàn thua giữa hai đối thủ - ván được ván thua, Võ Huy Tâm phải lấy phấn gạch lên bàn. Biết những chuyện hay quên của Võ Huy Tâm, hai nhà thơ Vĩnh Mai và Ngô Văn Phú ở tổ thơ đã "tóm lược" viết chung một bài thơ vịnh để tặng Võ Huy Tâm với tựa đề:

"Võ Huy Tâm... vô tâm".

"Chính tên đích thực: Võ Vô Tâm
Chén đủ gà quay với thịt hầm
Truyện ngắn, truyện dài dăm  bẩy cái
Cháo lòng, chè chén, nợ quanh năm
Đánh cờ đến nỗi quên thua thắng
Phấn trắng đem ra... vạch trắng bàn".


Võ Huy Tâm nghe hai nhà thơ đồng nghiệp ở báo Văn Nghệ đọc, ông không phản ứng gì mà chỉ cười hề hề lấy làm vui.


                                      LÊ HỒNG THIỆN

LÒI THÀY CHU VĂN AN

Chưa từng thấy đất nước nào
Coi thường việc học lại cao nghiệp nền
Học mới là mắt nhìn lên
Hành là chân đó mới bền tương lai
Muốn vươn xây dựng lâu đài
Phải trọng việc học để dài bước chân.
 
                                                                                                                  VN.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Diểmdiện nhà văn nhà thơ 56: Bùi Hiển

56. Bùi Hiển
     (1919-2009)

Sinh ra trong gió cát
Đất Nghệ an khô cằn
Bao nhiêu năm "nằm vạ"
Trước cửa hội nhà văn.
                      Xuân Sách
Hầu chuyện nhà văn Bùi Hiển
09:29 | 07/06/2010

ĐỖ NGỌC YÊN (Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)
 
       Vào một sáng đầu thu, tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự, Hà Nội, nơi nhà văn Bùi Hiển đang sống cùng con cháu. Ông là một trong số những người đầu tiên tham gia thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên tháng 10 năm 1950, tổ chức tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay.

         Dù đi có hơi chậm và phải chống ba toong nhưng ở vào cái tuổi ngoại bát tuần như ông mà da dẻ vẫn hồng hào, khỏe mạnh thật là điều đáng mừng không chỉ cho con cháu, mà cho cả giới văn nghệ nước nhà. Khi vui bạn bè, ông còn có thể nhâm nhi đôi chút rượu ngon và trò chuyện rất rôm rả. Được hầu chuyện ông là một niềm vinh dự lớn đối với những người hậu sinh như tôi.

        Nhà văn Bùi Hiển tiếp tôi tại bàn làm việc của ông ở nhà riêng rất cởi mở và chân tình. Ông chậm rãi kể lại một cách say sưa những ngày ông đã sống và viết tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Ngay khi vừa đặt chân lên đất Thừa Thiên, tháng 8 - 1949, đoàn cán bộ tuyên truyền Liên khu IV đã đi cùng chiếc ghe với bốn người thương binh. Tất cả họ đều nằm im, không rên rỉ hoặc trăn trở vật vã gì. Trên đường đi ông đã gặp ở đâu đó một làng quê bị giặc Pháp đốt trụi. Trên nền nhà cũ có năm nấm mộ dài đắp song song... Những năm tháng tiếp theo ông đã lần lượt đi khắp 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, sống chung với đồng bào Thừa Thiên ở các làng, len lỏi giữa các đồn bốt giặc. Thỉnh thoảng ông đi công tác với tiểu đoàn 319 thuộc trung đoàn 101, một đơn vị nổi tiếng đã từng đánh tàu địch chuyển quân ở Hói Mít. Ngay sau đó, Bùi Hiển đã viết hai bút ký Một cuộc hành quân Người tù binh Pháp. Trong chuyến đi này ông ghi chép được khá nhiều tư liệu cho truyện Ánh mắt, sau này đăng tải trên tạp chí Thép mới của Văn nghệ Liên khu IV. Đây là một trong hai tập truyện mà đến bây giờ ông vẫn tâm đắc nhất.

         Ông cùng một số anh em công tác ở Sở Tuyên truyền Liên khu IV đã được cử vào Thừa Thiên công tác, giúp anh em trong đó xây dựng phong trào văn nghệ, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoàn gồm có nhà văn Bùi Hiển, các văn nghệ sĩ Phan Nhân, Nguyễn Hồng, Mặc Hy, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, Hồng Liên, Hoàng Tuấn Nhã, Hồng Chương, Đình Quang, Nguyễn Khắc Thứ, Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Minh Châu, Tấn Hoài, Hoàng Tài, Phan Giá, Minh Lương, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh... các anh chị em văn công Thừa Thiên, cán bộ và chiến sỹ trung đoàn 101... tập trung tại một làng trồng mía và dệt vải ở xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc phía nam tỉnh Thừa Thiên theo chỉ đạo của cấp trên. Đến tháng 10/1950 một cuộc Họp Bạn anh em văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tổ chức, đánh dấu sự ra mắt của Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Lúc đầu dự kiến khoảng 150 người về dự, nhưng vì bị địch càn nên số anh em ở phía bắc Thừa Thiên không vào được nên chỉ còn lại có 50 người. Ngay hôm khai mạc tiếng đại bác đì đùng nổ quanh những vùng lân cận. Mọi người một tai nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, còn tai bên kia lắng nghe tiếng súng để đề phòng địch càn qua. Nhìn ra đường mọi người thấy đồng bào đang nháo nhác chạy. Nhưng chỉ một lát sự yên tĩnh lại trở lại. Hội nghị tiếp tục và diễn ra trong bốn năm ngày gì đó. Trong cuộc Họp Bạn này có trình diễn các tiết mục văn nghệ và diễn cả vở Nhật Xuất của Tào Ngu (Trung Quốc). Một cuộc tranh luận về thơ, văn, nhạc, kịch đã nổ ra, có chấm và trao giải thưởng cho những tiết mục xuất sắc. Sau đó tổng kết, đánh giá và bầu Ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Trịnh Xuân An đã được cử làm Phân hội trưởng.

         Ông đã từng chứng kiến một câu chuyện có thật có xảy ra ở Phú Lộc. Sau này, năm 1951, ông đã viết thành truyện Mấy hình ảnh vùng tạm chiến. Câu chuyện kể về đám cưới của một chiến sỹ công an tên là Hiếu. Đám cưới vào buổi sáng, thì buổi chiều bọn địch đóng ở đồn Truồi nã moóc chi ê vào làng. Vợ người chiến sỹ công an mới cưới đã bị mảnh đạn vạt hẳn một bên đầu, óc trắng, nhởn chảy tràn ra nhuộm lẫn máu đỏ tươi. Người ta đưa chị vào nhà người chú của Hiếu thì chị đã chết. Hai lọ hoa cưới hải đường trắng muốt trở thành hai lọ tiễn đưa người tân dâu về nơi chín suối. Cảnh chạy Tây mọi người chen nhau xuống ghe, tròng. Một chị nạ dòng không kịp mặc áo, hai vú thổn thện ra sức rướn người chèo ghe vắt cả vú trùm lên trên đầu mọi người mà không hay biết. Những ngày ở Dương Hòa chỉ toàn ăn cơm gạo hẩm với rau tàu bay chấm nơ rơ (nước ruốc). Thấy anh em ăn nơ rơ miết, chị cấp dưỡng không đang lòng bèn tìm cách bắt cá về kho mặn cho anh em ăn. Sau những bữa ăn ngon như vậy mọi người hỏi chị cấp dưỡng bắt cá ở đâu. Chị cho biết ở đoạn suối gần cuối bệnh viện người ta thường vứt chân tay hỏng và những miếng thịt xẻo ra từ những chỗ bị thương của anh em thương binh xuống suối khiến cho lũ cá tụ hội về đây rất nhiều. Biết chuyện, mọi người yêu cầu chị cấp dưỡng chấm dứt sáng kiến cải thiện ấy. Rồi chuyện ba thanh niên Quốc học Huế rủ nhau xung phong vào Vệ Quốc quân những ngày đầu khi Cách mạng vừa mới thành công. Họ rất hào hứng và lãng mạn. Đến thời kỳ vỡ mặt trận Huế, họ chạy lên chiến khu ăn đói, mặc rét, ghẻ lở mọc đầy người, cứng khớp gối, đi khệnh khạng, mắt mở trừng trừng và tư tưởng bắt đầu chao đảo. Một anh đêm ngủ nằm chết còng queo. Anh thứ hai nửa đường ra trận đã bỏ trốn. Còn anh thứ ba vào trận suýt nữa bị địch bóp cổ chết, nằm lại một mình ở sườn đồi. Đêm xuống anh ta trốn vào làng đi ăn xin... Tất cả là những chuyện có thật mà nhà văn Bùi Hiển đã từng mục sở thị hoặc được nghe những người cùng đơn vị kể lại từ những năm 1949 - 1950. Sau khi hòa bình lập lại ông kể lại những chuyện đó trong Ánh mắt in trên tuần báo Văn nghệ đã bị nhiều người phê phán rằng như vậy là không đúng sự thật, với truyền thống của quân đội và tình cảm quân dân (!?).

         Nhạc sỹ Mặc Hy và nhạc sỹ Nguyễn Hồng chỉ với cây đàn ghi ta và đàn măng đô lin đi khắp mọi nơi hát cho đồng bào và chiến sỹ nghe. Họ hát một cách say sưa và vô tư, không có bồi dưỡng thù lao, cũng chẳng cần sân khấu hay giới thiệu gì, thuộc bài nào hát bài đấy. Và nếu cần thì sáng tác ngay những ca khúc mới phản ánh cuộc sống và chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ. Sáng tác đến đâu biểu diễn đến đấy, vừa sáng tác, vừa biểu diễn. Nhạc sỹ Mặc Hy sáng tác khá nhiều nhưng đáng chú ý nhất là các bài Làng vui, Dưới cờ Đảng Lao động Việt Nam, Hò đẩy ca nông... Riêng bài Công nông liên minh của ông đã được giải thưởng. Bài thơ Thuyền em lên xuống Ba Lòng nổi tiếng của Lương An nói về người con gái chở đò trên sông Ba Lòng đưa người cán bộ đi công tác. Đấy chính hình ảnh lấy từ nguyên mẫu chuyến đi biểu diễn của nhạc sỹ Mặc Hy.

         Trong thời kỳ ấy nhạc sỹ Hồng Liên và nhạc sỹ Nguyễn Hồng đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Nhà văn Bùi Hiển nhớ lại 5 người trong số anh em đoàn văn công Thừa Thiên - Huế cũng đã hy sinh. Cũng trong thời kỳ này nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã bị địch bắt. Và sau đó nhiều anh em không tiếp tục hoạt động văn nghệ nữa. Nhưng cái buổi ban đầu ấy là một thời kỳ hào hứng sôi nổi. Tất cả họ chiến đấu và lao động vì lý tưởng Cách mạng, vì đồng bào Thừa Thiên - Huế thân thương. Sau nửa thế kỷ trôi qua, ngồi nhớ lại nhà văn Bùi Hiển và nhạc sỹ Mặc Hy còn cảm thấy tự hào về những ngày tuổi xanh. Họ đã sống những năm tháng thật sự có ý nghĩa vì đồng bào mình, cho dân tộc mình. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sức trẻ họ không hề ngần ngại, sẵn sàng vượt qua để chiến đấu vì lý tưởng. Những bản nhạc, bài thơ, tập truyện,, bức tranh mà họ đã sáng tác trong những ngày Bình Trị Thiên khói lửa năm ấy mãi mãi là những di sản quí báu mà lớp cha anh đã để cho các thế hệ con cháu chúng ta hôm nay thật đáng quí biết nhường nào.

Hà Nội mùa thu - 2000
Đ.N.Y