Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI

Đỗ Đình Tuân

Phần ba

ÔNG TẶNG-ÔNG ĐĨ TỚI


Vào mùa nước, người làng tôi cũng đua nhau sắm sửa , hoặc tu bổ lại các đồ kiếm cua, kiếm cá. Các anh thanh niên lớn khỏe thì thường rủ nhau làm sẻo, mua sẻo. Sẻo là tên một dụng cụ đánh cá. Nó gồm một khung tre hình cánh cung nửa vòng tròn (180 độ). Cánh cung này được luồn qua một cán sẻo cũng được làm bằng tre, có lỗ đục ở đỉnh. Cán sẻo vừa là cái tay cầm vừa là cái trụ giữa của khung sẻo. Người ta nối hai đầu cánh cung với đáy cán sẻo bằng một sợi riềm dây gai, làm đường đáy sẻo. Còn thân sẻo thì chỉ là một cái túi lưới được luồn giữ vào cái khung sẻo kể trên để làm chỗ hứng cá. Khi đánh sẻo người ta phải cắm đáy sẻo xuống mặt ruộng rồi dùng một cái gậy tre nữa chống sau cán sẻo để giữ cho sẻo không bị đổ khi cá thúc, cá ghì. Người đánh sẻo thường chọn những chân ruộng trũng, có độ sâu ngập nước khoảng từ trên đầu gối đến bụng dưới là cùng. Nông quá thì chưa có cá mà sâu quá thì không lội lừa được. Vả lại độ cao của cán sẻo chỉ chừng độ một mét nên cũng không thể đánh sâu quá hai phần ba độ cao ấy được. Cá sẽ vượt chỗ trống ra ngoài mất. Người ta thường lợi dụng một cái bờ cao làm một mé chắn, rồi lần lượt cắm sẻo theo một hàng ngang từ trong bờ ra ngoài ruộng. Cái ngoài cùng cắm hơi vát vào một chút để đón cá vọt ra dìa. Từ đây mọi người sẽ nối đuôi nhau, chia đều khoảng cách quây lấy một khoảng ruộng úng, rồi chân khùa, tay ném đánh động lừa cho cá chạy vào sẻo. Vòng vây người càng khép lại thì tốc độ càng nhanh dần. cuối cùng thì phải cùng nhau ùa vào mà nhấc sẻo lên. Đám đánh sẻo thường rất ồn ào, khi lừa đuổi thì người ta hò hét. Khi nhấc sẻo lên được cá thì reo hò hố há ầm ĩ cả một khu đồng. Đánh sẻo vì thế tuy mệt, nhưng vui, rất thích hợp với đám thanh niên tuổi trẻ còn đang độ đông sức.
Những người lớn tuổi, lấy kiếm cá làm nghề kiếm gạo như ông Lý Tín, ông Trương Giai thì sắm vó bè; ông Tặng thì sắm độ mươi tay lưới bén một hai cái thuyền bơi. Còn đa phần lấy kiếm cá làm việc kiếm cái ăn thêm thì chỉ sắm một vuông vó tay hoặc vài tay lưới bén để “thả vẳng”. Thả vẳng tức là tìm một chỗ nghi có nhiều cá đi trên cánh đồng ngập úng, có độ sâu chừng đến rốn, lội xuống dọn lấy một đường cho sạch rong rêu, có độ dài bằng độ dài của các tay lưới mình định thả. Nếu có thuyền bơi thì ngồi thuyền mà thả lưới, nếu chưa có thuyền thì lội ruộng mà thả bộ. Thả xong thì lên bờ, lên đống ngồi chơi. Cứ một lúc lâu lâu lại đi soát lưới một lần, thấy có cá thì bắt gỡ, thấy có chỗ nào lưới rúm lại thì san ra cho đều…Đây là lối đánh của dân nghiệp dư chưa có kỹ năng kỹ xảo gì về bơi thuyền, thả lưới, và gỡ lưới. Chỉ là thấy “người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” thôi. Bố tôi và ông nho Mại là những người đánh lưới theo kiểu này.
Tôi cũng thường được theo bố tôi ra đồng xem đánh lưới. Chắc là ngồi “thả vẳng” một mình cũng buồn, nên bố tôi thường cho tôi đi theo. Những lúc có bạn và vui chuyện thì bố tôi lại cho tôi đi “soát lưới”. Thế là tôi lại bồng bềnh trên thuyền đi theo những đường thả lưới để kiểm tra. Nước ruộng trong văn vắt trông rõ cả lưới và cả đáy ruộng, nên có con gì vướng lưới cũng biết ngay. Mỗi giống cá cũng quấn lưới theo một cách riêng đấy. Có anh chạm lưới thì vội vàng quay đầu lại định tìm đi lối khác. Nhưng không kịp nữa rồi, lưới vòng lại theo ngay và trói chặt lấy anh ta bằng những “búi tròn”. Đó là giống cá chép, cá nhòng. Có anh vướng lưới thì cứ thế mà ghì, mà thúc lấy được, cố “mở đường máu” để thoát thân. Đó là giống trắm đen. Chúng phải kéo lưới chúi vào chân rong, chân súng một đoạn dài đến hàng mét.
Những lúc ngồi chờ không trên bờ, trên đống, bố tôi hay hút thuốc lào vặt và thỉnh thoảng ông cụ cũng kể chuyện. Cứ thủng thẳng nhát gừng và rất ngẫu hứng thôi chứ chẳng có hệ thống gì. Chẳng hạn có lần ngồi chờ trên đống Quán Giáo, giữa một cánh đồng ngập nước mênh mông trắng lạng, thì tự nhiên ông cụ bảo “Đây nó là một cái quán chợ đấy”. Rồi ông cụ chỉ tay ra phía bờ sông Đào “ Còn ngoài kia là Cổng Chợ”. Lần ngồi chờ trên đống Gốc Đề giữa bốn bề trắng nước thì ông cụ lại bảo “Ngày trước ở đây có cây đề to lắm, thời còn bé tao vẫn còn thấy gốc”…Chính những câu nói bất ưng của ông cụ như thế đã kích thích trí tò mò của tôi và cũng có lần tôi hỏi: “ Thế còn trại Phù Trang, trại Phù Trang là gì?”. Bố tôi giải thích: “ Phù Trang là trại nổi, chắc là bà công chúa đầu tiên về lập trại ở đấy, chứ ngày trước đã làm gì có đê.”…Thế là trí tưởng tượng của tôi lập tức bóc tất cả những con đê đi, những con đê dài dòng và quanh co theo bờ sông Lục Đầu giang, theo bờ sông Kinh Thày chạy mãi xuống tận Ba Kèo. Tôi cứ mặc cho nước của những dòng sông Cái thả sức mà tràn vào trong đồng dìm ngập tất cả xuống. Chỉ còn lại có một cái Trại Nổi và một bà công chúa…
Người đánh lưới “ăn gạo” đánh kiểu khác. Làng tôi chỉ có nhà ông Tặng mà tôi gọi bằng chú là đánh lưới bén “ăn gạo” thôi. Chú Tặng là con bà hai, bố tôi là con bà cả. Ông tôi có những ba bà đồng thê cơ. Bà cả được bốn người con giai sinh vào các năm 1905,1909,1913 và 1921. Bố tôi là thứ ba, nên làng gọi là “Ông Ba Đăng”. Giữa bố tôi và chú út có một lần sinh con gái nhưng không nuôi được. Bà hai được cô Hằng, chú Tặng và cô Thắng. Lúc tôi lớn thì cô Hằng đã có một đàn con, người làng không gọi cô theo tên chồng nữa mà đã gọi theo tên con cả: cô Lưu. Còn cô Thắng lấy chồng người Nam Gián Đoài, tuy cũng nhiều con, nhưng ở xa nên người làng vẫn quen gọi theo tên chồng: cô Xuân. Bà ba được chú Sen và cô Hường. Cô Hường sinh năm 1935 là bà cô duy nhất còn sót lại của thế hệ này. Cô Hường không có chồng. Có đi kiếm một lần nhưng không nuôi được. Cũng có lần, một ông già người làng bên hỏi làm vợ lẽ để định đẻ thêm con, những cũng không thành gia thất. Cô trở về nhà sống với mẹ và anh. Bây giờ thì mẹ và anh đều mất cả, bà sống với các cháu con anh ruột.
Ấy là chưa kể còn bà Nghiêm Thị Cách, người cùng làng, mới dạm hỏi chưa cưới xin gì, nhưng theo tục lệ ngày xưa “ miếng trầu là dâu nhà người” nên trong “Đỗ tộc gia phả” vẫn thấy ghi tên bà là chính thất. Cả bà đẻ ra bố tôi- bà Lê Thị Áng-cũng ghi là chính thất. Vậy là ông nội tôi có đến hai bà chính thất. Tôi còn được nghe kể về cuối đời ông tôi đâu còn dan díu với một bà nữa gọi là bà Tư Út. Nhưng cuộc nhân duyên này diễn ra khi bốn đứa con giai bà cả đã lớn bằng sào bằng gậy cả rồi. Không hiểu do bà cả chỉ đạo, hay “hội đồng ba bà” cùng chỉ đạo, hay chỉ là do “tình cảm tự phát của bốn chàng nghịch tử” mà cuộc nhân duyên này đã bị “đàn áp thẳng tay”. Bốn anh em bố tôi đã rủ nhau vác gậy ra đuổi đánh bà Tư Út, khiến bà ta sợ quá phải trốn biệt và không bao giờ dám trở lại nữa.
Chú Tặng nhà tôi đánh lưới bén rất sành điệu. Cái thuyền bơi của chú thường đan vũm và có hai cái mũi thuyền cong hơn mọi người. Có lần tôi đã ngồi lên định bơi thử. Nhưng chao ôi, nó chòng chành quá, cứ như nó muốn hất tôi ngã xuống sông ngay.Chẳng khác gì cưỡi một con trâu nghịch.Tôi hoảng quá, không dám bơi thử nữa. Ấy vậy mà chú ngồi lên thì nó cứ im de. Không những thế, khi đánh lưới, chú còn phải đứng ở trên thuyền, đánh chòng chành theo chiều dọc mũi thuyền, cầm sào đập vụt xuống mặt nước, chọc khoắng vào những chỗ nghi có cá chúi…để cho cá chạy. Mà cá chạy là sẽ có nhiều cơ hội mắc vào lưới chú.Vậy mà chiếc thuyền vẫn luôn luôn ngoan ngoãn vâng theo ý chú. Trông động tác thả lưới của chú mới nhịp nhàng làm sao. Tay phải cầm bơi chèo điều khiển con thuyền. Miệng ngậm đầu phao khảo lưới. Tay trái rút lưới thả xuống sông, xuống ruộng theo một đường quây nào đó đã định trước. Khi rút lưới cũng tương tự. Chỉ khác là bây giờ tay trái làm ngược lại. Động tác gỡ cá của chú cũng thật nhanh gọn: chú nhấc con cá đặt vào lòng thuyền, để tạm bơi chèo xuống giải phóng cho tay phải tham gia gỡ cá. Nhưng cũng chỉ nháy mắt là chú đã “cởi trói” được cho con cá. Chú lại thả đoạn lưới ấy xuống sông, san gẩy thêm vài động tác nữa. Thế là “mối rối” đã gỡ xong và tay lưới lại phẳng phiu sạch sẽ như thường. Xem chú đánh lưới, tôi mới hiểu tại sao con thuyền của chú lại cong và vũm hơn mọi thuyền? Thì ra vũm là để cho khoang ở dưới sạp thuyền có độ sâu hơn, chỗ sống cá được nhiều hơn, tốt hơn; còn mũi cong hơn là để khi dập dềnh đuổi cá được mạnh mẽ hơn. Trong nhà chú luôn luôn có hàng chục tay lưới đủ các cỡ: mắt thưa, mắt dầy, mắt nhỡ. Mắt thưa để bắt cá to, mắt nhỡ để bắt cá vừa, còn mắt dầy thì bắt được cả cá bé nữa. Tùy nơi đánh và tùy mùa đánh mà chú dùng các loại lưới khác nhau. Đánh ngoài sông Cái thì phải dùng loại lưới mắt to, sợi dai để chỉ bắt cá lớn.Còn đánh trong đồng thì thường dùng hai loại mắt nhỡ và mắt dầy. Lòng thuyền và cầu ao nhà chú thường xuyên có cá sống, để ăn và để bán cho người làng, ai nhỡ cái ăn thì đến mua. Nhà chú ở ngay cạnh con sông Đào. Địa bàn hoạt động thường xuyên của chú cũng chính là con sông Đào. Chú thuộc lòng sông Đào lắm. Chú thường kể ở chỗ ấy, chỗ nọ có con cá chép to lắm. Nhưng dưới đáy sông Đào lại có cái thùng đấu, nên cứ động nước, biết mình đã quây lưới là y như nó chúi xuống đó không đi nữa…
Không hiểu có phải chú “trăng trói” nhiều cá quá nên chúng oán hay sao mà khoảng cuối năm 1951, trong một trận càn chú bị Pháp bắt. Chú cũng bị chúng trăng trói, đánh đập rồi bỏ tù mãi đâu trên Hòa Bình. Năm 1952, khi ta đã mở chiến dich Hòa Bình, trong một lần đi làm lao dịch, chú trốn được. Chú bơi vượt dòng sông Đà về phía bên mình, rồi cứ hỏi thăm đường những đoàn dân công mà tìm về. Một buổi tôi, nghe làng nước nói “ông Tặng trốn được về rồi!”. Mừng quá, bố tôi bèn dẫn tôi đến ngay. Họ hàng làng xóm đã đến chật cả ba gian nhà. Nhà kháng chiến cũng không lấy gì làm rộng rãi lắm. Chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn dầu Hoa Kỳ chanh tối chanh sáng. Hôm ấy trông chú người gầy teo, nhưng phấn chấn lắm, ngồi ở một góc chiếu và đang tíu tít kể chuyện trốn tù, vượt ngục. Mọi người chăm chú nghe và ai cũng mừng thay cho. Nhưng những trận đòn tù đã làm sức khỏe chú suy giảm đi nhiều. Năm 1957 thì chú mất. Ngày chú mất, tôi đang học ngoài Hải Dương. Đúng đêm hôm chú mất, tôi đang ngủ say mà tự nhiên bên chân trái giật “đánh phách” một cái. Tôi choàng mình tỉnh dậy nhưng không hiểu vì sao. Mấy ngày hôm sau, tôi về, mới hay tin là chú đã mất rồi !
Còn bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ bắt nạt được mấy cái dậm thôi. Hầu như không có đúa trẻ nào trong làng tôi là không được bố mẹ trang bị cho một cái dậm. Bộ đồ nghề đầy đủ của chúng tôi gồm ba thứ: một cái dậm, một cái mõ dậm và một cái giỏ.Dậm thực ra chỉ là một cái rổ to, đan bằng tre nhưng khi cạp người ta để miệng méo và hẹp trông gần giống như một cái hình tam giác cân lùn. Đỉnh miệng dậm và giữa đáy dậm được buộc vào một chiếc cán tre cao tầm đến cổ người. Cái cán dậm này là để cầm khi đánh và để vác khi di chuyển. Đây là bộ phận chặn hứng tôm cua …Còn cái mõ dậm là để lừa đuổi. Mõ dậm thường được làm bằng ngọn một cây tre sầu vì ngọn cây tre sầu thường khô rỗng, khi dậm xuống nước nó tạo nên những tiếng ùng ục rất mạnh.
Vào những mùa cày bận rộn thì chúng tôi thường đi “đánh lẻ”. Vì sáng sớm ra chúng tôi còn phải đưa trâu ra đồng chăn cho nó ăn tươi vài miếng cỏ trước buổi cầy. Khi thợ cày ra bắt trâu cầy thì chúng tôi mới về nhà đeo giỏ, vác dậm ra cánh đồng úng, dậm theo vài bờ cỏ kiếm đủ bữa canh thì lại phải vội về chuẩn bị nấu nướng bữa trưa: bòn rau, giã cua, vo gạo… Vần xong nồi cơm, lại vội vội vàng vàng đi ra đồng đón trâu là vừa. Chỉ có những ngày rỗi rãi thì chúng tôi mới hay rủ nhau tụ vạ “đánh tập thể”. Có khi thì rủ nhau quây lòng con sông Đào, ngâm sâu đến tận cổ để đánh dậm tôm. Có khi, lại bắt chước các anh thanh niên đánh sẻo bằng dậm. Thực ra đây cũng chỉ là một trò nghịch thôi. Cố nhiên là đánh “sẻo dậm” chỉ đánh được ở những chân ruộng nông thôi vì miệng dậm hẹp. Ấy vậy mà nhiều khi “mèo mù vớ cá rán”. Có một lần mười ba đứa chúng tôi rủ nhau đánh “sẻo dậm”. Chúng tôi quây ngay ở một cái ruộng nông choèn gần Cổng Chợ. Dậm tôi đặt sát trong bờ. Mười ba cái mõ dậm quây tròn lại vừa dậm vừa đùa cứ như người ta bừa chân đám mạ. Dè đâu đến khi tôi vào nhấc dậm lên lại thấy dậm bễ hẳn xuống, nặng chình chịch. Tôi trông xuống: một con cá chuối to bằng bắp vế đang dãy đành đạch ở trong dậm. Tôi sung sướng quá nhảy cẫng lên, reo hò ầm ĩ, rồi cứ thế vác dậm và con cá chạy một mạch về nhà. Đó là một mẻ dậm mà cả đời tôi không bao giờ quên được.
Làng tôi cũng có một ông già hay đánh dậm: đó là ông Đĩ Tới. Tuy cũng ở khu giữa làng, ngay bên cạnh dinh cơ nhà ông Ký Đính, nhưng nhà cửa tuyềnh toàng, sân vườn nhếch nhác, vại mẻ, bếp lạnh, rõ ra cái cảnh nhà nghèo. Ông có ba người con: hai cô con gái là Khơi lớn và Khơi con. Đốt giữa là một cậu con trai đặt tên là Tới. Con cái ông cũng sớm cho đi ăn đi ở cả, ít khi thấy ở nhà. Bà Đĩ Tới ít nói, trông gọn gàng, lành lặn. Đầu cạo trọc, trông cứ thấy lốm đốm những chân tóc đen xen kẽ với những chân tóc bạc. Ông Đĩ Tới người cao, lưng hơi còng. Khi ông đánh dậm mái tóc “hoa râm” của ông: sợi đen, sợi bạc, túm dọc, túm ngang thường nhảy rất linh tinh lộn xộn ở trên đầu. Nhìn trước mặt, thấy ông có đôi mắt hơi sâu, cái mũi nhọn nhòm mồm, đôi má hóp và cái cằm hơi nhọn, nên cũng dễ sợ. Nhưng ông hiền, người làng không ai bàn gì về tính nóng, hay tính ác của ông. Người ta chỉ nhắc đến cái “máu rượu” và “máu nhắm” của ông thôi. Ông đánh dậm chỉ là để tìm cái nhắm về uống rượu. Hễ thiếu cái nhắm là ông lại vác dậm đi, đánh thần tốc ít mẻ, đủ cái nhắm là lại về ngay. Ông bắt tất tần tật những con gì đã vào dậm của ông: cua, cá, ốc, ếch, rằn mùng, rắn nước…Đủ bữa là về. Chế biến. Rồi một mình dọn rượu. Một mình. uống! Ngày thường ít cũng một bữa, nhiều thì đôi bữa.
Tôi sớm đi học xa, ít trở về làng nên đoạn cuối đời của ông Đĩ Tới tôi không được rõ. Khi tôi về thì khuôn đất trước đây gia đình ông ở, đã thành vườn của người khác. Hai cô con gái Khơi lớn và Khơi con đều đi lấy chồng thiên hạ cả. Từ thưở bé đến giờ tôi cũng chẳng gặp lại lần nào. Còn lại cậu con giai thì đã thành ông Tới. Mà ông Tới thì nghe nói cũng là một tay phiêu bạt giang hồ lắm. Thời còn là “anh Tới”, anh có đi ở chăn trâu cho nhà tôi một thời gian. Có một lần chạy giặc càn, bố tôi sai anh cõng tôi chạy, nhưng chỉ chạy được vài bước, anh lại tụt tôi xuống, quay lại lắc đầu bảo bố tôi: “Nặng lắm, cháu không cõng được!”. Thế là bố tôi lại vùa phải cõng tôi, vừa phải rong trâu chạy theo người làng đang tớn tác như kiến cỏ ở trên đồng. Người vợ đầu của anh Tới là một cô gái người hàng xóm: cô Thoa. Cái mối tình này cũng say sưa nồng nàn lắm. Chẳng mấy lúc không thấy anh, thấy ả cặp kè ở bên nhau: khi thì cùng đi cắt cỏ, khi thì cùng đi tát nước, khi thì lại thấy thì thầm khúc khích ở trong buồng cô Thoa. Nhưng khi đã có đến ba đứa con với nhau rồi thì lại “náy sinh vấn đề”. Cứ vác sào vác gậy đánh nhau liên tục. Cuối cùng thì họ bỏ nhau. Bà Thoa nuôi con, còn ông Tới thì bỏ làng đi biệt.
Nửa đời thì ông Tới lại trở về làng. Lấy đâu một người vợ ở bên Nam Sách mang về. Họ mua lại cơ ngơi cũ của nhà ông Trương Giai.Ở. Lúc ấy thì ông Tới làm nghề “đúc nồi nhôm”. Về sau lại thấy họ lục đục. Lại bỏ nhau. Ông Tới lại đi biệt. Lần này thì ông ấy đi xa lắm. Đâu vào mãi trong Nam. Cuối đời, làng lại thấy ông Tới lần về. Vác theo một người vợ miền Nam thật. Họ mua lại một miếng đất của nhà ông Bé, xây cấp tập hai gian nhà cấp bốn, tường xây gạch ba banh, mái lợp ngói hybrô. Ở tạm. Nhưng chỉ ít thời gian sau thì ông Tới mắc bạo bệnh rồi mất. Người vợ miền Nam của ông bỏ đi. Ngôi nhà không người ở, khóa cửa bỏ đấy. Còn ông Tới: cũng đã lên tiểu sành. Một mình nằm bơ vơ giữa lòng đất lạnh.
Nhưng đan dậm khéo nhất thì lại là anh Cua. Anh Cua là em út của một gia đình làm sãi mõ ở làng tôi. Nhưng khi tôi lớn lên thì tệ phân biệt đối xử cũng không còn nữa. Có chăng cũng chỉ còn ở trong bụng của lớp người lớn thời cũ thôi. Còn chúng tôi, chúng tôi coi anh Cua như anh, như bạn. Anh Cua mắt kém, cái cổ cứ nghiêng nghiêng ghé ghé cúi gằm xuống, nên trông dáng đi của anh cũng khá tội nghiệp. Thế mà anh lại có cái nghề đan lát đồ tre nan rất giỏi. Đặc biệt là đan dậm. Đánh cái dậm mua ở chợ về nó cứ bí rì rì ấy. Vì nan lòng, vót bẹt nên khó thoát nước. Ngược lại đánh cái dậm của anh Cua đan, nghe nó thoáng, nó nhẹ làm sao. Vì anh đã dùng nan cật mà lại vót nan thon. Cố nhiên muốn có dậm của anh Cua thì phải đặt trước và giá tiền cũng đắt hơn dậm chợ.

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

CHÚC XÓM TRI ÂN

Xuân về chúc xóm Tri Ân
Vui xuân sức khỏe có phần tăng thêm
Cánh già không phải kêu rên
Cái xương, cái khớp dẻo bền không đau
Cánh trẻ năng động làm giầu
Cuối năm thu nhập ngang Tầu, như Tây
Cánh già được dịp thơm lây
Có khi lại cưỡi máy bay lên giời
Chuyến này vuốt thử râu chơi
Xem ông “Thượng Đế” có cười nhe răng ?
Hay là mặt nặng đăm đăm
Ngại dân hạ giới lên thăm động giời ?
29/1/2011
Đỗ Đình Tuân
CHÚC HƯƠNG-HÀ-ANH
(Thay cho bức thư trả lời Vân Anh)

Chúc Hương viết truyện ngắn hay
Tô Hà thanh sắc càng ngày càng "sao"
Vân Anh hết nấu lại xào
Món “TÌNH YÊU” ngả kiểu nào cũng ngon.

28/1/2011
Thày cũ: Đỗ Đình Tuân
CHUC MỪNG XÓM TRƯỞNG

Chúc mừng xóm trưởng "Tri Ân",
Gia đình hạnh phúc đón xuân vui vầy .
Việc nước nay đã rảnh tay ,
Việc nhà chăm chút men say ,hương nồng .
Thày-Trò-bè bạn-cộng đồng ,
"Tri Ân "xóm nhỏ một lòng thủy chung .
Chị-em- chòm xóm vui cùng .
Sống vui- sống khỏe-ích công-lợi nhà .
Chúc cô xóm trưởng T.H,
Mau mau có cháu,lên bà đi thôi ...

M.T ĐT 01-2011

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

KỶ NIỆM TRƯỜNG SA

Trong đêm liên hoan. Tô Hà đọc bài thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

KỶ NIỆM TRƯỜNG SA

Đêm đầu tiên trong hành trình 10 ngày ở Trường Sa, Thủ trưởng đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ để các đoàn giao lưu. Mỗi đoàn hát những bài "tỉnh ca" riêng có. Đoàn Phú Yên hát tập thể ca khúc BÀI CA PHÚ YÊN, một sáng tác của cố nhạc sỹ Văn Chừng.

KỶ NIỆM TRƯỜNG SA

Mở đầu chương trình giao lưu văn nghệ giữa 2 đoàn Phú Yên và Hải Dương là ca khúc Gửi Phú Yên của Trần Minh qua thể hiện của anh Khúc Kim Tính, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương. Anh Khúc Kim Tính là con chú ruột của bạn Khúc Thị Tặng.

KỶ NIỆM PHÓNG VIÊN TRUYỀN HÌNH



Trong cuộc đời phóng viên truyền hình, Tô Hà đã đi nhiều nơi trên đất nước, nhất là duyên hải nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhưng đặc biệt vẫn là chuyến đi biên giới phía Bắc, lên tận điểm chốt cao của tỉnh Lai Châu tháng 6 năm 1985 và chuyến đi Trường Sa tháng 5 năm 2008. Xin chia sẻ với Xóm Tri Ân một vài kỷ niệm trong chuyến đi Trường Sa. Bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy trên báo Tuổi trẻ và tuoitreonline đã đưa anh Hoàng Minh Thạo tìm được Tô Hà, tìm được gia đình thủ trưởng cũ Nguyễn Hữu Thảo. (Trong bài viết có một số ảnh nhưng hình như không tải lên được).



10 ngày với Trường Sa - 9: Thương lắm Quế Đường ơi…

Thứ Năm, 12.06.2008, 06:33am (TinNhanhBlog.com) Không bàn về sự hay hay không hay của bài thơ ở đây, chỉ biết khi đọc những câu thơ ấy, Tô Hà đã khóc, những lời thơ nghẹn trong nước mắt. Đầu dây bên kia, lính nhà giàn sau phút đùa vui tếu táo với văn công đã trở lại đằm hơn. Và càng đằm hơn nữa khi những lời thơ cất lên, qua sóng nước đến với họ. Cả khoang tàu lặng phắc, chỉ có tiếng bộ đàm sột soạt. Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài… Điểm đến cuối cùng trong hải trình của tàu HQ-996 sẽ lả nhà giàn Quế Đường. Theo lịch, tàu sẽ lại thả xuồng cho một số thành viên đại diện lên tặng quà và thăm hỏi bộ đội. Ai cũng nóng lòng muốn lên thăm anh em chiến sĩ, nhất là cánh báo chí, văn nghệ, và một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Sóng quá to, không thể thả xuồng để lên nhà giàn, Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - một người có kinh nghiệm dày dặn trong những chuyến đi biển thế này giữ thái độ điềm tĩnh nói lời giải thích với các đại biểu. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh quá nóng lòng nên cứ nhất quyết mặc áo phao lên người lăm lăm trong tư thế xung trận khiến Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa phải nói với NSNA Vũ Huyến – Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: - Các bác muốn an toàn thì ở lại tàu với anh em, còn các bác cứ hăng hái đòi xuống là không còn đường vào bờ đâu… Sau câu “dọa” của vị tướng, “không khí nghệ thuật” hừng hực mới lắng xuống. Và những giờ neo lại nhà giàn đã trở thành khoảng thời gian lắng đọng nhất của chuyến đi. Dưới con mắt của các nghệ sĩ, có hai sự kiện gây cảm xúc mạnh nhất với toàn bộ các đại biểu trong đoàn công tác. Sự kiện thứ nhất là lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện tháng 4 năm 1988. Buổi sáng ngày thứ 5 trong hành trình đi biển, buổi lễ được tổ chức trên boong tàu. Trang trọng, thiêng liêng và đầy xúc cảm. Sự hi sinh của những người lính vì từng tấc đất của Tổ quốc mãi mãi được ghi nhớ và để lại cho những người ở lại sự bồi hồi tiếc thương. Điếu văn do Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa đọc đã có sức lay động lớn, tái hiện lại sự hi sinh thầm lặng mà cao quý của những chiến sĩ Hải quân. Đoàn công tác dành một phút mặc niệm tưởng nhớ linh hồn các anh hùng liệt sĩ. Cả con tàu như lặng đi khi hương hoa được thả xuống biển khơi. Mặt nước xanh dềnh sóng, những khóe mắt thấm ướt… Sự kiện thứ hai chính là sự kiện diễn ra tại khu vực nhà giàn Quế Đường. Theo như dự định thì đây là điểm dừng chân cuối cùng trong hải trình, dự định thì thế nhưng trời nổi giông, tàu neo lại chờ đợi mãi mà không thể thả xuồng để vào với bộ đội. Nhà giàn và tàu đành đứng nhìn nhau qua ống nhòm. Tôi nhìn rõ những bóng chiến sĩ hải quân trên lan can nhà gian hướng về phía con tàu. Thả hoa trên biển tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa. Phải lên tàu rất lâu sau chuyến lên đảo An Bang sóng gió, Nhật Huyền mới lấy lại tinh thần, cô không còn quá sợ hãi và xúc cảm như ở vùng biển An Bang. Và cũng vì sóng to nên tàu mới neo lâu, mới có thời gian để Huyền tĩnh trí. Và khi mà con tàu đã neo lại đến hơn bốn tiếng mà sóng vẫn to, chỉ huy quyết định không cập xuồng. Mọi người trên tàu mặt buồn so. Ai nấy nhìn nhau chép miệng. Lại hát qua sóng vô tuyến có hỗ trợ của… ống nhòm. Tốp nữ Ngọc Mai, Nhật Huyền, Ánh Thảo lại hát và trò chuyện với bộ đội. Những mẩu đối thoại giữa chiến sĩ nhà giàn với văn công cứ đứt quãng, lúc được lúc mất, lúc trong lúc đục, khi mờ khi tỏ. Đại tá Phan Huy Tú - Trưởng Phòng dân vận Quân chủng Hải Quân ngồi bệt xuống sàn khoang lái loay hoay chỉnh chiếc âm ly làm sao để nhà giàn và tàu nghe rõ hơn, nét hơn. Nhà giàn DK-1 nhìn qua cửa sổ tàu HQ-996 - Các em là ở đoàn văn công nào thế? - Chúng em ở Đoàn nhà mình đây! (ý nói Đoàn nghệ thuật Hải quân) - Em tên gì? - Em tên Ngọc Mai… - Em tên Nhất Phượng… - Em tên Nhật Huyền… - Các anh thích nghe bài gì? - Bài gì cũng được… Sau đó là một vài câu đùa tếu táo, hình như sự có mặt của vị tướng – Phó Chính ủy đã bị… bỏ qua, lính nhà giàn và văn công cứ anh anh em em ngọt xớt. Bỗng cuộc vui bị ngắt quãng, Ngọc Mai dừng lại, nói mà như mếu: - Coi chừng anh phải gọi em bằng… chị đó nghe. Cả phòng cười ồ còn Mai thì nghẹn giọng, nước mắt dấn dấn. Đúng như thế thật, Ngọc Mai sinh năm 1975, là ca sĩ khá cứng trong đoàn, thông thường thì đúng là rất nhiều lính đảo phải gọi cô bằng chị thật. Ngọc Mai không nói tiếp được nữa đành chuyển ống nói cho bạn diễn. Đến lượt Nhật Huyền hát “Gần lắm Trường Sa”, một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hình Phước Long… Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa xa lắm em ơi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc san hô.Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương. Vẫn thấy anh đang sừng sững hiên ngang giữa bão giông trước mặt biển san hô. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh... Nhưng chỉ ít phút sau cô đã lại khóc khi chưa hát được nửa chừng. Nghĩ lại những gì diễn ra tại đảo An Bang tôi không khỏi mỉm cười, một điều tưởng như nghịch mà lại có lý ở cô ca sĩ này: Không được vào đảo hát – khóc; được vào đảo hát – khóc; không được vào nhà giàn hát - khóc. Có lẽ đây là những giọt nước mắt hồn nhiên và bản năng nhất rơi trên Biển đông. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trên Biển Đông Mà đâu chỉ các cô ca sĩ trẻ người non dạ, dễ sóng sánh đò đưa mới rơi nước mắt, nghệ sĩ Tô Hà của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tuổi đã khá cứng và kinh nghiệm đầy mình cũng đã rơi lệ không dưới 3 lần trong chuyến đi này. Hơn mười năm trước, bạn xem truyền hình nhớ tới Tô Hà bởi giọng thuyết minh truyền cảm suốt bộ phim dài tập “Người giàu cũng khóc”. Và hôm nay, trong chuyến đi biển này, cũng nói về chuyện khóc, lại nhắc đến một chút về bộ phim nhưng “Ngưòi giàu cũng khóc” đã được biến tấu thành “Người già cũng khóc” dù chị chưa đến mức quá già. Lúc tàu tới Quế Đường, dù say sóng Tô Hà cũng cố gắng mò lên khoang lái để giao lưu với lính đảo. Trong thời gian tàu neo đậu, Tô Hà đã xúc cảm viết nên những vần thơ, và bây giờ chị mang tờ giấy xé vội từ sổ tay ấy lên tự mình ngâm qua bộ đàm. Giọng thuyết minh “Người giàu cũng khóc” giờ véo khoan nhặt bổng trầm với những lời thoại là tự sự của chính mình nhưng cứ nghẹn lại không cất lên được.
Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió
Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa
Mang vóc dáng Tổ quốc mình nơi đó
Chí kiên trung vượt mọi phong ba

Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển
Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà
Khát một câu dân ca, một dáng hình con gái
Một lá thư nhà ấm mong ước đòan viên

Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi
Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời Xin gửi lại tình đất liền sâu nặng
Qua ngọn sóng bạc đầu
Ơi Quế Đường ơi

Không bàn về sự hay hay không hay của bài thơ ở đây, chỉ biết khi đọc những câu thơ ấy, Tô Hà đã khóc, những lời thơ nghẹn trong nước mắt. Đầu dây bên kia, lính nhà giàn sau phút đùa vui tếu táo với văn công đã trở lại đằm hơn. Và càng đằm hơn nữa khi những lời thơ cất lên, qua sóng nước đến với họ. Cả khoang tàu lặng phắc, chỉ có tiếng bộ đàm sột soạt. Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài… Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài... Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - Đại diện đoàn công tác nói lời chào anh em nhà giàn. Con tàu được lệnh nhổ neo, ba hồi còi hú vang chào đồng đội. Chị Bích Thủy và chị Tô Hà vẫn đứng mãi trên boong vẫy tay về phía nhà giàn. Những giọt nước mắt chảy dài trên má trước khi lăn xuống mặt biển ngầu sóng. Chẳng hiểu vì sao nước mắt lại mặn mòi như thế. Và biển, từ bao đời nay biển cũng vẫn mặn mòi… Con tàu cuốn neo rời nhà giàn Quế Đường, những cánh tay con gái vẫn vẫy mãi về phía những người lính. Nhìn từ phía sau tôi không biết đâu là tay chị Bích Thủy, đâu là tay chị Tô Hà, đâu là tay của Vân Mai, Ngọc Mai, Nhật Huyền, và đâu là tay cô phóng viên Trúc Hà mạnh mẽ mà đa cảm… Ba hồi còi nữa rền vang, con tàu bắt đầu tăng tốc cưỡi đè lên sóng sầu bọt trắng, thế là món quà đã chuẩn bị tặng các anh đành mang về lại đất liền. Đúng lúc ấy biển mưa xối xả… Những giọt nước mưa rơi trên những cánh tay, rơi trên má, trên bờ vai con gái. Sau làn mưa là mặt trời vừa lộ ra sau đám mây nặng trĩu. Một vùng biển mưa và một vùng biển nắng. Nước mắt của trời tuôn rơi hòa cùng nước mắt của người trong phút chia tay dù chưa hề gặp mặt. Nhà giàn nhỏ bé, ẩn hiện mờ xa sau làn mưa mỏng tang rắc trên những con sóng bạc đầu… Nghệ sĩ Tô Hà trước nhà giàn nhỏ bé mờ xa... Hà Nội tháng 5 năm 2008 N.X.T

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Hàng trăm bài báo đến với bạn đọc ký tên Vũ Anh Tuấn, Vũ Anh Tú mà nhiều người không biết cuộc sống nghiệt ngã của tác giả - những người đã chưa một lần cắp sách tới trường, không có bất cứ một bằng cấp hay chứng chỉ nào.
Mùa đông năm 1967, bố mẹ Vũ Anh Tuấn vui mừng khôn xiết, hạnh phúc đón đứa con trai đầu lòng “nối dõi tông đường” nặng 3,5 kg. Niềm vui chưa trọn, khi con trai đầu lòng tròn 1 tuổi bắt đầu lần giường tập đi, đôi vợ chồng trẻ bàng hoàng nhận ra cơ chân, cơ tay con mình cứ tự dần teo đi. Những bước chập chững đầu tiên của Tuấn cũng là những bước đi cuối cùng...
Sau đó, người con thứ 2 của họ là con gái chào đời và lớn lên khoẻ mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Mùa đông năm 1976, người con thứ 3 là con trai Vũ Anh Tú chào đời với bao niềm hy vọng...
Không ai muốn nhắc đến nỗi đau đã ập xuống người con trai đầu lòng. Nhưng thêm một lần, bất hạnh lại ụp xuống đầu gia đình nhỏ bé này. Tú cũng mắc phải căn bệnh quái ác như anh trai mình là Vũ Anh Tuấn... Bà Hảo lặng lẽ tâm sự có thể là do di truyền. Người con thứ 4 của họ là con gái khỏe mạnh bình thường...
Còn nước còn tát, dù hy vọng mong manh, ông Bình bà Hảo “vái tứ phương”, ai mách gì cũng làm theo để chữa trị cho con. Của cải cứ “đội nón ra đi” mà Tuấn vẫn vậy. Đến người con Vũ Anh Tú, hết miền xuôi lên miền ngược, ai mách ở đâu có thể chữa trị được là ông bà lại tất tả đi.
Rốt cuộc, 2 người con trai của ông bà đã mắc chứng teo cơ toàn thân vô phương cứu chữa. Nỗi đau buồn của ông bà cũng dần vợi bớt khi 2 người con trai tưởng “bỏ đi” đã đầy nghị lực vượt qua nghiệt ngã của tạo hoá tự học, tự kiếm sống...
Nằm bất động trên giường, đôi tay co quắp yếu ớt, Vũ Anh Tuấn tâm sự: “Lớn lên một chút đến tuổi đi học, tôi mới cảm nhận hết được sự thiệt thòi của mình với bạn đồng lứa. Tôi biết rằng cánh cửa trường học đã vĩnh viễn khép lại với tôi. Sau bao đêm suy tư, tôi quyết định tự học. Người thân mang sách vở về, tôi tự học viết, đọc, rồi những phép tính...
Khó khăn lắm mới giữ được cây bút. Tập viết là cả một cực hình, bút cứ chuội ra, không theo ý muốn... Khi đó, chính sự tự học đó đã làm cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn, nỗ lực hơn và tôi tự học hết lớp 12 lúc nào không hay... Tôi thấy cần phải làm một công việc gì để có thể tự lập, tự giúp mình được. Thế là hàng ngày tôi tự học tiếng Anh qua truyền hình rồi tự mua sách vở về học...
Trước đây, gia đình tôi ở ngõ Cấm, Hải Phòng. Năm 1998, gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống, tôi có cơ hội gần các toà soạn báo nên có tập tành viết bài gửi các báo. Và, hiện tôi cộng tác với nhiều báo như báo Sinh viên Việt Nam, Hà Nội mới, Phụ nữ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Gia đình Xã hội, Khoa học & Đời sống...”.
Cũng như anh trai mình, Vũ Anh Tú tự học, tự trang bị kiến thức. Hàng ngày, Tú viết bài, dịch gửi đăng các báo. Tú còn tự mò mẫm học tin học... Sức khỏe kém, nhưng dường như chạy đua với thời gian, chạy đua với nghiệt ngã của số phận, anh em Tuấn - Tú làm việc quên mình bên máy vi tính đến 3 - 4 giờ sáng...
Hàng trăm bài báo đến với bạn đọc ký tên Vũ Anh Tuấn, Vũ Anh Tú hay bút danh Sao Biển (của Vũ Anh Tuấn) mà nhiều người không biết cuộc sống nghiệt ngã của tác giả - những người đã chưa một lần cắp sách tới trường, không có bất cứ một bằng cấp hay chứng chỉ nào.
Dù hoàn cảnh sống khắc nghiệt từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều không tự làm được nhưng Vũ Anh Tuấn luôn trau dồi kiến thức, lạc quan yêu đời và đã từng giành giải nhất cuộc thi dịch thơ tình năm 2001 của báo Sinh viên với bài thơ “Vì em yêu anh” của nhà thơ Hughes.
“Mọi người hãy nhìn nhận người khuyết tật thực sự là lực lượng lao động tiềm năng của xã hội chứ đừng nhìn như là một đối tượng chính sách mà là đối tượng có thể cống hiến cho xã hội. Người khuyết tật tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều ưu thế như chăm chỉ, kiên nhẫn và ý chí vươn lên...” - Tuấn nói.
Theo Lam Khê
Tiền Phong
Việt Báo
//
(Theo_DanTri)

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

KHỎE...HÊ HÊ...!

Minh Hương sức khỏe sớm suy ghê
Thơ kể viêm đau đủ mọi bề
Tâm trí quên quên rồi nhớ nhớ
Chỉ còn cái miệng khỏe...hê hê...!

25/1/2011
Đỗ Đình Tuân

23 tháng Chạp




Ông Công, ông Táo về Giời


Bà Táo ngồi đợi một lời xa xăm


Bao giờ tới thuở mười lăm


Bao giờ tới thuở em là của tôi?


Uớc mai sau giữa đất trời


Tái sinh lần nữa luân hồi hai ta!


Thì thôi cứ ước vậy mà


Giời đày cho biết thế nào là mơ!
VA




Tản mạn chuyện " Ông Công ông Táo"


Theo tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp 23/12 Âm lịch hàng năm được coi là ngày Tết ông Công ông Táo. Theo đó, ngày này là ngày Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những việc thiện ác, hay dở, tốt xấu thực mục sở thị trong một năm của từng gia đình mà các ông cai quản ở hạ giới.
Câu hỏi đặt ra là ông Táo và ông Công là một hay là hai người khác nhau? Là hai thì Tết ông Công hay Tết ông Táo? Mà tại sao dân gian chỉ thấy ông táo lên chầu trời mà không thấy ông Công “ đi công cán “

Từ một truyền thuyết dân gian...
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi. Tuy nghèo khó, nhưng họ sống với nhau rất hoà thuận, hạnh phúc. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con, nên cả hai đều lấy làm buồn phiền và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục!

Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao có trót lỡ tay đánh vợ một cái! Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi và trong khi lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang.
Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu thương nhau rồi thành vợ thành chồng....

Trở lại với Trọng Cao, sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, Trọng Cao đã đi đến rất nhiều nơi, tìm hỏi rất nhiều người, cho đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất mà vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả.
Cho đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ người mang cơm ra cho lại là Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng thật trớ trêu, bởi danh chính ngôn thuận lúc này Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang.
Trong khi còn chưa biết cư xử làm sao cho vẹn cả đôi bề, lại sợ Phạm Lang về bắt gặp thì biết ăn nói làm sao, Thị Nhi liền bảo Trọng Cao tạm ẩn vào trong thùng rạ.
Đi đường mệt mỏi, lại được cơm no, rượu say, nên vừa đặt lưng xuống, Trọng Cao đã ngủ say như chết, chẳng còn biết trời đất gì nữa. Không may đêm đó có gió to, than lửa ở bếp bén vào thùng rạ thiêu rụi cả Trọng Cao và cái bếp.
Khi nghe mọi người xung quanh hô hoán, Thị Nhi và Phạm Lang giật mình chạy ra thì chỉ còn biết đứng nhìn. Nghĩ vì mình mà chồng cũ phải chết, trong cơn đau đớn, Thị Nhi bèn nhảy vào đống lửa chết theo.
Thấy thế, Phạm Lang cũng nhảy vào để được cùng chết theo vợ...

" Lại có những dị bản thuộc tình tiết ở phần cuối:... Một lần Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ lại đúng là nhà Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói nên lời. Sau một hồi hàn huyên,Thị Nhi bảo Trọng Cao đi nghỉ, còn mình thì lo làm cơm để thết Trọng Cao. Giữa lúc đó thì Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không kịp để cho vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nặng lời với Thị Nhi. Lời qua, tiếng lại chẳng ai để ý ở dưới bếp ngọn lửa lúc này đã lan đến thùng rạ. Khi nghe mọi người tri hô, cả hai giật mình nhìn ra thì... hỡi ôi, cả cái bếp chỉ còn là một cột lửa khổng lồ? Để bộc bạch lòng mình với hai người đàn ông, Thị Nhi đã chọn cái chết bằng cách nhảy vào đống lửa. Quá bất ngờ, Phạm Lang như sực tỉnh nhưng lúc này có hối thì đã muộn, liền nhảy vào đống lửa chết theo. Nghĩ mình là nguyên nhân gây ra cái chết của Thị Nhi, Trọng Cao cũng kết thúc đời mình bằng cách nhảy vào đống lửa để được cùng chết theo vợ."
Cảm động trước cái chết của 3 người, Ngọc Hoàng Thượng đế mới phong cho họ là Táo quân (vua bếp)?.


.. Đến tín ngưỡng
Tìm hiểu bài vị cũng như các bài văn khấn Táo quân (nôm cũng như tự), chúng ta thấy chúng gồm có 3 ngôi:

1- Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân (tức Thổ công)
2 - Thổ địa long mạch tôn thần (tức Thổ địa)
3 - Ngũ Phương, ngũ thổ phúc đức chính thần (tức Thổ kỳ)
Như vậy, Táo quân không phải là một danh từ riêng chỉ ai đó, mà là danh từ chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ.

Khác với xã hội loài người: ? Một nước không thể có hai vua?, thế giới tâm linh có vẻ thoáng hơn trong việc chấp nhận mô hình ? ba vua một bếp?.
Về vị trí của mỗi ngôi, ở giữa là Vua Bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa. Đó là lí do giải thích vì sao trong 3 chiếc mũ đặt trên bàn thờ, không giống với hai chiếc kia, chiếc mũ ở giữa không có cánh chuồn.

Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng, Phạm Lang là Thổ công, được giao nhiệm vụ trông coi việc bếp núc;
Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà;
Thị Nhi là Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.

Hẳn không phải là vô tình, khi sự sắp xếp đó cho thấy Thổ công (Phạm Lang) và Thổ kỳ (Thị Nhi ) thường xuyên được gần gũi nhau (?). Phải chăng đây là cách lí giải cho việc Thị Nhi và Trọng Cao - trên thực tế - đã bỏ nhau và danh chính ngôn thuận - Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang (?).
Nhưng, nếu như chỉ dừng lại ở đấy thì chẳng lẽ trong cái quan hệ bộ ba (hai ông một bà) ấy, Trọng Cao hoá ra thừa (?!) . Đó là chưa nói đến việc phong cho ba người chức Táo quân, để họ sống tiếp với nhau ở kiếp sống thứ hai như là sự vô tình. Hơn nữa, như là sự bất nhẫn đối với Trọng Cao!

Không! Ngọc Hoàng Thượng đế đã lường trước được điều đó và đã rất sáng suốt (nếu không nói là đã rất ?người?) khi quyết định hàng năm, cứ đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Thổ công (Phạm Lang) lên chầu trời (cho nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công).
Như vậy, từ 23 tháng Chạp đến Giao Thừa là thời gian để Thổ địa (Trọng Cao) và Thổ Kỳ (Thị Nhi) được gần gũi nhau - một khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng không đến nỗi quá ngắn (nếu như có chuyện ?trục trặc của phụ nữ? về phía Thị Nhi).
Cũng thời gian này, Thổ địa (Trọng Cao) sẽ thay Thổ công (Phạm Lang) nhiếp chính. Những gì xảy ra (trong thời gian đó) sẽ nằm trong bản tấu sớ năm sau (tất nhiên?) và sẽ được Thổ địa bàn giao cho Thổ công vào lúc Giao Thừa...



Tại sao lại gọi thần bếp là Táo.
Từ Táo có gốc Tá - có nghĩa là Lửa.Từ “tá” đi đôi với từ “hỏa” như trong những từ ghép “tá hỏa”, “tá hỏa tam tinh”.
Cổ ngữ Mường Việt gọi các vị thần tổ phái nam thuộc dòng mặt trời, dòng lửa là Tá ví dụ Tá Cần, tá Cài. Theo bài hát tế Ðẻ Ðất Ðẻ Nước tức ở Thanh Hóa :…
Trứng một đẻ ra ông Dịt Dàng,
Trứng hai đẻ ra ông Lang Tá Cài,
Trứng ba nở ra ông Lang Tá Cần .
Thì vua Hùng Vương Dịt Dàng và tá Cài cùng sinh ra từ trăm cái trứng của bà Ngu Cơ, tức bà Âu Cơ:
Ngôn ngữ Ba Tư “Tarr” là thần lửa. Ai Cập ngữ Ptah, Tatom, Tatum là thần mặt trời. Tá là tổ, là tỏ, là mặt trời, là lửa. Ông Táo là ông Tá , ông Lửa, tức ông Thần Bếp Lửa.

Bếp là gì?
Bếp là nơi có lửa nấu thức ăn nước uống. Bếp có gốc bế – ruột thịt với “bễ” có nghĩa là ống thổi lửa như ống bễ thợ rèn, kéo bễ thổi lửa như thường ví hai cái lỗ mũi như hai cái ống bễ. Bếp liên hệ với “bật” là làm sáng lên như bật đèn, bật lửa, bật diêm quẹt.... Bễ, bếp, bật... liên hệ với Phạn “bhà-”, sáng, làm sáng lên. Vậy bếp liên hệ với lửa.
Tóm lại ông Táo là ông Lửa, ông Thần Bếp Lửa.

Tại sao thần táo lại cỡi cá chép về chầu trời?
Theo truyền thuyết, thần Táo cỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Trong các món đồ cúng ông Táo có món cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời. Tại sao Thần Táo lại cưỡi cá chép?
Trong các loài cá chỉ cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được. Cá chép “hóa rồng”
Theo truyền thuyết thì:
Mồng bốn cá đi ăn thề,
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ-môn.
Vũ-môn là một chỗ có nhiều ghềnh thác trên Trường Giang tức sông Dương Tử thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay. Cứ đến ngày mồng tám tháng tư thì cá chép ở các nơi qui tụ về chỗ ghềnh thác này để thi nhẩy. Con nào nhẩy vượt qua được ba bậc của ghềnh thì hóa thành rồng.
Cá chép hóa rồng nên cá chép cũng được dùng làm biểu tượng cho vua Rồng Lạc Long Quân.
Người Mường thờ cá chép coi như là Lạc Long Quân và con nai sao là Âu Cơ.
Chúng ta cũng coi cá chép là biểu tượng cho Lạc Long Quân. Chứng tích cá chép liên hệ đến Lạc Long Quân thấy qua câu sử miệng ca dao cổ ở làng Lệ Mật, Gia Lâm ngoại ô Hà Nội:
Ðến ngày 23 tháng ba,
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê,
Kinh Quản, Kinh Cự đề huề,
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây

Cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân làng Lệ Mật đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi. Ðó là những con cá chép có dấu son đỏ trên vẩy. Dân làng bảo đó chính là Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây”

Cũng chính vì cá chép dùng làm phương tiện về trời của thần bếp lửa vào tháng cuối tháng chạp mà chúng ta gọi nó là cá “chép”. “Chép” biến âm với “chạp”. Cá chép là cá tháng chạp. Chép và chạp đều có nghĩa là “hai”.
Người Việt chúng ta gọi là tháng 11 ta là tháng một và tháng 12 ta là tháng chạp,

Cá chép là cá tháng chạp. Do đó cá chép được dùng làm phương tiện về trời của ông Táo vào ngày hai mươi ba tháng chạp ta. Ngoài ra cá chép có râu mang nam tính, dương, lửa, môi mép, vẩy vi viền đỏ là con cá lửa. Cá chép còn gọi là cá gáy. Nếu hiểu gáy là tiếng hót thì gáy là biểu tượng cho đực, hùng tính. Con chim, con gà chỉ con đực mới gáy. Gáy biến âm với gay là đỏ. Ðỏ gay. Ðỏ là tỏ là mặt trời, lửa. Hán ngữ cá chép là lí ngư. Lí biến âm với li là lửa. Lí ngư là cá lửa. Như thế cá chép liên hệ tới lửa điều này giải thích tại sao ông Táo Thần Bếp lửa cỡi cá chép về trời.

Ông táo không mặc quần
Cũng theo truyền thuyết ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:
Ðội mũ đi hia, chẳng mặc quần.
Ðồ mã cúng ông Táo không bao giờ có quần. Câu ca dao dưới đây cho thấy ông Táo ở trong bếp lửa ấm cúng nên không cần nhiều đồ mặc, không cần quần và ở trong bếp nên cũng không phải lo về vấn đề ăn uống; ông Táo không phải lo ăn, lo mặc nên chẳng phải lo gì nhiều so với ông Cả:
Ông Cả ngồi trên sập vàng,
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro,
ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

Tại sao thần táo lại hai ông một bà?
Bây giờ ta hãy tìm xem tại sao bộ ba vị thần này lại hai ông một bà? Câu chuyện Thần Bếp hai ông một bà này đã đi sâu vào đời sống dân dã Việt Nam. ở thôn quê Việt Nam cái bếp thường được làm bằng cách nặn ba cục đất sét gọi là ba ông đầu rau.

Bộ ba ông bà Táo là ba ông đầu rau?
Xin thưa 'rau' là biến âm với 'nhau' như ta thấy qua từ lá nhau hay lá rau (placenta) của bà đẻ. Ba cái đầu rau là ba cái đầu nhau. Với âm “ h” câm, ta có nhau là nau, là nấu. Ðầu rau là đầu nấu. Ba cái đầu rau là ba cái đầu để nấu.
Trong 3 ông Đầu rau ông ở giữa có cái lỗ ấn lõm vào chỗ ngang người. Cái lỗ đó thường cho là cái lỗ rốn. Cục có rốn để ở giữa là bà Táo. Hai cục hai bên không có rốn là hai ông táo .

Tại sao chỉ có bà Táo mới có rốn còn hai ông Táo đàn ông lại không có rốn?
Bộ ba thần bếp lửa ứng với quẻ “ Li “ trong Dịch kinh. Quẻ Li gồm hai hào dương hình hai cái que, hai cái nọc kẹp ở giữa một hào âm tức cái que đứt đoạn.
Nếu viết theo Việt Dịch Nòng Nọc thì hai hào dương là hai cái que và hào âm ở giữa là cái que đứt đoạn là cái khe, cái kẽ, còn viết theo Việt Dịch Nòng Nọc là vòng tròn, là cái lỗ biểu tượng cho phái nữ tức bà Táo.
Cái rốn ở cái đầu rau Táo bà chính là cái hào âm vòng tròn Nòng. Ðiều này giải thích tại sao bà Táo đầu rau có cái lỗ rốn. Ðây là cái rốn mang âm tính và dĩ nhiên hai ông Táo đầu rau không có cái rốn loại này. Như thế chuyện thần bếp hai ông một bà nguồn từ quẻ Li là lửa trong Kinh Dịch. Thần Li, Thần Lửa là Thần Bếp.

Sưu tầm biên soạn nhân ngày ông công ông táo chia sẻ cùng bạn đọc.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

CẢM ƠN THÀY CẢNH VÀ THÀY TUÂN


Trong mắt thày cô chúng em còn bé bỏng
Nhưng trong cuộc đời chúng em đã già hơn
Cảm ơn thày còn thương nên còn dạy
Đến cuối cuộc đời em còn học chữ NHÂN
Tô Hà

Hân hoan chào đón thành viên mới của Xóm Tri Ân!

 Nhiều người trong Xóm Tri Ân và các bạn học Cấp III của Tô Hà ở Chí Linh biết chị Kiều Thị Quý, bạn cùng học Đại học với Tô Hà. Kiều Quý đặt tên con gái là Nguyễn Thị Tô Hà để nhớ tình bạn của chúng tôi. Con gái Tô Hà của chúng tôi tự hào về 2 người mẹ của mình và trân trọng tình bạn của mẹ. Tô Hà con nói với mẹ Kiều Quý: "Con tự hào về cái tên Tô Hà". Chưa bao giờ tôi nói với Kiều Quý là tôi rất yêu cái tên của mình và tôi cảm ơn Kiều Quý đã lưu giữ "Tô Hà" đầy yêu thương như thế.
Những ngày này Kiều Quý của tôi đang kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư. Niềm yêu sống mãnh liệt của Kiều Quý được nhân lên bởi tình thương yêu vô bờ bến dành cho Tô Hà con và được tiếp sức bởi tình bạn, tình đời nồng hậu. Hy vọng Xóm Tri Ân sẽ là một tổ ấm cho Kiều Quý của tôi.
Thay mặt Xóm TriÂn và nhân danh cá nhân, Tô Hà nồng nhiệt chào đón người "học văn làm sử" Kiều Quý nhập gia. Kiều Quý sẽ đến với mọi người bằng những chia sẻ của chính mình. Xin mời mọi người đến với Kiều Quý qua blog "Học văn làm sử". Xóm Tri Ân luôn bên bạn.
Tô Hà

NGƯỜI MỚI XÓM TRI ÂN

Thứ bảy, ngày 15 tháng một năm 2011

Xin chào "Tri ân cuộc đời"!
Tôi là Kiều Quý, bạn thân của Tô Hà, khi tôi đọc blog tri ân cuộc đời tôi như gặp lại những người ở Chí Linh và tôi muốn được trở thành 1 thành viên. Rất mong mọi người sẽ đón nhận tôi bởi từ lâu tôi đã nghĩ mình là một người con của Chí Linh!
VÔ TƯ

Người đâu ngày ấy vô tư ,
Em bây giờ có còn như bấy giờ .
Ngon lành gió lửng mưa lơ ,
Vô tư như thức như mơ như gì...
Mình vô tư với nhau đi ,
Vô tư nhau chẳng cần chi nhiều lời .
Vô tư thế chấp cuộc đời ,
(Vung tay quá trán coi trời bằng vung .)
Luật chơi cấm kỵ nửa chừng ,
Vô tư đặt cọc tận cùng chiếu manh .
Liền em vô tư liền anh ,
Không ngây ,không dại không đành phải không?...

mtst Thơ Nguyễn Duy
CÁI GIÀ

Tuổi xuân như mới hôm qua,
Thoắt đâu chớp mắt tuổi già đến ngay.
Đêm nằm giấc ngủ không say,
Chập chờn cánh vạc sương bay ngang trời .
Tóc đâu dấu được tuổi đời ,
Thay màu đen trắng ,đen rồi trắng đen .
"Thế nào là trẻ hỡi em,"
Vợ trêu:anh ngoại còn duyên lắm mà !
Đi làm quên kính ở nhà
Vào ra ngơ ngẩn thế là ngồi chơi .
Tuổi này kỳ lắm người ơi ,
Chớ trêu ánh mắt với môi đưa tính !
Trên đời chẳng có ai xinh ,
(Ngắm nhìn hoa hậu bực mình muốn thôi .)
Nói dai mà lại lắm lời ,
Bao giờ cũng nhắc cái thời đã qua .

Âý là kể chuyện người ta ,
Nghĩ mình xem thử đã già được chưa !...

mtst Thơ Nguyễn Bùi Vợi


Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Chưa già

Cái lưng đau quá đi thôi
Hai gối nhức mỏi rã rời đêm thâu
Mắt dùng kính lão đã lâu
Hàm hơn mười chiếc răng sâu rụng rồi
Dạ dày sao cứ đầy hơi
Đầu thì nhớ đấy lại thời quên ngay
Lại còn xoang trán khổ thay
Đau như búa bổ những ngày trời mưa
Huyết áp sợ lắm xin thưa
Lúc cao, lúc thấp sớm trưa giật mình…
Kể ra bao bệnh linh tinh
Cũng là để tự răn mình đấy thôi
Sinh lão bệnh tử đúng rồi
Tránh đi đâu được thì thôi cứ cười
May mà miệng nhoẻn vẫn tươi
Tóc chưa bạc với dáng người nhỏ con
Ra đường lắm kẻ nỉ non:
Năm tư tuổi chỉ đoán tròn bốn lăm (hehehe)
Dặn mình tập luyện phải chăm
Dưỡng sinh điều độ, chẳng ham thuốc thầy
Thế là đời vẫn phây phây…(hihihiiiii)

Nha Trang – 24/01/2011
MH
TRĂNG BUỒN

Trăng buồn trằn trọc vì ai?
Mà trăng thức suốt đêm dài mênh mông !
Hay trăng ngắm cảnh ái ân ,
Nghĩ mình lẻ bóng ,cực thân trăng buồn ...


mt Lượm Lặt
HỎI CỤ ƯC TRAI
Cháu buồn cháu gọi Ưc Trai ơi!
Xin được quỳ bên hỏi một nhời:
今邦無道河如處
Kim bang vô đạo hà như xư
古昔寃搴亦可囘
Cổ tích oan khiên diệc khả hồi!(1)
Giọt máu linh sà sao thấm mãi ,
Cháu buồn cháu gọi Ưc Trai ơi!...
(1)Ngày nay những kẻ vô đạo thì xử như thế nào?
Câu chuyện oan ức ngày xưa liệu có trở lại nữa không?
Thơ HSP mtst
TIẾC THẬT
(Tặng Tô Hà)

Tô Hà duyên dáng miệng cười xinh ,
Đôi mắt lung linh gợi sóng tình
Thân hình thon thả như liểu rủ
Về hưu tiếc thật, thiếu ô dù


Nha Trang 22/01/2011
Thầy Cảnh

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

CHUNG TÌNH

Thêm căn hộ mới xóm Tri Ân:
Thương nhớ em yêu khóc mấy vần
Hai chục năm rồi chưa cạn lệ
Chung tình héo cả tuổi thanh xuân !
22/1/2011
Đỗ Đình Tuân
THƯ NGỎ GỬI TÔ HÀ

Kính tặng thày Đỗ Đình Tuân

Bây giờ em cũng như thày
Làm thường dân phó tháng ngày thảnh thơi
Hai vai đã nhẹ gánh đời
Ngày ngày còn mối việc ngồi nghỉ ngơi
Đêm đêm mơ lại xa xôi
Miên man những chuyện những người ngày xưa
Thời gian dài rộng bây giờ
Xin dành để đếm nắng mưa cuộc đời.
Trò cũ: Tô Hà

Trả lời thơ Tô Hà

Hai vai đã nhẹ gánh đời
Nhưng chưa nhẹ gánh với người trăm năm
Người gần gặn, kẻ xa xăm
Chia bùi sẻ đắng vẫn đằm đôi vai
Muốn gần gặn những xa xôi
Muốn mau gặp lại CHUYỆN-NGƯỜI ngày xưa
Muốn dành đếm nắng, đong mưa
Phải luôn cần mẫn sớm trưa cuốc cày.

Bấy giờ em sẽ như thày
Làm thường dân phó tháng ngày thảnh thơi...
21/1/2011
Thày cũ: Đỗ Đình Tuân

MỘT NÉN TÂM HƯƠNG


Tết đên Xuân về không còn nhiều náo nức với những người đã sang dốc bên kia của cuộc đời, chỉ dày thêm những lo toan, vậy mà có vẻ như ai cũng xao xuyến một chút vào những ngày cuối năm. Lại thêm những Đại hàn, Đông chí… tiết trời nghiệt ngã khiến bao người vĩnh viễn lìa bỏ những người thân yêu. Người đi đã xong phận đời, người ở lại còn vương mãi ngậm ngùi thương nhớ. Những ngày cuối năm này, tôi nhận tin buồn nhiều hơn, hay vì trái tim đa đoan của tôi tưởng vậy?
Đầu tiên là thân mẫu của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tú, cũng là thân mẫu người bạn quí của tôi: Nguyễn Đức Bình. Đã hẹn một ngày nào đó cùng bạn về thăm quê nhà Thanh Hà, thăm các cụ thân sinh của cô giáo, của Đức Bình và những người bạn cùng trường Cấp III Chí Linh: Hiền, Lành… Không ngờ ngày đầu tiên về quê bạn cũng là lúc vĩnh biệt mẹ…
Tôi lai nhận tin của Dịp từ đám tang của cụ Đỗ Văn Bột, phụ thân của Đỗ Trang Kim, người bạn thân yêu của tôi đang ở nơi xứ người. Không gọi được cho Kim, tôi chỉ biết nhắn một tin ngắn: Bố mất, Kim biết không?”. Tôi còn nhớ những giọt nước mắt chan hòa trên khuôn mặt Kim khi bạn về nước thăm bố khio ông đã bị tê liệt: “Kim là đứa con được bố yêu thương nhất nhưng cũng là đứa con làm khổ bố nhiều nhất…”
Mấy tiếng đồng hồ sau, tôi lại nhận điện thọai của anh Mơ: “Anh và anh Thảo đang ở nhà tang lễ, anh Công mất đột ngột, mọi người đã về, chỉ còn anh và anh Thảo…”
Đến lúc nào đó, người ta không dễ khóc khi nhận tin báo một người thân qua đời. Nhưng dường như chẳng dễ nguôi ngoai. Những năm trước, Nguyễn Dịp làng Mo là người thông báo cho tôi tin bạn mất: Bùi Văn Bí, Phan Quang Tiến, Khúc Thị Tặng, cả 3 người đều rất đặc biệt với riêng tôi. Nếu có dịp tôi sẽ kể về những kỷ niệm đã theo tôi mấy chục năm qua.
Hôm nay, 20 tháng Chạp năm Canh Dần, ngày giỗ Khúc Thị Tặng. Đã 20 năm bạn tôi đi xa. Còn tôi xa bạn từ năm 1976. Những năm sau giải phóng, thông tin thật mong manh. Từ khi ra trường, chúng tôi kẻ Nam người Bắc, không biết bạn yêu ai lấy ai, cuộc sống thế nào, thông tin rõ ràng đầu tiên mà tôi nhận được là tin bạn mất. Trong tôi lúc nào cũng sống động hình ảnh Khúc Tặng đẹp rực rỡ tuổi xuân thi. Tôi hiểu vì sao chồng bạn yêu và tự hào về vợ như vậy. Bạn tôi đã ra đi lúc tình yêu vợ chồng đang nồng thắm, lúc độ tuổi chín đượm của người phụ nữ. Tôi cảm phục anh Bùi Thế Sử vì tình yêu chung thủy mà anh dành cho Tặng và luôn tin rằng Tặng cảm nhận đầy đủ tình cảm của anh.
Một nén tâm hương cho những người thân yêu đã khuất. Cầu mong các linh hồn mau siêu thoát vào miền an lạc.
Tô Hà

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

KÍNH GỬI XÓM TRI ÂN


Tô Hà vinh hạnh được giao trọng trách “Ban Quản trị” Blog Trian. Lúc đầu cũng hăng hái tình nguyện, những tưởng bây giờ đã là tỷ phú thời gian, lại qua một khóa đào tạo cấp tốc của thày Đỗ Đăng Biên (vừa dạy vừa quát om sòm), có lẽ sẽ “có nhiều cống hiến” cho Xóm. Nào ngờ sau gần một tháng rong ruổi vào Nam ra Bắc, khi về đến nhà thì không biết lên mạng vào lúc nào… Sao một người về hưu lại có thể nhiều việc thế chứ? Thảo nào cô em Minh Hương nghỉ hưu non trước chị cả năm trời mà không có thời gian ra chăm chị như đã hứa. Bù lại thì bây giờ vườn nhà Tô Hà đã xanh một vạt, cả cây lẫn rau. Và hôm nay cả tòa nhà đã được lau sạch một cách cơ bản sau nhiều ngày bị bỏ bê. Hạnh phúc của người về hưu là được làm những gì mình muốn, cho chính mình, cho những người thân yêu. Và được chia sẻ điều này với dân cư Xóm Tri Ân cũng tuyệt vời hạnh phúc. Sau những bận rộn lo cho giỗ, Tết, Tô Hà sẽ cố gắng đồng hành cùng Tri Ân, để tiếp tục được làm trò ngoan, bạn tốt của các thày cô và các bạn.
Cầu mong một năm mới an lành cho Xóm Tri Ân.
Tô Hà

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

KÍNH TẶNG THÀY ĐỖ ĐÌNH TUÂN


Bây giờ em cũng như thày
Làm thường dân phó tháng ngày thảnh thơi
Hai vai đã nhẹ gánh đời
Ngày ngày còn mỗi việc ngồi nghỉ ngơi
Đêm đêm mơ lại xa xôi
Miên man những chuyện những người ngày xưa
Thời gian dài rộng bây giờ
Xin dành để đếm nắng mưa cuộc đời

Tô Hà

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Nhớ Em!






 

Hai mươi năm,ngày giỗ em hai mươi tháng chạp

Nhà mình vẫn như xưa không có gì đổi khác

Anh già đi nhiều,các con cũng đã lớn lên

Thùy Dương con gái đầu lòng mà em đặt tên:

"Mặt trời trên biển". nay đã lấy chồng có con.

Cuộc sống thị thành hối hả bon chen

Vẫn giành thời gian về thăm anh và các em của nó

Nguyên Sơn, Anh Sơn thằng con trai kế

Má phính phính cười toe toét thơ ngây

Em vẫn đùa con,thằng bán phở sau này

Nay cũng đã lấy vợ có con va làm thợ

Bùi Trường Giang ,con thứ ba chắc em còn nhớ

Lúc mang bầu" Em ghét anh nhiều sao nó cứ giống anh"

Thằng thứ tư có mái tóc đen xanh

Em vẫn gọi "cu lỳ" hay "khúc đuôi" là Vĩ

Chúng đã lớn đi làm,không còn bé nữa

Anh thắp cho em một nén hương thơm

Như muốn nói ngàn vạn lần muôn nói"

Anh nhớ em! thương em và yêu em nhiều lắm đó

Bởi vì em là hơn một nửa của đời anh.

Em đã cho anh những trái quả ngọt lànhT

ừ "cái móng" tình yêu để xây lên lâu đài hạnh phúc

Mình sống với nhau chưa dài hỡi em yêu họ

Khúc Mười hai năm vẻn vẹn một mối tình

Nhưng cũng đủ cho một chứng minh

Không phải sống dài mới là tất cả

Anh vẫn nhớ em và yêu em nhiều hơn hơn thế nữa

Yêu mái tóc dài nghúng nghuẩy đuôi xam

Khuôn mặt xinh, còn mãi với thời gian

Nụ cười duyên ,đôi mắt đen lóng lánh

Hai mươi năm qua anh mất em nhớ lắm

Anh khóc em nhiều, khóc cạn nươc mắt vì em!


Bùi Thế Sử

ĐỪNG HỎI


Đừng hỏi thày Tứ đi đâu

Thày Tứ còn bận đi "ngầu" với cô

Bao giờ toại nguyện ước mơ

Thì thày Tứ sẽ làm thơ, viết bài...

Đỗ Đình Tuân
16/12/2011

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Thầy Tư Đây rồi

THÀY TƯ ĐI ĐÂU NHỈ ?

Thày Tư mải miết đi đâu nhỉ?
Bài vở Tri Ân chẳng thấy gì ,
Ngọc thể dạ thưa nay có khỏe ?
Chuyện tình hỏi nhỏ...hẳn lâm ly .

M,H Nha Trang


THÀY TƯ ĐÂY!

Làm gì còn sức để mà đi !
Đi mãi cuồng chân chẳng thấy gì ,
Đành phận cô đơn ngồi ngắm bóng ,
Bàn đơn ,ghế chiêc nhậu nhâm nhi...

M.T Đông Triều 18-1-2011
LÁ THƯ MIỀN BĂC

Tháng giêng gió bấc tràn về,
Tri Ân nhớ bạn tái tê lòng này .
Gió nung giá buốt đêm ngày ,
Hủy hoại sự sống ,cỏ cây héo tàn .
Hết nước lũ ,lại gió ngàn ,
Cây lay nghiêng ngả rú vang núi đồi .
Trời buông sương giá khắp nơi ,
Tuyết giăng phủ kín khắp trời Mẫu Sơn(1)
Dân ta đâu chịu ngồi yên ,
Chung lưng đấu cật vượt lên chính mình .
Sự sống lại dược hồi sinh ,
Nhà nhà hạnh phúc gia đình ấm êm .
Đón xuân Tân Mão có thêm ,
Rượu nồng xứ Lạng :Mẫu Sơn vui cùng...

(1) Rượu Mẫu Sơn nổi tiếng của Lạng Sơn

M.T 01-2011

GỬI EM

Gửi em một chút mùa xuân ,
Mang theo nỗi nhớ người thân làm quà.
Gửi em một chút mùa hè ,
Trăng thanh gió mát nghe bà hát ru .
Gửi em một chút mùa thu ,
Heo heo gió núi lời ru tái lòng .
Gửi em một chút mùa đông ,
Có thêm vị mặn Hạ Long gửi cùng ,

Gọi là một chút hương nồng ,
Bốn mùa :Xuân-Hạ- Thu-Đông nhớ hoài...

M.T 01-2011

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Thày Tư đi đâu ạ

Thày Tư mải miết đi đâu nhỉ
Bài vở Tri Ân chẳng thấy gì?
Ngọc thể dạ thưa nay có khỏe
Chuyện tình hỏi nhỏ... hẳn lâm li?


MH

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

KHÓC MẸ - MỘT BÀI THƠ XÚC ĐỘNG

Hôm Dịp+ Sử đi Thanh Hà về có ghé qua chỗ thày Tuân và khoe là có gặp cả anh Bình và cô Tú vẫn còn ở nhà. Lại còn khoe cô Tú cũng còn làm nhiều thơ lắm, cô có viết và đóng khung treo một số bài trong đám tang. Hôm tôi và thày Mạnh xuống thì còn đang tiến hành lễ viếng nên không có dịp được đọc thơ . Nhưng sau đó thì tôi chợt nghĩ “đã viết treo ở nhà đám thì chắc cũng viết vào Blog. Vì thế mà ngay tối hôm đó tôi mở webblog TRI ÂN CUỘC ĐỜI rồi “xé dậu” tạt sang nhà hàng xóm xem trộm thơ của ThịnhTú’ blog. Quả nhiên tôi được đọc một bài thơ Khóc mẹ, nguyên văn bài thơ như sau:

Mẹ ơi! Mẹ mất thật rồi
Lệ rơi con tiễn mẹ rời thế gian
Cõi trần bỗng chốc vỡ tan
Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân
Xót xa nến rỏ từng phần
Vách quan tài nỡ cách ngăn đôi đường
Mẹ ơi xa cách âm dương
Lưng còng bỏ lại chiếu giường trống không
Cửa nhà bỗng chốc mênh mông
Trắng mầu tang phủ đau lòng biệt ly
Kèn khuya khóc tiễn Mẹ đi
Xé lòng con trẻ khắc ghi đời đời
Đau lòng con lắm Mẹ ơi
Mẹ đi để lại cõi đời nỗi đau
Tình thương vô hạn bấy lâu
Sinh thành dưỡng dục bể sâu nào bằng
Mẹ đi về cõi vĩnh hằng
Ngàn thu chín suối ngậm trăng người hiền
Mẹ ơi! Nay mẹ ngủ yên
Cõi trần dáng mẹ vẹn nguyên ngày nào.
Thanh Hà 5/1/2011
Con gái: Nguyễn Thị Cẩm Tú


Phải nói là bài thơ đọc khá xúc động vì sự chân thành trong tình cảm của tác giả tạo nên. Hơn thế nữa bài thơ còn có những hình ảnh thơ khá đặc sắc có thể xem là những “tứ thơ xuất thần” không dễ gì nghĩ ra được: “Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân” gợi ra được hình ảnh của người con khóc thương mẹ đến “đỏ mắt”, “tàn thân” như thế thì thực lạ. Thơ ăn nhau ở những chỗ đột xuất và độc đáo như thế, còn nếu ai cũng nói được, nghĩ được thì không còn gì là thơ nữa. Có chăng thì cũng chỉ xếp vào hạng “thường thường bậc trung” thôi. Có được những hình ảnh thơ thế này chứng tỏ tác giả có một tố chất thuộc về bản năng thiên phú cho việc làm thơ. Cái bản năng thiên phú này có khi chỉ là 1% thôi nhưng là 1% quyết định. Nếu không có cái 1% ấy thì sẽ không có gì hết. Nhưng đa phần những hình ảnh khác là những hình ảnh thuộc diện nhiều người đã nói, hoặc cũng dễ nói được như thế. Nhưng nhờ chân tình mà những câu thơ ấy vẫn lay động được lòng người. Bài thơ xúc động là nhờ thế chăng? Khi đọc thơ Trở về với mẹ ta thôi của Đồng Đức Bốn tôi giật mình trước những câu thơ này:
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.
Cố nhiên Khóc mẹ là một bài thơ ứng tác, làm ngay nên khó có thể hoàn tất ngay được. Năm ngoái tôi cũng có được đọc một tập thơ của một người con chí hiếu viết về mẹ của mình. Bà cụ mất đi rồi mà một thời gian rất lâu sau nhìn chỗ nào ông ấy cũng thấy như còn bóng mẹ:
Đây góc sân bể nước giếng khơi
Đây sau nhà bồn hoa cánh cổng
Đây bậc hè lối mẹ lên xuống
Đây cửa phòng mẹ thường vào ra

Bây giờ thì mẹ đã đi xa
Mọi vật kia vẫn nguyên như cũ
Vật vô tri mà đâu cũng có
Bóng và hình của mẹ năm xưa

Mẹ gửi tình vào nắng vào mưa
Gửi thương vào cỏ cây hoa lá
Dù bây giờ mẹ không còn nữa
Dáng mẹ hiền vẫn ở bên con
(Dáng mẹ- Nguyễn Bá Phú)

Nhưng viết thế thì dễ chấp nhận hơn là viết như cô Cẩm Tú “Cõi trần dáng mẹ vẹn nguyên ngày nào”.
Chí Linh 12/1/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

LIỆT KÊ

Tân Mão xuân nay tuổi chớm già
Nhà vừa cơi nới rộng thêm ra
Sân vuông gạch đỏ nền cao thoáng
Lác đác chen viền mấy chậu hoa

Mất giống một cây cẩm tú cầu
Cam canh, bưởi diễn cũng còn đâu
Mấy cây nhãn quý vừa ươm giống
Cũng chết khô vì nước ngập sâu…

Ngứa mắt nhiều khi thấy bực mình
Vườn hoang ao rậm nghĩ mà kinh
Bánh chè, cánh phải đau và nhức
Cột sống đôi khi lại biểu tình…

Đành tự khuyên ta ở tuổi này
Còn nhai, còn uống được là may
Cái tâm, cái trí …còn hưng phấn
Vườn rậm, ao hoang… kệ chúng mày!
10/1/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI
Đỗ Đình Tuân

Phần hai
Cụ Hậu - Cụ Hội Thỉnh
Hồi đầu kháng chiến, có một lần giặc Pháp đi càn qua làng tôi. Chúng đóng quân lại một đêm trong khu nhà ngói ở giữa làng. Đó là khu nhà của cụ Hậu. “Hậu” chỉ là một chức mua của làng còn tên thật cụ là Đỗ Thị Thang, chị ruột của ông nội tôi. Nhưng khi tôi lớn lên thì các cụ đã “đi” cả rồi, nên những chuyện về các cụ tôi chỉ còn được nghe “hóng hớt” qua những cuộc chuyện trò giữa bố tôi với các bác, các chú, hoặc với những người bạn cày, bạn thợ. Qua những câu chuyện nghe ‘hóng hớt” được ấy, đại khái tôi hiểu rắng cụ Hậu là một người giầu nhất làng tôi. Cụ có đến năm mươi mẫu ruộng. Cụ cũng có lấy một đời chồng, gọi là cụ Nhất (do đỗ đầu một khoa thi hương nào đó mà có cái danh xưng này). Nghe nói cụ Nhất quê ở vùng Gia Lộc, cũng là một đấng mày râu “phong tình có hạng”. Cụ đã từng có khá nhiều vợ, nhiều con ở các vùng quê khác. Thế mà không hiểu sao, đoạn cuối đời cụ lại bén duyên với “cô Thang” làng tôi và sống ở đấy cho đến trót đời. Không ai nhớ và kể về câu chuyện tình của họ. Người ta chỉ kể lại loáng thoáng về cuộc sống cao sang, đài các của “cặp uyên ương” ấy ở làng tôi thôi: cơm thì toàn những tám xoan, gạo dự, thổi bằng một loại niêu đất chỉ to bằng chiếc gáo dừa. Thức ăn mặn thì giò rim, tôm rang, cá kho…và chúng đều được tẩm ướp, kho rang rất công phu kỹ lưỡng. Các món canh, món nấu cho đến hoa quả ăn tráng miệng cũng vậy. Tuy hai ông bà ăn ít thôi nhưng phải thơm ngon, tinh khiết và hợp khẩu vị. Chẳng hạn: chuối phải là chuối chín trứng cuốc, hồng phải là thứ hồng chín đỏ và thật nhừ, đặc biệt là na thì phải chọn những quả to, chín mềm, để sẵn vào đĩa rồi dùng tăm gẩy hết mắt đi…Hai ông bà sống trong một ngôi nhà hai tầng duy nhất và cao nhất làng tôi. Phía sau là một một dinh cơ nhà ngói cây mít, sân gạch tường hoa của một trong những người con trai của cụ Nhất: ông tiên Phác. Đằng trước, phía tay phải, hướng vuông góc với ngôi nhà hai tầng là bể hứng nước mưa đủ ăn quanh năm không cạn. Rồi đến năm gian nhà ngói chạy dài làm chỗ ở cho những người làm thuê. Kế đến là một khu nhà kho, nhà bếp có nền khá cao, chắc là để đề phòng những năm nước lớn. Dãy nhà kho nhà bếp này đối diện với ngôi nhà hai tầng và cách ngôi nhà hai tấng bằng một cái sân gạch, lát bằng gạch vuông Bát Tràng rộng mênh mông. Chỉ cách một con đường, và hơi chếch về phía tây nam khuôn viên này, lại là một cơ ngũ nữa: cũng nhà ngói cây mít, cũng sân gạch tường hoa, vườn bên ao trước, mênh mông thoáng đãng. Đó là dinh cơ của nhà ông Ký Đính con giai nuôi cụ Hậu (nhưng vẫn lấy họ chồng là họ Nguyễn). Ngôi nhà ông Ký Đính tuy chỉ có một tầng nhưng cũng cao ngất nghểu y như nhà hai tầng. Bởi nó có cái nền rất cao. Trước cửa nhà để tiền sảnh. Mặt trước tiền sảnh xây tường hoa, có để ô thoáng. Hai bên xây hai bậc lên xuống trông giống như hai cái cầu thang vậy.
Nhưng không hiểu là do lấy chồng muộn hay sinh phải giờ độc đinh cô quả mà Cụ Hậu làng tôi không sinh nở được. Bao nhiêu của nả cụ vun vào xây dựng cho con chồng, rồi xây dựng cho con nuôi. Cụ còn mua Hậu làng và xây trước cho mình một khu lăng mộ trên đống Mả Bà. Đây là một khu lăng mộ xây dựng toàn bằng đá xanh: kiểu dáng rất thanh thoát mà vẫn bề thế, khá bình dị mà vẫn hoành tráng. Giữa khu lăng là hai ngôi mộ nằm song song của hai ông bà. Phía đầu lăng có một am đá nhỏ. Phía chân lăng để một lối đi có bậc lên xuống. Xung quanh lăng được quây dựng bằng một hàng lan can đá. Không thấy có dựng bia tạc tượng cũng không thấy có bất kỳ một ý định phô trương nào trong khu lăng mộ này.
Nhưng ngay khi giặc vừa rút đi khỏi khu nhà ngói giữa làng tôi thì lập tức một đơn vị bộ đội được cử về phá sập. Người ta chỉ để lại cho làng năm gian nhà ngói tuy không dỡ mái nhưng vẫn phá tường. Ngược lại ngôi nhà hai tầng chỉ đánh sập được tấng, được mái nhưng lại không đánh sập được tường quây. Ngoài ra các khu khác đều thành những đống gạch vụn. Sau đó người làng tôi đi nhặt nhạnh những viên gạch lành còn sót lại xếp quây tạm tường bao và dùng ngôi nhà ngói năm gian này làm “Trụ sở”, làm “Nhà văn hóa” của làng trong suốt một thời gian dài, qua kháng chiến chống Pháp, rồi hòa bình lập lại, mãi đến cải cách ruộng đất đem chia quả thực cho nông dân nó mới bị phá dỡ hoàn toàn.
Bước vào thời tao loạn, những con đường làng tôi, cũng không còn được tu bổ hàng năm như trước nữa. Nước ngập, rồi trâu bò đi lại nhiều, nó cuốc phá ra, lở xuống sông, xuống ao hết cả. Làng tôi bước vào thời kỳ “Trăm cái tội không bằng cái lội làng Riêng”. Nhưng không thể lội bộ mà gánh gồng chuyên chở mãi được. Người làng tôi chuyển sang đan thuyền, đan mủng để “vận tải thủy”, biến cái “khó” thành cái “thuận”. Hàng năm cứ đến mùa nước úng, người làng tôi lại thi nhau đan thuyền hoặc sắn lại thuyền. Việc đan thuyền không nhẹ nhàng như đan rổ, đan rá nên phải có một “tốp thợ” mới làm được. Vì nan thuyền to, dài và cứng nên sau khi đưa chúng vào “lóng” còn phải gõ, sảm cho chúng thật khít vào nhau. Khi đã đan xong mê thuyền, lại phải chọn một nơi đất cứng, đào lấy một cái khuôn giống như cái thuyền thật, đặt mê thuyền vào rồi dùng chân dận, vồ đập, đòn thúc, sao cho mê thuyền ăn thật khít vào khuôn đất. Khi ấy người ta mới cạp thuyền. Nhưng thuyền cạp xong cũng chưa thể hạ thủy ngay được, còn một khâu quan trọng nữa: sắn thuyền. Sắn thuyền tức là dùng một loại vật liệu đặc biệt chát kín những kẽ nan để chống thấm nước.
Ở vùng tôi có một loại vỏ cây chuyên dùng vào việc sắn thuyền và người ta cũng gọi luôn cây đó là cây sắn thuyền. Làng tôi không sẵn loại cây này nên thường phải đi chợ Thiên, chợ Ngái mua về: băm nhỏ ra, cho vào cối đá đại, dùng chày dài đứng giã tung tơi ra như ruốc, đổ loại bột này vào lòng thuyền, dùng một loại đòn tre, có dập mềm đầu đi một chút, rồi cứ thế mà thúc, mà chà đi xát lại cho bột vỏ sắn thuyền nhét kín vào các kẽ nan. Chất nhựa trong vỏ cây sẽ làm cho loại bột này tự kết dính lại, ngăn cho nước không ngấm được lên lòng thuyền nữa. Nhưng thực ra nó cũng chỉ làm chậm quá trình ngấm nước lại thôi, cho nên cái thuyền nào người ta cũng vẫn phải để chừa ra một khoang nhỏ gần sạp lái làm tầu tát nước. Hễ nước vào nhiều thì lại phải dùng gầu, dùng gáo múc tát nước ra.
Tôi biết được cây sắn thuyền là nhờ ở vườn sau nhà cụ Hội Thỉnh, ngay phía trước nhà tôi có một cây sắn thuyền to lắm. Khoát của nó chắc phải già một gang tay. Đoạn thân đứng thẳng, từ gốc đến chỗ phân chi, phân nhánh phải cao ngót ba mét. Hàng năm tôi vẫn thấy nhà ông cụ cho bóc vỏ một lần. Nhưng chỉ một thời gian sau vỏ mới lại mọc ra che kín cái thân gỗ.Tán lá cây sắn thuyền khá thon gọn. Màu lá cây sắn thuyền không xanh biếc xanh đậm mà ngả màu nhung bạc như có một lớp sương khói mỏng láng ngoài. Quả cây sắn thuyền khi chín giống như quả mồng tơi nhưng tròn hơn. Nó có vị chua chua ngòn ngọt mà bọn trẻ chúng tôi rất lấy làm khoái khẩu. Nhưng thèm là thèm vậy thôi, chứ vườn nhà ông cụ rào kín, nhà lại có chó. Nhất là cái thằng Phả, cháu nội của ông cụ, kém tôi vài tuổi, thỉnh thoảng lại tụt quần ôm áo, lon ton chạy ra gốc sắn thuyền, chìa cái mông trắng hếu của nó ra mà ị. Con chó quen rồi cũng lập tức chạy theo và nó ị đến đâu thì con chó cũng “tiêu thụ” ngay đến đó. Thành thử, nhiều khi đứng ngoài dậu, trông thấy những quả sắn thuyền rơi lấp lánh trên lá, trên cỏ mà chúng tôi vẫn không dám xé dậu chui vào bởi nhỡ ra…thì sao…?
Chỉ có cây duối ở góc vườn nhà ông cụ, ngay trước cổng nhà tôi, là nằm ngoài hàng rào và không ai giữ cả. Cây duối này cũng to. Gốc chả kém gì cây sắn thuyền nhưng giống duối không cao cây như sắn thuyền. Lá duối mép có răng cưa, mặt trên xanh biếc và nhẵn, mặt dưới xanh nhạt và nháp. Chúng tôi thường lấy lá duối, gấp mặt nhẵn vào, dùng mặt nháp để đánh trắng răng, làm đỏm. Cây duối này rất sai quả và quả chín rất rộ. Nhiều khi đến bất ngờ. Chiều hôm trước chưa thấy gì, thế mà chỉ sau một đêm, sớm hôm sau trời hửng nắng, nhìn lên cây đã thấy vàng mọng những quả là quả. Cứ như những chùm vàng ,chuỗi ngọc treo gắn thấp thoáng ẩn hiện khắp vòm lá xanh. Quả duối to như hạt ngô, khi chín ngả mầu vàng, mọng nước, trông rất là ngon mắt, nhưng ăn thì chỉ nhan nhát ngọt không mấy thú vị. Nhất là sau những trận mưa, quả duối trông càng mọng, càng to thì ăn lại càng nhạt. Nhưng mùa nào thứ ấy, có thứ hoa quả gì mà chúng tôi không vơ vào miệng: duối, sung, vú bò, phèn đen, trà vó, rút rế…
Cơ ngơi của cụ Hội Thỉnh tuy chưa có nhà ngói cây mít nhưng đã có sân gạch tường hoa và ngôi nhà năm gian bằng gỗ xoan rất đẹp. Chính giữa vườn trước sân, có một khóm mẫu đơn hoa trắng, to như cái đống rạ lùn. Đến mùa hoa nở, trông cứ trắng đều như bát úp, thỉnh thoảng lại thấy dập dờn những cánh bướm to như cái bàn tay, màu sắc sặc sỡ, bay dạo quanh kiếm mật. Bên cạnh khóm mẫu đơn là một cái bể chứa nước. Xung quanh bể có trồng mấy cây cau vừa tạo cảnh vườn quê lại vừa làm những cái phễu để hứng nước mưa. Hết vườn trước là đến ao trong, rồi đến ao ngoài(vì nó nằm ngoài bờ tre, giáp với cánh đồng bãi nên gọi là ao ngoài). Bên bờ ao trong, mép vườn trước, có một cây hồng, nhưng không mấy khi trông thấy quả. Chúng tôi để mắt nhiều hơn đến cái cây ổi Tầu đã đổ ngả xuống ao, một phần cành lá của nó đã nhúng xuống cả mặt nước.
Cụ Hội Thỉnh thuộc lớp người cùng thế hệ với ông nội tôi. Nghe đâu, ông nội tôi trước đây đã từng dạm hỏi đính ước với chị gái cụ Hội Thỉnh: bà Nghiêm Thị Cách. Nhưng chưa kịp cưới xin gì thì bà Cách đã mất sớm. Sau này khi biên soạn lại gia phả của dòng họ, tôi vẫn thấy ở một bản sao chép lại trong cuốn vở học trò của chi hai (chi nhà tôi) có tên bà Nghiêm Thị cách. Có lẽ vì thế mà khi bố tôi đến tuổi lấy vợ, ông nội tôi muốn nối lại nghĩa cũ tình xưa để đi lại cho thêm gần gặn, mới định hỏi cô Nghiêm Thị Giảng, con gái cụ Hội Thỉnh cho bố tôi. Nhưng cụ Hội Thỉnh không chấp nhận với lý do:“Còn có họ, không lấy được!”. Thế là cô Giảng phải đi lấy chồng người làng Gốm, sau khi sinh được một người con trai thì lại mất vì bệnh hậu sản. Bố tôi sau này lấy mẹ tôi người bên làng Ninh Xá. Có sinh nở vài lần, nhưng nuôi được có mỗi mình tôi rồi cũng mất vì bệnh hậu sản. Số phận của hai người phụ nữ này cũng na ná giống nhau. Đó là lý do mà về sau này bố tôi thường hay than thở với những người bạn cày: “Ấy cũng tại cái số tôi nó thế. Lấy bà nào thì bà ấy cũng chê mình mà bỏ mình đi!”.
Ông Hội Thỉnh là người cáu bẳn và cố chấp. Cái giọng nói của ông cụ vừa dè dè vừa lảu nhảu gắt gỏng rất khó nghe. Không mấy ngày mà hàng xóm không thấy tiếng ông cụ quát tháo gắt gỏng ở bên nhà.Ngày tôi còn bé, tôi cũng gặp đôi lần ông cụ sang nhà tôi chơi. Nhưng hơi tý là ông cụ cũng mắng mỏ hoạnh họe rất to tiếng với tôi, làm tôi chẳng mấy có cảm tình với cái “lão già này”. Nhưng sau đó thì ông cụ xuống sức nhanh chóng. Tôi không còn thấy ông cụ sang nhà tôi chơi nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn nghe thấy tiếng những cơn ho kéo dài của ông cụ. Tiếng ho cứ ngày càng nhỏ dần. Rồi ít tháng sau, ông cụ mất vì bệnh ho lao.
Cụ bà Hội Thỉnh ngược lại rất ít tiếng, miệng luôn bỏm bẻm nhai trầu, nhưng nói câu nào nghe cũng vắt vẻo, khoảnh khoái giọng bề trên lắm. Cho nên cũng ít người gần gặn. Được cái bà cụ ăn mặc khá tươm tất, chỉnh tề: cái váy thâm đất, cái áo cánh nâu, cái khăn mỏ quạ, lúc nào cũng lành lặn sạch sẽ, chứ không lôi thôi cũ kỹ như bà cụ Chùa, bà cụ Chuột làng tôi. Bà cụ sống mãi đến thời cải cách ruộng đất, bị nông dân truy bức đấu tố, không chịu nổi, một đêm bà cụ trốn nhà ra một cái chuôm giữa đồng trẫm mình chết. Sáng hôm sau có người làng phát hiện ra, vớt xác cụ lên thì cua đã cắp nát tai, nát mắt bà cụ rồi!
Nhà ông cụ có cả thẩy sáu người con: Thỉnh, Chư, Giảng, Đọc, Mưu, Nghệ.Trong đó có ông Thỉnh, ông Chư là con trai. Ông Chư biết nói, đi tham gia cách mạng từ ngày còn "bóng tối", mất ở xa, không thấy trở về làng. Ông Thỉnh là cả thì lại bị câm. Tuy không nói được nhưng ông Thỉnh tỏ ra rất khôn và làm thợ mộc giỏi nhất làng tôi. Khi giao tiếp với mọi người ông ta chỉ “a, á…á, á…”, “ự, ự…ự ự…” và dùng tay ra hiệu chỉ trỏ, dùng cổ gật gật, lắc lắc, cộng thêm với nét mặt nữa, để biểu hiện ý mình. Bọn trẻ chúng tôi không hiểu được ngôn ngữ của ông Thỉnh. Nói đúng ra, chúng tôi chỉ hiểu được vài từ rất bản năng và phổ biến. Chẳng hạn để chỉ đàn bà, con gái hoặc cái của đàn bà con gái mọi người thường ấn đầu ngón trỏ vào ngón giữa rồi khuỳnh ngón ra để làm biểu tượng. Ông Thỉnh làm đơn giản hơn chỉ bấm đầu ngón trỏ vào đầu ngón cái tạo ra một vòng tròn để làm biểu tượng thôi. Còn biểu tượng chỉ đàn ông, con trai hoặc cái của đàn ông, con trai thì cũng như mọi người: đó là một ngón tay trỏ. Ông Thỉnh rất hay dùng cái biểu tượng này để trêu đùa chúng tôi. Hễ thấy chúng tôi đâu là ông ấy lại lấy cái ngón trỏ, xỏ xỏ vào cái vòng tròn, hất hàm hỏi: “ Đã muốn lấy vợ chưa?”. Chúng tôi lắc đầu “chưa, chưa” là ông ta lại cười và lắc đầu không thừa nhận “Các cậu đếch trung thực!”…Ông Thỉnh cũng có vợ, có con đàng hoàng. Vợ ông Thỉnh là một người phụ nữ cũng khá gái và tính tình rất điềm đạm. Nghe bà ấy kể lại thì ông Thỉnh cũng là người khá nóng tính. Cái gì không vừa ý là cũng gắt nhặng lên, có khi còn đấm đá túi bụi rồi dùng tay hẩy hẩy đuổi cút vợ đi. Những lúc như thế, bà Thỉnh chỉ lẳng lặng chấp hành, giả vờ đi chơi bên hàng xóm. Đợi khi ông ấy đi làm thì lại mò về lo toan việc nhà, chứ chấp gì với cái ông câm.

(Còn nữa)