Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
CHÁU CHÀO CÔ, CHÚ
Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011
TỰ SỰ TUỔI 25
TỰ RU
Phố Hóp- 2007
THANH DẠ
Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011
HẠNH PHÚC
Định ngồi vào bàn để luyện tập sử dụng máy tính thì nghe ngoài ngõ có tiếng gọi.
- Cửa mở. Chắc có nhà rồi, vào đi các vị. Nhìn ra cổng chủ nhà vội kêu lên :
- Ái chà chà! Quý hóa, quý hóa! Xin mời các anh chị vào tề phủ. Vừa sắp xếp mấy chiếc xe của khách, chủ nhà vừa gọi với:
- Vợ ơi, bà chủ ơi!!!! - Dạ, Em chào các bác, mời các bác vào nhà, Anh à, em biết rồi. Ở cái tuổi suýt thất thập nhưng ông nào trông cũng còn nhanh nhẹn lắm. Trời hè oi ả, cả bọn ùa vào nhà và lập tức quạt chạy vù vù. Một vị khách nói:
- Này ông chủ, tuần qua ông bà đi đâu? Hôm trước cầm mấy tập Hồn Việt ông cho mượn về nhà thấy một mảnh giấy rơi ra, mở ra thấy bài thơ " Ngộ ra" đọc thấy kinh quá đấy. Của ông hay của ai thế?
- Dạ, báo cáo bác, hãy xếp "Ngộ ra" vào một chỗ để dịp khác hãy bàn, bây giờ mọi người cùng em chiêm ngưỡng "lộc" đây là... Nào bà vợ thân yêu đâu??
-Dạ, có ngay, có ngay. Mọi người ồ lên khi thấy bà chủ bê một mâm đầy đặt ra bàn:
- Ái chà chà, Tuyệt quá, sang quá! Mực này, bánh này...đều hạng sang nhưng thiếu một thứ...
- Có đây, có đây, " Suối nguồn vui vẻ đây"
- Thôi đủ rồi, Còn gì nữa đấy ?
-Acer.
-Acer là cái gì?
- Lộc, lộc này các vị chỉ xem được mà thôi
Mọi người nhìn vào và ồ lên:
- Máy tính xách tay, ông mới tậu ah? -
Các cô chú ấy không muốn mình mù máy tính, lạc hậu với thời cuộc. Bây giờ xin mời các vị nhìn vào acer này sẽ biết tuần qua tôi đang làm gì, nghĩ gì... Đấy, ghềnh đá đĩa Phú yên, đã vị nào tói đó chưa?
- Ừ đúng rồi, còn đây là các cựu học sinh trường cấp 3 Chí Linh đấy, các em ấy thành đạt lắm. Các vị ấy tổ chức cuộc đi đấy. Thôi bây giờ mời các vị về khách sạn "Sao Việt" nghỉ rồi tiếp tục hành trình về Nha Trang.
... to be cont...
HỘI NGỘ THÁNG 3
Đã là những ngày cuối tháng 3. Thật nhiều hoa cho ngày 8/3/2011.
Có lẽ lần đầu tiên nàng Nhã được nhận những bông hồng đẹp như thế trong ngày của giới mình. Không biết ngày Quốc tế Phụ nữ năm sau chàng Dịp có nhớ tặng vợ một món quà nào không, hy vọng chàng ta nhớ, dù chỉ là một nụ hôn.
Xóm Tri Ân lại rộn ràng sắc xuân. Hội ngộ thày trò nơi làng Mô đầy ấm áp dù trời vẫn rét.
Thêm một thành viên mới. Trò Nguyễn Dịp được cô giáo Cẩm Tú trao máy tính với niềm tin Xóm Tri Ân sẽ có thêm nhiều bài thơ mới.
Cư dân mới Xóm Tri Ân đang dạo những bước đầu tiên trên ngõ xóm. Thật cảm động trước hình ảnh này. Với những người lính cũ, kỷ niệm một thời máu lửa còn nguyên trong ký ức. Hy vọng Xóm Tri Ân sẽ được các anh chia sẻ, như cả xóm đang chia sẻ CHUYỆN LÀNG TÔI của thày Đỗ Đình Tuân, những vần thơ thấm đẫm tình người của thày Nguyễn Minh Tư và cô Nguyễn Thị Cẩm Tú.
Xóm Tri Ân đang vào mùa hoa mới.
Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011
Bố tôi cũng mãi đến năm 27 tuổi mới lấy vợ. Bố tôi còn nhớ rất cụ thể là đám cưới được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 âm lịch (1940). Tiếng là lớn xác nhưng sang nhà vợ thì xấu hổ không cả dám đi đái. Thành thử cứ phải cố nhịn. Chỉ muốn nhanh nhanh chong chóng được “rước dâu” về để “đỡ bí” mà nào có được. Các cụ cứ con cà con kê mãi rồi mới cho rước dâu. Đã thế vừa ra khỏi cổng, mới đi lên đê được một đoạn, thì ông trưởng tộc họ vũ (bậc đàn anh, con ông bác của mẹ tôi) đã lập một cái án thư chặn lối. Đám cưới lại phải dừng lại để “điều đình” về cái giá để mở lối cho đi. Cuối cùng phải chi đủ một đồng thì “ông anh” mới chấp nhận. Về đến nhà việc đầu tiên là bố tôi chạy ra vườn rồi mới vào làm lễ tơ hồng. Bố tôi bảo đó là lần “nhịn đái” kỷ lục nhất. Nhưng cũng nhờ “tính bức xúc của cái khối nước thải chứa trong bụng” ấy mà quên cả xấu hổ. Bố tôi kể chuyện này ai cũng phì cười. Bác Trương Hương tiếp luôn: “Tôi cũng thế, lên nhà vợ cứ ngồi chết dí ở một góc giường, ai bảo làm gì thì làm theo như cái máy. Chú Hội Mậu (em con ông chú của bố tôi) thì láu táu chen vào: “Các bác lấy vợ khi đã lớn tuổi rồi còn đỡ chán. Em lấy vợ sớm, hãi lắm. Em chỉ sợ đến tối là bố lại bắt vào buồng ngủ chung với vợ. Ban ngày mình còn đi trốn được, chứ ban đêm thì biết trốn đi đâu. Thế là cứ cơm nước xong, ông cụ lại cầm roi gọi về bắt phải vào buồng, rồi ông cụ khóa cửa ngoài lại. Em cứ phải đứng như trời trồng ở trong buồng. Mãi sau rồi cũng phải lần vào giường nằm nín thở sát mép ngoài giường. Cô ấy chừng như cũng sợ cứ nằm nép mình tận sát vách”. Mọi người cùng cười ồ và hỏi đùa “ Thế sau làm thế nào mà lại gần nhau được mà đẻ lắm con thế?”.Chú Hội Mậu lại láu táu trả lời môt cách rất thật thà “Em cũng không biết nữa. Nhưng có lẽ là khi ngủ say thì tự nhiên nó hút vào nhau. Rồi dần dần thấy quen, thấy ấm, thấy thích. Đến lúc ấy mới thành vợ chồng được”.
Nhưng bác Trương Hương và bố tôi thì khác. Cứ lấy vợ là ông tôi cho ra ở riêng ngay. Bởi vì ông tôi, như có lần tôi đã kể, có tới ba bà vợ đồng thê. Mỗi bà đều có một “tư dinh” và nằm gần như song song và cách đều trên bờ con sông Đào. Ông tôi ở với bà “chính thất phu nhân” Lê Thị Áng, người Nam Gián Đông, ở khu trung tâm. Phía bên tả, cách hai nhà là “tư dinh” của bà “trắc thất phu nhân” Vũ Thị Huyền, người Ninh Xá. Phía bên hữu, cũng cách hai nhà là “tư dinh” của bà “thứ thất phu nhân” Đoàn Thị Hương, người Nội Hưng, Nam Sách. Bà nội tôi-Lê Thị Áng, cứ đều đặn bốn năm sinh một lần. Không hiểu là ông bà tôi “xây dựng” với nhau từ năm nào. Nhưng cứ theo “sử sách” còn ghi lại được thì trong khoảng từ năm 1905 đến năm 1921 bà tôi sinh cả thảy năm lần được bốn chàng trai: Vinh, Hương, Đăng, Đặng. Duy nhất có một lần sinh con gái vào năm 1917 thì lại không nuôi được. Có lẽ vì vừa cần người giúp việc nhà nông lại vừa khát con gái nên bà nội tôi nuôi những ba cô con gái nuôi. Sau này có hai cô đi lấy chồng thiên hạ, không thấy đi lại gì nữa nên chúng tôi không biết gì về tình hình các cô ấy cả. Chỉ duy nhất có cô Đỡ lấy ông Trương Hồi người cùng làng, sinh được một trai, một gái thì cũng mất sớm. Nhưng các anh chị ấy vẫn đi lại bình thường như anh em bên ngoại.
Năm 1925, bác cả Vinh nhà tôi đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Khang. Khoảng năm 1930, bác Đỗ Đình Vinh làm lý trưởng làng. Từ đó mới có tên là Lý Khang. Theo luật tục, khuôn đất ông tôi ở tất nhiên phải bàn giao cho con trưởng. Bà hai, bà ba mỗi bà chỉ có một con trai, nên cũng không phải lo gì về khoản “đất ở”. Duy chỉ có bà cả, còn những ba cậu con trai nữa là phải lo đến chuyện “san hộ”. Thế là ông tôi phải cắt ruộng đổi lấy ba sào đất vừa gò vừa ruộng ở khu Đống Xộp đình làng cũ để “san hộ” cho ba cậu con trai Hương, Đăng, Đặng.
Khu Đống Xộp này tương truyền có một vị thần đất to lắm. Ngài thường hay xuất hiện vào những đêm mùa xuân mưa phùn gió bấc. Lần thì người này thấy ngài đi từ Đống Xộp ra đồng. Lần thì người kia lại thấy ngài đi từ ngoài đồng trở về Đống Xộp rồi mất hút. Người ta bảo đó là những lần ngài đi “công tác” về. Theo những người “đã từng chứng kiến” kể lại thì ngài to bằng cái nồi gánh nước (nồi hông), sáng xanh, ngài đi đến gần thì trông rõ cả mũ cánh chuồn, xiêm y, hia hài bệ vệ lắm. Tôi được nghe kể nhiều về ngài nhưng chưa từng trông thấy ngài bao giờ. Nhưng chắc mọi người đều tin là “linh nghiệm” nên khi ra ở khu đất này mẹ tôi đã cho xây riêng một ngôi điện thờ vị thần đất này. Ngôi điện này có cái bệ khá cao. Nhưng lòng điện nhỏ thôi: trong cùng là cái bệ thờ có đặt một chiếc mũ ông công, dưới có cái bát hương với vài thứ đồ thờ sơ sài. Tiếp đến là một khoảng không gian chỉ đặt vừa một mâm cỗ. Mái điện không lợp ngói mà cuốn gạch rồi chát kín kiểu như người ta cuốn mui bể nước. Hai góc mái phía sau xây bít đốc lên để bằng. Hai góc mái phía trước có làm những đầu kèo giả uốn cong như những đao đình. Gần đây tôi về xem lại ngôi điện mới để ý thấy trên đỉnh điện có đề ba chữ Hán, nếu đọc xuôi như chúng ta đọc chữ quốc ngữ ngày nay, từ phía tay trái sang phía tay phải, thì trật tự của ba chữ đó là 在如敬 (tại như kính). Song song hai bên cửa điện cũng thấy ghi một đôi câu đối, mỗi vế năm chữ. Vế bên tay trái là: 土旺人常旺 (thổ vượng nhân thường vượng) và vế phía bên tay phải là:神安宅自安 (thần an trạch tự an). Ngôi điện tuy nhỏ nhưng trông thanh thoát và tôn nghiêm. Có lẽ đây chỉ là ngôi điện thờ riêng của cư dân Đống Xộp. Tôi không thấy người làng vào cúng khấn ở ngôi điện này bao giờ. Nhưng nhà bác Trương Hương, nhà tôi và nhà chú Đặng thì tuần rằm mồng một nào và mỗi khi nhà có việc cúng giỗ đều thấy có mang lễ ra điện thờ để cầu cúng ngài. Khi thì cũng bằng cỗ mặn, cũng có khi thì chỉ cúng bằng hoa nghi và quả phẩm thôi. Những năm tôi đã nhơn nhớn, thường cứ mỗi lần chuẩn bị ra điện làm lễ, bố tôi lại sai tôi ra dọn dẹp trước. Tôi phải lau chùi đồ thờ và quét dọn lòng điện cho sạch sẽ. Đó cũng là lúc mà bố tôi áo lương khăn xếp chỉnh tề rồi bưng mâm cỗ cúng sang điện. Ông cụ đặt mâm cỗ xuống lòng điện, kiểm kê các thứ… rồi thắp hương, rót rượu xong, thì ra đứng trước cửa điện lầm rầm khấn vái. Tôi chưa bao giờ nghe rõ và biết được nội dung của những lời khấn ấy. Chỉ thấy ông cụ lồng hai bàn tay vào nhau chắp trước ngực, đứng nghiêm trang lầm rầm khấn, một lúc thì lại vái mấy chiếc, rồi lại đứng nghiêm lầm rầm khấn. Trong khi khấn, thỉnh thoảng lại thấy è…è… mấy cái, hình như là để ngắt giọng và lấy hơi…Cũng có thể là để nghĩ những câu khấn tiếp. Độ vài điệp khúc như thế thì kết thúc. Ông cụ về, còn tôi thì phải ở lại để canh mèo. Khoảng độ tàn hương thì ông cụ mới ra xin lễ, bưng về.
Ngay cạnh Đống xộp, về phía Bắc có một cái ao làng khá to gọi là Ao Rồng. Người làng tôi vẫn giải thích lai lịch cái tên Ao Rồng là vì trước đây có thời kỳ loạn lạc gì ấy, người làng tôi đã phải đem các thứ đồ thờ trong đình ra chôn giấu ở đây. Từ đó mới có tên là Ao Rồng. Nhưng nhiều người làng tôi cho biết chính ngôi đình cũ của làng cũng xây ngay trên khu Đống Xộp này. Người ta còn cho biết rất cụ thể vị trí của nền đình nằm trên khuôn đất mà bác Trương Hương tôi hiện đang ở. Quả có như vậy thật. Bởi vì ngay trước cổng nhà tôi và nhà bác Trương Hương vẫn còn một thửa đất rất vuông vắn, làng giao cho ông Ủn là người làm “mới” trước đây của làng sử dụng. Bà Ủn chuyên cho cấy khoai bông, khoai ngứa để lấy dọc khoai nuôi lợn và dải khoai nấu ốc. Nhưng người làng tôi không ai gọi cái thửa ruộng cấy khoai này là “ruộng khoai” cả, mà vẫn gọi nó là “sân đình”. “ Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mấy bó dọc khoai”; “Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mớ dải khoai ”…Chính cách gọi tên không chính xác này của người làng tôi lại thành ra rất văn hóa. Nó gọi được cả quá khứ. Nó gợi lên được sự biến thiên của đời…đầy “bãi bể nương dâu”…
Khu đình mới của làng tôi lại chuyển ra vị trí khác ở phía tây làng cách khu đình cũ chừng trăm mét. Đó là một khu đất cao và tách biệt hắn ra với làng. Tất cả các công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng tôi đều được xây dựng ở trên khu đất này. Chính giữa khuôn viên là ngôi “đình mới”, kiến trúc theo lối “chữ đinh ngắn đuôi” gồm một gian cung và ba gian tiền tế. Phía bên hữu và dịch lên phía trước là ba gian chùa, mở cửa dọc phía đầu hồi để có cùng hướng Bắc-Nam với ngôi đình. Cái cửa dọc này quanh năm đóng im ỉm. Trước cửa chùa có một chậu cây cảnh gọi là cây đồi mồi, có lá to như lá vối, lại lốm đốm nhiều mầu trông rất sặc sỡ, không khác gì một chậu hoa vậy. Từ phía sân đình đi lên chỉ thấy mở một cửa nách hẹp để đi vào chùa. Phía bên tả và lùi hẳn về phía sau lại có một gian thờ riêng nữa gọi là Đền Mẫu, nhìn ra phía Ao Rồng là hướng chính đông. Trong đền, trên tường bệ thờ thấy có treo một bức phù điêu sơn son thếp vàng, vẽ một bà công chúa hai bên có bốn tì nữ hầu quạt và hầu nước. Chắc là bà “Công chúa Trần triều” đã mở bến, lập chợ và chiêu dân lập ấp ở vùng tôi đây. Nhưng sao ngoài Chợ Bến (cũng có một tên nũa là Chợ Cống), ngay sát đê, làng tôi còn có hẳn một ngôi đền thờ bà quy mô hơn nhiều ?
Gia đình ông từ trông coi khu này cũng được bố trí ở phía bên tả ngôi đình nhưng dịch lên phía trước và ở thấp hơn. Đó là một khu nhà tranh, một sân vôi khá rộng ngay dưới sân đình, một cái ao tù con con. Trước cửa chùa còn có mấy thước đất để cho gia đình ông từ làm vườn trồng rau, trồng khoai. Phía sau khuôn viên là vườn cây ăn quả, chủ yếu là trồng nhãn. Có tới vài chục cây nhãn. Chỉ đằng sau chùa là có hai cây táo: một cây táo xoan và một cây táo bột. Xung quanh khuôn viên có trồng tre bao bọc, và mọc xen kẽ đây đó là những bụi trà vó, vú bò, rút rế…Khuôn viên đình, chùa và đền làng tôi phải nói là một khuôn viên đẹp. Nhưng đến thời chúng tôi biết ,thì không thấy có hội hè đình đám gì nữa. Thời kháng chiến chống Pháp, ít năm đầu vẫn còn giữ tục “Đăng cai”. Hộ nào đến phiên “Đăng cai” vẫn thấy đóng oản, mua chuối ra làm lễ ở ngoài chùa, ngoài đình. Sau làm lễ thì chia phần, xếp lên hai chiếc mâm thau, cho ông Ủn gánh đi phân phát cho các hộ trong làng theo tiêu chuẩn của từng nhà, nhiều ít khác nhau. Riêng nhà tôi, tuần rằm mồng một nào tôi cũng được nhận một góc oản và nửa quả chuối. Có vậy thôi mà cứ nghe thấy có tiếng chuông chùa thỉnh là đã thấy mong mong thinh thích. Nhưng sau, thì lệ này cũng bỏ. Từ đó khuôn viên này hình như không còn là của làng nữa. Nó chỉ là khuôn viên của riêng gia đình ông Nho Mại. Đến thời “Hợp Tác” thì ngôi đình và ngôi đền cũng bị phá. Còn lại có ba gian chùa, nhưng hoàn toàn hương lạnh khói tàn. Nó trở thành như một cái kho để tượng, nhện chăng và ẩm mốc.
Cư dân đầu tiên ở khu Đống Xộp này là bác Trương Hương. Khi ông anh làm lý trưởng thì ông em làm trương tuần. Khoảng năm 1932, bác Trương Hương đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Thư. Ấy vậy mà người làng vẫn cứ gọi bác là “Trương Hương” chứ không gọi là “ Trương Thư” theo nguyên tắc “kỵ húy” như với những người khác. Tôi rất thắc mắc về cái “biệt lệ” này. Bởi vì làng tôi có nhiều “ông trương” lắm, nhưng chẳng có “ông trương” nào gọi theo tên tục như thế cả: Ông Trương Chu, ông Trương Giai, ông Trương Tự, ông Trương Thuyết…đều là gọi theo tên con của các vị ấy cả. Cách gọi này quả cũng rất có lợi. Bởi vì nó làm cho bọn trẻ con chúng tôi khi chửi nhau hoặc khi trêu trọc nhau không lấy “tên tục” đâu ra mà réo. Chẳng hạn khi muốn trêu trọc chị Toàn, con gái ông Trương Chu thì chúng tôi hò nhau lại hát: “Ông Trương chu / Mà dù lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy”. Chị ấy chẳng động lòng. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Có thể là vì chị ấy người lớn nên kẻ cả không thèm chấp. Nhưng quan trọng hơn là “Chu” không phải là tên tục của bố chị ấy. Mà đã không chạm đến tên húy, tên tục thì chẳng việc gì phải động lòng. Tương tự khi muốn trêu thằng “Thành chột” con ông Trương Giai, chúng tôi lại hò nhau hát: “Ông Trương Giai / Mà dài lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy”. Nó cũng chẳng động lòng. Nó bảo: Giai đếch phải là tên bố tao. Giai chỉ là tên anh tao thôi. Chúng bay không câm mồm đi, tao về tao gọi anh tao ra thì chúng bay liệu hồn !”… Nhưng với bác Trương Hương nhà tôi thì tại sao lại không thế ? Rất có thể chỉ là vì cái tên “Trương Hương” có vần có điệu, đọc thì thuận miệng, nghe thì êm tai, đã “mê hoặc” người làng tôi đến quên cả luật tục, nên cứ để nguyên vậy mà gọi chăng?
Có lẽ là ngay từ trước đã có sẵn một con đường của xóm đi vắt ngang qua Đống Xộp ra bờ Ao Rồng để ra đồng. Con đường này chính là cái ranh giới tự nhiên chia tách phần đất của nhà bác Trương Hương với phần đất của nhà tôi và nhà chú Đặng. Con đường này sau cũng là con đường đi chung của ba nhà để ra đồng. Ba nhà cũng làm chung một cái Cổng Đồng. Ngoài Cổng Đồng, một bên là Ao Rồng, một bên là Ao nhà ông Lý Vị. Cái đoạn hai bờ ao giáp nhau này rất hay bị vỡ, lầy lội không đi được. Vì thế ba anh em năm nào cũng cũng thấy bảo nhau bắc một cái cầu tre, dạng “cầu khỉ” có tay vịn để đi lại. Bác Trương Hương chính là người khai sơn phá thạch ở cái khu Đống Xộp này. Bác tân tre, bác trồng cây biến khu Đống Xộp này thành một xóm dân cư.
Phải ngót chục năm sau, đến cuối năm 1940, sau khi cưới vợ bố tôi mới ra đây ở. Mới ở được có vài hôm thì đã bị trộm khoét vách vào lấy hết đồ thờ. Bố tôi tức lắm và nghi ngay cho tên Nấng. Nấng là một tên trôm chuyên nghiệp nổi tiếng ở trong vùng. Ban ngày hắn thường trú ẩn trong Chùa Sùng. Ban đêm hắn mò xuống các làng ăn trộm. Người hắn nhỏ, dáng hắn nhanh và rất có tài lẩn trốn. Có người bị hắn lấy trộm nhiều lần đã lên tận Chùa Sùng tìm bắt hắn. Ấy vậy mà hắn cứ chạy ngách này, rẽ ngách kia chỉ một loáng đã biến đi đâu mất. Bố tôi thì khác. Ông mài một mũi giáo mà quyết tâm rình để đâm hắn. Rình đến đêm thứ ba thì quả nhiên thấy hắn làng vảng quay lại. Hắn đã ở bên kia bờ Rãnh Rồng, đang nhìn nhìn ngó ngó lấp ló muốn chui vào. Bố tôi thì căng thẳng đến nín thở, chỉ chờ hắn vào gần là đâm. Nhưng hình như có linh tính mách bảo. Hắn cứ định vào rồi chờn chợn lại lùi ra. Hai ba lần như thế và cuối cùng thì hắn bỏ cuộc. Bố tôi cũng lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau thì bên nhà bác Trương Hương kêu mất một buồng chuối. Thì ra hắn chẳng hề bỏ cuộc. Hắn chỉ lẻn vào lối khác sang vườn nhà bác Trương Hương cắt gọn một buồng chuối cõng đi mà không ai hay biết gì cả.
Cũng năm ấy bà nội tôi ốm nặng. Ngày 28 tháng 10 âm lịch năm ấy, giỗ Cụ Chánh cũng chỉ làm “gọn nhẹ”. Sau khi đi ăn giỗ bố về, ông tôi cảm thấy người hâm hiu khó ở. Cụ có cho gọi các con đến hội ý. Cụ dặn: “Mẹ các anh đang ốm nặng. Bệnh tình này cũng không lâu nữa đâu. Phiên chợ Nam Sách đến, các anh phải đi tậu ngay một con trâu về, chuẩn bị dần đi là vừa”. Ngày hôm sau, bác Lý Khang và Bác Trương Hương đi chợ Nam Sách tậu trâu về. Bước sang ngày 1 tháng 11 thì ông tôi mất đột ngột. Thế là những thứ chuẩn bị cho đám tang mẹ lại dùng lo ma cho đám tang cha. Ông tôi mất năm ấy đang ở tuổi sáu mươi tư. Trong gia đình, không kể gái, ông tôi là thứ hai, lại đang là “Tiên chỉ” nên người làng thường gọi là cụ Tiên Hai. Nhưng tên tục của cụ là Đỗ Đình Đấng. Theo “Đỗ tộc gia phả” thì Cụ Chánh, tức là cụ thân sinh ra ông nội tôi, cũng có đến ba bà. Bà thứ nhất không có con nên các thế hệ sau hầu như quên biến. Bà thứ hai là Phương Thị Noãn, người Nam Gián, sinh được bà Ngoạn, ông Hào. Bà thứ ba là Đỗ Thị Trà (người làng, dòng Đỗ khác) sinh được Thang, Đấng, Trường, An, Điểm. Trong đó Thang và Điểm là gái. Các cô tôi sau này hay nói với chúng tôi “Ông nhà mình hiền lành và dễ chịu nhất nhà”. Ông cũng có nghiên cứu sách thuốc nhưng không hành nghề và thường nói với con cái rằng: “ Làm nghề thuốc phải giỏi, không giỏi được thì đừng làm”. Có lẽ ông tôi không có năng khiếu về nghề y nên không làm “ông lang” mà chỉ chuyên nghề làm ruộng. Nhưng ông là người yêu văn nghệ. Có thời kỳ ông đã thành lập gánh hát chèo và đi “lưu diễn” ở quanh vùng. Ông cũng là người rất quan tâm đên việc dạy dỗ con cháu. Khoảng những năm hai mươi của thế kỷ trước (thế ký XX), khi bố tôi đã chín mười tuổi, ông tôi đã xuống tận Kiến An mời một cụ cử tên là cụ Cử Đoan về nhà ngồi dạy học. Lớp học chỉ có bảy học trò con của cụ Đấng và cụ Trường. Cụ Đấng có: Vinh, Hương, Đăng. Cụ Trường có: Tùng, Bách, Thung, Thụ. Ông tôi dành hẳn ngôi nhà trên làm nơi thày ở và ngồi dạy học. Trước khi đón thày về, căn nhà này đã được tổng vệ sinh một cách cực kỳ cẩn thận. Nó được lau rửa rất kỹ càng đến từng chiếc đòn tay, từng đầu kèo, chân cột. Tất cả vật dụng từ đồ thờ, đến sập gụ, tủ chè, giường thày nằm đều bóng loáng. Thày còn mang theo một cậu con trai tên là Tuân. Rất có thể cái tên tôi cũng là do bố tôi “cóp” cái tên con của thày mà đặt cho tôi. Ông tôi cung phụng bố con cụ Cử Đoan cực kỳ tươm tất. Một ngày bốn bữa, hai bữa chính và hai bữa phụ. Hai bữa chính cơm rượu, dọn riêng mâm cho bố con thày ăn trên nhà. Hai bữa phụ là bữa sáng sớm và bữa đêm khuya thường ăn nhẹ bằng các món cháo: cháo khoai, chè bí, cháo gà, cháo cá….
Chương trình học cũng là Tam tự kinh và Tam thiên tự. Thày Đoan ngồi trên một chiếc sập gụ. Bảy học trò ngồi trên một chiếc chiếu trải dưới nền nhà. Thày Đoan điều hành lớp học bằng một cái roi mây rất dài. Thày Đoan rất dữ đòn nên bọn học trò sợ thày lắm. Sợ nhất là vào ngày chủ nhật. Buổi sáng thày thường cùng gia chủ đi thăm thú và xem xét “địa lý” ở ngoài đồng. Buổi chiều về thì tiến hành “tổng kiểm tra”. Thày viết tên các bài đã học vào những thẻ tre bỏ vào một cái ống. Học trò lần lượt lên rút thẻ bốc thăm. Rút phải bài nào thì đọc bài ấy. Không thuộc thì ăn đòn ngay lập tức. Thày bắt nằm sấp xuống. Chân và tay bị kéo căng ra để không giẫy đạp hoặc co cẳng mà chạy được. Thày cầm roi mây quất mạnh vào mông đến lằn lươn, rớm máu. Chẳng có học trò nào không phải nếm đòn của thày Đoan. Nhưng chú Thụ tôi bị ăn đòn nhiều hơn cả. Trận đòn này chưa khỏi thì trận đòn khác đã bồi thêm. Cho nên cái mông thành viêm sưng mưng mủ. Lại không giữ gìn vệ sinh, để ruồi bâu vào thành có bọ. Có lần chú ấy phải nhờ bố tôi khều bọ hộ và rửa ráy cho. Bảy học trò của cái lớp học này, về sau có đến năm người đều trở thành những “ông nọ bà kia” trong làng xã. Chỉ có bố tôi và chú Thụ, hai học trò bé nhất của lớp, chưa kịp thành “ông nọ bà kia” thì cách mạng tháng Tám đã nổ ra và thời thế cũng thay đổi.
Đúng mười ngày sau khi ông tôi mất thì bà tôi cũng qua đời. Sau khi bố mẹ đã mất cả, chú Đặng tôi tuy chưa có vợ, nhưng cũng đã có nhà riêng ở khu Đống Xộp rồi, nên chú ấy cũng ra ở riêng. Chú ở một mình. Mãi đến năm 1946, chú mới cưới vợ. Vợ chú là người làng Đột Lĩnh bên Nam Sách, hơn chú những bốn tuổi và đã có một đời chồng. chồng trước của thím là một chiến sĩ cộng sản và hy sinh từ những ngày còn trong “bóng tối”. Đám cưới của chú Đặng thì tôi cũng đã biên biết rồi. Tôi đã được các anh các chị lớn rủ rê ra phía cống làng đằng Xóm Bến để xem mặt cô dâu và chơi trò căng dây chắn lối. Chúng tôi ngồi chờ ở cổng nhà ông Trương Hồi, hau háu nhìn ra phía ngoài đê. Khi thấy đoàn người lố nhố bước lên đê là chúng tôi đã bắt đầu rục rịch. Chúng tôi theo dõi đoàn người đi vòng vèo uốn lượn theo con đường mòn từ trên đê đi xuống và đi vào làng. Đoàn rước dâu bắt đầu đến bờ ao Ba Sào thì chúng tôi hò nhau ra căng dây chắn lối. Cứ hai đứa một dây. Mỗi đứa cầm một đầu dây căng ngang qua đường làng. Đoàn rước dâu đến dây nào cũng cho tiền để chúng tôi bỏ dây ra. Cũng có những đôi rất láu cá, nhân tiền xong họ lại rủ nhau chạy nhanh ra phía cuối đầu kia, căng dây tiếp. Thế là họ lại được nhận thêm tiền. Còn tôi vốn “ngây ngô chúa tầu” từ nhỏ nên nhận được đồng tiền thì đã hí hửng chạy về khoe mẹ: “ Mẹ ơi ! Con có tiền đây này !”.
Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011
Thịnh Tú: tặng anh Tư
Ra vào khuya sớm một mình,
Giữa đường lẻ bóng,chữ tình đa đoan,
Đã từng gối phượng chăn loan,
Đã từng ríu rít con ngoan vợ hiền,
Bến tình chẳng được bình yên,
Sóng xô tan nát mạn thuyền ái ân,
Trắng tay đứng lại bần thần,
Nhìn con sóng bạc lênh đênh vỗ bờ,
Giấu mình vào những áng thơ,
Thoảng trong men rượu hững hờ giai nhân,
Trách người lữ khách hồng quần,
Tham vàng bỏ ngãi ,tình xuân bẽ bàng,
Tin chi duyên phận phũ phàng,
Ta về ta viết sang trang cuộc đời,
Tri âm xin tỏ mấy lời,
Mạo muội chia xẻ mong người thứ tha,
Khoảng trống để lại hôm qua,
Ngày mai gặp lại xe hoa lấp đầy,
Mong tin vui tính từng giây…
Hà nội: 11-3-2011
Thịnh Tú
( Tặng Dịp)
Hôm nay tôi đến thăm em,
Nửa như là lạ,nửa quen thân rồi.
Nhà em ở dưới chân đồi,
Tựa vào vườn vải đương thời nở hoa.
Ngọt ngào chén nước mật hoa,
Vang vang lời hứa từ xa,xa về.
Mộc mạc như bức tranh quê,
Sân, vườn, cổng, ngõ bên lề nguyên sơ.
Một thời cắp sách mộng mơ,
Nhớ em tôi vẫn đợi chờ tương lai.
Nắng làng Mô đã trải dài,
Em thành ông ngoại của hai cháu rồi.
Em xưa trò nhỏ của tôi,
Dường như em chẳng chịu ngồi yên đâu.
Cuộc đời dâu bể,bể dâu,
Cánh chim nhỏ đã ngang bầu trời xanh.
Nhớ câu chim đậu đất lành,
Gió Côn Sơn đã thổi thành thơ em.
Cô chúc em mãi bình yên,
Bài thơ” Tặng Nhã” thắm trên môi hồng.
Côn Sơn: 10 – 03 – 2011
Cô Cẩm Tú
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011
CẦU VÂN ĐỒN
Bao đời mơ ước của miền Đông ,
Nối đảo Vân Đồn với Cửa Ông.
Đất Quảng chuyển mình rung thế kỷ,
Trùng dương sóng dậy động Thiên Cung
Vui lòng bè bạn bao dân tộc ,
Nức tiếng nhân gian khăp cộng đồng .
Giữa biển hiên ngang cầu nối nhịp ,
Đường lên hạnh phúc rộng mênh mông
Đ.T 10-2009
(Thơ dự thi2011)
CẦU BÃI CHÁY
2-12-2006
Ngắm bóng cầu soi ,ngỡ cổng trời ,
Qua dòng Cửa Lục vượt trùng khơi ,
Trên cấu loang loáng dòng xuôi ngược
Dưới nước in hình bóng nhẹ trôi ,
Nổi tiếng năm châu vang đất Việt ,
Lừng danh bốn biển vọng nơi nơi ,
Hạ Long sóng dậy cùng chào đón,
Bãi Cháy cầu dây đẹp nhất đời
M.T
(Thơ dự thi 2011)
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011
Truyện ngắn của Minh Hương
Ngỡ ngàng trước lẵng hoa hồng tươi thắm trên bàn, chị thẫn thờ sau khi đọc dòng chữ trên tấm bưu thiếp: “Mừng sinh nhật em, chúc em mãi mãi xinh tươi và hạnh phúc”. Chị thấy nôn nao cái cảm giác lần đầu chị nhận hoa anh tặng.
Kỷ niệm Ngày mùng tám tháng ba năm ấy, chị đang là cô sinh viên năm thứ nhất. Tất cả còn rất mới mẻ vì thời gian bước vào môi trường Đại học chưa lâu. Lớp chị tổ chức ‘HÁI HOA’ tìm hiểu về ngày Quốc tế Phụ nữ. Ban Giám khảo đều là những nam sinh viên của lớp chọn ra. Mỗi câu hỏi thi được cài làm nhị của một bông hoa. Các nữ sinh của lớp đều phải dự thi…
Đến lượt chị lên trả lời. Bông hoa mà chị chọn là một bông hồng mang câu hỏi: “Bạn hiểu gì về ngày 8-3?”. Chị trả lời khá lưu loát, hấp dẫn. các vị giám khảo gật đầu lia lịa. Chị định về lại chỗ ngồi sau khi hoàn thành xong phần thi của mình thì một vị Giám khảo khá điển trai vội đứng lên nói:
- Bạn Hồng Minh trả lời rất hay, rất đúng, nhưng với riêng bạn thì… chưa đủ. Vị Giám khảo vừa nhìn chị nháy mắt, vừa quay lại phía dưới nói:
- Ngày mùng tám tháng ba còn là ngày sinh nhật bạn Hồng Minh, hôm nay bạn vừa tròn mười tám tuổi. cả lớp ta cho một tràng pháo tay chúc mừng bạn… Tiếng vỗ tay và tiếng cười nói rào lên. Thật bất ngờ và quá ngạc nhiên, chị không hiểu vị Giám khảo này làm thế nào lại biết được điều riêng tư của mình. Vào lớp được mấy tháng, chị còn ngại chưa nói chuyện với ai về sinh nhật của mình… Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, vị giám khảo tiến đến gần chị nói tiếp:
- Thay mặt Ban giám khảo và nhân danh cá nhân, tôi xin tặng bạn một bông hoa. Chúc bạn mãi mãi xinh tươi và hạnh phúc.
Anh rút bông hồng trên túi áo ngực không biết đã cài sẵn từ lúc nào trao cho chị. Chị bối rối, hai má nóng bừng, tay run run đón nhận bông hoa từ tay anh, miệng lí nhí nói lời cảm ơn rồi lao về chỗ ngồi gục đầu xuống bàn, tim đập loạn xạ bởi ánh mắt cháy bỏng của anh. Tiếng vỗ tay reo hò của cả lớp lại rào lên:
- Hoan hô Giám khảo Tuấn…, Một Giám khảo tuyệt vời…!
Kể từ ngày ấy, sinh nhật nào Tuấn cũng tặng hoa cho chị, không phải một bông mà cả một lẵng hoa với số bông bằng tuổi của chị, trong đó bao giờ cũng có một bông hồng nhung đỏ thắm cài thiệp chúc mừng ghi dòng chữ “bông hồng 8-3, chúc em mãi mãi xinh tươi à hạnh phúc!”…
Họ đến với nhau như thế. Thật ngọt ngào, êm dịu! Theo thời gian, tình yêu của hai người cứ đầy ắp kỷ niệm. Nhưng cuộc đời thật éo le! Có những con sóng bất ngờ đưa ta dạt vào bén bờ xa lạ… Sau khi tốt nghiệp, để có việc làm theo nghề đã được học, anh phải tạm xa thành phố lên một tỉnh miền núi công tác. Chị chần chừ không muốn đi xa, nằm lại thành phố chờ một dịp may. Anh không thể chần chừ vì hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, chỉ mong anh chóng ra trường có việc làm để đỡ gánh, có điều kện cho các em của anh được học tiếp như anh. Thời gian đầu, chị vẫn nhận được thư của anh. Chị viết thư trả lời với bao tâm sự nhớ nhung và đầm đìa nước mắt. Sau đó, đột nhiên chị không trả lời thư anh nữa mặc dù anh vẫn có thư về đều đặn. Gần một năm xa nhau, anh nóng lòng không hiểu sao chị bặt tin. Sắp xếp mãi, anh mới dứt ra khỏi công việc về thăm nhà và chị. Quá ngỡ ngàng và đau khổ trước sự thật, chỉ còn ba ngày nữa là chị lấy chồng. Không kịp nghỉ ngơi, không cần tìm hiểu, anh quay trở lại nơi công tác ngay hôm ấy…
Chồng chị là một giảng viên Đại học mới ở nước ngoài về. Nhờ chồng, chị được nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm của trường, nơi anh đang giảng dạy. Cuộc sống đang rất khó khăn khi đất nước vừa dứt chiến tranh, được sống giữa Thủ đô đối với chị thật là may mắn. Chị đã đạt được điều mình mong muốn. Chỉ có một điều chị đã day dứt và cả đời đau khổ đó là chị đã phải chấp nhận và lựa chọn đánh đổi tình yêu của mình. Rồi cuộc sống vẫn là cuộc sống, như bao nhiêu người đã thở dài chép miệng: vợ chồng là duyên nợ trời định… Chị làm vợ, làm mẹ trong một gia đình mà theo chuẩn mực lúc đó là gia đình “lý tưởng”. Nhưng những bạn bè biết rõ mối tình của chị với Tuấn trước đây thì chỉ im lặng lắc đầu.
Sinh nhật nào chị cũng nhận quà của chồng. Khi là một chiếc khăn choàng, khi thì đôi bông tai, chuỗi hạt cườm, rồi một cái trâm cài áo… tất cả đều rất “mốt”, rất đắt tiền vì toàn là “đồ xin” anh sắm từ nước ngoài. Nhưng chưa bao giờ là một lẵng hoa hồng có số bông bằng tuổi của chị. Sinh nhật này, chồng chị đang công tác nước ngoài lại vừa gửi về cho chị một bộ trang sức bằng bạch kim, mà dân chơi vẫn gọi là “vàng trắng”. Để khỏa lấp nỗi nhớ “Người xưa” mỗi khi nhận quà tặng sinh nhật của chồng, chị thường đem khoe với chị em bạn gái. Họ cứ xuýt xoa khen đẹp, khen chồng chị biết chọn quà hợp với chị… Mỗi lần như vậy, chị biết mình đã lầm, càng phô trương những thứ hàng hóa mình đang có, lòng chị càng thêm xót xa. Những tiếng thở dài thường cứ lặng lẽ theo chị bao nhiêu lần rồi và hình như mỗi lần tiếng thở ấy càng dài hơn, nặng hơn…
Thấm thoát thế là đã hơn mười lăm năm, đứa con trai duy nhất của vợ chồng chị đang học lớp mười. Dù rất yêu vợ, song công việc và những chuyến công cán nước ngoài đã chiếm gần hết thì giờ và tâm huyết của chồng chị, vì bây giờ anh đã chuyển về Bộ công tác, có vị trí rất quan trọng trong công cuộc Cải cách giáo dục của Nhà nước. Còn chị, từ phòng thí nghiệm chị đã được chuyển lên đứng lớp và trở thành giảng viên của Trường. Theo trào lưu đương thời, chị cũng đang theo học Thạc sĩ… Cuộc sống giàu sang, nhung lụa của chị hiện giờ khó có ai bì kịp. Chị gần như toại nguyện về tất cả. Vậy mà chị vẫn cảm thấy thiếu hụt một thứ gì đó. Rồi chợt chị giật mình nhận ra cái cảm giác cô đơn, lạnh lẽo trong tâm hồn mình. Nó âm ỉ, lặn sâu vào tâm não chị suốt bao nhiêu năm qua. Chị càng muốn dìm sâu nó xuống tận đáy tâm hồn thì nó lại cứ muốn trào lên, vây hãm, day dứt chị. Chao ôi! Người ta có thể tạo dựng một cuộc sống đủ đầy, nhưng không bao giờ có thể vắt nặn được tình yêu…
Nhìn lẵng hoa để trên bàn, không đếm chị cũng biết tất cả có bao nhiêu bông. Ôi, cái tuổi mười tám ngày nào… Bây giờ chị đã là một thiếu phụ… Không biết Tuấn hiện đang ở đâu, bằng cách nào anh gửi đến chị lẵng hoa này. Bông hồng nhung thắm đỏ cùng dòng chữ nắn nót của Tuấn cứ nhòe dần, nhòe dần… Chị đã có một tình yêu như thế! Nhưng tất cả đều là quá khứ, dĩ vãng đã xa rồi. Có một lần chị gặp cô bạn gái học cùng lớp. Cô bạn cho chị biết Tuấn đã chuyển về miền Nam công tác, làm giám đốc một công ty dịch vụ kỹ thuật điện máy. Chị rất muốn hỏi thêm về Tuấn nhưng cứ thấy bối rối, ngại ngùng bởi lẽ thời gian gặp cô bạn thì quá ngắn ngủi mà sự thẹn lòng thì cứ trào dâng. Rồi cuộc sống lại cứ thế trôi đi… Căn phòng lặng ngắt trong hương thơm nhè nhẹ của những bông hồng làm thức dậy trong chị bao nhiêu kỷ niệm. Chị với tay cầm tấm thiếp đọc lại thật chậm rãi lời chúc của Tuấn. Thật là thân quen mà sao xa vời vợi. Bất chợt, chị đọc được dòng chữ rất nhỏ phía dưới cùng của tấm thiếp: … Phòng số… Khách sạn…
Không kịp nhìn lại dung nhan, diện mạo của mình, chị vội vàng cầm túi xách, dắt xe máy ra khỏi nhà… Khách sạn Thiên Thanh đây rồi. Dựng xe xong chị đi thẳng đến phòng lễ tân. Cô gái trực mặc bộ áo dài màu thiên lý giở sổ xem và trả lời chị.
- Phòng số 6 hiện đang có vị khách tên là Trần Tuấn đang nghỉ. Ông ở Cần thơ mới đến sáng nay…
Chị cảm ơn cô gái rồi xin phép được lên phòng. Đứng trước cửa phòng, tim chị dập thình thịch. Sau khi vuốt lại mái tóc đang đổ xòa trước trán, chị giơ tay lên, những ngón tay co lại trong tư thế gõ cửa run run…
- … Cốc, cốc … Không phải tiếng gõ cửa vì những ngón tay co lại kia chưa chạm đến cánh cửa. Tim chị muốn nổ tung ra. Chị cố trấn tĩnh, giơ tay một lần nữa, nhưng không thể!...
Đột nhiên chị quay lại chạy thẳng ra cổng khách sạn như có ai đuổi. Cô gái trực lễ tân ngơ ngác. Không kịp chào cô, chị lập cập lên xe, loạng choạng lao ra đường phố. Không chủ định mà xe đã rẽ lối qua Hồ tây. Tự nhiên xe chạy chậm lại, chị thả ga mặc cho xe lăn bánh từ từ. Nơi đây có biết bao nhiêu kỷ niêm của anh và chị. Chị thấy môi mình mặn chát, rồi cảm giác ấm nóng, ướt đẫm khuôn ngực đang thổn thức của mình. Không dừng xe, chị cố chạy về nhà.
Căn nhà thanh lặng dưới ánh sáng leo lét của những ngọn nến đang cháy gần hết. Chỉ có mùi hương của hoa hồng đã tỏa lan khắp nhà, không còn thoảng nhẹ nữa mà đã trở nên nồng nàn như muốn nói với chị bao điều. Lòng chị lắng xuống. Lấy tấm thiếp của Tuấn ra đọc lại một lần nữa, chị với cây bút trên bàn và ghi vào đó vài dòng, sau đó xếp lại và cho vào một cái phong bì mới. Việc còn lại là của ngày mai… Chị lặng lẽ bước đến bên cửa sổ nhìn xuống đường. Phố phường cũng đang bắt đầu vào sự yên tĩnh của đêm. Thế là ngày mai, tất cả lại diễn ra bình thường theo guồng quay cuồng nhiệt của cuộc sống, chẳng cần biết đêm nay, có mấy ai như chị đã phải vật lộn, chao đảo trước sóng gió của cơn bão lòng.
Nha Trang
7 - 1993
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011
Viết chữ lên ảnh bằng Paint
Bài viết này hướng dẫn việc viết chữ lên ảnh thông qua một phần mền có sẵn trên Word
Cách làm như sau :
1. Lôi phần mềm ứng dụng từ Word để dùng :
Nhấn Start -> Chọn và nhấn Programs
- > Chọn và nhấn Accessories
- > Chọn Paint và nhấn chuột phải - > chọn Desk top để đưa ra màn hình dùng cho tiện
2. Tìm ảnh phù hợp
- Ảnh phù hợp là ảnh có dung lượng khoảng 500 – 600 K.
Với ảnh dung lượng lớn khi đưa vào phần mềm nó choán hết khó sử lý. Với ảnh dung lượng nhỏ khi đưa vào phần mềm nó bé cũng khó sử lý.
- Trong trường hợp ảnh chụp từ máy ảnh ( Dung lượng lớn ) có thể thông qua cách Insert vào PowerPoint sau đó lưu ảnh từ PowerPoint với tên khác là sử dụng được.
3. Viết chữ
Nhấn vào Paint . Phần mền mở ra
Nhấn vào File nhấn tiếp Open
Chọn ảnh cần viết trong My Picture
Ảnh sẽ xuất hiện vào Paint
Nhấn vào biểu tượng chữ A rồi đưa chuột qua chỗ hình ảnh - > Xuất hiện Dấu + ta di chuột theo hình chữ nhật định vị khu vực viết chữ.
( Một khung màu trắng ? )
Chọn Font chữ và kích cỡ chữ trên bảng Font (Nên chọn Font Arial hoặc Time new Roman)
Chọn kích cỡ chữ cho phù hợp
Bắt đầu gõ chữ bình thường.
Để mất cái khung màu trắng ta nhấn vào biểu tượng hiển thị ( Màu xanh đỏ vàng ) cuối cùng .
Chọn màu chữ thích hợp với bức ảnh ở bảng màu phía dưới.
4. Lưu ảnh để dùng
Sau khi căn chỉnh lại lần cuối ta lưu lại ảnh đó bằng cách nhấn vào File chọn Save as…
Đặt lại tên cho Ảnh trong My Picturre và nhấn save là xong
( Khi đã Save ảnh không sửa lại được – Mọi sai sót chỉ có thể làm lại từ đầu )
Chúc mọi người thành công khi sử dụng Paint để viết chữ lên ảnh .
Trình làng một chuyến du xuân
Một “Giai nhân”, hai “Dẻo nhân” tung hoành*
Đất trời rộng bước xông xênh
Chút tình thầy bạn Chí Linh xum vầy
Thỏa lòng ước nguyện bấy nay
Côn Sơn sống lại những ngày còn thơ
Thật mà cứ ngỡ đang mơ…
Chí Linh 10/3/11
MH
* :
Một “Giai nhân”: Tô Hà
Hai “Dẻo nhân”: Minh Hương – Vân Anh
Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011
Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011
Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011
Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011
TA HẠNH PHÚC VÌ TA LÀ PHỤ NỮ
Chị em phụ nữ Xóm Tri Ân thật hạnh phúc khi được nhận lời chúc mừng nồng nhiệt trong ngày đặc biệt hôm nay. Những bài thơ tặng vợ của thày Đỗ Đình Tuân và Nguyễn Tô Quang-Nguyễn Dịp là những tình cảm nồng ấm gửi đến người phụ nữ thân yêu cũng là những ngọt ngào của cuộc đời hồn hậu. Mong thật nhiều ngọt lành cho mọi người phụ nữ Xóm Tri Ân.
BÀI THƠ CŨ BÂY GIỜ MỚI ĐỌC
(Kỷ niệm những ngày vỡ nợ,
em phải tạm trốn đi Quảng Ninh buôn bán)
Đừng liều lĩnh nhé em ơi
Thiệt anh lắm đó suốt đời bơ vơ
Lấy gì nuôi được con thơ
Lấy ai anh cậy anh nhờ hôm mai ?
Đừng đi đâu nhé-quê người
Về đây ta sống suốt đời bên nhau
Nghèo thì ăn cháo, ăn rau
Nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn
Xa em giấc ngủ chập chờn
Mỗi đêm là một đêm trường nhớ em
Cầu cho em được bình yên
Dẫu xa anh vẫn như liền tấc gang
Bao giờ tết đến xuân sang
Em về ta sẽ liên hoan sum vầy
Cùng nhau nâng cốc rượu đầy
Má em ửng đỏ anh say la đà
Em nhìn anh rất thiết tha
Anh nhìn em vẫn như là ngày xưa.
Cuối năm 1990
Đỗ Đình Tuân
TẶNG NHÃ
Phút này đây ta dành trọn cho nhau
Em là của tôi đến tận cùng ý nghĩ
Ôi đẹp quá bởi hồn em cao quý
Tôi nhắm mắt vào uống cạn suối âm thanh
Xanh như dòng sông ấy trong xanh
Rất điềm đạm nhưng rất là trang nhã
Tôi và em tình yêu tràn tất cả
Mặc đất rùng mình tôi vẫn đứng bình yên
NHÃ ở trong tôi là trái chín vẹn nguyên
Tôi đã lấy được niềm tin đặt vào lòng hai đứa
Một nửa cho em và cho tôi một nửa
Giữ tình yêu đừng khơi dậy những vết thương
1976
LỤC GIAI NHÂN “XÓM TRI ÂN”
Đông Triều 8-3-2011
Hôm nay mồng tám tháng ba,
Xin gửi làm quà ,bằng mấy câu thơ :
_Cô Tú dáng điệu tiểu thư ,
Chiều chồng nuông cháu,vẫn như thuở nào .
_Cô Thu vẫn nước “da màu” ,
“Tình yêu thượng đế”trước sau một lời .
_Cô Kim chúm chím nụ cười ,
Chồng “khen”vợ đẹp gấp mười ngày xưa .
_TôHà đầy ắp mộng mơ ,
MC duyên dáng,văn thơ kỳ tài .
_Minh Hương mạnh mẽ hơn người ,
Công việc xốc vac một thời thành danh .
_Vân Anh em út "đành hanh" ,
Con đường phấn đấu công danh đang chờ .
Làm quà bằng mấy vần thơ ,
Mà lòng thổn thức đợi chờ hồi âm !...
M.T
Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011
THƠ TẶNG VỢ NGÀY 8.3
Lại đến ngày tám tháng ba
Mấy lời tặng vợ gọi là báo công!
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là sư tử hà đông trong nhà
Vợ là nắng gắt mưa sa
Vợ là giông tố phong ba bão bùng.
Nhiều người nhờ vợ nên ông
Nhiều anh vì, vợ mất không cơ đồ.
Vợ là cả những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy.
Vợ là một chút men say
Là vườn hoa dại, làm ngây ngất lòng
Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say.
Vợ là khối óc, bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta
Vợ là nụ, vợ là hoa
Vợ là chồi biếc, vợ là mùa xuân.
Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà
Vợ là biển cả bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê.
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông
Vợ là chỗ dựa của chồng
Nhiều anh dám bảo vợ không là gì.
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu
Việc nhà có vợ, công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà ...
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là cát séc, vợ là ti vi
Nhiều đêm vợ hát chồng nghe
Lời ru xưa lại, vọng về trong ta.
Vợ là làn điệu dân ca
Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên
Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là nội lực làm nên cơ đồ.
Vợ là thủ quỹ, thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.
Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường.
Khi nào giận, lúc nào thương
Sớm mưa chiều nắng ai lường được đâu.
Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh.
Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên
Vợ là cô tấm thảo hiền
Cho ta thoả thích mọi miền rong chơi.
Vợ là con phật, cháu trời
Rẽ mây bay xuống làm người trần gian
Thiêng liêng lắm, xin miễn bàn
Định nghĩa không đúng chết oan có ngày.
Mấy lời định nghĩa chưa hay
Mong em xá tội, đừng bay về trời!
Vợ ơi! ơi vợ! vợ ơi
Dẫu cho răng rụng - suốt đời anh yêu!