Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 2

Đúng là « buồn ngủ lại gặp chiếu manh ». Tháng 4.76, hắn gặp lại hai đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ là Tặng và Tuyền. Hai anh bạn này là quân của B2, hiện đang làm quân quản ở SG đi phép ra. Cũng chẳng nhiều nhặn lắm song hai anh bạn này cũng có một số thứ quà có giá trị cho gia đình. Thấy vậy, hắn càng quyết tâm đi miền Nam hơn và quyết định sẽ theo hai anh bạn này đi. Tất nhiên, hai đồng đội ủng hộ quyết tâm của hắn.

Tuy nhiên, thời gian này việc đi lại giữa hai miền Nam- Bắc còn hết sức khó khăn và bị kiểm soát hết sức chặt chẽ, không có giấy đi đường hợp pháp thì không thể đi được. Riêng đối với bộ đội việc đi lại vẫn dựa vào hệ thống các trạm quân vận nên bắt buộc phải có giấy tờ. Hắn đang bí thì lại gặp một :manh chiếu » khác. Trong lần theo 2 anh bạn ra đăng ký đi ở trạm T32 của tỉnh, hắn nhận ra chính trị viên trạm này chính là một đồng đội cũ ở 559 khi xưa. Người đồng đội cũ đồng ý cấp cho hắn một giấy đi đường như một quân nhân trả phép. Thế là hắn quay về chuẩn bị đồ đạc và tức tốc lên đường. Nhưng không may cho hắn, cái manh chiếu này lại là manh chiếu rách. Chẳng biết vì đấu đá nhau gì đó, ông trạm trưởng phát hiện ra việc làm giấy tờ khống của ông chính trị viên nên người đồng đội cũ không thể giúp gì cho hắn.

Hắn suy nghĩ lung lắm. Đã chào bố mẹ và bà con để đi giờ lại quay về cũng nhục. Mà cứ đi nhỡ bị bắt thì cũng gay… Cuối cùng hắn quyết định: “Cứ đi tới. Đến đâu hay đến đó”.

Đoạn đường đi tàu hỏa từ HN vào Vinh đối với hắn không có gì khó khăn cho lắm vì tàu đông người, chẳng ai kiểm soát cho hết được. Tuy nhiên, từ Vinh trở vào thì không đơn giản chút nào vì từ đây trở đi là các trạm quân vận bằng ô tô. Hàng ngày, trước khi lên đường từng xe đều kiểm tra quân số theo danh sách đã đăng ký trước ở trạm cho nên rất khó lọt. Vốn sáng ý và khá linh hoạt nên hắn đã tìm ra bài đi trộm. Đồ đạc thì hắn gửi hai anh bạn cầm cho. Còn hắn cứ lảng vảng đâu đó, đợi đến khi chiếc xe cuối cùng chuẩn bị xuất phát hắn mới hớt hải chạy đến vò đầu, bứt tai phân trần: “Tôi đi xe số …, đồ đạc để cả trên đó rồi. Vừa mới đi vệ sinh một lát mà bọn nó đã chạy mất. Cho đi nhờ với”. Đồng đội với nhau, thấy tình cảnh vậy ai chẳng động lòng. Mà cái mặt của hắn cũng có vẻ đáng tin nên cứ như thế, sau gần nửa tháng hành quân hắn cũng vào đến miền đất hứa của mình: Thành phố Sài Gòn.

Vào đến SG, nơi hắn tá túc đầu tiên là khu vực biệt thự Ly Lan. Đây vốn là dinh cơ của một ông chủ sản xuất và nhập khẩu dược phẩm người Pháp, có vợ là người Việt. Ông chủ đã cùng con di tản trước 30.4, chỉ còn bà chủ ở lại trông nom cơ nghiệp và hiện là nơi đóng quân của đơn vị Tặng, Tuyền. Thấy hắn vào có bảo lãnh của 2 đồng đội, lại là cựu binh nên cũng chẳng ai có ý kiến gì. Hắn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của đơn vị. Thấy anh em làm vệ sinh hay tăng gia sản xuất hắn cũng hăng hái tham gia. Ngoài ra, hắn cũng theo một số người đi gỡ các tấm kính cửa sổ và tủ các loại đem bán kiếm đồng ra, đồng vào. Đến một nơi xa lạ, không giấy tờ, không một xu dính túi… mà có chỗ nương thân như vậy với hắn kể ra cũng ổn.

Nhưng cuộc sống yên ấm ấy kéo dài không lâu. Chỉ chừng một tháng sau, đơn vị của Tặng, Tuyền được lệnh di chuyển về căn cứ cũ để xây dựng vùng kinh tế mới. Không phải quân số đơn vị nên đương nhiên hắn không thể đi theo. Vả lại, đã bỏ quân đội, bỏ quê vào đây để tìm đường “cứu nhà” mà bây giờ lại đi theo một đơn vị quân đội đi xây dựng khu kinh tế mới thì có mà điên. Mặt khác, sau một thời gian tháo dỡ kính đem bán cũng dắt túi được ít tiền, hắn quyết định sẽ tự đi tìm kế mưu sinh giữa cái thành phố rộng lớn và vô cùng bát nháo sau giải phóng này.

Rời biệt thự Ly Lan, hắn gia nhập đội quân vô gia cư đầy nhung nhúc ở khu vực chợ Bến Thành. Vốn đã có kinh nghiệm dạo ở Ly lan rồi nên sau một vòng dạo quanh phố phường, hắn phát hiện thấy một khu cư xá của sĩ quan Mỹ ở sau Nhà hát Thành phố hiện đang hoang phế không người quản lý và nhanh chóng kết luận đây sẽ là nguồn thu của mình. Thế là, hàng ngày với những dụng cụ không lấy gì phức tạp lắm hắn đến đó tháo dỡ kính cửa, la- va- bô, vòi nước và tất cả những thứ gì có thể lấy được đem xuống giấu vào một chỗ. Đợi lúc thuận lợi, hắn thuê xích- lô chở tới Ngã Bảy để bán. Buổi tối, cũng như mọi người vô gia cư ở đây, hắn tá túc tạm ở một mái hiên nào đó, có khi còn ngủ ngay tại công viên trước cổng chợ. Thu nhập từ nguồn này không lớn song vì không mất vốn nên hắn cũng dành dụm được một số tiền và dự định sẽ tìm thuê một căn nhà và tìm một công việc ổn định nào đó để làm vì chẳng chóng thì chày, những thứ vô chủ ấy sẽ hết.

Nhưng Trời chẳng chiều người. Vào một đêm cuối tháng 5, khi hắn giật mình thức dạy thì chiếc ba lô mà hắn vẫn gối đầu khi ngủ đã không cánh mà bay. Hắn đau hơn hoạn vì trong cái ba lô đó là tất cả tài sản cũng như giấy tờ của hắn. Đúng là chó cắn áo rách. Hắn thật sự trắng tay theo tất cả các nghĩa của từ này.

Tiếp đó là những ngày cực kỳ thê thảm của đời hắn mà dẫu có giàu trí tưởng tượng nhất hắn cũng chưa bao giờ nghĩ tới mình sẽ phải trải qua. Ở quê, dẫu nhà nghèo đến bữa vẫn còn bát cơm độn mà ăn, đêm xuống cũng còn mái nhà che mưa, che nắng; lúc vui, lúc buồn còn có người mà chia sẻ, động viên… Ở chiến trường, dẫu gian khổ, ác liệt vẫn luôn có đồng đội bên cạnh, lúc thiếu đói còn có thể liếm củ rừng, rau dại mà ăn… Còn hắn ở đây, tứ cố vô thân, không nhà, không cửa, cũng chẳng có tiền. Muốn về quê cũng không được vì tiền không có, giấy tờ cũng không. Mà còn mặt mũi nào để về quê nữa chứ. Lúc ra đi đã hứa hẹn bao điều phải thế này, thế khác mới về. Chẳng còn cách nào khác, Hắn thất thểu đi xin việc làm thuê, việc gì cũng làm cho các tiểu thương cũng như nhà dân quanh chợ Bến Thành kiếm bữa cơm độ nhật.

Cũng may nhờ phúc của cha mẹ cho hắn sức khỏe, lại được rèn luyện mấy năm liền trong quân đội nên gian khổ, đói khát đến mấy hắn vẫn chịu đựng được. Chỉ có điều mỗi khi đêm xuống, nằm vắt tay lên trán hắn mới thấm thía nỗi sầu khổ của kiếp nghèo. Lại nữa, ngay cả những kẻ vô gia cư nghèo kiết ở đó cũng coi hắn như một con chiên ghẻ. Họ lấy làm lạ không hiểu tại sao một anh bộ đội Bắc Việt mà cũng rơi vào cảnh như họ. Thế là tự nhiên họ nghi kỵ và xa lánh hắn. Chẳng có ai nói chuyện hay tâm sự với hắn mà chỉ dành cho hắn những ánh mắt nghi ngại… Trong những đêm như thế hắn đã bật khóc nhiều lần.

(Còn nữa)

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Thạch linh



Yêu nhau hóa đá chờ nhau

Người xưa ai tạc nên sầu Vọng phu

Thạch linh đã vượt mây mù

À ơi! Tô Thị hát ru ngàn đời.


Lạng Sơn- 11/1993

Cẩm Tú

THEO DẤU HƯƠU SAO

CƠ SỞ NGUYỄN NGA

Hươu Sao xin giới thiệu một địa chỉ mới để Xóm Tri Ân cùng tham quan: www.nguyennga.org.








Cơ sở Nguyễn Nga là đơn vị tư nhân hoạt động xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, hoàn toàn mang tính nhân đạo và từ thiện với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.













Từ năm 1993 đến giữa năm 2007, Cơ sở Nguyễn Nga (NNC) hoạt động theo mô hình: Giáo dục & đào tạo gồm: Can thiệp sớm - Giáo dục hòa nhập - Giáo dục chuyên biệt - Đào tạo nghề và Sau giáo dục - đào tạo.
Năm 2008, NNC hoạt động theo mô hình Sau giáo dục - đào tạo dưới 2 hình thức: hỗ trợ việc làm tại đơn vị và Trợ giúp từ cộng đồng. NNC đang trợ giúp hơn 150 em khuyết tật cùng 10 nhân viên, giáo viên và tình nguyện viên.
Đến với NNC, du khách sẽ được giao lưu với các em qua các tiết mục văn nghệ, các tác phẩm hội họa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt các em khiếm thính có thể giao tiếp bằng tiếng Anh... Ngoài ra du khách sẽ được tham quan một số điểm di tích và làng nghề Bình Định bằng xe ngựa, xe trâu, xe đạp, Honda và Vespa cổ...
Chúng ta, những người sinh ra được may mắn hơn, hãy một lần đến tham quan NNC để thấy mình muôn vàn hạnh phúc, góp một phần nhỏ cùng NNC chia sẻ với những người khuyết tật.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

BÊN GHỀNH ĐÁ ĐĨA







Giận chi nhau mà cồn cào dữ dội

đã bạc đầu còn vỗ nát bờ anh

trời vẫn xanh và sóng vẫn trong

mà sao biển cứ ồn ào vô cớ

và cứ thế… nếu ngày nào cứ thế

còn đâu bờ để vỗ sóng ơi !

phú yên 07/2010

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

中秋有感

金波自海浸空流
河漢微雲淡淡秋
雨後池臺多貯月
客中情緒不滕秋
願憑天上清光夜
谝照人間疾苦愁
長使国家多暇日
五湖歸夢到扁舟

Phiên âm: Trung thu hữu cảm

Kim ba tự hải tẩm không lưu ,
Hà Hán vi vân đạm đạm thu .
Vũ hậu trì đài đa trữ nguyệt ,
Khách trung tình tự,bất thắng thu .
Nguyện bằng thiên thượng thanh quang dạ ,
Biển chiếu nhân gian tật khổ sầu .
Trường sử quốc gia đa hạ nhật ,
Ngũ Hồ quy mộng đáo biển chu.

Dịchthơ: TIẾT TRUNG THU

Biển vàng lấp lánh sóng lưa thưa ,
Sông Hán(1) mây bay thu nhẹ đưa .
Mưa tạnh hồ ao trăng lấp lánh ,
Trong nhà đâu biết tiết sang thu.
Trời cao thăm thẳm đêm trong sáng ,
Chiếu khắp nhân gian vợi nỗi sầu .
Đất nước mỗi ngày trang sử mới ,
Ngũ Hồ quay lại mái chèo xưa.(2)

1) Tên gọi sông Hoàng Hà
(2)Sau khi giúp Việt Vương trả thù nước Ngô
lấy lại nước Việt,Phạm Lãi và Tây Thi du chơi
ở Ngũ Hồ ròi mất tích

ĐT 05-2011

TIẾNG LÒNG



“Tri ân” cho tôi niềm vui bất chợt

“Tri ân” nghĩa tình thấm đẫm ước mơ xa

Cảm ơn “Tri ân” không quên bụi mưa xuân ấy

Dù nắng đã xế chiều xóm núi thẫm mầu hoa.


Mùa xuân 2011

Nguyễn Tô Quang

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

2- BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN LÊNH ĐÊNH:

Hắn người làng Nội, cùng học lớp A với tôi trong 3 năm cấp 3. Về hoàn cảnh gia đình nhà hắn thì có thể nói là thuộc loại nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa. Do nghề nghiệp lái xe bò, lại thích tụ tập bạn bè nên tôi cũng có nhiều dịp đi khắp nơi trong huyện, kể cả những hang cùng ngõ hẻm… song khó có thể tìm thấy ngôi nhà nào tồi tàn như thế. Đó là một ngôi nhà vách trẫy (có nơi gọi là dứng, nhứng) đã bị mưa gió làm xói lở hết dưới chân, mái rạ thì bạc phếch, ngắn tũn và lỗ chỗ thủng, nền nhà và sân đều bằng đất nện lồi lõm, khấp kha khấp khểnh… Bên trong tất nhiên chẳng có gì đáng giá ngoài mấy chiếc giường tre. Đó cũng chính nơi trú ngụ của gần chục con người vì nhà hắn đông anh em lắm, bố mẹ hắn khá yêu nhau nên có với nhau đến 9 mặt con ! Đông con như thế vào cái thời gạo châu, củi quế thì nghèo cũng là điều dễ hiểu. Với 9 cái tàu há mồm đủ mọi lứa tuổi ấy chỉ chạy ăn cho chúng cũng đã hết hơi, nói chi đến tích lũy làm giàu. Cũng may, thời ấy đi học không phải đóng học phí và hàng chục loại phí như bây giờ nên anh em hắn vẫn được đến trường.

Tuy vậy, có một điều lạ là dù nhà nghèo như thế song anh em hắn khá phổng phao chứ không đến nỗi gày còm, ốm yếu. Vì vậy, khi mới vào lớp 8 hắn cao hơn tôi cả một cái đầu. Người hắn cũng béo tốt, mập mạp, nếu đem cân chắc phải gấp rưỡi lão bọn tôi. Nước da thì trắng trẻo, khuôn mặt khá thư sinh. Nhìn hắn không ai nghĩ hắn lại xuất thân từ một gia đình nghèo như vậy. Vừa mới nhập học, căn cứ vào điểm chác trên học bạ và có lẽ cả cái vẻ bề ngoài của hắn, thày Tư chủ nhiệm cử luôn hắn làm « Lớp phó phụ trách học tập ». Hắn hãnh diện lắm và nhiều khi cứ hay « thể hiện » trước bạn bè. Tôi còn nhớ như in hôm hắn thể hiện về cách « đóng thùng » áo sơ mi cho chúng tôi xem. Ở cái bờ hồ dưới chân đồi, hắn cho áo vào trong quần rồi vươn vai, miệng bảo : « Phải rướn người lên thế này này… » thì cái áo lâu ngày vải đã mục nên « xoạc » một phát từ nách xuống đến thắt lưng. Hắn chẳng còn biết nói sao nữa, mặt cứ thộn ra như thằng ăn trộm bị bắt quả tang.

Còn một đặc điểm nữa là hắn rất mê gái. Nói như thằng M- đại tá công an cùng lớp thì: “Thằng K. thì đứa con gái nào chả yêu nó. Ít nhất cũng phải 2/3 con gái ở cái trường này yêu thằng K. Còn hắn thì đứa nào nó chả yêu, ít nhất nó cũng phải yêu đến 2/3 con gái ở trường này. Cứ nhìn thấy em nào xinh xinh một tý là nó yêu ngay ».

Tuy nhà nghèo vậy song phải nói hắn rất thảo với bạn bè. Còn nhớ lần em H. miền Nam đi đâu đó ghé qua làng hắn. Hắn mời vào nhà chơi bằng được, giữ lại nhà ăn cơm. Chẳng có gì đãi bạn, hắn bóp cổ chết ngoéo con gà mái duy nhất đang nằm ấp trên ổ để vặt lông.

Theo kế hoạch của năm học 1970-1971 thì khóa học chúng tôi sẽ thi TNPT vào các ngày 20, 21, 22/5/1971 (không nhớ thật chính xác nhưng nếu có lệch cũng chỉ 1-2 ngày). Nhưng đùng một cái, quãng mồng 10 gì đó, một loạt học sinh nhận quyết định nhập ngũ vào ngày 13.5. Đợt đó, lớp tôi cũng có gần chục bạn phải đi, gồm Đào Bá Trang- lớp trưởng, Vũ Công Phương, Dương Văn Thuận, Bùi Văn Đức, Lưu Văn Thiệp, Nguyễn Văn Điệp… và hắn. Tất nhiên, theo chính sách của NN thì bọn hắn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nhưng nghĩ ra cũng thấy tội tội. Chả gì cũng mất 10 năm học phổ thông, còn đúng 1 tuần nữa sẽ đến ngày thi mà vẫn bắt con người ta đi. Vì vậy, mặc dù đang cao điểm ôn thi TN song cả lớp tôi nhất trí bỏ hẳn một ngày rồng rắn kéo nhau đến nhà bọn chúng để tiễn chân. Trong đợt này, một số cặp có cảm tình với nhau đã mạnh dạn ra công khai. Riêng hắn, mặc dù là kẻ đa tình, yêu thật nhiều đấy song lại chẳng có ai yêu lại.

Sau mấy tháng huấn luyện ngoài Bắc, bọn hắn được bổ sung vào chiến trường. Hắn cùng một số bạn bè được đưa về trung đoàn 42 của BTL 559. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị : chính ủy trung đoàn này là cán bộ miền Nam tập kết, gia đình ông hiện sống ở Chí Linh và có con gái lớn là T.H học sau bọn tôi 2 lớp. TH cũng thuộc loại xinh và khá nối tiếng ở trường. Hồi tháng 8.71, khi về phép hắn tình cờ gặp T.H ở Bến Bình. Mặc dù H chẳng biết hắn là ai song hắn vẫn kéo nàng lại nói chuyện. Hắn xin địa chỉ quê hương của em để « nếu có điều kiện anh sẽ ghé thăm ». Chuyện tào lao như vậy song thật tình cờ là khi vào chiến trường hắn lại làm lính ở trung đoàn của bố T.H.

Có điều may là mấy năm ở chiến trường hắn đều nằm ở đường dây 559 nên tuy có ác liệt, gian khổ song cũng không phải trực tiếp tham gia chiến đấu. Có sức khỏe, lại quen lao động từ ngày còn ở nhà, hắn thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhiều lần được khen thưởng. Có một chuyện mà đến giờ thiếu tướng ĐVN vẫn thường xúc động nhắc lại : « Nếu không có hắn thì tao chưa chắc đã sống được đến bây giờ ». Số là, trên đường hành quân từ vùng Ngã Ba BG ra Khe Sanh N bị sốt rét nặng. Vì nhiệm vụ gấp nên cấp trên quy định : «Ai không theo kịp sẽ gửi lại các trạm ». Đang ở chiến trường vùng sâu, được hành quân ra gần miền Bắc là thấy đường sống. Thế mà bị gửi lại các trạm giao liên thì cầm bằng ngỏm, nếu không cũng chẳng biết ngày nào ra được. Hắn liền tổ chức cho mấy anh em cùng xã chia đồ của N ra để mang . Riêng hắn mang cái ba lô của N. Thế là, một ba lô sau lưng, một ba lô trước ngực suốt mấy trăm km lại còn kèm sát N để động viên.

Vì những thành tích như vậy, tháng 8.1974 hắn được cử ra Bắc học Trường trung cấp kỹ thuật Thông tin. Tháng 8.75, trong đợt phép đầu tiên của mình, tôi gặp hắn ở Sao Đỏ. Trông hắn chững chạc trong bộ quân phục với đôi quân hàm học viên đỏ rực thấy « oách » phết.

3- Cứ ngỡ con đường trước mặt hắn đã rộng mở và cứ thế mà đi theo thì hắn lại tự ngả sang một ngã rẽ khác. Cuối năm 75, hắn quyết định xin ra quân. Mặc dù đơn vị cũng giáo dục, giải thích nhiều lần song hắn vẫn kiên quyết không thay đổi ý định nên tháng 1.76, hắn có quyết định xuất ngũ.

Sau này, trong một lần gặp nhau hắn giải thích cái động cơ xin ra quân của hắn hồi đó là để « vực dậy kinh tế gia đình ». Nói nôm na là nghĩa vụ cứu nước đã hoàn thành, bây giờ phải nghĩ đến « cứu nhà ». Tìm hiểu kỹ thêm thì tôi được biết, cuối năm 75 thằng em của hắn bị tai nạn chấn thương cột sống nặng. Bố mẹ thì đã già yếu, có thằng lao động chính lại nằm liệt giường… nên hoàn cảnh gia đình đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Nghĩ rằng với sức vóc và khả năng của mình có thể vực dậy cái gia đình nghèo khó này, hắn kiên quyết xin về. Có lẽ, do đã được đi đây đi đó nhiều hơn, tầm mắt được mở rộng hơn… hắn đã có điều kiện so sánh và thấy rằng nhà mình quá nghèo, hắn đã thấm thía hơn cái cực khổ của những người nghèo nên quyết tâm phải thoát nghèo. Và cái khát vọng thoát nghèo này không chỉ xuất hiện trong thời điểm đó mà còn đeo đuổi hắn đến suốt cả cuộc đời.

Ra quân rồi, hắn cày thật lực. Bất kể công việc gì hắn đều không nề hà. Từ việc làm ruộng ở nhà cho đến đi rừng lấy củi, lấy nứa… rồi bốc vác, đóng gạch thuê v.v… hắn làm tất. Dần dần, hắn nhận ra một điều nếu cứ làm những công việc thế này thì cái khát vọng thoát nghèo mà hắn ôm ấp mãi mãi chỉ là một ước mơ xa vời. Hắn suy nghĩ lao lung muốn tìm một con đường khác mà vẫn bí rì rì.

Thời gian này là quãng thời gian ta đang giảm quân sau giải phóng miền Nam. Bộ đội được cho xuất ngũ hàng loạt. Gặp lại nhiều bạn bè, nghe họ kể chuyện về sự giàu có phong phú ở các đô thị miền Nam. Lại thấy phong trào « miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng » đang rộ lên. Trong đầu hắn hình thành một ý nghĩ : « Để cứu nhà, cần phải vào miền Nam ».

(Còn nữa)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Chào mừng bác Thạo







Hoan hô bác Thạo nhà mình
Xứng danh bản lĩnh Công binh oai hùng
Đến sau vào trước tiên phong
Quà mừng Sinh nhật tuổi hồng Tri ân
Cách xa muôn dặm hóa gần
Tri ân ấm áp thêm phần đông vui

VA
MẾN GỬI XÓM TRI ÂN

Vui sao được vào xóm Tri Ân
Mạo muội T. tôi có mấy vần
Xin chúc mọi người luôn mạnh khỏe
Để cùng mãi mãi với Tri Ân.


Hoàng Minh Thạo
27/5/2011

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

弎 遊崑山

弌筇山上柱雲烟
囘首塵挨路隔千
雨後泉聲流蔌蔌
天睛嵐氣靜涓涓
百年浮世人皆夢
半日偸閒我亦仙
興去欲來僧院宿
昏鐘催月掛峯前

Phiên âm: Du Côn Sơn

Nhất cùng sơn thượng, trụ vân yên,
Hồi thủ trần ai, lộ cách thiên .
Vũ hậu tuyền thanh, lưu tốc tốc ,
Thiên tình lam khí, tĩnh quyên quyên .
Bách niên phù thế nhân giai mộng ,
Bán nhật du nhàn ngã diệc tiên .
Hứng khứ dục lai, tăng viện túc ,
Hôn chung thôi nguyệt, quải phong tiền

Dịch thơ: CHƠI CÔN SƠN

Gậy trúc trèo non ngắm tuyết tan ,
Ngoảnh đầu nhìn lại chẳng đường lên .
Mưa tan suối dạo muôn dòng nhạc ,
Hơi nước hững hờ, gió toả lan .
Cõi thế xưa nay toàn mộng ảo ,
Nửa ngày thanh thản hoá thành tiên .
Đường vào tu viện thăm cõi phật ,
Chuông giục trăng treo, đỉnh non ngàn.

ĐT.05-2011
NHỚ MÙA THI


Mùa thi lại sắp đến rồi,

Đứng bên đường ngắm phượng phơi sân trường.

Còn đâu những bụi phấn vương,

Còn đâu tiếng trống tan trường mùa thi.

Hà Nội 12/5/2011
Cẩm Tú

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

ĐÓN MỪNG CƯ DÂN MỚI


Tháng 5 năm 2011, Xóm Tri Ân hân hoan đón chào hai cư dân mới: Thày Trương Quang Chế, nguyên giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Cần Thơ, nay nghỉ hưu tại thành phố Cần Thơ và anh Hoàng Minh Thạo, cựu chiến binh ở huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Chúc các thành viên mới thêm niềm vui chia sẻ cùng cả Xóm. Chúc Xóm Tri Ân thêm rộn ràng hương sắc mới.

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

1- HẬU VỆ, LÍNH TĂNG, SĨ QUAN, BÍ THƯ VÀ... THƯỜNG DÂN- 3

Về quê đầu những năm 80, đời sống cả nước đang gặp nhiều khó khăn, vợ chồng hắn cũng không là ngoại lệ. Đã thế, vợ lại tòi ra một thằng cu nữa, mấy năm sau ra tiếp một thằng nữa cho đủ bộ ba. “Tam nam bất phú”, các cụ đã tổng kết rồi. Tôi lẩn thẩn lo cho hắn.

Nhưng không ngờ đời hắn lại khởi sắc mới hay chứ. Là đảng viên, cựu SQ, văn hóa ngon lành, đầu óc sáng láng hắn tham gia vào công tác ở địa phương. Chỉ sau mấy năm công tác, hắn đã được tín nhiệm bầu vào đảng ủy rồi trúng cử bí thư đảng ủy xã quê hương. Đang thời nhập nhoạng, các quan xã cũng có chút quyền hành và quyền lợi nhất định, hắn cũng được chia một mảnh đất ven đường và làm được nếp nhà nho nhỏ để rời khỏi cái làng Bát Giáo quanh năm lụt lội. Tất nhiên, không thể so được với các quan xã thời nay nhưng kể ra cũng không đến nỗi vất vả cho lắm. Công việc thì nhàn hạ, thu nhập cũng kha khá, lại có chút quyền hành… ở xã khối thằng mơ. Cũng thời kỳ này, hắn làm trung tâm để tập hợp hội đồng ngũ xe tăng CL 12.71 lại với nhau. Cái hội đó từ bấy đến nay vẫn duy trì đều phải nói công lao hắn rất to lớn. Mới chưa đầy 40 tuổi, mấy thằng bạn lính ngồi với nhau hể hả bảo: “Cứ như thế này, có khi mày còn lên huyện, lên tỉnh ấy nữa chứ”.

Nhưng… lại có một chữ nhưng. Ấy là nhưng không ai học hết chữ ngờ. Đang thuận buồm, xuôi gió thì mọi việc lại đổ bể. Hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác tới tấp dội về xã hắn. Thì ra, khối chính quyền xã này đã làm khá nhiều việc trái quy định, nhất là những việc liên quan đến đất đai. Hắn là bí thư đảng ủy, tuy không phải là người ra quyết định nhưng có trách nhiệm liên đới, không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của đảng. Mà thực ra, cái chính là hắn cả tin, cả nể kiểu lính tráng với nhau trong khi đó kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước lại mù mờ nên mấy thằng đàn em nó qua mặt. Thế rồi đình chỉ công tác để điều tra. Dạo đó, hắn gầy tọp đi và bệnh đau dạ dày lại tái phát. Cuối cùng thì hắn bị kỷ luật cách hết các chức vụ. Gặp nhau, hỏi thăm, hắn cười khùng khục: “May không phải ra tòa”. Có điều, hắn bị kỷ luật đấy nhưng bà con, anh em vẫn quý mến chứ không ghẻ lạnh với hắn.

Lại một lần nữa hắn về làm dân nhưng lần này là làm dân thật sự. Tài sản tích góp cho đến lúc ấy cũng chẳng có bao nhiêu mà ba cái tàu há mồm thì lớn nhanh khủng khiếp. Thằng lớn mới học cấp 3 mà đã cao trên 1,8 m. Hai thằng kia cũng lộc ngà, lộc ngộc. Cả nhà trông vào mỗi suất lương của bà kỹ sư thú y nhưng cũng đang trong tình trạng thiếu việc làm vì các doanh nghiệp chăn nuôi của NN cũng đang thất bát. Bụng đói, đầu gối phải bò, hắn lăn lưng ra “bới đất, lật cỏ” .

Tuy nhiên, cái loại nông dân nửa mùa như hắn có cày thật lực cũng chẳng thể nào đáp ứng đủ cho ba cái tàu há mồm kia. Nào là ăn, mặc, học hành… mà chỉ trông vào mấy sào ruộng vụ được, vụ mất thì chỉ có đói. Thế là hắn xoay đủ cách.

Đầu tiên là nấu rượu, nuôi lợn. May có cô vợ kỹ sư chăn nuôi, thú y nên mấy năm đầu, lợn nhà hắn lớn nhanh, ít bệnh và thu nhập cũng tăng lên, đời sống phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, vốn ít, địa thế lại không thuận lợi cho phát triển làm ăn nhớn (mà có khi cũng tại cái đầu chưa dám nghĩ đến nữa) nên cũng chỉ gọi là lấy công, làm lãi mà thôi. Trong khi đó, vừa vất vả lại vừa ô nhiễm nên hắn bắt đầu nản. Lại bị bồi thêm mấy lứa lợn ốm đau, bệnh dịch, tuy không đến nỗi mất trắng song lờ lãi chẳng được bao nhiêu nên hắn bỏ.

Hắn xoay tiếp sang bài tiếp theo là ấp trứng vịt lộn. Món này phải nói lợi nhuận khá cao, phải được 100%. Nghĩa là bỏ ra 1 đồng vốn sẽ thu được 2 đồng. Tuy nhiên cũng khá vất vả vì phải đi mua trứng ở xa về, ấp đến ngày lại phải đi giao trứng. Có điều, địa bàn hắn ở vẫn là nông thôn, mức sống còn thấp, các quán ăn nhậu chưa phát triển như bây giờ… nên phương án này cũng không thành công cho lắm. Mỗi lần trứng đến lứa phải chở đi như bán hàng rong, người ta lại hay chịu tiền, mà ở đó người ta chịu lâu lắm, hỏi đến cứ khất lần chẳng biết đến bao giờ mới đòi được. Rồi có lần đi lấy trứng, gặp mưa, đường đê thì trơn, hắn bị ngã vỡ gần hết xe trứng. Thế là hắn lại một phen phải chuyển giao công nghệ cho một chiến hữu và xoay hướng khác.

Lần này, hắn quyết định nuôi ong. Chí Linh dạo ấy phong trào trồng vải lên khá mạnh, các quả đồi xưa nay chủ yếu trồng bạch đàn, sắn khoai nay đã đều chuyển sang trồng vải. Ngay bản thân nhà hắn cũng có một vườn vải gần trăm gốc. Hắn quyết định chuyển sang hướng này lúc đó là cũng phù hợp. Theo một ông lão (là chú kết nghĩa của tôi) học hỏi kinh nghiệm một thời gian, hắn tự lực đứng ra làm với số vốn ban đầu là vài chục tổ ong mật. Làm món này cũng có lúc vất vả như vào mùa không có hoa vải, phải chở đàn ong đi xa hàng mấy chục km lên mạn Bắc Giang, Lạng Sơn để ong ăn. Tuy có vất vả nhưng không quá lầm than, đôi khi lại thấy có phần thi vị nữa. Và hắn đã trụ lại với nghề này cho đến tận bây giờ. Mỗi khi về thăm hắn, vợ hắn lại dúi cho chai mật ong: “Mật xịn đấy!”.

Thế rồi, Trời không phụ người có công. Ba đứa con lớn lên đều khỏe mạnh. Thằng lớn bây giờ đã là một sĩ quan Thông tin, có nhà ở HN. Thằng thứ hai, hắn cho đi học nghề nấu ăn, bây giờ làm ở TP Hải Dương. Hai thằng này đã có vợ con. Còn thằng thứ ba đang học ĐH Hàng hải. Vợ thì đã nghỉ hưu, mở một cửa hàng nho nhỏ bán thuốc thú y. Cuộc sống có vẻ như đã mát mặt hơn nhiều.

Nhắc lại chuỵện “giá như vào miền Nam có lẽ mày đỡ vất vả hơn”, hắn lại cười khùng khục: “Giày còn có số cơ mà. Biết thế đếch nào được. Có khi còn khốn nạn hơn ấy chứ”.

Chả biết thế nào mà nói trước được thật!

Đến đây thì chắc nhiều bà con đã nhận ra hắn là ai! Còn nếu không thì hắn đây- Phạm Bá Lập, lớp C, thường gọi Lập Nụ: