Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

THẦM MONG THĂM LẠI TRƯỜNG SƠN

Muốn vào thăm lại Trường Sơn
Thăm con cua đá, khoai môn, suối ngàn.
Vào thăm lại những dấu chân
In trên vách đá rêu trơn thủa nào
Gập ghềnh bước thấp, bước cao
Đá tai mèo sắc đâm vào bàn chân,
Vẫn đi giữ vững đoàn quân
Ba lô con cóc mấy lần trĩu vai
Hành quân đánh giặc đường dài
Vượt bao đèo dốc chông gai bão bùng.
Vào thăm trái vả, quả sung
Măng le, hoa chuối bạn cùng với ta
Nắng mưa rừng núi là nhà
Võng tăng làm chiếu theo ta hàng ngày


 
Vào thăm rau lá tàu bay
Tai chua, trái bứa đậm say tình người
Vẫn vui đời lính hát cười
Nghĩ mình sống giữa đất trời đầy hoa
Trường Sơn vang rộn tiếng ca
Át đi bom đạn chan hòa tình thương.
Vào thăm rừng trúc, rừng bương
Rừng bằng lăng trắng bên đường hành quân.
Vào thăm lèn đá trú chân
Anh em đồng đội quây quần bên nhau
Người ra bên suối hái rau
Người ngồi băng lại vết đau chưa lành.
Vào thăm dốc Nguyễn Chí Thanh
Chim kêu, vượn hót trên cành cây cao
Suối sâu thác đổ ào ào
Cá say bơi lội lao xao rộn ràng.
Vào thăm lại dốc ba thang
Quân đi như đứng xếp hàng nối nhau
Trùng trùng, lớp lớp trước sau
Gót chân người trước, người sau đụng đầu
Ba lô nặng trĩu vai đau
Nấc thang từng bước lên cao lưng trời
Chân chồn lưng đẫm mồ hôi
Vẫn nghe ríu rít tiếng cười vui sao.
Chênh vênh ngay trước đỉnh đầu
Dốc năm thang đứng, đón chào đoàn quân
Trên cao, vách đá mây vần
Dưới sâu, vực thẳm mấy lần hiểm nguy
Việc quân ta phải quyết đi
Ba thang đã vượt, sợ gì năm thang!
Qua rồi lòng dạ xôn xang
Trường Sơn có phải thử vàng đó không ?


 
Vào thăm Xê-Noọng, Xê-Công
Rừng Thông, Sông Bạc,Bản Long, Mường Pìn
Tà Lê, Tha Mé, Băng Hiêng
Bản Đông, Thà Khống, Mô Phiên, Chà Vằn
Mường Noòng, Đường Chín, Xê Pôn
Bờ Le, Tăng Cát, Cô Tiên, Chà Lì
Đèo Phu La Nhích, Văng Mu
Cha Lo, La Hạp bom thù chặn ta
Trời đêm pháo sáng chói lòa
Đỉnh đèo vẫn hát bài ca mở đường
Gian nguy càng lắm yêu thương
Quyết tâm đào xúc san đường nhanh hơn.

Vào thăm Linh Cảm, Xuân sơn
Pháo xe nườm nượp, đường trơn, phà đầy
Thăm phà Long Đại bom rơi
Tối tăm mù mịt, đất trời chuyển rung
Ngã ba Đồng Lộc anh hùng
Những cô gái trẻ xung phong giữ đường
Quản chi tan thịt, nát xương
Đếm bom, lấp hố thông đường xe qua.
Lùm Bùm cua lượn chữ A
Dốc quanh sườn núi mưa sa đường lầy
Cổng trời đá đứng ai xây
Đường đi ẩn hiện trong mây chập trùng
Bãi Dinh trận địa phòng không
Giữ đường đánh giặc chiến công lẫy lừng.
Vào thăm đồng đội yêu thương
Đơn côi nằm lại tuyến đường năm xưa
Âm thầm dầu dãi nắng mưa
Chiến tranh kết thúc vẫn chưa biết gì,
Mịt mùng giữa chốn sơn khê
Biết bao giờ mới được về quê hương?
Ngày đêm vẫn bám giữ đường
Ngậm ngùi gối đất, nằm sương lạnh lùng!
Vào thăm bà mẹ Lào Thưng
Lào Lum, Lào Sủng làm nương nhọc nhằn
Mối tình cá nước quân dân
Vì đường mẹ đã mấy lần rời xa
Bản Lào vắng vẻ hoang sơ
Cây Chăm Pa đứng ngẩn ngơ đợi người.
Qua rồi thủa đó mẹ ơi!
Trường Sơn hùng vĩ đất trời của ta
Bản Lào rực rỡ Chăm Pa
Hương thơm ngào ngạt bản nhà mừng vui
Trăng lên tỏa sáng núi đồi
Trường Sơn một giải đẹp tươi lạ thường...

Bây giờ tóc đã pha sương
Muốn vào thăm lại tuyến đường năm xưa
Ngẫm mình biết đến bao giờ
Khó khăn nên mới mượn thơ thăm đường
Trường Sơn biết mấy yêu thương
Một thời đánh Mỹ ta - đường bên nhau
Thủy chung tình nghĩa trước sau
Trường Sơn hát mãi những câu quân hành
Đường mòn - đường "Hồ Chí Minh"
Con đường huyền thoại mối tình Nước Non ./.
Chí Linh,ngày 27 tháng 7 năm 2011
Nguyễn Văn Thế

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Thiền sư và cô lái đò


Cô lái đò đưa khách qua sông. 
Đò cập bến cô lái thu tiền từng ngườì,
* Sau hết đến nhà sư.

Cô lái đò đòi tiền "gấp đôi."

Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái mỉm cười:
- Vì Thầy nhìn em…

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.



* Một hôm nhà sư lại qua sông.

Lần nầy cô lái đòi tiền "gấp ba."

Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái cười bảo:

- Lần này Thầy nhìn em dưới nước.

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.



* Lần khác nhà sư lại qua sông.

Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền "gấp năm" lần.
Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái đáp:

- Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.

Nhà sư trả tiền và lên bờ.



* Một hôm nhà sư lại qua sông.

Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò…

Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu?

Cô lái đáp:

- Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi:

- Vì sao vậy?

Cô lái cười đáp:

- Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa…

Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi...

 
Nói một cách khác - (mọi sự từ TÂM mà ra)

Sống ở đời chỉ có chữ TÂM là đáng quý!

Một phút suy tư: Chữ TÂM

Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.

Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:

- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả, đảo điên.

- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.

- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù..

- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.

- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …

Cho nên , ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:

- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.

- Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.

- Đặt trên trán để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.

- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.

- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.

- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em, chị em.

Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có Tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người.

THƯỢNG TỌA
( VA sưu tầm và giới thiệu)



Thủ phạm gây mệt mỏi



Thiếu ngủ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Hãy khắc phục 6 thói quen sinh hoạt dưới đây để nạp điện cho cơ thể của bạn.
1. Đối mặt với quá nhiều sự lựa chọn

Buổi sáng mặc bộ nào, buổi tối xem TV kênh nào… con người mỗi ngày phải đưa ra rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Thực tế để đưa ra một quyết định cần rất nhiều tinh thần, điều này sẽ dẫn đến mệt mỏi. Suy nghĩ nhiều khi làm giảm sự tự tin khiến ta cảm thấy khó khăn. Một điều tra cho thấy, so với người dạo phố theo ý muốn thì những người quyết định mua đồ dễ cảm thấy mệt mỏi hơn. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên bận đàm phán công việc, tạm thời không nên đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào.
Giải pháp: Với những quyết định không quan trọng như dùng bữa, chọn món hãy dựa vào cảm giác đầu tiên của bạn. Đối với quyết sách quan trọng như mua nhà, chọn trường, thanh toán hóa đơn, hãy liệt kê ưu khuyết điểm của từng lựa chọn rồi để sang một bên, hãy dựa vào trực giác của bạn để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Trực giác sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt.


2. Điện thoại, máy tính luôn trong tình trạng kết nối
Liên tục giữ liên hệ với bên ngoài giúp bạn xử lí công việc kịp thời nhưng bạn lại luôn trong trạng thái căng thẳng, hoóc môn nội tiết gia tăng khiến bạn dễ mệt mỏi, tinh thần không tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài khiến cơ thể không ngừng trao đổi ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Giải pháp: Nếu bạn không thể ngừng làm việc khi đã hết giờ, hãy sắp xếp một thời gian nghỉ ngơi như khi dùng cơm với mọi người hãy tắt máy điện thoại. Có thể thông báo với đồng nghiệp bạn sẽ kiểm tra và xử lí công việc vào một thời gian khác. Khi đã hình thành một lịch trình công việc cố định bạn sẽ phát hiện bản thân không cảm thấy đã bỏ qua công việc.

3.Thiếu Magie

Cơ thể cần một lượng magie thích hợp để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên có đến 65% nữ giới không thể hấp thụ đủ lượng chất này trong những bữa ăn hằng ngày. Lượng magie cần hấp thụ là 320mg mỗi ngày.

Giải pháp: Ăn nhiều hạt bí, đậu, hạch quả, yến mạch, các loại cá và rau xanh.


4. Bạn là bầu tâm sự phiền muộn của nhiều người

Bạn bè không những khiến hóa đơn điện thoại của bạn cao vời vợi mà họ còn thường xuyên tâm sự những suy nghĩ tiêu cực khiến hoóc môn áp lực trong cơ thể dư thừa. Khi bạn không thể giúp đỡ họ những vấn đề này bạn sẽ càng khổ tâm hơn.

Giải pháp: Khuyến khích bạn không có nghĩa là luôn phải lắng nghe họ. Khi bạn cần lôi họ ra khỏi những rắc rối, không phiền cho họ biết họ cần phải tự giải quyết những vấn đề hóc búa này.

 
5.Thể trạng chưa đủ thẳng

Virginia - một nhà trị liệu người Mỹ cho hay: “Khi cúi xuống, ngực sẽ nén phổi khiến lượng không khí được hít vào ít hơn khiến não thiếu oxy, trở nên mơ hồ. Khi cơ thể hướng ra phía trước 2.5mm, cơ bắp cần tiêu hao gấp đôi để hỗ trợ nâng đầu.” Vì vậy khi tinh thần không thoải mái các bộ phận cơ thể sẽ tạo nên sự căng thẳng cho cơ bắp ở lung và cổ khiến thể lực giảm xuống.

Giải pháp: Mỗi ngày cách vài tiếng nên kiểm tra trạng thái cơ thể. Thẳng lưng, để vai, tai và đùi theo một đường thẳng. Sau một thời gian bạn sẽ thấy tư thế này khiến cơ thể trở nên thoải mái tự nhiên.


6. Bàn làm việc lộn xộn

Nguy cơ của việc lộn xộn trên bàn làm việc không đơn giản như việc không tìm thấy một phần tài liệu. 90% nhân viên văn phòng cho biết, sự lộn xộn trên bàn làm việc khiến họ cảm thấy bực bội, khó tập trung tinh thần

Giải pháp: Vứt bỏ những vật dụng không dung đến hoặc bỏ gọn lại, sắp xếp tài liệu vào hộp giấy. Bày trí những vật trang sức nhỏ đẹp như hộp nến, cây xanh.

Theo - Dân Trí
VA sưu tầm và giới thiệu








CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY ... SỐ- 4

      Để làm được một ngôi nhà trong điều kiện của hắn những năm đó thực ra không hề đơn giản bởi thu nhập của vợ chồng hắn chỉ tạm đủ nuôi con, có dư cũng chỉ dư chút ít nếu thật là tằn tiện. Vì vậy, điểm mấu chốt trong cái ké hoạch ấy là phát huy cao độ sức lực của mình, càng ít phải mua càng tốt, đại khái là “tăng xin giảm mua, tích cực lao động”.
Trong các thứ vật liệu dựng nhà thì cái đầu tiên và tốn kém nhất là gạch, sau đó là ngói, tre gỗ, xi- măng, cửa giả. Ngói và xi măng thì buộc phải mua rồi (không làm được, chứ nếu làm được chắc hắn cũng sẽ làm). Cây que xin đằng nhà vợ trong làng Ngái. Làng Ngái có tiếng nhiều tre pheo nên chắc cũng xin được vài chục. Thợ thuyền thì lão anh vợ có thể giúp một tay, kéo thêm vài an hem nữa cũng đủ dựng được nhà.. Tóm lại, khoản nặng nề nhất trong kế hoạch làm nhà của hắn là gạch xây.. Tiền để mua gạch nung thì dĩ nhiên là hắn không có nên hắn quyết định sẽ đóng gạch ba- banh để xây nhà (cho đến giờ tôi cũng không hiểu xuất xứ của tên gọi đó?).
Theo tính toán của hắn, để làm ngôi nhà 2 gian cần khoảng hơn 1000 viên (gạch ba- banh- loại gạch đóng bằng vôi+ cát, kích thước khá to, chừng 20x30x15 cm). Nếu mỗi tuần tranh thủ đóng được 50 viên thì khoảng 4 đến 5 tháng sẽ đủ gạch. Vật liệu làm gạch thì bao gồm vôi xỉ với cát, vôi xỉ thì phải mua thôi nhưng cát thì có thể tự kiếm được.
Thế là 2 cái hố vôi to đùng được đào lên và mấy tấn vôi được tống xuống đó. Tiếp theo là công việc lấy cát. Cũng may cho hắn là ở quê tôi thì cát cũng không đến nỗi khó kiếm. Hai con suối chảy ngang đường 18 chỗ cầu Ma và cầu Ngái là hai cái mỏ cát dường như vô tận (từ hồi tôi còn bé đã thấy người ta khai thác cát ở đây và cho đến giờ cũng vẫn thấy người ta moi cát ở đó lên!). Hàng ngày, sau khi xong việc đồng áng, vợ hắn lại cắp theo cái xẻng và cái rổ xảo ra đó xúc cát đổ lên bờ. Đống cát cứ to dần lên. Đến chủ nhật hắn về, hai vợ chồng lại đứa kéo, đứa đẩy vài chục chuyến xe ba gác. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, sau vài tháng đống cát ở sân nhà hắn đã ngồn ngộn lên đến vài chục khối. Lúc này, vôi tôi cũng đã ngấu. Sự nghiệp đóng gạch của viên sĩ quan huyện đội đã có thể bắt đầu.
Không biết trong chúng ta đã có ai trải nghiệm cái công việc đóng gạch ba- banh chưa, còn tôi thì cũng đã từng phải đóng khoảng 300 viên để xây cái bếp. Và cho đến giờ, mặc dù đã gần 30 năm trôi qua nhưng cái cảm giác ê ẩm của cái lưng, của đôi vai cũng như đôi chân vẫn như còn hiển hiện.

      Nói chung, tất cả các công đoạn của món này  đều hết sức nặng nhọc: từ đánh vữa, đóng gạch, lên kiêu… công đoạn nào có cái khổ của công đoạn ấy.
Trước hết là khâu đánh vữa: Gạch ba banh chính ra nó chỉ là một cục vữa để khô đi thôi mà, cho nên mác của nó là cực thấp. Vì vậy, để tăng độ cứng vững của nó người ta phải đánh vữa thật khô, sau đó khi nhồi vữa vào sẽ dùng chày giã thật lực. Có làm được như vậy các thành phần của vữa mới liên kết chặt với nhau và viên gạch mới chắc được. Chứ còn nếu đánh vữa loãng toẹt, khi đóng rất dễ dàng thì viên gạch cũng sẽ dễ dàng bị vỡ. Ấy nhưng đánh vữa khô mới thật là mệt vì không thể cào và trộn được như đánh vữa xây. Cứ phải khọm lưng mà cuốc rồi đảo từng tý một rồi đắp lên đó ủ vài ngày cho khô bớt nước đi mới đóng.
Đến công đoạn đóng thì như đã nói trên, xúc vữa đổ đầy khuôn xong dùng chày thúc, càng mạnh tay càng tốt, sau đó lấy bay hay dao gạt cho bằng. Nhưng thế chưa mệt bằng cái đoạn phải bê cái khay gạch đến vị trí phơi gạch. Để cho bền và dễ đóng, khay đóng gạch được hàn bằng thép, tấm đáy cũng bằng thép nên bản thân của nó đã nặng gần chục kg, lại thêm khối vữa ướt được lèn chặt trong đó nữa, tổng cộng chừng hơn 20 kg. Thế mà phải bê nó đến cách đó vài chục mét để phơi thì còn gì là lưng với tay nữa. Sau khi bê nó đến chỗ phơi lại phải úp cái khuôn xuống, chân dận lên tấm đáy và 2 tay nắm 2 tay nắm ở khuôn, dùng lực của cơ lưng kéo mạnh cái khuôn lên. Không đóng chặt thì gạch dễ vỡ, mà lèn chặt thì lôi được cái khuôn ra cũng tướt mồ hôi. Nói chung cái lưng quá vất vả trong công đoạn này.
Gạch đóng xong để đó phơi vài ngày sẽ khô. Đến lúc đó phải xếp lên “kiêu” để còn lấy chỗ để phơi loạt khác. Lúc này lại phải còng lưng mà bê thôi.
Nói chung là mệt! Ấy thế nhưng vẫn phải chiến đấu thôi, biết làm thế nào bây giờ.
Kế hoạch mà hắn vạch ra là: hàng tuần vợ hắn ở nhà phải tranh thủ đánh một “cối vữa” thật to rồi “ủ” vào đó (vữa vôi ủ độ vài ngày càng ngấu). Sau đó, đến chủ nhật hắn về sẽ đánh lại rồi hai vợ chồng cùng đóng gạch. Gạch đó sẽ phơi trong cả tuần, đến thứ 7 vợ hắn phải lên kiêu. Cái chu kỳ đó cứ thế mà lặp đi, lặp lại.

      (Còn nữa)

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

LỜI  GIÓ
(Tặng chị X thanh niên xung phong
thời chống Mỹ nhân ngày 27/7 )

Trường Sơn lời gió như thơ,
Chị tôi ra ngẩn vào ngơ một thời.
Chiến tranh đã qua lâu rồi,
Mà chị vẫn nhớ từng lời câu thơ.
Cắm sào cho chắc chị chờ,
Bóng chim tăm cá giấc mơ nơi nào ?
Chị về mái tóc hanh hao,
Lời gió xưa đã tạc vào trong tâm.
Trong lòng dào dạt khúc ngâm,
Thì ra chị đã yêu thầm người ta,
Bây giờ bóng đã xế tà,
Lời gió nay đã cuốn xa chân trời.
Trở về bên những chiếc nôi,
Ru đàn trẻ nhỏ mồ côi trên đời.
Giường đơn, gối chiếc chị ơi!
Trách chi cơn gió gieo lời trong mơ./.

                       Hà Nội  : 20/7/2011
                                   Cẩm Tú

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ 

Đỗ Đình Tuân

Bài 1

BÀN VỀ THƠ CON CÓC
                                     

          Muốn hiểu thế nào là thơ con cóc, trước tiên phải đọc lại mẩu chuyện về bài thơ con cóc trong kho tàng tiếu lâm Việt Nam. Mẩu chuyện ấy như sau: “Có ba ông vẫn tự đắc là mình hay thơ Nôm. Một hôm, rủ nhau đi chơi chùa, để cùng làm thơ tức cảnh. Nhưng đến chùa, không biết làm thơ gì, mới bảo nhau hãy đưa tiền cho ông tự đi mua rượu và đồ nhắm về đánh chén đã: hễ rượu vào rồi, thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột! Đồ nhắm được mua về, ba ông ngồi bắt chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ. Chợt thấy con cóc ở trong xó, nhảy ra. Một ông mới ngâm rằng:
   Con cóc trong hang,
   Con cóc nhảy ra.

Ông thứ hai  đọc tiếp:
   Con cóc nhảy ra,
   Con cóc ngồi đấy.

Ông thứ ba:
   Con cóc ngồi đấy
   Con cóc nhảy đi.

Ba ông cùng vỗ đùi, cười ồ cả lên khen rằng:
- Hay! hay! hay thật!
Cười chán rồi, một ông bảo rằng:
- Thơ ta tuyệt cú! mà ta xuất khẩu thành chương như thế thì tôi e lắm, hai Tiên sinh ạ. E rằng Thánh nhân người có dạy: ai mà linh khẩu lắm thì chẳng kẻo chết non. Vậy ta phải nên liệu trước.
Hai ông kia lấy làm phải lắm, bèn mời ông tự ra, nói hết đầu đuôi; rồi đưa tiền nhờ mua hộ ngay cho ba cỗ ván.
Ông tự cầm tiền đi mua. Một chốc đem về bốn cái áo quan. Ba ông hay thơ mới hỏi:
- Sao lại mua những bốn cái thế ?
- Thưa các Ngài, tôi mua thêm một cái để cho tôi, bởi vì tôi buồn cười quá, cũng đến chết mất.”
Thật là sâu sắc và hóm hỉnh. Ngẫm nghĩ trước câu chuyện này ta sẽ hiểu được thơ con cóc trước hết là sản phẩm của những “nhà thơ” mà đầu óc trống rỗng, không có hiểu biết gì, nhưng luôn luôn ngộ nhận về mình, tự nghĩ mình là loại “giỏi thơ Nôm”, nên họ rất  tự đắc. Rồi từ “tự đắc” đến tự tin họ mới rủ nhau ra chùa để cùng thực hành  “làm thơ tức cảnh”. Nhưng chết nỗi là cùng với đầu óc trống rỗng thì trong tâm tư của họ cũng chẳng có một “rung động” gì trước ngoại cảnh. Với họ thì có lẽ cái “tâm hồn ăn uống” mạnh hơn cái “cảm hứng làm thơ”. Cho nên khi đã ra đến chùa mà vẫn “chưa biết làm thơ gì” thì họ nghĩ ngay đến “đánh chén đã”. Họ hiểu một cách rất thô thiển rằng “ Cứ rượu vào rồi thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột”. Hình ảnh ba “nhà thơ” ngồi “bắc chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ” thật ra vẻ và đúng mốt. Nhưng thực ra họ cũng có nghĩ ra được cái gì đâu. Giữa lúc đó thì may thay có một con cóc từ trong xó nhảy ra cứu nguy cho họ. Cả ba “nhà thơ” như người chết đuối vớ phải bọt và họ quay ông kính hướng cả vào con cóc để chụp lấy chụp để:
Ông thứ nhất chụp được cảnh:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Ông thư hai chụp được cảnh:
Con cóc nhảy ra
Con cóc đứng đó
Và ông thứ ba chụp được cảnh:
Con cóc đứng đó
Con cóc nhảy đi
Bài thơ tức cảnh đã hoàn thành và đúng là nó đã “ra tuồn tuột”.  Sáu câu thơ gợi ra hai bước nhảy của một con cóc rất chân thực và sinh động. Câu kết thúc của bài thơ lại là một câu thơ rất động “con cóc nhảy đi” đã khiến cho người đọc có cảm giác con cóc kia vẫn còn tiếp tục nhảy chứ chưa dừng lại cùng với bài thơ. Thơ tức cảnh như thế là rất giỏi về mặt miêu tả ngoại giới. Nhưng chết nỗi cái đó lại không phải là nhiệm vụ chính của thơ. Trong thơ “ngoại giới” chỉ là cái cớ nhà thơ mượn nó để biểu hiện cái “nội giới” của mình. Bài thơ con cóc, chẳng có cái “nội giới” cóc khô gì nên nó không phải là thơ. Ngay cả ở loại thơ gọi là thơ “hướng ngoại” hay thơ “tả thực”, “tả chân” gì đi nữa, thì cũng cứ phải “dính” ít nhiều cái “nội giới” của con người vào nó mới thành thơ được. Chẳng hạn cũng viết về con cóc nhưng dân gian lại viết “ Cóc chết bỏ nhái mồ côi / Chẫu ngồi chẫu khóc chàng ơi là chàng” thì lại là một câu thơ ghê gớm. Cả họ hàng nhà cóc, nhái chẫu chàng…đã hiện ra khóc thương nhau, nhưng vờ vĩnh quá, người chết một đằng, người khóc một nẻo. Đúng là trò thương vay khóc mướn, làm người ta phải bật cười. Nó không còn là câu thơ tả thực thuần túy và vô cảm nữa mà đã “dính” thái độ phê phán của người viết vào đấy rồi, dính cái “nội giới” của con người vào đấy rồi. Nó thành thơ là vì lẽ đó

Bài 2
ĐƯỜNG ĐẾN "QUÁN THƠ"


Trong bài “Bàn về thơ con cóc”, ta đã chạm tới vấn đề cốt lõi của thơ là phải biểu hiện “nội giới” của con người. “Nội giới” là chữ rút gọn của “thế giới nội tâm” tồn tại trong tâm hồn sâu kín của con người. Khác với “ ngoại giới” là “thế giới hiện thực  khách quan” tồn tại ở bên ngoài tâm hồn con người. Hai thế giới này cố nhiên là có quan hệ và tương tác lẫn nhau. Thế giới bên ngoài gồm có  môi trường thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Còn cái thế giới nội tâm, người xưa từng khái quát trong “thất tình-lục dục” (bảy thứ tình cảm và sáu sự ham muốn”.
Sáu điều ham muốn của con người gồm: 1.Sắc dục: mắt thèm nhìn cái đẹp; 2. Thính dục: tai thèm nghe những âm thanh êm ái; 3. Hương dục: mũi thèm ngửi những mùi thơm tho; 4. Vị dục: miệng thèm nhai những thức ăn ngon; 5.Xúc dục: thân xác thèm được sung sướng; 6. Pháp dục: ý nghĩ thèm được thỏa mãn. Còn bảy thứ tình cảm của con người thì các sách tổng kết có so le nhau một chút: 1. Phật học từ điển là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 2. Kinh lễ của nho giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 3.Đại thừa chân giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ); Dưỡng chân tập là: hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh ( mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoảng); Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn). Nếu cộng cả lại thì phải thành mười một thứ tình cảm. Nhưng xét ra những cái "cụ" với "khủng" và "kinh" thực ra chỉ là một bởi chúng chỉ khác nhau về mức độ chứ cũng đều là "sợ "cả. Cụ-Khủng-Kinh gộp vào là một thứ cũng không hề sai. Cho nên nói “Thất tình” cũng chỉ là một thói quen, một giáo điều, chứ đúng ra phải là “Cửu tình”(chín thứ tình cảm) mới đúng. Cụ thể gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, ưu, cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn, lo, sợ). Riêng sách “Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp còn phân chia “thất tình” ra ở ba cấp độ tích cực và tiêu cực khác nhau để khuyên con người phát huy những tình cảm tích cực và chế ngụ những tình cảm tiêu cực. Ba thứ tình cảm thuộc loại tích cực là hỷ, ái, lạc (mừng, thương, vui). Ba thứ tình cảm này con người cần phát huy. Cố nhiên vẫn ở mức độ cần thiết cho phép. Bốn thứ tình cảm còn lại đều thuộc loại tiêu cực nhưng ở hai mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình có ố và dục (ghét và muốn) con người cần phải chế ngự nó ở mức độ vừa phải. Ở mực độ cao có nộ và ai (giận và buồn) thì con người phải chế ngự nó một cách mạnh mẽ.
Chưa kể trong thế giới nội tâm, ngoài phần “ý thức” mà con người tương đối kiểm soát được, còn có phần “vô thức” nữa. Mà đã là “vô thức” thì ta đâu có nhận ra nó và cũng không thể điều hành được nó. Nó nằm ở trong ta nhưng ẩn sâu nấp kín. Với rất nhiều những con người “tỉnh táo” thì cái anh chàng “vô thức” này hoàn toàn tê liệt. Nhưng ở một số người, có thể rất bình thường, thậm chí có thể hơi ngớ ngẩn, còn chập chập cheng cheng  nữa là đằng khác…Nhưng cái anh chàng “vô thức” của anh ta lại hay quẫy đạp, thỉnh thoảng nó lại “đốc chứng” vùng lên, thức dậy…Khi ấy tâm hồn anh ta sẽ rơi vào cái trạng thái “lên đồng”, “thăng hoa”. Nếu có ý thức viết anh ta dễ có khả năng “xuất khẩu thành chương”, “nhả ngọc phun châu” ra những câu thơ lạ lùng, kỳ diệu mà những người “tỉnh táo” trong chúng ta có thể mất cả đời cũng không nghĩ ra được. Nhưng những hiện tượng “trời cho” như thế thường rất ít. Đa phần những người làm thơ xưa nay thường khởi điểm từ lòng đam mê, yêu thích hoặc khắc khoải một nỗi niềm bày tỏ mà cầm bút. Rồi vừa làm vừa mầy mò tự học, tự tích lũy, làm phong phú và khôn lớn con người tinh thần của mình. Đến một mức nào đó bỗng “thành tài”. Có thể cũng trở thành những tác giả danh tiếng hẳn hoi. Trong rất nhiều những người đi con đường này tìm đến “quán thơ” cũng chỉ hiếm hoi lác đác vài người “ghé đít” được vào quán thôi chứ đâu có nhiều. Nhưng có sao đâu? Chính lúc họ đi trên đường, chính lúc họ cầm bút, họ mầy mò tự học…là niềm hạnh phúc của cuộc đời họ đấy. Nói như Trần Nhương:
Ta đắm đuối với câu thơ, bức hoạ
Cũng vớ vẩn thôi nhưng ta được là ta…
Cỏ cứ mướt chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua
...
Cho nên dù có “khả năng” hay “không có khả năng” nếu yêu thơ xin cứ mạnh dạn mà cầm bút. Thơ ta bây giờ có thể mới chỉ là thơ con cóc. Nhưng biết đâu đấy sẽ có ngày nó lại thành trái ngọt hoa thơm …và đó là một khả năng  hoàn toàn thực tế. Trong CLB thơ văn Cánh Phượng có một “nữ sĩ” cách đây chừng 10 năm, thơ cô ấy viết cũng thật thà như đếm, cứ có sao nói vậy thôi. Chưa biết chọn lọc và biến hóa gì.  Câu thơ vì thế thiếu hẳn sự lung linh cần thiết. Ấy  vậy mà đến vài ba năm gần đây, cô ấy bỗng viết những bài thơ ám ảnh và rưng rưng lạ. Bài nào cũng là một bức tranh thuần túy tâm trạng đầy biến ảo và thao thiết lắm. Xin dẫn ra đây một bài cô ấy vừa mới viết:-bài Ký ức học đường:
Mượn cây bàng chiếc ô che
Xưa cùng chơi dưới lửa hè nắng chan
Xế chiều ngược bến thời gian
Mượn chùm hoa phượng sưởi làn heo may

Mượn câu lục bát cầm tay
Để tôi tìm lại những ngày ấu thơ
Sân trường tôi đứng ngẩn ngơ
Lắng nghe lớp trẻ ngây thơ học vần

Muôn bàn tay lá ân cần
Lao xao vẫy đón bước chân tôi về
Tìm trong ký ức trường quê
Chúng tôi vui học say mê một thời

Tôi đi tìm những nụ cười
Bạn tôi bỏ lại trong thời chiến tranh.

            Riêng tôi, tôi cứ tin rằng, những người chơi thơ chúng ta, ai cũng có thể làm được thơ hay cả, khiêm tốn nhất là một bài và có thể còn nhiều hơn thế, nếu chúng ta biết lắng nghe mình, biết tự trang bị cho mình một vài công cụ để sẵn sàng “chộp giật” lấy nó  khi nó vừa hé lộ trong cõi lòng sâu kín của ta.                                                                                                                                                 

THƯƠNG

                                    
Một cậu học trò, đến tỏ tình với con gái
thày giáo…Con gái thày giáo rất chua
ngoa,nói rằng:Người ta thương cha
mẹ,thương vợ chồng,
thương con,thương cái người ta ,chứ
ai thèm thương tôi !...Thày giáo thấy
con mình xỗ xàng quá ông chữa thẹn
và dịu giọng nói: Em nó ra đối cho anh
đấy,anh đừng giận.Nếu anh đối được em
nó sẽ ưng thuận lấy anh làm chồng.
Anh liền ứng khẩu đọc ngay bài thơ sau:

呵監傷兜分媽紅
Há giám thương đâu phận má hồng,
傷爲沒餒底防空
Thương vì một nỗi để phòng không.
傷吒媄蝒庄絲緾
Thương cha mẹ nhện giăng tơ lưới,
傷婦重牛隔末滝
Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông.
傷傷昆囯愈呌務
Thương con quc rũ kêu mùa h,
傷丐瓢鱩沃汴東
Thương cái bèo trôi dạt biển đông.
君子固傷罗傷世
Quân tử có thương là thương thế,
呵監傷兜分媽紅
Há giám thương đâu phận má hồng
         Đ.T11-7-2011
       M.T s. t& giới thiệu

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

GIÓ  THU
       (Tặng  Anh  Thu  Uân-- Tuân)
Tình yêu thượng đế không phai,
Gió
Thu nhè nhẹ mơ hoài tình XUÂN.
Tháng ngày khuya sớm tảo tần,
Văn thơ nghiệp cũ gieo vần sóng đôi./.

                        THUỐC  TIÊN
         ( Cám ơn bạn tri âm  Song Thu )
Cám ơn bạn đã động viên,
Một lời hơn cả thuốc tiên tuổi già.
Chiều thu nhẹ gánh đường xa,
Nâng niu sợi nắng ngâm nga ba vần./.
                              Hà  Nội  : 26/7/2011
                                     Bạn  Thịnh Tú

VÀI CẢM NHẬN VỀ CÔ GIÁO - "NHÀ THƠ" CẨM TÚ

            Tháng 9/1977, khi vừa rời ghế trường Đại học sư phạm, tôi chân ướt, chân ráo về nhận công tác tại trường cấp 3 Chí Linh thì chị đã có hai đứa con thật đáng yêu là Cẩm Vân và Ngọc Minh rồi.Khi mà tôi được phân nửa gian nhà phía dưới đắp tường, phía trên trát vách, mái lợp rạ đã thấy mừng vì thoát khỏi cảnh giường tầng của kí túc xá sinh viên thì anh chị đã có 3 gian nhà ngói khang trang ở ngay cạnh trường rồi. Vì vậy, dưới con mắt của tôi lúc đó, gia đình anh chị là một gia đình lý tưởng. Mà thật sự là một gia đình lý tưởng,không chỉ vì anh chị có nhà riêng, có con trai con gái mà còn vì anh chị rất đẹp đôi, rất tâm đầu ý hợp.Anh cao ráo, miệng rộng, mái tóc xoăn tự nhiên, bồng bềnh, rẽ đường ngôi lệch rất chững chạc, rất đàn ông.Trong công tác, anh rất nhiệt tình. Là tổ trưởng tổ tự nhiên tổng hợp,anh có những bài giảng mẫu, những bài ngoại khóa khá công phu. Tuy khác chuyên môn nhưng tôi vẫn nhớ như in việc anh dùng đèn chiếu chiếu lên bức tường vôi bao hình ảnh linh hoạt, sống động thật hấp dẫn ( thuở đó chỉ làm thủ công chứ làm gì có máy tính, máy chiếu như bây giờ). Trong gia đình, anh là người chồng, người cha tận tụy.Tôi thường thấy anh làm hết những công việc nặng nhọc giúp vợ con như bổ củi, múc nước giếng khơi...
           Còn chị, lần đầu nhìn thấy chị trên sân trường, tôi đã thấy thật  ấn tượng. Chị đẹp, không phải vẻ đẹp quý phái, kiêu sa; lộng lẫy rờ rỡ hay căng tràn sức sống mà nền nã, đằm thắm. Chiếc quần lụa đen , chiếc áo trắng may xanh tê ôm khít thân hình mềm mại thanh thoát, mái tóc mềm dài chưa chấm gấu áo không uốn tỉa cầu kỳ chỉ cặp hơi trễ bằng chiếc cặp ba lá giản dị cứ rung chuyển khẽ khàng trên tấm lưng thon như hòa nhịp với những bước đi nhẹ nhàng, khoan thả, nết đi của người có cuộc đời nhàn hạ, ít sóng gió. Hòa hợp với dáng vẻ yêu kiều đó là khuôn mặt trái xoan, làn da trắng hơi xanh, cặp mắt đen nhưng không sắc lẹm cũng không sâu thăm thẳm mà chỉ hơi ánh lên vừa như chợt cười lại như chợt ngỡ ngàng, ngơ ngác. Cặp môi hồng nhạt, không son phấn, môi dưới hơi trễ xuống một chút,điểm một nét chẻ nhẹ gợi một vẻ gì đó rất nũng nịu nửa như khoe ra, nửa như giấu đi một nụ cười duyên thật tự nhiên chứ không phải là cái duyên làm dáng.
             Một ấn tượng tốt đẹp nữa về chị là lần tôi lên lớp sau giờ chị dạy. Thấy học sinh không xóa bảng, tôi gọi một em lên xóa. Tay học sinh đó cầm giẻ lau mà cứ ngập ngừng như chưa muốn xóa. Tôi quát, trò xóa vội vàng. Khi ra chơi, ngồi nói chuyện với học sinh thì chúng bảo: "chữ cô Tú đã đẹp, lại trình bày bảng rất tài cứ viết hết bảng là hết giờ, phần nào ra phần nấy, xóa đi cũng tiếc." Tôi chợt giật mình nghĩ đến cách viết bảng tùy tiện, cách vừa giảng vừa xóa bảng rồi lại viết tiếp của tôi mà thấy ngượng. Từ đó, tuy chữ tôi không đẹp như chữ chị nhưng tôi luôn cố gắng trình bày bảng cho thật hợp lí, thật khoa học và không bao giờ xóa bảng khi đang giảng bài.
             Sau này tôi còn được học sinh kể cho nghe những ngày đầu chị làm chủ nhiệm lớp, gặp phải một lớp có những học sinh tinh nghịch, bướng bỉnh, cá tính chị chẳng quát tháo, mắng mỏ hay trừng phạt chúng bao giờ mà mỗi khi chúng hư chị chỉ buồn lặng lẽ thậm chí còn khóc nữa. Thế mà chị vẫn quản được chúng. Một mặt vì lớp đó có nữ lớp trưởng uy tín, cứng rắn, một mặt bởi học sinh quý mến cô giáo thích ngắm cô, thích nghe cô giảng, thấy cô khóc thì rất thương nên tự bảo nhau chừa dần những thói tinh nghịch đó đi. Biết được điều này tôi càng thêm quý mến chị. Tuy vậy suốt mấy năm công tác tại trường, tôi với chị chỉ dừng ở quan hệ đồng nghiệp chứ không trở nên thân tình gần gũi. Có thể do tôi và chị ở hai thế hệ khác nhau lại không cùng tổ chuyên môn. Cũng có thể do tôi cảm thấy chị ít cởi mở và không dễ gần chăng?
                Sau đó, do thuyên chuyển công tác nên tôi và chị càng xa nhau hơn thậm chí là rất ít gặp nhau. Hình như trong suốt mấy chục năm trời, tôi chỉ gặp chị một lần duy nhất vào ngày hội trường cấp 3 Chí Linh năm 1996. Nhưng tin tức về anh chị thì tôi vẫn nắm được. Tôi mừng vì anh chị vẫn là một cặp đôi hạnh phúc lí tưởng, có kinh tế khá giả có con cháu thành đạt hiếu thuận. Nhiều lúc ngồi tụ tập mấy anh chị em trong trường, chúng tôi thường nói với nhau: Giáo viên trường mình một số người có cuộc sống thật chìm nổi lênh đênh, long đong lận đận, một phần đông thì được mặt này hỏng mặt kia phần nữa là bình thường chỉ có hai gia đình được toàn diện trong đó có gia đình anh chị. Chúng tôi ai cũng mừng cho anh chị.
                  Giờ tôi đã về hưu, vẫn bám trụ ở mảnh đất Chí Linh và tự bằng lòng với cuộc sống của mình (dù cuộc sống của gia đình tôi vẫn được mọi người xếp vào số ít người lận đận long đong chìm nổi của trường). Còn anh chị đã về hưu khá lâu rồi và đã trở thành công dân chính thức của chốn phồn hoa đô hội đất Hà thành. Tuy quỹ thời gian của chúng ta bây giờ chẳng thiếu. Nhưng mỗi người mỗi cảnh, tôi có máu say xe, chị bị đau cột sống nên chúng ta cũng chẳng có điều kiện gặp nhau. May thay nhờ công nghệ internet nên tôi đã vài lần được nhìn thấy và nói chuyện cùng anh chị. Lại nhờ có xóm Tri ân mà tôi được đọc thơ của chị để biết thêm một Cẩm Tú "nhà thơ". Tôi đã đọc hết lượt những bài thơ của chị trên Thịnh Tú blog và đọc kĩ các bài chọn đưa lên Tri ân. Công bằng mà nói, thơ chị không phải không còn những câu gượng ép, khiên cưỡng, dễ dãi, những bài nặng tính diễn ca nhưng tôi vẫn tìm thấy ở đó những tình cảm thật đáng quý. Đó là tình cô trò trọn vẹn trước sau, tình vợ chồng thủy chung thắm thiết, tình mẹ con da diết ân cần. Thậm chí ngay trong những bài diễn ca  vẫn có thể chắt lọc ra được những câu thơ thật là thơ. Đây là chút mâu thuẫn, chút khó xử rất thành thật rất ngọt ngào của người vợ yêu chồng, người bà thương cháu:
                                         "Về hưu bà phải xa ông
                                          Bà đi bế cháu mà lòng ngổn ngang
                                          Buồn vui lẫn lộn đôi đàng
                                          Không đi nhớ cháu, đi càng thương ông"
                                                             (Bà đi bế cháu)
              Đây lại là niềm cảm thông chia sẻ với người  bạn gặp phải trái ngang trong cuộc đời. Dường như ở đó, chị đã hóa thân vào bạn mình để mà tiếc nuối cái thời yên ấm đã qua:
                                        "Đã từng gối phượng chăn loan
                                         Đã từng ríu rít con ngoan vợ hiền" Để rồi càng thấm thía hơn, xót xa hơn cảnh sống hiện tại của bạn: "Ra vào khuya sớm một mình" (Khoảng trống).
              Còn đây lại là những câu thơ thật giăng mắc và ám ảnh:
                                       "Gối đầu lên mảnh trăng tà
                                        Ngắm gió cuốn giải ngân hà về Tây
                                        Ngưu lang Chức nữ còn đây
                                        Ngàn năm thương nhớ giăng đầy sợi ngâu"
                                                  (Ngắm sao)
             Ở những câu thơ trên, Cẩm Tú không chỉ vẽ ra được một tư thế rất lạ, rất lãng mạn, lãng mạn đến thoát tục của người ngắm sao "Gối đầu lên mảnh trăng tà" mà còn chọn được cách diễn đạt rất độc đáo, chọn được hình ảnh rất đắt để miêu tả nỗi lòng Chức Nữ, Ngưu Lang trong tiết mưa ngâu: "Ngàn năm thương nhớ giăng đầy sợi ngâu".
              Đặc biệt là khi mẹ già về cõi  vĩnh hằng, "nhà thơ"đã thể hiện tiếng khóc mẹ thật thấm thía và xúc động:
                                         "Cõi trần bỗng chốc vỡ tan
                                          Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân"
             Câu thơ không chỉ diễn tả nỗi đau xót , bàng hoàng đến trào ra, vỡ òa mà còn gợi tiếng khóc chất chứa niềm thương đến chảy máu, đứt ruột nơi người con trước sự ra đi vĩnh viễn của mẹ hiền.
             Song với tôi, thơ nhất,trọn vẹn nhất trong thơ Cẩm Tú là những bài lục bát tứ tuyệt như :" Soi gương _ Chải đầu", " Nhớ mùa thi " và "Thạch linh". Bởi ở những bài thơ này, ta không còn thấy sự trùng lặp, dư thừa hoặc diễn nôm dễ dãi nữa mà đã có sự chắt lọc câu chữ, sự chọn lựa những hình ảnh giàu sức khơi gợi và đặc biệt là có những rung động rất tinh tế trong tâm hồn "nhà thơ". Nói cách khác đó là những bài thơ có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức thơ để chuyển tải thật tự nhiên cái hồn cốt của "nhà thơ" trong thi tứ.. Nếu ở  bài Soi gương - Chải đầu hay Nhớ mùa thi ta cảm nhận được chút rung động nhẹ nhàng chút bâng khuâng, tiếc nuối mơ màng của Cẩm Tú về một thời tuổi trẻ hay một thời bụi phấn vương tay, phượng bay sân trường thì trong bài Thạch linh, ta lại thấy cái biến ảo lạ lùng của tình yêu "hóa đá chờ nhau", sự vĩnh hằng bất biến, sự linh thiêng diệu kì của tượng đá Vọng phu trong nỗi sầu muôn thuở   chờ.chồng vụt biến thành Thạch Linh đủ sức vượt qua mọi thời gian, không gian để trở thành biểu tượng đẹp đẽ về lòng thủy chung được truyền tụng đến muôn đời:
                                         Yêu nhau hóa đá chờ nhau
                               Người xưa ai tạc nên sầu vọng phu
                                          Thạch linh đã vượt mây mù
                               À ơi! Tô thị hát ru ngàn đời
            Tôi chợt nghĩ có lẽ giống như tượng đá vọng phu, bài Thạch linh của cô Cẩm Tú sẽ có sức neo đậu lâu bền trong lòng nhiều người đọc.
            Cám ơn trang blog tri ân  đã giúp tôi thêm yêu cuộc đời này "mỗi sớm mai thức dậy" để càng yêu hơn các bạn bè trong xóm tri ân và hiểu biết thêm về người chị, người đồng nghiệp đáng kính của tôi trong vai trò của một "nhà thơ"CẨM TÚ,

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY SỐ...- 3

     Hè năm 77- kỳ nghỉ hè của năm thứ nhất, tôi được về phép. Vừa về nhà, mẹ tôi đã khoe: “Thằng T. nó có con rồi đấy! Một thằng cu, khỏe mạnh lắm, lại giống bố như đúc”. Bà còn đay đả thêm: “Còn anh, cũng phải liều liệu đi thôi”.
    Tôi chưa kịp xuống chúc mừng hắn thì một cơn bão nổi lên. Trận bão hè năm 77 khá mạnh, chả thế mà cây bàng cổ thụ cạnh nhà tôi bị gãy một cành làm sập một mảng mái ngói. Chính mẹ tôi nhớ ra cảnh nhà hắn đầu tiên, bà giục: “Anh chạy xuống nhà thằng T. xem tình hình thế nào chứ gió mạnh lắm, nhà nó có khi bị đổ đấy”.
Khoác vội tấm áo mưa, tôi lao đầu chạy đi trong làn gió mạnh, nước mưa táp vào mặt rát ràn rạt. Lội bừa qua những đám ruộng ngập nước, tôi đến nhà hắn và ngỡ ngàng: trên mái nhà là cái bóng mảnh mai của vợ hắn. Trong nhà, tiếng trẻ con gào khóc át cả tiếng gió rít. Tôi hét lên: “Xuống ngay!”. Vợ hắn vẫn ở trên mái nhà, hổn hển: “Mái bị tốc, em phải dặm lại đã”. Trời đất, mới đẻ 15 ngày mà đội mưa thế này thì không được. Tôi bảo: “Cứ để đấy! Xuống đây đã!”. Đỡ con vợ hắn xuống, tôi bảo: “Bế con về nhà anh ngay, còn nhà đây cứ để đấy. Mà hắn đi đâu?”. Vợ hắn vừa dỗ con vừa lập cập: “Nhà em thấy cây đổ nhiều nên đang đi nhặt”. Thì ra, gió mạnh quá nên làm đổ khá nhiều cây bạch đàn dọc đường 18, hắn đang đi “thu hoạch”.
          Áp tải vợ con hắn về trên nhà rồi, tôi lại lao ra đường đi tìm hắn. Mất gần 1 km mới gặp hắn đang lặc lè kéo một xe cải tiến (xe ba gác) đầy những thân và cành lá bạch đàn ngược gió về nhà. Hai thằng hợp lực đưa được xe gỗ về đến nhà thì mệt lử, mặt mũi hắn xanh lét như tàu lá nhưng lại nở một nụ cười đầy mãn nguyện: “Đủ củi đun được mấy tháng”. Lúc này, rạ trên mái nhà hắn đã bị tốc gần hết. Hai thằng che tạm mấy tấm ni- lon lên rồi chằng buộc tạm và chống 4 cái cột vào 4 góc cho nó khỏi đổ. Xong xuôi rồi, chui vào nhà nổi một đống lửa lên để sưởi và lại cạch 2 bát… rượu chống rét. Đến lúc này hắn mới thật tình: “Cứ tưởng về nhà vực kinh tế gia đình lên nhưng khó quá. Ông bố thì già rồi, không thể làm nghề được nữa. Trong khi đó, mình thì “học không hay, cày cũng dở”. Hồi xưa chỉ làm phụ, có được làm chính đâu nên tay nghề của hắn chưa đủ đảm đương được vai trò thợ cả. Trong khi đó, mang tiếng con nông dân song là mẹ hắn làm chứ hắn có biết cày cấy, trồng trọt gì đâu. Đã thế, lại vợ con bìu rín cho nên đụng vào đâu cũng thấy bí rì rì”. Nghe bạn nói, tôi cũng thấy thật sự khó khăn nhưng cũng chẳng biét góp ý với hắn thế nào vì về chuyện này thì mình cũng chỉ i- tờ mà thôi. Chỉ biết động viên hắn: “Sông có khúc, người có lúc. Cứ quyết tâm, bền chí rồi cũng sẽ có ngày hết khổ”.
                  
6
          Không còn cách nào khác, hắn cày thật lực. Được cái vốn sức khỏe trời cho, lại thông minh lanh lợi và trải qua những thử thách rèn luyện của đời lính nên những khó khăn chồng chất trước mặt hắn dần dần được tháo gỡ từng bước. Vợ hắn, tuy nhỏ người nhưng cũng khỏe và rất đảm, lại là nông dân chính hiệu nên rất thạo việc nhà nông. Vì vậy, kinh tế gia đình ít nhiều cũng dã khởi sắc. Dẫu chưa bứt phá hẳn lên nhưng cũng đã trông thấy tương lai. Đúng lúc ấy, cuộc chiến tranh BGPB nổ ra, hắn có lệnh tái ngũ.
          Dạo đó, khóa chúng tôi cũng ra trường sớm đi huấn luyện cho 4 tiểu đoàn T55 để thành lập 2 sư đoàn BBCG 304 và 308. Tôi được điều đi làm trợ lý tham mưu của đoàn. Vì một lý do đặc biệt, các thủ trưởng đoàn cho tôi nghỉ phép 1 tuần để cưới vợ. Khi tôi về đến nhà, gặp nhau hắn ảo não: “Mẹ kiếp! Mình cứ tưởng sẽ mãi mãi không phải khoác áo lính nữa. Thế mà…”. Sự nghiệp vực kinh tế gia đình vừa mới bắt đầu lại phải bỏ dở. Hắn lại ra đi bỏ lại đằng sau một vợ và hai thằng con nheo nhóc.
          Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may. Đã từng  4 năm làm lính nên vừa tái ngũ hắn liền được cử đi học Trường Quân chính quân khu và ra trường được phong quân hàm chuẩn úy. Chắc cấp trên cũng chiếu cố hoàn cảnh của hắn nên sau khi ra trường đã điều hắn về làm công tác QSĐP ở ngay huyện đội CL. Biết tin này tôi cũng mừng cho hắn. Công tác gần nhà thế hắn có điều kiện giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Và đúng như thế thật.
          Với tư chất thông minh thiên phú của mình, lại ít nhiều được đào tạo chính quy tại TSQ đã hơn 1 năm, hắn nhanh chóng làm quen với công việc mới và hoàn thành rất tốt mọi nhiệm vụ được giao, lại còn được kết nạp đảng nữa cơ chứ. Gặp nhau, tôi thấy hắn có vẻ phấn khởi lắm và nói nhiều đến chuyện nghiệp vụ ở cơ quan. Tôi đùa: “Thôi, mày cứ tằng tằng ở đây rồi lên đến huyện trưởng cũng được”. Hắn cười, lắc đầu: “Mày không biết, công tác ở địa phương thì công việc không có gì khó quá nhưng lại có rất nhiều thứ phức tạp”. Hắn không nói ra cụ thể nhưng tôi biết đó là cái gì. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự phức tạp hắn vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ và vì vậy, cứ đến niên hạn hắn lại được thăng quân hàm.
          Nói chung, công việc cơ quan QSĐP cũng có lúc bận, lúc nhàn, lại ở gần nhà nên cũng tranh thủ giúp đỡ gia đình được ít nhiều. Ngoài thời gian làm việc cơ quan, cứ chủ nhật và những lúc xin nghỉ được về hắn lại cặm cụi lo toan mọi việc nhà. Thời gian này hắn đã xin chuyển đến một khu đất khác rộng rãi và cao ráo hơn và tính đến chuyện dựng một cái nhà tươm tươm một chút cho vợ con đỡ vất vả. Và thế là một kế hoạch lớn được hắn vạch ra.


           (Còn nữa)

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

      
Gói bồ kết


Gói bồ kết u gửi vào nhiều lắm
Em và bạn bè gội đủ cả năm
Anh hối hả hành quân gấp gấp
Hương tóc ngày nào nâng bước chân anh


Đồng đội vây quanh mà lặng ngắt
Không một ai cất nổi thành lời
Gói bồ kết vỡ òa tiếng nấc
Tức tưởi nghẹn ngào đồng đội gọi tên em


Ngào ngạt trong anh hương nồng bồ kết
Màu tóc xanh, xanh đến quặn lòng
U cứ sợ tóc con mình khô rụng
Gửi thật nhiều quà tình nghĩa quê hương


Em nằm đây, thanh thản một làn mây
Bạn bè gội cho em lần cuối
Để mãi mãi xanh non màu thiếu nữ
Bồ kết chan hòa nước mắt yêu hương
21 giờ ngày 27/7/2011.
VA

Tri ân ngày 27/7




Về những cô gái Trường Sơn


Đêm đen đặc, đèn rùa không phép bật
Ngầm lầy sâu, khe dốc xe như bò
Áo trắng hay da em tỏa sáng?
Làm cột tiêu dẫn lối xe anh sang


Mắt xót đắng căng lên trong đêm
Cắn chặt vành môi thầm gửi lại lời chào
Đường phía trước không phép dừng một phút
Những đoàn xe cứ nối tiếp qua ngầm


Hàng nghìn, hàng nghìn đêm như thế
Sáng trong anh hàng tiêu trắng bên đường
Có nơi đâu như mảnh đất chiến trường
Da con gái thắp sáng đường ra trận!


Anh đã qua bao ngầm sâu, khe hiểm
Ước một lần được dừng lại bên em
Một lời chào, cái bắt tay đồng đội
Khất hẹn đến giờ…..
                          Đến tận mai sau!
17/7/2011 (Viết theo lời ba kể)
VA

Thằng Sướng



Thằng Sướng, nó sướng cũng đúng thôi.
Đã giàu, lại đẹp, mặt tinh khôi.
Nói năng ý tứ, tình thơ mộng.
Tài, đức ở đời vẹn cả đôi.

Ngẫm đời sướng khổ do trời định.
Tạo hóa sinh ra vẫn công bằng.
Sướng, khổ trước sau đời phải có.
Hoàng hôn rồi-ắt phải bình minh.

Vòng đời luẩn quẩn ôi sướng khổ!
Khổ sướng chi bằng sống tri ân.
Đạo nghĩa ở đời ta luôn giữ.
Dẫu đói, dẫu no, dẫu phong trần.

Sẽ có một ngày ta cũng sướng.!
     
Ngày 27/7/2011.
Xuân Thảo.
                                               
 Thằng Khổ

Khổ ơi! Cũng một kiếp người.
Mà đời lận đận chơi vơi giữa dòng.
Đành rằng suối đổ về sông.
Nước kia ra biển mênh mông vơi đầy.
Đành rằng vơ vẩn trời mây.
Gió đưa đi hết chỗ này, chỗ kia.
Một mình đêm vắng canh khuya.
Một đời thằng Khổ bộn bề lo toan.

Hôm nay dẫu phải lên ngàn.
Thằng Khổ có bạn, cơ hàn có nhau.
Phải chăng có trước, có sau?
Phải chăng tình nghĩa, lại giầu nhân văn?
Nay còn có hội tri ân .

Thằng Khổ bớt khổ, nợ nần bớt lo.
Như thầy tôi nói hôm xưa.
“Lãi tri ân” có bao giờ sai đâu?

Kỷ niệm ngày nhận máy của “Tri ân cuộc đời”.
 26/7/2011.
 Xuân Thảo

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

LỜI TRI ÂN

Tháng Bảy về, lòng mỗi người Việt Nam như chùng lại.
Chiến tranh ba mươi năm, bao lớp người ngã xuống, bao người mất đi một phần thân thể cho đất nước độc lập tự do. Như mọi người Việt Nam, các thành viên Xóm Tri Ân luôn ghi nhớ sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, đặc biệt là những thương binh là thành viên của Blog Triancuocdoi.
Xóm Tri Ân xin gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới các anh: Đỗ Đăng Biên, Nguyễn Khắc Nguyệt, Nguyễn Văn Khoản, Hoàng Minh Thạo… nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Chúc các anh tiếp tục phát huy phong độ của những người lính, là trụ cột gia đình, là những công dân tiên tiến của xã hội và là những thành viên tích cực của Blog Triancuocdoi.

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY... SỐ- 2

      Tháng 12.71- khi tôi đã học hết PT và thi đại học xong, còn hắn đang học dở lớp 10 thì hai thằng cùng nhập ngũ vào e 202 xe tăng. Những ngày HL tân binh, trung đội tôi ở làng Cam Lâm, tôi với hắn ở chung một nhà. Gia đình ông chủ là người Sán Dìu thì phải, mọi người trong gia đình nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau. Với lại, bọn tôi lúc ấy suốt ngày đi huấn luyện, tối về lại phải sinh hoạt nên cứ về đến nhà đã thấy cả nhà đi ngủ rồi. Nhà chủ nhường cho cái phản ở giữa nhà, tuy có rộng rãi nhưng phản gỗ lim nên lạnh lắm. Mỗi thằng có một cái chăn chiên nên chẳng mắc màn nữa mà lồng luôn vào đó rồi hai thằng ôm nhau ngủ. Chính những ngày đó tôi mới biết nhiều hơn về những trò nghịch ngợm và yêu đương của hắn (về lĩnh vực này tôi lơ ngơ lắm). Hết thời gian HL tân binh, tôi đi học lái xe, còn hắn được điều về b Hóa học (Phòng hóa) của trung đoàn.
          Tết năm đó, cũng như tôi- hắn ở lại đơn vị ăn Tết (hầu hết số HS cấp 3 CL cùng đợt đều ở lại). Vì vậy, khi nghe tin trung đoàn chuẩn bị đi chiến đấu thì bố mẹ hắn cùng bố mẹ tôi quyết định đi thăm hai thằng. Hai ông già đèo theo hai thằng em út thì đạp bộ vã hơn 100 km với hành trang là 1 bi- đông rượu treo ở ghi đông xe. Đi từ sáng đến gần tối thì đến chỗ bọn tôi (chính là lúc tôi đang chơi thăm lão Thu thì bị gọi về). Còn hai bà già đi tàu lên sau với cả bao tải quà, bánh, gà qué (để cho hai thằng tôi ăn Tết bù- các bà bảo thế). Đó là cuộc đi thăm đẫm nước mắt của hai bà mẹ vì đó chính là thời điểm e 202 của chúng tôi đang rục rịch đi B. Sau đó cả trung đoàn 202 đi B. Tôi với hắn gặp nhau lần cuối ở Quảng Bình trước khi tôi lên đường vào Quảng Trị và phải mãi đến Tết năm 76 mới gặp lại nhau.
          Thực ra, trong những năm đó mặc dù không được gặp nhau và thư thì cái được, cái mất nhưng tôi vẫn biết tin về hắn, biết hắn đã được cử về Trường SQTG học từ cuối năm 73. Thật tình, tôi rất phấn khởi- người có năng lực như hắn được đi đào tạo cơ bản thì vừa tốt cho hắn, vừa có ích cho QĐ. Vì thế, tháng 7 năm 75- khi được đi học tôi cứ chắc mẩm về trường sẽ được gặp hắn và Lập- hai thằng bạn cùng quê, cùng nhập ngũ, cùng trường, cùng đội bóng… Tuy nhiên, khi lên trường tập trung thì chỉ gặp mỗi Lập, còn hắn thì không. Lập cho biết: “Hắn đá bóng bị ngã gãy tay nên nhà trường đã trả về đơn vị”.  Thì ra, về đây 2 cựu cầu thủ TC3 CL vẫn phát huy được tài năng của mình và trở thành 2 trụ cột trong đội bóng của TSQTG. Tuy nhiên, vẫn với phong cách xông xáo, chém đinh chặt sắt của mình nên hắn đã phải trả giá. Tôi thật sự tiếc cho hắn.


    Tết năm 76- vẫn đang trong thời gian “dự khóa” (tức là dự bị cho khóa học), chúng tôi được nghỉ 1 tuần. Về đến nhà, tôi ngỡ ngàng khi gặp hắn. So với lần cuối gặp nhau ở QB, hắn chẳng lớn hơn tý nào mà lại già, đen và gày đi nhiều. Còn một ngạc nhiên lớn hơn là hắn đã ra quân và cưới vợ. Tôi vẫn đinh ninh vợ hắn là KTT nhưng không phải. Đó là một cô gái còn rất trẻ trong làng Ngái. Thành vợ hắn rồi nhưng vẫn bẽn lẽn như một thiếu nữ. Cưới vợ xong, hắn xin HTX một mảnh đất hoang ở chỗ rất hẻo lánh và tự tay dựng lên một ngôi nhà. Gọi là nhà thôi chứ thực ra đó chỉ là một túp lều lợp rạ, bốn phía là vách đất (trát nhứng), còn trong nhà đồ đạc có mỗi chiếc giường với mấy thứ nồi niêu, bát đĩa. Tôi tin rằng cái nhà này còn thua xa cái nhà chị Dậu hay anh Pha.
Chiều 30, tôi xuống nhà hắn. Có gen uống rượu được hai ông già truyền lại nên hai thằng tôi cùng uống được. Hắn bỏ ra hai cái bát (có ấm chén đâu) rót đầy rượu rồi hai thằng cùng “cạch”. Sau hai tuần như thế hắn mới bộc bạch tâm can. Cũng chẳng có gì đặc biệt, khi bị TSQ trả về (tất nhiên vì lí do sức khỏe) hắn thấy cũng chán. Hắn bảo: “Chắc tại tao không có số làm quan”. Trong khi đó, đã hòa bình rồi nên các đơn vị đều giảm quân và chẳng xin thì người ta cũng cho hắn về. Hỏi về tương lai, hắn chán nản: “Lúc đầu, cũng định đi học lại rồi thi ĐH. Song về nhà rồi, thấy hoàn cảnh gia đình bí bét quá: anh cả thì báo tử (Anh Hưu, anh cả của hắn nhập ngũ năm 66), bố mẹ thì già yếu, các em còn nheo nhóc… nên biết là không thể theo được con đường học hành mà phải ở nhà đỡ đần bố mẹ. Trong khi đó, ông bà già cứ giục lấy vợ nên tặc lưỡi cho xong”. Hỏi: “Thế sao không phải là cái T.?”. Hắn lắc đầu buồn bã: “Không được! T. bây giờ đã là một giáo viên. Mà không hiểu sao càng ngày nó càng đẹp ra. Mình thì thằng lính xuất ngũ, không nghề nghiệp, cũng không một xu dính túi, nhà thì lại nghèo thế này v.v… làm sao lấy nhau được”.  Hỏi: “Thế cái T. nó bảo thế nào?”. Hắn buồn rầu: “Nó chỉ biết khóc thôi. Nhưng tao quyết rồi, không thể khác được”.
        Thật chua xót nhưng tôi thấy hắn nghĩ cũng phải.

        (Còn nữa)