Thông tin về mùa xuân được cụ Trần Nguyên Đán nắm bắt từ rất sớm. Khi mà mùa đông vẫn đang còn ngự trị: mưa núi lất phất, mây núi dày đặc, từng đám, từng đám bay trong các hốc núi. Mặt trời bị mây ám lúc tối lúc sáng. Gió bấc thổi đìu hiu lúc mau lúc thưa. Ấy vậy mà nhìn vào cây mai, khóm trúc, nhà thơ đã thấy:
梅含玉粒傳天信
竹併琅簪泄地機
Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín
Trúc tính lang trâm tiết địa ky
(Cây mai ngậm hạt ngọc báo tin của trời
Khóm trúc cài trâm ngọc tiết lộ điều huyền bí của đất)
Tiểu vũ-Mưa nhỏ
Tin của trời, điều huyền bí của đất, phải chăng là những thông tin vừa hé mở của mùa xuân được tiết lộ qua hoa mai và măng trúc?
Bầu trời mùa xuân lại được Chu Văn An cảm nhận trong những phút giây khá huyền diệu. Đó là vào những buổi sáng mùa xuân, trong căn nhà đơn sơ trên núi Phượng Hoàng, phóng tầm mắt ra xa, nhà thơ bỗng thấy:
碧迷雲色天如醉
Bích mê vân sắc thiên như túy
(Mầu biếc lẫn vào với sắc mây, trời như say)
Xuân đán-Buổi sáng mùa xuân
Câu thơ không những chỉ vẽ ra một bức tranh xuân đẹp mà còn gợi ra một cái hồn xuân rất lạ: âm dương đang giao hòa và giời đất hình như cũng đang say nhau?
Mưa xuân trong thơ Nguyễn Trãi cũng được cảm nhận một cách khá đặc biệt. Nó không phải là thứ “mưa xuân lác đác” rải rác, thưa thớt và hơi nặng hạt như trong ca dao. Nó cũng không phải là thứ “Mưa xuân phơi phới bay” một thứ mưa bụi rất mau hạt nhưng lại nhẹ bay như trong thơ Nguyễn Bính. Nó là một thứ mưa riêng biệt trong cảm nhận của Nguyễn trãi:
春雨添 来水拍天
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
(Lại thêm mưa xuân nước phủi ngang trời)
Trại đầu xuân độ-Bến đò xuân đầu trại
Chính cái chữ phủi dùng lạ, đã làm ta có cảm giác dường như đằng sau những cơn mưa ấy đang có những bàn tay bí ẩn vô hình rắc phủi những hạt mưa xuống nhân gian. Dưới những hạt mưa xuân ấy là cỏ xanh như khói, con đường ngoài nội vắng người lại qua, bến đò vắng khách, con đò cô đơn gối đầu lên bãi cát mà ngủ suốt ngày. Rõ là một bến đò mùa xuân, không hoạt động nhưng lại rất sinh động.
Hoa xuân trong thơ Cao Bá Quát rực rỡ lắm. Nó cứ như ùa nở, đua chen nhau mà nở, muôn tía nghìn hồng. Ấy vậy mà lòng xuân của nhà thơ lại dường như tê tái:
何當世事如花事
風雨江山盡改觀
Hà đương thế sự như hoa sự
Phong vũ giang sơn tận cải quan
(Ước gì chuyện đời cũng như chuyện hoa
Sau mỗi cơn mưa gió núi sông lại tươi sáng hơn)
Hậu lập xuân…-Sau lập xuân…
Ta chợt hiểu ở thời Cao Bá Quát hoa xuân đẹp nhưng đời chưa đẹp. Đó là nguyên nhân khiến nhà thơ buồn chăng?
Đến thời Nguyễn Khuyễn đời càng thêm bế tắc. Ngày xuân trong thơ ông bao trùm một không khí u ám, gò bó, không có gì cởi mở ra được. Trời đất thì sương khói mông lung, ánh ban mai không hé lên được. Hạt cây kim quất gieo ngoài vườn, mầm vẫn nằm trong vỏ. Hoa thủy tiên trong chậu cũng không cởi được lớp áo ngoài để bung hoa…Đến những giọt sương trên ngọn tre buổi sớm cũng từng giọt, từng giọt như đang lặng lẽ khóc không thành tiếng. Chỉ nức nở vậy thôi. Nhưng Nguyễn Khuyến vẫn có một cách đón xuân rất riêng cho mình:
沉吟坐對寒燈酌
一句連年興未窮
Trầm ngâm tọa đối hàn đăng chước
Nhất cú liên niên hứng vị cùng
(Lặng lẽ ngồi trước bóng đèn lạnh rót rượu uống
Ngâm một câu thơ nối liền hai năm hứng vẫn chưa cạn.
Trừ tịch-Đêm ba mươi tết
Một cảnh đón xuân tuy quá lẻ loi đơn độc mà vẫn vô cùng hào hứng.
29/12/2011
Đỗ Đình Tuân