Trong không khí lễ hội đầu năm mới, mấy ông nhà thơ CLB cũng hăng hái tham gia với ý định lấy cảm xúc làm thơ…Thế nên có giao hẹn với nhau là khi về sẽ tổ chức giao lưu thơ sáng tác về đề tài này. Hôm ấy, sau chuyến Lên Yên-tử về, nhà thơ P hăng hái trình làng trước:
Vin cây, vịn đá ta trèo
Cho mồ hôi đổ cuốn theo bụi trần
Đã ngồi chót vót Phù Vân
Bỗng nghe điện thoại túi quần lại kêu !
- Hay! Tâm trạng rất thật của một anh “con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn”! Lão này không dứt vợ đi tu được! - Nhà thơ O lên tiếng trước .
- Ồ! Thì tôi có ý dứt vợ đi tu đâu. Nói mãi nó mới cho thoát ly 01 ngày. Nó còn đòi bám gót kia kìa. Tôi phải giải thích là đi với các nhà thơ; Nó sợ, nó mới không theo nữa! Thế thì làm sao mà thoát tục được!... - Nhà thơ P giải thích vậy. Rồi không quên hỏi lại: “Thế ở cương vị ông, thì ông viết thế nào?
- Tôi sẽ viết câu cuối như sau :
Dẫu có điện thoại, cóc cần nghe đâu !
- Ôí! Thế thì cũng vậy thôi! Tôi viết “Bỗng nghe…” là ý nói : Chạy lên giời nó cũng không buông tha - nó vẫn gọi về. Dù ông có viết là "Không nghe” hay “cóc cần nghe” thì định gọi, nó vẫn gọi. Vấn đề là: Chúng gọi, nhưng chúng ta có dám không nghe hoặc không về không?
- Tôi xin có ý kiến thế này - nhà thơ Q lên tiếng: - Tình cảnh chung của chúng ta là như nhau, không ai dám bỏ vợ đi tu cả. Thế mà viết “Vẫn nghe điện thoại…” hoặc “Không nghe điện thoạị…” thì đều là đổ vấy cho vợ cái tội lôi kéo làm mình không thoát tục được. Kỳ tình mình mới là thằng hèn, không dám đi tu! Vậy nên, tôi đề nghị bỏ câu cuối để tránh vấn đề nhậy cảm! Hoặc sửa thế này được không:
Vin cây, vịn đá ta trèo
Cho mồ hôi đổ cuốn theo bụi trần
Đã ngồi chót vót Phù Vân
Ở ĐÂY MÂY GIÓ TA CẦN ĐIẾC ĐUI!
- Hay! Hay! giải pháp tuyệt vời! Cứ không nghe, không thấy, không biết...là THƯỢNG SÁCH, THƯỢNG SÁCH!...
Làng Hóp 14h10’ 28-02-2012 TD