Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Tác giả cổ Chí Linh 17

                                   Trần Tiến
                              (1709-1770 )

               Trần Tiến ng­­ười xã Điền Trì, huyện Chí Linh (nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dư­­ng). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa hoạn ở huyện Chí Linh. Cha là Trần Cảnh, tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan đến Tham tụng - Th­ượng thư­, tư­ớc Diệu quận công. Ông nội là Trần Thọ, tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan đến Bồi tụng - Tả thị lang bộ Lễ, tư­ớc Phư­ơng trì hầu.
               Năm 21 tuổi ông đỗ h­­ương cống; Năm Cảnh H­­ưng thứ 9 (1748) ông đỗ tiến sĩ, sau làm quan đến chức Hàn lâm viện thị giảng, Phó đô ngự sử. Trần Tiến có tên chữ là Khiêm Đường, hiệu là Cát Xuyên, tác giả các sách Đăng khoa lục s­ưu giảng, Cát Xuyên tiệp bút, Niên Phả lục. Trong lịch sử văn xuôi Việt Nam Trần Tiến đư­ợc xem là ng­ười sáng lập ra thể ký tự thuật. Trong tác phẩm Trần Khiêm Đư­ờng niên phả lục (1764), ngay mở đầu ông tự kể: “Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đư­ờng, con của thừa t­ướng Trần Công  và bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra”
               Theo Chí Linh phong vật chí, Trần Tiến có soạn sách địa phư­­ơng chí và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp của huyện Chí linh. Bài thơ viết bằng chữ Hán, không thấy có tựa đề, chúng tôi xin chép lại:
 
水青山終秀氣
分明勝地征兼記
古今忨賞盡柳人
地設天排多勝置
   
Phiên âm
Bích thủy thanh sơn chung tú khí,
Phân minh thắng địa trư­­ng kiêm ký.
Cổ kim ngoạn thư­­ởng tận liễu nhân, 1(?)
Địa thiết thiên bài đa thắng trí.
 
Dịch nghĩa
Nư­­ớc biếc non xanh chung đúc khí tốt,
Thắng cảnh đã ghi trong sách rõ ràng.
Xư­­a nay làng thơ nhiều ng­­ời ngâm thư­­ởng,
Tạo hóa sắp bầy nhiều cảnh trí đẹp.
 
Dịch thơ
Khí lành chung đúc sơn khê
Sách xưa thắng địa từng ghi rõ ràng
Non xanh nước biếc vô vàn
Trời bày đất xếp một miền núi sông.
                          Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú
1-Liễu nhân: theo các dịch giả (Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản) thì hai chữ ấy phải là “tao nhân” mới hợp nghĩa.

31/7/2012

Đỗ Đình Tuân    



Mimosa


    
Truyện ngắn của Minh Hương
                                                                      

          Hải cùng bác Tịnh, bảo vệ của Công ty kéo mấy thân cây vừa bị chặt đổ nằm ngổn ngang trước cổng. Thấy bác cứ lẳng lặng chẳng nói gì, Hải ngại không dám bắt chuyện. Nhưng rồi không kìm được sự tò mò, cô đành lên  tiếng.
- Bác ơi! Tại sao lại chặt những cây này đi hở bác, nó  đang tươi tốt thế này, mà cháu thấy cây này cũng đẹp mà?
Bác bảo vệ thủng thẳng trả lời:
- Người thích thì trồng, người không thích thì bắt chặt đi. Ngày cậu Linh mang cây về trồng, thấy lạ nhiều người cũng đã hỏi tên, nhưng cậu ấy chỉ cười không nói. Nó được trồng ở đây cũng đã ba bốn năm rồi đấy. Vào những buổi chiều chỉ còn lại một mình, nhìn ngọn lá lay nhẹ trong gió, tôi thấy lòng vừa xao động, vừa buồn buồn thế nào ấy.
Hải tròn mắt thốt lên:
- Ôi! Bác cũng là người đa cảm đấy!
Vừa nói, Hải vừa nheo mắt cười với ông. Mấy buổi chiều mới đến đây, mỗi khi dắt xe qua cổng ra về, cô cũng có cảm nhận như vậy về thứ cây mới thấy lần đầu này. Mới về Công ty được hơn một tuần, Hải chưa biết hết tên mọi người. Nghe bác Tịnh nói về người trồng cây có vẻ bí ẩn, cô rụt rè hỏi:
- Bác ơi! Anh Linh là ai ạ?
- À! Cậu ấy nguyên là Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty, nhưng bây giờ không còn làm việc ở đây nữa.
- Chắc là anh ấy chán cảnh đèo heo hút gió này nên xin chuyển về Thành phố rồi hở bác?
- Ồ! Chuyện cậu Linh đi khỏi Công ty thì phải hỏi các “Sếp”. Theo tôi biết thì không phải, cậu Linh là người có nhiều tâm huyết với Công ty từ những ngày đầu mới thành lập, lúc ấy còn khốn khó đủ bề. Trước đây cậu Linh với cậu Hưng thân nhau lắm…
Bác bảo vệ ngừng nói khi thấy Hưng đang đi đến. Từ xa Hưng đã nói oang oang:
- Ngày mai bác Tịnh đào mấy gốc cây này lên rồi tuần sau mua trắc bách diệp trồng vào đó nhé. Bộ mặt của Công ty phải đẹp…
Nói xong, cũng chẳng chào hỏi gì, Hưng quay lưng định đi thẳng về phòng làm việc. Thấy bác Tịnh không nói gì, Hải dè dặt nói với theo:
- Em thấy trồng cây này cũng hay đấy chứ ạ, có gì đó là lạ…
Hưng quay phắt lại, gay gắt:
- Lạ lạ cái gì? Ở đây nó thật vô duyên! Mà này, chỗ làm việc của cô Hải ở trong kia, sao lại ra đây?
Hưng có vẻ bực mình, lừ mắt nhìn Hải rồi bỏ đi. Hải im lặng nhìn theo, lưng áo của Hưng còn ươt đẫm mồ hôi. Nhớ lại vẻ hầm hầm của anh ta khi chặt cây lúc nãy, cô nghĩ: “Nếu chỉ để làm đẹp bộ mặt của Công ty, sao lại hậm hực đến thế nhỉ?”. Như đoán được suy nghĩ của Hải, bác Tịnh chậm rãi nói;
- Câu Hưng giờ phải thay vào cái chức Trưởng phòng Kế hoạch của cậu Linh trước đây, có vẻ không bằng lòng. Cậu ấy vẫn nghĩ mình xứng đáng ở địa vị cao hơn nữa kia. Công ty đang thiếu cán bộ chủ chốt chưa được bổ sung, Hưng đang khấp khởi, đùng một cái, Linh xin nghỉ việc. Thế là Hưng phải thế chân, còn chức Phó Giám đốc vẫn chờ sự sắp xếp của Tổng Công ty…
- Thế anh Linh bây giờ làm việc ở đâu ạ?
- Tôi không biết, nghe nói hình như cậu ấy về nhà làm ăn tự do.
Ngại mình mới về, hỏi nhiều chuyện của Công ty không tiện, Hải chào bác Tịnh rồi về phòng đọc tiếp tài liệu. Mấy hôm trước, Hưng đưa cho cô tập tài liệu lưu và nói cô đọc để hiểu các hoạt động của Công ty. Cô dự định hôm nay sẽ đọc xong số tài liệu còn lại. Nhìn những xấp tài liệu đủ các loại văn bản đã bị hoen ố, cô  thầm nghĩ: “Không có cán bộ mới như mình, chắc cái thứ giấy tờ lưu này còn nằm trong tủ không biết  đến bao giờ?”. Cô rút tiếp một tệp để đọc, chợt thấy lạ bởi nó được viết tay, chưa qua đánh máy, chữ viết đẹp quá, lại sạch sẽ rõ ràng trên nền giấy còn trắng sáng. Hải lướt qua dòng chữ to ghi ở đầu trang: Kế hoach phát triển Công ty…từ 1990 đến 2000. Một thoáng thắc mắc trong cô: “Bây giờ mới giữa năm 1989, sao Kế hoạch này lại xếp vào tài liệu lưu trữ, và còn bị xếp ở tận cuối?”. Hải bắt đầu đọc và bị cuốn hút ngay từ phần đặt vấn đề. Càng đọc cô càng thấy đây là một Kế hoạch hết sức táo bạo và sáng suốt. Có điều hơi mạo hiểm. Nhưng cô cũng vừa kịp nhận ra và thấy thật đáng tiếc: “Nếu Kế hoạch này được chấp thuận thì bây giờ nó không không còn nằm ở cặp tài liệu lưu trữ này!”
                             ****

Hải bước ra khỏi phòng làm việc, mọi người đã về hết. Ngày mai Ban Giám đốc sẽ thông qua Dự án đầu tư phát triển của Công ty đến năm 2010. Mọi việc đã xong, cô cố nán lại kiểm tra toàn bộ, chỉnh sửa, bổ sung cho thật hoàn chỉnh, đảm bảo cho việc thuyết trình sáng mai đạt kết quả tốt nhất. Nếu dự án được thông qua, đây sẽ là mốc quan trọng để mọi người đánh giá khả năng của cô sau hơn một năm về Công ty làm việc.
Có lẽ vì không biết Hải còn chưa về, bác bảo vệ đã đóng cổng đi đâu đó, vì vậy cô phải đứng chờ. Chiều tối đang xuống dần, cô thấy lòng lại nao buồn. Thế là một năm đã trôi đi. Công ty đã trở nên thân thiết, nhưng mọi tâm sự riêng tư của cô vẫn không ai biết. Cô lao vào công việc để quên đi tất cả. Dù vậy, nỗi nhức nhối trong lòng đôi khi vẫn làm cô phải vật vã. Tội nghiệp Phong Thu, nó không biết gì về sự chia tay của ba, mẹ. Hôm đưa nó về ở với bà ngoại để lên đây công tác, cô đã nói với nó: “Ba, mẹ sẽ thường về thăm con…” mà lòng đau thắt. Tuần này, vì lo cho việc duyệt dự án, Hải không về thăm con được, giờ lại đang thơ thẩn một mình ở đây, cô nhớ con quá. Không biết bây giờ nó đang làm gì? Lẫm có về thăm con không? Nghĩ cũng lạ, khác với nhiều phụ nữ ly hôn khác, Hải không ngăn cấm việc chăm sóc con của chồng cũ. Ngược lại, cô luôn mong bố con nó vẫn giữ được tình cảm thật tốt…
Lẫm và cô sống với nhau được mười năm. Cả hai cùng có nỗi đam mê nghề nghiệp, có lúc tưởng như quên luôn cả nhau. Nhưng mâu thuẫn vợ chồng xảy ra lại do bất đồng chính kiến trong cuộc sống. Sự không đồng quan điểm cùng với yêu cầu công tác làm cho giữa hai người ngày càng có một koảng cách. Ngoài giờ làm việc, Hải chỉ còn biết dành hết thời gian để chăm sóc con gái. Phong Thu là kết quả của một thời yêu đương nồng thắm giữa cô với Lẫm. 
Sau một xung đột không thể tránh khỏi, Lẫm nhất định đòi ly hôn. Cô chấp nhận với một điều kiện không để bé Thu Phong biết. Vì vậy, cô phải chọn giải pháp: xin chuyển công tác lên miền núi để Phong Thu có lý do chính đáng về ở với bà ngoại…Thời gian đầu, cô thường xuyên về thăm con. Được biết, Lẫm cũng thường về dẫn Phong Thu đi chơi, mua sắm cho nó nhiều thứ, cô thấy lòng nhẹ bớt…
Hầu hết các ý tưởng và dữ liệu của Dự án đều được Hải lấy từ bản Kế hoạch do Linh xây dựng đã bị xếp vào cặp tài liệu lưu ngày ấy. Mặc dù trước khi bắt tay vào viết Dự án, Hải đã đặt vấn đề với ban Giám đốc, sẽ được sử dụng tất cả những thông tin kỹ thuật đã có của Công ty. Cô hơi phân vân vì cho đến nay cô vẫn không hỏi được thông tin gì thêm về Linh. Hầu như ít người biết hiện nay Linh đang làm gì, ở đâu. Do vậy, việc cô sử dụng dữ liệu của Linh chưa được anh đồng ý. Nhưng Hải nghĩ, đây chắc chắn là điều tâm huyết của anh đối với sự phát triển của Công ty nên cô vẫn mạnh dạn sử dụng. Cô cho rằng, những ý tưởng táo bạo của Linh cách đây mấy năm bây giờ đã có cơ hội trở thành hiện thực. Hơn thế nữa, nó có thể thực hiện trong thời gian dài, vì vậy cô đã kéo dài thời gian của Dự án đến năn 2010. Tất nhiên là cô có bổ sung thêm một số mục tiêu, yêu cầu của dự án, chia mốc thực hiện theo hai giai đoạn, từ 1990 - 2000 và từ 2001 - 2010. Ban Giám đốc Công ty đã được kiện toàn, có năng lực lãnh đạo. Công ty vừa vượt qua giai đoạn khủng khoảng đang từng bước ổn định. Nếu Dự án mà Hải sắp bảo vệ được Ban Giám đốc chấp thuận và đưa vào thực hiện, cô tin rằng Công ty sẽ phát triển rất nhanh.
Để phù hợp với thực tại, Hải đã bổ sung thêm vào Kế hoạch của Linh phần hạch toán cụ thể về lãi doanh thu hàng năm và đưa thêm vào các từ ngữ kinh tế mới như đầu vào, đầu ra, quan hệ đối tác, dây chuyền khép kín, ma két tinh…
Hôm đọc bản Kế hoạch của Linh, Hải không sao dứt được những thắc mắc. Dần dần cô hiểu ra, bản Kế hoạch ra đời hơi sớm. Lúc đó mọi người vẫn còn trì trệ trong nếp nghĩ, nếp làm theo kiểu bao cấp: kế hoạch từ trên dội xuống, vốn liếng Nhà nước lo, hạch toán lãi giả, lỗ thật nhưng vẫn không làm sao cả vì vẫn có Nhà nước bù lỗ…Quan trọng hơn là, nếu theo Kế hoạch của Linh thì nhân sự của Công ty phải được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nhất là Ban Giám đốc và trưởng, phó các phòng ban. Thế là vô tình sẽ phải động chạm đến không ít người. Một điều tế nhị khác nữa là, để tổ chức thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả, cần phải có người am hiểu trực tiếp điều hành. Lẽ đương nhiên là không ai khác tốt hơn ngoài Linh…Mâu thuẫn nảy sinh giữa Linh với ban Giám đốc cũ và cả với Hưng chính lại là ở điểm này.
Ba năm đã qua, kể từ khi Linh viết bản Kế hoạch đó. Hiện nay Công ty đã có một ban Giám đốc mới khá kiện toàn với cách nhìn nhận và tư duy lãnh đạo phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là để đáp ứng với cung cách làm ăn tự cân đối, tự trang trải. Điều đó thực sự khích lệ Hải đem hết sức mình để chắp bút xây dựng Dự án mà Công Ty giao. Cô hy vọng, thông qua Dự án, những điều Linh và cô tâm huyết sẽ được chấp thuận. Lúc này, cô rất muốn có một người để nói chuyện. Bác bảo vệ vẫn chưa về. Công ty vắng vẻ quá. Cô thoáng nhớ đến Lẫm, nhưng cô biết, dù có Lẫm ở đây, cô cũng sẽ không nhận được một lời khích lệ nào của anh. Với Lẫm, đàn bà không nên quá giỏi và đam mê công việc ngoài xã hội, mà nên chu toàn chăm sóc gia đình. Cô nghĩ đến Linh, không biết anh có thể chia sẻ với cô không nhỉ? Thực ra chỉ cần có bác Tịnh ở đây, Hải cũng sẽ nói được nhiều điều với bác. Tuy chỉ làm bảo vệ, nhưng bác Tịnh đối với Hải rất thân tình. Bác thường nhắc nhở bảo ban Hải trong mọi chuyện. Đã có lần bác nói với cô: “Tuy về chuyên môn, bác không hiểu nhiều, nhưng làm gì thì trước hết tâm phải đồng, lực phải hiệp. Cháu cố gắng tạo được mối quan hệ đồng nghiệp tốt thì mới thuận cho việc phát huy được khả năng chuyên môn. Không phải cứ có bằng cấp, có địa vị là nói gì cũng được. Điều đáng sợ là lòng đố kỵ, phải vượt qua nó thì mới mong làm được việc lớn…”. Hải rất cảm ơn và thực lòng muốn sống được như những điều bác Tịnh căn dặn. Cô chợt nhớ đến Hưng. Hàng trắc bách diệp này được trồng theo ý của Hưng. Nó cũng đang làm đẹp bộ mặt của Công ty đấy. Nhưng bây giờ Hưng cũng không còn ở Công ty nữa. Không hy vọng được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Công ty, anh đã xin chuyển về Thành phố làm ở một công ty liên doanh với nước ngoài. Cô được phân công đảm nhận vị trí của Hưng. Cô không có ý định thay đổi bất cứ những gì mà Hưng đã cố gắng tạo điểm nhấn trước đây để khẳng định vị trí của mình khi thay Linh. Điều mà cô quan tâm là làm thế nào để góp sức tham mưu cho Ban Giám đốc có một chiến lược phát triển Công ty một cách bền vững nhất. Nghe nói, hình như Hưng cũng không  toại nguyện với vị trí công tác ở cơ quan mới. Thôi thì thay đổi môi trường cũng là để Hưng có điều kiện nhìn nhận lại mọi suy tính của mình.
Bước chầm chậm về phía cổng, Hải bỗng giật mình chững lại. Đập vào mắt cô là màu xanh ngọc có ánh bạc của một thân cây nhỏ, loại cây lạ ngày nào. Cô đến bên nó, nhìn sâu vào gốc cây. Vết chặt ngang đã thành sẹo, nối liền với chồi cây mới thành một đường cong khá đẹp. Nó ẩn mình ở đây, hàng ngày chẳng ai nhìn thấy bởi cánh cổng đang mở ra che khuất. Hẳn là khi đánh gốc cây theo lệnh của Hưng ngày ấy, bác Tịnh đã bỏ sót lại một gốc cây này vì nó nằm sát chân tường. Và sự hiện diện của nó chắc chắn là bác Tịnh phải biết. Đưa tay lùa vào tán cây, Hải như thấy những chiếc lá nhỏ nhắn, mềm mại đang ve vuốt, ấp vào bàn tay cô một cảm giác vừa mơn man vừa ấm áp. Một cơn gió lùa tới, thổi bay tóc của Hải vương vào ngọn lá. Lòng cô xao động. Bây giờ Linh đang ở đâu, anh có biết những gì anh để lại nơi này hình như đang được hồi sinh sau những tháng ngày bị quên lãng? Có tiếng mở khóa, rồi cánh cổng từ từ đẩy ra. Hải giật mình và hơi bẽn lẽn khi thấy bác Tịnh nhìn cô đang đứng cạnh thân cây sống sót. Bác vừa cười vừa nói:
- Phát hiện ra bí mật của tôi rồi hả, Tôi định chăm giữ nó, đợi khi nào cậu Linh có dịp về thăm Công ty sẽ nhớ lại một thời vất vả. Chẳng mấy nữa đâu, nó sẽ vươn cao khỏi tường và tạo thế đẹp ra phết đấy.
- Anh Linh hẹn bác sẽ về thăm ạ?
- Đấy là tôi nghĩ thế. Thường vẫn vậy mà, ai chẳng muốn có một lần về lại nơi ở cũ, nhất là nơi khốn khó một thời. Người như cậu Linh, tôi tin sẽ thành đạt và có hậu…À mà sao hôm nay cháu về muộn mà không nói Bác, nhỡ hôm nay bác đi đâu đó về tối thì sao?
Hải như không nghe câu hỏi của bác Tịnh, vội chào bác rồi ra về, lòng thầm cảm ơn bác Tịnh đã cho cô hy vọng, một ngày  nào đó sẽ được gặp Linh ở đây.

****


Hải chạy ào tới và thốt lên: “Nó có hoa!”. Từ lúc xe chạy vào thành phố, trong màu xanh của thông và muôn sắc màu của hoa lá nơi đây, cô phát hiện ngay ra nó, loài cây là lạ đó. Nhưng chỉ đến bây giờ đứng trước một cây to, cô mới biết, ẩn trong những chiếc lá nho nhỏ màu ngọc dát bạc kia là những chùm hoa hình tia màu vàng nhạt tựa như những chùm tia nắng ban mai. Cái màu vàng tao nhã, quý phái của hoa xen với sắc ngọc ánh bạc đặc biệt của lá tạo nên một vẻ đẹp hài hòa dung dị.
Mải say đắm ngắm hoa, hải giật mình vì nghe có tiếng người nói rất gần. Cô quay sang thì thấy một người đàn ông dáng vẻ phong trần đang đi cùng một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi. Cô gái thật dễ thương và hình như cũng đang rất quan tâm đến cây có lá bạc hoa  vàng kia. Người đàn ông, đang nói  có vẻ rất tường tận:
- Đây là cây Mimosa? Loại cây duy nhất ở Việt Nam chịu chung sống với xứ sở ngàn hoa này. Nó chỉ ra Hoa khi sống ở Đà Lạt…
Hải ngỡ ngàng với cái tên Mimosa của thứ cây mà từ lâu đã trở nên thân thiết với cô. Cô mải miết nghe những điều mà người đàn ông nói với cô gái: “Mimosa là loài hoa riêng có, là hoa đặc trưng của Đà lạt…”. Đúng vậy, thứ cây này trồng ở Công Ty Hải đã mấy năm nhưng chưa bao giờ ra hoa. Có lẽ vì thế mà ngày đó Hưng đã cho rằng “…Ở đây nó thật vô duyên” và kiên quyết chặt bỏ, trồng thay Trắc bách diệp vào đó…
Hải đoán người đàn ông và cô gái kia là cha con, vì họ có đôi mắt và khóe miệng rất giống nhau. Bất chợt, Hải nhớ đến Phong thu và Lẫm, cô thầm mong lúc Phong thu lớn cũng được thân thiết với ba như hai cha con họ. Cô bỗng cảm thấy lạc lõng trước sự vui vẻ của họ, cô tìm lối rẽ sang hướng khác. Vừa lúc đó, nghe tiếng chị em cùng đoàn gọi, cô vội quay đi. Lúc này cô mới tự cười mình. Lâu nay cô vẫn nghĩ Mimosa là tên của một cô gái bên trời Tây đã đến và để lại cho Thành phố mộng mơ này một kỳ tích nào đó. Bởi cô thường nghe người ta hát: “…Mi - mô - za, vì sao em đến đất này…Anh đã biết rồi, vì em yêu cuộc sống trên cao, có thông reo rì rào…”. Vậy mà nó lại là tên của một loại cây, một loài hoa. Cô lại nhớ đến bụi cây đó ở Công ty, bây giờ nó đã cao vượt lên, không còn ẩn mình sau bức tường và cánh cổng sắt nữa. Cô cũng không hiểu sao, chỉ là một mầm cây sống sót lại sau sự chặt bỏ của mọi người đối với cô lại ý nghĩa thế. Nó cứ như là nơi gửi gắm những tâm sự, những suy nghĩ của mình vậy. Mỗi khi buồn, nhớ con cô lại đến bên nó ngắm nghía suy ngẫm. Từ khi phát hiện ra nó, hình như ngày nào cô cũng để mắt đến nó. Vậy mà nó lớn vượt lên tự lúc nào thì cô chẳng định nổi. Rất nhiều lần ở bên nó, cô cứ thầm trách mình sao hay nghĩ về người chưa gặp mặt bao giờ…

                                        ***

Sau khi được Tổng Giám đốc công ty mời vào, Hải cúi đầu chào và thưa:
- Dạ, cháu là Hải ở Công Ty…
Chưa kịp để cô nói hết câu, Tổng Giám đốc đã vồn vã:
- À, chào cô Hải! đã bàn giao xong công việc ở Công ty chưa? Về làm việc trên này có ý kiến gì không?
- Dạ không ạ! Cháu rất cảm ơn vì…
Hải ngừng nói, có người vừa bước vào, chắc định gặp Tổng Giám đốc, nhưng thấy Hải nên lại quay ra ngay. Vừa kịp nhận ra, rất vô thức Hải gọi theo:
- Anh Mimosa!
Nhưng người ấy đã ra khỏi phòng. Ông Tổng Giám đốc ngạc nhiên.
- Mimosa nào? Cô có lầm không? Cậu ấy là Trưởng phòng kỹ thuật ở đây…
Không phải chỉ có Tổng Giám đốc ngạc nhiên, mà chính Hải cũng ngạc nhiên. Cô không ngờ gặp lại anh tại đây, và cũng không khỏi kinh ngạc là tại sao lại gọi anh ta là Mimosa. Hôm gặp hai cha con họ trên Đà lạt, rất tình cờ  và chỉ có vài phút ngắn ngủi,  sao có thể hỏi tên anh ta được. Thấy Tổng Giám đốc còn đang muốn biết cụ thể, Hải vội thưa:
- Dạ, tháng trước cháu gặp anh ấy trên Đà Lạt. Mới kịp nghe anh ấy nói tên cây Mimosa, chưa kịp hỏi tên anh ấy lại phải vội đi với đoàn. Hôm nay gặp lại bất ngờ quá, chẳng biết sao lại gọi là Mimosa…
Cả Tổng Giám đốc và Hải cùng cười. Tất nhiên là Hải có phần ngượng ngập vì chuyện vừa xảy ra. Còn Tổng Giám đốc thì có vẻ thú vị:
- Tuổi trẻ của các cô các cậu bây giờ hay thật! này nhưng mà phải cẩn thận đấy, gà trống mà nuôi con gái đậu 3 trường đại học. Nhiều cô xin chết mà không léng phéng ai đâu.
- Dạ thưa, anh ấy tên là gì ạ?
- Ơ! Thế không biết thật à? Cậu Linh, trước cũng ở Công Ty Hương Sơn mà.
Hải ngớ người ra, mắt trợn tròn nhìn Tổng Giám đốc. Cô vội thanh minh:
- Thực là cháu đã rất muốn được gặp anh Linh. Khi cháu về Công ty thì anh ấy đã đi rồi. Nghe nói, anh ấy xin nghỉ việc về làm kinh doanh riêng mà bác?
- Ờ! Ờ! Hồi ấy cậu ta có điều gì đó bất đồng với Ban Giám đốc Công ty. Nhưng lý do chính cậu ấy xin nghỉ thôi việc là vì con gái. Vợ mất sớm, có đứa con gái cậu ấy phải gửi nó cho bà nội. Khi con gái lớn lên đi học càng ngày càng phải đóng tiền học nhiều hơn, bà nội càng ngày càng sức yếu, cậu Linh xin nghỉ việc để về tính chuyện làm ăn lớn và vừa để có điều kiện chăm con gái và mẹ già. Biết chuyện tôi, tôi về tận nhà tìm. Mới có gần hai năm mà cậu ấy đã trở thành ông chủ vựa gỗ đang ăn nên làm ra. Tôi bắt cậu ta dẹp hết. Tổng Công ty đang cần người giỏi chuyên môn… hắn phải nghe vì trước là học trò cưng của tôi mà.
Nói đến đây, ông Tổng giám đốc nháy mắt ra chiều rất tâm đắc nhìn Hải. Sau đó ông cất tiếng cười rất thoải mái và hạ giọng.
Nói vậy thôi, thực ra cậu Linh là người rất trọng nghĩa và cũng ham công tiếc việc. Cậu ấy đã giúp Tổng Công ty rất nhiều trong lúc khó khăn này, nhất là trong việc xậy dựng kế hoạch có tính chiến lược và tổ chức thực hiện chúng. Chính cậu ấy đề xuất điều động cô về trên này đấy. Cậu ta đang dự kiến một chương trình hợp tác lớn với Đức…
Ông Tổng Giám đốc càng nói càng có vẻ tự hào về người học trò cũ cũng là người trợ lý đắc lực của mình. Ông không biết, Hải đang như người say sóng. Lần chạm mặt rất bất ngờ với người đã vô tình nói cho cô biết về cây Mimosa hôm đó lại chính là Linh!? Đúng là không thể tưởng tượng nổi. Linh là người đã đem đến cho cô những thành công trong nghề nghiệp, và giờ đây lại chính là ân nhân của cô trong cuộc sống đời thường. Phong Thu ngày một lớn, nó cần phải có sự chăm sóc, chỉ bảo của mẹ. Lẫm đã đi nghiên cứu dài hạn ở Úc. Cô không còn lý do gì bắt mình phải sống xa con như thế này nữa. Mẹ con cô phải được sống gần nhau, đó là nguyện vọng chính đáng và cháy bỏng của cô. Nhưng về Thành phố không dễ chút nào. Cô đang loay hoay chưa biết xoay xở ra sao thì nhận được Quyết định điều động về Tổng công ty. Mừng quá, cô nghĩ mình được trời thương nên cầu được, ước thấy…Nhưng nghe Tổng Giám đốc nói, chính Linh đề nghị xin cô về, cô lại nghĩ, đúng là mình được quý nhân phù hộ…
Ông Tổng Giám đốc vẫn đang say sưa nói về Linh, chợt nhìn đồng hồ và vội đứng dậy, vừa với cái cặp trên góc bàn ông vừa nói:
- Cô Hải cứ ngồi đây, tí nữa có người đến đưa cô về phòng Kỹ thuật, tôi có việc phải đi…
Đúng lúc đó, Linh bước vào. Ông vội dặn lại Linh rồi đi luôn. Hải không biết ông đã nói gì với Linh, vì lúc đó cô đang luống cuống đứng dậy, không biết chào Linh như thế nào nữa…
Ông Tổng Giám đốc đi rồi, Linh quay sang nhìn Hải và giơ tay ra bắt. Anh nói như hai người đã từng thân quen nhau:
- Chào cán bộ mới! Chúng ta sẽ cùng tiếp tục hợp tác, đang có nhiều việc phải làm lắm đấy.
Hải đưa tay cho Linh bắt, anh xiết chặt tay cô lắc nhẹ. Cô cúi đầu và nói lí nhí:
- Chào anh Mimosa, à chào anh…
Sao thế nhỉ, Hải đã rất mong mỏi có một ngày được gặp và gọi tên Linh, vậy mà giờ đây, đứng trước anh, biết rõ đây chính là Linh, cô lại thấy khó làm sao… Hình như Linh cũng cảm nhận được điều đó, anh vui vẻ nói.
- Không sao, cứ gọi là Mimosa, tôi cũng thấy ngồ ngộ đấy…cảm ơn Hải đã thổi hồn và mang đến sự sống cho Kế hoạch của tôi ở Công ty Hương Sơn ngày ấy…
Ôi! Sao lại vậy, đáng lẽ Hải phải là người cảm ơn Linh trước chứ. Chính từ việc thực hiện Dự án được hoàn thiện từ Kế hoạch của Linh mà Công ty Hương Sơn đang trên đà ngày càng phát triển và Hải được mọi người đánh giá cao về năng lực chuyên môn…Cô định nói hết những điều đã chứa chất bao ngày với Linh, nhưng anh đã đột ngột chuyển giọng hỏi nhỏ:
- Được về làm việc gần nhà và ở cùng con gái chắc Hải mừng lắm!?
Hải ngước lên và bắt gặp cái nhìn sâu thẳm của Linh. Cô chỉ gật gật đầu và không nói được gì vì chợt nhận ra: “Anh ấy đã biết hết mọi chuyện về mình…”. Những năm tháng qua, cô cố gắng gượng để vượt lên số phận đắng cay và đã tự bằng lòng với sự cứng cỏi của mình. Giờ đây, cô thấy mình sao nhỏ bé và yếu đuối. Cô run rẩy đưa tay chặn dưới mi mắt ngăn không cho nước mắt đang chực trào ra và lặng lẽ bước theo Linh như người bị thôi miên.
                                                
                                                      Nha Trang - 05/9/1997

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

"Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa"

 
 

Nhân ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7, Infonet đã nhận được một bài viết rất cảm động của độc giả Lê Thị Hương (25 tuổi, Chí Linh - Hải Dương) chia sẻ câu chuyện về người bố là thương binh hạng 2/4 của mình, bác Lê Anh Tuấn (nhập ngũ lần đầu năm 1974, lần 2 năm 1978, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia). Bài viết còn là những suy nghĩ rất thật, rất chân thực về chiến tranh của một người trẻ tuổi, người chưa hề biết thế nào là chiến tranh. Hiện bài viết đang lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng và gây xúc động cho nhiều người.
Một bài viết về ngày 27 tháng 7 xôn xao cộng đồng mạng
Lê Thị Hương - Tác giả của bài viết đã gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng trong những ngày qua. 
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn luyện chán chê để rồi tuyển lựa "đi B". May mắn thay, bố chưa đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.
Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư - em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường.
Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác.
Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.
Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.
Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào thét. Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ. Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về.
Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét. Bố mất cả tháng giời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ. Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả mà chống như người ta được.
Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành. Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ". Đúng, chúng em từ Cấp 1 cho đến hết Đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh.
Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở về. Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều: "Kể cả có chiến tranh, thằng HA (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi nhập ngũ đâu, nó con một, bố lại thương binh yếu đuối thế kia".
Các bạn có thể cười rằng mẹ suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.
 
Lê Thị Hương

MỘT NGÀY


Một ngày
nếu một ngày thôi
tôi say sưa
nói nói
cười cười
bên em

Một ngày lạ
một ngày quen
một ngày
ăm ắp hương sen
tràn đầy…

Một ngày
nếu có một ngày
mảnh trăng khuyết
tôi hao gầy
không em…
  Nhân Hưng,ngày 26-7-2012
            Tạ Anh Ngôi

Tác giả cổ Chí Linh 16

                               Mạc Đĩnh Chi
                                 (1284?-1236)

            Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, người làng Long Động, thuộc huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1304, ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông. Năm 1308, ông được cử sang sứ Trung Quốc, được vua Nguyên rất phục tài và phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Sau ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, thăng Tả bộc xạ. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm. Có giai thoại kể rằng vua Trần Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo, cuộc sống thường ngày rất thanh bần đạm bạc, bèn gọi một viên quan đến hỏi:
- Đĩnh Chi sống thiếu thốn, ta muốn trích kho mang tiền đến cho Đĩnh Chi, liệu có nên không?
            Viên quan nọ đáp:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần biết rõ Đĩnh Chi vốn thanh liêm, cho người mang tiền đến e Đĩnh Chi không nhận. Giờ chỉ có cách đang đêm cho người lén bỏ vào nhà Đĩnh Chi may ra mới được.
            Nhà vua cho thế là phải, bèn sai người đem mười quan tiền đang đêm bí mật bỏ vào nhà Đĩnh Chi. Sáng hôm sau, Đĩnh Chi thấy tự nhiên có tiền ở trong nhà, ông vội đem tiền đến và tâu với nhà vua rằng:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần làm quan đã có lộc nước, nay tự dưng lại thấy có tiền trong nhà, thần xin mang đến nộp kho để dùng vào việc công ích.
            Nhà vua bảo với Đĩnh Chi rằng:
            - Tiền ấy không có chủ, cứ cầm lấy mà dùng.
            Đĩnh Chi đáp :
   - Những đồng tiền này tuy không có chủ, nhưng không phải do thần làm ra, thần không dám nhận.
            Cuối đời khi đã hưu quan, Mạc Đĩnh Chi có mở trường dạy học tại quê nhà. Nơi ông mở trường dạy học, người đời sau suy tôn là cổ tích và gọi là “Trạng nguyên cổ đường” có nghĩa là nhà dạy học cũ của quan trạng nguyên.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của Mạc Đĩnh Chi:
 
Bài 1
Bài phú sen giếng ngọc1
Khách có kẻ:
Nơi nhà cao tựa ghế
Trưa mùa hạ nắng nồng.
Ao trong ngắm làn nước biếc
Nhạc phủ vịnh khúc phù dung.2
Chợt có người:
Mặc áo quê, đội mũ vàng
Tiên phong đạo cốt
Khác xa trần gian
Hỏi: “ở đâu lại?”
Rằng: “từ Hoa Sơn!” 3
Bèn bắc ghế, bèn mời ngồi
Dưa Đông Lăng đem cắt, quả Dao Trì đem mời 4
Bèn sang sảng nói, bèn ha hả cười.
Đoạn rồi, trông khách mà rằng:
“Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?”
Ta có giống lạ trong tay áo này 5
Chẳng phải như đào trần lý tục 6
Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy
Câu Kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì 7
Giậu Đào lệnh cúc sao ví được 8
Vườn Linh quân 9 lan sá kể gì
Âý là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa đây.
Khách rằng:
“Ngó như thuyền mà hoa mười trượng
Lạnh như sương mà ngọt như mật” đó ư?
Trước vẫn nghe tiếng, nay mới thấy thật
Đạo sỹ lòng vui hớn hở
Lấy trong tay áo trưng bày
Khách vừa trông thấy, lòng ngậm ngùi thay
Giấy mười thức 10 xếp sẵn
Bút năm sắc thấm(?) ngay 11
Làm bài ca rằng:
Thủy tinh  gác để làm cung
Cửa ngoài lóng lánh bao vòng lưu ly12             

Bùn thời tán bột pha lê
Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây
Mùi thơm ngào ngạt lên mây
Ngọc Hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương
Lạnh lùng hạt quế không hương
Tố Nga lại nổi ghen tuông bời bời
Bãi sông hái cỏ dạo chơi
Bến Tương luống những trông vời Tương Phi 13
Giữa dòng lơ lửng làm chi
Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi
Há rằng trống rỗng bất tài 14
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay 15
Mưa sa gió táp xưa nay cũng thường
Sợ khi lạt thắm phai hương
Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân.
Đạo sĩ nghe mà than rằng:
 “Sao anh lại ai oán như thế?”
Anh không thấy:
Hoa tử vi trên ao Phượng Hoàng 16
Hoa hồng dược trước thềm ngọc đường đó sao?
Địa vị cao cả, danh tiếng vẻ vang.
Triều minh thánh chúng đều là được quý
Cõi tao nhân anh đi mãi sao đang?
Khách bấy giờ:
Nghe lọt mấy lời, đem lòng kính mộ
Ngâm thơ Đình thượng của Thành Trai 17
Họa câu Phong đầu của Hàn Dũ 18
Gõ cửa thiền môn dãi tấc lòng
Kính dâng bài “Ngọc tỉnh liên phú”.
                                           Phan Võ dịch

Chú thích
1.Bài này Mạc Đĩnh Chi làm lúc thi đỗ trạng nguyên, nhà vua thấy ông tướng mạo xấu xí, không muốn lấy đỗ, ông dâng bài phú này để tỏ rõ phẩm giá thanh cao của mình. Nhà vua đọc bài phú hiểu rõ phẩm cách và tài năng của ông nên vẫn lấy đỗ.
2.Phù dung có hai nghĩa: một nghĩa chỉ hoa sen, một nghĩa chỉ hoa phù dung.
3.Hoa Sơn: một trong 5 núi lớn ở huyện Hoa âm, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
4.Dưa Đông Lăng: Thiệu Bình đời Tần, được phong Đông Lăng hầu, sau mất quan về trồng dưa, dưa ông ngon có tiếng.
5.Quả Dao Trì: chỉ quả bàn đào của Tây Vương mẫu ở Dao Trì. Cây Bàn đào ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết trái
6.Ưa sen: Chu Đôn Di, hiệu Liêm Khê, người đời Tống, rất thích hoa sen, cho hoa sen có phong cách quân tử, có làm bài “Aí liên thuyết”. Người đời gọi ông là quân tử yêu sen.
7.Đào trần lý tục: Hoa đào, hoa lý đầy núi đều là thứ trần tục, quê mùa, do câu: “Đào lý mãn sơn tổng thô tục”.
8.Câu Kỷ phòng tăng, mẫu đơn đất lạc: Câu kỷ là một thứ cây có hoa dùng để làm thuốc. Lưu Vũ Tích đời Đường vịnh cây câu kỷ có câu: “Tăng phòng dược thụ ỷ hàn tỉnh”, nghĩa là: Cây thuốc của nhà chùa tựa bên giếng lạnh. Còn hoa mẫu đơn ở đất Lạc Dương(TQ) là đẹp hơn cả, người ta thường gọi là Lạc Dương hoa.
9.Giậu Đào Lệnh: Đào Lệnh tức Đào Tiềm, người đời Tấn, làm quan ở Bành Trạch được chưa đầy ba tháng thì xin bỏ quan về nhà dạy học.Thơ Đào Tiềm có câu: “Thái cúc đông ly hạ”(Hái hoa cúc ở nơi Giậu phía đông).
10.Vườn Linh Quân: Khuất Nguyên tên chữ là Linh Quân, viết thiên Ly Tao trong đó có câu: “Dư ký tử lan, chi cửu uyển hề, hựu thu huệ chi bách mẫu”, nghĩa là: Ta tưới tử lan chín uyển ( mỗi uyển=30 mẫu xưa của TQ), lại trồng huệ trăm mẫu.
11.Bút năm sắc: do tích Giang Uyên nằm mộng thấy có người cho cây bút năm mầu, từ đó văn chương nổi tiếng.
12.Cung thủy tinh, cửa lưu ly: Trong bài Hoa sen đình ngọc tỉnh của Dương Thành Trai, có câu: “Cư tiên sơ xuất một, chiếu nhật dĩ do khiếp, quán chi thủy tinh cung, hoàn dĩ lưu ly điệp”, nghĩa là ông tiên trong ao vừa mới lấp ló lên, còn non nên e sợ bóng mặt trời chiếu đến, cho vào ở trong cung thủy tinh, có tường thành bằng lưuly bao bọc.
13. Tương Phi: vợ vua Thuấn
14. Trống rỗng bất tài: Sách Trang Tử viết: quả bầu năm thạch, bổ ra mà làm cái bầu thì trống rỗng không đựng được gì.
15.Mực thẳng ngay: sợi chỉ nhúng mực đen của thợ mộc dùng để bật vẽ đường thẳng trên thân cây gỗ khi cưa xẻ .
16.Hoa tử vi ao Phượng Hoàng: Đời Tấn, đời Đường, tòa Trung thư ở trong cung cấm, gần vua, bên tòa có ao, nên người ta thường gọi tòa Trung thư là ao Phượng Hoàng(ý nói ở địa vị cao quý). Lại vì trong tòa trồng hoa tử vi, cho nên đời Đường còn có tên gọi là tòa Tử Vi.
17.Thành Trai: tức Dương Vạn Lý, người đời Tống, có tập thơ Thành Trai, gồm 130 quyển do con là Trương Nhụ chép, lời thơ hùng tráng
18.Hàn Dũ: tức Hàn Xương Lê đời Đường. Thơ ông có câu:
Thái hoa phong đầu ngọc tỉnh liên,
Hoa khai thập trượng ngẫu như thuyền
Lãnh tỉ tuyết sương cam tỉ mật
Nhất phiến nhập khẩu trầm kha thuyên.
Nghĩa là:
Cây sen ở trong giếng ngọc trên nuí Thái Hoa
Hoa cao mười trượng ngỡ như thuyền
Mát lạnh như tuyết như sương,ngọt như mật
Ăn vào một miếng bệnh nặng cũng khỏi.

Bài 2
晚景
翠浮煙色
春蓝发
墙乌啼洛照
野鴈送歸雲
火前澜見
樵歌隔岸聞
旅人悲冷洛
借酒作为熏
 
Vãn cảnh
Không thúy phù yên sắc.
Xuân lam phát thủy văn.
Tường ô đề lạc chiếu.
Dã nhạn tống quy vân.
Ngư hỏa tiền lan kiến,
Tiều ca cách ngạn văn.
Lữ nhân bi lãnh lạc,
Tá tửu tác vi huân.
 
Dịch nghĩa
Cảnh chiều
Màu khói nổi lên giũa bầu trời biếc.
Gợn sóng lăn tăn trên dòng nước xanh mùa xuân.
Quạ bên tường kêu khi bóng xế.
Nhạn ngoài đồng đưa đám mây về.
Lửa thuyền câu lập lòe vụng trước,
Tiếng ca chú tiều văng vẳng bên kia bờ.
Nét mặt người lữ khách ủ ê khá thương.
Mượn chén rượu ngà ngà cho khuây.
 
Dịch thơ
Trời biếc in sắc khói.
Dòng xanh gợn lăn tăn.
Quạ tường kêu chiều xế.
Nhạn nội tiễn mây ngàn.
Lửa chài nhìn bãi trước,
Ca tiều nghe vũng bên.
Lữ khách buồn chẳng nói,
Mượn rượu giải ưu phiền.
            Đỗ Đình Tuân dịch.
23/7/2012
Đỗ Đình Tuân