Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

THANH DẠ VỚI HÌNH TƯỢNG BÁC HỒ


THƠ


Ngẩn ngơ ngơ ngẩn mấy vần thơ
Lặng lẽ thâu đêm chẳng kể giờ
Thao thức sớm trưa cùng chúng bạn
Lượn lờ khuya vắng chuyện mây mưa
Đầu xanh tuổi trẻ tràn mơ ước
Tóc bạc da mồi vẫn mộng mơ
Chung thủy mối tình son sắt ấy
Một lòng cho vẹn mấy vần thơ
                                     VN

CHƯƠNG 3: VÀO ĐỜI (Tiếp theo)

Những giọt nước mắt đầu tiên
             Rồi cái gì đến sẽ đến. Thi thoảng tôi đáo qua Hà Nội để xem phân công đến đâu. Cuối cùng thì người ta phân tôi về một cơ quan trung ương, tại Hà Nội. Về sau tôi mới biết anh Quy ngày đó là kỹ sư mới học ở Liên xô về, làm trưởng phòng đào tạo máy tính và kỹ thuật tính toán, cần người nên sang Bộ Đại học thấy hồ sơ của tôi là anh xin luôn. Anh còn bảo đảm với Vụ Tổ chức của cơ quan là anh chịu trách nhiệm, anh cam đoan rằng tôi không làm sao cả, học bạ của tôi rất tốt, còn chuyện lý lịch gia đình chẳng có liên quan gì. Vậy là tôi đã có việc làm.Tôi không có lựa chọn nào nữa, ngày đó tôi còn không biết cơ quan của tôi được sinh ra để làm gì, nhưng mặc kệ rồi sẽ biết. Anh Quy là thủ trưởng của tôi trong nhiều năm sau này.
            Những năm đầu về cơ quan, lẽ ra người ta nhằm định đưa tôi về dạy Toán và làm chủ nhiệm một lớp ở trường Trung cấp, cách Hà Nội 30 km. Tôi mất công soạn xong giáo trình thì được biết trường không nhận tôi vì tôi chỉ có thể dạy Toán mà không thể làm chủ nhiệm lớp được vì tôi không phải là Đảng viên, vậy nên phải thay người khác (Trời cao Đất dày ơi sao cứ lặp đi lặp lại cái chuyện ấy với một con bé ngây thơ vô tội như thế?). Chẳng sao cả, ngày ấy không có từ OK, chứ như bây giờ chắc phải OK mạnh. Tôi trao cho người ta giáo trình đã soạn và không bực tức, không vui mừng, không mảy may xúc động.
               Tôi thì như thế, còn MQ dĩ nhiên là yên ổn. Bạn ở lại trường dạy tại khoa Toán, mà khoa Toán thì tiếp tục sơ tán ở Đông Anh. Vậy là chúng tôi cách nhau chừng 20 km. Bạn có một xe đạp nam, bạn bảo tôi dùng để đi làm vì từ nhà đến cơ quan tôi phải xa  7, 8 km. Nhưng tôi nhất định không mượn. Tôi thà đi bộ chứ không chịu “lợi dụng” bạn như thế. Bạn mới là người yêu đã phải là chồng đâu! Thế là ngày ngày tôi đi tàu điện, giũa đường mất điện thì đi bộ.
                 Năm đầu tiên mới đi làm, tôi vẫn ăn cơm ở nhà và me tôi nấu cho. Sáng ra đi làm thì mang theo cặp lồng cơm, trưa về nghỉ nhờ ở một nhà họ ngoại phố Đặng Dung. Năm sau, chỗ làm chuyển xa hơn nên tôi không ăn ở nhà nữa. Buổi trưa buổi chiều đều ăn cơm nhà ăn tập thể gần chỗ làm việc, rồi tối thì vào luôn thư viện đọc sách, khuya mới về nhà. Chủ nhật thi thoảng tôi sang Đông Anh thăm MQ, còn nếu bạn về Hà Nội thăm tôi thì đón ở nhà ăn, không đến nhà tôi chơi nhiều được vì me tôi phản đối dữ lắm. Có lần, MQ đến thì me bảo tôi đi vắng trong khi tôi đang ở nhà. Mỗi lần MQ đón, MQ chở tôi ngồi trên thanh ngang của xe nam, chứ không chịu để tôi ngồi phía sau, để MQ có thể gần như ôm tôi được. Chúng tôi nghênh ngang đi như thế trên các đại lộ khu Ba đình, đôi lúc tôi ngượng lắm nhưng MQ bảo mặc kệ mọi người nhìn, họ có biết mình là ai đâu. Nếu tôi ngồi sau thì MQ lại bảo tôi nắm cái “của quí” ấy mới buồn cười chứ. Tôi vui nhưng rất xấu hổ, và mặc dù chưa biết gì mấy, vẫn lờ mờ thông cảm với bạn, và chỉ cầm một tị rồi bỏ ra ngay.
              Mãi sau, me tôi thấy không thể cản tôi yêu MQ, nên chấp nhận việc MQ rủ tôi đi chơi. Nhưng chúng tôi chỉ được đi một lúc buổi tối và phải về trước tám giờ!. Me tôi giữ gìn cho con gái và không thích MQ nên cứ khó khăn thế, mà chúng tôi buộc phải tuân theo. Trong năm đầu tiên còn ăn cơm ở nhà, có khi ngày nghỉ tôi mời bạn về nhà mình chơi từ sáng, rồi ở lại ăn cơm trưa luôn. Nhưng mỗi lần như vậy tôi khổ vô cùng, vì nhà chẳng có thức ăn gì. Thường me tôi hay nấu canh mướp tự trồng với ít lạc sống giã nhỏ, với một đĩa dưa tự muối, thế thôi. Me tôi nuôi mấy gà mái đẻ, nhưng có trứng thì đem bán chứ không ăn. Nếu tôi muốn rán thêm một đĩa vài quả trứng gà cho bữa  cơm được cải thiện một tị thì tôi phải trả tiền cho quả trứng ấy! mặc dù hàng tháng lĩnh lương 51 đồng tôi đưa me 32 đồng chi tiêu cho việc ăn uống rồi. Tôi gửi bố 10 đồng góp thêm nuôi em Vinh nữa là 42 đồng, tôi còn bao nhiêu đâu trong khi phải tốn tiền tàu xe mua sách vở và đồ lặt vặt nữa. Nói điều này thì ngượng lắm nhưng đó là sự thực. Khi còn nhỏ, tôi không hiểu, nhưng càng lớn lên càng thấy me tôi rất mê tiền và say sưa kiếm tiền, nhiều khi đến mức vô lí, mất cả tình cảm. Khi trông cháu cho chị tôi, hàng tháng chị phải đưa biếu me tiền riêng, mặc dù chị khó khăn lắm, anh rể tôi công tác xa nhà; nếu chậm đưa là me khó chịu ngay, thi thoảng còn dằn hắt nữa. Tôi không biết các chị nghĩ sao, chứ tôi từ bé lớn lên chỉ biết có me, tôi yêu quí me biết chừng nào, dù không được me vỗ về trìu mến. Tôi không thể hiểu được sao me tôi hay tính toán thế. Hay là me quen tính toán trong buôn bán nên cuộc sống thực bị ảnh hưởng. Tôi tự thắc mắc một mình, tôi bé thế mà bao lâu rồi, làm được đồng nào tôi đều đưa me cả, vậy mà bây giờ lớn lên, họa hoằn lắm tôi mới muốn có thêm vài quả trứng gà vì có “khách” là người yêu mình, sao tôi phải đưa tiền thêm? Ôi giá như tôi không có người yêu đến chơi nhà thì tôi chả phải lo nghĩ về bữa ăn mời bạn, tôi không dám kể cho bạn, chỉ tránh né thôi, chả phải tôi tiếc tiền đưa thêm cho me, mà là cứ mỗi lần vậy tôi không sao chịu nổi cái cảm giác đau đớn, tủi hờn, và trong tôi nảy sinh rất tự nhiên sự thèm khát tình cảm đến điên cuồng đồng thời căm ghét đồng tiền một cách dễ sợ.
            Rồi cái sự căng thẳng ấy dần được nguôi ngoai bởi càng lớn lên, tôi có một cách nhìn khác, nhận thức khác. Đó là, me tôi do không có con, nên luôn mặc cảm. hay bị người đời dèm pha rằng me không thể trông cậy vào con chồng được, vì vậy me tôi  phải chi li chắt bóp vun vén cho mình mà phòng thân sau này khi về già! Tôi thấy thương me quá chừng, và trăn trở hoài rồi giải thoát nỗi đau bằng cách trách thầm bố tôi lấy vợ lần thứ ba để me tôi càng mặc cảm và khổ sở nên mới thế. Nhưng rồi tôi vẫn thương bố, và rất thương me nữa, có điều trong tôi không lúc nào yên. Cứ mỗi lần ở cơ quan, nghe đồng nghiệp kể chuyện về mẹ mình ở quê dành dụm chắt bóp từng tí một cho con cái, cứ mỗi lần 8/3 họ nhắc về thăm mẹ là tôi lại chạy lảng ra ngoài khóc thầm một mình. Không hẳn tôi nhớ mẹ tôi vì bà ra đi quá sớm, mà tôi chỉ tủi thân thôi. Chính bởi vậy, cùng với những khó khăn mà tôi gặp phải khi mới bước vào đời, từ chuyện lí lịch, phân công công tác, chuyện đi làm những năm đầu tiên vất vả mà buồn tẻ, tuổi trẻ và sự ngây thơ trong sáng của tôi không còn bình thường nữa.
             Tôi mắc bệnh đau đầu dữ dội từ những ngày này, và chịu đựng căn bệnh đó liền trong hai mươi năm, không có cách gì chữa nổi. Bên ngoài, không ai ở cơ quan biết bởi tôi dấu, tôi luôn tỏ ra là người bình thường, tôi  luôn gồng mình lên để làm việc thậm chí còn quá sức. Tôi luôn tâm niệm rằng mình là nữ, nhưng không được thua kém các đồng nghiệp nam trong chuyên môn, không được để cho bất kì ai coi thường và thương hại. Lí lịch gia đình tôi có thể không tốt như các bạn, nhưng sự giác ngộ cách mạng và thái độ lao động cùng hiệu suất công việc thì chưa biết ai sẽ hơn ai.
            Tôi sống căng thẳng vậy đó, nhưng may tôi có MQ rất yêu thương, hiểu tôi, và trong cuộc sống vợ chồng  sau này, anh đã truyền sang cho tôi lối sống rất lạc quan, suy nghĩ giản đơn hơn. Anh khuyên tôi, đừng mệt mỏi vì chuyện lí lịch, hãy cứ sống và làm việc thật tốt. Trong gia đình, đừng giận me mà phải nhìn vào những gì căn bản và tốt đẹp nơi me, đó là me chăm chỉ và rất yêu lao động, cả đời me nuôi con, rồi nuôi cháu, me có được hưởng hạnh phúc từ cuộc sống vợ chồng đâu, và phải chịu nỗi bất hạnh lớn vô cùng, đó là không sinh nở lần nào. Tôi thầm biết ơn MQ đã chia xẻ, và xác định được mình phải tận tụy hơn với bất kì nhiệm vụ nào cơ quan-tức là cách mạng-giao cho. Trong tình cảm, cần độ lượng, yêu thương me nhiều hơn, và hi vọng qua cuộc sống thực tế me sẽ hiểu tôi và không có khoảng cách nào ngăn trở mẹ con tôi nữa. Tôi không định hình thật rõ ràng mơ ước của mình, nhưng cuộc sống sự nghiệp của tôi, thái độ, cách cư xử và tình cảm của tôi trong cả cuộc đời sau này, nói lên rằng, tôi mơ ước và thực hiện được mơ ước: Me tôi hoàn toàn không còn mặc cảm gì và đã yêu thương tôi tuyệt đối cho tới ngày me về cõi vĩnh hằng, thọ 94 tuổi.
Và sau nhiều năm, tổ chức Đảng nơi tôi làm việc đã tìm hiểu lại chi tiết và vẫn kết nạp tôi vào Đảng, không đúng như lời “tiên tri” của ông làm tổ chức nọ. Về những nỗi buồn đối với me, những trang sau này tôi sẽ tránh và ít nhắc đến, bởi tôi không muốn thêm đau lòng, và chỉ muốn nhớ về những điều tốt đẹp mà thôi.
                     Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
                                  Bùi Thị Kim Thư
                                     ( Còn nữa )

TIẾNG HÁT CHÈO

(Tặng:Hà Thị Thủy&Dương Văn Tranh)
Mê mẩn lòng ta tiếng hát chèo

Từ ngày còn bé tẻo tèo teo

Tình thư hạ vị *bâng khuâng nhớ

Chúc cẩm hồi văn* rộn rã theo

Làn thảm,Đường trường* lời thống thiết

Tò vò,Sa lệch* nhạc vang reo

Đêm xuân tiếng trống vang giòn giã

Mê mẩn lòng ta tiếng hát chèo
                    Nhân Hưng ngày 30-7-2013
                                  Tạ Anh Ngôi
(*):Những làn điệu hát chèo

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

TIẾNG MƯA

Mấy hôm anh đi vắng
Ngày nào trời cũng mưa
Giọt Ngâu sớm nức nở
Cảnh tình càng bơ vơ

Ngôi nhà dường trống trải
Khắp mọi nơi gió lùa
Đêm lạnh không tròn giấc
Trằn trọc nghe tiếng mưa

Tiếng mưa này sùi sụt
Thương chàng Ngưu cách bờ
Tiếng mưa kia thút thít
Xót ả Chức thẩn thơ

Một tiếng mưa mơ hồ
Rơi vào trong xa thẳm
Cho lòng ai ảm đạm
Gối ướt mèm trong mơ
          Song Thu

MỪNG CHÁU NGOẠI ĐỖ VÀO THPT CÔNG LẬP NAM SÁCH



TRƯA PHƯỢNG HOÀNG

















                                   Sườn non nở tím hoa sim

Con chim chèo bẻo hót tìm bạn thân

                                Suối reo vọng tiếng trong ngần
 Rung rinh ngọn nắng gió vờn bướm bay     

Hoa thơm cỏ lạ ong say

                     Ngạt ngào hương tỏa rừng cây thông già.


  

                                                                     VN

      
                                                                                                    

CHƯƠNG 3.VÀO ĐỜI



                
Thế là chúng tôi kết thúc bốn năm trong trường đại học. MQ ở lại trường, làm giảng viên khoa Toán. Tôi được phân về một cơ quan nghiên cứu khoa học cùng sáu bạn nữa. Chỉ mình tôi là nữ mà không hiểu sao người ta lại cử tôi là đại diện nhóm lên khu sơ tán làm một số thủ tục giấy tờ. Tôi đã đi Thái Nguyên hoàn tất nhiệm vụ này, tới khi trở về nộp hồ sơ thì một ông tổ chức ra nhận rồi bảo: “Được rồi, nhưng chị không về cơ quan này nữa, chỉ có sáu người kia thôi”.Tôi ngỡ ngàng hỏi, ông ta thản nhiên trả lời: “Lý lịch của chị chị biết đấy. Chị chỉ có thể làm việc trong hiện tại, còn về tương lai chúng tôi cần cán bộ nghiên cứu vừa hồng vừa chuyên, mà chị thì không thể phát triển và không đáp ứng được yêu cầu, cụ thể là chị sẽ không được vào Đảng, không được đi làm nghiên cứu sinh, chị hiểu chứ? nên chị cứ về gặp lại phòng tổ chức của nhà trường người ta sẽ giải thích kỹ và phân công chị đi nơi khác phù hợp hơn”.Tôi nghe mà không tin ở tai mình, tôi thấy lý sự này làm sao ấy, nhưng tôi chưa đủ bình tĩnh để hỏi lại, chưa đủ trí khôn để “cãi” lại. Tôi mới hơn 19 tuổi thôi mà và thực tình thì tôi còn ngây thơ lắm lắm. Lí lịch tôi có vấn đề gì mà gay cấn thế nhỉ? Tôi về phải hỏi lại bố và me cho rõ mới được. Thảo nào khi mới vào trường, tôi không được đi tập quân sự để trở thành sĩ quan dự bị! Sao người ta khẳng định được tương lai của tôi? Tôi là một đoàn viên, trong đội ngũ cánh tay phải của Đảng, được đào tạo trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa, tôi đang sống hừng hực với khí thế “đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên” đấy thôi. Tôi đã từng say mê ngưỡng mộ tấm gương một cô gái Hà Nội lên miền núi trồng bông tại nông trường lao động với năng suất thật cao, và tôi có thể viết những bài văn trôi chảy đầy sức lôi cuốn khi tả về “cuộc sống mới con người mới”. Không chỉ có viết, suýt nữa khi học năm cuối phổ thông, tôi đã định viết đơn xung phong lên miền núi lao động tại nông trường giống như cô gái ấy, nhưng rồi sợ lên không về thăm gia đình được vì say ô tô (!) nên thôi. Tôi đã lo xa hơi trẻ con nhưng tấm lòng ước nguyện cống hiến thì rất thực. Còn bây giờ, tôi đã là cử nhân Toán, tôi thiết tha ghi cả ba nguyện vọng khi ra trường là dạy Toán trong quân đội, nhưng không được thì thôi, thì tôi làm công tác nghiên cứu bên cơ quan dân sự có sao đâu, vì cớ gì họ nhận rồi lại chối từ?  Tôi về nhà, không ăn không ngủ gì được chỉ khóc một cách bất lực. Nhưng mà thôi, nghĩ lại, nếu lí lịch gia đình có vấn đề gì thì mình không được như các bạn là phải, mình cần tự xác định và chấp nhận đi, mình cần một việc làm bất cứ là việc gì, làm để góp sức vào sự nghiệp cách mạng bởi mình yêu nước và yêu Chủ nghĩa xã hội, có thế thôi. Mình gặp khó khăn thì càng phải phấn đấu nhiều hơn. Mình đã vào Đoàn, rồi sau này có vào Đảng thì chỉ cần  khai lí lịch rõ ràng, chứ có ai yêu cầu lí lịch phải tốt đâu, mình sẽ hỏi các đấng sinh thành cho rõ ngọn nguồn là xong, tôi luôn tự nhủ thầm như vậy. Còn đi nghiên cứu sinh ư, xa vời quá, cứ làm việc bình thường của một anh tốt nghiệp đại học đi đã nào, tôi tự trấn tĩnh. Sau đó tôi gặp phòng tổ chức của trường, tôi chẳng còn lòng dạ nào  nghe xem họ nói gì, mà chỉ nhớ nhất lời dặn thi thoảng phải quay lại để xem đã được phân đi nơi nào chưa.
            Thế rồi tới cả tám tháng trời đằng đẵng, phân đi hết nơi này nơi khác, không đâu nhận tôi. Tôi không thể ngồi không ở Hà Nội để chờ đợi. Me tôi cực kì sốt ruột sao mãi tôi không đi làm. Tôi luôn có cảm giác tôi đang ăn bám gia đình thật tệ hại. MQ không giúp gì cho tôi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này. Tôi đành theo anh Nghiệp lên làm tạm tại Trạm Bò giống Ba Vì, và tôi không cho MQ biết, không thư từ gì hết. Nói là Trạm Bò nhưng tôi không phải lao động gì cực nhọc, mà có cực tôi cũng chẳng sợ. Tôi chỉ tính toán theo thuật toán có sẵn để lập các hàm số tương quan từ đám số liệu rời rạc thu được qua điều tra về đàn bò. Ở đây, tôi đã cùng ăn cơm độn ngô vàng ươm, cùng ở nhà tranh đơn sơ, nhưng không cùng làm với các công nhân của trạm. Họ sống vất vả, nghèo nàn nhưng tốt bụng và chân thành, giản dị. Họ thích nghe tôi hát và tôi dạy họ hát, nhất là bài “Những cô gái mở đường”, đến tận bây giờ còn đôi người vẫn nhớ nhắc về tôi, về cái ngày xưa ấy. Tôi sống và làm việc như một cỗ máy, không lo lắng băn khoăn, không suy nghĩ gì nữa, thậm chí chẳng buồn vì phải xa Hà Nội, xa người yêu. Chỉ còn lại niềm xúc động nho nhỏ mỗi ngày đấy là lúc hát cùng họ, những người anh người chị người bạn người em xa lạ mà bỗng chốc trở nên gần gũi. Có những lúc tôi nhớ MQ nhưng tôi gạt đi ngay, MQ không là tôi, MQ không ở hoàn cảnh tôi, mọi thứ đối với MQ thật đơn giản nhẹ nhàng. Tôi ghen tị, tôi mặc cảm và tự ái không cần sự chia xẻ của bạn. Thật tội nghiệp cho bạn, tôi cứ buồn bã lánh mình đi cho yên thế thôi, khiến MQ lo lắng mà chẳng biết liên hệ với tôi bằng cách nào, có lọ mọ tìm đến nhà tôi thì me tôi không buồn tiếp đâu, và me cũng không biêt cụ thể địa chỉ của tôi.

                   Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
                                        Bùi Thị Kim Thư
                                              ( Còn nữa )

ĐŨA TRE TÂM SỰ


Chung thủy suốt đời đũa chúng tôi
Tre già chải chuốt sống thành đôi
Gắp xêu quấy đảo trong lòng chảo
Xào nấu xông pha tận đáy nồi
Chẳng ngại nóng đầu khi lửa cháy
Không kinh rát ruột lúc dầu sôi
Sang hèn ai cũng yêu tôi cả
Vua chúa nâng niu đến cuối đời
                      Nhân Hưng,ngày 8-3-2004
                                    Tạ Anh ngôi

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

NHỚ NGƯỜI NỮ CHIẾN SĨ

( Người bạn thân tình đã mất tích)

Qua bao năm tháng những mong chờ
Được gặp lại nhau thỏa ước mơ
Hoa hậu truyền hình theo tất cả
Quý bà in ảnh ngắm hàng giờ
Quý bà hoa hậu tươi nhung lụa
Người chiến sĩ hùng đẹp súng cờ
Dầu mãi không còn ngày gặp lại
Nhìn nàng qua ảnh nảy đề thơ
              Bùi Trác Trường

Cuộc đời lủng củng

Mấy hôm nay không thấy Kim Thư lên bài trên blog cá nhân, không hiểu do bận việc hay có sự cố gì. Vì vậy, hồi kí NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI đành phải cách quãng. Mong bạn đọc thông cảm

Tôi vẫn còn nhớ như in, những ngày chúng tôi-sinh viên- đi sơ tán tại Thái Nguyên, lớp học được dựng ngay dưới chân đồi. Chúng tôi đào luôn hầm trú ẩn trông như một cái giao thông hào chạy vòng quanh lớp. Một cái bục và ghế ngồi giản đơn cho thày, những dãy bàn và ghế dài cho trò, trông cũng thẳng hàng thẳng lối tươm ra phết.
Trong lớp,có NL, đàn hay hát giỏi. Vì thế chẳng mấy chốc, với tài năng và nhiệt tình của bạn, với “thiên phú” cho tụi nhất quỉ nhì ma này, lớp chúng tôi nổi tiếng vì những màn hợp xướng và tốp ca nam, tốp ca nữ…mỗi khi có liên hoan văn nghệ ở khoa hoặc ở trường. Với hợp xướng bao giờ NL cũng dàn dựng cho chúng tôi …ít nhất ba bè.
Vì hát hay, lại cũng thích hát, chúng tôi không chỉ hát khi có liên hoan, mà bình thường, trong giờ giải lao mỗi tiết học, hoặc trước giờ sáng vào học, bao giờ chúng tôi cũng “cử” mấy bài. Thày H…, mới từ nước ngoài về, dạy chúng tôi môn H… thày có nước da trắng lắm, môi đỏ hơn bọn con gái chúng tôi nhiều. Chưa biết thày có … giỏi không, nhưng có điều rõ ràng là thi thoảng thày hay bí từ để giải thích, mỗi lần bí như thế thày chả biết làm thế nào, cứ quay quay bàn tay. Chúng tôi thì thào truyền nhau, từ nay gọi thày là “thày H…quay tay” nhé (chả là có hai thày cùng tên H…). Chúng tôi nảy ra ý trêu thày. Cứ mối lần đến tiết thày, từ đàng xa nhìn thày đang đi đến, chúng tôi lại hò hét “NL, ơi, 123 đi nào…” NL bảo “Trường ca Sông Lô nhé…”. Thế là
”Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…” Thôi thì, lĩnh xướng, bè nọ bè kia bổng bổng trầm trầm, mà ác cái bài này dài quá, trường ca mà lại…”Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng, đây Von Ga, đây Dương Tử, đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao………….Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng…”…”Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới…” sôi động…Thày tới nơi rồi…”Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi, mùa Xuân tới …” Thày chả nỡ vào, chắc thày nghĩ bụng, đợi một chút có sao, chúng nó đang hát hay mà…Nhưng rồi, trò quái quỉ lắm, cứ điệp khúc chúng nó tiến, nhất định không có ý định dừng để thày vào, mà thày lại dát hơn cả con gái hi hi nên cứ đỏ mặt mà đứng đợi thôi. Phải lâu lắm, lớp trưởng (một bác cán bộ đi học lớn tuổi) mới lừ lừ gắt nhẹ để cả lớp ngừng hát. Và tiết học bắt đầu, với những điều …khó hiểu, trừu tượng mà bàn tay của thày cũng phải bất lực đầu hàng.…
Sau này, khi gặp lại nhau, chúng tôi cũng thường ư ử hát lại Trường ca sông Lô, và trước mắt tôi lúc nào cũng nguyên vẹn cảnh tượng hát trêu thày ngày xưa…
Rồi chúng tôi ra trường, thày vẫn dạy những lớp khác. MQ-chồng tôi- ở lại trường, và anh đổi lại cách xưng hô gọi anh xưng em với một loạt thày giáo khi sinh hoạt vui vẻ thân thiết (các thày bảo thế?), rồi mỗi khi có dịp gặp gỡ, tự nhiên tôi bị “lây” theo chồng cũng gọi “anh” mà không gọi “thày” nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không có dịp gặp nhau nhiều, vì MQ đi bộ đội, rồi sau này chuyển dạy ở trường quân đội xa nhà.
Gần hai mươi năm sau…Có một lần, không hiểu có việc gì hay tình cờ mà MQ đến chơi thăm thày, lúc này thày đã là tiến sĩ rồi, thày đi đi lại lại nước ngoài nhiều. MQ kể lại với tôi, thày hỏi thăm tình hình bọn trẻ nhà tôi rồi thày buồn buồn và bảo: “Minh sai lầm qúa, cứ mải mê nghiên cứu đâu đâu, có con mình thì mình chả quan tâm, bây giờ nhìn lại thấy con cái bạn bè đều khá cả, thằng bé nhà mình học tệ quá, chả ra sao…mình phải học tập các cậu thôi…” MQ ngậm ngùi:”Vâng đời mình là…vứt đi đến nơi rồi mà anh, hy vọng ở lớp con cháu chúng ta…Anh chịu khó vậy”.
Lại chục năm sau…tôi gặp thày tại cơ quan mình, thày và một vài người nữa đến làm việc trong một dự án Công nghệ thông tin. Bấy giờ, tôi không gọi thày là anh nữa, mà gọi thày như xưa. Thày vẫn còn nhớ tôi, học sinh của thày và là vợ MQ ngày nào…Thày vẫn hiền lành, vẫn trắng trẻo và lịch thiệp, tuy có già đi. Trước mắt tôi, thày vẫn chỉ là một tiến sĩ say sưa nghiên cứu khoa học mà thôi,vợ thì đẹp còn con không biết có khôn(?), thày không có vẻ gì là sành sỏi ghê gớm …làm ăn xoay sở cả.
Vậy mà mấy ngày vừa qua đọc tin trên mạng, tôi mới được biết thày bị truy tố.Nghĩ cũng tội nghiệp quá, ai nghĩ sao thì nghĩ, tôi vẫn tin thày hiền lành…Tôi ước còn MQ để chúng tôi đến thăm và động viên thày.Tôi cứ thấy buồn buồn khó tả…
Nhưng rồi tôi cũng mừng hơn một chút vì thày chỉ bị án treo thôi. Còn may lắm rồi. Những tháng năm sơ tán trêu thày giá như cứ còn mãi mãi nhỉ, thày có lúc nào bực mình với lũ học trò nghịch ngợm chắc vẫn vui hơn mấy ngày này... Cuộc đời lủng củng quá…Mong thày vượt qua nỗi đau hiện tại, có chót sai gì cũng đã sai rồi phải không ạ? Quá khứ là quá khứ, không thể thay đổi được…Mong vợ và con thày động viên thày nhiều hơn.
Xuân sắp về rồi,thay mặt cả MQ, em kính chúc thày cùng gia đình mạnh khỏe và chấp nhận để sống tiếp, hy vọng cuộc đời sẽ bớt lủng củng hơn…   

12/2010
Hồ Minh Quang

GẶP MẶT ĐỒNG ĐỘI CŨ



   Nhân dịp kỷ niệm NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ(27-7-2013),ngày 26-7-2013,tác giả Tạ Anh Ngôi đã đưa  bà Nguyễn Thị Sâm(vợ tác giả),nguyên cán bộ CƠ YẾU,ban cơ yếu khu ủy khu Trị -Thiên-Huế(Thời kỳ chống Mỹ:1967-1975),vượt trên 100KM dưới trời mưa to,gió lớn,về thành phố Nam Định để họp mặt đồng đội cũ sau 40 năm xa cách.Dưới đây là một số hình ảnh của CUỘC GẶP MẶT CHAN CHỨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI VÀ ĐẦY TRÀN CẢM ĐỘNG đó.Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.
                                           Gặp mặt đồng đội cũ nhân ngày TBLS 27-7-2013
                                         tại tư gia,gia đình ông Phan Văn Tư và bà Nguyễn Thị Nhấm
                               (Nguyên CB Cơ Yếu Khu Ủy khu Thi-Thiên- Huế)ở thành phố Nam Định                    


                                     Ngọt ngào và chứa chan tình đồng độ sau nhiều năm gặp lại                                
                                  Từ trái sang phải:Nguyễn Thị Sâm,Hà Thị Thủy,Dương Văn Tranh
                                  (Cán bộ Địch vận khu 5),Nguyễn Văn Mừng,Nguyễn Thị Nhấm,
                                        Phan Văn Tư(Nguyên phó chỉ huy tỉnh đội Hà Nam Ninh)                                   
                                               Tổ Cơ Yếu khu ủy khu Trị-Thiên-Huế giai đoạn
                                            chống Mỹ(1967-1975)Nguyễn Thị sâm,Hà Thị Thủy
                                              Nguyễn Thị Nhấm(Hàng đứng,từ trái sang phải) và
                                                                Nguyễn Văn Mừng(Ngồi)                          
                                                    Thêm thế hệ thứ 3 tham gia cùng các bà                        
                                                                           
                                       Nâng cốc mừng ngày gặp mặt và tưởng nhớ đến những
                                         đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa


                                                                              Nam Định,ngày 27-7-2013
                                                                                Bài và Ảnh:Tạ Anh Ngôi

Trung tâm PHSK người có công Sầm Sơn

Chiến tranh đã lùi xa, có nhiều nỗi nhớ, nhiều kỷ niệm rồi đây sẽ bị lãng quyên.
 những ngày tại TRUNG TÂM PHSK NGƯỜI CÓ CÔNG SẦM SƠN này, chúng tôi được đón tiếp, được chăm sóc đã hiểu ra rằng: chúng tôi đang được tri ân với đúng nghĩa nhân văn và đầy ắp tình người.
địa chỉ TRUNG TÂM PHSK NGƯỜI CÓ CÔNG SẦM SƠN là điểm  đến lý tưởng các tỉnh khu vực  phía Bắc



                            giao lưu văn hóa văn nghệ với Trung tâm Sầm Sơn

Sự tích hòn Trống Mái Sầm Sơn




Sự tích hòn Trống Mái Sầm Sơn



Tương truyền ngày xưa vùng biển Sầm Sơn có một làng sống ở trên núi cao nhưng lại làm nghề chài lưới. Trong làng có một chàng trai nước da rám nắng,vẻ khôi ngô tuấn tú toát ra từ thân thể cường tráng, từ ánh mắt cương nghị trẻ trung của chàng. Mỗi buổi sáng, chàng ra khơi đánh cá để chiều về cho mẹ đổi lấy bát gạo, củ khoai, củ sắn sống đắp đổi qua ngày.
Một hôm trên bãi biển Sầm Sơn xuất hiện một đoàn du khách từ kinh thành Thăng Long đến nghỉ mát  tắm biển. có một cô gái đã để ý đến chàng trai, và cảnh đón những đoàn thuyền đánh cá trở về không hẳn chỉ là những cuộc mua bán, trao đổi hang hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, là những cái liếc mắt đưa tình, là những cuộc hẹn hò đêm trên bãi biển, cát như mịn màng hơn, sóng như vỗ nhẹ hơn với muôn vàn lời thủ thỉ, còn gió cứ mơn man… Mơn man.
Khi dạo đã mỏi chân, đôi trai gái dìu nhau lên phiến đá ngồi nghỉ, màn đêm như lay rừng cây tỉnh dậy để chứng kiến lời " thệ hải minh sơn". Họ hẹn ước với nhau sẽ nên vợ nên chồng.
Hết đợt đi nghỉ. Mặc dù bịn dịn, lưu luyến nơi đây, cô gái vẫn phải theo lệnh trở về chốn kinh thành phồn hoa tráng lệ, bỏ lại người yêu ở vùng biển xứ Thanh với bao niềm thương nỗi nhớ.
Buồn bã và đau khổ khi mất người yêu, chàng trai lang thang trên bãi biển, buồn phiền ngồi lên phiến đá hai người đã từng ngồi để chờ đợi, chàng đã chờ mãi, chờ hoài đến khi kiệt sức hóa thành hòn đá Trống.
Cô gái chốn kinh thành đã bị gia đình ngăn cấm, một tiểu thư lá ngọc cành vàng không thể trở về một vùng biển nghèo để yêu thương.
Tình yêu là một thứ mà muôn đời không thể định nghĩa, càng bị ngăn cản, tình yêu càng bùng cháy lên dữ dội, tình yêu của cô gái kinh thành kia cũng vậy, cô đã bỏ lại tất cả tình thương yêu của gia đình, bỏ lại sự giầu sang phú quý để băng băng theo  vườn khuya lối cũ về Sầm Sơn  tìm lại chàng trai mà mình yêu thương rất nặng lòng. Về đến Sầm Sơn cô mới biết: người yêu của mình do đợi chờ đến kiệt sức đã hóa thánh hòn đá Trống, cô gục khóc bên chàng bởi  yêu thương, day dứt vì sự chậm chễ của mình, dòng nước mắt ân  hận đã chảy thành trường lệ, chảy hoài , chảy mãi đến kiệt sức, cô đã hóa thành hòn đá mái để hai người mãi mãi bên nhau.

Ngày tháng cứ trôi qua, biết bao nỗi nhớ, biết bao kỷ niệm đã bị lớp bụi thời gian phôi pha phủ kín, nhưng hòn TRỐNG MÁI Sầm Sơn vẫn được lưu truyền.
 Hàng năm, cứ mùa hè đến, rất nhiều du khách, rất nhiều trai thanh nữ tú khắp nơi về Sầm Sơn nghỉ mát đều đến nơi đây để nghe truyền thuyết, chụp ảnh lưu niệm với hòn Trống Mái với mong muốn tình yêu của họ cũng mãi trường tồn, bất diệt với thời gian.

(ghi theo lời thuyết minh của cán bộ trung tâmPHSK NGƯỜI CÓ CÔNG SẦM SƠN)


                                                Sấm Sơn 7/2013



Hương biển


Và hương biển U60


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Bùi Trác Trường trong cuộc tọa đàm thơ Ngọc Thúy thành phố Thái Bình


HÒA BÌNH CHO HẠNH PHÚC
 


Xin khép lại một thời thù với hận
Lỡ lầm xưa,ta sẽ nhận ra mà
Còn xung đột , còn khổ đau vô tận
Hãy HÒA BÌNH cho HẠNH PHÚC nở hoa !
 
Làng Hóp 28-7-2013 T.D

NHỚ THƯƠNG



Mưa thu rơi giữa đồng làng
Cánh hoa sen úa vội vàng đón ngâu
Chuồn chuồn cánh mỏng về đâu
Hay mang tin bão nhuộm sầu thế gian
Giọt tình đọng giữa sông tương
Để cho chức nữ ngưu lang vợi lòng
Dẫu rằng chin nhớ mười mong
Một năm một bận dòng sông lệ nhòa
Ai gây chi cảnh lìa xa
Kẻ đầu kẻ cuối để mà nhớ thương

                                                                             VN

Mông lung


Sóng đời vẫn nổi trôi
Là lẽ thường cuộc sống
Nhưng trái tim rung động
Biết giữ gìn yêu thương
Sẽ nâng nhẹ bước chân
Đường đời đi không mỏi
Mỗi khi thầm tự hỏi
Hồn ta có mong manh?
Yếu ớt muốn thủy chung
Thanh cao mà dễ rách
Trước bao cơn gió lốc
Biết tránh vào nơi đâu?
Có bao nhiêu sắc màu
Trong dòng đời hối hả
Đẩy xô ta lắm ngả
Tìm đâu được bình yên?
Vẫn là những dịu êm
Từ lời ru của mẹ
Vẫn là những chung thủy
Của thầm thì năm xưa
Nào hát đi bài ca
Trải dài theo năm tháng
Ồn ào hay yên ắng
Ta vẫn được là ta...
 



 Hồ Minh Quang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

LỜI TUYÊN THỆ TRƯỚC VONG LINH LIỆT SỸ


 
Giặc ngoại xâm,người đã đuổi xong rồi
người quá mệt,hãy về đây yên nghỉ
Lũ chúng tôi và cháu con,hậu duệ
sẽ thay người đuổi nốt giặc nội xâm !

Làng Hóp tối 26-7-2013 THANH DẠ & mọi người dự lễ TRI ÂN LIỆT SỸ

Xin góp với trời

 
 (Viết nhân đọc hai bài thơ về mưa thu sớm của ĐĐT &TAN)

Cúc vàng chưa kịp nụ
Sen hồng chưa kịp phai
Ngâu đã rơi lã chã
Sẻ nỗi buồn cho ai

Chỉ muốn sớm gặp nhau
Mà dám quên tất cả
Xáo trộn cả sơn khê
Trút buồn lên hoa lá

Chuyện “Ngưu Lang” “Chức Nữ”
Đáng giận hay đáng thương
Trời không phân rành rẽ
Sẽ còn nhiều tai ương

                         Nguyễn Xuân Hiểu

TÌNH BẠN


(Kính tặng liệt sỹ Nguyễn Xuân Liên bạn đồng môn khóa 1 THPT Chí Linh)
Tôi với Liên thăm chốt mặt trăng
Núi cao vằng vặc ánh trăng rằm
Mùa đông cơn gió từ đâu lại
Hơi lạnh se người áo tím trăng

Thiếu nữ dân quân gác máy bay
Giữa đồi núi vắng gió và mây
Bạch đàn vi vút vươn che pháo
Khẩu đội cười vui rung núi cây

Anh đến bài thơ cài ngực áo
Giấc mơ cao đẹp mộng từng ngày
Tự do độc lập cho sông núi
Cơm áo cho người chiến đấu đây

Cuộc chiến ngày càng thêm khốc liệt
Lệnh trên tổng lực cho tiền phương
Bút nghiên xếp lại vào quân ngũ
Đồng đội cùng anh đến chiến trường

Một trân công đồn anh bất tử
Bài thơ trên ngực áo anh hùng
Còn mang hơi ấm từ quê mẹ
Thoang thoảng mùi thơm núi mặt trăng

Đài báo phương nam trời nắng đẹp
Quê mình đang tầm tã mưa ngâu
Mưa mang nỗi nhớ sầu ly biệt
Lặng lẽ đoàn người viếng nghĩa trang
                                              VN