Đã 39 năm trôi qua song hình ảnh cái ban thờ và năm ngôi mộ gió bên cạnh
chiếc xe tăng cháy đen trước cổng Trường Võ bị Thủ Đức vẫn ám ảnh tôi mỗi
khi tháng Tư về.
Trung tuần tháng 5 năm 1975 tôi
được đại đội giao cho lái 1 chiếc M48 chiến lợi phẩm lên Bộ tư lệnh quân đoàn 2
lúc đó đang đóng tại cơ sở của Trường võ bị Thủ Đức để triển lãm.
Mặc dù không có cán bộ chỉ huy đi cùng song vị trí của Trường võ bị Thủ
Đức thì tôi vẫn nhớ như in. Nó nằm ngay bên trái đường, cách xa lộ chừng vài chục
mét. Sáng 30.4 chúng tôi qua đây còn bị địch bắn vào đội hình nhưng được lệnh bỏ
qua, cứ nhằm thẳng Sài Gòn mà tiến. Tuy nhiên, ngồi trong buồng lái tôi vẫn liếc
thấy dọc theo hàng rào là hai khẩu hiệu chữ rất to. Ở đầu phía bắc là mấy chữ:
“LÁ NGỌC CÀNH VÀNG”, tôi nghĩ bụng chắc trường này chỉ tuyển con em “cán bộ”-
con quan chức chính quyền SG hoặc quân lực VNCH vào học mà thôi; còn ở đầu phía
nam là mấy chữ “CƯ AN TƯ NGUY”, tôi đoán đó là khẩu hiệu khuyếch trương vị thế
của trường đại khái là “ở thì yên lành, có nguy thì đến cứu giúp”. Đi hết chiều
dài hàng rào là đến ngã ba Tăng Nhơn Phú. Tôi đoán cổng chính của nó quanh
quanh chỗ cái ngã ba này.
Quả nhiên, đến ngã ba Tăng Nhơn Phú tôi rẽ trái vào một đoạn thì thấy
cái cổng trường to lừng lững ngay bên tay trái trông rất oai phong. Tuy nhiên,
cái thu hút sự chú ý của tôi nhiều hơn lại là xác một chiếc K63-85 cháy đen
thui nằm trước cổng. Chiếc xe nằm gần như đối diện với cổng chính của trường,
cách cổng chừng vài chục mét, đầu xe hướng chênh chếch về phía xa lộ, một bên
xích đứt rời cuộn lại thành một đống phía sau. Ở sườn xe bên phải, ngay đoạn buồng
chiến đấu là một lỗ thủng to tướng đút lọt chiếc mũ cối. Các mảnh thép xung
quanh lỗ thủng nham nhở, cong queo… Tôi tự nhủ: “Có lẽ là một quả đạn nổ cỡ lớn
chứ không phải đạn chống tăng. Vết đạn chống tăng nó gọn chứ không như thế này.
Đây là xe bơi nước, thành xe của nó mỏng chỉ độ hơn 10 ly thép nên đạn nổ cỡ lớn
là đủ phá được rồi”. Tôi quay lại phía cổng trường thì phát hiện ở phía bên
trái (từ ngoài nhìn vào) có một khẩu “Vua chiến trường” 175 mm. Nó nằm ở chỗ
hơi thấp và nòng cũng hạ thấp, gần như nằm ngang. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Không
lẽ chính khẩu pháo kia đã bắn hạ chiếc xe này”.
Tôi đi vòng sang phía bên kia chiếc xe, mắt vẫn không rời ngôi sao quân
hiệu và ba chữ số vẫn còn hiện lên trắng mờ trong cái nền đen kịt. Đó là số
707. Chợt tôi sững lại: ngay cạnh chiếc xe, chỗ ngang với buồng chiến đấu là một
cái ban thờ.
Vâng! Đó đúng là một cái ban thờ- kiểu ban thờ thiên mà chúng tôi vẫn gặp
từ vùng Quảng Trị trở vào. Một cái chân bằng gỗ tròn to cỡ bắp đùi chôn sâu xuống
đất. Trên đỉnh của nó là một mảnh gỗ vuông vắn được be lên 3 phía. Có lẽ người
làm ra nó khá vội vàng vì không thấy sơn màu gì cả mà vẫn để gỗ mộc. Trên đó là
một cái bát hương làm bằng lon sữa bò lơ thơ vài cái chân hương. Dưới chân ban
thờ là mấy mô đất vun cao trông như mấy nấm mộ cũng lác đác vài cái chân hương.
Nhìn tất cả còn khá mới nên tôi nghĩ: “Có lẽ cái này được lập ra là để thờ các
chiến sĩ trong xe này đây. Mấy nấm đất kia chắc tượng trưng cho mấy ngôi mộ thì
phải”. Nhưng rồi tôi lập tức băn khoăn tự hỏi: “Vậy ai là người lập ban thờ và
thắp hương cho các đồng đội tôi?”. Rồi cũng lại tôi tự trả lời: “Chắc là dân sở
tại ở đây thôi chứ bộ đội ta sẽ không làm thế này”.
Hỏi thăm dân chúng gần đó tôi được biết ông già tên Viên là người đã lập
cái ban thờ và thường xuyên hương khói ở đấy. Tôi tìm đến nhà ông và câu chuyện
của ông già Viên ngày đó đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời:
- Từ mấy ngày trước đó thấy các ông sĩ quan, binh sĩ trong Trường Võ bị
ra chơi nói chuyện chúng tôi cũng biết tình hình Việt Nam cộng hòa nguy đến nơi
rồi. Quân trường mấy bữa rày đã điều hết
quân lính ra Long Thành chống cự với các chú rồi nên cũng chẳng còn mấy quân
lính nữa. Nhưng không ngờ các chú đánh nhanh quá. Sáng sớm hôm 30 tháng Tư,
nghe ngoài xa lộ xe chạy rần rần. Tôi chạy ra ngó thấy nhiều xe tăng lắm. Rồi
nghe tiếng súng từ trong quân trường bắn ra, súng ngoài xa lộ bắn vào dữ dội.
Biết là các chú đánh tới nơi tôi hối bà xã cùng mấy bà bên cạnh kéo sắp nhỏ chạy
tuốt vô trong rẫy nằm để tránh tên rơi đạn lạc. Còn mình tôi ở lại trông nhà với
lại theo dõi tình hình xem sao. Một chặp sau thì thấy các ổng- ông hất cằm về
phía chiếc xe cháy- xuất hiện. Các ổng vừa chạy vừa bắn vào phía cổng quân trường
một hồi rồi lao tới húc tung cổng xông thẳng vào trỏng. Tôi đứng đây ngó vào thấy
các ổng vừa chạy dọc con đường chính của quân trường vừa bắn sang hai bên. Bắn
dữ lắm! Đạn nối thành dây đỏ lừ. Một chặp sau nữa thì các ổng chạy trở ra, lúc
này không bắn nữa. Tôi đoán chắc các ổng đã diệt hết quân lính ở trỏng và bây
giờ muốn trở ra xa lộ. Lúc các ổng đang quay ra hướng xa lộ thì một bên sên
(xích) xe buột ra. Các ổng vẫn chạy thêm một đoạn nữa rồi mới chịu dừng lại
đúng ở chỗ bây giờ đó. Có lẽ các ổng định dừng lại để sửa chữa cái dải sên đó
thì phải vì tôi thấy cái nắp trên nóc đã mở ra. Đúng lúc đó thì một tiếng nổ dữ
dội vang lên. Tôi chỉ thấy nhoáng một cái và ù hết cả hai tai. Vài giây sau thì
các ổng bốc lửa đùng đùng. Lửa cháy mỗi lúc một to. Khói đen mù mịt. Thỉnh thoảng
lại bùng lên một cái. Tôi sợ lắm nhưng vẫn tiến lại gần. Biết đâu có ông nào bị
thương mà nhảy ra thì mình còn có thể cứu giúp được. Lính bên nào thì cũng là
người mình cả thôi, phải không chú? Tôi nép sát vào hiên nhà rồi chăm chú nhìn
vào chiếc xe xem liệu có ai chui ra không. Nhưng không có ai cả, chỉ thấy khói
lửa mịt mù. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng người cười nói rổn rảng ở phía đằng cổng
quân trường. Tôi quay ra nhìn thì thấy ông trung tá Lâm, sếp phó Trường Võ bị
cùng mấy ông lính nữa đang chạy từ phía khẩu pháo to ở đằng kia lại. Họ vừa chạy
vừa cười nói có vẻ phớn phở lắm. Tôi đoán chừng có lẽ chính họ vừa bắn hạ được
các ông này nên chạy ra xem hay định bắt tù binh nữa không chừng. Sợ các ổng
nhìn thấy mình tui vội vàng nép hẳn vào trong. Nhưng đúng vào lúc đó, đúng vào
lúc ông Lâm và mấy ông lính nghênh ngang nhứt, hào hứng nhứt… thì giữa đám khói
lửa mù mịt đó một ông bất ngờ đứng dạy. Người ổng cũng đang cháy bùng bùng. Tôi
đoán chừng ổng sẽ nhảy xuống. Nhưng không phải! Tay ổng cắp khẩu súng lia một
loạt dài rồi mới đổ gục xuống tại chỗ. Tôi sợ run hết cả chân tay. Đúng là từ hồi
nhỏ đến giờ mới chứng kiến cảnh tượng ấy. Ổng như là “Thần Lửa” ấy. Đến lúc tôi
định thần nhìn ra thì thấy ông trung tá Lâm với mấy người lính cộng hòa đã
trúng đạn chết cả… Từ hôm ấy tôi vẫn hay nằm mơ thấy Thần Lửa hiện về đấy. Ổng
không nói mà chỉ cười thôi. Chú đã bao giờ chứng kiến cảnh ấy chưa? Chú thấy
tôi gọi ổng là Thần Lửa có đúng không? Các ổng sống khôn thác thiêng như vậy
nên tôi đã lập cái ban thờ này để hương khói cho các ổng.
Lục tìm trong các cuốn Lịch sử Binh chủng TTG, Lịch sử của Lữ đoàn xe
tăng 203, Trung đoàn xe tăng 574… phần ghi về sự kiện này hết sức ngắn gọn và vắn
tắt. Đại khái là: “Khoảng 07.30 ngày 30.4.1975, khi đội hình binh đoàn thọc sâu
đến Thủ Đức thì bị bọn địch ở Trường Võ bị bắn ra ngăn chặn gây thương vong cho
một số chiến sĩ. Xe tăng 707 do Trần Quang Nhàn chỉ huy được lệnh cơ động vào
trường đánh địch để bảo vệ bên sườn cho đội hình…”. Cuốn sử của Trung đoàn 574
mới xuất bản năm 2000 thì nói rõ hơn một chút song cũng chỉ cho biết là cả xe
đã hy sinh anh dũng và xe đã được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng
Ba. Nói chung là thông tin về kíp xe 707 trên các tài liệu chính thống chỉ vắn
tắt như thế và vô cùng ít ỏi.
Gặp gỡ các đồng đội ở Lữ đoàn 203 tôi đã tìm ra danh tính cũng như quê
quán của 5 chiến sĩ trên xe 707 ngày 30.4.1975 là:
-
Trưởng xe: Trần Quang Nhàn. Sinh năm 1954. Quê quán: Lực Điền, Yên Bình, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú.
- Pháo thủ: Nguyễn Văn
Hữu- Sinh năm 1954. Quê quán: Hoà Xá, Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Tây.
-
Lái xe: Phạm Duy Hòa- Sinh năm 1950. Quê quán: Triều Khê, Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Tây.
-
Pháo hai: Ngô Văn Nghị: Sinh tháng 5.1953. Quê: Tông Thượng, Quang Trung, Kinh
Môn, Hải Dương.
- Y
tá đi cùng: Trần Trọng Đông- Sinh năm 1954. Quê quán: Xóm: Đông, Đông Sơn, Chương
Mỹ, Hà Tây.
Người mà ông già Viên nhìn thấy vùng dậy diệt
địch khi lửa cháy bùng bùng trên thân mình có lẽ là lái xe Phạm Duy Hòa.
Không chỉ lập công trong trận đánh này mà xe
707 đã lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh khi còn nằm trong đội hình Trung
đoàn xe tăng 574, đặc biệt là trong chiến dịch Huế- Đà Nẵng. Kết thúc chiến
dịch này, xe đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng
Nhất.
Được biết Lữ đoàn 203 xe tăng đang làm thủ
tục đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho xe 707. Song dù
các anh có được tuyên dương hay không thì các anh vẫn mãi mãi là những người
anh hùng trong lòng chúng tôi- những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203, là vị
“Thần Lửa” uy dũng trong lòng bà con Tăng Nhơn Phú.