Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

BỐ SAM DẠY BÉ ĐỌC SÁCH

          Chiều nay, bà nội đang nhớ Sam ghê lắm thì may mắn làm sao bố Sam lại gửi ảnh Sam về qua mail . Mừng thì mừng thật vì được nhìn thấy cháu sau mấy tuần xa cách rồi mà. Nhưng càng nhìn càng nhớ cháu hơn, chỉ muốn lên ngay Hà Nội thăm cháu. Mai Lượng về chơi rồi chắc chắn ông hoặc bà sẽ theo xe lên chơi với Sam thôi.
          Hôm nay cứ đăng ảnh cháu lên đây để khoe cùng bầu bạn blog đã.





Khen

Rừng chè đồi cọ mướt xanh
Khen ai khéo tạc bức tranh họa đồ

EM

(Họa nguyên vần bài EM TÔI của Tạ Anh Ngôi)
 
Vẫn chỉ mang thân phận gái quê
Làm vườn vất vả vẫn say mê
Trồng cây, cấy lúa bao trăn trở
Chống lụt lo mưa mới phải nghề
Mẹ dặn tam tòng nên đạo nghĩa
Cha khuyên tứ đức tự tròn...kê
Quê hương quí mến thơm hương lúa
Ngọt sắc mùa vàng dọc dải đê...
                             VN

EM TÔI


Em là con gái của đồng quê
Suốt tháng quanh năm chỉ mải mê
Cấy lúa trồng rau luôn tiếc việc
Nuôi con chăm vịt vẫn theo nghề
Cha trao TỨ ĐỨC khi chừng chững
Mẹ dạy TAM TÒNG lúc cập kê
Anh đến đón em  ngày lúa chín
Khoe vàng rực rỡ dọc triền đê…
                           Nhân Hưng, ngày 19-5-2015
                                        Tạ Anh Ngôi

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

TRÁCH HOA





Hoa nở đêm qua; Đã nở rồi !
Phụ lòng chờ đợi - phụ lòng tôi
Vắng trăng, mưa lớn...sao đành nở
Chẳng hẹn người săn; Chỉ hẹn Trời ?


Phố Quê 30/7/2015
THANH DẠ NGUYỄN

Lời Cha



Con đầy tháng trong vòng tay bác sĩ
Mẹ nuôi con chẳng kể ngày đêm
Cha thương con nơi góc biển êm đềm
Chị em cũng dạt dào tình cảm


Cha với con như hai người bạn
Đi cùng con xuống biển, lên ngàn
Mong một ngày con lớn, khôn ngoan
Mãi giữ được tình yêu, hạnh phúc


Để thoát được cảnh nghèo ô nhục
Trí Thông minh chịu khó học hành
Trong đường đời con phải đấu tranh
Từ bỏ xấu mà xây cái tốt


Con có hiểu lòng cha đau thắt
Chẳng may con vấp ngã trong đời
Chăm chút con, con chẳng nên người
Cha mẹ sẽ tủi hờn phận bạc !!!


27/7/2015
XT- ĐN

Bàn góp với hai bà Song Thu *


Vạn vật luôn luôn tự đổi dời
Cứ theo các cụ lẽ xưa rồi
Âm dương tiêu trưởng sinh ra cả
Suy thịnh chu kỳ đắp đổi thôi
Vận thịnh bay lên như gặp gió
Vận suy xuống dốc sẽ đi đời
Lòng dân ấy chính là thiên vận
Thuận lẽ ông xanh mới kính mời.

*Hai bà Song Thu:
-Vũ Song Thu (Hà Nội)
-Nguyễn Vũ Song Thu (Hải Dương)
28/07/2015
Đỗ Đình Tuân

Phụ chép thơ xường họa của hai bà Song Thu

LẼ DỊCH TRÊN ĐỜI

Lẽ dịch ngàn xưa hẳn rõ rồi
Luôn luôn hai mặt ở trên đời
Có lên ắt xuống, khôn ngăn cản
Đã hợp thì tan, khó níu mời
Đừng trách lòng người luôn biến đổi
Chớ than vạn vật mãi di dời
Thân ta hiện hữu trong trời đất
Cũng sẽ đến ngày tan rã thôi ! 

                                                                   Vũ Song Thu
                                                                                          (Hà Hội)

DẶN MÌNH

Bao phen vật đổi với sao dời
Cái lẽ trần gian đã thấy rồi
Dâu bể cuộc đời dâu bể cả
Sắc không cõi Phật sắc không thôi
Chớ nên mê mải  mà vơ vét
Hãy gắng hân hoan để tặng mời
Ba vạn sáu ngàn ngày mấy chốc
Đừng lưu tiếng xấu ở trên đời

                                                                                      27-7-2015
                                                                                   Nguyễn Vũ Song Thu
                                                                                          (Hải Dương)

THỎA LÒNG

 
Tháng bảy trời mưa nước đổ sang
Mùa hoa cuối hạ đẹp song hàng
Niềm vui thắm thiết thu vừa đến
Khấp khởi thơm nồng tiếng sáo vang
Thiên hạ reo vui giòn sấm động
Xóm làng phấn khởi đợt mưa vàng
Bao năm vất vả do thời vụ
Tiết đẹp cho lòng thỏa ước mong.
                                             VN

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Hãnh diện




Chúng tôi sống bên nhau
Trong những ngày chiến tranh ác liệt
Không nghĩ sống- nhưng không sợ chết
Sốt rét giữa rừng rau cháo phụ nâng nhau
Nay tuổi già nhiều lúc ốm đau
May có vợ con hết lòng chăm sóc
Vợ mua sữa, mang cơm, rót nước
Cậu út thì đi bẻ lá xông
Dù cuộc đời trải lắm bão giông
Vẫn hãnh diện khi gia đình hạnh phúc
Song đôi lúc cũng còn ấm ức
Xã hội bây giờ bỏ vỏ- vắt chanh ?


 

29/7/2015
XT- ĐN

Hỏi ông thủ tự

Lừ đừ như thủ tự
Cuồng nhiệt tựa thanh đồng
Thanh đồng gần thủ tự
Hỏi có lừ đừ không ?
29/07/2015
Đỗ Đình Tuân

MƯA VUI

 
Chiều mưa lặng ngắm cánh đồng
Lúa vươn xanh thắm đẹp lòng muôn phương
Hạt rơi thánh thót niềm thương
Bao ngày ngóng đợi giọt vương tràn trề
Hôm nay thỏa nguyện mọi bề
Mưa bay khắp chốn đồng quê thị thành
Mặc dù nước ngập bờ chanh
Nước dâng ngăn lối giữa anh với nàng
Hẹn vui cho được mùa vàng
Mát người thanh thản nhẹ nhàng nước mây.
                                                                                   VN

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

THỦ NHANG ĐẾN SINH

Hoa và rất nhiều hoa
   Nhà ngục Thiên phủ
  Cây đa trăm tuổi
     Thủ từ TÔ QUANG
     Và ...diện mạo một thanh đồng
TQ

Hợp thời



Đời đang xu thế toàn cầu
Nhiều ông cũng béo dụt đầu co chân
Không tư tưởng, chẳng nhân văn
Cứ tròn như trái bóng lăn giữa đời…?
27/07/2015
Đỗ Đình Tuân

ĐẸP

'KIÊU
Tóc xoã vai mềm lặn vẻ kiêu
Mi huyền ướt đậm ẩn hồn phiêu
Bao chàng chả chớt đang còn liệu 
Lắm kẻ trêu chòng đã bị tiêu
Buổi nọ bên thềm la sách nhiễu
Hôm rày cạnh cổng quấy phiền nhiêu
Em nào muốn vậy không ai hiểu
Lại trách sao nàng mãi chẳng xiêu
(2Đ, 7/15)'
 
Mắt biếc môi hồng dáng thật kiêu
Mày dài nét đậm vẻ phiêu phiêu
Trong khu mấy chú đang mơ tưởng
Dưới phố bao chàng vẫn ngóng trêu
Ngắm mãi trên đường phơi áo nhiễu
Nhìn sang ngõ sớm khối người nhiêu
Nàng mơ cảnh sắc nào ai hiểu
Lại nghĩ về em những buổi chiều.
                                          VN

YÊU MỘT PHÍA


(Họa NV bài: SUÝT của Song Thu)

Chàng yêu một phía mới ghen nhau
Dao búa đem ra rõ thật ngầu
Bắt bướm buồn vì không hiểu bướm
Thế nên buồn bực mới điên đầu !!!


           Nhân Hưng,ngày 28-7-2015
                         Tạ Anh Ngôi

Phụ chép bài: SUÝT

"Lẳng lặng mà nghe" họ dọa nhau
"No đòn" no điếc rất chi ngầu
Chung quy chỉ tại con bươm bướm
Làm đấng tu mi suýt vỡ đầu !


                             Sao Đỏ, ngày 23-7-2015
                                          Song Thu

LỜI KHẤN EM TRAI*


 


Hôm nay ngày của Em đây
Cả nhà mong đợi sum vầy cùng em
Bốn mươi năm tiếng súng im
Sao em vẫn phải đi tìm bình yên ?

Phải vì tiếng sóng biển rên
Em còn ở lại, nên quên đường về
Vẫn đinh ninh một lời thề
Còn quân xâm lược, còn đi diệt thù ?


Phố Quê 23h00' ngày 27/7/2015

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Một nén tâm nhang



Đọc bài thơ "Tâm tình tháng bảy", của anh Nguyễn Khắc Nguyệt, đoạn cuối có câu: Người trẻ chết là linh thiêng lắm, MH giật mình và cứ bị ám ảnh. Trời ơi! Đất nước qua hai cuộc chiến đã có hàng mấy triệu liệt sĩ, toàn người chết trẻ, trong đó còn hàng trăm ngàn người chưa tìm thấy xác cùng nhiều lắm những ngôi mộ liệt sĩ vô danh chưa xác định được tên tuổi. Đất nước đã qua gần nửa thế kỷ ngừng chiến tranh mà giờ đây phần hồn của các anh vẫn còn lẩn quất đâu đây?!. Bằng tâm nguyện nhỏ nhoi của mình, nhân ngày 27/7, MH cầu nguyện cho hương hồn các anh mau được siêu thoát, về đất Phật để về độ lại chúng sinh, phù hộ cho đất nước mau qua khỏi khúc nhôi này, thực sự bình yên (nhất là yên dân) và ngày càng phát triển.

MH đã hai lần đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, câu chuyện MH được nghe kể lại nơi đây để lại nhiều suy ngẫm là chuyện hàng đêm, nhất là những đêm sáng trăng, Nghĩa Trang trường sơn thường vọng về tiếng hát, tiềng cười, tiếng khóc… Mỗi khi nhớ đến chuyện này, thấy tình hình nhiễu nhương, hành dân, tham nhũng hiện nay của nhiều quan chức Nhà nước, lòng MH lại buốt đắng!?
Mấy dòng suy nghĩ và một số hình ảnh còn lưu lại lần đầu MH thăm Nghĩa trang Trường Sơn như một nén tâm nhang MH lạy tạ các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc...








27/7/2015
MH

Chị ơi...




Chị ơi chị ở quá xa
Nghìn năm ánh sáng thiên hà mênh mông
Đi tầu thám hiểm không trung
Mất hăm nhăm triệu năm dòng đến nơi
Em tìm thấy chị đây rồi
Vượt sao được chặng đường dài mà lên ?
Bao năm đáy biển mò kim
Nay tìm thấy chị cũng nhìn vậy thôi
Hay là chị xuống em chơi
Chị em mình sẽ chia đôi thiên hà ?
27/07/2015
Đỗ Đình Tuân

DẶN MÌNH

( Xướng họa cùng  bạn blog. Họa đảo vận )

Bao phen vật đổi với sao dời
Cái lẽ trần gian đã thấy rồi
Dâu bể cuộc đời dâu bể cả
Sắc không cõi Phật sắc không thôi
Chớ nên mê mải  mà vơ vét
Hãy gắng hân hoan để tặng mời
Ba vạn sáu ngàn ngày mấy chốc
Đừng lưu tiếng xấu ở trên đời

             27-7-2015
             Song Thu

( Phụ chép bài xướng )

LẼ DỊCH TRÊN ĐỜI

Lẽ dịch ngàn xưa hẳn rõ rồi
Luôn luôn hai mặt ở trên đời 
Có lên ắt xuống, khôn ngăn cản
Đã hợp thì tan, khó níu mời 
Đừng trách lòng người luôn biến đổi 
Chớ than vạn vật mãi di dời
Thân ta hiện hữu trong trời đất 
Cũng sẽ đến ngày tan rã thôi !           
     
       
                               Sông Thu

BUỔI SÁNG

 
Sáng sớm ngao du giữa cánh đồng
Lúa vươn lá tỏa đến mênh mông
Làn mưa trắng xóa niềm vui nhộn
Lại vụ mùa nay nặng gánh gồng.
 
VN

VÔ DANH


Khi anh được sinh ra
Cha mẹ đã đặt tên cho anh
Nhưng họ cướp mất

Giờ nằm trong lòng đất
Anh thành hồn vô danh !

           Nhân Hưng, ngày 27-7-2015
                       Tạ Anh Ngôi

CHUYỆN VỀ KÍP XE 707

Một nén tâm nhang thắp cho các liệt sĩ xe tăng 707 và các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước!

http://soha.vn/quan-su/chuyen-la-ngu...6103355244.htm

Từ ban thờ thiên và những ngôi mộ gió....
Trung tuần tháng 5/1975, tôi được thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ lái một chiếc xe tăng M-48 "tù binh - chiến lợi phẩm" do Mỹ sản xuất lên Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 lúc đó đang đóng tại cơ sở của Trường Võ bị Thủ Đức để triển lãm.
Mặc dù không có cán bộ chỉ huy đi cùng song vị trí của Trường Võ bị Thủ Đức thì tôi vẫn nhớ như in. Nó nằm ngay bên trái đường, cách xa lộ chừng vài chục mét.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.  Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập...

Sáng 30.4 chúng tôi qua đây còn bị địch bắn vào đội hình nhưng được lệnh bỏ qua, cứ nhằm thẳng Sài Gòn mà tiến. Tuy nhiên, ngồi trong buồng lái tôi vẫn liếc thấy dọc theo hàng rào là hai khẩu hiệu rất to.
Ở đầu phía bắc là mấy chữ: “LÁ NGỌC CÀNH VÀNG”, tôi nghĩ bụng chắc trường này chỉ tuyển con em quan chức chính quyền Sài Gòn hoặc quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào học mà thôi.
Còn ở đầu phía nam là mấy chữ “CƯ AN TƯ NGUY”, tôi đoán đó là khẩu hiệu khuyếch trương vị thế của trường đại khái là “ở thì yên lành, có nguy thì đến cứu giúp”.
Đi hết chiều dài hàng rào là đến ngã ba Tăng Nhơn Phú. Tôi đoán cổng chính của nó quanh quanh chỗ cái ngã ba này. Quả nhiên, đến ngã ba Tăng Nhơn Phú tôi rẽ trái vào một đoạn thì thấy cái cổng trường to lừng lững ngay bên tay trái trông rất oai phong.
Tuy nhiên, cái thu hút sự chú ý của tôi nhiều hơn lại là xác một chiếc tăng bơi nước kiểu K63-85 cháy đen thui nằm trước cổng. Vì vậy, sau khi đưa chiếc M-48 vào vị trí, tôi xin phép ra ngay chỗ chiếc xe cháy.
Chắc chắn đây là đồng đội cùng Lữ đoàn 203 của tôi. Trong khi chúng tôi bỏ qua mục tiêu này nhằm thẳng Sài Gòn có lẽ các anh đã đánh vào đây.
Chiếc xe cháy nằm gần như đối diện với cổng chính của trường, cách cổng chừng vài chục mét, đầu xe hướng chênh chếch về phía xa lộ, một bên xích đứt rời cuộn lại thành một đống phía sau.
Ở sườn xe bên phải, ngay đoạn buồng chiến đấu là một lỗ thủng to tướng đút lọt chiếc mũ cối. Các mảnh thép xung quanh lỗ thủng nham nhở, cong queo… Tôi tự nhủ: “Có lẽ là một quả đạn nổ cỡ lớn chứ không phải đạn chống tăng.
Vết đạn chống tăng nó gọn chứ không như thế này. Đây là xe bơi nước, thành xe của nó mỏng chỉ độ hơn 10 ly thép nên đạn nổ cỡ lớn là đủ phá được rồi”.
Tôi quay lại phía cổng trường thì phát hiện ở phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) có một khẩu “Vua chiến trường” 175 mm. Nó nằm ở chỗ hơi thấp và nòng cũng hạ thấp, gần như nằm ngang. Tôi băn khoăn tự hỏi:
“Không lẽ chính khẩu pháo kia đã bắn hạ chiếc xe này. Nếu đúng vậy, tất cả những người trong buồng chiến đấu sẽ hy sinh ngay lập tức, may ra chỉ còn lái xe là sống sót”.
Các xe tăng bơi K-63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Đất nước.
Các xe tăng bơi K63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần
 Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi đi vòng sang phía bên kia chiếc xe, mắt vẫn không rời ngôi sao quân hiệu và ba chữ số vẫn còn hiện lên trắng mờ trên cái nền đen kịt. Đó là số 707. Chợt tôi sững lại, ngay cạnh chiếc xe, chỗ ngang với buồng chiến đấu là một cái ban thờ.
Vâng! Đó đúng là một cái ban thờ - kiểu ban thờ thiên mà chúng tôi vẫn gặp từ vùng Quảng Trị trở vào. Một cái chân bằng gỗ tròn to cỡ bắp đùi chôn sâu xuống đất. Trên đỉnh của nó là một mảnh gỗ vuông vắn được be lên 3 phía.
Có lẽ người làm ra nó khá vội vàng vì không thấy sơn màu gì cả mà vẫn để gỗ mộc. Trên đó là một cái bát hương làm bằng lon sữa bò dày đặc chân hương vẫn còn đỏ tươi.
Dưới chân ban thờ là mấy mô đất vun cao trông như mấy nấm mộ cũng lác đác vài cái chân hương. Nhìn tất cả còn khá mới nên tôi nghĩ: “Có lẽ cái này được lập ra là để thờ các chiến sĩ trong xe này đây. Mấy nấm đất kia chắc tượng trưng cho những ngôi mộ thì phải”.
Nhưng rồi tôi lập tức băn khoăn tự hỏi: “Vậy ai là người lập ban thờ và thắp hương cho các đồng đội tôi?”. Rồi cũng lại tôi tự trả lời: “Chắc là dân sở tại ở đây thôi chứ bộ đội ta sẽ không làm thế này”.
... tới gặp gỡ nhân chứng sống
Hỏi thăm dân chúng gần đó, tôi được biết ông già tên Viên là người đã lập cái ban thờ và thường xuyên hương khói ở đấy. Tôi tìm đến nhà ông và câu chuyện của ông già Viên ngày đó đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời:
"Từ mấy bữa trước đó thấy các ông sĩ quan, binh sĩ trong Trường Võ bị ra chơi nói chuyện chúng tôi cũng biết tình hình Việt Nam Cộng Hòa nguy đến nơi rồi.
Quân trường hổm rày đã điều hết quân lính ra Long Thành chống cự với các chú rồi nên cũng chẳng còn mấy quân lính nữa. Nhưng không ngờ các chú đánh nhanh quá. Sáng sớm hôm 30.4, nghe ngoài xa lộ xe chạy rần rần.
Tôi chạy ra ngó thấy nhiều xe tăng lắm. Rồi nghe tiếng súng từ trong quân trường bắn ra, súng ngoài xa lộ bắn vào dữ dội. Biết là các chú đánh tới nơi, tôi hối bà xã cùng mấy bà bên cạnh kéo sắp nhỏ chạy tuốt vô trong rẫy nằm để tránh tên rơi đạn lạc.
Còn mình tôi ở lại trông nhà với lại theo dõi tình hình xem sao. Một chặp sau thì thấy các ổng - ông hất cằm về phía chiếc xe cháy - xuất hiện. Các ổng vừa chạy vừa bắn vào phía cổng quân trường một hồi rồi lao tới húc tung cổng xông thẳng vào trỏng.
Tôi đứng đây ngó vào thấy các ổng vừa chạy dọc con đường chính của quân trường vừa bắn sang hai bên. Bắn dữ lắm! Đạn nối thành dây đỏ lừ. Một chặp sau thì các ổng chạy trở ra, lúc này không bắn nữa.
Tôi đoán chắc các ổng đã diệt hết quân lính ở trỏng và bây giờ muốn trở ra xa lộ. Lúc các ổng đang quay ra hướng xa lộ thì một bên sên (xích) xe buột ra. Các ổng vẫn chạy thêm một đoạn nữa rồi mới chịu dừng lại đúng ở chỗ bây giờ đó.
Có lẽ các ổng định dừng lại để sửa chữa cái dải sên đó thì phải vì tôi thấy cái nắp trên nóc đã mở ra. Đúng lúc đó thì một tiếng nổ dữ dội vang lên. Tôi chỉ thấy nhoáng một cái và ù hết cả hai tai. Khi mở mắt ra thì tôi sững cả người, các ổng đang bốc lửa đùng đùng".
Ông già dừng lại, mắt ngó đăm đăm về phía chiếc xe một lúc lâu rồi mới chậm rãi tiếp lời:
"Lửa trên xe cháy mỗi lúc một to. Khói đen mù mịt. Thỉnh thoảng lại bùng lên một cái. Tôi sợ lắm nhưng vẫn tiến lại gần. Biết đâu có ông nào bị thương mà nhảy ra thì mình còn có thể cứu giúp được. Lính bên nào thì cũng là người mình cả thôi, phải không chú?
Tôi nép sát vào hiên nhà rồi chăm chú nhìn vào chiếc xe xem liệu có ai chui ra không. Nhưng không có ai cả, chỉ thấy khói lửa mịt mù. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng người cười nói rổn rảng ở phía đằng cổng quân trường.
Tôi quay ra nhìn thì thấy ông trung tá Lâm, sếp phó Trường Võ bị cùng mấy ông lính nữa đang chạy từ phía khẩu pháo to ở đằng kia lại. Họ vừa chạy vừa cười nói có vẻ phởn chí lắm.
Tôi đoán chừng có lẽ chính họ vừa bắn hạ được các ổng nên chạy ra xem hay định bắt tù binh nữa không chừng. Sợ các ổng nhìn thấy mình tui vội vàng nép hẳn vào trong.
Nhưng đúng vào lúc đó, đúng vào lúc ông Lâm và mấy ông lính nghênh ngang nhứt, hào hứng nhứt… thì giữa đám khói lửa mù mịt đó một ông bất ngờ đứng dạy. Người ổng cũng đang cháy bùng bùng. Tôi đoán chừng ổng sẽ nhảy xuống… Nhưng không phải!
Tay ổng cắp khẩu súng lia một loạt dài rồi đổ gục xuống tại chỗ. Tôi sợ run hết cả người, cứ chắp tay xá mãi. Đúng là từ hồi nhỏ đến giờ tôi mới chứng kiến cảnh tượng ấy.
Ổng như là “Thần Lửa” ấy. Đến lúc tôi định thần nhìn ra thì thấy ông trung tá Lâm với mấy người lính cộng hòa đã trúng đạn chết cả… Từ hôm ấy tôi vẫn hay nằm mơ thấy ông Thần Lửa hiện về đấy. Ổng không nói mà chỉ cười thôi.
Chú đã bao giờ chứng kiến cảnh ấy chưa? Chú thấy tôi gọi ổng là Thần Lửa có đúng không?"
Trước câu hỏi đột ngột của ông già tôi không dám trả lời mà chỉ gật đầu vì biết rằng nếu mở miệng ra mình sẽ òa khóc mất. Khuôn mặt quắc thước của ông già giãn ra một chút:
"Mấy hôm sau có các chú ở đơn vị quay lại tìm. Nghe kể trong xe có 5 người và đều còn rất trẻ - Giọng ông già bỗng chùng hẳn xuống - Mỗi người chỉ còn một nhúm tro.
Các ổng đã chết cho tôi được sống, vì nếu không có chiếc xe tăng chặn ở đấy thì cả dãy nhà tôi đã hứng trọn làn đạn.
Chết trẻ vậy thì thiêng lắm nên tôi đã lập cái ban thờ này để hương khói cho các ổng".
Ông già đã ngừng lời, song tôi vẫn ngồi lặng ở đó. Vậy là các anh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cho chúng tôi thẳng tiến vào Sài Gòn.
Xe tăng bơi K63-85 thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ (Vùng 4 Hải quân) diễn tập.
Xe tăng bơi K63-85 thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ (Vùng 4 Hải quân) diễn tập
.
Tháng 7/1975, tôi ra Bắc rồi đi học, tiếp tục cuộc đời binh nghiệp. Cuộc sống cuốn tôi đi theo dòng chảy của nó song câu chuyện của ông già Viên vẫn bám theo tôi như một nỗi ám ảnh và tôi vẫn tự hứa với lòng mình sẽ quay lại thắp hương cho các anh khi nào có dịp.
Vì vậy, 20 năm sau - trong một chuyến công tác, tôi đã trở lại Tăng Nhơn Phú. Nhưng không còn vết tích gì của các anh cả. Nơi chiếc xe 707 nằm lại cùng với cái ban thờ và 5 ngôi mộ gió giờ đã trở thành lòng một con đường lớn.
Dãy nhà lụp xụp cạnh đó bây giờ là dãy phố khang trang. Hỏi thăm ông già Viên thì không ai biết. Hỏi về chiếc xe tăng cháy họ cho biết ngày trước, nó nằm ở quãng ấy, quãng nọ nhưng chính xác chỗ nào thì “lâu ngày quên rồi”.
Hỏi về “Thần Lửa” họ lắc đầu, cười ngượng nghịu: “thì cũng chỉ nghe loáng thoáng truyền miệng vậy thôi”... Tôi ra về mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Chả lẽ mọi việc đã rơi vào quên lãng?
Lục tìm trong các cuốn Lịch sử Binh chủng Tăng Thiết giáp, Lịch sử Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn xe tăng 574… phần ghi về sự kiện này hết sức ngắn gọn và vắn tắt. Đại khái là:
“Khoảng 7h30 ngày 30.4.1975, khi đội hình binh đoàn thọc sâu đến Thủ Đức thì bị địch ở Trường Võ bị bắn ra ngăn chặn gây thương vong cho một số chiến sĩ. Xe tăng 707 do Trần Quang Nhàn chỉ huy được lệnh cơ động vào trường đánh địch để bảo vệ bên sườn cho đội hình…”.
Cuốn sử của Trung đoàn 574 mới xuất bản năm 2000 thì nói rõ hơn một chút song cũng chỉ cho biết là cả xe đã hy sinh anh dũng và xe đã được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba.
Nói chung là thông tin về kíp xe 707 trên các tài liệu chính thống chỉ vắn tắt như thế và vô cùng ít ỏi. Sau một thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn tôi đã tìm ra danh tính cũng như quê quán của 5 chiến sĩ trên xe 707 ngày 30.4.1975 là:
- Trưởng xe: Trần Quang Nhàn. Sinh năm 1954. Quê quán: Lực Điền, Yên Bình, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú.
- Pháo thủ: Nguyễn Văn Hữu. Sinh năm 1954. Quê quán: Hoà Xá, Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Tây.
- Lái xe: Phạm Duy Hòa. Sinh năm 1950. Quê quán: Triều Khê, Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Tây.
- Pháo hai: Ngô Văn Nghị. Sinh năm 1953. Quê: Tông Thượng, Quang Trung, Kinh Môn, Hải Dương.
- Y tá đi cùng: Trần Trọng Đông. Sinh năm 1954. Quê quán: Xóm: Đông, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây.
Người mà ông già Viên nhìn thấy vùng dậy diệt địch khi lửa cháy bùng bùng trên thân mình có lẽ là lái xe Phạm Duy Hòa - người duy nhất có thể sống sót trước sức công phá của viên đạn 175 ly trúng vào buồng chiến đấu.
Không chỉ lập công trong trận đánh này mà xe 707 đã lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh khi còn nằm trong đội hình Trung đoàn xe tăng 574, đặc biệt là trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Kết thúc chiến dịch này, xe đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất. Được biết Lữ đoàn 203 xe tăng đang làm thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho xe 707.
Song dù các anh có được tuyên dương hay không thì các anh vẫn mãi mãi là những người anh hùng trong lòng chúng tôi - những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203; mãi mãi là vị “Thần Lửa” uy dũng trong lòng bà con Tăng Nhơn Phú.
                                       27-7-2015
                                       Nguyễn Khắc Nguyệt

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Giọt sương...




Bài thơ – Giọt sương sớm
Hồn ta - Mặt hồ yên
Khi giọt sương rơi xuống
Sóng truyền lan bốn bên
Bài thơ bỗng tan biến
Hồn ta thì run lên…


27/7/2015
Đỗ Đình Tuân

TIỄN BẠN VỀ HƯU



(Mến tặng Cô Nhài - đồng nghiệp cũ
Trường THPT Mạc Đĩnh Chi Hải Dương)




















Bao năm vất vả cùng trường
Hôm nay đủ tuổi lên đường về...hưu
Đồng nghiệp ưu ái, ái ưu
Nói sao hết được nỗi lưu luyến này
Chia tay - tay nắm chặt tay
Nào ai sớm muốn đến ngày chia xa
Vâng, xa là chỉ tạm xa
Lòng còn nhung nhớ vẫn là gần nhau !


Phố Quê 25/7/2015
THANH DẠ NGUYỄN