Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Món gia truyền




Những ngày giá rét.
Đâu đâu cũng toàn bắp cải, su hào, cà chua. Món thường mấy tháng đông là canh cà chua với trứng gà. Nhăn nhăn nhó nhó những quả là tốn cơm và ấm bụng. Khi văn hóa ẩm thực được khuấy lên thì mới tỏ, hóa ra đấy là món bổ, ngon và hợp phong thủy. Cà chua giữ nhiệt tốt + trứng gà ngon và bổ + rau sà lách và mùi rất ngọt và thơm = món ăn tiến vua á. Có lẽ nhờ vậy mà nhà nào cũng khỏe mạnh vượt quá rét giá.
Những ngày mưa lạnh. Lại canh gia truyền bát bảo lên ngôi.

(10/1/2019)

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Tiếng khuya




Tháng Chạp. Huế những ngày tít tắp.
Dồn dập, un đầy những buổi thi. Hối hả, tới tấp giữa Giảng đường-Ký túc xá-Thư viện.
Nôn nao, chấp chới ngày về Tết.
Phấp phỏng, ngẩn ngơ những cánh thư.
Đêm giá. Tiếng tàu xình xịch. Gần. Rồi xa. Xa nữa. Kéo cái mưa buốt lạnh dài thêm. Dài mãi. Se sắt tiếng khuya.
Tàu đêm vắt hồn lên những mảnh trăng gầy tháng Chạp.
Thao thiết.
Tiếng khuya. 
(NT, 3/1/2019)

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

QUI NHƠN - NGÀY GẶP LẠI


 Trong hình ảnh có thể có: 14 người, bao gồm Dien Bien Doan, PhÆ°á»›c Lá»™c, Nguyá»…n Thanh, Giang Huong, Lão Gia Hồ, Tô Hà, Trúc Tô và Bắc Hà, mọi người Ä‘ang cười, mọi người Ä‘ang đứng
           Một ngày một đêm Qui Nhơn đưa tôi về lại 40 năm trước.
     Ngày 16/5/1978 tôi nhận công tác tại Đài Truyền hình Qui Nhơn.
       Truyền hình Qui Nhơn lúc đó là Đài khu vực trực thuộc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung: Nghĩa Bình và Bắc Phú Khánh (nay là Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) và các tỉnh Tây Nguyên: Đắc Lắc, Gia Lai - Kon tum (nay là Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum. Trên cơ sở đài tiếp phát của chế độ cũ để lại, một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, biên tập viên được đào tạo chính qui từ Đài Truyền hình Việt Nam tăng cường về cùng những người được tuyển chọn từ các nơi, Đài Truyền hình Qui Nhơn lên sóng từ cuối tháng 12/1975, từng bước hoàn thiện chương trình phát sóng phục vụ nhân dân.
       Đây là nơi công tác đầu tiên của tôi, là nơi tôi có những đồng nghiệp đầu tiên, nơi tôi học những bài học đầu tiên trong nghề truyền hình. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những gian khó của thời kỳ cả nước đi qua chiến tranh bắt đầu xây dựng CNXH. Nhìn lại ngày ấy, chúng tôi vui và tự hào vì đã thật vô tư, trong sáng và hết lòng vì công việc. Chuyện đời, chuyện nghề được nhắc nhớ, để rồi chúng tôi thấy thật hạnh phúc và ấm áp vì sau 40 năm chúng tôi vẫn trọn vẹn tình cảm yêu thương và gắn bó từ ngày ấy.
       Suốt những năm qua, những người đã từng công tác ở Truyền hình Qui Nhơn định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gặp mặt vào ngày 27/12 - ngày truyền thống của Truyền hình Qui Nhơn. Năm nay, có một vài lý do, Hoàng Phước Lộc - nguyên đạo diễn phát hình - có ý tưởng "gọi" mọi người về Qui Nhơn gặp mặt. Những kẻ hóng hớt nhất lập tức hưởng ứng. Đoàn Điện Biên, Hồ Công Thành từ Hà Nội bay vào. Hoàng Phước Lộc, Đinh Bạch Liên, Nguyễn Kim Thanh, Trần Bắc Hà từ Th.phố Hồ Chí Minh bay ra. Vợ chồng anh chị Đặng Hùng - Đoàn Thủy Tiên từ Quảng Ngãi đi tàu vào. Tôi từ Tuy Hòa Phú Yên đi xe ra cùng gặp những anh chị ở Qui Nhơn.
       Cuộc gặp không nước mắt ,mà vẫn thật xúc động. Chúng tôi biết rằng trong quỹ thời gian còn lại thật khó có một lần gặp thứ 2 như thế này. Một lời hẹn có cánh lại cất lên: Đoàn Điện Biên mời mọi người 27/12/2019 gặp mặt ở Hà Nội.
        Chúng tôi lại tràn đầy hy vọng...

MỘT THỜI NHỚ MÃI

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét
Bài viết của anh Nguyễn Văn Quang - Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, 
Trí thức xuất sắc thời kì đổi mới, cựu học sinh khóa 1970-1973 Cấp III Chí Linh
       Đó là thời lứa chúng tôi, những học sinh Khóa 5 (1970 – 1973) Trường Phổ thông Cấp 3 Chí Linh cùng đất nước trải qua những mốc son quan trọng trong lịch sử dân tộc.
       Đó là thời chúng tôi, những cô bé, cậu bé 14, 15 tuổi rời trường cấp 2 của xã tập trung về trường huyện - ngôi trường cấp 3 duy nhất của huyện lúc đó. Bao bỡ ngỡ, bao lạ lẫm với trường mới, thầy cô mới, bạn mới và những bài học mới, chúng tôi đã từng bước trải qua tuổi hoa niên đẹp nhất của đời người.
      Đó là năm học đầu tiên trường được chuyển từ thôn Đồi Thông, xã Chí Minh lên thị trấn Sao Đỏ. Từ khu nhà hiệu bộ, nhà tập thể của các thầy cô đến các lớp học đều là nhà cấp 4, nằm dưới những tán lá của rừng cây bạch đàn xanh mướt quanh năm. Nhiều ngôi nhà được đắp lên bằng đất mà không phải xây bằng gạch, các thầy cô chưa ai có nhà riêng, đều sống ở tập thể, tuổi đời các thầy cô rất trẻ, chủ yếu là 22- 25 tuổi. Khu tập thể của thầy cô thật đơn sơ nhưng trong lòng các thầy cô đầy ắp niềm vui về ngôi trường mới, về lứa học trò chúng tôi. Lòng yêu nghề, yêu trò đã giúp thầy cô vượt qua bao khó khăn mang đến cho chúng tôi những bài giảng sống động, thắp lên trong mỗi chúng tôi những ước mơ hoài bão mà sau này chúng tôi đã thực hiện. 
       Đó là khóa học mà Trường Cấp 3 Chí Linh xây dựng và khánh thành ngôi nhà 2 tầng đầu tiên. Chúng tôi được tham gia lao động từ khi đào móng, lấy cát, lấy sỏi trên đồi. Sau 3 năm xây dựng, khu nhà 2 tầng to và đẹp nhất huyện lúc đó được hoàn thành. Học kỳ 2 lớp 10, chúng tôi là những học sinh đầu tiên được đặc cách lên học tại tầng 2 của ngôi nhà ấy.
       Đó là thời rất khó khăn về kinh tế. Lương các thầy cô rất thấp, chỉ 40-60 đồng/ tháng; gạo chỉ có 13 kg/tháng nhưng phải ăn độn bằng hạt bo bo, bột mì, ngô hay sắn khô; phiếu mua thịt lợn mỗi tháng chỉ có 0,5 kg, muốn có 1 kg thì phải đổi bằng chân giò, xương hay mỡ lá; phiếu đường cũng chỉ có 0,5 kg/tháng; phiếu mua vải phân phối 5 mét một năm, muốn mua vải màu theo ý của mình cũng khó, hầu như ai cũng có những bộ quần áo phải bích kê ở gối, mông quần hay vai áo. Nhiều thầy cô chưa có xe đạp để đi lại.
       Đó là thời gần một nửa các bạn học sinh đi học xa nhà từ 5 - 10 km phải đi bộ hay đi nhờ xe của bạn. Vở viết toàn giấy đen, thậm chí không có dòng kẻ mà cũng chẳng đủ. Mực viết lúc xanh, lúc tím. Bút máy Trường Sơn phải mài ngòi, ai có được cây bút Kim Tinh ngòi bút trơn thì thật là xa xỉ. Sách giáo khoa không bao giờ có đủ cả bộ cho mỗi người, chúng tôi phải mượn nhau để học. Học xong lớp 10 sách đã được các em lớp 9 xin hết, chuẩn bị thi đại học không có sách lại phải mượn lại để xem. Thời ấy không có khái niệm ôn thi đại học, đến ngày thi là cứ việc thi, thật là nhàn nhã so với học sinh bây giờ.
       Đó là thời cả nước dồn sức cho những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Bao lớp thanh niên lên đường ra trận. Khóa chúng tôi vào lớp 8 có 4 lớp với hơn 200 bạn học sinh, lên lớp 9 còn 3 lớp, lên lớp 10 chỉ còn 2 lớp và 62 bạn. Phần lớn sĩ số lớp giảm là do các bạn đi bộ đội, 100 % nam học sinh viết đơn tình nguyện xung phong tòng quân. Nhiều bạn chích máu viết “ huyết tâm thư” được nhà trường biểu dương. Một năm có tới 3 đợt tuyển quân, hầu hết các bạn đủ 17 tuổi, nặng 40 kg và đủ sức khỏe là lên đường nhập ngũ. Những buổi tiễn bạn tòng quân bao lưu luyến. Đợt tuyển quân tổng động viên năm 1972, sân trường xanh màu áo lính. Các thầy, các bạn đều trở thành chiến sĩ, đều là lính binh nhì. Cho đến bây giờ, “Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo” vẫn mang đậm dấu khóa học 1970 - 1973 của Trường cấp 3 Chí Linh cũng như của huyện Chí Linh.
       Đó là thời B52 Mỹ rải thảm bom Hà Nội khi chúng tôi đang học cuối kỳ 1 của lớp 10. Những đêm Điện Biên Phủ trên không, từ Sao Đỏ nhìn về Hà Nội đạn lửa đỏ trời. Những ngày ấy chúng tôi phải nghỉ học, sơ tán về thôn Chi Ngãi, xã Cộng Hòa và thôn Nội, xã Tân Dân. Chương trình học lớp 10 bị gián đoạn nên năm học kéo dài đến 30/7 mới thi tốt nghiệp, 15/8 thi Đại học. Năm học cuối cấp lớp 10 cũng là thời điểm Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết và có hiệu lực.
       Đó là thời những ngày đêm ôn thi tốt nghiệp trong rừng bạch đàn. Chưa có điện thắp sáng, những ngọn đèn dầu lung linh trong tán lá bạch đàn và trên hành lang nhà 2 tầng thật đẹp… Những buổi phụ đạo của các thầy cô, không phụ cấp, không học phí … mà thầy cô vẫn tận tụy hết lòng, tất cả vì học sinh thân yêu.
Đó cũng là thời “ Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Không có quỉ và ma, chỉ có lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi với bao kỷ niệm không thể nào quên, với bạn bè, với các thầy cô giáo. Nhiều bạn tinh nghịch làm các thầy cô không hài lòng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hải bây giờ vẫn nhắc: “Khóa học 1970 - 1973 là khóa học có nhiều dấu ấn đặc biệt của Trường”.
       Đó cũng là thời chúng tôi bắt gặp trái tim mình lỗi nhịp với những rung động đầu đời. Bạn trai bạn gái bắt đầu để ý đến nhau. Thời đó thích nhau mà nói trực tiếp thật là khó, thật là tiểu thuyết. Thế là những quyển sách, quyển vở được trao đi trả lại, kèm theo những lá thư tỏ tình mộc mạc, ngây ngô. Thật là thú vị khi những bức thư đó lại là sản phẩm trí tuệ chung của cả nhóm bạn trai hay nhóm bạn gái viết. Thú vị hơn là ngườì nhận thư cứ tưởng chỉ có mình được đọc những dòng ngọt ngào say đắm ấy…
       Đó là thời hầu hết bạn trai nhập ngũ, kể cả các bạn thi đỗ đại học. Các bạn gái học tiếp trung cấp hoặc đại học. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các bạn trai mới tiếp tục con đường học tập của mình.
       Đó là một khóa học có nhiều bạn thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác của xã hội như: khoa học, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật, y tế, giáo dục… Có 2 bạn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu: Thầy thuốc ưu tú và nghệ sĩ ưu tú; có 3 bạn là cán bộ cấp cục, vụ, viện; 3 bạn cấp hàm đại tá, 1 bạn là Chủ tịch huyện, 1 bạn là Phó Bí thư huyện ủy, 5 bạn là trưởng ngành của huyện...nhiều bạn là doanh nhân, nông dân sản xuất giỏi. Khóa học của chúng tôi cũng có 5 bạn là anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
       Mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử của đất nước, 3 năm học cấp 3, dưới sự dạy dỗ của các thầy cô giáo, chúng tôi dần khôn lớn. Các thầy cô không chỉ truyền dạy cho chúng tôi những kiến thức phổ thông cơ bản mà còn là những tấm gương sáng về nhân cách. Những bài học ấy, những nhân cách ấy đã dạy chúng tôi trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
       43 năm đã trôi qua từ mùa hè 1973, chúng tôi - học sinh Khóa 5 Trường Phổ thông Cấp 3 Chi Linh đã lần lượt nghỉ hưu sau những tháng năm học tập và lao động. Mỗi người một con đường số phận, nhưng tất cả chúng tôi đều mang trong ký ức của mình một thời tuổi hoa đẹp đẽ. Chúng tôi vẫn họp khoá mỗi năm một lần để thấy nhau già đi mà vẫn không thể quên thuở ban đầu học tại Trường Cấp 3 Chí Linh, để tự hào nói với nhau rằng: chúng tôi không phụ công ơn dạy dỗ của các thầy cô, đã trở thành những người có ích cho quê hương đất nước.
       Và trong tim mỗi chúng tôi, ngôi trường ấy mãi là một mái ấm yêu thương!
                                           
                                                     Hà Nội, tháng 5- 2016.