Nhân ngày giỗ Cụ, xin treo lên đây ít dòng hồi ức về Người- Trích trong "Chuyện đời tự kể":
"Tôi biết chữ từ khá sớm- chừng 4, 5 tuổi gì đấy tôi đã lỗ mỗ đọc được những chữ to trên các báo Thời Mới, Nhân Dân vẫn thường có ở hàng cắt tóc của bác Phẩm. Người thày đầu tiên dạy tôi đọc chữ chính là ông nội tôi. Ông nội tôi hồi đó khoảng hơn sáu mươi tuổi (ông tôi sinh năm Mậu Tuất- 1898) nhưng còn khoẻ, lưng vẫn thẳng, răng chưa rụng cái nào, đọc sách không cần dùng kính. Người ông dong dỏng cao, trán cao, mắt sáng, ông để một chòm râu dài, tôi vẫn nghĩ ông hơi giống Bác Hồ. Thời trẻ, ông tôi- cũng theo gương các bậc tiền bối trong họ là theo Nho học. Tuy nhiên, do thời cuộc, Nho học ngày càng thất thế và đến năm 1919 đã là kỳ thi cuối cùng nên ông tôi không kịp tham gia. Vì vậy, ông tôi phải chuyển sang học quốc ngữ nhưng chắc là không được bài bản lắm rồi đi làm thày đồ, thày ký… Cũng bởi vậy, về nho, y, lý, số ông tôi đều nắm được. Thường một ngày ông tôi dành buổi sáng để đọc sách và viết lách. Sách ông tôi đọc là sách chữ nho- những quyển sách đóng bằng giấy bản dày đặc những chữ là chữ. Gần Tết ông cũng bận rộn hơn vì phải viết “lá nhãn” và câu đối bán Tết. Lá nhãn theo tôi hiểu đó là một tờ lịch viết bằng chữ nho và chủ yếu bán cho số Hoa Kiều hay người Trại ở trong rừng. Gần Tết ông tôi lấy từ trong tủ ra một tấm gỗ hình tròn sơn màu mận chín, trên đó có khắc ly ty những hàng chữ nho (sau này tôi được biết đó là “Lịch vạn niên”), ông tôi đối chiếu tính toán gì đó rồi viết ra một tờ giấy đỏ và thế là được một tờ “lá nhãn” dành cho từng năm. Cái này thường bán cho hội bà con Hoa Kiều sống khá đông ở vùng Bến Tắm. Còn câu đối ông tự làm và cũng tự viết theo các kiểu chữ khác nhau để bán, thường là một chữ nho ở trên và một chữ quốc ngữ nhỏ hơn ở bên dưới để dịch nghĩa. Cho đến giờ tôi nhớ được độc một đôi câu đối của ông tôi là: “Ấm no vui Tết nhờ ơn Đảng; Mạnh khoẻ mừng Xuân chúc Bác Hồ”. Đôi câu đối này nhà tôi cũng treo hai bên bàn thờ. Chính tay ông tôi trang trí cái bàn thờ ấy. Ông nhặt nhạnh các mảnh giấy bạc từ bao thuốc ép cho phẳng lại, sau đó cắt dán thành bốn chữ “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” trên nền giấy đỏ treo trên cùng, ngay bên dưới là lá cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, phía dưới là ban thờ và hai bên là đôi câu đối trên. Khi mới bập bẹ biết đọc, tôi đọc được khẩu hiệu ấy nhưng không hiểu ý nghĩa của hai từ Tổ Quốc, chỉ biết đó là một cái gì đó rất thiêng liêng bởi nó được đặt lên trên tất cả những cái gì còn lại cơ mà.
Còn lý, số chắc ông tôi cũng biết. Trong mớ sổ sách của ông mà tôi tò mò lôi ra xem có tập lá số tử vi của tất cả những người thân trong gia đình bằng chữ Nho và đã dịch ra chữ quốc ngữ được vài cái. Đọc những cái này tôi hơi sờ sợ vì có những từ rất xa lạ với một đứa trẻ 9, 10 tuổi như: Tử Vi, Quan Phù, Tử Phù, Thất Sát, rồi Tuần, Triệt nữa… Tôi cứ liên hệ những từ đó với những thế lực nào đó rất hung ác và kỳ bí mà không dám hỏi. Về lá số của tôi, trong cái khung ở giữa tôi thấy có ghi 2 dòng: hay bị đau mắt và đề phòng nạn sông nước. Đối chiếu lại thì thấy đúng thật. Thuở bé tôi hay đau mắt lắm, nhiều lần sưng húp lên không mở được ra, phải lấy nước muối ấm nhỏ vào mới mở ra được. Còn nạn sông nước thì tôi cũng đã hơn một lần nếm thử. Chỉ tiếc là ông lại không cho biết cuộc đời mình sau này sẽ thế nào (Sau này tìm hiểu về Tử Vi tôi mới biết có một quy tắc là trẻ nhỏ dưới 13 tuổi, các cụ chỉ xem cung Tật Ách). Với các em tôi, sau này tôi nghe mẹ tôi kể lại thì ông cũng đã nói trước: “Cái Minh nếu giữ được đến qua 22 tuổi thì mới ổn, còn từ nay đến lúc ấy nó có thể chết bất cứ lúc nào. Còn thằng Bình cũng không thọ đâu”. Những điều này sau đều ứng nghiệm.
(Còn nữa)
Ngày trước các cụ được học hành bài bản nên kiến thức thâm hậu hơn cánh học sau này nhiều lắm. Nhất là về khoa học xã hội và nhân văn. Cũng có lẽ vì thế chăng mà những người có học thủa xưa sống điềm tĩnh, sâu sắc và nhân ái lắm
Trả lờiXóa