Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

GIÁO VIÊN XE TĂNG NGA: "TỚ CHẲNG CÒN GÌ ĐỂ DẠY CÁC CẬU NỮA!"

Không biết vì lý do gì mà các giáo viên của Học viện Kurxư Vư xtrel mang tên Nguyên soái Shaposhnikov thường dành cho các học viên Việt Nam những mối thiện cảm rất đặc biệt. Có lẽ một trong những lý do là tinh thần chịu khó, vượt lên khó khăn để làm chủ trang bị của họ thật là mãnh liệt.
Sự đồng cảm, thân thiện từ trong máu
Tại Kurxư Vư xtrel những đối tượng tiếp xúc với học viên quốc tế nhiều nhất là khối trưởng, các bà má trực nhà và các giáo viên. Trong đó, gần gũi và thường xuyên nhất là giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm thường là giáo viên các khoa cùng chuyên ngành với học viên sang đây học tập. Chẳng hạn chủ nhiệm lớp giáo viên vũ khí và bắn thì cũng là giáo viên khoa "Vũ khí và bắn", chủ nhiệm lớp giáo viên chiến thuật là giáo viên khoa "Chiến thuật"...
Đối với các lớp là cán bộ cấp trung, sư, lữ đoàn thì chủ nhiệm là giáo viên khoa "Chiến thuật". Nhìn chung, giáo viên chủ nhiệm có thời gian tiếp xúc và làm việc nhiều nhất với học viên và là người chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn của lớp học mình phụ trách.
Có lẽ vì vậy mà các giáo viên chủ nhiệm ở học viện này có tính độc lập khá cao và có quyền thay đổi chương trình, nội dung học tập nhằm đảm bảo kết quả học tập cao nhất cho lớp học mà mình phụ trách.
Không biết có phải do tinh thần trách nhiệm thôi thúc hay vì một lý do nào khác song có thể nói các giáo viên chủ nhiệm ở đây luôn luôn gần gũi, thân thiện với học viên, hết lòng chăm lo cho học viên về mọi mặt không chỉ về chuyên môn mà cả những vấn đề khác trong cuộc sống.
Giáo viên xe tăng Nga: Chúng tôi chẳng còn gì để dạy các cậu cả! - Ảnh 1.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (trái) thời còn là học viên của Học viện Kurxư Vư xtrel mang tên Nguyên soái Shaposhnikov. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Biết học viên Việt Nam, Cu Ba phụ cấp thấp, có thày mua tặng học viên sách vở và các loại văn phòng phẩm khác như thước chỉ huy, bút chì màu v.v... phục vụ cho học tập. Do đất của học viện rất rộng nên cho gia đình cán bộ, giáo viên mượn để tăng gia.
Mùa thu hoạch rau củ, có thày còn mang vào tặng học viên từng bao tải. Có thày vừa tặng vở vừa "xui" học viên cách đối phó với quy tắc bảo mật của nhà trường: "Các cậu ghi vào đây để mang về nước mà dùng, chứ ghi vào sổ do học viện cấp cho thì lúc ra trường họ thu lại đấy!".
Nhiều thày còn chủ động kéo học viên tham gia vào những hoạt động vui chơi giải trí trong những dịp lễ hội dân gian của nước mình, vừa làm cho học viên đỡ nhớ nhà đồng thời cũng giúp họ hiểu biết thêm về văn hóa của dân tộc Nga vĩ đại...
Những việc đó tuy nhỏ song đó cũng là biểu hiện của tấm chân tình mà những người đồng đội, đồng chí dành cho nhau. Dường như sự đồng cảm, thân thiện ấy đã có sẵn từ trong máu huyết mỗi người.
Tớ chẳng còn gì để dạy các cậu nữa
Đó là lời than phiền rất thật lòng của không ít giáo viên chủ nhiệm khi dạy chuyên môn cho các học viên Việt Nam.
Vì là đối tượng bổ túc cán bộ, giáo viên nên chương trình học tập được xây dựng trên cơ sở bàn bạc thống nhất giữa hai nhà nước- Liên Xô và nước gửi học viên sang học tập. Đối với Việt Nam, bạn xếp ta vào thành phần "các nước đang phát triển"!
Có lẽ vì vậy mà chương trình học tập khá đơn giản, nhẹ nhàng. Đối với khối cán bộ chỉ huy thì có thể coi như vừa sức vì các đồng chí này phần nhiều trưởng thành qua chiến đấu, ít người được đào tạo cơ bản.
Song đối với đối tượng giáo viên các trường sĩ quan thì có thể nói là chương trình quá đơn giản. Đó chỉ là những nội dung mà ở nhà họ đã và đang dạy cho học viên của mình, thậm chí còn không sâu bằng.
Mặc dù biết như vậy song cũng chẳng ai có ý kiến gì. Trước hết, đó là việc của cấp trên, của hai Nhà nước, nói cũng chẳng biết bao giờ mới đến tai các vị ấy. Hai là, cũng có một chút ích kỷ: "Học càng dễ thì càng nhàn; càng có thời gian đi chơi đây đó và... mua hàng!".
Tuy nhiên, để không lộ chuyện các học viên vẫn phải diễn như thật màn chịu khó học tập của mình: lên lớp thì chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ và cẩn thận, thỉnh thoảng lại thắc mắc đòi giáo viên phải giải thích thêm vấn đề này, vấn đề khác...
Song dẫu cho "diễn" có khéo đến đâu thì chỉ một thời gian ngắn- từ 1 đến 2 tháng- là các thày đều phát hiện ra trình độ thật của đám học viên nhỏ con nhưng láu lỉnh này. Không chỉ qua kiểm tra các nội dung lý thuyết mà cả các bài kiểm tra thực hành, kết quả của họ cũng rất cao.
Thì có gì lạ đâu, giáo viên kỹ thuật chuyên ngành ở nhà cũng đã lái, bắn đến "mòn cả tay" rồi, không chỉ làm mẫu cho học viên mà thỉnh thoảng còn được tập huấn nâng cao trình độ hoặc bắn, lái trình diễn phục vụ tham quan nên không thành thạo mới là lạ!
Khi phát hiện ra điều đó, nhiều thày thốt lên một cách rất chân thành: "Trình độ của các cậu như thế này rồi thì tớ chẳng còn gì để mà dạy cả!".
Nói thì nói vậy song với tinh thần trách nhiệm cao cả trước nghĩa vụ quốc tế và tình cảm sâu nặng Xô- Việt, các thày chủ nhiệm đều tìm ra cách của riêng mình để bồi bổ kiến thức, kỹ năng cho đám học viên trình độ cao này.
Có thày thì tăng thời gian huấn luyện thực hành: "Ở đây chắc chắn nhiều xe, nhiều dầu, nhiều đạn hơn bên nhà các cậu nên cứ bắn đi, cứ lái đi cho thoải mái!".
Có thày thì sưu tầm thêm những loại tài liệu quý hiếm rồi giao cho phiên dịch dịch cho học viên chép đem về mà sử dụng. Có thầy thì bảo: "Bây giờ các cậu thích học cái gì thì bảo tớ!". Thậm chí, có thày còn "vượt rào" giới thiệu các loại trang bị còn đang ở trạng thái "MẬT" vốn chỉ phổ biến hạn chế.
Giáo viên xe tăng Nga: Chúng tôi chẳng còn gì để dạy các cậu cả! - Ảnh 2.
Xe tăng T-72B3 của Nga tại giải đấu tăng Tank Biathlon.
Chẳng hạn, thời đó xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và một số trang bị nữa mới chỉ đưa vào huấn luyện cho học viên đến từ các nước khối Vác-sa-va hoặc các nước khách hàng đã mua những loại xe này của Liên Xô thì theo yêu cầu của học viên Việt Nam các thầy vẫn đem ra giới thiệu và cho cả lên thực hành sử dụng nữa.
Nỗi khó xử đáng yêu của các thày giáo chủ nhiệm
Có một chuyện nhỏ thôi nhưng cũng gây ra cho các giáo viên chủ nhiệm khối học viên xe tăng Việt Nam chút khó xử mỗi khi kết thúc khóa học. Ấy là chuyện công nhận cấp pháo thủ và lái xe cho các học viên của mình.
Trình độ của học viên thì các thày đã biết cả rồi, các thày đề nghị thế nào thì khoa cũng sẽ công nhận mà thôi. Người được công nhận sẽ được cấp một tấm bằng (диплом) và một tấm huy hiệu. Tấm huy hiệu có hình chiếc xe tăng và dập nổi cấp pháo thủ, lái xe lên đó rất đẹp và nổi bật.
Giáo viên xe tăng Nga: Chúng tôi chẳng còn gì để dạy các cậu cả! - Ảnh 3.
Học viên Việt Nam dự Lễ tiễn mùa Đông cùng gia đình thầy chủ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt
Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh thường làm các thày phải khó nghĩ. Ấy là do quy định phân cấp pháo thủ, lái xe của quân đội 2 nước ngược nhau!
Theo quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam thì pháo thủ và lái xe tăng được phân thành 3 cấp theo thứ tự từ thấp đến cao là: cấp 1, cấp 2 và cấp 3.
Trong khi đó của quân đội Liên Xô thì có 4 cấp xếp theo trình độ từ thấp đến cao là: cấp 3, cấp 2, cấp 1và kiện tướng (мастерны- các bậc thày). Chính việc sắp xếp ngược nhau này làm cho các thày khó nghĩ.
Trong thâm tâm, các thày muốn công nhận học viên của mình đạt cấp 1 song nếu như vậy thì về Việt Nam sẽ bị xem là trình độ thấp nhất. Còn nếu công nhận cấp 3 thì ai từng học ở Liên Xô về người ta sẽ đánh giá rất thấp trình độ này.
Cuối cùng, các thày thường chọn giải pháp "dĩ hòa vi quý" là công nhận trình độ "cấp 2". Như vậy, cả ở Việt Nam và Liên Xô đều ở mức "Khá". Đối với các học viên thì như thế cũng rất phấn khởi rồi.
Ngày nay, dẫu Liên Xô không còn nữa song mối chân tình, sự đồng cảm thân thiện của các thày giáo- những sĩ quan Xô Viết vẫn là một kỷ niệm đẹp trong lòng các học viên đã từng được sang học tập tại Kurxư Vư xtrel ngày ấy.

1 nhận xét:

  1. Ngay từ hồi ấy nước mình đã thật là lãng phí đúng không? Sao không gửi những người có trình độ thấp hơn đi học kia chứ? Thật không thể lý giải được

    Trả lờiXóa