Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Giâu gia xoan

       Ngắm bức ảnh con rồng đất - giâu gia xoan, hình dung nó quẫy đuôi như đang chực vượt qua bờ đất để bỏ ông mà đi, tự dưng thấy nao nao trong lòng...
     Ngày bé, chùm giâu gia xoan là một món quà chợ của mẹ. Cái chùm quả nhỏ, vài quả còn xanh, mấy quả chín ương ương và những quả mọng mầu hồng sẫm, được buộc bằng một sợi rơm hay cái lạt sao mà quyến rũ thế. Mấy anh em xúm lại khi mẹ vừa đặt cái rổ đi chợ về, lấy chùm quả ra chia cho mỗi đứa vài dảnh, đứa bé nhất sẽ được phần nhiều nhất như lẽ tự nhiên ở cái nhà này. Mẹ không quên dành cho đứa đang đi học một phần xứng đáng. Rồi mẹ tất tả lo chuyện cơm nước bữa trưa của cả nhà và những người bạn thợ của bố. 
       Bận phụ việc thổi bễ lò rèn nên nó tắc lẻm hết ngay. Cái Việt thì chỉ nhón vặt một hai quả rồi còn để dành cho đến tận sau bữa trưa, khi bố và mấy chú thợ đã ngáy khò khò sau bữa cơm, mới bày ra bán hàng. Thế là, chỉ cần vài mảnh giấy gập lại làm tiền, có thể mua được nhiều quả nữa từ cái hàng quà của cô em gái kém 2 tuổi. 
       Cái ngày dễ đến hơn nửa thế kỉ rồi...
      Lớn hơn chút nữa, mới biết đến cái cây cho loại quà quê dân dã ấy ở hè nhà ông thợ cắt tóc phố Chợ. Đúng mùa hoa nở trắng trên cây và rụng đầy cánh mỏng manh trên nền đất. Lá ấy, hoa trắng mịn màng ấy, mùi hương ngai ngái ấy, mới biết sao lại gọi là giâu gia xoan.
      Một lần khác, đang là chiến sĩ huấn luyện ở huyện Kinh Môn, buổi đi gánh than cám từ bến sông về, chỉ với mấy hào mà cả tiểu đội được nửa mẹt giâu gia chín mọng của một bà cụ hàng nước bên đường. Món giải khát mấy chục năm rồi mà giờ ngồi gõ những chữ này vẫn còn ứa nước trong miệng...
      Nhưng giờ thì không thấy ai bán nữa, ở đâu chứ phố xá Hà Nội thì không. Trẻ con giờ cũng suốt ngày trong trường, trong lớp và thứ quả quê mùa kia không còn hấp dẫn nữa. 
      Thời gian trôi và mọi sự đã đổi thay rồi...
    Ông giáo già hẳn là phát hiện ra cái thế rồng quẫy này vào lúc ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, sau một hồi cuốc đất, nhặt cỏ. Cứ hay đoán mò thế, vì để trông thấy cái cây trên bờ đất này thì có khi là trước đó rồi, lúc đang phát bờ hay dọn góc vườn kia. Nhưng nó chỉ thành rồng khi ông ngồi nghỉ và cái trí tưởng tượng phong phú, có chất thơ ca bay bổng mới choán lấy tâm hồn ông, Và chắc là ông vui lắm, ông chạy vào nhà lấy máy ra chụp và làm thơ để khoe với bà, khoe với trò, khoe với bạn Tri Ân.
     Chắc là chẳng ai lại đi trồng cái cây ở chỗ cheo leo đến thế. Nó tự đến đấy chứ. Chợt nghĩ, cuộc sống thật nhiều sự bất ngờ, khó đoán định và lựa chọn biết bao. 
     Một thằng bé con nào đó vừa ăn dỗ em gái được vài quả chín, đi qua đánh rơi xuống bờ đường? 
   Một con chào mào vừa sổ lồng nhà ông đầu xóm, vớ được quả chín mọng ăn rồi nhả hạt xuống đây?...
    Hay là... 
   Nhưng dù sao thì cái cây ấy đang có thực. Nó bám cheo leo trên cái bờ đất và thoải mái vung bộ đuôi hoành tráng chờ gió lớn. Mùa hoa, chắc nó là Bạch Long Vĩ chứ chả chơi. Đất lành chim đậu, mà nay rồng đang ghé đến thế này cũng là sự lạ. Chim đậu rồi chim cũng bay đi. Rồng ghé đến rồi thăng cũng là lẽ thường tình. Nhưng dấu vết ấy của Rồng Giâu Gia ở vườn nhà ông giáo chắc sẽ còn mãi trong kho ảnh của Tri Ân Cuộc Đời và trong trí nhớ của đám học trò giờ cũng không còn chơi bán hàng và ăn dỗ em được nữa....

29/9/2016
Đỗ Văn Nghị

1 nhận xét:

  1. Bác viết dung dị mà thấm thía quá. Đọc thôi cũng thấy như đang được hít hà cái vị chua chua, thơm thơm, ngọt ngọt. Ngày bé em cũng mê quả này lắm. Và cũng hay nuối nuối đi tìm nó mà chưa được gặp lại. Cũng ngót nghét 40 năm rồi, từ ngày về Nam

    Trả lờiXóa