Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

ĐỌC “RỪNG ĐÓI” CỦA NGUYỄN TRỌNG LUÂN


Tiểu thuyết “Rừng Đói” của Nguyễn Trọng Luân được đánh số 174 trang. Không lời giới thiệu về tác giả và tác phẩm. Trang trong của bìa 1 in ảnh và lời tác giả: “Cuốn sách này tôi viết tặng những người bạn lính sinh viên cùng tôi ra trận năm 1972”.
Tôi đọc “Rừng Đói” như đi ngang cuộc đời và những sáng tác của tác giả, không biết gì về một Nguyễn Trọng Luân đã từng làm xúc động bao bạn đọc bằng văn xuôi, bằng thơ, bằng nhạc và bằng chính giọng hát của anh. Khép “Rừng Đói” lại, tôi dần dần định hình anh qua tác phẩm và những thông tin tôi tìm trên mạng.
Anh hiện lên trong tôi là một chàng sinh viên vào lính 9/1972 khi đang học năm thứ 3 Khoa Cơ Điện Trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái, từng chiến đấu trên các chiến trường miền Trung, Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cho tới ngày toàn thắng 30/4/1975, từng làm tiểu đội trưởng trinh sát E64/F320A.
Xin trích một đoạn anh viết trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt kỉ niệm 35 năm ngày nhập ngũ được tổ chức ở Thái Nguyên năm 2007 mà tôi gọi là "Bản hùng ca D76":
“35 năm trước. Ngày này 500 chàng trai về đây nhận bộ quân phục khoác lên người để đi ra trận. Đó là những cán bộ công nhân từ các hầm mỏ, những thầy trò từ các trường Đại học xứ Thái, là những chàng trai rời bản làng nương rẫy Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, các sinh viên ở các trường trung cấp, cao đẳng mà bây giờ tôi nhớ. Họ ra đi từ mỏ than Làng Cẩm, mỏ than Phấn Mễ, khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, từ Trường Trung cấp Cơ khí luyện kim, Trường Công nhân Cơ điện Hoàng Văn Thụ, từ Nhà máy điện Cao Ngạn, Trường Trung cấp kiến thiết cơ bản Phổ Yên, Công ty sửa chữa ôtô Bắc Thái, Đoàn địa chất 12, Đoàn địa chất 39, Cơ khí mỏ Cù Vân, các trường: Đại học Y khoa Việt Bắc, Đại học Nông Nghiệp Thái Nguyên, Đại học Cơ Điện Bắc Thái, Đại học Sư Phạm Việt Bắc, Cao đẳng Ngân hàng, Trường CNKT3... và nhiều nữa tôi chưa nhớ hết... Với xuất thân như thế 500 con người ấy được biên chế vào tiểu đoàn 76 F304B Quân khu Việt Bắc và từ hôm ấy D76 mang dáng vẻ một đơn vị của những người tài hoa ra trận”.
Đoạn trích này giúp tôi nhận diện rõ hơn về các nhân vật trong “Rừng Đói”. D76 của các anh vào chiến trường được giao nhiệm vụ đặc biệt chẳng liên quan gì đến chiến đấu mà lại quyết định cho thắng lợi chiến đấu của quân ta: vòng sang đất bạn đào sắn, thái lát, phơi khô, gùi ra bờ sông Pô cô chuyển về cứu đói cho bên nhà, tức là ở Sư đoàn. Những tháng đầu vào chiến trường của các anh là thế. Đi cứu đói mà chính mình đói quay đói quắt. Đến rừng cũng đói. Và lạnh. Và thiếu tất cả những gì cần có cho một đời sống bình thường. Và nhớ… Rồi dù không chiến đấu thì nơi ấy vẫn là chiến trường với đầy đủ những nguyên nhân gây chết, nhất là sốt rét.
Chuyện từ những ngày đầu làm lính đào sắn cho đến khi rời đất bạn hành quân về chiến trường Tây Nguyên của các chàng sinh viên lính D76 được Nguyễn Trọng Luân kể lại thật cuốn hút. Rừng Đói cũng như nhiều chuyện khác anh kể, chẳng có chuyện gì mà vẫn thành truyện, lại là truyện hay, cuốn hút người đọc vào những tình tiết bất ngờ lý thú. Lời cuối truyện của tác giả có đoạn: "Truyện về một tiểu đoàn chưa giáp trận chỉ đi đào sắn cho đơn vị ăn mà đi đánh nhau với kẻ thù ngót 100 ngày không có gì li kì cao siêu cả. Ấy vậy mà những người lính sinh viên thì nhớ mãi. Còn nhớ rõ rệt hơn những trận đánh sau này của đời lính chúng tôi... Tôi cam đoan với các bạn đọc rằng trong đoàn sinh viên mót sắn ngày ấy không người nào chiến đấu tồi cũng như những người sống trở về làm những công dân rất đáng trân trọng".
Riêng tôi, khép trang cuối của Rừng Đói, tôi như nghe giọng nam cao ấm và sáng của Nguyễn Trọng Luân hát bài Người lái đò trên sông Pô cô trong "đêm liên hoan văn nghệ để át cái đói và lấy tinh thần quyết chiến quyết thắng" do Tiểu đoàn tổ chức.
Dòng Pô cô mênh mông với đôi bờ cây xanh biếc vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về các chàng lính sinh viên D76. Nguyễn Trọng Luân có thể còn chuyện để kể tiếp.
Tôi chờ.
Có lẽ cũng nhiều người chờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét