Truyện ngắn – Nguyễn Trọng Luân.
Chả biết ai là người đầu tiên trồng giống cây móc Thép ấy ở làng. Cũng chả ai biết vì sao giống móc Thép ấy biến mất và biến mất chính xác vào lúc nào. Nhưng có một điều chắc chắn là nó cũng mới tiệt giống gần đây thôi. Bằng chứng là sau ngày giải phóng miền Nam nhà ông Thẽm vẫn còn giống móc Thép ấy.
Họ bảo những năm cả nước đói kém vì khủng hoảng kinh tế những thứ cây không ăn trừ cơm được người ta đem chặt đi mà trồng giong riềng, khoai sọ. Cứ cây gì chống đói được là buông xuống đất. Lúc ấy mơ mận móc thép bỗng như xuống hạng. Giống móc Thép này y hệt là mận nhưng quả nó to hơn và ăn giòn hơn và chua hơn. Cây mận ở làng Đầm thường không to như cây Móc Thép. Giống móc Thép này nó trẻ lâu. Ở làng có những nhà có vườn móc Thép cổ thụ vài chục năm tuổi mỗi cây mỗi vụ vài thúng quả. Giống quả này bán chả mấy tiền. Vậy mà xa xưa ở làng Đầm nhà nào cũng có, cứ như nó là giống cây mà các đinh làng đều phải có.
Tháng 3 cuối xuân năm mùi anh Toàn mang hai cành móc thép chiết ở vườn nhà sang nhà ông Thẽm.
- Bác ơi, mai cháu đi tòng quân cháu biếu bác 2 cành móc Thép lấy lộc bác nhé.
Nói rồi anh ra đầu hè nhà ông Thẽm cầm cả cuốc và cái thuổng xuống vườn. Ông Thẽm chỉ chỗ và đứng nhìn anh Toàn trồng hai cây móc Thép ra chiều cảm động. Ở đầu nhà cô Mại con gái ông Thẽm đứng thẫn thờ. Đến tối lại thấy anh Toàn sang nhà ngồi uống nước nhìn ra vườn đầy những con đom đóm anh thưa:
- Trước khi ra đi cháu cũng xin phép nói với bác bá là cháu và em Mại đang tìm hiểu nhau. Cháu đi đánh giặc hoàn thành nhiệm vụ nhà nước cháu sẽ về …
Nói đến đấy thì anh không nói thêm được nữa. Anh quay đầu tìm Mại. Mại đứng nép ở cửa buồng tay bấu vào bức vách kẹt kẹt. Ông Thẽm e hèm mấy lần mà chưa giả nhời anh Toàn. Ông đứng dây gọi, con cái Mại có đi ra đội liên hoan vói anh Toàn thì đi đi. Ông ngồi nhìn ra ngõ, cái Mại và anh Toàn đi đến đâu vệt đom đóm tắt đến đấy. Đêm tháng ba ngai ngái mùi lá non và khói bếp oi oi. Tháng ba làng quê nào cũng đang đói. Lời nói đọi máu. Người nhà quê chỉ thế thôi mà đau đáu xuyên qua cả một đời người.
Cái giống móc Thép thật dễ trồng. Đất làng Đầm rất ưa cho loại cây này. Chỉ hai năm thôi mà 2 cây Móc Thép đã vươn lên vững chãi. Sang năm thứ ba là bói quả. Tán lá đã sùm xòa. Giống cây này rất sâm lá và lá cứ xanh ngắt. Tán lá cây móc Thép làng Đầm xòe bóng rất rộng. Vào mùa quả cây móc Thép che dưới nó là hàng chục con gà vào trú nắng há mỏ thở hì hóp. Cố cả những cơn gà đậu trên cành ngủ gà gật. Năm ấy nghe ta thắng ở mặt trận Nam Lào. Ông Thẽm sai cô Mại hái những quả mới bói đặt lên đĩa, đưa lên ban thờ. Ông bảo làm như thế để cây cối bội thu.
Cũng là mơ mận móc Thép trong vườn nhưng đến mùa xuân thì cái anh mơ là ra hoa sớm nhất. Hoa mơ tàn thì hoa mận nở trắng lăn tăn. Nở muộn nhất là cái anh hoa móc Thép. Hoa trắng ngần và to hơn hoa mận. Cánh hoa dày và bền. Khi hoa móc Thép tàn thì quả mơ non đã bé như cái hạt quả nhót và xanh như lá mạ. Cô Mại ra gốc cây móc thép cành đã cao vượt đầu người nhìn cánh hoa trắng rơi trên thảm cỏ rồi ớc lên cây những giọt mưa li ti đậu lên má buôn buốt. Nhớ đêm chia tay anh Toàn bảo, anh cũng biết người ta trồng hoa hoặc trồng cây gì nhẵn nhụi để tặng người mình yêu, còn anh trồng cây móc thép lùi sùi gai góc quả chua để ngày anh về em ăn dở thì hái quả mà ăn. Mại đấm vào lưng anh thùm thụp.
Đã hơn một năm nay không thấy thư anh Toàn gửi về. Tháng tư móc thép đã vít cành. Quả nó to bằng ngón chân cái xanh lè. Trông rõ là ngon mà cắn vào thì chát xít. Nước quả ứa ra trắng như sữa. Họ bảo cái chất át xít càng đặc thì khi chín lại càng ngọt. Móc thép vàng ươm và giòn tan vào tháng sáu. Nhưng chả mấy ai để chín vì giống quả này khi chín ngọt thỉu đi là hay có bọ. Tháng ấy nóng lắm, hái được một thúng quả thì người vã đầm đìa mồ hôi. Một đêm nghe tiếng chim cú rúc ngoài cây móc thép. Ông Thẽm chạy vào bếp lấy cành củi cháy dở ném vào ngọn cây. Trong đêm lũ đom đóm giật mình chấp chới. Tiếng cú ngắt đoạn rồi đêm lại chìm xuống. Đứng trong hè cô Mại ôm cột khóc. Những con Dơi bay chập choạng, hai cây móc thép ánh lên vết lân tinh theo cánh Dơi bay qua. Con chó nhà Mại cứ quấn lấy chân cô chủ ư ử mà không dám sủa.
Sáng sớm, nhìn hai cây móc Thép quả lúc lỉu vàng căng căng cả nhà ông Thẽm ai cũng thích. Lũ thanh niên gặt chiêm rẽ vào vườn ngồi nghỉ mang cả dúm muối ớt rồi hái móc Thép ăn rau ráu. Chúng nó đấm vai nhau móc thép anh Toàn quả to mà giòn thế chị Mại ơi. Mại nhìn lũ bạn cười tứa nước miếng. Đêm nào Mại cũng mất ngủ. Nhất là mùa móc Thép ra hoa và lúc móc Thép đã vàng ươm ngoài vườn. Mùi rơm ướt mùi thóc lép mục rải ngoài vườn đánh đống dưới hai gốc cây ngai ngái. Những đụn rơm nhấp nháy lân tinh như sao. Khi làng xóm đã ngủ say là Mại ra hè kéo cái ghế con ngồi thẫn thờ nhìn ra hai cây móc Thép. Một đêm, Mại thấy con chó nằm ở đầu nhà gừ gừ rồi chạy bổ ra vườn. Mại thấy có người đi vào vườn. Cái bóng người đội mũ cối đeo ba lô đến gốc móc Thép. Người ấy hạ ba lô hái quả vào mũ cối rồi mở ba lô đổ vào. Đoạn, bóng đen khoác ba lô đi ra ngõ. Bóng đen đi đến đâu cả dòng đom đóm theo đến đấy. Mại ngồi đơ người như mê. Lúc bóng đen khoác ba lô đi đến cổng thì chị nhận ra đấy chính là anh Toàn. Mại vùng dậy gọi anh Toàn ơi mà không đứng lên nổi. Con chó quấn quýt cắn gấu áo Mại lôi chị đứng dậy. Mại ứ ứ mãi nước mắt ràn rụa. Gần sáng hôm ấy trời đổ mưa rào. Hai cây móc Thép trút quả xuống gốc như người vừa mới tuốt cành, lá xanh bay tơi tả.
Chị Mại đổ ốm. Vợ chồng ông Thẽm ra trạm xá nhờ ông y tá vào tiêm. Ông y tá cho Mại kẹp cái cặp sốt hồi lâu rồi ngạc nhiên bảo, rõ lạ! cứ như ma làm, nhiệt độ vẫn chưa đến 37 độ mà sao mồ hôi lại mướt mát và mặt đỏ như đi gặt chiêm? thế là thế nào? Ông Thẽm thì thầm với ông y tá. Ông Y tá đeo túi ra về nói với lại đủ hai người nghe. Thôi tôi cho mấy viên B1 rồi, đừng cúng bái làm gì bệnh thêm nặng đấy ông ạ. Hai hôm sau Mại lại đi gặt như thường. Nhưng ai cũng bảo cái nhà con Mại này má cứ đỏ như gái dậy thì. Mại buồn buồn rồi nói. Từ ngày anh Toàn anh ấy đi bộ đội thế là em mất mất đoạn dậy thì. Ôi, hóa ra khắp quê hương đất nước mình bao nhiêu là con gái không có dậy thì. Dậy thì chỉ để làm quà chờ đợi người ra trận trở về. Nói rồi Mại òa khóc. Cả ruộng gặt chả ai nói gì nữa, cái nắng tháng sáu đổ hoa cà hoa cải trên cánh đồng toàn là đàn bà không có đàn ông.
Ở làng Đầm có hai giống cây hồn cốt của thâm sơn bản địa là quýt và móc Thép. Người tứ xứ đến đây đều phải xít xoa vì quýt ngọt và móc thép chua giòn. Khách vãng lai đều tấm tắc khen cái không khí mát lành những gò cọ và đầm sen ngan ngát. Cũng chả biết từ bao giờ và vì sao người nơi này ít xê dịch ít bỏ quê ra đi, họ cứ nhẫn nhịn làm lấy ăn lấy, cứ chung tình, cứ yêu cái nếp sống cũ rồi coi đấy là một thứ đức tính tốt chả cần bon chen đổi mới, mà giữ lấy bản sắc quê hương.
Có một đêm mưa to lắm. Đợi mưa tạnh ông Thẽm đội nón cầm bó đóm đi soi ếch. Vừa ra khỏi sân ông trượt chân ngã bệt đít xuống đất ướt. Bó đóm tắt phụt. Đúng lúc ấy ông thấy có bóng người từ gốc cây móc Thép đi vội ra cổng rồi biến mất. Ông Thẽm quát to. Đứng lại. Ông nhìn rõ ra dáng là anh bộ đội đeo ba lô đầu không có mũ. Làng xóm vẫn im lìm. Lạ thế.
Kể từ ngày anh Toàn đi ra trận, hai cây móc Thép cũng đã 3 năm có quả thì có tin báo tử anh Toàn gửi về xã nhà. Ngày người ta làm lễ truy điệu anh Toàn ở sân kho HTX ông bà Thẽm bảo chị Mại xé miếng vải xô trắng buộc lên cành cây. Lúc ấy đang mùa xuân. Hoa móc Thép trắng xóa, miếng khăn tang cho hai thân cây vẫy vẫy như hai cánh tay tung lên trời tơi tả những cánh hoa trắng liệm vào trong gió. Từ hôm ấy đêm nào con chó cũng cắn chõ ra vườn. Tiếng tu hú ở vườn nhà bên cứ hướng về nhà cô Mại mà kêu hưng hức.
Người ta bảo thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương trên đời. Ấy thế mà thời gian ở làng Đầm này thì mang theo cả không gian ăm ắp những kỉ niệm khiến vết thương chia lìa như thêm mưng mủ. Mỗi năm nhìn hoa trắng trong vườn phơi phới bay là cô Mại con gái ông Thẽm thấy như mình đang chít khăn tang. Mỗi mùa quả móc thép vàng ươm nắng hè là cô Mại thấy như nước mắt chua chát ứa lên cả miệng. Nỗi ám ảnh người chết trẻ cứ triền miên ở hai cây móc Thép đang xum xuê cành lá nơi vườn nhà cô Mại. Ông bà Thẽm đau lòng nhìn con gái mỗi ngày mỗi héo hon. Có hôm bà Thẽm nói với ông, hay ta chặt hai cây móc Thép đó đi ông ạ. Ông thừ người, cây có tinh có tướng như người đấy bà ạ. Chỉ nhời thề bồi của con trẻ mà thành tinh thành nanh nơi hai cây móc Thép đấy.
Một năm sau có người dạm hỏi cô Mại. Dạm hỏi buổi sáng thì buổi tối cô Mại tru lên khóc, ôm lấy gốc cây móc Thép mà vật vã. Cô bảo thấy anh Toàn về, anh ấy chả nói chả rằng cứ ngồi dựa gốc cây nhìn Mại. Người nhà giai xin rút cau trầu vì sợ thần ma liệt sĩ ám vào. Ít lâu sau lại có người làng xa đến ngỏ lời xin dạm cô Mại. Lúc mọi người đang trò chuyện trong nhà thì cô Mại tóc vương vào cành móc Thép gỡ mãi không ra. Cả xóm xúm vào gỡ rối không được đành lấy kéo cắt soạt mớ tóc dài như nhung của Mại. Cô Maị giống như người con gái bị gọt đầu dở. Thương lắm.
Chả hiểu sao người đàn bà lại luôn luôn khổ hơn đàn ông, mà thế gian luôn ca ngợi là phái đẹp. Phải nói sự khổ đau đời người khổ đau xã hội tột cùng luôn trút lên đàn bà hệt như đàn bà là chỗ trũng của thế sự nhân gian. Đời con gái ngắn lắm. Ấy vậy mà những người con gái đất nước li loạn chiến tranh lại càng ngắn hơn. Họ không kịp dậy thì, không kịp trưởng thành về sinh lí đã phải thành người đàn bà góa phụ. Họ góa phụ ngay cả trong mong mỏi tình yêu khi tuổi xuân còn đang nở. Cô Mại đêm nào cũng thấy anh Toàn về bần thần đứng dưới hai gốc cây móc Thép mà nhìn vào trong gian trái phên liếp mốc thếch ngai ngái mùi ẩm mốc. Trong cái trái buồng ấy chỉ có vài lá thư của anh Tòan gửi về thấm đầy nước mắt là mùi còn thơm hơn cả. Hàng đêm cô Mại khóc đầm đìa trên cái gối thêu hai con chim con bay con đậu bằng vải phin trắng nay đã thành màu cháo lòng tự hào mình rất thủy chung với anh Toàn. Chi đoàn thanh niên, xã đội dân quân cuộc họp nào cũng nêu gương đồng chí Mại. Cô Mại là người nữ chiến sĩ nữ đoàn viên bốn tốt, phụ nữ ba đảm đang. Nhưng chỉ Mại là biết Mại đang thủy chung với bóng ma anh Toàn và hai cây móc Thép. Mại không thể lấy ai nữa. Mại thấy đàn ông nào cũng không bằng anh Toàn và mỗi khi có ai đến dạm hỏi thì lại thấy anh Toàn về đứng như lính canh dưới bóng cây sần sùi lúc lỉu loại quả chua vàng ênh ểnh. Ông Thẽm thương con lắm, ông quyết định mang dao ra vườn đốn hai cây móc Thép đó đi. Hôm ấy Mại đi cấy chiêm. Hoa móc Thép đang trắng cành, nó bung những đốm trắng bay thật nhẹ lên tóc bạc ông Thẽm. Khi con dao vừa chạm gốc cây thì dòng nhựa tứa ra như máu và mắt ông Thẽm hoa lên. Ông ngã vật ra đất. Người ta khiêng ông vào nhà, ông thầy phải đốt 3 chang ngải cứu vào nhân trung và thái dương ông mới tỉnh. Từ hôm ấy ông đổ bệnh chả nói năng gì. Bà Thẽm gầy rạc người đi cắt thuốc làng trên xóm dưới nâng giấc cho ông. Ở trạm xá người ta bảo ông Thẽm bị đột quị, còn trong xóm họ bảo ông bị ma làm. Chắc chắn là hồn ma ở cái cây móc Thép nó vật. Hai cây móc Thép càng xanh tốt và năm ấy quả lại càng sai trĩu trịt. Cô Mại càng tin rằng anh Toàn anh ấy giữ mình không cho đi lấy chồng. Cô lại càng tin là cây móc Thép có tinh có linh hồn, không thể làm cho nó chết được. Cô nghĩ mung lung, rằng mình sẽ chết già cùng hai cây móc Thép thủy chung ấy.
Ông Thẽm không đốn hạ được hai cây móc Thép trong vườn của mình. Ông sinh ốm đau vì mình vung nhát dao chém vào lời thề con người. Ông nghĩ, khi con người có ý định hoặc dùng dao búa chém vào lời nguyền thủy chung thì cũng sẽ bị báo ứng. Càng nghĩ ông Thẽm càng buồn bực cho mình lắm. Nhưng ông thương con gái vô cùng, ông biết con gái mình bị ám vào nỗi nhớ thương người liệt sĩ tên Toàn. Càng nghĩ lòng ông càng quặn thắt.
Nhưng sự đời hay lắm, mọi nhiễu nhương thế sự bịt đằng này nó phình ra đằng kia. Suy cho cùng mọi lẽ ở nhân gian luôn luôn xích dần về phía công bằng. Làng Đầm có quýt ngọt và móc Thép chua giòn mà các làng khác không thể mang giống về trồng ở làng mình được. Hai thứ cây ấy hình như chỉ dành riêng cho làng Đầm, nó trở thành nỗi hãnh diện của người làng này đó thôi. Chuyện làng đằng sau những lũy tre xanh giản đơn bao nhiêu thì nó lại càng đi xa và day dứt bấy nhiêu. Những lời nói kiểu làng quê là sự cô đặc hàng ngàn năm những âm thanh thương yêu hờn ghét của con người. Năm ấy sau cái đận kí kết Hiệp định thì làng Đầm dấy lên chuyện phá đình phá chùa. Cái đình làng to tướng nguy nga bao đời nay bỗng bị kéo đổ sụp xuống giữa mùa tháng ba giáp hạt. Ông Chủ tịch Xã oai phong đeo xà cột tay đánh trống mồm hô hét dân quân tháo dỡ đình làng. Lúc mái đình hạ xuống cũng là lúc gà lợn trâu bò chó mèo làng Đầm đồng thanh tru lên thảm thiết. Không ai biết chính xác những cái sắc phong ở trên hậu cung họ bỏ đi đâu mất. Có người bảo họ lưu vào chỗ “công văn đến và đi” ở nơi Ủy Ban Xã. Cũng có người bảo những ông lãnh đạo cho rằng mấy thứ giấy tờ đó là mê tín dị đoan cần phải thiêu hủy. Chỉ biết một điều chính xác là sau lần phá đình ấy thì tất tật các vườn quýt vườn móc Thép trong làng đều tự nhiên lụi dần mà chết. Sự biến mất lặng lẽ và cũng từ từ. Cả cái đầm nước rộng tới cả trăm héc ta cũng tự dưng cá nổi nhập nhội vài ngày rồi chết trắng cả mặt nước.
Thế là ông Thẽm hết lo lắng. Từ nay hai gốc cây ma ám vào con gái mình không còn nữa. Con gái ông sẽ đi lấy chồng. Cuộc sống của nó còn ở đằng trước chứ đâu ở đằng sau. Mọi cái rối rắm đã lùi lại đằng sau, như ông như anh Toàn như bao nhiêu huy hoàng rồi cũng chỉ là lót đường để con cháu nó đi lên. Sau giải phóng ít lâu hai cây móc thép lặng lẽ khô cành héo lá. Nó cũng héo tàn thật âm thầm, nó biến đi giống như bao nhiêu cây cối tươi xanh nơi làng quê vốn hàng trăm năm xanh tươi rồi cũng phải tàn lụi. Quả thật cây cối cũng như con người, nó có hồn có tâm có tướng có tinh và nó cũng biết buồn vui với nhân tình thế thái. Hai cây móc Thép nhà ông Thẽm lụi rồi. Vài năm sau ông bà Thẽm cũng về với tiên tổ và chị Mại cũng đi làm lẽ một người thợ nề dưới xuôi lên tá túc lại làng Đầm. Bây giờ lũ trẻ lớn lên ở làng chả đứa nào biết giống cây móc Thép thế nào, chỉ biết mận tam hoa mận hậu bán ê hề ngoài chợ.
Người làng Đầm kể, cái nhà chị Mại lúc đi lấy chồng sửa hai cái lễ. Cái lễ thứ nhất khấn cha mẹ ở trong nhà. Còn cái lễ thứ hai thì chị cúng ngoài vườn, chỗ hai cây móc Thép đã lụi khô như hai con trâu nằm trấu đầu vào nhau nhai cỏ. Họ kể, gớm cái nhà chị Mại khấn vái rõ là lâu. Người làng còn truyền tai nhau lời chị Mại khấn ngoài vườn thương lắm. Chị ấy khấn rằng. Anh ơi thôi thì anh đi với anh em đồng đội của anh đi. Nhớ quê thì về phù hộ cho mồ mả cha mẹ bền trên chặt dưới, cho xóm làng tốt tươi. Em đi đây. Em chào anh. Cuộc đời anh và cuộc đời các đồng đội của anh đẹp lắm. Các anh là những người chỉ biết hiến dâng để rồi hưởng thụ khói hương. Em thương các anh lắm. Anh Toàn ơi.
Mùa mận chín Tháng 6/ 2021- Nguyễn Trọng Luân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét