Tỉnh Hải Dương (xứ Đông ngày xưa) vốn là một vùng " Địa linh Nhân kiệt" rất giàu truyền thống khoa bảng. Trong các khoa thi từ năm 1076 - 1919, nơi đây đã có 616 người đỗ tiến sĩ và 8 người đỗ trạng nguyên. Hải Dương là tỉnh có đơn vị cấp phủ huyện và cấp làng xã có số người đỗ tiến sĩ cao nhất cả nước. Làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang) có 36 người đỗ tiến sĩ được vua phong là Làng Tiến Sĩ hoặc Nhất gia bán thiên hạ. Làng Vạn Niên (Nay là khu Nhân Hưng, Thị Trấn Nam Sách) có 2 người đỗ trạng nguyên đồng triều được vua phong là: Ấp Trạng Nguyên. Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đều là người tỉnh Hải Dương và rất nổi tiếng trong lịch sử Văn Học nước nhà.
Tỉnh Hải Dương còn là nơi trấn giữ, đất phên giậu phía đông Thăng Long xưa, Thủ Đô Hà Nội ngày nay. Hàng nghìn năm chống giặc phương Bắc, nhân dân Hải Dương đã góp phần viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Hải Dương có con sông Thái Bình là con sông lớn duy nhất ở miền Bắc nước ta bắt nguồn từ nội địa. Với sáu con sông đổ vào thượng lưu nên sông Thái Bình có lượng phù sa lớn đứng thứ 3 sau sông Hồng Hà và sông Cửu Long. Chính vì thế mà đồng ruộng của Hải Dương luôn mỡ màu, vùng châu thổ luôn trù phú, trên bến dưới thuyền và hun đúc nên tính cách của người Hải Dương như: Cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; Lịch lãm văn minh trong giao tiếp ứng xử. Đất Hải Dương không chỉ là vùng đất dụng võ mà còn là một vùng văn chương nổi tiếng tài hoa sáng tạo, bảo lưu và gìn giữ các loại hình văn hóa dân gian, mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của nhiều thế hệ sống và gắn bó với nơi đây. Bởi thế, thời nào Hải Dương cũng có người hay chữ và hay thơ. Thời nào cũng có nghệ nhân đàn giỏi hát hay. Có thể nói Hải Dương là một trong những cái nôi văn hóa dân gian của nước ta từ ngàn xưa đến ngày nay.
Với bề dày truyền thống và vùng văn hóa văn nghệ rộng lớn như vậy, nên người Hải Dương rất yêu Thơ Ca và có nhiều người làm thơ, nhiều người ca hát. Hiện nay, tỉnh Hải Dương có rất nhiều CLB Thơ hoặc CLB Văn Nghê. Có thể nói, ở hầu hết các xã phường trong tỉnh đều có CLB Thơ hoặc Ca Múa Nhạc. Tiếng thơ tiếng hát ngày xưa trong chiến tranh đã át tiếng bom thì ngày nay lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn trong lao động sản xuất và phổ biến các chủ trương chính sách của nhà nước tới mọi người dân. Thơ Ca đã thực sự đi vào cuộc sống và là nhu cầu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người, nhiều tâng lớp dân cư của tỉnh Hải Dương.
Đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của người yêu thơ ca, sáng tác thơ ca ở tỉnh Hải Dương. Ban Đại Diện TTNCBT&PHTCĐV tỉnh Hải Dương đã vận động, tập hợp những người sáng tác thơ, những người sáng tác và trình diễn ca hát văn nghệ ở các phường xã thuộc TP Hải Dương, TX Kinh Môn và huyện Nam Sách thành lập nên THI HỘI THƠ CA ĐẤT VIỆT TỈNH HẢI DƯƠNG. Đây là một Thi Hội cấp liên huyện và trực thuộc TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN & PHÁT HUY THƠ CA ĐẤT VIỆT. Thi Hội Thơ Ca Đất Việt Tỉnh Hải Dương hiện có gần 150 cán bộ hội viên, sinh hoạt trực tiếp ở các CHI HỘI THƠ CA ĐẤT VIỆT cấp Thành phố, Thị xã hoặc huyện. Hiện nay Thi hội TCĐV tỉnh Hải Dương đã bắt đầu hoạt động và dần đi vào ổn định.
Trong ấn phẩm THƠ CA ĐẤT VIỆT này, Thi hội TCĐV tỉnh hải Dương xin trình làng một số tác giả sáng tác thơ. Nếu điều kiện cho phép, trong buổi ra mắt tới đây chúng tôi sẽ trình làng các tiết mục Văn Nghệ trên tinh thần :
« Tự ta làm lấy Văn Công
Tự ta son phấn má hồng cho vui »
Do hạn chế về thời gian nên việc biên tập còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên những bài thơ của các tác giả Thi Hội TCĐV tỉnh Hải Dương sẽ là những bông hoa đồng nội nhiều hương sắc, đóng góp một phần vào vườn hoa THƠ CA ĐẤT VIỆT rộng lớn và rực rỡ sắc màu.
Hải Dương, ngày 22-12-2022
Tạ Anh Ngôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét