Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

KHÓA 23 KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG Đ H S P CỦA CHÚNG TÔI


      Các bạn khóa khác thường nói với chúng tôi:” Thầy cô nào cũng ca ngợi khóa 23 của các anh các chị. Có thầy còn bảo đó là Khóa vàng của trường ta”. Rồi các bạn lại nói thêm: “ Chắc hồi đó các anh chị học giỏi và đa tài lắm nhỉ”? Biết trả lời sao đây? Chỉ biết rằng, chúng tôi, những sinh viên K23 ( 1973-1977), Khoa Ngữ Văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội rất tự hào về khóa mình và thường bảo nhau “ Khóa chúng mình là một khóa đặc biệt trên nhiều lĩnh vực”.
     Nếu các khóa trước, khi mới vào có nhiều bạn nam nhưng dần dần họ nhập ngũ gần hết để nhớ để thương cho bao nữ sinh với mối tình đầu đẹp như mơ. Thì đến khóa chúng tôi, khi mới vào chỉ có mấy anh nam là cán bộ đi học và vài ba bạn nam hoặc là thấp bé nhẹ cân hoặc là gia đình đã có nhiều anh chị tham gia chiến trường rồi. Chủ đạo trong các lớp là những nữ nhi chân yếu tay mềm.Tuy vậy, chúng tôi vẫn học tập, lao động, văn nghệ rất xuất sắc. Thế rồi sau giải phóng miền Nam, một số lượng khá lớn các chiến binh từ khóa trước, chiến thắng giặc Mỹ trở về bổ sung vào các lớp. Sự kiện ấy đã thổi vào khóa chúng tôi một luồng sinh khí mới, rạo rực tươi vui đến thiết tha. Lúc ấy, bọn nữ nhắng chúng tôi truyền nhau câu hát: “ Không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra” rồi nháy mắt cười tinh nghịch. Và một chiến dịch yêu lính chiến về trường nổ ra mới rầm rộ làm sao. Nhiều cặp nên duyên chồng vợ từ đó.
     Điều đặc biệt nữa (có lẽ) là chỉ duy nhất khóa chúng tôi lúc thi đầu vào có bạn (Trần Hòa Bình) được các thầy cô chấm cho 10,5 điểm Văn. Cũng có thể chỉ riêng khóa chúng tôi khi tốt nghiệp có đến 8 thủ khoa:Phạm Trung Trực, Lê Thị Bình, Hoàng Văn Cần, Hà Bình Trị, Nguyễn Văn Hóa, Phùng Ngọc Kiếm, Bạch Văn Hợp, Trần Thị Trâm, Nguyễn Thu Minh.
     Khóa chúng tôi có một số lượng không nhỏ các bạn, khi ra trường đã vào Nam nhận nhiệm vụ. Theo số liệu chưa đầy đủ, không dưới 100 giáo sinh khoá chúng tôi, được phân công công tác vào miền Nam. Bạn Đinh Thiên Hương viết ở trang K23 Khoa Ngữ Văn Đại học sư phạm: “ Đây là cuộc “hành binh…Nam tiến” vô tiền khoáng hậu, “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, tất cả vì sự nghiệp giáo dục thống nhất non sông. Chúng ta đi bằng một chuyến tầu ánh sáng văn hoá - ánh sáng Văn khoa ĐHSP1. Những người đi năm ấy, chủ yếu vào nhận công tác đào tạo đội ngũ giáo viên ngữ văn ở các trường : Trung cấp sư phạm, Sư phạm cấp 2-Cao đẳng sư phạm, Đại học sư phạm ; dạy ở các Trường Bồi dưỡng giáo viên ; dạy ở các trường Bổ túc công nông (là hình thức tạo nguồn cán bộ, lựa chọn từ đội ngũ cán bộ sau kháng chiến để ươm hạt giống đỏ cho Đảng và Nhà nước - đúng như chỉ dẫn và mong ước mà Bác Hồ đã viết trong Di chúc). Tức là chúng ta đã cống hiến tri thức, tâm huyết trong những “cỗ máy cái” và các trung tâm đào tạo cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Buổi đầu làm công việc này, dù cơ sở vật chất tốt hay ở những nơi khó khăn “nước lã mà vã nên hồ”, thì anh chi em chúng ta cũng phải gồng mình, nỗ lực….Rất nhiều người trong chúng ta nhờ thế mà trưởng thành vượt bậc suốt từ ngày ấy đến bây giờ. Ai cũng có nhiều cống hiến và sáng tạo.”*
     Một số người trong Khóa chúng tôi được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu cũng đều làm tốt nhất công việc của mình, các anh chị đều trở thành PGS, TS, thành Trưởng các bộ môn mà mình đảm nhiêm như anh Phùng Ngọc Kiếm, Lê Lưu Oanh, Nguyễn Thị Lương…
     Khóa chúng tôi, có nhiều người làm cán bộ quản lý các cấp rất xuất sắc như: Nguyễn Chí Bền, Hà Bình Trị, Bùi Mạnh Nhị, Đào Thị Khương,Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Thu,Nguyễn Đức Khảm, Vũ Xuân Quang, Bùi Thị Ngọc Dung…Lại có những người dù đã vào tuổi 70 rồi vẫn làm cán bộ quản lý các trường THPT tư thục bằng năng lượng tích cực dồi dào và tinh thần nhiệt huyết cao như chị Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Tâm
     Khóa chúng tôi có 5 Nhà giáo ưu tú:
1.GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam ; nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương , nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 1,2,3
2. PGS - TSKH Bùi Mạnh Nhị -nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước
3. PGS-TS Lê Lưu Oanh - Giảng viên Lý luận văn học, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn ĐHSPHN
4. Nguyễn Đức Khảm - nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Ninh
5. Vũ Xuân Quang- nguyên Hiệu trưởng THPT Chuyên Biên Hòa - Hà Nam
     Đặc biêt khóa 23 có khá nhiều Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình nghiên cứu văn học nổi danh, lưu lại những tác phẩm để đời như: PGS - TSKH Bùi Mạnh Nhị, PGS - TSTrần Thị Trâm, Nguyễn Thị Mai, Vũ Bình Lục, Trần Hòa Bình, Nguyễn Thị Bắc…. PGS, TS KH Bùi Mạnh Nhị - một nhà khoa học nghiêm cẩn với nhiều đóng góp cho ngành giáo dục và ngành Folklore học đã cho ra đời một khối lượng công trình nghiên cứu khá lớn. Trong đó có những công trình đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu của nền văn học dân gian nước nhà như: “Sen tháp Mười – ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Bùi Mạnh Nhị, NXB TPHCM, 1980), “Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường” (Bùi Mạnh Nhị Sở giáo dục tỉnh An Giang xuất bản, 1988), “Ca dao dân ca Nam Bộ” ( Bùi Mạnh Nhị, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh , NXB. TPHCM, 1984) , “Truyện cười dân gian Nam Bộ” (Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Tấn Phát, Trần Vĩnh, NXB TPHCM. 1988), “Văn học dân gian những công trình nghiên cứu”, Bùi Mạnh Nhị chủ biên (NXB GD, 1999), “Văn học dân gian những tác phẩm chọn lọc”- Bùi Mạnh Nhị chủ biên (NXB GD, 1999). Ngoài ra, anh còn tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, lớp 10 và một số bài viết của anh được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 3, Ngữ Văn lớp 6 tập 1, tập 2. Nói như PGSTS Trần Thị Trâm thì Bùi Mạnh Nhị luôn “vượt lên trên chính mình, để trở thành một nhà quản lý giỏi giang, tâm huyết, nhân hậu, một trí thức tinh hoa - một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ trí thức Việt Nam sau 1975”*,Mới đây, Bùi Mạnh Nhị lại cho ra đời một tác phẩm đóng dấu vào thời gian : TRANG SÁCH TRANG ĐỜI. Cuốn sách được GS, TS Nguyễn Chí Bền và PGS, TS Trần Thị Trâm tâm đắc giới thiệu cùng bạn đọc gần xa. Rất tiếc là Bùi Mạnh Nhị vừa rời cõi tạm để về miền mây trắng. Nhưng chúng ta tin rằng các tác phẩm của anh sẽ còn sống mãi với thời gian và hình ảnh anh, một người thầy tâm huyết, một Nhà khoa học nghiêm cẩn sẽ còn mãi trong lòng bầu bạn, trong lòng nhiều thế hệ học trò và những người biết anh. Tôi nhớ tới một câu thơ của anh đã được phổ nhạc: “ Một vầng trăng không úa giữa Ngân Hà đang trôi”
     PGS TS Trần Thị Trâm, một tài nữ của K23 chúng tôi. Chị vừa có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, vừa khá am hiểu về âm nhạc. Những bài giới thiệu của chị về các nhạc sĩ : Hoàng Vân, Trần Tiến, Phó Đức Phương khiến ta đọc mãi vẫn thích. Chị còn là một trong những người tổ chức và kết nối sự hội tụ của khóa. Chị không chỉ là một Nhà giáo được nhiều thế hệ sinh viên của Học viện Báo chí tuyên truyền ngưỡng mộ mà còn là một nữ văn sĩ có sức đọc và sức viết thật đáng nể. Chị đã xuất bản đến 10 đầu sách mà cuốn nào cũng rất giá trị như: Văn học và báo chí từ một góc nhìn (Tiểu luận Phê bình, NXB Thanh niên Hà Nội, 2003); Hoàng Ngọc Phách, Người đổi mới tiểu thuyết, ( Chuyên khảo, NXB Thanh niên Hà Nội 2003);Từ nguồn cội văn chương( Tiểu luận Phê bình, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006); Phát huy ưu thế văn học trong sáng tạo tác phẩm báo chí ( Chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội, 2008); Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008, lần 1, 2010 lần 2); Văn học dân gian trong xã hội hiện đại( Chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2012); Tiểu luận, Phê bình, (NXB, Hà Nội,2014);Giáo trình Văn học Việt Nam ( Chủ biên, NXB Giáo dục Hà Nội,2017); Tài hoa Việt từ một điểm nhìn( Tiểu luận Phê bình, NXBVăn học Hà Nội, 2021); Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 ( Chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học Hà Nội, 2022). Trong đó, nhiều cuốn sách rất công phu và độc đáo sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian và trong lòng người đọc . Trần Thị Trâm có cách viết rất chi tiết, cụ thể mà lại rất bao quát, khái quát; vừa minh triết chặt chẽ lại vừa tung tẩy phóng khoáng ;rất tinh tế và cũng rất sâu sắc nên thật sự có sức lôi cuốn người đọc . Tôi thường nói với chị, mình tìm thấy bốn Nhà trong mỗi bài viết của Trâm: Nhà văn, Nhà giáo, Nhà báo, Nhà nghiên cứu.
     Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, người phụ nữ xinh đẹp tài hoa đã cho ra đời hàng chục tập thơ thật giá trị. Chị đoạt giải nhất về thơ ngay từ những năm 90 của thế kỉ trước. Nhiều bài thơ của chị được những cây bút chuyên nghiệp và không chuyên viết lời bình thật hay và nhiều bạn đã thuộc nằm lòng từ khi nó mới ra mắt độc giả như: Nhà không có bố, Nhà quê, Bàn tay em, qua hàng trầu nhớ mẹ, lục bát anh và em…Tôi biết nhiều bạn còn cắt những bài thơ của chị đăng báo từ năm 1992 và giữ đến tận bây giờ. Có những bạn còn viết trên facebook rằng: “Tập nào, thơ chị cũng dịu dàng dung dị và đằm thắm đóng dấu thương hiệu Nguyễn Thị Mai” Bản thân tôi cũng rất mê thơ của Mai, nhiều câu thơ tôi chỉ đọc một lần là nhớ mãi: ““Em thì tất tưởi mưu sinh/ Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ” “ Nhà quê còn chút mẹ già/ Đêm đêm thao thức, canh gà ho khan”…;
     Một Nhà thơ nam của Khóa chúng tôi cũng rất đặc biệt. Anh không chỉ nổi danh trong toàn Khóa với điểm thi văn đầu vào, 10,5/ 10 mà còn nổi tiếng trong toàn quốc với nhiều thi phẩm độc đáo, đặc biệt nhất là bài thơ :” Thêm một”. Đó chính là chàng trai xứ Đoài, Trần Hòa Bình, với nụ cười thân thiện, tấm lòng rộng mở, phong cách sống phóng khoáng, lãng tử mà vẫn rất thân thiện gần gũi nên được nhiều người quý mến. Rất tiếc là anh ra đi quá sớm nên chưa có điều kiện để xuất bản những tác phẩm của mình. Phải đến giỗ đầu của anh, người thân và bạn bè mới chung tay xuất bản cho anh hai tập sách: Tập thơ RU HOA SEN, NXB HỘI NHÀ VĂN 2009 TUYỂN TẬP TÁC PHẨM, NXB HNV, 2009( KHỔ 16x26, day 878 trang)
     Nguyễn Thị Bắc quê gốc ở Việt Yên , Bắc Giang lại đặc biệt có duyên với vùng Văn hóa Kinh Bắc. Những tác phẩm của chị như : Thơ Hoàng Cầm với Văn Hóa Kinh Bắc, NXB Hội Nhà văn 2008; 36 búp nụ không hoa, NXB Hội Nhà văn 2010;Văn hóa Kinh Bắc qua hình ảnh cổng làng, NXB Hội Nhà Văn, 2017; Khoảnh khắc đam mê, NXB Hội Nhà Văn 2020. Đặc biệt hai cuốn sách LỄ HỘI VĂN HÓA LÀNG THỔ HÀ, NXB Hội Nhà Văn 2022 và tác phẩm: NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG NXB Văn học, 2023 vừa ra mắt đã có nhiều người đặt mua. Có nơi mua tới 600 cuốn. Trong tình hình văn hóa đọc như hiện nay thì đó quả là một hiện tượng đấy nha. Chị được cố thi sĩ Hoàng Cầm gọi là “ người gái ngoan của Kinh Bắc”. Những người dân làng Thổ Hà của Kinh Bắc cũng rất quý yêu Nguyễn Thị Bắc, coi chị như người con ruột thịt của quê hương. Cho đến bây giờ mỗi lần chị về nơi đó nhiều người vẫn vồn vã : cô Bắc ơi… về với dân làng Thổ Hà đi thôi…Tôi có cảm giác người dân Kinh Bắc ngày nay quý mến Nguyễn Thị Bắc như lính Trường Sơn những năm xưa yêu quý Nhà thơ Phạm Tiến Duật vậy. Nguyễn Thị Bắc còn rất có duyên với các giải thưởng. Chị đạt nhiều giải thưởng : “Tác phẩm tiêu biểu hoặc xuất sắc trong các cuộc thi của Tạp chí Sông Thương, ; giải thưởng của Bộ VH TT & DL; giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Nói như PGS, TS Trần Thị Trâm thì Nhà văn Nguyễn Thị Bắc là “ người sát giải”
     Vũ Bình Lục, “vốn là một sỹ quan đặc công, chiến đấu ở chiến trường khu V gian khổ và ác liệt nhất, là thương binh thời chống Mỹ, di chứng còn nguyên nơi hộp sọ nhức nhối đau, khi trái gió trở trời, lại xuất thân từ thầy giáo Ngữ Văn cấp 3, từng vào Nam ra Bắc, từng làm cán bộ quản lý giáo dục… nhưng anh vẫn có nghị lực và cường độ làm việc phi thường, để có được một kho tàng trước tác đồ sộ của một nhà thơ, nhà văn-nhà nghiên cứu phê bình, khiến thiên hạ phải nể phục cả về lượng và chất !” Anh đã cho ra đời nhiều nghìn trang sách dịch thơ, nghiên cứu, chú giải rất chi tiết và có giá trị về thơ văn chữ Hán Việt Nam thời trung đại. Mới đây, anh lại cho ra đời hai quyển : Giải mã kho báu văn chương ( Thơ chữ Hán Việt Nam thế kỷ XV – nửa đầu thế kỉ XIX, dày tới 1600 trang do NXB Hội Nhà Văn ấn hành) và tác phẩm : Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn (NXB Hội Nhà Văn ). Những tác phẩm kiểu này thường kén độc giả. Tuy nhiên với cách lý giải cụ thể, lối viết dung dị, Vũ Bình Lục đã khiến nhiều độc giả say mê và tâm đắc. Một số người viết lời giới thiệu và bình phẩm đều đánh giá rất cao. Anh Đinh Thiên Hương, khi giới thiệu về cuốn :” Giải mã kho báu văn chương… của Vũ Bình Lục đã khẳng định: “Ở công trình nào, tác giả cũng thể hiện sự uyên bác, cẩn trọng và tài hoa, vừa tiếp thu công lao, tinh hoa của người đi trước, vừa vươn tầm mở lối, để lại những dấu ấn riêng cho muôn mai, mà bụi thời gian không thể phai mờ.” Không chỉ khảo cứu và dịch thơ cổ, Vũ Bình Lục còn sáng tác rất nhiều bài thơ có chất lượng. Anh quả là người toàn tâm toàn ý và tận lực với văn chương mới có thể xuất bản được nhiều cuốn sách đồ sộ đến như vậy!
     Anh Phạm Việt Long trong khóa chúng tôi lại là một người đặc biệt kiểu khác. Anh không phải Hội viên Hội Nhà văn, Nhà thơ chi hết. Anh cũng chẳng viết nhiều và càng không ra sách chi cả. Chỉ một số bài bình văn và mấy bài điếu thôi nhưng anh lại rất nổi tiếng. Có thể nói tất cả những ai đã đọc những áng văn ấy của anh đều nghĩ anh là một Nhà văn gạo cội. Những tác phẩm như: Điếu Hà Tây tỉnh, Điếu Võ Đại tướng quân, Điếu Các anh hùng chiến sĩ Việt Nam, Điếu các Anh hùng, liệt sĩ Khoa văn ĐHSP ,Điếu cụ rùa hồ Gươm, Chúc văn tế Tổ Hùng Vương của anh đều rất xuất sắc. Nó không chỉ chạm khắc vào lòng người mà sẽ sống mãi với thời gian bất tận. Nhiều bạn đọc đã trầm trồ thán phục. Đây là comens của anh Nguyễn Quang Dũng: “Chúc văn nhân ngày giỗ tổ. Điếu văn nhân ngày giỗ Tỉnh, những áng thiên cổ hùng văn này khiến người trong thiên hạ biết nhiều đến Thầy. Thật muôn phần kính phục!” Nguyễn Minh Tranh lại viết về Chúc văn tế Tổ Hùng Vương như sau: “ Lời văn thống thiết lại hùng oanh, thật là áng thiên cổ hùng văn! Con xin bái phục Thầy!” Bạn VanAnh Uong đã trực tiếp so sánh những tác phẩm của anh với Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và khẳng định chắc nịch rằng: “Muội đã đọc bài Điếu Hà tây tỉnh, và bây giờ là bản Chúc văn tế Tổ Hùng vương. Xuất sắc ! Toàn những áng thiên cổ hùng văn, ngang tầm với ngọn bút tài hoa của cụ Nguyễn Trãi. Xin chúc mừng huynh ạ.” Bản thân người viết bài này cũng thích mê ly những bài văn tế của anh. Tôi thấy chất truyền thống và chất hiện đại kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, tự nhiên trong từng áng văn đó, khiến cho mỗi tác phẩm anh viết vừa cổ kính vừa gần gũi; rất hào sảng mà cũng rất bi ai; rất giàu kiến thức về lịch sử, văn học và cũng dạt dào nhiều cung bậc tình cảm. Cứ thế từng áng văn cuốn hút ta đi theo những cảm xúc của tác giả. Với tôi, anh là cây bút viết văn tế độc đáo và xuất sắc nhất thời nay.
     Nhiều người trong Khóa 23 của chúng tôi, dù không là hội viên Hội Nhà văn vẫn sáng tác rất sung sức và có nhiều tác phẩm giá trị được đông đảo bạn đọc yêu thích, ngưỡng mộ như: Đinh Thiên Hương, Vũ Quốc Long, Hồ Thị Bình…Đinh Thiên Hương là người vô cùng tâm huyết với nghề dạy học. Anh luôn tìm ra cách giảng dạy thật sự lôi cuốn với học sinh. Không chỉ giảng dạy kiến thức chuyên môn, anh còn kết hợp giáo dục học sinh bằng những câu nói giản dị mà sâu sắc. Vì thế cho đến ngày nay, khi anh đã nghỉ hưu lâu rồi thì các em vẫn đưa lên facebook “ Ngàn lẻ một câu nói của thầy Hương mà chúng con còn nhớ mãi”. Đinh Thiên Hương còn có hàng trăm bài giảng văn, bình thơ, phê bình nghiên cứu đăng trên các báo và tạp chí uy tín trong toàn quốc.
     Khóa chúng tôi lại có những người chuyển hẳn sang công việc khác nhưng vẫn rất thành công như: Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Xuân Hiên… Nguyễn Thị Tiến, một phụ nữ chân yếu tay mềm, xinh đẹp như diễn viên Trà Giang, một cô giáo đang dạy văn ở trường Cao Đẳng sư Phạm Đà Lạt đã chuyển sang làm người lính rồi lăn lộn bao năm ở đất Lào, cùng đồng đội tìm hài cốt liệt sĩ, tìm tòi các kỉ vật của Liệt sĩ để từ đó tìm ra địa chỉ, tên tuổi cho các anh, đưa các anh trở về với gia đình quê hương thỏa lòng mong ước của những người mẹ già, người vợ hiền son sắt thủy chung. Chị đã ba lần được lên chương trình NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI, khiến bao người xem chương trình rơi lệ vì cảm phục tinh thần, ý chí, nghị lực và nhất là tấm lòng của chị với vong linh các liệt sĩ cũng như thân nhân của các anh. Chị đã xuất bản một tập sách ( Chuyện kể của người đi tìm hài cốt liệt sĩ do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, )khiến ai đọc cũng không cầm được nước mắt. Kể cả giờ đây, khi chị đưa lên trang K23 Khoa Ngữ Văn một chi tiết về gia tài của chị: “Gia tài nghỉ hưu của tôi lưu giữ 5.000 bức thư đồng bào nhờ tìm liệt sỹ, 5.000 giấy báo tử liệt sỹ hi sinh mất tin tức phần mộ.
Hàng trăm lá thư cuối cùng của liệt sỹ...
Bao nhiêu thư bấy nhiêu tâm trạng đau đáu nỗi niềm.
Trong đó biết bao liệt sỹ Hải quân hi sinh bảo vệ biển đảo...
Ta còn nợ các linh hồn liệt sỹ nhiều lắm” cũng thật sự làm ta thêm xúc động, nể phục và yêu quý chị hơn
     Nguyễn Xuân Hiên, đã chuyển từ giáo viên Cao đẳng Hà Tây sang làm kinh doanh. Anh luôn trăn trở tìm cách làm việc chính đáng để trở thành doanh nhân thành đạt mà vẫn giữ một phong cách sống rất giản dị, gần gũi, sâu nặng tình người và thấm đẫm chất nhân văn. Anh không chỉ tri ân các thầy cô mà còn tự nguyện đóng góp nhiều nhất có thể cho quê hương, xã hội và ưu ái thật nhiều với những người khó khăn, bệnh trọng. Anh là người có công lớn trong việc liên kết và tổ chức các dịp hội Khóa, hội lớp của chúng tôi. Cả Khóa chúng tôi yêu mến và tự hào về anh, một doanh nhân có tài và có tâm.
     Khóa chúng tôi còn có những người rất đa tài như Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Lê Đức Cần, Song Bình, Phạm Thị Dừa…Quỳnh Liên vừa hát hay nổi tiếng, (từng đoạt huy chương vàng từ thời sinh viên với những ca khúc: “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”, “ Bóng cây kơ nia”) vừa sáng tác nhạc tài hoa. Ngay từ lần đầu tiên phổ nhạc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử , ca khúc ấy đã được phát trong chương trình những bài ca đi cùng năm tháng. Quỳnh Liên còn là nhiếp ảnh gia có hạng, những tác phẩm chị chụp về phong cảnh Việt Nam được tổ chức triễn lãm ảnh quốc tế đánh giá cao. Còn Lê Đức Cần dù đến nay đã sấp sỉ bảy mươi tuổi rồi mà giọng hát vẫn ngọt ngào du dương đến mê hồn. Phạm Thị Dừa, một cán bộ đoàn năng nổ nhiệt tình ngay từ khi còn là sinh viên, khi ra trường lại dạy trường chuyên, lớp chọn và có nhiều học sinh đoạt giải cao. Song Bình, một người có dáng cao óng ả, rất hợp với những tà áo dài Việt Nam nên nàng chụp ảnh mặc áo dài rất đẹp để tôn vinh vẻ đẹp của trang phục nước nha. Song Bình cũng là một MC rất có duyên. Nàng tham gia dẫn chương trình cho mọi cuộc hội khóa của chúng tôi và nhiều cuộc vui của các Hội khác nữa...
     Một điều đặc biệt nữa là khóa chúng tôi có rất nhiều người đẹp, vẻ đẹp tự nhiên, đằm thắm , dịu dàng duyên dáng từ thuở sinh viên đến giờ đã sấp sỉ 70 tuổi rồi vẫn rất đẹp như: Đinh Lan Phương, Phạm Thị Phương, Lê Thị Vân, Phạm Thị Phượng, Đặng Thị Ngân, Nguyễn Thị Tiến, Hoàng Bạch Liên, Vũ Thị Minh Hoàn, Nguyễn Thị Minh hà, Đoan Lê, Kim Chúc, Nguyễn Thị Mai, Thanh Hà…
Ngoài những người rất đặc biệt kể trên, có lẽ còn nhiều người đặc biệt khác nữa mà tôi chưa nắm bắt được. Nhưng tôi tin chắc rằng, phần đông các thành viên trong Khóa chúng tôi đều là thầy, cô giáo toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Rất nhiều người đã trở thành giáo viên giỏi có học sinh đoạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi các cấp. Nói như bạn Nguyễn Thị Bắc : “ Chúng tôi ai cũng cố gắng để trở thành phiên bản đẹp nhất của chính mình”. Còn tôi, tôi muốn nói rằng: Khóa chúng tôi, mỗi người một số phận khác nhau, với những công việc cụ thể khác nhau và ai cũng có những ưu nhược điểm của một con người. Nhưng chúng tôi luôn nhớ lời Giáo sư Lê Trí Viễn và Đặng Thanh Lê thường nói: “ Khóa các em ( 1973-1977) là một khóa hiếm hoi nhiều năm mới có được. Mong rằng sau khi ra trường các em hãy phát huy tốt nhất khả năng của mỗi người”.vì thế, mỗi chúng tôi đều cố gắng vươn lên để hoàn thiện chính mình, làm tốt nhất công việc và trách nhiệm của mình và chúng tôi có thể tự hào mà khẳng định:
KHÓA 23 CỦA CHÚNG TÔI
MỖI NGƯỜI LÀ MỘT CON NGƯỜI VIẾT HOA

Sao Đỏ 11-6-2023
Song Thu

Ghi chú: Tài liệu tham khảo để viết bài:
1, “Văn K23 yêu dấu của chúng tôi” của PGS, TS, Trần Thị Trâm, bài đăng trong 65 năm sư phạm Văn khoa
2, “ Chân dung Bùi Mạnh Nhị qua “Trang sách trang đời” của PGS,TS Trần Thị Trâm
3, “ Có mấy người tâm tài tận lực được như anh" của Đinh Thiên Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét