Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

(Hồi ký của Thanh Dạ)

Như tôi đã nói trong bài “Tâm sự của một cựu giáo chức”, là làm Nghề Sư Phạm có nhiều nỗi buồn, nhưng cũng không thiếu niềm vui. Tôi muốn nói đến một kỷ niệm vui mà tôi bất ngờ có được từ  đầu những năm 80 của thiên niên kỷ trước. Ấy là vào đầu xuân 1981, khi tôi đang đứng giữa sân ga Hải-Dương để chờ mua vé trở vào Đồng Nai trả phép sau đợt nghỉ tết tại quê nhà, thì thấy xuất hiện trước mặt một sĩ quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đứng nghiêm, mặt nhìn thẳng vào tôi, giơ tay chào, miệng hô: “Chào thủ trưởng!”. Tôi bỡ ngỡ nhìn , chưa kịp nhận ra, thì người sĩ quan này đã nói luôn: “Em chào thày! Thày không nhận ra em sao? Em tên Đan học lớp Văn 1H, ở thôn Ty xã Thống Nhất Huyện Gia Lộc này!” Tôi chìa tay cho em và thoáng nhớ lại những ngày được tăng cường về dạy ở trường Trung Học Sư Phạm Hải Hưng cách đây tròn chục năm rồi. Ngày đó tôi được phân công làm chủ nhiệm và dạy một lớp Văn gồm toàn giáo sinh quê ở huyện Ninh Giang. Tôi cũng nhớ ra rằng lớp có tới 9 phần 10 là nữ. Chỉ có khoảng 05 người nam giới. Trong 05 người ấy thì đã có 02 người ở độ tuổi trung niên. Đan là một trong ba người trai còi của lớp. Hình như em hơi nhút nhát, ít khi dám một mình đến gặp tôi lần nào. Khi được gọi lên trả bài em thường hơi mất bình tĩnh và dễ xúc động. Có lần, trong tiết giáo - dục - học, tôi có hỏi: Đối với người làm nghề sư phạm thì kiến thức khoa học và đạo đức…cái nào xếp trước, cái nào xếp sau?...thì em dứt khoát đạo đức phải xếp trước và là nền tảng. Thế mà giờ đây ngồi trước tôi lại là một sĩ quan rất phong độ: Người cao to, giắn giỏi, da đen sạm. Chỉ nụ cười là luôn mở rộng, với hàng răng trắng lóa. Qua chuyện trò, được biết em đã phải nhập ngũ ngay sau năm thứ nhất Sư-phạm, và sau một thời gian ngắn huấn luyện đã phải sang chiến trường K chiến đấu. Và, hiện tại em đang làm trợ lý tham mưu sư đoàn bên đó. Lần này về Việt-nam xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho một đồng chí cùng đơn vị. Em phấn chấn nói: "May quá, thế là em đã có bạn đồng hành đến Sài-gòn rồi !". Thực ra câu ấy phải để tôi nói mới phải, vì lúc bấy giờ vào Nam ra Bắc còn rất khó khăn về chuyện mua vé. Tôi không thể quên được những lần ra Bắc lúc ấy. Khi mua được vé ra đã phải lo đến lúc mua vé vào. Đã nhiều lần tôi phải trải tấm ni-long ra nền Ga Hàng Cỏ ngủ đêm để chờ chực mua vé trong cái rét cắt da, cắt thịt. Có người quen đồng hành thì có thể thay phiên nhau thức, ngủ trông đồ, chực mua vé, hoặc đi vệ sinh…Còn đi một mình thì cực kỳ vất vả. Có khi đi vệ sinh cũng phải mang tất tật ba lô, túi sách vào trong nhà xí…Còn đêm ngủ thì phải tháo quai ba-lô ra buộc vào chân mình rồi mới dám lơ mơ chợp mắt. Nếu không là bị mất, bị cướp sạch…Lần đi này tôi thực sự may mắn. Thôi thì từ việc xếp hàng mua vé, mua cơm…là em giành hết. Em bảo: Em có lệnh của quân đội nên họ phải ưu tiên, Thày khỏi lo! Tôi nói cho tôi gửi tiền mua vé và tiền ăn các bữa…em dứt khoát không chịu. Em bảo tôi: Thầy nhìn này - em chỉ vào cầu vai - ba sao một gạch đều bằng vàng cả đấy thày ạ. Chúng em công tác ở nước ngoài, nên phụ cấp cũng khá. Thày cho phép em trả nghĩa thày vài bữa đi thày. Bên ấy vẫn còn ác liệt lắm, chẳng biết bao giờ thày trò mình mới lại được đồng hành như thế này. Nói thật với thày, em không bao giờ quên được cái lần mẹ em lên trường chơi, đang đi bộ với em từ bến xe về, nắng nôi nhễ nhại, thì gặp thày chở vợ mới cưới của thày bắt kịp. Thày đã bảo cô đi bộ với em để thày chở mẹ em về nhà trọ trước rồi quay lại đón. Mẹ em cứ nhắc mãi chuyện ấy và bảo em phải mời bằng được thày về nhà chơi. Nhưng thầy thấy đấy, thằng học trò bất hiếu này đã hoàn thành được nhiệm vụ mẹ giao ấy đâu? Rồi em cười thật lớn như kẻ chiến thắng trước sự “tấn công” của tôi. Qủa tình tôi không nhớ được cái việc làm ấy. Thế mà em lại nhớ lâu thế. Hôm xuống ga Sài-gòn tôi có xin địa chỉ của em và dặn khi nào có dịp thì ghé vào Ty-giáo-dục Đồng-Nai chơi với tôi; Tôi sẽ "đáp lễ"anh.
 Nhưng em bảo địa chỉ của em cho tôi chỉ là tạm thời; không cố định. Bao giờ về nước hẳn em sẽ vào Ty thăm tôi. Nhưng đã 30 năm trôi qua tôi đã mất liên lạc với em. Chẳng biết bây giờ em ở đâu? Chỉ có một điều chắc chắn là em vẫn mãi còn ở trong nỗi nhớ của tôi.

Phố Hóp những ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM - 23H25' 09-11-2011 THANH DẠ

1 nhận xét:

  1. Bài viết giản dị mà xúc động. Đúng là một kỉ niệm đẹp.

    Trả lờiXóa