Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã
Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015
CHÚT HỒI ỨC VỀ ÔNG NỘI- 2
Nhân ngày giỗ ông 12 tháng Chạp
Cũng giống như các cụ đồ Nho ngày trước, ông tôi cũng có thú chơi gồm đủ cầm, kỳ, thi, họa. Cầm thì ông tôi thường chơi đàn bầu, toàn là đàn do ông làm lấy thôi. Ông tôi vào trong làng, đến những nhà có bụi tre gộc gốc to 15- 20 cm mua hoặc xin một đoạn. Sau đó về nhà đục đục, khoét khoét rồi làm thành cái đàn. Có cái làm xong nhưng không đạt tiêu chuẩn ông tôi lại bỏ đi, làm lại. Nói chung, tôi không còn nhớ ông tôi hay chơi những bài gì, chỉ nhớ nghe nó rất não nùng. Ông tôi cũng chơi được cờ tướng. Đặc biệt, ông tôi có một bộ quân cờ bằng xương hay bằng ngà voi không biết nhưng rất đẹp. Quân cờ hình chữ nhật, cỡ 1,5 x 2,5 cm, màu trắng, cầm nặng trịch. Hồi áy, nhà tôi cũng hay trở thành nơi tụ tập để đấu cờ của mấy cụ già và các ông trung tuổi. Có chú Hội, người miền Nam tập kết là chơi say sưa nhất. Chú Hội có anh con trai ra tập kết, lúc đó đã hơn 20 tuổi. Sau này chú lấy cô Quy ở sau nhà tôi, được hai đứa con là Sơn và Hải. Về thơ, ông tôi làm khá nhiều và đặc biệt thích xướng họa. Bạn xướng hoạ của ông tôi là mấy cụ già gần đấy nhưng tâm đắc nhất có lẽ là cụ Kiệt. Cụ Kiệt người Phả Lại, là anh vợ cụ Phán Cần có họ với nhà tôi, hồi ấy cụ là cán bộ Phòng thuế nhưng rất mê thơ (cụ là bố ông Vũ Hiền, thứ trưởng bộ Điện- Than). Những ngày các cụ đã ngồi xướng hoạ với nhau thì không dứt ra được, kể cả nhân viên phòng thuế sang gọi cụ Kiệt cũng không về. Chắc là hồi ấy ông tôi làm cũng nhiều thơ nhưng cho đến giờ tôi chỉ mang máng nhớ có một bài nhan đề là “Tết tiết kiệm”:
Mừng xuân 1962
Tết nhất năm nay chả phải lo
Chả gà, chả vịt, chả trâu bò.
Mừng xuân há phải nem cùng chạo,
Đón Tết cần chi mọc với giò.
Uống lắm chè hương e phạt thận
Hút nhiều thuốc lá sợ sinh ho
Chi bằng nước vối và cơm tẻ
Thú biết bao nhiêu chẳng phải lo...
Sở dĩ tôi nhớ bài này nhất vì thấy các cụ tâm đắc lắm và cứ gật gù suốt. Cái mà các cụ cứ nắc nỏm khen chính là cách chơi chữ của ông tôi: “chả” vừa là một món ăn nhưng ở đây nó lại là “chẳng”. Thành ra “chả ngan, chả vịt, chả trâu bò” là chẳng có thứ gì cả. Được mấy cụ khen ông tôi còn chép bài thơ này ra giấy đỏ đem dán lên tường và bán Tết. Nhưng hình như cũng chính bài thơ này đã gây cho ông tôi một chút phiền toái thì phải: không biết có vị cán bộ nào đó khi được đọc bài thơ đã bảo ông tôi “nói xấu chế độ”. Tuy nhiên sau đó không thấy có ý kiến chính thức gì. Về họa thì chắc ông tôi không giỏi lắm, chí thấy cụ trang trí bàn thờ, câu đối để bán Tết nhưng không thấy vẽ bao giờ.
Ngoài bốn thú trên, ông tôi còn có mấy cái thú là uống nước chè xanh, ăn cơm cháy và đôi khi cũng uống rượu. Trong các buổi đi chợ về có thể mẹ tôi quên mua một thứ gì đó cho bữa ăn gia đình nhưng không bao giờ quên một mớ chè tươi. Chè mua về tự tay ông tôi rửa và hãm thành một thứ nước vàng tươi và nhấm nháp suốt ngày bằng một cái bát riêng, tôi đã dại dột uống thử một lần lúc gần trưa và hậu quả là bụng cồn cào gần chết. Còn mặc dù đã cao tuổi song ông tôi rất thích ăn cơm cháy. Mỗi bữa ông tôi thường ăn hai lưng cơm, sau đó là “cho tôi xin miếng cháy” ngồi nhẩn nha nhai. Thú uống chè và ăn cơm cháy lắm nên có lần ông tôi nói nửa đùa, nửa thật: “Sau này tôi chết đến ngày giỗ tôi các anh chị (tức bố mẹ tôi) chẳng cần cỗ bàn gì, cứ đặt lên bàn thờ tôi một bát nước chè tươi, một miếng cơm cháy và nếu có thêm một đĩa thịt cầy là được!”.
Do nhà cũng có điều kiện, ông tôi không phải làm thêm gì cả mà chỉ làm những việc ông thích. Một trong những việc ông tôi thích là đan lát. Ông tôi thường bảo mẹ tôi mua tre và giang về rồi tỷ mẩn chẻ nan, đan cái quạt, cái rổ, cái rá. Mặc dù còn bé nhưng tôi đã nhận thấy đó chỉ là những sản phẩm hạng hai, so với những thứ bán ở chợ thì xấu hơn nhiều. Tuy vậy, nhà tôi vẫn dùng những thứ do ông tôi làm ra- chắc bố mẹ tôi muốn để ông tôi vui. Một công việc nữa ông tôi cũng hay phải làm là viết điếu văn và câu đối cho các đám tang. Trong phố, trong làng hay quanh vùng nhiều nhà có người mất hay đến nhờ ông tôi viết hộ điếu văn và làm câu đối giúp. Còn bé tôi chẳng hiểu gì nhiều nhưng chỉ thấy các bài điếu văn đọc lên thê thiết và cảm động lắm. Tuỳ vào gia cảnh, đức độ, tính nết của người quá cố ông tôi thêm thắt vào nghe rất lâm ly, thống thiết. Còn câu đối cũng tuỳ đối tượng mà diễn tả nỗi nhớ thương khác nhau: con cháu khóc cha ông, cháu khóc chú thím, con nuôi khóc bố mẹ nuôi, học trò khóc thày giáo v.v… Tôi còn nhớ bác Sánh (cháu gọi ông tôi bằng chú ruột) đã tỷ mẩn ghi chép lại và khi ông tôi đã mất cứ chiểu theo yêu cầu của gia chủ mà trích dẫn.
Buổi tối tôi thường ngủ chung với ông tôi trên cái quầy cắt may của bố tôi. Cái mặt quầy rộng hơn 1 mét làm bằng gỗ lim, mùa hè nằm cứ mát lịm cả lưng. Ông tôi ngủ ít lắm, buổi tối thường đi ngủ muộn, buổi sáng lại dậy sớm. Có hôm tôi tỉnh giấc giữa đêm thấy nằm một mình, còn ông ngồi bó gối ở cái chõng bên cạnh đang trầm ngâm nghĩ ngợi gì đó. Nằm với ông nhưng tôi ít được nghe ông kể chuyện, họa hoằn lắm ông mới kể cho tôi nghe một câu chuyện và thường là một câu chuyện ngụ ngôn nào đó. Cho đến giờ tôi chỉ nhớ đại khái các câu chuyện hay liên quan đến việc: “làm điều tốt sẽ được hưởng phúc. Còn ngược lại, hại nhân sẽ bị nhân hại”. Ông tôi cũng hay lảy Kiều. Khi gặp một chuyện nào đó hay nghe ai kể chuyện về một việc gì đó… ông tôi thường ngâm một hai câu thơ rất hợp với tình cảnh đó. Có lẽ người già hay mỏi nên ông tôi hay bắt tôi đấm lưng. Vụ này tôi rất ngại. Thường lúc đó đã chín, mười giờ đêm, đã buồn ngủ díp mắt lại mà lại phải cố gắng mở ra để đấm lưng thì ai chả ngại. Trong khi đó, đấm nhẹ tay thì ông lại nhắc. Còn đếm gian thì thế nào cũng bị phát hiện ra và bị phạt.
Cứ thế, an nhiên tự tại ông tôi sống như một ông đồ nho bất đắc chí và biết mình đã hết thời. Mọi việc to nhỏ, bố tôi có hỏi ý kiến ông chỉ bảo: “Tùy anh chị”. Cơm ăn, áo mặc có thế nào dùng thế ấy, không bao giờ phàn nàn hay đòi hỏi một câu. Không dài dòng răn dạy, không lên gân bắt phải thế nọ, thế kia nhưng ở bên ông nhiều, chắc tôi cũng “ngấm” được nhiều điều và sau này đã ảnh hưởng đến cách sống của tôi.
(Còn nữa)
Nơi yên nghỉ của ông tôi cùng một số người thân:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Xin cứ tiếp tục kể đi . Hấp dẫn đấy !
Trả lờiXóaĐúng là cụ mang một nét đặc trưng trong lối sống của các nhà nho xưa. An nhiên, tự tại, xuề xòa mà vẫn nền nếp khuôn phép.
Trả lờiXóa