Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

CHÚT HỒI ỨC VỀ ÔNG NỘI- KỲ 4

 ...
"Nhà ông bà nội tôi ở gần giếng Ông, ngay cạnh lối rẽ vào nhà là một ngôi miếu nhỏ gọi là Lầu Bà Cô. Sự tích Bà Cô như thế nào tôi không biết nhưng nghe nói là thiêng lắm, ngày rằm, mồng một hay Tết đều thấy có người đến thắp hương. Buổi tối mà phải đi qua chỗ ấy là tôi cứ cắm đầu chạy. Nhà ông tôi là một ngôi nhà ba gian hai chái nằm trên một khuôn đất rộng gần ba sào. Ở cái làng quê đất chật người đông này mà đất thổ cư như thế là quá rông (sau này ông chú tôi chia cho ba thằng con trai mà vẫn khá rộng). Tuy khuôn viên rộng nhưng ba bề bốn bên đều là ao, chỉ có mảnh sân nhỏ ở phía trước và một cái vườn nhỏ ở phía sau. Mặc dù chỉ tường đất mái tranh nhưng nhà ông bà tôi khá khang trang và sạch sẽ. Giữa nhà xây một cái bệ lớn làm bàn thờ, trên đó đặt một cái tráp gỗ sơn đen bóng- một lần ông tôi mở ra tôi thấy trong đó vài cuốn sách chữ nho và một cuốn vở học sinh viết chữ quốc ngữ, ông tôi bảo đó là gia phả. Phía trên bàn thờ là một tấm gỗ khắc 4 chữ nho, sơn son thiếp vàng rực rỡ; sau này chú tôi giảng giải cho tôi biết đó là bốn chữ “cơ cừu tế mỹ”, đại khái đó là của một học trò cụ tôi sau này thành đạt (được mặc áo cơ, áo cừu) đem biếu. 

 
 Giếng Ông
Ông nội tôi bị quy là địa chủ chỉ đơn giản là vì có ba mẫu ruộng và gần ba sào đất thổ cư đó. Thực ra ông tôi không hề làm ruộng mà đi làm tứ xứ- làm thày đồ, thày thuốc, thày ký lấy tiền đem về quê tậu ruộng. Tậu để có nhiều ruộng, để rửa cái nhục nghèo hèn nên thường bị bọn hào lý địa phương ức hiếp mà thôi chứ ông tôi chắc chẳng biết cày cấy thế nào, mấy mẫu ruộng cho con cháu trong nhà làm mỗi vụ thu ít lúa gọi là. Họ nhà tôi đời nào các cụ cũng theo đuổi sách đèn, cũng có cụ làm quan đến hàm nhị phẩm nhưng hình như các cụ đều là quan thanh liêm nên tài sản để lại cho con cháu chẳng có gì nhiều. Ngay ngôi từ đường cũng phải đến năm 1931 mới xây lại được, mà cũng khá đơn sơ. Đến đời ông tôi có 4 anh em trai thì một ông mất sớm, một ông thần kinh có vấn đề, còn ông anh cả và ông tôi thì đều theo học chữ nho. Gặp lúc thời thế đổi thay, các khoa thi truyền thống không tổ chức nữa, chữ nho mất giá hai anh em lại chuyển sang học quốc ngữ. Tuy nhiên mọi cái đều dở dang nên phải đi làm thày đồ, thày ký và bốc thuốc ở vùng Chí Linh, Nam Sách, Đông Triều nhưng nhà nghèo vẫn hoàn nghèo. Có lẽ đã có chữ lại nghèo nên hay bị bọn hào lý ức hiếp. Không biết mối hận này cụ thể thế nào nhưng chắc là sâu sắc lắm bởi có lần bố tôi kể ông đã mua một khẩu súng lục định lẻn về quê trả hận. Nhưng ông nội tôi đã không đồng ý với phương án đó, ông cho rằng làm như thế không quang minh chính đại và lại rơi vào vòng lao lý nên ông chọn con đường kiếm tiền mua ruộng cho đến khi đủ điều kiện sẽ ra tranh cử công khai. Ý định đó chưa thực hiện được thì cải cách ruộng đất nổ ra và ông tôi nghiễm nhiên thành địa chủ mặc dù chẳng biết ruộng nhà mình ở đâu. 



Từ đường của họ (xây lại năm 1995)
 
Còn ông ngoại tôi thì bị quy là địa chủ vì cũng có một ít ruộng và một xưởng dệt. Gọi là xưởng cho oai chứ thực ra chỉ có 5, 6 cái khung cửi toàn do con cháu trong nhà làm là chính. Mặc dù ông tôi có một con trai (em kế mẹ tôi) đi bộ đội từ năm 1947 nhưng vẫn không thoát vòng tay của “đội”. Hai cụ cùng bị bắt giam ở trại tập trung trên huyện và đã trải qua mấy lần bị đấu tố. Có lẽ điều cay đắng nhất đối với các cụ là lại bị một số con cháu, người làm mà các cụ đã nâng đỡ, đã tạo điều kiện cho kiếm miếng cơm nay lại quay ra đấu tố chính những người đã gia ân cho họ. Trong lúc bĩ cực đó ông tôi đã chọn cho mình một con đường thoát trong danh dự, cụ bắt mẹ tôi về lấy một gói thuốc nhỏ cất trong tráp thuốc của mình đưa lén vào trong nắm cơm. Là một gia đình gia giáo mà mỗi lời của người trên đều là mệnh lệnh mẹ tôi không dám trái lời và cứ thế thực hiện. Mãi sau rồi cả hai nhà mới biết đó là gói “nhân ngôn” (còn gọi là thạch tín, xy- a- nua- một loại thuốc cực độc). Cũng may cho gia đình nhà tôi là nghị quyết sửa sai đã về kịp thời, nếu không hai cái chết oan này sẽ còn là gánh nặng mãi mãi cho các đời sau. Có lẽ chính những ngày tháng nặng nề đó đã trở thành ấn tượng quá sâu sắc đối với hai cụ nên ông ngoại tôi đã có lời thề độc: “Không thèm về cái làng Cốc này nữa”. Quả nhiên sau đó, năm 1957 ông tôi về Hà Nội sống với cậu tôi lúc đó đã chuyển ngành. Phải hơn hai chục năm sau, khi đã nguôi ngoai và con cháu cũng nói góp nhiều, những người trước kia đứng ra đấu tố có lời xin lỗi ông ngoại tôi mới về thăm quê nhưng những lần về đó chỉ thoáng qua chốc lát (Lần đầu tiên ông ngoại tôi về lại quê là năm 75, khi tôi từ chiến trường ra). Còn ông nội tôi thì không thề bồi gì cả, chắc là nhà nho nên ông nội tôi trầm tĩnh hơn nhưng sau ông cũng ra ở với nhà tôi ngoài Chí Linh và gắn bó với mảnh đất Phố Ngái cho đến tận lúc giã biệt cuộc đời.

Hết

1 nhận xét: