Cuối cùng thì mẹ tôi cũng chịu bán 3 gian nhà ngói ở phố huyện để về Hà Nội sống cùng con cái.
Lúc
xe sắp chuyển bánh, thái độ của bà thật lạ. Căng thẳng, môi mím chặt
như muốn khóc. Xe chạy, đôi tay bà quờ quạng trên mặt kính, thảng thốt: “
Mẹ quên một thứ”. Tôi gắt gỏng: "Nhà bán rồi, đồ đạc cũng cho hết rồi,
còn quên gì nữa”.
-Cứ cho mẹ xuống- Mẹ tôi van vỉ.
Xe
vừa dừng bánh, bà lao ngược trở lại lẫn trong đám bụi rồi trở ra với
một bọc vải. Dọc đường, bà im lặng không nói. Mắt dấn nước. Tay vẫn ôm
khư khư chiếc bọc.
- Gì vậy mẹ? – Tôi ngả đầu vào vai bà, gạn hỏi.
-
Con còn nhớ thằng Chung không? Cái thằng trẻ nhất đám tân binh đóng ở
phố huyện năm bảy ba ấy. Đây là cành san hô nó tặng con trước khi vào
Nam chiến đấu.
Tôi bật đứng dậy, đầu chạm vào trần xe đau điếng. Một luồng hồi ức chạy dọc thân thể, òa vỡ, tê dại...
Gần
30 năm trước, phố huyện bây giờ chỉ có vài chục nóc nhà tranh. Nghe nói
trong kháng chiến chống Pháp khu vực này là bãi trống vỡ hoang. Gia
đình tôi cũng nằm trong số đó. Chỉ có gia đình ông Ba thợ rèn chuyên
nghề đánh dao, gò nồi thuộc diện “vãng lai” phiêu dạt ở tận đẩu đâu đến.
Ông Ba Rèn thấp, đậm, đôi mắt thao láo, trắng dã. “Người như vậy thâm
lắm”. – Bà tôi vẫn nói thế. Còn bà Ba tròn như hạt mít, gương mặt đen
sạm, vành môi trề quanh năm nứt như ruộng hạn. Thế mà cô con gái lại
xinh, da trắng bóc, đôi mắt đen láy, sắc lẹm như vẽ, thân hình dong
dỏng, đi đứng yểu điệu. Cô không giống ai trong đám cư dân bãi trống, cứ
tươi mởn, phơi phới giữa đám dân lam lũ, sậm sụi vì nghèo. Dân bãi
trống đồn cô là con hoang. Mỗi lần lời đồn đến tai bà Ba, bà ta lại xắn
quần đi dọc bãi, chửi chõ vào từng nhà. Còn ông Ba vác rượu ngồi cạnh
cái bễ rèn nốc ừng ực. Mặt ông tím lịm, đôi mắt đã trắng lại càng trắng.
Cả bãi trống hôm ấy chìm trong bầu không khí u ám, căng thẳng. Những
lúc như thế, đám trẻ con không dám đi qua cửa nhà ông, sợ ông lên cơn
quăng đứa nào vào cái bễ hừng hực lửa.
Khác
với bố mẹ, Thủy- tên cô gái ông Ba rèn- chỉ im lặng, mủm mỉm cười.
"Người như vậy là đĩ lắm. Rồi đến lúc lại giống mẹ nó thôi”.- Bà tôi cứ
cay ca mỗi khi Thủy qua ngõ nhà tôi. Bà cấm tôi không được chuyện trò
với Thủy- “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng con ạ”. Cũng giống bà tôi,
dân bãi trống bị ám ảnh bởi những câu chửi tục tĩu, cay độc của bà Ba
nên cấm con cái không được giao du với Thủy. Thủy cứ lặng lẽ, duyên dáng
và cô độc trên bãi trống cho tới khi một đơn vị bộ đội về đóng quân
cách xóm vài cây số. Quán nước chè của bà tôi đông khách hẳn lên, tôi
thường phụ bà bán hàng. Trong đám lính hay lui tới quán, tôi có thiện
cảm với Chung. Anh điềm đạm, ít nói, đôi mắt phảng phất buồn, khác xa
những người bạn cùng đơn vị nghịch như quỷ sứ. Mà không chỉ có tôi, cả
gia đình tôi đều quý Chung . Mỗi lần đến quán, anh thường tìm cho mình
một công việc, khi thì cạp lại cho bà tôi chiếc rổ, lúc vặn lại chiếc ốc
trên chiếc xe đạp cà tàng của mẹ. Riêng với tôi, anh hỏi cặn kẽ những
bài học ở trường, những người mà tôi kết bạn rồi dạy tôi cách đan lát.
Anh xòe mười đầu ngón tay trước mặt tôi thì thầm:” Anh có 10 cái hoa tay
đấy”. Một lần, anh dè dặt hỏi:
- Em thấy chị Thủy thế nào?
- Ai cơ?- Tôi thảng thốt nhìn vẻ đăm chiêu, suy tư của Chung.
- Chị Thủy con ông Ba Rèn...
Tôi cúi mặt: "Người ra đồn chị ấy là con hoang. Còn bà thì bảo người đẹp như chị ấy đĩ lắm”.
-
Em đừng tin những lời đồn đại như thế. Mà con hoang thì đã sao. Anh
cũng là con hoang đấy. – Chung xiết mạnh vai tôi làm tôi đau điếng. -
"Anh xin lỗi. Bố mẹ anh nghèo lắm, đến nỗi không có gì để cưới nhau. Mẹ
anh theo bố anh ra xóm chài mặc những lời dè bỉu, đơm đặt. Khi mẹ mang
thai anh thì bố ngã bệnh rồi mất. Anh sinh ra đã là con hoang trong mắt
không ít người. Để nuôi anh, mẹ anh hàng ngày phải dầm mình dưới biển,
bất kể trời nóng hay lạnh để kiếm san hô. Em có biết san hô không? Đó là
loại hoa đá nằm sâu dưới nước biển. Hái được san hô vất vả lắm. Những
người làm nghề hái san hô đều là đàn ông, chỉ mỗi mẹ anh là đàn bà trong
đám thợ lặn ấy. Nhiều hôm mẹ trở về với hai bàn tay trầy xước, túa máu
vì đá cứa. Vậy mà những gì mẹ anh kiếm được chỉ đủ cho hai mẹ con rau
cháo cầm hơi. Bây giờ thì mẹ anh đã già, không còn đi biển được nữa. Bà
có một quán nước chè như của bà em vậy. Mỗi lúc được nghỉ, anh lại muốn
ra đây, nhìn bà em, nhìn cảnh xum họp của gia đình cho vơi nỗi nhớ".
- Có phải vậy mà anh thương chị Thủy không?- Tôi dè dặt cắt ngang.
-
Không đâu. Chị Thủy là người tốt. Anh chưa nói chuyện với chị ấy bao
giờ, cũng chưa có dịp làm quen chị ấy nhưng người như Thủy không thể xấu
được.Vài ngày sau , chị Thủy vác đống chiếu qua ngõ nhà tôi, đi về phía
suối ở cuối bãi trống. Tôi lẳng lặng bám theo. Đôi chân trắng như ngó
sen của chị khỏa trong nước suối buổi sớm lấp lóa. Tôi ngần ngại nhìn
đôi cẳng chân đen đủi của mình rồi ào xuống cạnh chị: "Có một anh bộ đội
rất thương chị". Chị Thủy tủm tỉm : “ Anh Chung phải không?”.
Tôi
ngẩn mặt vì ngượng, bước nhanh vào bờ, lao hùng hục về nhà. Chung đến.
Mặc cho anh thanh minh. Mặt tôi vác lên sưng sỉa: “ Dối trá, thế mà bảo
chưa quen, chưa nói chuyện. Biết đâu những chuyện anh kể về mẹ, về nghề
hái san hô, về ước mơ có một gia đình đầm ấm như gia đình em cũng chỉ là
chuyện bịa”.
Chung
lặng đi. Rồi anh lầm lũi đi ra ngõ. “ Mày với thằng Chung giận nhau
hả?”- Mẹ tôi tháo chiếc nón trên đầu quạt phành phạch. “ Hôm qua mẹ gặp
bà Ba, bà ấy kể thằng Chung đến xin được đi lại tìm hiểu con Thủy. Rõ là
mèo mù với cá rán. Tao chẳng ghét gì con Thủy, phải cái gia đình nó
khác gia đình mình. Nghe đâu ngày trước vì thù hận, bố nó vất thuốc
phiện vào nhà hàng xóm rồi đi báo khiến người ra phải vào tù”.
Lại
nghe đồn. Không biết bao giờ dân bãi đất trống này mới thôi chuyện đồn
đại, vu oan cho người khác đây. Tôi đứng phắt dậy, chạy ra ngõ, nước mắt
rơi tong tả trên ngực áo. Đến bờ suối, tôi sững lại khi thấy mái tóc
óng mượt của Thủy phủ trên bờ vai người con trai ngồi bên cạnh. Chung
đấy thôi. Anh ta giận tôi để rồi đến đây. Cơn tức trào lên làm tôi nghẹt
thở. Tôi cúi xuống vốc nắm cát ném về phía hai người ròi bỏ chạy, mặc
cho Chung gọi đuổi theo.
Vài
tháng liền tôi không gặp Chung. Cả đám lính trẻ đơn vị anh cũng không
lui tới quán. Một buổi chạng vạng, Chung đến mang theo một cây hoa đá
gắn những chiếc vỏ ốc xinh xắn như những chiếc cúc áo. Anh nói anh sắp
vào Nam chiến đấu. Cây hoa đá này do chính anh hái từ dưới biển sâu để
tặng tôi trong dịp nghỉ phép. Mẹ tôi thịt con gà sống thiến tiễn Chung.
Anh ăn chậm, thi thoảng mới nói được vài lời như muốn khóc: “ Con luôn
muốn có một gia đình như vậy...”. Tôi nhìn anh, hối lỗi, bùi ngùi, nước
mặt chạy vòng quanh, rơi xuống bát cơm nguội ngơ ngắt.
Anh
đi được chừng một tháng đã có thư về cho tôi. Anh kể anh đang ở Trường
Sơn, muỗi nhiều, mưa nhiều nhưng vẫn không bằng bom đạn giặc Mỹ ném
xuống. Sau mỗi đợt bom, các anh lại vượt qua những hố bom, những tảng
rừng cháy tiến về phía trước. Bức thư cuối cùng tôi nhận được của anh
trước ngày thành phố Huế giải phóng chừng vài tháng. Anh dặn, nếu gặp
chị Thủy nói với chị anh rất thương chị nhưng đừng chờ anh. Anh đã nhiều
lần giáp mặt với cái chết . Cuộc chiến còn dài. Để chị chờ, anh không
nỡ...
Tôi
đang băn khoăn không biết nói với Thủy ra sao thì bà tôi ở chợ về, đặt
phịch gánh chuối xuống đất, oa oa:” Tao đã bảo mà, cái ngữ ấy rồi lại
vác bụng giống con mẹ nó”.
- Ai ?
- Con Thủy chứ ai?
Tôi
chạy về phía nhà Thủy. Lách qua đám đông đang chen chúc trước cửa. Ngọn
lửa hừng hực từ bễ rèn hắt hơi nóng bỏng lên thân thể trắng lấp lóa của
Thủy sau lớp quần áo bị xé tớt túa. Nhìn thấy tôi, Thủy hức hức mấy
tiếng rồi lịm đi trong đám dây thừng quấn quanh người... Nhìn thấy kiểu
nốc rượu và vẻ mặt tím lịm của ông Ba hồn vía tôi đã bạt mất. Tôi quay
về nhà, nằm úp sấp trên chõng, người hâm hấp như lên cơn sốt, cho đến
lúc trăng lên. Trăng đầu tháng xanh mướt rót những đốm sáng hư ảo, run
rẩy trên mặt ngõ như người thiếu nữ bị đòn oan. Tôi giật mình bởi tiếng
gọi rất nhỏ. Chị Thủy. Đúng là Thủy, chị lom khom với một bọc vải trước
ngực : “ Chị phải đi thôi, ở lại không sống được với bố chị, với dân bãi
trống. Có thể em không tin nhưng đúng là của anh ấy đấy. Chị sẽ về quê
anh ấy. Mẹ anh ấy là người nhân hậu, chị linh cảm mẹ con chị có được chỗ
nương tựa. Em đừng nói cho ai biết chị đi đâu.”
Tôi lần ra sau nhà, rút trong mái tranh ống tre tiết kiệm, dốc cạn, nhét vào tay chị những đồng bạc lẻ ẩm mốc : "Chị đi đi”.
Sau
khi chị Thủy đi, đêm đêm dân bãi trống rợn người vì tiếng hờ con thảm
thiết của bà Ba. Rồi bà Ba bệnh qua đời. Ông Ba bỏ đi biệt tích. Đất
nước giải phóng, cơ chế thị trường mở ra, dân bãi trống tất bật với cuộc
sống mới. Phố huyện hình thành, câu chuyện về những cái bụng chửa hoang
của nhà ông Ba hầu như chẳng mấy ai còn nhắc đến. Chính tôi cũng quên
bẵng câu chuyện thương tâm kia. Thi thoảng có dịp về bãi thăm mộ bà, tôi
thuê chiếc xe thật đắt tiền, hỉ hả với sự thành đạt của mình, chẳng gì
tôi cũng là số ít dân phố huyện học thành đạt, trụ lại ở thủ đô.
“Mấy
năm trước phố huyện tổ chức đi Yên Tử, mẹ có tìm nhà thằng Chung nhưng
người trong ngôi nhà đó nói chủ cũ của ngôi nhà đã chuyển về Cẩm Phả. Họ
có cho mẹ địa chỉ nhưng mẹ không kịp đến. Không biết thằng Chung còn
sống hay đã hy sinh? Con Thủy ngày ấy có tìm được chỗ nương tựa? Giá như
ngày đó, mọi người đừng nghiệt ngã, con Thủy đã không phải bỏ nhà bỏ
cửa mà đi với đứa con trong bụng".
Mặt tôi nóng rát. Tôi ngượng với sự hỉ hả của mình trước đó. Cảm thấy những gì mình đang tự hào, đang mãn nguyện thật vô nghĩa
- Mẹ cho con cái địa chỉ. Con sẽ đi tìm anh Chung.
-Ừ. Mẹ cũng mong gặp lại nó. Chỉ sợ hòn tên, mũi đạn không có mắt.
-Chưa
gặp thì vẫn còn hy vọng. Không chị Thủy giờ ra sao. Nếu ngày đó mọi
việc suôn sẻ, con chị ấy giờ cũng đến tuổi vào đại học. Sao ngày xưa mọi
người nghiệt ngã với nhau thế nhỉ.
-Hoàn
cảnh cả thôi. Mỗi thời mỗi khác. Cũng những người ấy giờ thay đổi cả.
Ai ác nghiệp nhiều thì ân hận nhiều, ác nghiệp ít ân hận ít. Nghĩ thấy
thương chúng nó...
Chiếc
xe lao nhanh về phía trước. Tôi nhìn lại phía sau, nơi có một phố huyện
đang đổi mới, cồn cào một cảm giác nao nao. Dường như tôi cũng đã biến
thành một người mới sau những hồi ức của mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét