Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

THƠ LUẬT ĐƯỜNG TRẦN TẾ XƯƠNG TUY TRÀO PHÚNG, NGẠO ĐỜI NHƯNG GIÀU LÒNG TRẮC ẨN VÀ ĐẰM THẮM TÌNH NGƯỜI


Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh ngôi nhà của Trần Tế Xương


I. Tiểu sử:
Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự Mộng Tích, Tử Thị, hiệu Mặc Trai, tên do bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Cụ sinh ngày 5/9/1870 (tức ngày 10/8 năm Canh Ngọ) cụ được sinh ra ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (trước đây là số nhà 247 phố Hàng Nâu, nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Cụ Tạ thế ngày 29/01/1907).
        37 năm cuộc đời ngắn ngủi của cụ Tú nằm gọn trong giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Cả cuộc đời cụ gắn liền với thi cử. Cụ đã 8 lần đi thi, đấy là các khóa thi năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906. Sau 3 lần thi hỏng, đến khoa Giáp Ngọ 1894 cụ mới đỗ Tú Tài nhưng cũng chỉ là Tú Tài lấy thêm (Tú tài thiên thủ). Mặc dù kiên trì theo đuổi khoa cử nhưng 4 lần thi sau đó cụ cũng không thể đoạt được bằng cử nhân. Ở khoa thi Quý Mão 1903 cụ đã đổi tên từ Trần Tế Xương thành Trần Cao Xương nhưng hỏng thi vẫn hoàn hỏng thi. Buồn bã cho số phận cụ đã phải thốt lên: "Tế đổi làm Cao mà chó thế...". Thời bấy giờ bằng Tú tài thuộc loại dang dở nên không được thi hội và không được bổ ngạch quan.
       Cuộc sống về vật chất của cụ rất thiếu thốn do cụ học hành thi cử liên miên (1886-1906) nên gia cảnh thiếu trước hụt sau, mọi chi phí đều do cụ bà lo toan, gánh vác: "Quanh năm buôn bán ở mom sông /Nuôi đủ năm con với một chồng..."
Sự nghèo đói của gia đình, sự nhí nhố của xã hội đã va đập mạnh và in đậm trong thơ cụ Tú Xương. 

II. TÁC PHẨM ĐỂ LẠI:
      Trần Tú Xương mất sớm nên những tác phẩm để lại không nhiều, không có di cảo, không có các công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi cụ còn sống hay lúc cụ mới nằm xuống. Sinh thời, cụ Tú sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, Thơ cụ làm thường chỉ để đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe rồi tùy ý truyền khẩu cho nhau mà thôi. Vì vậy đa phần thơ cụ là thơ Truyền ngôn, không có văn bản.
Theo thống kê, người sau tập hợp được khoảng 170 bài thơ (thơ, hát nói và câu đối), trong đó thơ Đường luật là 133 bài. 

III. THƠ ĐƯỜNG TRẦN TÚ XƯƠNG TUY TRÀO LỘNG, NGẠO ĐỜI NHƯNG GIÀU LÒNG TRẮC ẨN VÀ ĐẰM THẮM TÌNH NGƯỜI.
      Phải nói rằng, trong số 133 bài thơ Luật đường sáng tác bằng chữ Nôm để lại cho đời, Trần Tú Xương đã dồn rất nhiều tài năng và tâm huyết vào các sáng tác. Xoay quanh đề tài nông thôn, tác giả đã thể hiện rất thành công bức tranh thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đây. Qua đó giãi bày một cách kín đáo, những nỗi niềm băn khoăn, những u uất của lòng mình. Chiều sâu tư tưởng kết hợp hài hòa với nghệ thuật thơ Đường Luật, sự sáng tạo điêu luyện đã đưa những thi phẩm ấy lên một vị thế xứng đáng trong thi đàn dân tộc.
      Thơ Tú Xương là tiếng nói chung của dân tộc, không nặng nề về thổ ngữ nhưng cô đọng vào một hương vị thổ ngơi vùng Nam Định. Tú Xương là một chứng tử về đạo học Thành Nam tàn cục vào phần cuối của thế kỷ 19 suy tàn mà còn lây sang cả đầu thế kỷ 20. Thơ Đường Tú Xương là tập ký sự chi tiết về đời sống Thành Nam, về sinh hoạt vật chất và tinh thần của 1 lớp nhà nho của Thành Nam lúc thực dân Pháp sang. Cũng lều chõng đi thi nhưng thực ra chẳng ra làm sao cả.
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì.

      Rồi Tú Xương than cho đạo học, chán ngán cho cái cảnh chữ Tây thay cho chữ Nôm; Mọi người xử thế theo lối.
Dấu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi giắt bút chì.
     Hay: 
 Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
     Chính vì thế mà Cụ đã chúc:
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Sao được cho ra cái giống người.
     Con người thơ Tú Xương muốn đứng đắn mà đời sống lại thành ra lưu đãng hão huyền. Nhà nho khí khái muốn thanh bần với đạo thánh hiền mà cuộc sống bị áp đặt cho nhiều bi lụy. Cái tâm hồn thèm khát chan hòa ấy lại sa vào nỗi cô đơn, con người khí khái ấy lại phải vạ vào tình bạn, lần hồi đắp đổi, nhớ thương.
Tương tư chẳng lọ là trai gái
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng.
      Con người thơ nổi tiếng tài hoa, phong nguyệt và thói ngông ấy lại đâm ra phá bĩnh.
Non nước thề bồi thôi xúy xóa
Quỷ thần nào xứng ở hai vai.
      Đối với phụ nữ tuy có lúc cụ xí xóa những lời thề ước này khác nhưng Cụ cũng tỏ ra đồng cảm thương yêu:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!
     Cụ đâm ra ác khẩu trong cách đối chữ, đối câu, đem cái tôn nghiêm ra đối với những cái không tiện viết đúng tên thật, Cụ lỡm sự sống, Cụ cho lộn tùng phèo tất cả. Nghĩ về quan văn, quan võ cái thời thế nhí nhố ấy Cụ đem võng điều võng thắm ra đối với khố xanh, khố đỏ, đem lọng che đầu quan xứ đối với cái váy của mụ đầm, đem đít vịt của bà đầm đối với đầu rồng của một ông cử dốt đang vái lạy mũ áo vua ban, nhưng cao trào hơn cả, Cụ đem cờ (nước) ra đối với cái váy của đàn bà.
Cờ kéo rợp trời quan xứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
      Tú Xương khẩu xà nhưng tâm Phật, Cụ mắng nhiếc, Cụ văng tục, Cụ nói lái, Cụ vằng nọ, vằng kia, gọi con này con khác. Cụ văng ra đủ mọi thứ, Cụ bỡn đủ mọi hạng người.
Cũng đã sư mô cùng lớp trẻ
Lại còn tấp tểnh với đàn em.
Vợ đẹp của người không giữ được
Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng
.........
Mới biết hồng nhan là thế thế
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng.

      Thơ Tú Xương không chỉ trào phúng ngạo đời mà còn đầy lòng trắc ẩn con người. Những trận lụt tai hại cùng với chính sách sưu cao thuế nặng đã đẩy người dân đến độ cùng quẫn buồn đau. Câu thơ như một tiếng thở dài, một sự đồng cảm, thể hiện tâm lý chân thực, nỗi lo lắng chân tình của ông với người dân:
Thử xem một tháng mấy lần mưa
Ruộng hóa ra sông cỏ vật vờ
Bát gạo Đồng Nai kinh chuyện cũ
Con thuyền Quý Tỵ, nhớ năm xưa
Trâu bò buộc cẳng coi buồn nhỉ
Tôm tép văng mình đã sướng chưa!
Nghe nói miền Nam trời đại hạn
Sao không san sẻ nước cho vừa?

      Là một bậc danh nho nhưng lận đận trong thi cử, hoàn cảnh đã tác động mạnh vào sáng tác của Cụ. Tuy rất nhiều sáng tác của Cụ đều theo chiều hướng bớn cợt, trêu đời, xỏ xiên người này, người khác nhưng ta vẫn nhận ra một tấm lòng thi nhân rất đời và rất người.
Quanh năm buôn bán ở mon sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!

      Nếu chúng ta liệt Tú Xương vào loại nhà Thơ đạt đỉnh của Thơ Nôm thì bài thơ "Thương vợ" có thể liệt vào loại đỉnh Thơ Luật đường của Tú Xương cả về thi pháp lẫn thi luật. Sự độc đáo của bài thơ "Thương vợ" ấy là Cụ đã buông lời nguyền rủa chính mình, sao quá bất tài và nhu nhược chẳng khác gì những đứa trẻ yếu đuối và là gánh nặng trên đôi vai mảnh mai của vợ "Nuôi đủ năm con với một chồng". Tú Xương chửi mình hay là chửi cuộc đời đã xô đẩy, mang đến cho bà Tú quá nhiều nỗi đắng cay chua xót? Mắt nhìn thấy, nhưng không thể làm gì để gánh hộ, sẻ chia những oằn nặng trên vai vợ là nỗi hối hận và nhục nhã cùng kiệt của một đấng tu mi, đã dàn trải ẩn chứa trong các câu thơ. Lời tự trách móc rất đỗi chân thành xuất phát từ trái tim ấy để rồi đi đến chế diễu cái vô tích sự của chính mình làm giọng thơ như trào phúng, cười đó, khóc đó, nhưng đằm sâu nhân bản.
      Thời kỳ văn học trung đại đã kết thúc với thành tựu cuối cùng rất rực rỡ của 2 cây bút trào phúng Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Nếu Nguyễn Khuyến mang đến một hồn thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thâm thúy thì Tú Xương lại mang đến cho người đọc những câu thơ trào phúng cay độc, bốp chát nhưng lại đằm thắm tình người. Dù vậy, Trần Tế Xương vẫn được người đời xếp Cụ vào hàng ngũ những nhà thơ Nôm viết thơ Đường luật xuất sắc hàng đầu Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bởi lẽ, sự trào lộng trong thơ Tú Xương hết sức phong phú đa dạng. Cụ cười bọn quan dốt nát tham lam vơ vét hại dân, cười những ông hàn, ông cử dốt nát và hãnh tiến nhố nhăng, Cụ cười cả vua, cả quan tây và cười cả chính mình. Chính vì thế sự trào lộng mang sắc thái khác nhau đã thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc.
      Là một nhà thơ được sinh ra trong khoảng thời gian đầy biến động khi triều Nguyễn đã mục ruỗng, đất nước đang bị kiềm tỏa trong vòng lệ thuộc, nhân dân đói khổ lầm than, những điều Tú Xương đã trải qua, đã tai nghe mắt thấy, những va đập của cuộc đời đã hình thành nên con người thơ và các thi phẩm Luật Đường của Trần Tế Xương. Đấy là 133 bài thơ thể Luật Đường đầy khinh bạc, mỉa mai chua chát và nỗi đau xót cuộc đời qua từng vần thơ Đường đăng đối và ấn tượng. Có thể nói 133 bài thơ Luật Đường trào lộng đã bồi đắp lên tên tuổi của Trần Tế Xương trên thi đàn của dân tộc. Cùng với Nguyễn Khuyến, nhà thơ Thành Nam Trần Tế Xương đã đạt được những thành tựu và có giá trị bền vững trong lĩnh vực thơ trào phúng của nền văn học Việt Nam. Mai đây dù thời gian có trôi đi, nhưng lớp bụi của nó cũng không thể làm lu mờ dấu ấn mà Trần Tế Xương đã tạc vào tâm trí các thế hệ người đọc - Dấu ấn về một nhà thơ trào phúng dẫu trào lộng nhưng vẫn đằm thắm tình người.
 
Hải Dương, ngày 20 tháng 8 năm 2016
Sưu tầm và biên soạn: Tạ Anh Ngôi - Chủ tịch: Chi hội thơ Đường Lục Đầu Giang tỉnh Hải Dương  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét