Chuyện thì buồn. Nhưng chuyện buồn đâu phải không nên kể. Có khi kể ra rồi lòng thấy thảnh thơi mà hoá vui hơn. Chuyện tôi kể về hoa Pơ - lang này như thế .
Bà bác sĩ ấy về hưu rồi. Cùng tổ dân phố lại sinh hoạt hội cựu chiến binh phường với tôi . Mấy đứa con công tác và cư ngụ tít trời Nam. Bà bảo, hai vợ chồng son ngủ ít nên đi bộ ngoài hồ Hoàng Cầu thì nhiều. Mấy ngày nay nắng nóng quá. Các gốc phượng vĩ ngoài hồ chật người ngồi trà đá, râm ran chuyện hội nghị Campuchia không ra được thông cáo. Bà nói với tôi, anh cũng là lính B3 Tây Nguyên nên tôi kể, chuyện một thời của lính, của tuổi trẻ của B3 mà thôi. Nhìn bà, mái tóc bạc nhuộm lại và rất nết na. Hiểu ra người bác sĩ ở trong rừng thời xưa xinh phải biết.
Bà kể.
..... “ Đánh Kon tum ác liệt quá, tháng tư ta thắng, tháng 5 thấy chững lại rồi cuối tháng 5... mình yếu ... rồi rút . Chúng tôi đón thương binh về toàn là anh em bị thương mấy ngày rồi. Mùa mưa Tây nguyên lại bắt đầu ... các vết thương có ròi đến nhanh . Thương binh chết trên tay chúng tôi , thương binh đưa đến đội điều trị đã chết, thương binh nằm chờ đến lượt phẫu của mình thì chết. Con gái chân yếu tay mềm chúng tôi chỉ biết khóc, chỉ biết vuốt ve nắm chân tay các anh muốn truyền hơi ấm yêu thương của đồng đội tới nhau để thêm chút hi vọng sống. Các anh cũng biết, có người tắt thở rồi vẫn nhìn chúng tôi như níu kéo, bàn tay bấu chặt vào tay tôi như muốn chào tạm biệt, muốn nhắn gửi một nhời gì đó về quê với mẹ với người thân.
Đầu mùa mưa, cuối mùa khô hoa Pơ lang sót lại lốm đốm đỏ. Đội điều trị ở một cánh rừng có mấy cây Pơ lang to . Nó cao vượt lên hẳn những ngọn lồ ô xanh mướt mát. Lá thì ít mà hoa thì nhiều. Sao cái loài cây này nó không sống cho nó, nó cứ sống cho thiên nhiên nhiều hơn. Ngay cả vào mùa mưa lá nó cũng ít. Dường như nó hút tinh tuý cao nguyên chỉ để vắt kiệt máu mình vào màu đỏ của hoa vào những cánh hoa mỡ màng dầy dặn như những cánh diều bé xíu màu máu? Còn chính thân nó thì khẳng khiu khô khốc đầy những gai nhọn mốc thếch giữa nắng và gió.
Đội điều trị có một thương binh ở đoàn Đồng Bằng. Anh ấy quê xứ Đoài. Trung đội trưởng bắn DKZ . Mấy ngày đầu anh ấy nặng tai lắm. Cái vết thương thì xoàng thôi nên rất nhanh bình phục. Anh ấy nhao xuống giúp y tá chúng tôi đủ việc, mà việc nào anh ấy cũng tỏ vẻ như rất biết nghề. Anh cười hì hì, rằng bố anh là y tá ở trạm xá quê nhà . Mấy việc đun nước, tiêm chọc anh ấy biết cả, anh ấy còn khuyên chúng tôi nên trồng thuốc nam nữa nên tìm những loại của sâm nam trong rừng Tây nguyên làm thuốc bổ cho thương binh. Anh ấy chỉ cho chúng tôi những loại lá nào ăn được trong rừng. Anh cứ như một cuốn từ điển về rau dại và cỏ cây vậy. Anh ấy đi cải thiện thức ăn cho thương binh, chui vào các lán bón cơm đút cháo cho đồng đội. Tối tối anh ấy dậy bọn tôi hát. Mà anh ấy hát hay lắm cơ. Con trai xứ Đoài tốt nghiệp cấp 3, không nhận giấy đi học nước ngoài mà nhận giấy nhập ngũ. Đã bốn năm theo đơn vị đánh từ Quảng Trị, đường Chín Nam Lào nay lại vào Tây Nguyên đã từng là dũng sĩ diệt Mỹ từ năm Mậu Thân... Tôi không thể nhớ hết chúng tôi đã nói chuyện gì với nhau ngày ấy. Nhưng mỗi chiều anh ấy đợi tôi xuống tiêm, thay băng cho thương binh để tặng tôi một cái cối giã gạo làm bằng ống lồ ô xinh xắn, anh ấy làm cái tượng cô gái Tây Nguyên đeo gùi bằng gốc nứa sao mà đẹp thế . ..
Một chiều, tôi đến sau lưng anh mà anh không biết. Anh nhặt ở đâu về rất nhiều bông Pơ lang. Anh lấy từng cánh hoa đỏ như máu xếp thành một cái tên. Không ! mà là hai cái tên. Hà - Hồng. Tôi sững lại, anh xếp tên anh và tên tôi với nhau. Dẫy chữ bằng những cánh hoa Pơ lang đỏ tươi trên mặt đất lam nham đàn kiến tha mồi. Anh cười một mình, anh có vẻ vui lắm và bỗng giật mình khi thấy có người đến gần. Anh xoá vội dòng chữ đỏ hồng đi nhưng chỉ mất chữ Hà còn lại nguyên chữ Hồng. Anh như đứa trẻ biết lỗi, tôi cũng đứng bên anh im lặng như mình mới là người có lỗi. Anh ngồi bất động, tôi đặt tay lên mái tóc anh. Anh đưa tay lên giữ chặt bàn tay tôi trên tóc. Tôi nhớ lúc ấy có tiếng đạn pháo rú qua đầu.
Ai đã từng ở chiến trường Tây Nguyên vào năm 1972 thì hẳn không quên mùa mưa năm 1972 thật nhiều bom đạn, nhiều mất mát và cũng thật nhiều kỉ niệm. Thế mà chả biết làm sao có ai đó biết chuyện tôi và anh nắm tay nhau âu yếm để rồi tôi bị kiểm điểm là tình cảm bi lụy, gây ảnh hưởng cho thương binh. Rằng tôi làm như thế sẽ mất sức chiến đấu của bộ đội. Tôi là người ‘ hữu khuynh” tư tưởng. Sau mỗi cuộc họp kiểm điểm tôi lại thấy mình nhớ anh nhiều hơn, lại muốn yêu hơn. Sau mỗi đêm thức dậy tôi lại mong trên mặt đất có chùm hoa pơ lang thật đỏ rơi từ trên trời xuống cho anh.
Anh trở về đơn vị chiến đấu. Tôi và anh nhìn nhau chia tay tận ngoài bờ suối. Anh đi như chạy, anh nói xin lỗi tôi. Mà anh làm gì có lỗi. Hoa Pơ lang thì cứ đỏ, cứ là cái màu máu vốn có của nó. Chúng tôi rất trẻ và chúng tôi khao khát yêu, khao khát thịt da như thèm muốn muôn đời của con người. Chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng mà ao ước yêu. Con người thì ai cũng như nhau thôi khao khát ham muốn được yêu và yêu cuộc đời. Chiến tranh biết bao điều vô lí. Vô lí đến mức trở nên hợp lí…”
Bà bác sĩ nghẹn ngào.... “Chua xót lắm anh ạ. Năm 1974 tôi lại gặp anh, nhưng anh chả nhận ra tôi nữa. Anh bị thương sọ não ở đường 19 đoạn Thánh Giáo gần Pơ lây Cu. Sau gần một tháng mổ điều trị anh tỉnh lại và không nhận ra mình nữa. Anh cười ngô nghê. Nào, bắt tay đồng chí . Đồng chí có chồng chưa? Đồng chí có hay về Sơn Tây không? Cứ như anh và tôi đã nhận ra nhau mà giả vờ không quen nhau. Có lúc mắt anh vô hồn nhưng đột nhiên có lúc lại nồng nàn hổn hển. Rồi anh lại à à ..ờ ờ quê tôi ở gần sông Hồng đồng chí ạ. Đồng chí có biết tiếng Nga không? Dờ đờ rát sờ vui che! Chào đồng chí!
Một buổi chiều tôi xuống lán anh. Nhiều ngày nay tôi nhìn anh từ xa, tôi nhìn người bạn tôi hai năm trước bừng bừng khí thế. Lúc ấy anh là một dũng sĩ đầy mình chiến công. Bây giờ anh là một Đại đội trưởng can trường nhưng không còn nhận ra tôi. Bây giờ anh trở về là một đứa trẻ ngô nghê biết chữ và hiền lành thánh thiện. Những dũng sĩ chiến binh thật ra là những đứa trẻ thánh lành thế kia ư?
Thật bất ngờ, tôi lại nhìn thấy anh ấy ngồi bên một đống hoa Pơ lang xé từng cánh hoa xếp chữ HỒNG ngay ngắn. Thấy tôi anh cười nhỏn nhoẻn. Chào đồng chí đồng chí thấy tôi xếp chữ đẹp không ? tôi xếp chữ Dờ Đờ rát sờ vui che đấy. Chào đồng chí !
ôi vụt chạy, tới gốc cây Pơ Lang tôi ôm mặt khóc, khóc như ngày tôi đi tòng quân nhớ mẹ. Một bông Pơ lang rơi ngay dưới chân tôi. Tôi nhặt lên giữ chặt nó trong tay mình. Tôi giữ mãi ...giữ mãi ...”
Những ngày sau, trong những đêm ngủ chập chờn rách nát màn đêm bởi bom và pháo giặc tôi hay nằm mơ đến một ngôi làng ven sông Hồng. Hình ảnh làng quê có bãi bồi và những cây hoa gạo mơ hồ như sương cứ mập mờ trong hồn người con gái chưa chồng. Bao nhiêu điều mơ hồ khi người đàn bà chưa lấy chồng nó bị chìm đánh ủm một tiếng như quả bưởi trôi trên sông mùa lũ lúc mình đi lấy chồng. Rồi đến một lúc nào đó nó nổi bềnh lên chói lói giữa mênh mông sóng và nước. Nó nổi được lại là nhờ những con sóng ở dưới sâu phải không anh?
.... Bà bác sĩ ngồi nhìn ra hồ Hoàng Cầu. Mấy cái trụ bê tông của dự án đường sắt trên cao mà nhà thầu Trung quốc còn xây dở đứng chòi lòi giữa mặt hồ. Mấy ngọn sắt nhô lên trên trụ cầu có những con chim sẻ đậu im lìm như mấy nốt mụn ruồi. Bà kể tiếp :
" Rồi vài ngày sau anh ấy đi, người ta đưa anh ấy về hậu phương chữa chạy tiếp. Buổi sáng hôm ra đi anh nói cười như con trẻ . Anh ấy lại chào các đồng chí! Dờ đờ rát sờ vui che. Trong cóc ba lô của anh ấy có vài bông hoa pơ lang đỏ chói lói lấp ló. Anh ấy ngoái lại cười thật hiền với tôi và những người ở đội điều trị. Tây Nguyên lùi lại sau với anh. Còn tôi từ lúc ấy Tây Nguyên nặng nề và day dứt .
Cách nay vài năm, một lần đoàn cán bộ sở Y tế thành phố về chống dịch một xã ven sông sau trận lụt. Chợt nhận ra cái tên xã rất quen. Tôi bàng hoàng rồi nhớ lại những nỗi đau đã xưa lắm rồi. Tôi mò mẫm vào làng. Bãi sông sau đận lũ nước và phù sa ong óng vàng trên cây trên cỏ trên vườn. Gặp lũ trẻ chăn trâu tôi hỏi : Cháu biết nhà bác Hà thương binh không?
Lũ nhóc nhao nhao có có. Tôi mừng quá, hơi thở dồn dập. Ở đâu hả cháu?
Chúng nó chững lại. Bác ơi ông "Hà Hồng " ấy chết rồi, chết hơn năm rồi. Thế bác biết ông Hà à? ông ấy hay lấy hoa gạo ngoài bờ sông về ngồi xếp chữ Hồng rồi khóc, khóc rồi lại cười, ngộ lắm bác ạ. Tôi cứ im lặng, tôi như người chết đứng, tôi quên mất lũ trẻ đang bu quanh tôi. Tôi khóc nức lên. Tôi không là tôi nữa, già rồi mà không lí giải được thế nào là tình yêu, tôi vô tình hay chiến tranh nó bắt đời chúng ta phải vô tình với những điều yêu mến.
Bỗng chốc tôi lại trở về với tôi ngày xưa. Tôi một chiến sĩ Tây Nguyên. Tôi cố hình dung ra anh, anh gầy gò tật bệnh ngồi trên bãi sông Hồng nhặt từng cánh hoa Pơ lang (hoa gạo) lặng lẽ kết hình tên tôi. Có phải tên tôi không? ..”
Bà bác sĩ quay sang tôi :
- Không biết anh có nghĩ như tôi không ? Tôi lúc nào cũng thấy bông hoa Pơ lang là ngọn lửa. Còn những cánh hoa Pơ lang là những cánh buồm bằng máu .
16/7/2012 Hoàng Cầu - NTL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét