Người đi tìm hài cốt kể:
Hai ngày giời mệt mỏi vì nắng lại mưa và muỗi vắt chúng tôi không tìm ra manh mối cây lim to ven sông Ca Rong. Chiều tối hôm ấy chúng tôi về ngã ba cầu Ca Rôn . Chúng tôi sẽ ở lại đây và tiếp tục đi tìm hài cốt bạn tôi thêm vài ngày nữa. Một dãy hàng quán chừng mươi chủ, những là cà phê nước ngọt và đồ tạp phẩm sau những tán cây trứng gà xanh ngặt. Nhưng có một cửa hàng lại nép dưới giàn hoa ti gôn.
Cái cửa hàng ấy bỗng dưng làm dịu mát ngã ba nắng và đầy gió Lào. Mái hiên đan bằng tre luồng kiểu cách được chống lên bằng cột tre nhẵn bóng. Bông ti gôn rủ xuống như những lọn tóc màu hồng quyến rũ. Tôi và người bạn thất vọng thì ít nhưng mệt mỏi thì nhiều chỉ muốn lăn ra đâu đó mà ngủ. Cánh xe ôm cũng sắp cuốn gói ra về nhìn chúng tôi thương hại.
– Ấy dà, mắc võng mà ngủ thôi hà, không có khách sạn đâu á.
Tôi hỏi với theo:
– Ở đây có an toàn không hả mấy chú?
– Không sợ đâu à. Ban đêm xe chạy liên tục à.
Tối ấy chúng tôi mắc hai cái võng vào ba cây trứng cá căng bọc võng và tống hai cái ba lô lên võng định bụng sẽ lại phân công nhau gác thay phiên như hồi nào hai chúng tôi còn ở lính. Khuya một xe máy hai người đàn ông táp vào họ hỏi và soi đèn pin vào giấy tờ của chúng tôi ái ngại, các anh nên tìm nhà nghỉ mà nghỉ ngơi. Ở đây không lo mất an toàn đâu… nhưng muỗi lắm. Nghĩ mà thấy mình già mà vẫn hâm.
Trong đêm có đôi lần thấy cái hàng tạp hóa sáng đèn, thấy bóng người đàn bà và hương khói thơm ngát. Sáng sớm chúng tôi cuốn võng lúc người đàn bà mở cửa hàng. Một người đàn bà đẹp nhìn lướt qua chúng tôi về phía đầu cầu Ca Rôn mấy cái xe vụt qua về hướng A Sầu A Lưới.
***
Người kiểm lâm kể:
– Các bác đi từ ngoài nớ vô mệt hỉ. Chừ ở mô? Dà! Mắc võng hỉ? Lãng mạn quá hè. Rồi tôi cười:
– Mần điếu thuốc nghỉ đã mấy bác.
Chúng tôi cùng ngồi dưới tán cây máu chó to một sải ôm. Trời mùa này không có mưa. Từng chiến đấu ở vùng này nên hai người lính già nói, họ sợ nhất là vào tháng 11, 12 dương lịch còn thì bình thường trời trong veo và hâm hấp gió.
– Ngủ võng nhớ đời lính hỉ bác hỉ. Hai bác ngủ cửa nhà bà Liễu Huế đó. Bà Liễu là chỗ cô cháu chị em với anh em kiểm lâm chúng tui hà. Có chi ở ngã ba này anh em tui nhờ tay bà Liễu cả đó bác.
Người lính già hỏi:
– Các chú làm kiểm lâm có biết dông đồi này có một cây lim to hai người ôm không?
Cậu kiểm lâm viên trẻ đi cùng tôi nhướng mắt rõ to nhìn hai người già:
– Chu cha bác hỏi hệt bà Liễu Huế. Bà Liễu Huế cũng đi tìm cây lim đó mà đâu có thấy. Chắc nó bị chặt ngay từ hồi 75, 76 quá.
Rồi cậu thao thao kể chuyện về rừng Khe Sanh về mùa lũ trên dòng Ca Rong đầy những gỗ lậu trên rừng trôi xuống sông… có khi cả thú rừng cũng cuốn theo dòng lũ. Ngừng một lát cậu ấy nói:
– Bà Liễu không chứa chấp gỗ lậu mà bà còn khuyên tụi lâm tặc đừng làm càn. Chả biết bà có phép chi mà lâm tặc cũng ngán bà và bớt hoành hành nơi này.
Ngộ ghê thôi, người đàn bà tuổi ngoài năm mươi yếu ớt thế mà tụi lâm tặc nể. Nể thì nể chứ sự hung hãn của kẻ làm liều này thì nó ngán ai? Nhưng điều cậu ấy nói là sự thực, tôi biết.
Người lính già nói:
– Nghe chuyện của chú kiểm lâm mà lại thấy băn khoăn. Hay bà ấy có phép bùa gì chăng? Đêm hôm đầu tiên nằm võng chừng nửa đêm về sáng thấy có tiếng đàn. Nghe như mê ngủ tôi vạch cái bọc võng ngó ra ngoài. Nhà hàng xén sáng đèn và tiếng ghi ta Sóng sông Đa Nuýp vọng ra từ căn nhà ấy.
***
Người chạy xe ôm kể:
Mấy người lính già đi tìm mộ đồng đội lân la hỏi chuyện mưu sinh của chúng tôi. Tôi vui chuyện:
– Ở cái chỗ ngã ba đường này đầy chuyện bất trắc bác ơi, chả biết ai tốt ai xấu. Thôi thì vì miếng ăn mà chạy nhắm mắt làm liều. Nhiều năm em mần cái nghề xe ôm ở đây em ngấm đủ cả vui buồn đó bác. Mất tiền cũng có, bị lừa rồi trấn lột cũng có vậy mà mấy anh em chúng em ở chỗ này vẫn an toàn. Bà Liễu Huế bảo rằng chúng em lương thiện nên được các ông linh thiêng phù hộ. Bà ấy bảo, các ổng chỉ phù hộ cho người nghèo người lương thiện thôi bác à.
Người đi tìm mộ hỏi:
– Thế thì ai không lương thiện?
– Thì đó mấy ổng tham nhũng đó, xích cổ vào tù tối ngày đó, mấy thằng lâm tặc giết người đó lưới trời đâu có tha. Tôi ngồi quay ngang trên xe máy vừa nói vừa vẫy ngúc ngắc cái chân.
Một anh bạn xe ôm khác lên tiếng:
– Chúng tôi mần ăn ở ngã ba này hên xui đều nhờ bà Liễu Huế cả. Bả dậy tụi tôi chia lượt khách dậy cách tính tiền xe theo cây số loại đường, bả rất ghét ai ăn chẹt khách. Người nào có tính tắt mắt bà không thèm nhìn mặt.
Rồi chả hỏi ông bạn hay chuyện của tôi cũng kể.
– Bả ở dưới thành phố lên đây lâu lắm rồi. Nghe nói nhà bà có cửa hàng dưới đó con cái đâu chắc một con gái ở nước ngoài, anh em cũng thi thoảng lên thăm bà rồi lại về. Bà cứ ở đây lâu lâu lại đi rừng một buổi.
Người lính đi tìm mộ hỏi:
– Bà ấy đi rừng?
– Vâng bà tìm hài cốt. Mà là hài cốt lính bên kia.
Tôi trả lời rồi nhìn mặt người đi tìm mộ liệt sĩ như dò hỏi. Còn người lính già dấu vẻ mặt của mình bằng một câu hỏi bâng quơ:
– Cũng là lính hả?
Chúng tôi ra về còn ngoái gọi to vào nhà bà Liễu Huế:
– Tụi em về đây chị ơi.
Buổi chiều bên dòng sông Ca Rong có cơn gió thật là mát. Mặt trời lặn phía Khe Sanh vàng vàng màu mật.
***
Người Chủ tịch xã kể:
Hai người đi tìm hài cốt liệt sĩ bước vào Ủy ban Nhân dân xã Ca Rôn. Anh công an viên đã gặp hôm trước chỉ cho hai ông phòng làm việc của tôi.
Tôi nói:
– Biết các bác đã nộp giấy tờ cho công an viên rồi, mà các bác cũng chủ quan với sức khỏe gớm đấy.
– Chúng tôi từng quen khí hậu nơi này nhiều năm rồi anh à. Rồi họ cùng cười với nhau.
– Nghe nói hai bác ngủ ngay hiên nhà bà Liễu Huế, tôi cũng thấy yên tâm. Bà Liễu là chỗ dựa của an ninh xã ở khu vực ngã ba đó mà.
Người lính đi tìm hài cốt trình bầy với tôi về cây lim to hai người ôm ở cánh rừng bên kia sông phía thượng nguồn sông Ca Rong . Hỏi tôi vì sao vị trí cây lim đó bây giờ tìm không thấy nữa.
– Bác hỏi tui, tui hỏi ai bây chừ. Lâm tặc vài chục năm nay hoành hành mà tuổi tui sinh sau năm 1970 cũng chỉ toàn nghe kể về trận này trận kia, hàng năm tiếp đón gặp gỡ hàng chục lượt người nam người bắc đi tìm hài cốt… các bác thông cảm cho tụi tui.
Rồi tôi hỏi lại:
– Hai bác có hỏi bà Liễu Huế chưa? Có thể bà ấy biết cây lim đó. Bả đi tìm hài cốt cũng đã hai chục năm nay rồi đó. Nhưng nói các bác thông cảm bả tìm hài cốt tử trận phía bên kia.
– Thì hài cốt ai thì cũng thiêng như nhau cả thôi mà ông Chủ tịch. Hài cốt phía bên nào thì cũng hiền như đất cả thôi, đều thương nhớ cho con người còn sống đây cả mà.
– Vâng vâng, tui hiểu chứ.
Tôi thành thật kể cho họ biết, bà Liễu là em một đồng chí lãnh đạo tỉnh, thỉnh thoảng đồng chí ấy lên thăm. Mỗi lần lên thăm là đồng chí ấy đều ghé vô Ủy ban xã buồn buồn. Nói cô ấy nặng lòng yêu người yêu cũ quá mà ở lại mà lên đây mở quán bán hàng để tìm hài cốt người yêu cũ. Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ bà ấy ở đó đi tìm hài cốt người đằng mình thôi. Đồng chí lãnh đạo cũng chỉ nói đến thế chả kể người yêu bà ấy là lính dù Việt Nam cộng hòa. Chúng tôi nghe qua chính bà ấy.
Người lính đi tìm hài cốt giật mình. Lính dù? Tử trận năm 71? Lẽ nào đó lại là những trận chiến đấu của đơn vị ông với lữ đoàn của Lê Quang Lưỡng ngày ấy.
Thấy hai người lính già trầm ngâm, tôi phá tan không khí im lặng.
– Mà các bác biết không, bà ấy là sinh viên Văn khoa Huế đó. Bà chơi đàn thì mê luôn. Khuya bà mới đánh đàn. Bà đánh đàn một mình cho đến sáng thì đi xuống sông. Bà rửa mặt bằng nước sông. Người thành phố này kì lạ ghê. Công an xã cũng để ý nhiều nhưng bà ấy luôn là người tích cực đóng góp mọi phong trào ở địa phương. Bà giúp chúng tôi nhiều lắm, bà nhập hẳn hộ khẩu xã này rồi đó.
Hai người lính đi tìm hài cốt đồng đội ra khỏi Ủy ban xã với nỗi thất vọng và lại thêm nỗi thắc mắc về một người đàn bà cũng đi tìm hài cốt người thân như mình.
***
Người đi tìm hài cốt kể:
Chúng tôi quyết định ngày mai về quê. Gần một tuần hỏi han và bằng trí nhớ chúng tôi không tìm thấy mộ thằng Quang cùng tiểu đội. Chúng tôi đã ngả tất cả vàng hương và áo quần vàng mã với thuốc lào thuốc lá dưới gốc cây máu chó cổ thụ bên ngọn đồi cao bờ sông Ca Rong khấn thằng Quang. Thôi thì mày tha lỗi cho chúng tao, gần bốn mươi năm rồi, ruộng cạn ruộng sâu nó hao mòn sức lực trí nhớ chúng tao rồi chả tìm được mày đâu. Mày nằm với các anh bên đặc công hôm đó vậy nhé Quang ơi.
Chúng tôi đốt vàng nhang và những thứ mang theo trong buổi chiều chạng vạng. Khói lùa lên ngọn cây rừng, tiếng ve chiều đang rối bới bỗng im bặt. Nghe nước sông Ca Rong réo dưới chân đồi cái đập thủy điện làm dở đã bật đèn hệt như bóng đèn của căn cứ dù những đêm xưa chúng tôi mò vào.
Tối hôm đó hai đứa tôi mỗi người làm một cốc mì tôm, vài cái bánh qui rồi mắc võng. Bỗng người đàn bà mở cửa bước ra. Lần đầu tiên bà mời chúng tôi vào nhà.
– Tôi mời hai ông vào nhà tôi pha cà phê hai ông uống.
Hai chúng tôi bước vào nhà, sau quầy hàng tạp phẩm là một gian bài trí đơn sơ nhưng đẹp. Tấm ảnh người con gái kiêu sa và một chàng trai mang quân phục lính dù đặt trên mặt bàn phấn. Đây đúng là căn phòng của một người đàn bà có học theo nếp cũ ở thành phố xưa. Chúng tôi uống cà phê dè dặt.
– Tôi biết hai ông là người nặng tình, bởi suốt những ngày đi tìm bạn các ông đều mắc võng nằm ngoài trời. Nhiều đêm tôi biết hai ông không ngủ. Nhiều đêm tôi vẫn quen lệ chơi đàn lúc gần sáng ấy cũng là lúc hai ông đang thức. Người đàn bà ngừng lại ngoảnh nhìn về phía sông hồi lâu.
Bà tiếp:
– Đã mấy chục năm nay tôi đi tìm anh ấy, người lính đối phương của các ông mà cũng không thấy. Tôi biết các ông tìm gốc cây lim to hai người ôm là tôi hiểu các ông là người đánh trận ngày mà người tôi yêu đã tử thương. Tôi cũng dày công tìm mà chỉ thấy rất nhiều mặt cắt của thân cây to như vỏ xe ô tô nhà binh. Gốc cây ấy chỗ nào? Hàng đêm tôi nghĩ tới…
…Chúng tôi yêu nhau và từng học trung học ở thành phố, anh ấy cũng là bạn với anh trai tôi. Người anh tôi lên chiến khu khi vừa vào đại học còn anh ấy bị bắt đi quân trường Thủ Đức rồi về vùng này làm thiếu úy dù. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật đẹp mà cũng thật tan nát vì âu lo, tôi nghỉ học một năm bảo lưu kết quả để sanh con. Con gái tôi đi HO với gia đình bên anh ấy nhưng tôi thì không. Tôi lên đây sống để tìm anh để ở với anh mà như anh viết thư cho tôi là có gió rít có sông Ka Rong gầm trong những đêm tiền đồn nhớ tôi… Tôi dựng nhà ở đây và cứ khi nào con sông này lũ tôi lại ra đầu nhà nhìn xuống sông. Bạn anh ấy kể rằng bên bờ sông này những người lính bị thương ở cả hai bên đều cùng bò xuống sông uống nước và lũ cuốn họ đi.
Bà lau nước mắt nói tiếp:
– Tôi có điều kiện để sống ở thành phố và việc làm tốt hơn vì anh trai tôi là lãnh đạo tỉnh. Nhưng tôi muốn sống với người tôi yêu nhớ, người đã có trong dòng máu của tôi để sanh ra con tôi. Cũng như các ông dù không anh em ruột thịt các ông vẫn đi tìm bạn. Tôi cảm các ông vì thế.
Chúng tôi ngồi im, tôi nghe ngoài trời rin rít gió, khi tiếng gió ngừng là tôi nghe thấy tiếng nước oàm oạp len lỏi những đá lô nhô dưới sông. Cả hai chúng tôi chợt nhớ cái đêm chúng tôi rút sang bờ bắc con sông này cắn răng thương những người đồng đội chúng tôi nằm lại mà không thể nào mang được theo. Người đàn bà nói tiếp, giọng như gặp gió thoảng:
– Vài năm trước một đêm lũ về, tôi nghe tiếng kêu beng béc dưới đầu nhà. Tôi soi đèn đội mưa dò dẫm xuống bờ sông. Một con lợn rừng gẫy cả hai chân trước bị dòng nước đẩy vào bãi rau của tôi. Con lợn rừng đầy vết thương vì va đập, mắt nhìn tôi cầu cứu. Tôi kéo con vật tội nghiệp lên bãi thì nó chết. Trong đêm tôi chợt nhớ anh. Anh ấy sinh năm Hợi. Năm Đinh Hợi. Cũng là heo rừng chăng? Con heo rừng này về với tôi có nghĩa gì? Hương hồn anh đây chăng? Trước lúc trời sáng tôi chôn con heo này và lấy đá xếp thành ngôi mộ. Từ hôm ấy hễ tôi buồn tôi lại xuống mộ con heo để thắp nhang là thấy lòng thanh thản. Kì lạ thế. Các ông thường tự nhận là người duy vật, mong đừng cười. Thân tôi chỉ là đàn bà con gái biết yêu đang yêu đó mà thôi.
Đêm ấy, hai chúng tôi đều không ngủ. Chúng tôi lại nhớ thằng Quang bạn tôi cũng sinh năm Đinh Hợi. Thằng Quang có cái răng khểnh đẹp trai và dũng cảm. Chúng tôi đi tìm nó mà vô vọng.
Hôm sau chúng tôi gói buộc ba lô đồ đoàn rất sớm. Cũng vừa lúc thấy người đàn bà đi xuống sông. Chúng tôi nhẹ nhàng đi theo. Người đàn bà xõa tóc vục nước rửa mặt táp nước lên mái tóc mình rồi hai tay vuốt ngược từ phía sau những hạt nước li ti bắn ra như sương. Bà lấy khăn lau khô tay và mặt rồi đến bên ngôi mộ xếp bằng đá cuội trơn bóng nhặt ở ven bờ Ka Ron thắp nén hương. Bà đứng bất động không để ý đến hai chúng tôi đứng đằng sau. Qua mớ tóc uốn rất kĩ của người đàn bà, ngôi mộ đá cuội bỗng lấp ló những khuôn mặt người rất trẻ rất đẹp. Hai chúng tôi đưa tay lên ngực lúc nào chả biết.
HN 2016.
Nguyễn Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét