Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 97

                                        Triệu Tương Tử

Bài 97

Dự Nhượng kiều
豫讓橋
Dự Nhượng kiều
豫讓匿身刺襄子
Dự Nhượng nặc thân thích Tương Tử 1
此地因名豫讓橋
Thử địa nhân danh Dự Nhượng kiều
豫讓既殺趙亦滅
Dự Nhượng kí sát Triệu diệc diệt
橋邊秋草空蕭蕭
Kiều biên thu thảo không tiêu tiêu
君臣正論堪千古
Quân thần chính luận kham thiên cổ
天地全經盡一朝
Thiên địa toàn kinh tận nhất triêu
凜烈寒風冬日薄
Lẫm liệt hàn phong đông nhật bạc
奸雄過此尚魂消
Gian hùng quá thử thượng hồn tiêu
Dịch nghĩa: Cầu Dự Nhượng
 
Dự Nhượng dấu mình đâm Tương Tử
Chỗ này do đó tên là cầu Dự Nhượng
Dự Nhượng giết rồi, nước Triệu cũng diệt vong
Bên cầu cỏ thu xơ xác
Lời bàn đúng đắn về nghĩa vua tôi đáng làm gương muôn thuở
Làm trọn đạo trời đất trong một sớm
Gió lạnh căm căm, trời đông nhạt
Kẻ gian hùng tới đây còn mất hồn vía
Dịch thơ: Cầu Dự Nhượng

Diệt Tương Tử Nhượng dấu mình
Nơi đây Dự Nhượng thành danh cây cầu
Nước Triệu cũng chẳng còn đâu
Cỏ thu man mác bên cầu xác xơ
Nghìn năm để tiếng thơm tho
Đạo trời đất đã một giờ trả xong
Căm căm gió lạnh trời đông
Qua đây những kẻ gian hùng hồn bay.

                                   Đỗ Đình Tuân
                                     (dịch thơ)
 
Chú thích:
1. Dự Nhượng: Xem chú thích bài 96
2 Trí Bá: . Trí Bá 智伯 đánh thua Triệu Tương Tử 趙襄子, bị Tương Tử cho sơn xương sọ dùng làm tô đựng rượu (có thuyết nói dùng đựng nước tiểu). Dự Nhượng hết lòng rửa nhục cho Trí Bá.
 
25/7/2014
Đỗ Đình Tuân

BÈO TÂY


 
Tụ lại ria đường bèo cánh ơi
Bồng bềnh kết mảng ở trên đời
Cho xanh thảm lụa bên đường thắm
Để tím màu hoa nước nổi trôi
Ấp ủ lòng người từng tiếng gọi
Miên man ngóng kẻ mấy câu mời
Bao nhiêu bão gió em còn đó
Ứơc hẹn vẫn tìm chẳng thể vơi.
                                      VN

MỘT MÌNH KHAU VAI

Bao lần hẹn nhau Khau Vai
Mãi hẹn không thành Khau Vai
Đành hẹn chờ nhau Khau Vai
Lại hẹn mùa tình Khau Vai.
 
Nguyễn Tô Hà

ĐỌC “BỐN MÙA” THƠ TRẦN NHUẬN MINH NXB VĂN HỌC HÀ NỘI 2011

(tiếp theo)


“THƠ TÌNH NGÀY KHÔNG EM”, “CHIỀU XANH”.


Thơ tình mà lại không em vì giờ đây :
“Thì em xa,
Em đã quá xa rồi…”

Những đổi thay dâu bể bao giờ cũng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Ta không hiểu được những gì rồi sẽ đến nên con người thường sống chơi vơi và đau khổ trong tình yêu. Những câu thơ ở đây nhẹ nhàng nhưng lại gieo giông bão vào lòng ta. Trần Nhuận Minh cứ liên tiếp đặt vào đây những trăn trở:
“Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau”
Và sau câu trăn trở đó, là sự xót xa ân hận của Nhà thơ – người tình:
“Anh đã chẳng buộc em vào tội lỗi”
Để đến nỗi:
“Em đứng lặng. Mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em có nói được gì đâu”

Và cũng sau trăn trở ấy có lúc đã le lói một niềm hy vọng:
“Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ
Và tương lai ít ra cũng ngọt ngào”

Cùng với “Thơ tình ngày không em” những bài thơ tình khác của Trần Nhuận Minh cũng mỏng nhẹ như sương khói nhưng lại có độ lắng sâu và rất dạt dào cảm xúc. Vì thế nó găm chặt được vào cõi người. Thơ tình của ông gieo vào lòng ta một nỗi buồn man mác, để lại trong ta một nỗi niềm tiếc nuối của một thời xưa cũ, nơi mối tình đầu của mỗi đời người chớm nở. Nó cứ như sợi heo may se lạnh đầu thu vấn vít vào hồn ta. Trong “Chiều xanh” Trần Nhuận Minh có những câu thơ thật hình tượng:
“Áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu”

Tình yêu của cô gái dậy thì, sức vóc lớn trước tuổi. Tình yêu ấy mới trong trắng làm sao, sao đẹp thế mà em lại phải e thẹn dấu vào trong áo. Để bây giờ em chẳng thể giấu nó vào đâu. Rồi thời gian cứ trôi đi:
“Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây”

Mây là thực, mây cũng là mái tóc mây của nàng trinh nữ biếng chải khi trăng lên. Trăng của thề hẹn lứa đôi nhưng giờ đây em đã lẻ bóng. Chỉ mình em, em chải tóc làm duyên cho ai ? Và tự nhiên lại vụt lên câu thơ tài hoa đến thế. Thơ là sự vụt hiện, sự lóe sáng của thiên tài:
“Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi”
Sự kỳ ảo, vẻ đẹp của câu thơ này có nói đến cả đời cũng không hết được. Mỗi người sẽ tìm cho mình một cảm nhận về nó. Rồi tất cả lại chìm sâu vào quạnh vắng cũng chỉ bằng một câu thơ:
“Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu”
Mây trinh nữ thì lang thang trên trời, còn chim thì gọi bạn cuối đầm sâu. Sự kỳ ảo trộn lẫn với sự hoang vắng cho ta cảm nhận về một không gian thơ có cái gì khác lạ.
Và: “Tà áo mỏng bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay”

Bài thơ thì khép lại nhưng tà áo mỏng và cơn gió rét ấy cứ bay, cứ thổi, cứ thổi mãi đến nao lòng ta. Xin được trích vào đây một khổ thơ đọc nó lòng ta dịu lại trước khi ta bước vào hành trình đi đến với những kiếp người:
“Còn chăng hương xuân trong đôi hoa tay
Chạm vào môi em hoang vu khô gầy
Xoa lên má em xanh mờ hồn xưa
Vuốt trên mi em mặn nhòe hơi mưa...”


“MỢ HỮU”


Hữu ở đây trong chữ Hán là hữu – có chứ không phải là hữu – bạn. Trong thơ Trần Nhuận Minh thường xuất hiện những từ trái ngược như thế. Ta sẽ giật mình khi đọc hết bài thơ. Tên bài thơ như thắp lên niềm tin, nhưng đọc xong thơ ta lại thấy sự đổ vỡ.
Vợ chồng mợ làm ăn chỉn chu chính đáng, chồng mợ là người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình luôn coi chuyện an cư mới lạc nghiệp lên đầu. Đây chính là cái ham muốn quẩn quanh của con người. Rồi số phận khắc nghiệt đã giáng lên cái gia đình hạnh phúc ấy:
“Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất...”

Từ cậu ở đây không để chỉ địa vị cao sang mà chỉ ngôi thứ anh chị em trong một gia đình. Có nghĩa là trên cậu và dưới cậu là chị gái và em gái. Điều đó mới là nguyên nhân của sự tan vỡ - đàn bà lắm chuyện, lắm ghét ghen và đố kỵ. Sự đố kỵ và ghét ghen của con người ở đây sao mà tàn nhẫn thế. Người chết vẫn nằm đó trong quan tài mà người sống thì đã:
“Cô bác từ quê ra viếng
Thấy mợ dịu dàng mảnh mai”

(Ôi cái dịu dàng mảnh mai cũng có tội ư ?)
“Mà nhà thì to đẹp thế
Biết rồi sẽ vào tay ai ?”

Và :
“Em chồng mắt lườm miệng nguýt
Vô tâm mợ có thấy đâu...”


“Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình”

Hỏi có gì khổ đau hơn thế, họ hàng đơn bạc và thói đời đơn bạc. Ngày xưa khi tôi đọc câu thơ của Kha Ly Chàm: “Ừ nhỉ thói đời như mõm chó” đăng trên báo Văn nghệ Bình Dương tôi đã phê phán câu thơ đó. Giờ đọc thơ của Trần Nhuận Minh tôi mới thấy ân hận xót xa. Từ nơi xa này xin tạ lỗi với Nhà thơ Kha Ly Chàm. Mõm chó chỉ làm rách da rách thịt, còn thói đời ở đây đã hủy hoại những kiếp người.
“Như con thuyền nan không bến
Lênh đênh trong chính phòng mình”

Rồi Trần Nhuận Minh chỉ biết kêu trời mà chẳng thể làm gì được để bảo vệ hạnh phúc cho một kiếp người.
“Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi ! Tách bạch mà chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế
Đục trong thì cũng trôi đi...”

Đi qua cuộc đời mợ Hữu ta lại bắt gặp một thân phận, một kiếp người:


THÍM HAI VUI:


Lại một cái tên trái ngược nữa mà Trần Nhuận Minh đặt cho nhân vật của mình.
Đời một người chinh phụ khi chồng ra đi chinh chiến lại coi đó là những năm mình được sống trong hòa bình. Có cái nghịch lý nào đau đớn hơn thế ?
“Thím bảo những năm ấy
Là những năm hòa bình”

Một mình thờ chồng nuôi con trong gian lao vất vả mà chẳng có một lời kêu ca trách móc:
“Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người

Nhưng rồi:
“Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chả buồn lau”

Chân dung của một người anh hùng, công thần nhưng vô học và chân dung của một người phụ nữ khổ đau đã được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong bốn câu thơ. Sự tài hoa ở đây đã đi đến tột đỉnh và sự đau thương mất mát ở đây đã đi đến tột đỉnh. Cái nhân cách của một vị anh hùng, công thần nhưng vô học đã được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong 2 câu thơ nhưng thực ra chỉ trong một từ “tung”. Sau cái hành động ngạo mạn vô học ấy là tất cả đã đổ vỡ nát tan: danh dự, công lao, gia đình và hạnh phúc. Trong con người ấy bây giờ cái gì cũng nhất:
“Giặc nào chú cũng thắng
Có thua thua ông trời”

Một con người đã đổ xương máu cho bốn cuộc chiến tranh, chắc là thế: Chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, giờ còn lại là gì sau hành động “tung huân chương đầy chiếu” ấy ?
“Thế rồi … biết vì đâu
Yên lành không chịu được
Vợ con chú đánh trước
Xóm giềng chú đánh sau”

Khắc họa hình ảnh người anh hùng, công thần ấy Trần Nhuận Minh còn muốn gửi gắm cho cõi người này một thông điệp về tội ác chiến tranh, nó không chỉ hủy hoại xương máu mà còn hủy hoại nhân cách của cả một lớp người. Chiến tranh đã tạo dựng ra những lớp người khát máu không chỉ phía bên kia mà còn cả phía bên này. Cuồng tín và bạo lực. Nhưng ở đây vẫn chỉ là của một người theo tôi là vô học. Còn những kẻ có học thì tệ nạn công thần, địa vị còn tàn sát và dày xéo đất nước này tan hoang và kiệt quệ đi rất nhiều. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Tầng lớp công thần địa vị có học khôn ngoan hơn nhiều, mưu kế hơn nhiều và cũng hiểm độc hơn nhiều.
Tôi đã đọc một bài báo của Trần Nhuận Minh bàn về cơ chế quản lý khoáng sản của đất nước. Vì theo ông các công ty khai thác khoáng sản bây giờ gần với ông nhất là khai thác than ở Quảng Ninh thực chất là công ty của một gia đình, một dòng họ. Lợi nhuận thu được là của gia đình và dòng họ, thế mà họ không phải bỏ ra một xu, một cắc nào để mua khoáng sản của đất nước ? Thế là nghĩa làm sao ? Hay phải chờ đến đấng “Mê Tơi” trả lời : “Như thế là như thế”.
Thím Hai Vui đã phải sống một cuộc đời nhiều mất mát đến nỗi bị chồng ly dị, nhưng cái đau đớn nhất là bị chồng cướp đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, chắt chiu mồ hôi nước mắt để nuôi dạy nó khôn lớn thành người. Đó là nỗi đau lớn nhất của người mẹ. Chính vì thế:
“Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại như cười”

Thím phải bỏ làng bỏ quê lên rửa bát cho các quán ăn trên tỉnh, nhưng có phải rửa bát thôi đâu mà còn trở thành người tình của các ông chủ, nên mới có cảnh:
“Những mặt phấn quần hoa”
Nhưng dù sao thì thím vẫn phải cố giữ lấy tiết hạnh của mình. Vì vậy khi gặp người quen thím đã phải:
“Thấy ai quen cũng lánh”
Nỗi đau của thím Hai Vui là nỗi đau đi trọn kiếp người.


“ÔNG HỦI”


Như tôi đã nói “Nhà thơ và hoa cỏ” là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Ngoài khóc thương những kiếp người đang sống ông còn khóc thương những kiếp người đã chết. Bằng giọng thơ lục bát nhuần nhuyễn ta lại thấy một Nguyễn Du vĩ đại giàu nhân ái đang giang rộng vòng tay ôm trọn mọi kiếp người.
Tuy nhiên ngoài ý nghĩa nhân văn như ông đã viết:
“Lòng dân dù ở thời nào
Vẫn như mây nước thấm vào cỏ hoa”
Và nghĩa cử cao đẹp của ông:
“Câu thơ viết buổi thăm nhà
Đọc trong tâm tưởng gọi là viếng ông”
Thì đằng sau những ngôi mộ của ông Hủi không chỉ ở quê ông mà nó tồn tại khắp mọi cung đường của đất nước, trên cả những đỉnh đèo mây phủ còn lẩn khuất một điều mà có lẽ ông không muốn đề cập đến vì ông muốn dành riêng vào đây tất cả lòng nhân ái. Bài thơ còn gợi cho tôi một khía cạnh khác mà câu thơ đề tựa của ông ở đầu tập luôn nhắc nhở tôi một khía cạnh không tốt đẹp, đó là lòng ham muốn vô độ của con người. Chính vì thế mộ ông hủi đã bao lần san lấp và cũng chừng ấy lần mọc lên nguyên vẹn. Mỗi người đi đường qua đây đều ném vào đó một hòn đất, một hòn gạch, một nhành lá, một bông hoa và có khi là những nén hương thơm ngát. Rồi cứ lầm rầm khấn khứa: Xin được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, cho buôn may bán đắt, cho phúc lộc dồi dào. Chỉ bỏ ra một hòn gạch, một cục đất mà ham muốn của con người lại vô độ. Chẳng hiểu những ông đống, ông hủi ấy có đủ lộc mà ban phát cho ham muốn của cõi người. Cảnh đến đền thờ bà Chúa Kho cũng thêm một minh chứng cho câu thơ “Trái đất quay trong hy vọng khôn cùng”. Bỏ lễ vật ra một đồng, một hào mà đi vay tiền tỷ để làm giàu. Theo tôi những ngôi mộ của ông đống, ông hủi đã được tạo dựng lên từ hai yếu tố đối nghịch – nhân ái và lòng tham vô độ của con người.


“BẠN CHƠI TỪ THUỞ QUÀNG KHĂN ĐỎ”


Khi viết về “Nhà thơ và hoa cỏ”, tôi coi nó là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Trần Nhuận Minh khóc thương những kiếp người hiện hữu trong cõi người. Tôi chưa đọc và chưa đếm những hạng người trong bài thơ này. Đúng như tôi đã khẳng định, ở đây Trần Nhuận Minh đã khắc họa đúng 10 hạng người. Tất cả đã tụ họp về đây. Bài thơ kết dính những số phận của một thời – một thời tươi đẹp biết bao nhiêu. Thời của khăn quàng đỏ thắm chỉ bằng một bài thơ dài hai trang mà biết bao thân phận, bao trải nghiệm cuộc đời. Tất cả đã dồn tụ vào đây như một xã hội của một thế giới người. Bằng chất giọng của những câu hỏi xót xa, những câu hỏi ở đây và bao nhiêu bài khác nữa của Trần Nhuận Minh cứ xoáy sâu vào tim óc mỗi người, và rồi có ai tìm ra câu giải đáp nào đâu ! Những tâm hồn đẹp đẽ vậy mà thời gian, sóng gió cuộc đời đã làm đổi thay đi bao số phận. Mỗi số phận, Trần Nhuận Minh đã tóm gọn bằng một hoặc hai câu thơ. Đọc nó ta thấy được nguyên trạng một đời người. Cái tài năng nắm bắt thần thái cốt cách của đối tượng muốn miêu tả, muốn gửi gắm của Trần Nhuận Minh đã đạt đến độ thượng thừa. Nhân cách của một cai tù thời hiện đại được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong một câu:
“Gặp nhau tay bắt lạnh như đồng tiền”
Đối với bạn thuở quàng khăn đỏ mà tâm hồn còn giá băng như thế còn đối với các tù nhân thì băng giá đến mức nào ? Đọc câu thơ đó gợi cho tôi một sự liên tưởng, ông cai tù thời hiện đại sao lại giống ông cai tù Đỗ Chu cách đây đã hai ngàn năm, kẻ đã thiến sử gia vĩ đại của nhân loại – Tư Mã Thiên đến thế. Những ông cai tù như thế làm sao có thể phục hồi nhân cách cho tù nhân để họ có thể hoàn lương. Xin đừng cho tôi lắm điều suy diễn vì những câu thơ của Trần Nhuận Minh cứ bắt tôi phải suy nghĩ, phải liên tưởng.
Trong thập loại chúng sinh đó có lẽ khổ nhất là người nghệ sĩ mà đại diện cho họ là anh đạo diễn văn công:
“Đứa làm đạo diễn văn công
Nỗi đau đời dấu vào trong tiếng cười”
Cái khổ nhất của đời người là không dám bộc lộ chính mình, không dám phơi trải gan ruột của mình ra với đời. Tất cả cứ nằm trong cái vỏ bọc mà mình không bao giờ muốn.
Vẫn còn đó một ông giáo già, đã là ông giáo chỉ biết dạy chữ, dạy nhân, dạy đức mà sao còn ham hố đi buôn nhà. Có lẽ vì ông quá nghèo khổ. Ông không biết đâu những gian manh lừa lọc trong đời này. Ngù ngờ như ông giáo đi buôn nhà phải ra tòa âu cũng là chuyện thường tình. Trần Nhuận Minh đặt nhiều lòng nhân ái cho hai hạng người này: Ông giáo và nghệ sĩ.
“Sự đời bác đến thế thì
Đã làm ông giáo còn đi buôn nhà
Sớm mai bác phải ra tòa
Khôn ngoan biết lấy chi mà đãi nhau”

Không hiểu sao tôi chỉ cầu mong ông giáo ấy có phải vào tù thì đừng rơi vào ông trưởng trại tù – bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ. Với một ông cai tù như thế vào đó chắc rằng ông sẽ bị thịt nát xương tan. Người bạn ấy sẵn sàng tỏ ra cái thế mạnh của mình kể cả đối với bạn bè. 


(Còn nữa) 

Tự hào của nữ cầu thủ bóng đá Việt Nam



Phái nam cậy đá khỏe hay
Nhưng bị sút phạt hai tay bưng rồi
Chị em phái đẹp chúng tôi
Sút phạt nguy rồi nhưng cũng chẳng e
Gióng hàng khép chặt các khe
Ngã ngồi cũng vẫn nở xòe bờ môi

                  Bùi Trác Trường


 

PHƯỢT HÀ GIANG GIỮA BÃO DU KÝ


HỒI THỨ CHÍN

Vượt Mã Pí Lèng đệ nhất hùng quan
Ngắm sông Nho Quế dưới sâu ngàn trượng
Từ Khau Vai quay ra xe cũng vẫn chạy khá chậm nên ý định dừng lại cho MH thử độ vững chãi của bức tường đá xung quanh nhà người Mèo cũng như chụp ảnh toàn cảnh TT Mèo Vạc, chụp ảnh tượng đài Cụ Hồ… đành phải hủy bỏ thế mà quay ra đến thị trấn cũng đã gần trưa. Lao vào giữa thị trấn, cạnh chỗ hòn “giả sơn thật” chúng tôi bắt vào con đường mang tên “HẠNH PHÚC” và hối hả lên đường. Ngay khi ra khỏi thị trấn đã là bắt đầu của đèo Mã- Pí- Lèng.

Mã- Pí- Lèng- một trong “tứ đại đèo” của miền Bắc VN (ba cái kia là Pha Đin, Ô Quy Hồ và Khau Phạ). Ba con đèo kia tôi đều đã đi qua 1- 2 lần, còn Mã- Pí- Lèng thì đây mới là lần đầu nên cũng háo hức lắm. Thông tin về con đèo này và con đường Hạnh Phúc thì Wiki đã cung cấp rồi, chắc mọi người đều đã biết. Tôi chỉ xin đưa ra một số nhận xét chủ quan của mình thôi. Theo tôi, cái khác biệt cơ bản giữa con đèo này với mấy con đèo kia là Mã Pí Lèng được mở vượt qua một vùng núi đá nên một bên là vực rất sâu, còn một bên là ta- luy dương thì lại rất cao và cả hai ta- luy đều dựng đứng. Có thể gọi đây là một “xuyên sơn đèo” cũng được mà không sợ bị kêu là nói ngoa. Thậm chí có chỗ vách đá chìa hẳn ra đường, chỉ vì được đục thông qua đá và nhờ vào sự vững chắc của đá nên mới không sụp xuống. Cậu lái xe bảo, nếu trời mưa, nước sẽ chảy qua mái đá đó rót vào giữa đường và có khi cả một tảng đá rơi bịch xuống giữa đường- tuy rất hãn hữu. Chính vì vậy trông nó mảnh mai, hiểm trở hơn hẳn mấy con đèo kia và có thể xếp nó vào loại “đệ nhất hùng quan” được.

Song song với đèo Mã Pí Lèng, ở dưới đáy vực sâu nghìn mét của nó- thật lạ lùng lại là một con sông- sông Nho Quế. Có cảm tưởng như một ngọn núi tự nhiên nứt ra làm đôi, nước từ trong lòng núi chảy ra thành con sông ở cái khe nứt đó. Cũng vì là núi đá nên hai bờ sông dựng đứng và cao cả nghìn mét mà không bị sạt lở. Bình thường sông Nho Quế như một dải lụa mềm trong xanh lượn lờ mềm mại nhưng hôm nay sông cũng dềnh lên và đỏ màu phù sa. Lại một lần nữa bái phục trước sự kỳ diệu của bàn tay tạo hóa và cũng hết sức khâm phục ý chí và đôi tay của những người đã mở con đường mang tên HẠNH PHÚC này. Chúng tôi dừng lại ngắm không chán mắt và chụp rất nhiều ảnh. Tuy nhiên, tôi biết rằng không một bức ảnh nào có thể phản ánh chân thực cảnh sắc kỳ thú, sự hiểm trở của đèo Mã Pí Lèng và con sông Nho Quế được. Chẳng biết vì cái gì song cô em nhà thơ TH thì cứ thủ thỉ: “Không hiểu sao em thấy ấn tượng với cái tên Nho Quế này quá. Nó vừa có cái gì đó hiền thục, nhẫn nhịn lại vừa như bị áp bức, oan ức làm sao ấy. Nhưng nói chung là tuyệt đẹp”.








Lên gần đỉnh mã Pí Lèng có một trạm dừng chân nữa. Ở đây có bán một số sản vật địa phương như thuốc nam, đá tự nhiên và rượu ngô v.v… Chỉ có lão chủ quán Thảo Dê là quan tâm tới chuyện xem hàng và mua bán, còn anh em tôi lại lần ra điểm quan sát ở sát mép bờ sông. Đây cũng là một vị trí ngắm cảnh rất đẹp. Lúc quay lên, thấy chum rượu ngô đề là “Hạ thổ 5 năm” tôi mở ra ngửi thử và quyết định mua 1 lít- 50K.










Muốn biết việc sử dụng lít rượu này như thế nào xem hồi sau sẽ rõ.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 96


Bài 96

Dự Nhượng kiều chuỷ thủ hành
豫讓橋匕首行
Dự Nhượng kiều chuỷ thủ hành
晉陽城外滔滔水
Tấn Dương 1 thành ngoại thao thao thuỷ
智伯漆頭為溺器
Trí Bá 2 tất đầu vi niệu khí
無人報仇誠可悲
Vô nhân báo cừu thành khả bi
其臣豫讓身當之
Kì thần Dự Nhượng thân đương chi
漆身為癩剔鬚眉
Tất thân vi lại dịch tu mi
當道乞食妻不知
Đương đạo khất thực thê bất tri
身挾匕首伏橋下
Thân hiệp chuỷ thủ phục kiều hạ
怒視仇腹甘如飴
Nộ thị cừu phúc cam như di
殺氣凜凜不可近
Sát khí lẫm lẫm bất khả cận
白日無光霜雪飛
Bạch nhật vô quang sương tuyết phi
再擭再舍心不移
Tái hoạch tái xả tâm bất di
臨死猶能三擊衣
Lâm tử do năng tam kích y
凌凌奇氣千霄上
Lăng lăng kì khí thiên tiêu thượng
自此橋名更豫讓
Tự thử kiều danh canh Dự Nhượng
君臣大義最分明
Quân thần đại nghĩa tối phân minh
國士眾人各易尙
Quốc sĩ  3 chúng nhân các dị thượng
愧剎人臣懷二心
Quý sát nhân thần hoài nhị tâm
千古聞之色惆悵
Thiên cổ văn chi sắc trù trướng
不是荊軻聶政徒
Bất thị Kinh Kha 4 Nhiếp Chính 5 đồ
甘人豢養輕其軀
Cam nhân hoạn dưỡng khinh kì khu
血氣之勇不足道
Huyết khí chi dũng bất túc đạo
君獨錚錚鐵丈夫
Quân độc tranh tranh thiết trượng phu
路經三晉皆丘土
Lộ kinh Tam Tấn 6 giai khâu thổ
注目橋邊如有睹
Chú mục kiều biên như hữu đổ
西風凄凄寒逼人
Tây phong thê thê hàn bức nhân
征馬頻頻驚失路
Chinh mã tần tần kinh thất lộ
匕首當時七寸長
Chuỷ thủ đương thì thất thốn trường
獨有萬丈光茫亙今古
Độc hữu vạn trượng quang mang cắng kim cổ.
Dịch nghĩa: Bài hành về chiếc gươm ngắn của Dự Nhượng
Ngoài thành Tấn Dương nước chảy cuồn cuộn
Đầu Trí Bá bị bôi sơn làm chậu đựng nước tiểu
Không ai báo thù, thật đáng thương
Bề tôi là Dự Nhượng đem thân gánh vác việc ấy
Sơn mình làm người hủi, cạo râu mày
Giữa đường ăn xin mà vợ không nhận ra
Mình mang gươm ngắn nấp dưới cầu
Giận nhìn bụng kẻ thù (muốn đâm) ngon như ăn đường
Đằng đằng sát khí không ai dám lại gần
Giữa ban ngày mà như không có ánh sáng, như có sương tuyết bay
Bị bắt, được tha, lại bị bắt, lại được tha mấy lần, lòng không đổi
Đến lúc chết còn đánh được ba lần vào áo Tương Tử
Khí lạ cao ngất ngút tận trời cao
Từ đó cầu mang tên cầu Dự Nhượng
Nghĩa lớn vua tôi cực rõ ràng
Giữa kẻ quốc sĩ và người thường, cách đối sử khác nhau
Bề tôi mà hai lòng thật đáng hổ thẹn đến chết
Nghìn xưa nghe chuyện ai cũng ngậm ngùi
Không như Kinh Kha, Nhiếp Chính
Cam chịu để cho người nuôi dưỡng mà coi nhẹ thân mình
Cái dũng khí của máu huyết họ không phải nói nhiều
Riêng có ông (Dự Nhượng) là bậc trượng phu cứng cỏi như thép
Đường qua Tam Tấn đều là gò bãi
Chăm chú nhìn bên cầu dường như có bóng ông
Gió tây lạnh buốt tê cóng người
Ngựa chiến nhiều lần hí lên sợ lạc đường
Chiếc gươm ngắn thời đó dài bảy tấc
Riêng có tia sáng dài muôn trượng rọi thấu cổ kim.

Dịch thơ: Bài hành về chiếc gươm ngắn của Dự Nhượng


Ngoài thành Tấn Dương nước cuộn chảy

Đầu Trí bá sơn đựng nước giải

Không kẻ báo thù thật đáng thương

Bề tôi Dự Nhượng thân vậy đấy

Bôi trát thân mình khác tóc râu

Giữa đường xin ăn vợ không biết

Mình dắt dao găm phục dưới cầu

Nhìn thấy kẻ thù giận muốn nuốt

Đắng đắng sát khí ai cũng hốt

Đầy trời mù mịt sương tuyết bay

Bắt đi bắt lại lòng vẫn quyết

Ba lần đánh áo mới chịu chết

Khí lạ hướng trời cao bay vút

Dự Nhượng từ đó thành tên cầu

Nghĩa lớn vua tôi càng trong suốt

Quốc sĩ, người thường vốn khác nhau

Bề tôi hai lòng thẹn đến chết

Nghe chuyện nghìn xưa lòng ngậm ngùi

Không như Kinh Kha và Nhiếp Chính

Cam nhận người nuôi nhẹ thân mình

Máu huyết dũng khí ai dám sánh

Trượng phu Dự Nhượng thật khác thường

Đường qua Tam Tần toàn gò bãi

Dường như bên cầu có bóng ông

Gió tây lạnh buốt người tê cóng

Ngựa chiến nhiều phen hãi lạc đường

Bẩy tấc ngày xưa chiếc gươm ngắn

Muôn trượng tia sáng soi cổ kim.

                             Đỗ Đình Tuân
                                (dịch thơ)

Chú thích:
*Dự Nhượng: Dự Nhượng 豫讓, theo Sử ký Tư Mã Thiên , người nước Tấn, là bầy tôi Trí Bá 智伯, được Trí Bá rất kính yêu. Trí Bá đánh thua Triệu Tương Tử 趙襄子, bị Tương Tử cho sơn xương sọ dùng làm tô đựng rượu (có thuyết nói dùng đựng nước tiểu). Dự Nhượng hết lòng rửa nhục cho Trí Bá. Có lần giả làm tù nhân vào cung sửa nhà xí, dắt sẵn cây chuỷ thủ, định giết Tương Tử, không thành công. Tương Tử tha cho, coi Dự Nhượng là người hiền trong thiên hạ. Ít lâu sau, Dự Nhượng bôi sơn vào mình, làm như người hủi, nuốt than cho mất tiếng. Ăn mày ở chợ, mà vợ không nhận ra. Có người bạn nhận ra, khóc nói: "Có tài như anh, kiếm cách mua chuộc về thờ Tương Tử, tất được thân yêu. Bấy giờ thực hành ý muốn, há chẳng dễ ư ?". Dự Nhượng đáp: "Đã đem thân về thờ người ta, mà lại chực giết, như thế là nhị tâm.Tôi làm như vậy là để cho thiên hạ đời sau kẻ nào làm tôi mà thờ chủ không một dạ coi đấy mà xấu hổ". Dự Nhượng nấp dưới một cây cầu, chờ giết Tương Tử. Lại thất bại, trước khi kề gươm vào cổ tự vẫn, Dự Nhượng xin đâm ba lần vào áo Tương Tử để bầy tỏ ý chí báo thù. Được tin, các chí sĩ nước Triệu đều sa lệ. (Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Lá Bối xuất bản, Saigon, Việt nam, 1972, trang 520-524).
1.Tấn Dương:  Đất Chu Thành Vương 周成王 phong cho em, sau đổi thành nước Tấn (nay thuộc tỉnh Sơn Tây 山西).
2.Trí Bá:  Tức Trí Dao, một trong sáu quan khanh của nước Tấn, thời Tấn Xuất Công.
3. Quốc sĩ:  Dự Nhượng nói với Tương Tử 襄子: "Tôi đã làm tôi cho họ Phạm 范 và họ Trung Hàng 中行. Họ Phạm và họ Trung Hàng đãi tôi như người thường nên tôi báo đáp theo lối thường. Trí Bá đãi tôi như quốc sĩ nên tôi báo đáp theo tư cách quốc sĩ"
4.Kinh Kha:  Là thích khách giúp Thái Tử Đan 丹 nước Yên 燕 giết Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 nhưng không thành công.
5. Nhiếp Chính:  Là thích khách giúp Nghiêm Trọng Tử 嚴仲子 nước Tề giết tể tướng nước Hàn 韓 là Hiệp Luỹ 俠累.
6 Tam Tấn:. Ba nước Triệu, Hàn, Ngụy.
25/7/2014
Đỗ Đình Tuân

ĐỌC LẠI MÌNH (2)


Bài thơ NGỠ LÀ XUÂN tôi viết từ cuối năm 2009 và in chơi dịp đầu  xuân năm Canh Dần (2010). Cũng như nhiều bài thơ khác, cứ nghe tôi đọc xong là các bạn thơ lại hào hứng cười rúc rích. Nguyên văn bài thơ ấy như sau :
Tuân-xuân chung một cái đuôi “uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng “cốc vũ”1 đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” 2 mới “ghép vần”
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân !
                                                     1/11/2009

Ngày ấy tôi còn gầy còm lắm. Muốn có một nụ cười xuân, tự nhiên tôi lại nảy ra cái ý đem so sánh mình với mùa xuân để tự cười mình. Mà tự cười mình là vô thưởng vô phạt nhất. Cái ý tự cười mình được viết khá hài ở bốn câu tiền giải :
Tuân-xuân chung một cái đuôi “uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Không ngờ đến bốn câu hậu giải thì lối chơi chữ không chỉ dừng ở chữ TUÂN (tôi) và chữ XUÂN (mùa xuân) nữa, mà mở rộng thêm ra giữa chữ TUÂN (tôi) với chữ THU (vừa là mùa thu vừa là tên vợ tôi) :
Xuân chừng “cốc vũ”1 đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” 2 mới “ghép vần”
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân !
(1.Côc vũ: tức là tiết mưa rào, sau tiết thanh minh và trước tiết lập hạ, trời bắt đầu ầm ì sấm chớp: “đà nên nhạc” là muốn nói đến cái thời tiết này.
2.Sang thu: tức tiết lập thu, tiết trời mát dần, các cặp vợ chồng không ngại nằm chung như mùa hè nữa họ bắt đầu hay “ghép vần” vơi nhau)
Nhờ mở rộng lối chơi chữ mà một chủ đề mới xuất hiện. Nhất là ở hai câu kết đã nâng bổng bài thơ lên thành một bài thơ "nịnh vợ " có hạng. Song Thu đọc bài thơ này thì thấy "tỉnh cả người". Nhiều bạn thơ khác hiểu được cái ý hóm này, đều cũng gật cười tán thưởng. Có một điều lạ là cái ý "nịnh vợ", nó ám ảnh nhiều người quá, đến nỗi người ta cứ đinh ninh rằng đó là bài NGỠ LÀ THU. Ngay sáng ngày hôm nay, có một ông bạn thơ mới được nghe lại bài thơ ấy đã họa lại một bài đưa tôi và nói rằng : " Tuy ông không mời họa, nhưng tôi rất thích bài thơ này nên tôi họa lại, tôi tin là ông cũng thích bài thơ này của tôi. Ông nhớ phải đưa lên mạng đấy!". Bài thơ họa lại của ông bạn tôi nó như sau :
               Vẫn săn gân
(Họa bàiNgỡ là Thu” của Đỗ Đình Tuân)
 
Tuân – Xuân cùng mẹ đẻ vần Uân
Chẳng khác nhau đâu giống vạn lần
Xuân vốn phởn phơ và thắm thịt
Tuân dù còm cõi vẫn săn gân
Xuân đâu ngóng hạ chờ tan nắng
Tuân chửa đợi thu đã hợp vần
Thượng đế ban trao đà sắp đặt
Cần chi nên nhạc với nên xuân.
                                             Thu 2014
                                                                Ninh Hà
Cố nhiên là tôi thích rồi, quá thích nữa là đằng khác. Một bài thơ viết chơi chơi, mà tôi vẫn gọi là loại "thơ tươi" làm ra cốt chỉ để "chung vui đôi phút cùng cười vài giây", thế mà bốn, năm năm nay rồi, vẫn còn được các bạn truyền tụng và nhỏ to với nhau, dù là khen hay là chê... thì tôi vẫn cảm thấy hãnh diện. Hãnh diện là ở chỗ người ta vẫn nhớ thơ mình, vẫn nhớ đến mình.
28/9/2014
Đỗ Đình Tuân