Hai mươi ba giờ
Choàng tỉnh dậy. Đèn mấy phòng đều sáng đến
lóa mắt. Nghiêng sang phải, thấy Hiển nằm ngoẹo đầu, tóc bơ phờ, một bên mép trễ
xuống, hơi thở nặng nhọc từng nhịp, từng nhịp như bị tắc, bị dồn ứ ở đâu trong
cổ họng.
Đầu nặng như có
đai quanh bó chặt lấy thái dương. À, đang ngủ ở nhà mình cơ mà. Chợt nhớ đêm
nay là đêm thứ hai không còn mẹ nữa. Nước mắt ứa ra, chẩy xuống một bên vành
tai nóng rực. Mọi khi vào giờ này mới rời bàn máy tính, hé cửa buồng mẹ kiểm
tra. Mẹ thường đi nằm lúc hơn 22g sau khi che vợi ánh sáng của chiếc bóng đèn
ngủ nhỏ xíu trong góc phòng bằng một cuốn lịch cũ. Người già đêm hay phải dậy
đi tiểu. Mẹ giữ chút ánh sáng để còn tìm cái gậy dựng ở cạnh giường.
Chiều muộn hai
vợ chồng mới từ quê lên Hà Nội, ăn uống quấy quá rồi lăn ra ngủ, không cả tắt
đèn. Hơn một tuần hầu như không ngủ. Bây giờ thì cửa căn buồng mẹ vẫn đang
mở toang, trống huơ trống hoác. Chiếc gối trên giường mẹ để lệch về một bên.
Ánh đèn từ phòng ngoài rọi vào, hắt chéo lên tường một mảng sáng rực rỡ. Mẹ ơi,
phần xác mẹ đã nằm yên dưới ba thước đất, hồn mẹ ở đâu?
Đang ngồi miên man nghĩ, liếc thấy đã hơn 3.00
sáng. Cái giờ cũng hay chợt thức khi nghe tiếng lộc cộc từ bên buồng mẹ. Cửa buồng
ngủ luôn để ngỏ từ ngày mẹ ở đây để còn nghe tiếng động từ buồng bên cạnh. Nhà
chỉ có 3 mẹ con, mẹ thích ngủ một mình. “mẹ hay phải dậy đêm, đứa nào nằm với mẹ
rồi cũng mất ngủ lây. Cứ để mẹ ngủ một mình cũng được, cần thì mẹ gọi”. Nói thế
là với con giai, con dâu thôi, chứ con gái thì khác, vẫn được ngủ cùng mẹ kia
mà.
Yên tĩnh quá. Đêm đầu hè sau ngày cốc vũ, có “rét
nàng Bân” nên không thấy oi nồng. Mọi khi vào giờ này, đều như vắt chanh, mẹ
khua gậy lộc cộc, lộc cộc vào buồng vệ sinh. Tiếng lộc cộc đêm thanh vắng nghe
rất rõ mặc dù mẹ đã cố đi rất nhẹ. Cứ 4 tiếng cộc cộc là mẹ ra đến cửa buồng ngủ,
3 tiếng cộc cộc nữa là mở cửa buồng vệ sinh, rồi tiếng bật công tắc đèn. Tiếng
bật đèn bao giờ cũng không liền ngay tiếng mở cửa vì mẹ còn phải rờ rẫm tìm. Lại
một tiếng kẹt cửa nhẹ rồi im ắng. Bao giờ cũng nín thở chờ tiếng xả nước. Nếu
lâu chưa thấy tiếng xả nước thì ngồi dậy để nghe ngóng và thở phào khi nghe
tiếng nước xả ào ào trong bồn cầu. Rồi nhìn thấy bóng mẹ dò dẫm đi qua cửa sau khi
đèn trong buồng vệ sinh đã tắt. Còn 4 tiếng cộc cộc nữa, tiếng mẹ húng hắng nhẹ
rồi yên lặng. Nhẹ nhàng hé cửa buồng, thấy mẹ nằm im thì mới về ngủ lại. Có hôm
mẹ ngồi trong bóng tối, lấy dầu gió xoa lên thái dương, mùi dầu gió thơm hăng hắc.
Thế là ngồi xuống bên mẹ, vòng tay bóp đầu, bóp vai cho mẹ thật nhẹ, thật nhẹ.
Chỉ một lát thôi, mẹ bảo: “đỡ nhức rồi, con về ngủ đi”. Đêm nào cũng thế, gần một
năm từ ngày đón mẹ lên Hà Nội sau khi được nghỉ hưu.
Mà giờ này đêm nay, còn
đâu tiếng lộc cộc đó nữa, chẳng bao giờ còn nữa mẹ ơi.
Năm giờ sáng
Vừa mới chợp
mắt lại một lúc thế mà giờ đã tỉnh hẳn. Con người có đồng hồ sinh học chăng,
thì đúng với mình rồi. Bao năm qua cứ 5 giờ sáng là thức giấc. Từ ngày về hưu
cũng vậy. Trải tấm đệm mỏng chỗ rộng trong phòng khách để tập thể dục. Lại nhớ
khi còn mẹ, giờ này là lấy viên thuốc huyết áp, một viên tiểu đường nữa và cốc
nước ấm cho mẹ đây. Rồi vào buồng vệ sinh pha nước vào cái thau nhựa, xếp chiếc
ghế con bên cạnh để mẹ ngồi, lấy muối trắng bỏ vào cái ca, cùng cái khăn tay rửa
mặt của mẹ đặt trên cái ghế nhựa cao. Uống thuốc xong mẹ ra vệ sinh buổi sáng.
Mẹ tự làm lấy chẳng phiền đến các con. Cái bồn rửa bằng gốm sứ hiệu Linax đẹp mấy
cũng chẳng có giá trị gì cho mẹ vì nó gắn cao thế thì làm sao mẹ với tới. Chẳng
cứ mấy thiết bị vệ sinh mà nhiều thứ tưởng rằng cao cấp trong nhà này cũng chẳng
mấy tác dụng cho mẹ khi mắt đã mờ, tai đã nặng, mẹ ơi…
Tập thể dục
xong đã hơn 5.30, khi còn mẹ thì nắng cũng như mưa, hai mẹ con lại xuống sân để
mẹ tập đi bộ. Nếu mưa thì đi trong hành lang rộng thênh thang của tòa nhà. Trước
khi đi, pha cho mẹ một cốc bột sắn dây không đường, thứ mẹ thích uống hàng ngày. Nhẩn nha ngồi đợi mẹ sửa
soạn một cách bình thản. Mẹ lấy tay vuốt vuốt mớ tóc “húi cua” ngắn 3 phân mà cứ khoảng
20 ngày lại lấy tông đơ điện dũi cho mẹ một lần. Rồi chậm rãi đặt một vòng khăn
tròn lên đầu thay cho khăn vấn tóc làm giá đỡ cho chiếc khăn vuông đen đội kiểu
“mỏ quạ” từ ngày xưa. Có hôm mạnh dạn bảo: “mẹ ơi, trời nóng thế này, mẹ cứ để
đầu trần cho mát, nhiều bà cụ già dưới sân vẫn để đầu trần đấy thôi”. Nhưng chẳng
thuyết phục được mẹ. “Ai lại để cái đầu trơ ra thế này, không được con ạ. Cái
bà cụ Thảo lại còn mặc cả quần hoa nữa chứ, bảo rằng cho nó sạch. Sạch hay
không là do mình chứ. Bà già là cứ phải quần đen”.
Mẹ chịu khó đi
bộ thật. Chiếc xe đẩy làm chỗ dựa cho mẹ bám cả hai tay mà đi. Cái này là cái
thứ tư rồi đấy, mẹ phải bám vào xe mà đi gần 20 năm rồi. Ngày trước xe làm bằng
ống sắt vừa nặng vừa chóng hỏng. Giờ xe được làm bằng đuya-ra, nhẹ và bền chắc
hơn nhiều. Hai bánh trước làm bằng nhựa tổng hợp khá tốt. Hai càng sau bằng đế
nhựa mài xuống đất cho khỏi trơn trượt nên chóng mòn. Ông anh rể trên
Hòa Bình, vào cửa rừng nhờ thợ mộc ở đó kiếm cho mấy mẩu gỗ gì rắn hơn cả thép,
dùng rất lâu hỏng. Khoảnh sân trong khu chung cư khá rộng, được lát gạch men.
Chiều dài đoạn sân phải hơn 90 m. Sáng nào mẹ cũng đi đủ 15 vòng mới ngồi tạm nghỉ.
Trời nóng thì luôn ngồi quạt cho mẹ bằng chiếc quạt nan. Tai mẹ nặng, phải ghé
sát vào tai trái mà nói thì mới nghe được. Có mấy bà cụ ít tuổi hơn mẹ cũng thường
đi bộ ở sân, lúc ngồi nghỉ hay trò chuyện cùng mẹ, lại phải ngồi bên “làm phiên
dịch”. Có cụ bảo: “bác chăm cụ thế này là quí hóa lắm, mai kia cụ chết, không cần
phải khóc”. Ừ mình có khóc đâu nhỉ, giờ nhìn cái xe chỉ ứa nước mắt thương nhớ
mẹ mà thôi. Mẹ ơi, cái xe này con sẽ giữ mãi như một kỉ vật của mẹ. Một vật dụng
thân thiết giúp mẹ chống chọi với căn bệnh tiểu đường mấy chục năm. Sáng nào mẹ
cũng đi hai đợt như thế cho đủ 30 vòng sân. Có lúc thấy mẹ ướt đẫm vai áo, dừng
lại giữa sân, ghé tai mẹ hỏi thì mẹ bảo: “hôm nay mỏi thế, nhưng mới được 28
vòng, còn hai vòng nữa cơ”. Rồi mẹ lại cố từng bước, từng bước…Đi thong thả bên
cạnh quạt cho mẹ, vung tay rộng để làn gió thoảng hết từ đầu xuống chân, cũng
là một động tác thể dục luôn. Hôm nào trời gió mát thì thôi. Có người tham gia
:”anh mua lấy cái quạt con con chạy ắc qui gắn vào xe cho cụ, vừa mát vừa đỡ quạt”.
Vâng, điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Mẹ có con giai đi bên cạnh, quạt đều đều,
mẹ đi khỏe hơn chứ vì như có con tiếp sức. Cái sự tiện lợi kia, có lúc lại chẳng
bằng cái tận tụy mộc mạc chất chứa yêu thương.
Mười giờ sáng
Cái đồng
hồ điện tử kêu tít tít một hơi, báo đến giờ ăn rau của mẹ. Hôm nay, tiếng kêu
kéo mình về với hiện tại. Mẹ mất rồi còn đâu. Chúng con sẽ cúng cơm mẹ mỗi ngày
theo phong tục. Nhớ hồi mới phát hiện mẹ bị tiểu đường. Anh bạn bác sĩ chuyên
khoa bảo :” Người bị bệnh tiểu đường có thể sống khỏe với 3 điều kiện. Một là
ăn kiêng ít bột, ít đường, nhiều rau, hai là vận động thật nhiều, ba là dùng
thuốc để hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là vận động và ăn nhiều rau”. Thế mới có
bữa rau vào lúc 10 giờ sáng và 6 giờ chiều hàng ngày cho mẹ. Từ hôm bị ngã, mẹ
không vận động được, chỉ ít ngày mà sức khỏe mẹ sụp xuống thật nhanh. Mẹ thích
ăn rau luộc nhừ, không cần chấm mắm muối, rau thì mùa nào thức ấy, trừ rau muống.
Đến bữa mẹ ngồi cùng cả nhà, chỉ một lưng cơm thôi, thức ăn thì gắp sẵn, hoặc để
bát riêng gần mẹ. Nếu có xương ninh hoặc chân giò thì cứ để mẹ tự ăn, mẹ không thích
lọc xương ra, chỉ cần cái khăn tay nhỏ vắt kiệt nước để cạnh cho mẹ lau, thế
là mẹ cầm tay mà ăn ngon lành.
Giờ nghỉ trưa mẹ
ngủ rất tốt, có khi đến 15 giờ mới lộc cộc khua gậy ra phòng khách. Một cốc nhỏ
nước quả hoặc quả cắt nhỏ là bữa phụ buổi chiều. Mẹ thích nhất là thanh long,
chuối tây, bưởi. Khó mời được mẹ những thứ ngọt như cam, xoài, dưa hấu, đu đủ,
táo…nếu có thì chỉ một miếng thật nhỏ. Rồi mẹ ngồi ngắm con giai tập một bài
thái cực quyền ngay trong phòng khách. Mẹ bảo :” dạy em Chính tập với. Nó lười
tập nên bụng to chứ không chắc người như anh đâu. Mà cái thằng, chỉ thích câu
cá, đi câu thì ngồi cả ngày, ích gì”. Hơn 10 ngày nay, con không tập được. Hôm
nay ngồi đây nghĩ về mẹ, chân tay con mỏi rã, chưa tập được. Rồi ngày mai, ngày
kia con sẽ lại tập, chỉ tội không có mẹ ngồi nhìn con tập thôi, mẹ ơi...
Mười bẩy giờ
Tiếng ồn
ào ngoài hành lang. Bọn trẻ trong chung cư tan học đã về. Chúng lại ùa xuống
sân chung để chơi bóng, trượt pa-tanh, đi xe đạp mini. Buổi chiều mẹ thường tập
đi trong hành lang cho an toàn, không thoáng bằng ở ngoài sân nhưng không sợ lũ
trẻ xô vào. Mẹ đếm cẩn thận lắm, đoạn đường ngắn hơn nên hôm nào cũng đi hai lượt,
mỗi lượt phải đủ 20 vòng. Giờ đã sang hè, 5 rưỡi chiều mà vẫn còn nắng. Nhìn bọn
trẻ nô đùa ngoài sân, nhìn hành lang chung cư dài hun hút không thấy bóng mẹ tập
đi nữa. Mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu?
Bữa cơm tối thật
nhạt. Mấy đứa con sợ bố mẹ buồn nên kéo cả sang. Rồi cũng lại chỉ kể chuyện về
bà nội. Đứa chắt đích tôn lên 3 tuổi khoe :”hôm qua con đội khăn mầu cam, sao
ông bà không đội mầu cam? Con sợ, kèn nó thổi to quá. Hôm nay ông bà quên không
đón cụ lên à?”.
Ừ, ông không đón được, cụ đi xa, đi xa lắm rồi con ơi.
“cụ đi
công tác à, như bố Quyết à? Cụ có mang vali không?”.
Cụ đi rồi, không mang gì cả
con ơi. “cụ đi nhẹ như thiên thần” mấy người hàng xóm chứng kiến giờ phút lâm
chung của mẹ nói thế.
Hai mươi hai giờ
Chiếc
tivi ở phòng khách nói một mình chẳng có ai xem. Hiển kêu đau đầu đi nằm sớm.
Ngồi ở bàn máy tính mà chẳng thấy ham muốn xem gì, đọc gì như mọi khi. Máy điện
thoại rung nhẹ, có tin nhắn mới :“Mai ông đón cháu hộ con nhé”. Ừ, mai sẽ đi
đón cháu, sẽ tiếp tục cuộc sống thường ngày mà không còn mẹ nữa. Bước ra ban
công, gió nhẹ và mát dịu. Trời trong, trăng 17 đã lên cao, trăng thành phố
không sáng bằng ở quê, nếu không để ý có khi còn không thấy trăng nữa giữa những
căn nhà cao tầng.
Vầng trăng cao trên kia, có mẹ tôi ở trên đó không?
22/4/2016
Đỗ Văn Nghị