Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Mùa vải

 

















Sớm nay trở dậy sớm hơn thường lệ chợt nghe tiếng chim "Tu hú...tu...hu...ú" mới giật mình nhớ rằng mùa vải chín đã về.
Không biết chim tu hú quê hương ở nơi nào, nhưng hễ mùa vải chín lại kéo nhau về từng đàn từng lũ. Tiếng chim tu hú như một phần hồn của quê tôi, ngay cả trong lửa đạn. Giữa cái mát xanh của bóng lá, giữa ngan ngát thơm nồng mùi vải chín, tiếng chim tu hú không lớn mà vang xa, giục giã mà khoan thai. Thế hệ tuổi thơ chúng tôi gắn liền với từng gốc vải.  
Những ngày đầu xuân hoa vải nở trắng trời trắng đất. Màu trắng hơi đục. từng cụm hoa xòe trên đầu cành như đám mây mỏng. Như sương như khói, ảo mờ. Hương hoa vải hơi nồng, man mác bâng khuâng. Bướm ong từng đàn lượn lờ tìm mật nghe rì rào nhè nhẹ. Người làng tôi bảo đó là tiếng thở của đất, của cây. Dưới gốc vải là những ruộng lúa, ruộng dưa, hoa nở vàng như nắng. Những cô gái xứ vải thiều có giọng nói thanh thanh, hơi nhanh, điệu đà như hát. Làn môi đỏ thắm như màu vải chín. Nói cười líu ríu, hồn nhiên tinh nghịch, mắt đen long lanh như có sóng.
Đất Thúy Lâm, cái tên làng nghe như cũ như mới. Người nơi đây siêng năng chăm làm, tính tình mộc mạc thật thà. Mỗi năm vào vụ, khi quả vải còn nhỏ như hạt ngô, đường làng tôi bắt đầu xuất hiện nhiều khách từ mọi phương đổ về. Họ là khách buôn quen mặt biết tên. Chủ và khách niềm nở chào nhau. Giá cả nâng lên hạ xuống. Khách được chủ nhà cầm tay dắt đi thăm từng gốc vải. Bãi vải bạt ngàn, đứng sát vào nhau như rừng. Nó là tài sản riêng của từng hộ có từ rất lâu đời. Cây nhà nọ xen lấn cây của nhà kia. Nhưng chưa bao giờ xảy ra tranh chấp do nhầm lẫn. Họ cùng nhau trồng cây trông quả. Những cây vải cổ thụ từ xa đã nhìn thấy. Đến mùa vải chín đỏ như mâm xôi gấc khổng lồ. Phía dưới từng gốc cây bao giờ cũng có một cái lều xinh xinh để trông quả. Lều nào cũng có dăm sợi dây lòng thòng từ trên cành xuống. Đầu dây phía trên treo đủ các loại ống bơ. Đó là cách đuổi đàn dơi đến ăn vụng vải ban đêm. Người trông vải trong lều chỉ cần giật mạnh dây cho những vật dụng đó va vào nhau tạo ra những âm thanh lạ tai. Đàn dơi bị khua động bay loạn xạ vào bầu trời đêm trong vắt. Trong câu chuyện bán mua, bao giờ khách cũng được người quê tôi kể về truyền thuyết cây vải tổ. Chuyện vừa thật vừa hư, như là mộng mị. Quả vải trồng trên đất Thúy Lâm nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Ngày xưa chỉ nhà vua cùng các công hầu khanh tướng mỗi năm mới được nếm một lần. Sau lần vỏ hơi sần màu đỏ sậm là cùi vải dầy trắng trong, ứa nước. Cắn ngập chân răng, mùi thơm tỏa nhanh theo gió, vị ngọt sắc thấm sâu trên đầu lưỡi đọng mãi không tan. Hạt vải màu nâu bóng chỉ nhỏ bằng hạt đỗ đen. Mỗi năm đến mùa vải chín là nam thanh nữ tú quê tôi lại có cớ  tìm nhau tình tự. Tình yêu nhờ mùa vải mà vượt qua bao hủ tục lạc hậu, khó khăn trắc trở. Cây nhà em. Cây nhà anh. Mơ ước mùa vải năm sau sẽ là cây chung của hai nhà.
Hôm nay quả vải không còn là của riêng mảnh đất Thanh Hà nữa. Cây vải được trồng thêm ở nhiều nơi trên đất nước ta. Tiếng chim tu hú cũng sẽ trải đều cho tất cả. Tiếng chim là làn mái nhì, là câu quan họ, là tiếng trống chèo trong đêm hội làng. Bởi những làn điệu ấy là sự bình yên, là khát vọng cất lên từ trong lòng đất.
Hết mùa vải, những cánh chim tu hú lại bay đi. Nhưng chắc chắn tình yêu của chúng tôi với mảnh đất thân thương thì đậu lại.
                                                        NGUYỄN SỸ ĐOÀN 
                                       ( Song Thu sưu tầm. Nguồn Người Chí Linh. Com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét