Anh hơn tôi ngót hai chục tuổi lại là giáo viên cùng tổ chuyên môn với
tôi trong một trường cấp 3 suốt mấy năm trời nên tôi coi anh là anh bạn vong
niên quả không sai. Tuy nhiên tôi và anh chẳng hề thân thiết với nhau. Ngày đó,
tôi chẳng thân thiết với bất kì người khác giới nào dẫu họ có đẹp trai, ga lăng
hay tài hoa cỡ nào đi nữa huống hồ anh, một người vừa già vừa xấu (là sau này
tôi mới tự nhìn lại và thấy thế ) chứ hồi đó tôi tuyệt nhiên không quan tâm đến
ai nên cũng chẳng để ý và bình giá xem ai xấu ai đẹp làm gì. Không phải tôi
kiêu căng hay vô cảm đâu mà chỉ vì một lẽ thật giản đơn là tôi đã có người tình
lý tưởng của tôi rồi. Tôi chết mê chết mệt chàng đến độ coi chàng là tất cả,
không gì có thể so sánh nổi. Tôi có thể mất tất cả: gia đình, bầu bạn và nghề
nghiệp cũng không có nghĩa lý gì nhưng nếu mất chàng thì chắc là tôi chết thật
chứ chẳng chơi. Cố nhiên là chàng cũng yêu tôi như thế. Chúng tôi lại ở cách xa
nhau gần 50km. Hễ có cơ hội là chàng lại đạp xe đến thăm tôi nhưng tôi vẫn thấy nhớ chàng đến se thắt ruột gan.
Trừ những khi lên lớp, họp hành hay soạn bài còn lại bao nhiêu thời gian tôi
đều viết thư hoặc ghi nhật kí về chàng. Chẳng thế mà chưa đầy hai năm trời xa
cách, tôi đã ghi hàng mấy trăm trang nhật kí. Cho đến tận bây giờ, sau mấy chục
năm trời chung sống chúng tôi vẫn gắn bó cùng nhau và chàng vẫn quý tập nhật kí
đó lắm. Sở dĩ phải nói dài dòng như thế là vì tôi muốn khẳng định với mọi người
rằng tôi và anh bạn vong niên kia không hề có chút thân mật nào. Vậy mà cho đến
nay tôi vẫn nhớ tới anh, thuộc nằm lòng những câu thơ anh đọc thuở ấy và luôn
mong một ngày nào đó sẽ gặp lại anh.
Chắc mọi người sẽ nghĩ , tôi thuộc thơ của người ta thế chắc là thơ anh ta
tán tỉnh tôi hay đọc riêng cho tôi. Xin thưa ngay là ngàn lần không phải thế.
Tôi gặp anh ấy lúc anh đã có hai vợ và bốn con rồi. Còn sở dĩ tôi thuộc thơ anh
ấy một phần vì tôi là kẻ nhanh thuộc thơ và rất lâu quên. Nhưng phần khác vì
thơ anh toàn viết về những con người, những sự việc nơi chúng tôi công tác lại
có chút hài hài hom hóm, rất vui và rất duyên nữa. Chẳng hạn như khi ăn cơm nhà
bếp, chị cấp dưỡng nấu canh trai, vừa ăn anh vừa đọc luôn:
Ăn canh cứ thấy dai dai
Nghĩ ra mới biết có
trai bà Nhiều
Một lần khác, nhân việc cổng vào trường bị ngập, đi qua cứ phải xắn quần
tới bẹn rồi vác xe trên vai mà lội bì bõm. Cánh con gái chúng tôi cứ gọi là cấm
cung tại chỗ, đố có dám đi đâu. Các đấng mày râu cũng chỉ quanh quẩn trong
trường chứ rất ngại ra ngoài. Chỉ khổ nhất là các em học sinh và các thầy cô
ngoại trú. Anh cũng là một trong số những người ngoại trú đó. Khi vừa qua chỗ
lội, gặp thầy hiệu trưởng và mấy thầy cô khác , anh nói vẻ gấp gáp: “ Thầy cho
tôi mượn chiếc bảng nhỏ”. Thầy hiệu trưởng ngỡ ngàng: “ Anh cần bảng làm gì” ? Anh nói ngay: Để tôi đề vào đó mấy câu:
Nếu ai muốn đến
thăm trường
Xin mời tháo dép,
cởi truồng vác xe
Mọi người ai cũng phì cười !
Có lần, chị Sinh người phụ nữ khá to béo phốp pháp, bị mệt nhờ anh coi hộ hai tiết làm văn. Lúc
về, anh vừa ôm khệ nệ chồng vở làm văn của học sinh vừa nghê nga đọc :
Dạy hộ Sinh có một hôm
Khi về anh được một ôm đẫy đà
Làm cho
không chỉ mọi người mà ngay cả chị Sinh đang ốm cũng phải cười và mắng anh là
ông nỡm. Còn anh thì mặt cứ tỉnh bơ vậy thôi.
Dẫu tôi với
anh chẳng hề thân thiết và tôi cũng chẳng nhờ anh dạy giúp tiết nào, thế mà anh
cũng vẫn làm thơ trêu chọc tôi nữa kia đấy. Số là thế này: Hồi đó cả nước đều nghèo túng, thiếu thốn và
nhà trường càng nghèo. Mấy chục giáo viên nam, nữ chỉ có hai phòng tắm mà cửa
chỉ là tấm phên che tạm. Một hôm tôi đang tắm thì có cơn giông ập tới , tấm
phên che đổ ập vào. Tôi bất ngờ hét toáng lên và vội vàng dựng nó lên. Anh đang
rửa chân tay ở bờ ao gần đó thì phải. Khi tôi tắm xong, vừa bước ra, gặp anh,
anh tưng tửng đọc luôn:
Nếu như cánh cửa đổ ra
Mình đang đứng đó biết
là làm sao
Một là phải nhảy xuống
ao
Hai là phải quyết xông
vào một phen
Để mà dựng cánh cửa lên
Rồi anh
cười cười mà nói với tôi rằng sau từ "lên" là ba chấm đấy nhé và khi đã dựng cửa
lên tớ chả dại gì đứng ngoài đâu. Tôi còn trẻ nên xấu hổ lắm chẳng dám đùa chi
mà chỉ lý nhí nói rằng : nhưng cánh cửa đổ vào chứ có đổ ra đâu. Tưởng thế là
thôi, ai ngờ đến sáng hôm sau anh lại làm một bài khác :
Tắm xong đang lúc thay
quần
Nào ngờ gió giục mây vần
tới nơi
Làm cho cửa đổ quần rơi
Thế là cả cái sự đời trơ
ra
Và đọc luôn
cả hai bài khoe với mọi người rồi còn thuật lại cả cái sự tình dẫn tới hai bài
thơ đó nữa khiến tôi ngượng chín cả người mà chẳng biết thanh minh thanh nga
làm sao nữa. Thế đã yên đâu, hồi đó ở nhà tập thể, tôi và một chị dạy toán ở
phòng đầu, phòng thứ hai là anh và một giáo viên nữa, phòng thứ ba là của hai cô
nữ khác…Anh vốn là dân ngoại trú, ít khi ở lại trường. Tối đó họp chi bộ hơi
khuya, anh ngủ lại và sáng hôm sau cứ nhìn thấy ai trong số bốn người nữ chúng
tôi ở cạnh phòng anh, anh đều nháy mắt và đọc:
Phòng nàng ở cạnh phòng
tôi
Cách nhau một cái tường
vôi mỏng tèo
Đêm nào tôi cũng muốn
trèo
Nhưng sợ thiên hạ eo sèo
lại thôi
Chém cha cái bức tường
vôi
Thế thì có
khổ cho bốn chị em chúng tôi không cơ chứ. Hồi đó còn ít tuổi nên tôi có cảm
giác là bị xúc phạm và khá mất cảm tình với anh. Các chị khác lớn tuổi rồi nên
họ chẳng ngại ngần gì mà không trêu lại anh. Tuy nhiên họ không trêu lại bằng
thơ. Còn tôi thì cứ im thin thít. Thấy vậy anh càng hay trêu tôi. Có lần anh
bảo: cô Thu ơi, tôi yêu đã nhiều lại lấy vợ hai lần rồi nhưng chưa ai yêu tôi
như cô yêu chàng T. Nếu gặp ai yêu tôi như thế thì tôi sẽ bỏ lại tất cả để trao
cuộc đời tôi cho nàng. Lần này thì tôi phản pháo ngay: Tại anh có yêu ai hết
lòng đâu mà anh đòi hỏi người ta đáp lại hết lòng? Gieo nhân nào gặt quả ấy mà
anh. Có lẽ không chấp với trẻ con nên anh không nói gì cả và từ đó cũng ít trêu
tôi hơn.
Không chỉ làm thơ trêu chọc mọi
người, anh còn làm thơ tự trào chính bản thân mình nữa. Ngày ấy thiếu thốn đủ
thứ nên các anh chị có gia đình riêng rồi thường hay nhặt nhạnh các thứ lặt vặt
của trường về cơi nới thêm cái bếp của gia đình mình hoặc đóng thêm chiếc
giường, chiếc bàn hay cái tủ con chẳng
hạn. Anh ở ngoại trú nên chẳng nhặt nhạnh những thứ đó bao giờ. Nhưng nhiều khi
có giờ cả ngày thường ở lại trường ăn cơm trưa lại tiếc tiền, không muốn báo
cơm nhà bếp mà mang gạo ở nhà với chút muối vừng hoặc miếng cá kho đi rồi tự
nấu cơm ăn. Đã nấu ăn thì phải đun nhờ bếp than của trường. Thế là anh đọc thơ:
Người bảo ông tham ông
chẳng Tham
Tre ông không lấy bếp không
làm
Nhà không giường ghế
không bàn tủ
Ông chỉ đun nhờ mỗi tý
than
Người bảo ông tham, quả
có Tham
Không tham sao gái cứ
theo tràn
Lấy
vợ hai lần mà chửa chán
Bốn con rồi còn tắt còn
ngang
Sau này tôi không dạy ở trường đó
nữa có nghe người ta nói rằng: Anh đã có 5 con, lại bỏ vợ ( vì chị ấy hay ghen
nên không chịu được cái tính hay đùa cợt, chớt nhả của anh ) và lấy chị cấp
dưỡng của trường. Nhưng đó là chị Tản chứ không phải chị Nhiều mà anh đã làm
thơ trêu thuở nào. Họ còn kể rằng tính anh vẫn lếu tếu như thế. Ngoài chị Tản
cấp dưỡng, trường còn hai cô giáo nữa cao tuổi mà chưa lập gia đình, anh lại
trêu:
Cô Hiếu, cô Tản, cô
Trình
Ba cô rập rình cùng muốn
lấy tôi
Cô Tản tôi đã lấy rồi
Cô Trình, cô Hiếu là tôi
để dành
Giờ thì anh có tất cả bảy người con
và nghe đâu cháu nào cũng trưởng thành và khá giả cả. “ Thôi cũng mừng cho anh.
Một người vui tính, có tài ứng tác "xuất khẩu thành chương" nhưng lại thật long đong lận đận về chuyện tình duyên”. Mỗi
lần kể chuyện về anh ấy, tôi thường chép miệng và nói như vậy. Nhưng những đấng
tu mi nam tử, (kể cả ông xã tôi) thì lại bảo : “ Long đong cái nỗi gì?. Ông ấy
thật là đào hoa đấy chứ!” hoặc: “ Tôi cũng thích được long đong như ông ấy đây”!
6-10-2014
Song Thu
Long Đong cái nỗi gì đây
Trả lờiXóaXem ra cái số ông này đào hoa
Vợ thì ông có đến ba
Người tình đếm vội cũng là...chục cô
Ấy là chưa tính đến bồ....
Những con người ấy sẽ còn mãi trong tâm tưởng ta, dù không hề yêu. Đó là những con người cứ đứng lên là thành nhân vật điển hình. Tiếc rằng anh không bước vào trang tiểu thuyết nào. Mà so với cuộc đời thực, tiểu thuyết có khi nào theo kịp?
Trả lờiXóa