Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

ĐỌC “BỐN MÙA” THƠ TRẦN NHUẬN MINH NXB VĂN HỌC HÀ NỘI 2011

(Tiếp theo)

 
Tạ Anh Ngôi với nhà thơ Trần Nhuận Minh

 45 KHÚC ĐÀN BẦU CỦA KẺ VÔ DANH”

Đàn bầu là thứ nhạc cụ độc đáo nhất của người Việt mà âm thanh trầm bổng của nó có thể vọng vang, thẩm thấu và lay thức cõi người. Trần Nhuận Minh đã dùng chính tiếng đàn bầu của mình chứ không phải của một kẻ vô danh nào khác. Kẻ vô danh đó cũng chính là cái tôi của Nhà thơ. Một cái tôi đã đẩy đến tận cùng để trở thành một vĩ nhân. Chính vì lẽ đó mà mỗi khúc đàn bầu ở đây khi ngân lên là một chân lý, một tập hợp chân lý, một châm ngôn, một tập hợp châm ngôn sáng rõ và minh triết. Ở đây ta không còn gặp cái hư ảo, cái mặc định trong “Bản xô nát hoang dã”.
Vai trò của cái “tôi” hoặc “ta” trong 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh được khẳng định có tầm vĩ đại. Qua trí tưởng tượng vĩ đại của cái tôi đã tạo ra một thế giới mới. Cái tôi, vẫn là cái tôi ấy đã đẩy Trần Nhuận Minh tiếp cận với Đấng Âm U và ông đã tạo ra 45 khúc đàn bầu, đó là thế giới thi ca kỳ diệu, nó vượt ra ngoài trí tưởng tượng của những kẻ trần tục như chúng ta. Những vần thơ như thế chỉ có thể được sáng tạo ra từ trong cõi chết. Tất cả sự phi lý ở đây lại bắt cõi người này công nhận nó và cũng giúp cho mỗi người tiếp nhận được chân lý. Điều kỳ diệu nhất của thế giới thi ca của Trần Nhuận Minh chính ở chỗ đó. Chính cái tôi đã tạo ra sự bất diệt cho thi ca. Vì thế mới có những câu thơ mềm mượt như nhung nhưng lại cứng hơn sắt thép, sắc hơn gươm đao. Ta cứ đi dọc theo và lặng nghe âm hưởng 45 khúc đàn bầu ta sẽ sững sờ trước những gì mà Trần Nhuận Minh đã khám phá và thu hái được từ Đấng Âm U.
KHÚC 1 – 5:

Đây là cuộc vật lộn, tìm kiếm, chứng minh cái “ta”, những giả thiết nghi ngờ, những chứng minh khẳng định. Cái “ta” của một thời đã làm điêu đứng nền văn chương, đều hủy diệt biết bao tài năng, đã làm cho đất nước điêu đứng. Cái lá chắn của cái ta, chủ nghĩa tập thể. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Không ai phải chịu trách nhiệm cho sự lầm than, đói khổ của nhân dân ngoài tập thể. Tập thể là gì? Là số đông, số đông càng lớn thì cái khổ của số đông khác càng lớn. Những khúc đàn sau Trần Nhuận Minh dần dần đề cập đến những gì là giả thiết trong năm khúc này. Cuối cùng Trần Nhuận Minh đã phải mượn câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu để chứng minh cái ta không tồn tại hoặc cái ta chỉ là vô danh “Ta vô danh trong ba ngàn thế giới vô danh”.
KHÚC 6 - 7:

Cái tôi, cái cá nhân đã được khẳng định. Sự giải phóng cái tôi là một cuộc cách mạng vĩ đại diễn ra rất quyết liệt trong mặt trận văn học nghệ thuật. Một thời trong văn chương chỉ được phép nói đến cái ta, cái tập thể, phải biết tô hồng xã hội (cũng tốt thôi) nhưng lại quá cực đoan. Vai trò của cái tôi đã hoàn toàn bị hủy diệt. Tất cả bị đánh tơi tả và không những thế bao kẻ mất việc phải về đập đá mưu sinh và cũng bao kẻ phải ngồi tù. Cuộc tìm kiếm và đấu tranh cho cái tôi diễn ra lâu dài và quyết liệt trong mặt trận văn học nghệ thuật. Trần Nhuận Minh viết:
"Cuộc cách mạng đã bắt đầu hay còn sắp sửa
Cơn bão lớn nổi lên từ nghiên mực..."
Và: “Từ trong sâu thẳm Cái Tôi
Bay lên tất cả
Cái Tôi sáng tạo ra Thế giới
Và chuyển rung trong mọi tế bào Ta...”.
Lịch sử của nhân loại đã khẳng định hai câu thơ dưới đây của Trần Nhuận Minh là chân lý tuyệt đối:
"Có người đẩy cái Tôi đến tận cùng thì thành bậc Chân tài
Có kẻ đẩy cái Tôi đến tận cùng thì thành tên đại ác".
Thực tế đã chứng minh rằng khi cái ta (HTX) bị thất bại và cái tôi của người nông dân - thợ cày lên ngôi thì:
Bát cơm đầy hơn khi ruộng chia bé lại
Nụ cười tươi trên gương mặt thợ cày”
Diện tích đất nước ta vẫn vậy và diện tích đất đai canh tác thì vẫn vậy. Một thời cái tập thể đã tàn phá tan hoang “Đất không nuôi nổi người. Người không nuôi nổi đất” (thơ Chế Lan Viên) và “Sắn khoai quắt cả người” (thơ Nguyễn Phúc Nghị). Còn bây giờ vẫn đất đai và con người ấy khi cơ chế đã được giải phóng thì nước ta lại xuất khẩu gạo vào nhất nhì thế giới. /

KHÚC 8:

Khát vọng của Trần Nhuận Minh rồi sẽ đến ngày bao điều tốt đẹp cũng sẽ đến và:
Kẻ phản trắc lập tức bị lưu đày
Ở chỗ chính y đang hằng sống”
Lưu đày ở nơi rừng thiêng nước độc, xa xôi hẻo lánh chẳng còn ai biết đến y nữa thì có thể y lại thanh thản. Còn lưu đày ở chính nơi y hằng sống thì sự lưu đày ấy mới thực sự là lưu đày. Cả cuộc đời của y sẽ sống trong hổ thẹn đắng cay trước sự chứng kiến của những người mà y đã phản trắc. Và:
Tên ngậm máu phun người
Mặt hắn tự nhiên đầy máu tanh hôi
Của chính hắn”
Muốn hại người, làm bẩn người thì chính hắn phải chịu lấy cái nhuốc nhơ bẩn thỉu. Rồi Trần Nhuận Minh lại hy vọng:
Và người trồng Cây Phúc
Thì Quả Phúc đầy vườn
Nếu vô tình xéo vào lưng con rắn độc
Thì con rắn độc biến thành sợi dây”
Đó là một thế giới tự do, công bằng và văn minh sẽ được tạo dựng.
Những chương sau này tác giả vẫn duy trì chữ “ta”. Nhưng ta ở đây là hoàn toàn hoán đổi. Ta là những người cùng chí hướng, cùng tâm huyết với nhà thơ chứ không phải là cái ta có ý nghĩa tập thể của nhiều người. Âu đó là sự khiêm tốn của nhà thơ.
 
KHÚC 9:

Một khúc đàn bầu nhiều âm hưởng dạt dào, nhiều mê say đắm đuối. Trần Nhuận Minh không muốn chúng ta phải rượt đuổi những ý tưởng cao siêu và cũng vừa mộng mị. Cũng có lúc nặng nề. Tác giả đã gảy lên một khúc đàn thơ làm cho lòng ta dịu lại. Ta lại nghĩ về “Em” và về những khát vọng mộng mơ:
Suốt đời Em khao khát
Những gió trăng muôn thuở chẳng bến bờ
Và vĩnh viễn
Nợ nần khói sương...”
Và giải khăn mềm vắt vai
Là một mảnh ánh trăng vàng
Bay trong cánh rừng thưa...”
KHÚC 10:

Một sự bừng thức đang day dứt đang trăn trở, ở đây Trần Nhuận Minh đã có những câu thơ như MUỐI, chảy xót xa trong máu ta, những câu thơ như TRỐNG, đánh liên hồi trong tim ta, những câu thơ như LỬA, cháy không nguôi trong xương ta:
Bạn thấy chăng
Hàng triệu triệu Người
Lần lượt lao vào lửa đạn
Cho Tổ Quốc
Sáng bừng tên tuổi
Rồi để lại những nấm mồ vô danh
Trắng đến tận chân trời...”
KHÚC 11:

Vẫn là những câu hỏi xoáy vào tim óc cõi người:
Thiện và Ác
Cái nào là bất diệt ?
Một đời sông
Chỉ có chảy thôi ư ?”
KHÚC 12:

Đừng quá yêu tin (?). Sự yêu tin quá độ sẽ mang đến sự mất mát lớn lao:
Khi yêu tin
Ta thường không cảnh giác”
Lịch sử đã chứng minh điều đó và truyền thuyết đã chứng minh điều đó:
Vẫn còn đây
Cổ Loa thành
Vạn thuở
Trắng trời lông ngỗng bay...”
KHÚC 13:

Khát vọng chỉ có thể nảy sinh trong cõi chết. Ở đó không có ai cám dỗ, không có ai kìm hãm, chỉ có một Đấng Âm U dẫn dắt cho khát vọng cháy bùng. 
 
KHÚC 16:

Châm ngôn không thể là thơ. Còn thơ của Trần Nhuận Minh ở đây đã trở thành châm ngôn. Đơn giản vậy mà ngàn đời vẫn không thể nhận biết để thoát ra. Những cặp đùi của người đẹp có thể giết chết những anh hùng hảo hán hơn cả gươm đao. 
 
KHÚC 17:

Ta gặp lại triết gia vĩ đại của nhân loại : Khổng Tử. Rõ ràng những câu thơ ở đây đã như muối, như trống, như lửa. Những triết lý về sự thịnh suy, tất cả những ngai vàng, những lầu son gác tía, những vị tướng lừng danh đều được xây dựng từ máu xương của nhân loại. Đưa ra những liệt kê thật đau đớn. Và rồi để kết lại Trần Nhuận Minh đã cầu xin (Mặc dù thời gian này không còn vua chúa nữa).
Ta thắp nén hương Đời
Lạy tạ
Xin Sông Núi sinh thành
Những Nhà Vua có Đức
Để mọi gia đình đời đời Sum họp
Và sa trường
Mọc đầy Bông lúa vàng”
Tưởng như khát vọng đó là đơn giản nhưng ngàn đời nay vẫn thế, vẫn cứ sản sinh ra những ông vua ngu tối đẩy dân đen vào sông máu, núi xương.
KHÚC 18:

Những giả định và mặc định mang tính hư ảo. Có thể tác giả đã nhận thức được, còn chúng ta, chúng ta chưa nhận thức được. Liệu lời khẳng định này có được số đông đồng thuận.
Tình yêu ở ngoài hôn nhân
Tình yêu mới vững bền”
Triết lý này có thể xáo trộn những nhận thức cổ điển chăng ? Tôi vừa nghi ngờ và cũng vừa tin vào triết lý này của Trần Nhuận Minh. Một khía cạnh nào đó nó đã thành chân lý. Tình yêu của mối tình đầu tuy dang dở nhưng bao giờ nó cũng vững bền “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro” (Thơ Lê Quang Trang).
KHÚC 20:

Đấng Âm U mà Trần Nhuận Minh tạo ra để đối thoại, để gửi gắm để cứu vớt tâm hồn nhưng hóa ra cũng chỉ là tầm thường giả dối và bất công. 
 
KHÚC 21:

Như trên tôi đã nói trước khi nhảy xuống sông Mịch La trẫm mình, Khuất Nguyên đã gặp được người đánh cá, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tất cả thiên hạ đều say, chỉ mình ta tỉnh. Tất cả thiên hạ đều đục, chỉ mình ta trong” và ông đã:
Chọn chỗ nước trong để trẫm mình
Tiếc thay!
Con cá lớn nuốt ông
Trong bụng cá
thức ăn đang thối rữa”.
Thì ra người thông minh chính trực ở đâu và thời nào cũng bị bủa vây và hãm hại.
KHÚC 23:

Mọi biến thiên của vũ trụ lại nằm trong cái lặng im. Hai câu kết thật tài hoa. Sao đến tận bây giờ vẫn tài hoa Trần Nhuận Minh và hóm hỉnh khi viết về em. Sự thấu hiểu của em lại bắt nguồn từ cái im lặng của ta.
Ta đến nhà Em
Lặng ngắm kèo, ngắm cột
Em biết là ta đã mê đắm Em rồi”
Vâng ! Lại là những câu thơ “Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay” mãi mãi đi vào lòng người, và ở luôn trong đó cho đến trọn đời.
KHÚC 24:

Một chân lý tuyệt đối chăng ? Có lẽ ! Và không có lẽ. Hay phải nhờ đến Đấng Mê Tơi “như thế là như thế”. Ta không thể giải thích những điều tưởng như chân lý mà Trần Nhuận Minh đã đưa ra:
Cả đời không bình yên
- Phút gặp người tình cũ
Chao ôi ! Tình yêu như ngọn gió
Bay qua
Đầu mũi kim”
Ngọn gió bay qua đầu mũi kim ngọn gió sẽ bị cào cứa rách nát và ngọn gió sẽ đau mãi không thôi. Tình yêu trong đời của chúng ta cũng vậy. Nó chỉ tồn tại trong khát vọng và trong nỗi đau như Nguyễn Hoa đã từng viết: “Em là muối ướp nỗi đau tươi mãi”.
KHÚC 25:

Cảnh dâu bể khôn lường làm cho lòng Nhà thơ xót đau. Cứng như đá cũng phải đổi thay nữa là cõi người và làng bản phố phường:
Buổi sáng đi
Xóm cũ vẫn là Làng
Lúc chiều về
Làng đã xoay thành Phố
Nhà đã tắt tiếng ru con muôn thuở
Tục ngữ ca dao
Chết trong sách giáo khoa...
Lũ trẻ ngủ chập chờn
Trong nhạc rock phát ra loa...”
KHÚC 26:

Cũng trong một tiếng đàn bầu sao lại có cảnh ngược chiều nhau:
San đất
Xẻ nhà
Máu còn không nỡ tiếc
Đếm hết tóc trên đầu
Không hết nghĩa tử sinh”
Sao lại có sự vần xoay này, phải chăng lúc nào sự phản trắc cũng rình rập quanh ta dù một thời ta đã sống với nhau bằng tất cả nghĩa tử sinh, sao lúc nào ta cũng phải cảnh giác:
Mắt này ngủ
Thì mắt kia phải thức
Lúc gian nguy
Mình canh chính thân mình”
KHÚC 27:

Lại trách móc Đấng Âm U mà ông đã sáng tạo ra là không công bằng chính trực. Biết tin vào ai ? Biết dựa vào ai :
Người hể hả đưa lên Thiên đường
Những tên xảo trá
Và vội vàng đẩy xuống Địa ngục
Những vị anh hùng...
Ta không hiểu bản thân Ta
Ta phải tạo ra Người
Rồi chính Người
Ta càng không hiểu nổi...”
Những khúc cuối ta lại cần phải suy ngẫm hơn rất nhiều vì những gì mà Trần Nhuận Minh muốn gửi gắm vào đó. Trần Nhuận Minh đã đề cập đến một vấn đề rất hệ trọng của thực trạng xã hội. Ở đây Đấng Âm U đã phán rằng :
Thà bất công còn hơn là hỗn loạn
Người nói thế và mỉm cười
Nụ cười vô tư lự
Của Thiên thần
Và của Trẻ sơ sinh”
Trước nỗi bất công của cõi người mà Đấng Âm U vẫn cười thì thật là đau xót.
Trần Nhuận Minh muốn gửi một thông điệp từ nơi cao xanh kia Đấng Âm U cũng đã thấu hiểu thể chế của đất nước này. Hóa ra Đấng Âm U cũng chỉ là kẻ xu thời, bợ đỡ, kẻ cơ hội như các chính trị gia của đất nước này. Đành chấp nhận sự bất công đổ xuống đầu nhân dân chứ không chấp nhận sự hỗn loạn.
KHÚC 28:

Phải biết sống và nhận diện chân giả của cuộc đời. Tất cả đều biến ảo khôn lường. Trần Nhuận Minh đã cảnh báo với chúng ta:
Luôn lo xa
Họa vẫn cứ đến gần
Kẻ hiểm ác thường có khuôn mặt đẹp
Ngọn lưỡi ngọt như dao thì sợ hơn dao
Trí khôn bây giờ
Nằm trong các hầu bao...”
Một xã hội lấy đồng tiền thay cho trí tuệ !
KHÚC 29:

Âm thanh của khúc đàn này khủng khiếp và ghê sợ, nặng nề quá mà người đánh máy cho tôi lại là một cô gái có trái tim đa cảm yếu mềm. Tôi không muốn em phải nghe những âm thanh rùng rợn đó, sợ trái tim em phải run rẩy nhói đau.
KHÚC 30:

Những đổi thay nào cũng có sự trả giá, cái mới đi lên, cái cũ úa tàn cả những điều tốt đẹp nhất. Nhưng nỗi đau vẫn vậy chỉ tăng lên mà không bao giờ mất đi. Cái mới không hẳn là cái tốt đẹp.
Tổ tiên đã chết ở đây
Những gò đống cỏ xanh
Nay đã ủi đi rồi
San sát vũ trường
Sân gôn
Quán nhậu”
Và chỉ:
Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh
Thấp thoáng bay
Trong ráng đỏ hoàng hôn
Không tìm ra chỗ đậu…”
Tất cả là cảnh hoang vu cô quạnh đến đau lòng. Cánh cò không tìm ra chỗ đậu, cánh cò bay mãi. Một cánh cò biểu trưng cho đồng quê rồi cũng phải bị hủy diệt.
KHÚC 31:

Trong quan niệm của Trần Nhuận Minh có hai thứ ánh sáng. Ánh sáng tự nhiên và ánh sáng phi tự nhiên. Nếu cứ trộn lẫn hai thứ ánh sáng đó vào nhau thì hậu quả:
Nếu ta rót đầy tràn
Ánh sáng vào ánh sáng
Thì bóng tối sẽ xuất hiện”
Nhưng ánh sáng tự nhiên dù như thế nào đi chăng nữa vẫn cho ta nhìn rõ sự thật:
Ánh sáng tự nhiên
Không đầy không vơi
Đủ để ta nhận ra
Gương mặt Em yêu và Sự thật”
KHÚC 32:

Sự bi quan và trống rỗng trong Nhà thơ cũng chính là sự bi quan trống rỗng của cõi người. Đôi mắt to hơn người mà không nhìn thấy bản thân ta và không biết học ai để làm lại bản thân mình. Chỉ có một Trần Nhân Tông dám bỏ phú quý vinh hoa, cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý, tìm cách giải thoát cho cõi người:
Vua Trần Nhân Tông ba mươi lăm tuổi
Đã coi ngai vàng như chiếc dép rách
Trút áo hoàng bào
Vào rừng hoang
Ngẫm nghĩ sự đời
Ăn sung luộc
Ôi giời ơi !
Ta chẳng dại học vua
Khi ở bên ta
Lúc nào cũng có hoa hậu và rượu thịt”
Nói vậy thôi Trần Nhuận Minh đâu phải là vua mà chỉ là một Nhà thơ :
Em vẫn vầy vậy thôi
Bụng khi no khi đói
Tiền lúc có lúc không
Vợ chợt mừng chợt dỗi”
Ấy thế mà không bỏ được đâu, ở đây Trần Nhuận Minh muốn gửi một thông điệp chẳng ai muốn làm việc thiện, chẳng ai dám hy sinh bản thân mình để giúp đời, cứu đời. Nhà thơ đã bắt đầu cho một sự sám hối chăng ? Nhà thơ sống lương thiện thế sao phải sám hối:
Ta nghe gió rét thổi
Qua từng đốt xương rỗng sống lưng
Và nghe bóng tối Đấng Âm U
Phủ cuối đời ta từng nấc một”
KHÚC 33:

Tất cả mọi sự tồn tại của vạn vật chỉ là tương đối, đừng bao giờ lấy cái tuyệt đối để so sánh với cái tương đối. Mọi sự ở đời phải có sự cân bằng và có sự đối trọng. Cũng như có đàn ông phải có đàn bà.
Cõi đời là bể khổ”
Thì phải có:
Thơ ca là nỗi đau lên tiếng ...”
Muốn biết núi Hy Mã Lạp cao thì vẫn phải hỏi đám mây. Sợi tơ nhện mỏng manh chăng ra để bắt con ruồi. Và chỉ con ruồi mới biết độ bền của sợi tơ nhện. Cái quy luật vĩnh hằng là như thế:
Thế gian vẫn ngổn ngang
Như khi trời đất mới tạo thành”
Và mọi cái đều tồn tại ngoài ý muốn của con người và vạn vật:
Núi nghĩ mà xanh cây
Sông buồn mà bạc sóng...
Và người cày ruộng
Vẫn chẳng cần
Những Vạc Đỉnh uy phong
Của các triều vua”
KHÚC 34:

Như tôi đã giả định những tác phẩm này là sự sáng tạo từ cõi chết. Những cảnh mà Trần Nhuận Minh nhìn thấy chỉ tồn tại trong cõi chết và ở đâu đó trong cõi Âm u:
Ta đã từng trông thấy
Những kinh thành huy hoàng, lộng lẫy,
Xinh đẹp
Tươi vui
Như cô dâu trong ngày cưới
Bỗng nhiên bị sụp đổ”
Và cũng thật rùng rợn:
Các Thiên thần
Nướng chả những vị vua
Uống máu những anh hùng
Ăn thịt ngựa và những người cưỡi ngựa
Quẳng xương xuống biển khơi
Mà đảo núi hình thành”
Trần Nhuận Minh thảng thốt kêu lên:
Chao ôi
Cõi Thiên thần
Cũng tưng bừng sự ác
Huống chi cõi Nhân gian...”
Và rồi Trần Nhuận Minh:
Ta đã từng mơ ước
Miếng ăn của kẻ nghèo
Không còn ai cướp giật
Lúa hạnh phúc chín vàng
Gọi tay người cùng gặt
Con đường đến với Tự Do
Là chính Tự Do...”
Và sẽ có một ngày:
Ấy là ngày Cái Thiện lên ngôi
Bạo lực và cường quyền
Tất cả
Thành vô nghĩa...”
Nhưng đó chỉ là khát vọng của Nhà thơ. Lòng nhân ái của Nhà thơ ở đây như muốn bao trùm lên cõi người.
KHÚC 35:

Sự thật giả, tráo trở vẫn đầy rẫy trong cõi người này. Và Trần Nhuận Minh đã nhắc người và cũng tự nhắc mình:
Vị Anh hùng ơi
Đi đêm
Nhớ mang theo Thanh Kiếm
Còn Ta
Ta mang theo Câu Thơ ”
Để diệt trừ cái ác. Nhưng Nhà thơ ơi ! Thời buổi này “Chẳng ai đọc sách nghe lời vua ban” nữa để hiểu sức mạnh của thơ còn rắn hơn sắt thép và sắc hơn cả gươm đao. Còn bọn trộm cướp, tham nhũng, hủ hóa thời này chẳng còn sợ ai cả. Chúng liên kết với nhau bằng thứ vật liệu siêu bền đó là tiền, chúng bất chấp đạo lý và luật pháp. 
 
KHÚC 36:

Kẻ đớn hèn vô tích sự lại là kẻ đang thống trị, đang chi phối mọi quy luật sinh tồn của cuộc sống. So với cái cây, con cá, con người thời nay không bằng chúng mà:
Nhưng ta biết
Bắt con cá rán ròn nhắm rượu
Chặt cái cây xẻ gỗ đóng thành giường
Nằm vắt tay ngang bụng em yêu”
Rồi Nhà thơ tự hỏi:
Ta là ai ?
Giật mình khi chợt thức …”
KHÚC 41:

Sức mạnh của nghệ thuật, sức mạnh của thi ca là sức mạnh vĩ đại nhất mặc dù Trần Nhuận Minh cũng không thể lý giải:
Nghệ thuật là gì ư ?
Ta đâu có hiểu
Nhưng ta biết
Lưỡi Kiếm ra trận của người anh hùng
Đã tôi trong lời ru con của Mẹ
Trái đất quay trong từ trường
của những Câu Thơ
Mà còn đến bây giờ”
Một nhận thức táo bạo của Trần Nhuận Minh.

KHÚC 42:

Tất cả đang tăm tối và cần một sự đánh thức để xua tan đêm tối.
Cần một tiếng chuông
Đánh vào lúc nửa đêm”
Để khỏi có những cảnh này:
Khi đi đã vấp ngã
Lúc về lại lạc đường
Và kiêu ngạo
Nghĩa là đang tự sát”
KHÚC 43:

Nhìn thế giới mà hãi hùng. Trần Nhuận Minh đã sám hối khi nhận ra thực tại.
Người con gái trẻ thì “Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu”, còn Nhà thơ thì:
Ta già rồi
Chẳng biết giấu vào đâu
Nỗi ngu dại
Học từ thời tốt đẹp”
Chính vì thế mà Nhà thơ cứ phải lang thang trong cõi chết:
Nén hương tắt khi mình chưa trọn kiếp
Cầm chân hương
Đi đến cuối cuộc đời”
KHÚC 44 + 45:

Xin Nhà thơ đừng trăn trở nữa. Bốn mươi lăm khúc đàn bầu mà ông đã soạn ra đã và đang vang vọng vào cõi người. Họ sẵn sàng đón nhận những gì mà nhà thơ đã gửi gắm khi còn sống và cả khi ông đã chết. Cứ bình tâm, lòng nhân ái của ông đã bao trùm lên tất cả cõi người. Xin nhắc lại một lần nữa, những câu thơ như Muối của ông đã và sẽ chảy xót xa trong máu cõi người. Những câu thơ như Trống của ông đã và sẽ đánh liên hồi trong trái tim cõi người. Những câu thơ như Lửa của ông đã và sẽ cháy không nguôi trong xương của cõi người

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét