Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

NẮNG HẠT DẺ



            Sau nhiều ngày mưa, Tuy Hòa nhẹ bỗng trong gió bấc khô ráo và nắng nhẹ. Nhớ nôn nao những cánh rừng dẻ Chí Linh thời thơ dại. Mùa gió bấc khô và nắng nhẹ, chúng tôi vào rừng nhặt hạt dẻ.
          Hình như tôi bắt đầu vào rừng dẻ lúc 11 tuổi, học lớp 4 Trường Cấp I xã Bắc An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thày Phan Quang Cách dạy lớp tôi hồi ấy. Tôi không nhớ có lần nào thày dẫn chúng tôi đi nhặt hạt dẻ không, chỉ nhớ  tôi đi cùng các bạn trong lớp. Học cùng lớp nhưng các bạn nhiều tuổi hơn và đã từng theo bố mẹ vào rừng. Bắc An là xã vùng núi của huyện Chí Linh, người dân ở đây sống nhờ vào rừng. Rừng cho gỗ, nứa, lá tranh làm nhà, cho củi, cho hạt dẻ, cho những quả sim tím mọng… Chúng tôi là con công nhân nông trường, bố mẹ có lương nhưng vẫn theo người dân địa phương vào rừng kiếm thêm. Lương công nhân nông trường làm sao đủ nuôi lũ trẻ đang lớn. Cứ thế, chúng tôi lam lũ cùng rừng…

          Ký ức tôi còn nguyên nắng nhẹ, gió bấc nhẹ những ngày đi nhặt hạt dẻ. Trời se vừa lạnh, không gian khô thoáng nhẹ bỗng. Khi vào đến gốc dẻ, lũ chúng tôi sà xuống những vạt lá rụng, gạt tìm hạt dẻ. Những gốc dẻ to xòa tán rộng cả mấy gian nhà. Nắng nhẹ xuyên qua kẽ lá, gió nhẹ xào xạc trên đầu. Thi thoảng một cơn gió ào qua, hạt dẻ rào rào rụng xuống, những hạt vừa khô còn nguyên vị ngọt bùi…

          Học lên cấp 3, tôi không đi nhặt hạt dẻ nữa nhưng ký ức về rừng dẻ vẫn luôn theo cùng. Đường từ trường huyện về nhà, mắt tôi vẫn dõi tìm những cánh rừng dẻ. Mùa xuân, hoa dẻ nở trắng cả rừng. Rồi nắng mưa sương gió, đến mùa đông, khi gió bấc về se khô lớp vỏ gai bên ngoài, những hạt dẻ tròn căng mới bung mình rơi xuống. Bao lớp người ở đất Chí Linh đã từng có niềm vui thơ dại khi nhặt được một hạt dẻ rừng vừa rụng, chắc mẩy. Vậy mà để thưởng thức vị ngọt bùi của hạt dẻ, người ta còn phải biết cách rang cho hạt không cháy, vừa nứt để tách được lớp vỏ cứng… Ôi những hạt dẻ mơ ước của tôi.



           Mang ký ức về những mùa hạt dẻ, tôi và Minh Hương về tận rừng để đi tìm nhặt. Nhưng bây giờ đã khác ngày xưa. Hạt dẻ rụng đầy sân nhà Chu Xuân Đông ở Ngũ Đài Sơn, hạt dẻ trong những cánh rừng tự quản của người dân địa phương ở Bãi Thảo. Chị em tôi lần lượt lên lão, chẳng biết bao giờ lại về Chí Linh mùa dẻ rụng…

          Nhưng, như một điều kỳ diệu, tuổi thần tiên của chị em tôi mãi lung linh màu nắng hạt dẻ. Và chúng tôi vẫn luôn hướng về miền đất ấy, để mãi yêu thương, để mãi quay về.     

6 nhận xét:

  1. Còn MH thì hình như đến lớp 9, lớp 10 vẫn mê mẩn đi nhặt hạt dẻ. Ở gần Nhà Kim Lan, có hôm MH sang thấy dưới gầm giường mấy thúng hạt dẻ, nghe bạn nói để đem bán lấy tiền đỡ má, MH ngẩn người ra. Đó là cách thứ 2 kiếm tiền giúp má mà MH học được từ K.Lan sau việc đi chặt củi (MH là đứa con đầu tiên trong nhà biết kiếm củi để Má không phải mất tiền mua , rồi cả 4 chị em đều biết vào rừng chặt củi). Ba K.Lan mất sớm, mồ côi cha, một mình Má bạn nuôi 3 đứa con, là con lớn, Bạn khôn trước tuổi. Cũng định đem hạt dẻ ra chợ bán, nhưng Má nói không cần, để Má đem cho bạn bè được rồi... Đọc bài viết của Chị, càng nhớ Chí Linh, Nhớ Nông trường nhiều quá, từ tết đến giờ cái nắng, cái gió, và cả cái mưa lất phất ở Nha Trang sao giống hồi ở Nông Trường Chí Linh vậy... Bao nhiêu là nỗi nhớ, trong đó có nối nhớ K.Lan, Phi Nga, hai người bạn thân thời thơ ấu đã mãi mãi đi xa ...

    Trả lờiXóa
  2. Mình thì có rất nhiều năm gắn bó với niềm vui nhặt hạt dẻ nơi non ngàn Lục Ngạn Bắc Giang. Bọn mình nhặt được nhiều lắm, ngày nào đi cũng mang về hàng bị nặng. Cứ đến phiên chợ Chũ mẹ lại gánh đi bán. 5 ngày mới có một phiên. Vì thế bán không xuể, mẹ mình phơi ra rồi xiết lấy hạt để độn vào cơm. Ăn cơm hạt dẻ thật bùi và ngon. Đó là những kỉ niệm không thể nào quên của mình Tô Hà ạ

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng có những kỷ niệm đáng nhớ với mảnh đất Chí Linh xưa.Áy là vào khoảng năm 1960,1961 của thế kỷ 20,hai mùa hè liên tiếp lũ học trò Nam Sách chúng tôi được lâm trường Chí Linh thuê đào hố trồng rừng thông.mặc dù giá cả lúc bấy giờ chỉ 0,9 xu một hố 40 x40 x40 cm,nhưng mỗi vụ hè chúng tôi cũng có thu nhập khoảng 25-30 đồng.Đây là một số tiền lớn đối với chúng tôi giúp cho cha mẹ và để đóng học phí và mua sách vở học cụ.Thời đó học phí một năm của 1 hs chỉ 28 đồng và sách giáo khoa không nhiều lại rẻ,chỉ 1-3 hào 1 quyển.Đây cũng là những ngày tháng xa gia đình và sống tự lập đầu tiên trong cuộc đời của mỗi chúng tôi.lúc bấy giờ chúng toi cũng nghe nói trong rừng có nhiều hạt dẻ nhưng chúng tôi không có thời gian vào rừng nhặt hạt dẻ.Nhưng quả trám thì nhiều,trám trăng,trám đen đầy chợ.Chúng tôi mua trám về muối chua ăn dần hoặc kho cá ăn rất bùi và ngon.Những thứ sản vật của rừng ấy giờ đây không còn nữa,nếu còn cũng chỉ rất ít và đã trở thành đặc sản...
    Đây là những kỷ niệm đầu đời của tôi trên đất Chí Linh,tuy vất vả nhưng vui và bổ ích.Sau này tôi có dịp sống trong rừng ở rất nhiều nơi:Hòa Bình,Đông Triều,Yên Tử,Hương Sơn,Kim Bôi...hay ngú ngàn Trường Sơn hoặc Chiến khu Đ "Miền Đông đi dẽ khó về..."Tôi đều nhớ và không thể quên được những ngày tháng sống trên rừng đồi Chí Linh,chính những ngày tháng này đã cho tôi nhiều kỹ năng sống trong rừng.Phải chăng nhiều năm sống và làm việc trong rừngdù nhiều gian nam thiếu thốn mà tôi vẫn vượt qua là nhờ có những năm tháng "thực tập"ở rừng Chí Linh ?
    Cám ơn Tô Hà đã nhắc lai để tôi có điều kiện nhớ lại một thời thơ trẻ của mình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Do đánh máy nhầm nên đề nghị đọc là:Học phí một năm của 1 học sinh là 18 đồng(Mười Tám đồng),xin cám ơn

      Xóa
  4. Em cảm ơn thày. Mỗi lời khen của thày vẫn là chuẩn mực em vẫn theo trên từng dòng viết.

    Trả lờiXóa