Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Dịch thơ Nguyễn Khuyến bài 121


Bài 121

Bệnh trung
病中
Bệnh trung
閒時吾自看今吾
Nhàn thời ngo tự khan kim ngô
六十餘年一仗夫
Lục thập dư niên nhất trượng phu
皮骨老來寒暑異
Bì cốt lão lai hàn thử dị
衡茅病久性情孤
Hành mao bệnh cửu tính tình cô
那堪風雨心为轉
Na kham phong vũ tâm vi chuyển
曾覩江河勢漸趨
Tằng đổ giang hà thế tiệm xu
歲月侵尋如昨夢
Tuế nguyệt xâm tầm như tạc mộng
醒時痕跡了然無
Tỉnh thời ngân tích liễu nhiên vô
Dịch nghĩa: Trong lúc ốm

Lúc rỗi ta nhìn lại cái thân ta ngày nay
Một đấng trượng phu ngoài sáu mươi tuổi
Xương da về già mỗi khi thời tiết thay đổi lại thấy khác
Ở nơi nhà tranh cổng chống, ốm lâu nên tính 
                                                      tình trở thành cô quạnh
Chịu sao nổi gió mưa dầu dãi, tâm bị sai khiến
Đã từng thấy sông nước có chiều hướng ngày một đổ xuôi
Năm tháng trôi qua chẳng khác gì giấc mộng đêm trước
Khi tỉnh dậy lâng lâng không có dấu vết gì

Đỗ Đình Tuân dịch thơ :

Khi nhàn ta ngắm cái thân đây
Hơn sáu mươi năm cũng mặt mày
Nóng lạnh thân già da thịt khác
Ốm lâu nhà vắng tính tình ngây
Gió mưa dầu dãi tâm còn chuyển
Sông nước xuôi dòng thế đã xoay
Năm tháng trôi qua như giấc mộng
Đến khi tỉnh dậy sạch làu ngay.
Sao Đỏ 17/3/2014
Đỗ Đình Tuân

Thơ cũ đăng lại (5)


Gặp mẹ

Mẹ tôi mất lâu rồi
Giờ chỉ còn nấm đất
Sớm vào đời mồ côi
Tôi cũng không nhớ mặt

Sống đã quá nửa đời
Bỗng nằm mơ gặp mẹ
Tôi chép vào nhật ký
Gọi để ghi nhớ Người

Mấy tháng đi nằm viện
Không biết ai ở nhà
Đã bẻ khóa hòm ra
Và xem trộm nhật ký

Rất nhiều trang bị xé
Rất nhiều trang bị nhàu
Tôi không tiếc trang nào 
Bằng trang ghi gặp mẹ.


                  1982

Đăng lại 
31/03/2015
Đỗ Đình Tuân

NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

Ngày 31.3.1975- sau hơn một ngày trấn giữ ở Thương cảng Bạch Đằng, đại đội tôi lui về chốt giữ khu vực Bảo tàng cổ vật Chàm và Trường trung học Sao Mai. Xe tôi nằm trong một ngõ nhỏ phía bên phải Bảo tàng Cổ vật Chàm, trước một dãy nhà vách gỗ, mái tôn khá lụp xụp. Vừa đặt chân đến một thành phố mới được giải phóng sau hàng trăm năm sống dưới ách thống trị hết của Pháp rồi đến Mỹ như Đà nẵng, chúng tôi phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo. Lúc nào trên xe cũng phải có người trực cảnh giới, toàn xe không được đi đâu xa, luôn sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, vào ban ngày chúng tôi thỉnh thoảng cũng vào ngồi nghỉ và đồng thời làm công tác dân vận ở một số nhà dân quanh chỗ xe đỗ.
Trong ngôi nhà đối diện với nơi xe tôi đỗ có hai ông bà già, một cô con gái và hai thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi. Cô gái là học sinh trung học, còn hai thanh niên tự giới thiệu là thợ điện, mặc dù chúng tôi đều ít tuổi hơn song họ cứ gọi chúng tôi là các anh Giải phóng và xưng em ngọt xớt. Trong những câu chuyện còn khá dè dặt, họ hỏi rất nhiều về miền Bắc, về Mặt trận giải phóng, về cách đối xử của chế độ mới với những người sống dưới chế độ cũ và chúng tôi đã giải thích cho họ những vấn đề cần thiết nhất.
Khi đã tự nhiên hơn, các câu chuyện của chúng tôi đã mở rộng ra nhiều đề tài khác nhau. Hai thanh niên hỏi chúng tôi đánh vào Đà nẵng bằng đường nào, và khi biết chúng tôi đưa xe tăng vượt đèo Hải Vân để giải phóng Đà nẵng họ phục lắm. Bởi vì hồi đó đường qua đèo Hải Vân chưa mở rộng như bây giờ và nó vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai có việc phải đi qua nó bằng đường bộ, trong khi những chiếc xe tăng lại nặng nề và to lớn thế kia.
Thực ra, đối với chúng tôi- những lái xe đã đưa được xe tăng vượt Trường sơn vào chiến trường miền Nam thì việc lái xe tăng qua đèo Hải Vân chỉ là chuyện vặt. Mặc dù đèo có cao, vực có sâu, nhiều cua gấp song đường lại rộng, mặt đường láng nhựa tốt bằng vạn đường Trường sơn, nếu nói về độ hiểm trở còn thua cả Đèo Ngang. Nhắc đến đèo Ngang tôi bỗng cao hứng đọc luôn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh quan, lại còn “tiện mồm” bình luận vài câu nữa. Hai thanh niên chăm chú ngồi nghe, họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên, sau đó một người dè dặt hỏi ”Chắc trước khi vào lính anh đã học qua văn khoa?”. Tôi giật mình vì sự quá đà của mình bởi trước khi đi bộ đội tôi mới chỉ học hết lớp 10/10, hồi học phổ thông môn Văn cũng chỉ tàm tạm nhưng được cái thuộc nhiều thơ. Trả lời như vậy rồi song họ vẫn không tin, họ nói ở trong này chỉ có học qua Văn khoa mới có thể bình thơ hay như thế! Thôi thì kệ họ muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Sau bữa cơm trưa , hai thanh niên ra xe mời bọn tôi vào nhà uống nước, họ có một vẻ gì đó rất trịnh trọng làm chúng tôi cảnh giác, nghe ngóng. Sau khi mời chúng tôi ngồi uống nước, một trong hai người đứng dậy, hai tay chắp trước bụng nói khẽ khàng “Thưa các anh Giải phóng, từ hôm qua đến nay chúng em đã nói dối các anh, chúng em không phải là thợ điện mà là thợ máy không quân Sài gòn, cả hai đều đã đi tu nghiệp ở Mỹ về và làm việc ở sân bay Đà nẵng. Từ hôm giải phóng về lánh tạm nhà bà con ở đây, mong các anh đừng bắt tội”. Chúng tôi hơi ngỡ ngàng vì từ hôm qua tới nay ra vào uống nước, nói chuyện mà có ai nghi ngờ điều gì đâu. Một lần nữa chúng tôi nhắc lại Lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng và khuyên họ đến Uỷ ban quân quản trình diện, họ hứa sẽ nghe theo và thu xếp đi ngay.
Sự việc diễn ra quá nhanh làm mấy anh em xe tôi cứ bàn tán và đặt câu hỏi “Tại sao đến hôm nay họ mới ra trình diện”. Mỗi ng
ười một ý, còn riêng tôi, tôi biết: hai người lính ấy đã tin rằng chúng tôi- những người lính cách mạng- mà trong hành trang khi ra trận lại có cả thơ của Bà huyện Thanh quan chắc chắn sẽ không bao giờ làm hại họ.

Bảo tàng Chàm mấy hôm ấy các nhân viên chạy đâu hết cả, cửa giả mở toang. Bọn tôi cũng vào xem nhưng chỉ hiểu lơ mơ và thấy rất nhiều thứ lạ lẫm với mình.


NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

Ngày 30.3.1975
Trích "Hành trình đến dinh Độc Lập":
"Sáng được một lúc thì Thận nhận được lệnh cho đại đội đi diễu hành phục vụ quay phim, chụp ảnh. Thấy Thận không thoải mái lắm người sĩ quan đến truyền đạt mệnh lệnh ghé tai anh nói nhỏ:
- Đi phục vụ quay phim chụp ảnh chỉ là phụ, còn thực chất là đi để biểu dương lực lượng đấy! Ông không biết chứ thành phố này phức tạp lắm, suốt từ khi Pháp đánh chiếm đến nay nó chỉ sống với cách mạng được mấy chục ngày hồi cách mạng tháng Tám, ngay cả năm Mậu Thân ta có đánh được vào đây đâu! Sau khi quay phim về các ông vẫn phải nằm lại nội thành này mấy ngày nữa đấy!
Thôi thì nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ, Thận bảo anh em xếp thành đội hình rồi đi diễu qua mấy phố trung tâm. Quả thật, người dân ở đây nhìn các anh với con mắt có phần e ngại, họ dứng nép thật sâu vào bên đường và không niềm nở vẫy chào các anh như ở Huế.
Quay phim và diễu hành xong đã gần trưa, đại đội được phép lui vào một con ngõ nhỏ đối diện với thương cảng Bạch Đằng. Chưa biết nếp tẻ thế nào nên không dám vào nhà dân nhờ, Thận cho anh em nấu cơm ngay trên hè phố.
Chắc rằng sự kiện có mấy chiếc xe tăng giải phóng nằm giữa phố đã kích thích những người hiếu kỳ kéo đến. Lúc đầu họ còn đứng xa xa nhìn ngó, bàn tán. Sau dần dần họ kéo đến từng xe, người thì lấy gang tay đo nòng pháo, người thì xúm lại xem giải phóng ăn cái gì. Cuối cùng thì mỗi anh lính đều bị một đám đông xúm quanh với hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi.
Có lẽ đây là một tình huống nằm ngoài dự kiến, những bài học chính trị về công tác dân vận ở vùng mới giải phóng chưa đủ để quân ta trả lời nhiều câu hỏi “hóc búa” đại loại như: “tại sao năm 54 chúng tôi đã trả cả miền Bắc cho các ông rồi mà các ông còn đánh vào đây?”, “cộng sản nghĩa là như thế nào, đem cộng hết cả tài sản của mọi người lại với nhau à?”, “giải phóng rồi thì có cho chúng tôi ở lại đây không?”…; một số cậu thấy “bí” quá đành chọn giải pháp lỉnh vào xe ngồi tịt luôn trong đó.
Ở chỗ nấu cơm bà con cũng đang xúm đông xúm đỏ. Thấy nồi hai mươi cơm gạo trắng tinh bốc hơi nghi ngút và mấy hộp thịt đã được bổ ra một người chửi đổng:
- Tổ cha chúng nó! Thế ni mà biểu giải phóng ăn toàn lá sắn, bảy người đu cọng đu đủ không gãy!
Xung quanh chính trị viên Toàn và đại đội trưởng Thận là đông người nhất, chắc bà con cũng đoán ra đó là cán bộ nên cứ xúm lại hỏi han. Hai người tối tăm mặt mũi vì những câu hỏi được tuôn ra tới tấp. Tiếng Đà Nẵng đâu có dễ nghe, cứ phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần mới hiểu lõm bõm, nhưng những câu trả lời của các anh đã làm bà con tương đối yên lòng.
Trang ôm khẩu AK đứng ngay cạnh xe, nhiệm vụ của cậu là không cho ai được đến gần và trèo lên xe nhưng cũng phải luôn mồm trả lời những câu hỏi của một đám đông quanh nó. Một bà má đã già lắm rồi len sát vào Trang, bàn tay răn reo của má túm lấy cổ áo cậu vạch ra và nghển cổ lên nhìn chăm chú. Trang đứng bất động không hiểu bà đang nhìn gì, cậu nghĩ bụng: “chắc mặt mình bị nhọ”. Nhưng không phải, bà má đang hỏi gì đó, Trang phải hỏi lại hai ba lần mới hiểu:
- Các con không có “mùng” à?
Đã đọc nhiều sách và biết nhiều về phương ngữ nên Trang hiểu bà má muốn hỏi về cái màn, cậu vội trả lời:
- Chúng con có ạ!
- Có sao để “mọi” đốt thế ni?- Bà má đưa tay chỉ vào cổ cậu.
Trang vội cúi xuống nhìn: cả một vạt từ cổ xuống đến ngực cậu dày đặc nốt muỗi cắn như một cái bánh đa vừng. Trang chợt nhớ lại đêm qua: vừa hạ ghế xuống là ngủ luôn, muỗi sông Hàn khủng khiếp quá. Chẳng biết làm sao cậu đành trả lời bà má:
- Tại hôm qua con ngủ quên mắc “mùng”.
- Lần sau phải nhớ nhé! “Mọi” ở đây nhiều lắm!
- Vâng!- Mắt Trang rưng rưng, cậu chợt nhớ mẹ ở nhà.
Một thanh niên tầm mười sáu, mười bảy lại cố len vào:
- Có phải bộ đội giải phóng bị xích vào ghế ngồi trong xe không?
- Bị xích thì chúng tôi đứng đây sao được- Trang điềm đạm trả lời.
- Nhưng lúc đánh nhau cơ?- Anh ta vẫn cố gặng.
Trang nhìn trước nhìn sau. Quy định là không cho ai lên xe nhưng trường hợp này thì hơi đặc biệt, cậu định tìm Thận để báo cáo nhưng thấy anh cũng đang bị vây bởi một đám đông đến mấy chục người nên quyết định:
- Tôi sẽ cho anh lên xem có xích ở ghế không nhé! Nhưng chỉ một người thôi!
Trang trèo lên xe đưa tay kéo người thanh niên vừa hỏi lên, cậu mở cửa trưởng xe và cửa pháo hai rồi đưa anh ta lại chỗ cửa lái xe:
- Có thấy xích đâu không?- Trang hỏi lớn.
- Không!- Anh ta trả lời và chửi đổng- Mẹ cha bọn chúng, toàn nói bậy.
Đám đông chỉ vãn đi lúc chiều xuống, trừ mấy pháo hai phải lo việc nấu cơm và mấy tay ít lời chuồn vào xe ngồi, còn lại cổ đều khản đặc"
Cũng chính nhờ cuộc quay phim chụp ảnh ấy mà "Tuấn mã sứt môi 380" mới được ghi vào lịch sử qua tấm ảnh "xe tăng tham gia giải phóng ĐN". Và cũng đến gần đây tôi mới biết tác giả bức ảnh này là PV Hoàng Thiểm. Hy vọng thời gian tới sẽ được gặp anh! Năm 2013 đi tìm lại chỗ chụp tấm ảnh này song ko thấy. Vẫn đang nhờ chú em 7083 khảo sát thêm.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Dịch thơ Nguyễn Khuyến bài 120


Bài 120
題忠烈廟
Đề trung liệt miếu
一簇崇祠古
Nhất thốc sùng từ cổ
千家雲樹中
Thiên gia vân thụ trung
鬼神泣壯烈
Quỷ thần khấp tráng liệt
日月懸孤中
Nhật nguyệt huyền cô trung
氣與大化合
Khí dữ đại hóa hợp
地因新邑隆
Địa nhân tân ấp long
九原熟為作
Cửu kinh thục vi tác
惟是狄梁公。
Duy thị Địch Lương Công
Đề miếu Trung Liệt (1)

Một tòa đền cao đã cổ
Ở giữa nghìn nhà cây phủ mây che
Chí khí tàng liệt làm quỷ thần phát khóc
Tấm gương cô trung treo cao như mặt trăng mặt trời
Chí khí cùng với cõi trời hòa một
Mặt đất có làng mới lập mà phồn thịnh thêm
Dưới chín suối hỏi ai là người trỗi dậy (để sánh cùng)
Họa chỉ có một mình Địch Lương Công thôi (2)
1.     Miếu Trung Liệt: Miếu thờ ba vị anh hùng đã hy sinh vì đất nước là:
-Đoàn Thọ: một võ tướng hy sinh trong trận đánh nhau với Tô Tư, thổ phỉ ở Lạng Sơn vào năm 1870.
-Nguyễn Tri Phương: Tổng trấn Hà Nội, đánh nhau với quân Pháp năm 1873, bị chúng bắt, tuyệt thực một tháng rồi chết.
-Hoàng Diệu: cũng là Tổng Trấn hà Nội, đánh nhay với quân Pháp năm 1882, khi quân Pháp vào được thành, thì ông thắt cổ tự tử. Sụ tích của ba vị này đều có ghi ở Đại Nam chings biên liệt truyện.
Tương truyền rắng miếu Trung Liệt trước ở gần Nha đốc học Hà Nội (sau phố Nguyễn Khuyến bây giờ). Sau dời về khu Đông Đa. Trong thời Pháp thuộc, tên Hoàng Cao Khải làm nhà ở gần đó, đổi tên “Trung Liệt miếu” thành “Trung Lương từ”, để hòng sau khi chết, cũng được thờ ở miếu ấy. Ýđịnh ấy bị nhân dân phản kháng. Sau cách mạng tháng Tám miếu lại lấy lại tên cũ là “Trung Liệt miếu”.
2. Địch Lương Công: tức là Địch Nhân Kiệt đời Đường. Nhà Đường bị Vũ Hậu cướp ngôi, đổi tên là nhà Chu. Địch Nhân Kiệt làm tể tướng, dùng lời khôn khéo thuyết phục Vũ Hậu, đồng thời cũng bố trí những người tài giỏi hộ vệ cho nhà Đường. Cuối cùng Vũ Hậu buộc phải trả ngôi vua cho nhà Đường. Đời sau khen Địch Nhân Kiệt có tấm lòng trung như “thanh thiên bạch nhật” và có công lớn “phản Chu vi Đường”. Có lẽ tác giả làm bài này để phản kháng Hoàng Cao Khải muốn đổi tên “Miếu Trung Liệt” thành “Trung Lương từ” chăng? Vì trong bài tác giả nêu vai trò của Địch Lương Công là có ý nói: Nếu không làm được như Địch Lương Công thì đừng có hòng sánh cùng với các vị được thờ ở miếu Trung Liệt.
Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

Tòa miếu cổ cao cao
Nghìn nhà cây khói phủ
Quỷ thần khóc gương trung
Tấm gương treo rạng rỡ
Khí hòa cùng trời xanh
Đất thêm làng sinh nở
Chín suối ai sánh cùng
Họa chăng Địch Lương Công ?
21/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Thơ cũ đăng lại (4)



Sao đổi ngôi

Nào có bao giờ sao đổi ngôi
Sao đi sao sáng ở trên trời
Nghìn năm về trước sao là thế
Cho đến bây giờ vẫn thế thôi.

Cái ngỡ như là sao đổi ngôi
Chỉ như "hạt bụi" cháy ngang trời
Đêm đông sao quá mình trông lẫn
Lại cứ cho là sao đổi ngôi.

                           1982

Đặng lại
30/03/2015
Đỗ Đình Tuân

Thăm đền Dạ Trạch

 
 
Sáng sớm lên đường đi Dạ Trạch
Nơi tình yêu bất tử muôn đời
Nơi đền hóa lâu đài điện ngọc
Đi vào tiềm thức cửa núi sông

Nơi nghèo khổ quyện hòa thành hạnh phúc
Nơi niềm tin một giá trị vĩnh hằng
Nơi gái trai biết mình là đôi lứa
Vật chất chỉ tầm thường là áo mặc cơm ăn

Quyền lực đám phù du trôi dạt
Cũng ẩn mình bèo dạt mây trôi
Dẫu to lớn oai phong là vậy
Vẫn chỉ là hổ giấy mà thôi

Giữa bãi tắm sậy lau
Nắng hồng soi rạng rỡ
Khuôn mặt tình yêu trỗi dậy lớn lao
Mãi yêu thương và thật tự hào.
                                    VN

THEO DẤU HƯƠU SAO


          Tối qua, 29/03, chị em Tô Hà – Minh Hương – Vân Anh lại về ngôi nhà của em Trung, nơi có bàn thờ của ba má chúng tôi và bàn thờ em Trung để cùng mừng sinh nhật em dâu Nguyễn thị Minh Trang.


 

Em bước vào tuổi 46 với đôi vai trĩu nặng gánh đời, một mình trên dặm đường xa trước mặt. Thương em dâu, các chị luôn bên em, chia sẻ những gì có thể.  
  

            Với chúng tôi, em đã là em gái.

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Hội Trường

Về dự Hội trường, "Trường THPT Thanh Hà, Hải Dương 50 năm thành lập và phát triển" với tư cách là "Những CB, GV khóa đầu tiên khi trường mới thành lập - 1965":


 

 

Thanh Dạ cùng đồng nghiệp cũ vàTrò cũ :
Thanh Dạ với Phạm Số cùng trong BCH Đoàn trường thời ấy :

Dịch thơ Nguyễn Khuyến bài 119

                                   Con đường bách bộ dạo quanh Hồ Gươm thời Pháp thuộc
               (Người Pháp gọi Hồ Gươm là "Hồ Nhỏ" để phân biệt vời Hố Tây là "Hồ Lớn")


Bài 119

Hoàn Kiếm hồ
還劍湖
Hoàn Kiếm hồ
不到劍湖三十年
Bất đáo kiếm hồ tam thập niên
當時景色已茫然
Đương thời cảnh sắc dĩ mang nhiên
衡茅何處起楼閣
Hành mao hà xứ khởi lâu các
笳礟夜声無管絃
Già pháo dạ thanh vô quản huyền
玄鳥歸來迷舊徑
Huyền điểu quy lai mê cựu kính
白鷗暮下宿寒烟
Bạch âu mạc hạ trú hàn yên
可憐五百文章地
Khả liên ngũ bách văn chương địa
尚有孤山石一拳
Thượng hữu cô sơn thạch nhất quyền
Hồ Hoàn Kiếm

Đã ba mươi năm nay không đến hồ Hoàn Kiếm
Cảnh sắc lúc bầy giờ nay đã thành mờ mịt
Những nơi nhà tranh cổng chống nay đã thành lâu đài
Ban đêm chỉ nghe tiếng sung tiếng kèn không thấy tiếng đàn sáo
Chim én tìm về quên cả lối cũ
Cò trắng tối đến ngủ trong khói sương
Đáng thương cái đất văn vật từ năm trăm năm trước
Nay chỉ còn một hòn núi đá trơ trọi.

Đỗ Đình Tuân dịch thơ:
Ba chục năm chưa đến Kiếm hồ
Nay nhìn cảnh vật khác xa xưa
Nhà tranh thảy đã lên lầu gác
Tiếng súng, kèn thay tiếng sáo đưa
Chim nhạn bay về quên lối cũ
Đàn cò trắng xuống ngủ sương mờ
Khá thương đất cũ miền văn vật
Còn lại một hòn núi đá trơ...?


20/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Tứ tuyệt với Châu Thanh Thủy *


Em buồn anh lại hay vui
Cho anh thỉnh thoảng tới lui em buồn
Thơ vui sưởi ấm tâm hồn
Thơ buồn ám ảnh tận nguồn con tim.
* Một cô giáo dạy văn ở Đức Phổ Quảng Ngãi, thơ hay nhưng thường buồn. Đỗ Đình Tuân hay đọc thơ và những đoạn văn ngắn tự bạch của cô trên mạng và rất có cảm tình.

29/03/2015
Đỗ Đình Tuân

NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

Ngày 29.3.1975

Một giờ sáng chúng tôi được lệnh đi đánh Đà nẵng. Đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nên chỉ ít phút sau chúng tôi đã lên đường. Thừa Thiên Huế đã giải phóng hoàn toàn nên chúng tôi rất yên tâm không phải vừa đi vừa nghe ngóng; đường sá lại tốt nên chúng tôi cơ động với tốc độ rất cao. Phải công nhận đường nhựa do Mỹ làm cực tốt, xe chạy hết tốc độ mà không hề hấn gì, chỉ để lại trên mặt đường hai vệt trắng do một tý bột đá bị xích xe cào lên. Con Gấu- chúng tôi đặt tên cho con chó là Gấu để nhớ về con chó bị bỏ lại ở hậu cứ A Lưới- vẫn nằm chồm hỗm trên tháp pháo. Chính xác nó là con chó của lính tăng rồi.
Tuy nhiên không phải cứ đường tốt là không có vấn đề gì! Ngay sau khi đổ hết đèo Phước Tường tôi không nhìn thấy xe 386 đi đầu đâu nữa. Nghĩ thầm trong bụng "Sao hôm nay tay Hoả (Lữ VănHoả- lái xe 386) chạy ghê thế; mới thoáng cái đã mất hút!" và tăng tốc độ đuổi theo. Nhưng vừa hết đèo hơn trăm mét đã thấy đại đội trưởng Thận đứng bên đường, quần áo ướt lướt thướt vẫy tay ra hiệu cho bọn tôi dừng lại. Lúc đó bọn tôi mới nhìn thấy cái xe 386 đang chúc đầu xuống cống chỉ còn hở tý đuôi xe. Ngay lập tức công tác cứu kéo được triển khai và chỉ mười lăm phút sau xe 386 đã được kéo lên. Té ra do chạy tốc độ cao, không làm chủ được tay lái xe bị "phản chuyển hướng" và lao xuống cống. Thật hú vía- nếu dưới cống không có nước thì không biết kết cục thế nào. Thế là cánh lái xe chúng tôi lại có thêm một bài học.
Tiếp tục lên đường- khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đã đến Lăng Cô. Mặc dù phải tập trung sức lực và trí tuệ vào điều khiển xe tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp đến nao lòng của một vùng quê mới lạ. Bên là núi biếc, bên là biển xanh, phía trước là Hải Vân cao vời vợi. Tôi tự nhủ: "Hoà bình rồi nhất định mình sẽ phải quay lại nơi đây ".
Nhưng niềm phấn khích của chúng tôi bỗng bị "dội một gáo nước lạnh": cầu Thừa Lưu đã bị phá (sau này mới biết là do quân ta phá để cắt QL1). Tôi nhớ lại hôm đánh Huế mà lòng ngao ngán- cũng chỉ vì cây cầu An Nông bị phá mà chúng tôi đã mất 3-4 tiếng đồng hồ vòng tránh. Đại trưởng Thận ra lệnh :"Trong lúc chờ công binh khắc phục, toàn đại đội tranh thủ nấu ăn trưa và kiểm tra kỹ thuật!". Đúng lúc đó- đại đội 3- người anh em cùng tiểu đoàn 4 từ phía sau vượt lên. Vì đó là đại đội xe tăng bơi nên họ nhanh chóng vượt sông làm chúng tôi càng sốt ruột.
Ăn trưa xong, xe pháo cũng đã kiểm tra ngon lành nhưng công binh vẫn chưa làm xong ngầm, những sọt đất đá đổ xuống sông cứ chìm nghỉm đi chẳng để lại đấu tích gì. Bỗng ai đó kêu lên: "Hay là cho xe đi qua cầu đường sắt". Nhìn về phía thượng nguồn quả nhiên có một cây cầu đường sắt nằm cách đó vài chục mét còn nguyên vẹn. Đại đội trưởng Thận dẫn chúng tôi lên xem; sau khi nghiền ngẫm một lúc anh quả quyết: "Cứ liều một cái xem sao chứ chờ công binh làm ngầm thì không biết đến bao giờ!".
Quả thật đây là một quyết định khá liều lĩnh và có lẽ trong lịch sử sử dụng xe tăng chưa hề có tiền lệ. Nhưng cũng chính quyết định này đã cho phép chúng tôi vượt được sang bờ Nam để tiếp tục hành trình.



Quá trưa chúng tôi đến chân đèo Hải Vân. Đã nghe nói khá nhiều về con đèo này nhưng cánh lái xe "xê 4" chúng tôi không hề "ngán" bởi những tay lái đã vượt Trường sơn thì sự hiểm trở của Hải Vân không nghĩa lý gì. Chỉ mỗi tội đèo dài quá nên những chiếc xe tăng hạng nặng của bọn tôi vượt qua khá vất vả. Do động cơ luôn làm việc quá tải nên hầu như lúc nào nhiệt độ dầu nhờn, nhiệt độ nước làm mát cũng trên 100 độ C; thỉnh thoảng lại phải dừng lại để xử lý. Lên gần đến đỉnh đèo thỉnh thoảng lại thấy một đám mây tràn xuống mặt đường làm tầm nhìn chỉ còn vài mét; ở những khúc cua biển hiện ra dưới sâu hun hút xanh ngắt một màu- thật không hổ danh "Đệ nhất hùng quan". Cho đến khoảng nửa chiều chúng tôi lên tới đỉnh đèo.





Trên đỉnh đèo mấy cái lô cốt còn đang nghi ngút cháy, chúng tôi biết đó chính là chiến tích của đại đội 3 nên lập tức đổ đèo. Biết rằng đã có lực lượng ta ở phía trước nên chúng tôi hành quân với tốc độ cao nhất. Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi đã có mặt ở ngoại ô Đà nẵng; lúc này chúng tôi được tin quân ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu ở Đà nẵng, song đây là một thành phố rất lớn lại tập trung một lực lượng quân sự đông đảo của quân lực Sài gòn nên tình hình còn rất lộn xộn và chưa ổn định; cấp trên giao cho đại đội tôi chiếm Thương cảng Bạch đằng và bảo vệ khu trung tâm thành phố.



Được bộ đội địa phương dẫn đường chúng tôi nhanh chóng đi sâu vào thành phố và sau gần một giờ đã đến đúng vị trí quy định. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là so với Huế- Đà nẵng lớn hơn rất nhiều và cũng lạ lẫm hơn nhiều; những ánh mắt nhìn chúng tôi có cái gì đó như dò hỏi, như nửa tin nửa ngờ. Nhưng bao trùm lên tất cả là niềm vui, niềm tự hào khi được đặt chân lên một địa danh lịch sử, một căn cứ quân sự khổng lồ mà Mỹ- nguỵ đã đổ bao tiền của để dựng lên. Cơm nước xong, được ưu tiên không phải gác- tôi hạ ghế, quay cánh cửa lái xe vào che sương rồi thiếp đi trong làn gió Sông Hàn mát rượi.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Dịch thơ Nguyễn Khuyến bài 118



Bài 118

Hà Nội Văn Miếu hữu cảm
河内文廟有感
Hà Nội Văn Miếu hữu cảm
十載重躋舊監門
Thập tải trùng tê cựu giám môn
悠悠心事向誰論
Du du tâm sự hướng thùy luân
奎楼未断宵鐘響
Khuê lâu vị đoạn tiêu chung hưởng
碧水猶招夜月魂
Bích thủy do chiêu dạ nguyệt hồn
拭目沾巾吾道厄
Thức mục triêm cân ngô đạo ách
拂碑看字古人存
Phất bi khan tự cổ nhân tồn
往來時有村墟叟
Vãng lai thời hữu thôn khư tẩu
巷外扶筇墨不言
Hạng ngoại phù cùng mặc bất ngôn
Cảm xúc khi đến văn miếu hà Nội

Đã mười năm nay lại bước tới cửa giám cũ
Nỗi lòng dằng dặc biết nói cùng ai
Lầu Khuê Văn chưa dứt tiếng chuông đêm (1)
Dòng Bích Thủy còn gọi hồn trăng khuya (2)
Lau nước mắt ướt khăn vì nỗi đạo ta khốn ách
Phủi bia cũ xem chữ cảm thấy người xưa vẫn còn
Thỉnh thoảng có ông lão trong xóm qua lại
Cứ chống gậy đi trên đường ngõ chẳng nói năng gì.
1.     Lầu Khuê Văn: tức Khuê Văn các ở trước sân Văn Miếu.
2.     Dòng Bích Thủy: tức là ngòi Bích Câu, ở trước cửa chùa Bích Câu, gần Văn Miếu, nau đã bị lấp gần hết.
Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

Đã chẵn mười năm đến Giám Môn
Nỗi lòng dằng dặc nhớ thương hơn
Khuê Văn chưa dứt hồi chuông tối
Bích Thủy còn lưu bóng nguyệt hồn
Lau mắt ướt khăn buồn đạo khốn
Phủi bia xem chữ cổ nhân còn
Ông già trong xóm hay qua lại
Chống gậy âm thầm dạo ngõ thôn.
19/12/2014
Đỗ Đình Tuân