Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

LAI LỊCH MỘT TẤM ẢNH



Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi lữ đoàn 203 được lệnh rút ra Long Bình củng cố đơn vị. Ngày 21 tháng 7 năm 1975 tôi nhận quyết định đi học tại Trường sĩ quan Thiết giáp.
          Ra đến trường, sau mấy tháng tham gia lao động xây dựng cơ sở vật chất đến tháng 3 năm 1976 khoá II đào tạo sĩ quan chỉ huy Tăng Thiết giáp của chúng tôi mới chính thức khai giảng, tôi được biên chế về Lớp IIĐH1, đại đội đào tạo thuộc Tiểu đoàn Hai của nhà trường. Vốn là một chiến sĩ lái xe tăng có thâm niên hơn 3 năm lại đã trải qua chiến đấu nên việc học tập của tôi khá thuận lợi, ngoài ra tôi còn tham gia tích cực vào các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao của đơn vị. Với năng khiếu sẵn có của mình tôi được chọn vào đội tuyển bóng đá và bóng ném của nhà trường để tham gia các giải đấu của Binh chủng và khu vực.
          Trong Chương trình đào tạo sĩ quan có nội dung tham quan các Viện bảo tàng Lịch sử, Viện Bảo tàng Quân đội và một số cơ sở sản xuất ở Hà Nội. Đang tuổi trẻ, vừa lớn lên đi bộ đội ngay nay được về Thủ đô tham quan ai cũng háo hức nhưng tôi và một vài đồng chí nữa không được đi vì bận tham gia Giải bóng đá của Binh chủng. Sau ba ngày tham quan về cả đại đội ai cũng phấn khởi, những câu chuyện xung quanh chuyến tham quan cứ “nổ như ngô rang”, mấy tên không được đi cứ há hốc mồm ngồi nghe chuyện mà thèm thuồng và ao ước. Bỗng Vương Văn Hiên- một đồng đội cùng từ 203 ra học sĩ quan chỉ vào tôi:
          - Này! Quê (bộ đội xe tăng chúng tôi vẫn hay gọi nhau như thế) là vinh dự nhất đấy nhé!
          Tôi cứ nghĩ hắn nói về việc được tham gia đội bóng của nhà trường nên gắt gỏng:
          - Đá bóng chứ có gì đâu mà vinh với dự!
          Hiên trợn mắt:
          - Không phải! Cả đại đội này chỉ mình quê là có ảnh ở Bảo tàng Quân đội mà lại không vinh dự à?
          Tôi cảnh giác nghĩ rằng bọn hắn đang cho mình “ăn quả lừa”:
          - Nói tào lao! Mình làm gì mà lại có ảnh ở đấy được.
          Đến lúc này Nguyễn Lưu Du (hiện là Chánh văn phòng Học viện Lục quân) mới gặng tôi:
          - Quê có tham gia chiến đấu giải phóng Đà Nẵng không?
          Đúng là đại đội tôi có tham gia đánh Đà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1975 nên tôi trả lời ngay:
          - Có chứ!
          Cả bọn ồ lên:
          - Thế thì đúng rồi! Mặc dù chỉ thò có mỗi cái mặt lên thôi nhưng đúng là “quê” rồi.
          Vương Văn Hiên còn nói rõ thêm:
          - Lúc đầu tớ cũng chưa tin lắm nhưng rồi gọi cả bọn lại xem, càng nhìn càng thấy giống. Tớ cũng biết đại đội ấy có đánh Đà Nẵng nên khẳng định ngay đúng là Nguyệt lớp ta rồi. Có đúng không các “quê” ?.
          Cả bọn đồng thanh hưởng ứng:
          - Đúng rồi đấy! Hôm nào về đấy mà xem!
          Tôi vẫn “bán tín, bán nghi” nhưng cũng thấy “sương sướng” trong bụng và nghĩ thầm: “thế nào cũng phải về xem có đúng không”.
          Đã định như thế nhưng rồi mãi đến nghỉ Hè năm 1977 tôi mới về thăm Bảo tàng Quân đội được. Vừa bước chân vào khu trưng bày hiện vật bảo tàng tôi đã thấy người run lên khi nhìn thấy chiếc xe tăng 843 sừng sững ngay trước cửa (hồi ấy xe 843 còn để ở ngoài)- đây chính là xe của đại đội trưởng Bùi Quang Thận và khi lái xe Lữ Văn Hoả phục viên tháng 6 năm 1975 tôi đã thay Hoả lái xe này cho đến ngày đi học. Tôi bước nhanh vào khu vực trưng bày về cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và người tôi lại một lần nữa run lên trước bức ảnh “Xe tăng ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng”. Bức ảnh khá to, mỗi chiều phải hơn 1 mét, trên ảnh là 4 chiếc xe tăng xếp thành hàng dọc đang hùng dũng tiến giữa phố phường Đà Nẵng, trong đó xe tôi là xe đi đầu. Tôi khẳng định điều đó vì nhìn rõ trưởng xe Nguyễn Đình Luông đứng hẳn lên trên cửa trưởng xe và khuôn mặt anh thì không lẫn vào đâu được. Các bạn tôi đã nói đúng: mặc dù ngồi ở ghế lái xe chỉ thò chưa hết khuôn mặt lên nhưng tấm ảnh được chụp rất nét và vẫn có thể nhận ra đó là gương mặt của tôi. Tôi chợt nhớ ra tất cả.  


Tôi vốn là chiến sĩ lái xe tăng thuộc đại đội 4, lữ đoàn xe tăng 203. Xe tôi mang số hiệu 380 gồm bốn thành viên: trưởng xe Nguyễn Đình Luông người Thanh Hoá, pháo thủ Trương Đức Thọ người Thái Bình, pháo hai Vũ Xuân Trực người Vĩnh Phú và tôi Nguyễn Khắc Nguyệt lái xe. Ngày 18 tháng 3 năm 1975 từ vị trí trú quân ở Bắc sân bay A- Lưới (Tây Huế) đại đội tôi nhận lệnh đi chiến đấu. Sau hơn hai ngày hành quân chúng tôi đã có mặt tại Động Truồi và phối thuộc cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm Núi Bông. Ngày 25 tháng 3 chúng tôi tiến công đánh chiếm Huế và truy kích địch ra cửa Thuận An, sau đó  được lệnh chốt giữ tại đó.
          Một giờ sáng ngày 29 tháng 3 chúng tôi được lệnh cấp tốc lên đường đi đánh Đà Nẵng. Ngay lập tức đại đội tôi xuất phát và cơ động với tốc độ cao theo Quốc lộ 1. Tầm 9 giờ sáng chúng tôi đã đến Lăng Cô, phía trước đã nhìn thấy đèo Hải Vân sừng sững và ai cũng nghĩ rằng chẳng mấy chốc mình sẽ có mặt tại Đà Nẵng để giải phóng thành phố lớn nhất miền Trung này.

          Nhưng thật không may: khi địch rút quân chúng đã kịp phá cầu Thừa Lưu nên chúng tôi đành nằm lại chờ công binh khắc phục. Đến quá trưa ngầm vẫn chưa làm xong, chúng tôi liều cho xe tăng bò qua cây cầu đường sắt trên thượng lưu và nhanh chóng vượt đèo Hải Vân vào đánh chiếm Đà Nẵng. Tuy nhiên do phải nằm chờ quá lâu nên khi chúng tôi đến Đà Nẵng đã gần tối, một số đơn vị của ta đã đánh chiếm các vị trí quan trọng từ chiều. Đại đội tôi được lệnh đánh chiếm và chốt giữ Thương cảng Bạch Đằng- một vị trí quan trọng án ngữ toàn bộ hoạt động đi lại trên Sông Hàn và là đơn vị xe tăng duy nhất nằm ở nội đô thành phố Đà Nẵng trong những ngày đầu giải phóng.

          Chúng tôi được biết Đà Nẵng là một thành phố khá phức tạp, tính từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng đến lúc đó là hơn một trăm năm thì thành phố này chỉ được sống dưới chế độ dân chủ cộng hoà có mấy chục ngày hồi Cách mạng tháng Tám; đây cũng là mảnh đất đầu tiên trên đất nước ta bị những đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ đặt chân lên và ngay cả Tết Mậu Thân 1968 ta tiến công đồng loạt hàng chục thành phố, thị xã nhưng cũng không vào được thành phố này. Đến nay mặc dù đã được giải phóng nhưng tình hình cũng còn rất căng thẳng, hàng chục ngàn quân lính, công chức nguỵ quyền vẫn còn ở lại và chưa biết họ sẽ có những phản ứng gì. Vì vậy nhiệm vụ của đại đội tôi là rất quan trọng.

          Sáng hôm 30 tháng 3 trời đột nhiên đổ mưa, một cơn mưa rào đến và đi đều rất đột ngột. Tầm 8 giờ sáng mưa tạnh, đại đội tôi được lệnh đi vào trung tâm thành phố. Chúng tôi đoán rằng mục đích chính là để thị uy biểu dương sức mạnh nhằm trấn áp những mưu đồ chống đối ngay từ khi còn trong trứng. Toàn đại đội (thực ra lúc đó chỉ có 4 xe: 380, 381, 386 và 390) xếp thành một hàng dọc; khi đi vào trung tâm thành phố thì xe 386 của đại đội trưởng Thận đi đầu, xe 380 của tôi đi cuối; khi đi từ trung tâm thành phố ra thì xe tôi lại đi đầu và xe anh Thận đi sau cùng. Thành phố ngày đầu giải phóng nhưng vắng như “chùa Bà Đanh”, người dân không có sự vồ vập với Quân giải phóng như ở Huế, hình như họ còn chờ đợi, nghe ngóng thêm rồi mới tỏ thái độ. Lúc về đến gần Bảo tàng Cổ vật Chàm tôi có thấy một người đứng bên hè phố giương máy ảnh lên chụp nhưng rồi cũng không để ý đến nữa. Chắc chắn tấm ảnh này đã được chụp lúc đó.

          Khi khẳng định chắc chắn đó là ảnh của đại đội mình và xe mình tôi rất muốn xin một tấm làm kỷ niệm nhưng hỏi người hướng dẫn ở Bảo tàng thì chỉ được biết những thông tin rất sơ lược về nguồn gốc bức ảnh và cũng không biết tác giả là ai, ở đâu nên tôi đành chịu. Một hôm tình cờ thấy ở trang bìa một cuốn tạp chí có in bức ảnh đó tôi đành cắt lấy và giữ làm kỷ niệm của riêng mình.

          Đến khi Bảo tàng Tăng Thiết giáp được thành lập tôi lại thấy có treo bức ảnh này. Tôi đã kể lại cho đồng chí Lê Văn Việt- lúc đó là giám đốc và anh chị em nhân viên bảo tàng nghe về xuất xứ của bức ảnh và nguyện vọng không thực hiện được của mình. Sau khi xác minh đúng là sự thật đồng chí Việt đã tặng tôi một phiên bản của bức ảnh và hiện vẫn được gia đình tôi treo ở một vị trí trang trọng trong nhà.

          Cho đến nay tôi vẫn chưa biết tên tác giả bức ảnh này là ai nhưng tôi luôn biết ơn anh vì đã giúp tôi lưu giữ lại một khoảnh khắc trên con đường chiến đấu của mình. Xin kính chúc anh luôn mạnh khoẻ và có nhiều tấm ảnh đẹp cho đời. 

Các thành viên của xe 380:

Trưởng xe Nguyễn Đình Luông (Thanh Hóa)

 Pháo thủ Trương Đức Thọ (Thái Bình)



Pháo hai Vũ Xuân Trực (Vĩnh Phúc- đến 08.4.75)



Pháo hai Nguyễn Kim Duyệt (Hà Nội, đã hy sinh 28.4.75)


 

1 nhận xét:

  1. Đọc rất thích, bởi sự kể tả rất CHÂN THỰC & SỐNG ĐỘNG !

    Trả lờiXóa