Đền Sinh, nơi thờ Đức Thánh Yên Mô
Đức Thánh Yên Mô
và những đường Tầu Chạy
Tục
truyền rằng: ngày xưa trẻ con hai làng Yên Mô và Ngái Trúc thường hay chăn
trâu trong vùng thung lũng khu vực Đền Sinh bây giờ. Một hôm, khi trẻ trâu hai
làng đang tụ tập chơi khăng chơi đáo thì bỗng nghe có tiếng như tiếng sấm rền
từ lưng chừng núi. Cả bọn vô cùng ngạc nhiên vì trời đang nắng sao lại có tiếng
sấm? Tự nhiên tất cả đều ngơ ngác nhìn lên phía tiếng sấm: chúng thấy một hòn
đá đang từ từ nứt ra và từ trong khe đá nứt tòi ra một đứa trẻ cất tiếng khóc
oa oa. Bọn chúng hiểu ngay là thiên thần giáng thế nên trẻ trâu hai làng lập
tức tìm cách rước thánh về làng mình.
Trẻ
trâu làng Ngái Trúc thì bảo nhau chạy cả về làng lấy long đình và lọng ra rước.
Còn trẻ trâu làng Yên Mô thì bảo nhau chạy vội lên chỗ “đứa bé” rồi bắc tay
nhau làm kiệu, che khăn làm lọng rước luôn “đứa bé” về làng. Đám rước đi xuống
đến chân núi làng Yên Mô thì “đứa bé” tự nhiên biến mất. Từ trên mây nghe thấy
có tiếng nói văng vẳng: “Ta là thần Phi Bồng đây!”.
Nơi
hòn đá nứt ra giống như hình một người đàn bà đang ngồi đẻ, dân địa phương lập
một ngôi đền thờ ở đó và gọi là Đền Sinh hay Đền Mẫu. Nơi “đứa bé” tự nhiên
biến mất dân địa phương cũng lập một đền thờ và gọi là Đền Hóa.
Lại
tương truyền, vào thời Trần, khi Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên ở vùng Vạn
Kiếp, Đức Thánh Yên Mô lại giáng thế một lần nữa để giúp Trần Hưng Đạo đánh
giặc. Từng đoàn tầu chở thiên binh từ trên trời đổ bộ xuống dãy núi Phượng Hoàng rồi lại theo đường núi chạy về
Vạn Kiếp. Tầu chạy đến đâu núi rẽ thành đường đến đó. Đánh tan giặc, đoàn tầu
chở thiên binh lại theo đường núi qua
dãy Ngũ Nhạc chạy về Yên Mô. Đến làng Cổ Vịt Yên Mô thì úp tầu để lại rồi biến
mất. Vì thế ngày nay trên các dãy núi Phượng Hoàng, Ngũ Nhạc có nhiều trái núi
vẫn còn hằn rõ những con đường chạy ngang sườn núi. Dân địa phương vẫn gọi đó
là đường Tầu Chạy. Ở Yên Mô và Cổ Vịt vẫn còn có những trái núi gọi là núi Tầu
Úp.
15/01/2015
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét