Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

THÀY DẠY TOÁN CẤP II



Ảnh ở nhà thày tại thôn Kim Đậu xã Lạc Long, huyện Kinh Môn năm 2011.

      Tốt nghiệp cấp II năm 1970, tôi lên cấp III rồi vào đại học. Ra trường về Nam công tác rồi nghỉ hưu. Đằng đẵng 40 năm, hình ảnh thày dạy Toán ở Trường Cấp II Bắc An huyện Chí Linh Hải Dương ngày ấy vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.
      Năm 2011, tôi về họp lớp Cấp II Bắc An. Chúng tôi chỉ còn thông tin về cô giáo Nguyễn Thị Tư và thày dạy Toán Nguyễn Ngọc Khuê. Tôi và anh Bình Nhưỡng được lớp cử đi đón thày cô. Khi đến nhà cô Tư ở Hoàng Gián xã Hòang Tiến, cô xuống đón khách và hỏi học trò Nhưỡng: "Bác tìm ai ạ". Khi biết là trò cũ về tìm, cô mừng quá, thông báo với cả xóm "Học sinh cũ của tôi đấy".
      Chúng tôi đi tiếp sang Kinh Môn tìm nhà thày Khuê theo thông tin anh Bình Nhưỡng có được. Trên đường đi, anh Nhưỡng gọi điện thoại cho thày để hỏi nhà. Trên xe, tôi nghe anh Nhưỡng nói rất to, một câu phải nói mấy lần. Và cuối cùng tôi nghe tiếng thày từ điện thoại: "Nói thế thì có giời nghe được". Thì ra thày đã bị nặng tai.
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà thày, được gặp thày. Tôi không thể quên khoảnh khắc gặp lại thày sau 40 năm cách biệt. Ký ức về người thày dạy Toán tràn đầy trong tôi.
      Tôi không nhớ thày về Trường Cấp II Bắc An năm nào, chỉ nhớ thày dạy Toán lớp 7 của tôi năm học 1969 - 1970. Khi ấy thày đã 30 tuổi, chưa vợ, dạy Toán và kiêm thêm môn thể dục của trường. Trong mắt lũ học trò 14,15 tuổi chúng tôi ngày đó, thày rất già. Thêm nữa, thày hay mặc quần áo bộ đội và giữ tác phong quân sự cả trong những tiết học thể dục lẫn học Toán.
      Lúc đó, tôi và Hồng Minh học khá Văn nên thầy đưa chúng tôi đọc tiểu thuyết thày sáng tác. Bản thảo viết tay của thày nhiều trang lắm. Rồi gia đình thày chọn một cô gái để thày về xem mắt. Thày lại viết về chuyện này, lại đưa chúng tôi đọc. Tôi còn nhớ nét chữ thày viết tên cô gái...
      Gặp lại thày, nước mắt tôi trào ra, vừa mừng, vừa thương thày quá. Thày tôi người bé lại sau 40 năm. Khuôn mặt thày rạng ngời khi nhận ra học trò cũ. Nhưng vợ thày thì mắt buồn rười rượi. Bao nhiêu bộn bề, bao nhiêu dang dở trong ngôi nhà không sao ngăn nắp được của một người bị bệnh tâm thần phân liệt. Bộ óc của thày vẫn minh mẫn ghi khắc bao công thức toán học, bao bài toán khó nhưng thày không sao giải nổi bài toán cuộc đời vốn không theo công thức nào.
      Về dự họp lớp tôi, thày chụp ảnh và quay video, hơn hẳn bọn trò ít tuổi. Sau đó thày gửi thư, video và ảnh về Phú Yên cho tôi. Qua thư thày, tôi được biết thày sinh năm 1939. Năm 2011 thày vẫn từ nhà ở thôn Kim Đậu, xã Lạc Long huyện Kinh Môn đạp xe lên Thư viện tỉnh Hải Dương đọc sách. Thư thày viết: "Thày sống cho những người còn sống, cho cả những người đã khuất". Thày còn làm thơ:
Tôi làm việc như trâu kéo cày
Một nắng hai sương...
Cả cuộc đời tôi
Là khúc hát của đại dương
Cho:
Mọi người yêu thương
Ở ngàn phương...
      Cuối thư, thày viết: :"Thày cầu Trời, lạy Phật, lạy tất cả các Thần linh của mọi hành tinh, của mọi vũ trụ" phù hộ cho tôi và gia đình tôi. Tôi khóc. Và chợt nghĩ, phải chăng thày đã nhìn thấy một vũ trụ bao la, một thế giới siêu hình như bây giờ các nhà Vật lý học đã nhìn thấy??? Có những thế giới không phải ai cũng nhìn thấy được.
      Qua con trai thày, em Nguyễn Văn Khoa, tôi được biết năm nay thày yếu nhiều rồi. Bắc Nam cách trở, tôi còn gặp được thày nữa không? Thày đã khác rất nhiều so với hình ảnh thày ngày về dự họp lớp tôi. Nhưng trong tôi vẫn trọn vẹn hình ảnh một người thày đầy tâm huyết với học trò.
      Những dòng này tôi kính dâng thày, một Nhà giáo đáng kính trong tôi.

Tô Hà
20.11.2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét