Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Chiều muộn






















(Nhà báo Chu Thu Hằng- một người Chí Linh đã khá nổi tiếng với vai trò Tác giả kịch bản một số bộ phim Việt ăn khách trên VTV thời gian vừa qua như: Tình yêu không hẹn trước, Hoa nở trái mùa, Lời ru mùa đông, Nguyệt thực... Không chỉ vậy, chị còn là một cây bút viết truyện ngắn rất sung sức và hấp dẫn. Trang triancuocdoi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tác phẩm của chị.)
Người đàn bà vừa đi vừa khóc, chiều muộn điểm xuyết những ánh đèn đủ màu sắc trên gương mặt đẫm ướt. Chiếc xe đạp tróc sơn liêu xiêu trên phố.Nỗi đau khổ khiến đôi bàn tay gầy, trắng xanh của người đàn bà không còn tự chủ. Một chiếc xe máy vụt qua, khói thuốc phả ngược lại thành những sợi trắng nhờ mỏng mảnh. Chiếc xe đạp lạng đi, đổ kềnh xuống mặt đường.Người đàn bà đó là Quỳnh, chị vừa chia tay với quá khứ đau buồn để nhặt lấy chút tự do mà người đàn ông cưỡi trên chiếc xe máy kia vứt lại.
Ly dị. Quỳnh nghĩ đến điều đó từ rất lâu nhưng khi cái ngày đó đến chị lại cảm thấy bối rối và đau khổ đến chóng mặt. Không phải Quỳnh sợ cô đơn, sợ cái tiếng bị chồng bỏ mà chị sợ những kỷ niệm quá đẹp, quá thơ mộng trong quá khứ. Nó luôn ám ảnh, dày vò chị như thể đã ngấm vào từng mạch máu không dễ gì quên được.
- Có bị sao không? Cái thằng xe máy đi hỗn quá. Thấy người ta ngã không dừng lại mà đỡ. Đê tiện.
-Không phải tại anh ấy. Tự chị ta ngã đấy. Mặt xám ngoét thế kia, chắc cảm gió rồi.
Người đi đường xúm lại hỏi han. Quỳnh lóp ngóp đứng dậy, gạt nước mắt, xốc chiếc xe đạp tuột xích lên hè. Bóng tối ào về qua làn gió se lạnh, qua sự mờ nhạt của những gương mặt đang trôi trong lòng phố. Những đôi môi bợt đi sau một ngày làm việc vất vả, những gương mặt khắc khổ, những cái nhìn âu lo... Ai trong số những người trên đường có nỗi đau giống chị, nỗi đau tưởng có thể chết nhưng lại không chết được vì định mệnh cứ bắt chị phải sống để chứng kiến những nghịch lý của cuộc đời.
Một vài người đi đường nhìn Quỳnh, ánh mắt của họ bị bóng tối cản lại nhưng Quỳnh vẫn cảm nhận được họ đang thẩm định giá trị của người đàn bà đang quắt đi vì đau khổ . Kệ thôi, trái tim chị đang tan nát, tướp táp máu thì dù ai nghĩ gì, đánh giá sao chẳng còn quan trọng.
Bàn chân vô thức đưa chị về dãy phố sực nức mùi hoa sữa, dừng lại trước ngôi nhà 4 tầng sang trọng. Cửa đóng kín nhưng tiếng nhạc vẫn tràn ra ngoài. Trôi theo tiếng nhạc là tiếng ly, cốc va vào nhau, tiếng cười nói, chúc tụng. Quỳnh đứng ngây như hóa đá. Cánh cửa đột ngột mở. Tiếng ồn bung theo, hắt vào mặt Quỳnh mớ hỗn độn chói gắt. Quỳnh đưa bàn tay che mặt. Điền, chồng cũ của Quỳnh ngó ra, trên tay vẫn cầm ly rượu đỏ bầm như máu độc. Một chút ngạc nhiên, Điền bước hẳn ra ngoài, cười nhạt, giọng kẻ cả.
-Em quên gì à? 
Một mớ tóc vàng cùng cặp môi đỏ như quét máu ưỡn ẹo bước đến cạnh Điền. Mặt Quỳnh tím lại, cả người Quỳnh tím lịm, tím đến từng kẽ tóc. Những ngón tay cựa quậy, ban đầu là giật nhẹ, rồi đến run. Cả người Quỳnh run lên. Đám đàn ông trong nhà xô ra, nhìn Quỳnh thương hại. Họ là đám bạn làm ăn của Điều bên Đức. Trên người họ rủng rỉnh vàng và những dòng chữ Tây phưỡn ra trên áo.
Điền lạnh lùng: 
- Quên gì thì vào mà lấy. Dù sao.. đây cũng từng là nhà của em.
Quỳnh nhìn xói vào mặt Điền, giọng nghèn nghẹn.
- Tôi chẳng quên gì. Cái quá khứ khốn nạn này không đáng để tôi đau khổ.
Đến lượt Điền tái mặt, các cơ mặt giật nhẹ. Người đàn bà tóc vàng bất ngờ cười ngặt nghẽo. Đám đàn ông cũng bật cười khành khạch, hô hố. Quỳnh lên xe, guồng xe như chạy trốn . Mãi nửa đêm Quỳnh mới về đến khu tập thể dành cho giáo viên của trường. Từ xa, Quỳnh thấy một cái bóng đang mòn mỏi tìm kiếm gì đó ở khoảng trống phía trước.
-Quỳnh đấy à? Sao cô về muộn thế?
-Cháu đâu rồi anh?
-Nó ngủ rồi, tội con bé suốt buổi cứ hỏi mẹ. Chuyện của cô thế nào?
-Tòa xử đúng theo đơn.
-Nghĩa là hai mẹ con cô tay trắng? 
Người đàn ông thảng thốt. Anh thở dài. Quỳnh thấy được trong tiếng thở dài ấy nặng trĩu sự thương xót.
-Đã cơm cháo gì chưa? Để tôi về nấu cho cô gói mì. Cứ để con Thủy ngủ bên ấy với tôi. Cô cần nghỉ ngơi và tĩnh tâm.
Quỳnh ngước nhìn người đàn ông, ánh trăng sáng nhờ làm gương mặt anh thêm ủ dột, khắc khổ.
Người đàn ông ấy là Khang, anh dạy khoa Tin học và biết Quỳnh từ khi cô mới chân ướt chân ráo nhập trường. Anh cũng có nỗi đau giống Quỳnh. Nhưng nỗi đau có màu riêng, không thể so sánh ai đau khổ, ai mất mát nhiều hơn người khác. Vợ anh, một phụ nữ đẹp sắc sảo, đảm đang nhưng lại thích đùa cợt với trái tim "mô phạm" của chồng. Cô lấy Khang vì nể học vị của anh, chẳng gì anh cũng phó tiến sĩ, giảng viên một trường đại học lớn. Với một sinh viên vừa ra trường thì đấy là sự "bảo hành" cho một tương lai rất sáng. Lấy nhau rồi sự vị nể ấy cũng vơi đi. Khang không phải là người biết kiếm tiền mà chỉ chú tâm vào nghiên cứu. Vợ Khang luôn cảm thấy bất an với ví tiền mỏng dính của chồng. Do có chút nhan sắc, vợ Khang xin vào làm việc ở một khách sạn. Cuộc sống bớt khó khăn. 
-" Đô ( USD) mới là chứng chỉ đi vào tương lai"- một lần vợ Khang đã nói với chồng như thế. Khang trừng mắt nhìn vợ rồi giở mớ lý thuyết đạo đức, nhân sinh quan ra nói. Mặc cho Khang nói như cái máy, mặt đỏ bừng vì kích động, vợ Khang soi gương, nắn nót kẻ môi, kẻ mắt, rồi vơ cái túi, ào đi.
Ra khỏi căn nhà dư thừa mùi ẩm mốc, cô giống như một con chim xổ lồng, xù đuôi, vẫy cánh đón nhận những mĩ từ bóng bảy từ những người khách sang trọng. Họ hào phóng ban phát lời khen khiến cô luôn sống trong sự mộng du của nhạc rock, rượu whisky và mùi nước hoa tổng hợp.
Cô quên dần anh chàng bặt thiệp, học rộng nhưng rỗng túi. Họ chia tay nhau, căn nhà 10m2 rộng thêm khi chỉ còn mình Khang. Anh lầm lũi lao vào nghiên cứu, tìm sự lãng quên ở những con số, những dòng chữ. Thi thoảng, tạt ngang nhà hàng xóm, thấy vợ chồng Quỳnh rúc rích cười, gắp thức ăn cho nhau, Khang đứng lặng, nước mắt ứa ra từ hai hố mắt thâm quầng.
Hôm Quỳnh chuyển nhà ra phố anh cũng sang giúp cô chuyển đồ lên xe. Khi xe sắp chuyển bánh, anh bắt tay Điền, giọng nghèn nghẹn: " Anh thật hạnh phúc". Quỳnh quay lại nhìn Khang, cảm giác xót xa trào lên trong lồng ngực. Cô biết, hạnh phúc của cô và Điền đang khiến Khang lội ngược dòng về với quá khứ đau khổ của mình. 
Quỳnh đi rồi căn phòng nhà trường phân cho Quỳnh tạm thời bỏ trống, rêu mọc xanh rì thềm cửa. Mỗi lần đi qua, Khang lại nhìn cánh cửa khép im ỉm.
Thế rồi Quỳnh đột ngột trở về khu tập thể vào một chiều mưa tầm tã. Hai mẹ con đèo nhau trên chiếc xe đạp vốn đã cũ từ lâu. Mặt cô lã chã nước. Cô nói căn nhà ngoài phố đã có chủ mới, là mẹ chồng và cậu em trai Điền ở quê ra. Cậu em chồng trước lễ phép là vậy, giờ trở mặt đuổi chị dâu và cháu ra khỏi cửa. Không chỉ thế, nó còn đưa lá thư của Điền gửi từ Đức nói tất cả tài sản trong nhà thuộc về nó. 
- Khốn nạn- Khang gầm khẽ trong cổ họng.
- Ai hỏi, anh cứ nói... em cần bán nhà để lấy vốn cho Điền làm ăn. - Quỳnh nấc lên.
Nỗi đau đang bào mòn niềm tin của Quỳnh khiến trái tim khô quắt của Khang cựa quậy. Khang thấy đắng họng. Không phải là sự thương hại mà là thương. Anh thấy lại mình trong chính nỗi đau của Quỳnh.
Và bây giờ, Quỳnh đang đứng trước mặt Khang. Có cảm giác nỗi đau đã vắt kiệt sức lực chị.
-Em không thấy đói. Anh cho em gửi con Thủy bên ấy.
Quỳnh lạch xạch mở khóa và đóng ập cửa lại. Sự cảm thông của Khang khiến Quỳnh không cầm nổi nước mắt. Quỳnh dò dẫm trong căn nhà hoang lạnh, ẩm mốc, chị lôi từng món đồ thời chị và Điền còn nghèo khổ. Chiếc thìa gẫy chuôi này là dấu vết một lần Điền mắm môi cậy cháy cơm, vài chiếc bát sứt thời sinh viên mà Quỳnh đã nhặt nhạnh cất kỹ trong chiếc hòm gỗ thông. Tất cả chỉ như mới hôm qua.
Ngày ấy, Quỳnh là cô bé xinh xắn, dịu dàng, cặp mắt to mơ mộng. Còn Điền thì nhanh nhẹn, láu lỉnh. Cuối năm nhất đại học, Điền ngỏ lời với Quỳnh và họ trở thành một cặp khá tương xứng. Nhiều người nói, tình yêu trong sinh viên giống như cơn gió thoảng qua, 10 đôi yêu thì 9 đôi tan vỡ. Tình yêu của Quỳnh và Điền nằm trong số ít may mắn. Sau khi tốt nghiệp, cả hai được giữ lại trường, làm đám cưới và được phân một phòng 8m2 trong khu tập thể này.
Ngày ấy nhà Quỳnh rất nghèo, hàng đêm Quỳnh mải miết đan len thuê. Điền vỡ mảnh đất hoang sau khu tập thể để trồng rau. Tuần một lần, anh đạp xe vào phố với chiếc thùng lấy phân từ các hố xí công cộng về bón cho rau. Nhìn Điền ngồi gỡ tóc cho Quỳnh ngoài cửa, Khang chạnh lòng khi nhớ lại lời của vợ khi cô xách túi rời khỏi nhà : "Nghèo thì không bao giờ hạnh phúc". Điền và Quỳnh cũng nghèo đấy thôi. Điền còn chẳng có cái mác tiến sĩ như Khang... nhưng căn phòng của họ đầy ắp tiếng cười. Nghĩ vậy, Khang ngồi thất thần cả tối. Trách số phận . Trách người vợ tham vàng bỏ ngãi.
Điền không phải là người chịu an phận. Khi Quỳnh có thai bé Thủy, Điền nhờ bác họ làm trên Bộ xin cho đi xuất khẩu lao động tại Đức. Quỳnh khóc, cố níu kéo Điền ở lại với công việc giảng dạy nhưng Điền đã quyết.
Điền nói: " Anh phải đi làm kinh tế? Em định chịu khổ mãi sao"? 
Biết không thay đổi được quyết định của Điền, Quỳnh chạy vạy mượn tiền mua cho Điền hai chục cái quần bò để làm vốn nơi đất khách.
Điền sang Đức một năm thì ở nhà Quỳnh nhận được thùng hàng. Cả khu tập thể rộn lên, không ít ánh mắt ghen tị. Quỳnh vốn xinh nay càng trẻ ra. Người đẹp vì lụa, lần đầu thấy Quỳnh mặc chiếc váy bó sát người, Khang đứng sững, ngơ ngác vài phút. Rồi cười ngớ ngẩn, anh không dám tin người đứng trước mình là Quỳnh. Cô đẹp và thơm... như một con búp bê trong tủ kính.
Ba năm sau, Điền về chơi. Chiếc xe con bóng lộn khiến khu tập thể lại rộn lên. Cơm Tây có khác, con người Điền như đổi khác. Lúc đầu, mọi người kéo sang chơi, hỏi chuyện, chúc mừng. Nhưng rồi sự kệch cỡm, phách lối mở miệng là nói đến tiền của Điền làm mọi người khó chịu. Kệ, Điền nhìn các đồng nghiệp trong khu tập thể bằng nửa con mắt. Điền càng thích thể hiện sự, phô trương sự giàu có, Quỳnh càng thấy ngại. Thấy vậy, Khang lại chạnh lòng. Anh nghĩ: " May cho thằng rởm đời kia còn có người xấu hổ thay nó". 
Một tháng sau, gia đình Quỳnh chuyển ra phố, cả khu tập thể thở phào như trút bỏ được cục nợ . Hôm chuyển nhà, Quỳnh dắt bé Thủy đi chào khắp lượt. Cô mong mọi người thông cảm và bỏ qua cho Điền. 
Quỳnh chuyển nhà được hơn năm, mọi người cũng thôi đàm tiếu về Điền. Quỳnh vẫn đẹp, vẫn diện nhưng ít cười, ánh mắt chất chứa phiền muộn.
-Có chuyện gì vậy Quỳnh? -
Quỳnh né tránh cái nhìn của Khang khi hai người gặp nhau ở giảng đường.
- Em khổ quá.
Quỳnh quay ngoắt, đi như chạy trốn. Rồi đột ngột Quỳnh dẫn bé Thủy quay lại khu tập thể trong một ngày mưa tầm tã.
Điền đến khu tập thể tìm Quỳnh. Hai người to tiếng. Chuyện Quỳnh bị chồng hắt hủi, bị mẹ chồng đuổi khỏi nhà, bị Điền ép li dị vỡ bung ra. Mọi người té ngửa, xúm lại . Tiếng can ngăn: "Đừng ký. Mình là vợ cái con cột, việc gì phải khổ". Tiếng trách móc: " Nghèo thì hạnh phúc. Có tiền thì phụ bạc vợ con". Tiếng xỉ vả: " Hóa ra hắn... dẫn người khác về đuổi mẹ con cô ấy ra khỏi nhà à"; " Không, nó sống với con bé kia bên Đức. Khốn nạn thế, có cái nhà cũng lấy lại. Mà cái bà mẹ chồng với thằng em cũng ác... Dù gì con Thủy cũng là máu mủ của nhà ấy. Thế mà nhẫn tâm đuổi hai mẹ con".
Quỳnh lấy hai tay bịt tai, quay cuồng. 
-Cô không ký... tôi cũng sẽ li dị được- Điền lạnh lùng.
Quỳnh nhìn chồng tê dại. Sau vài phút chết lặng, Quỳnh giật tờ đơn trên tay Điền, với cái bút ký xoẹt vào tờ đơn. Mọi người chết sững nhìn vào cái bút trên tgay Quỳnh. Tờ đơn rơi xuống đất. Điền nhặt tờ giấy, phủi nhẹ bụi, nhìn mọi người, rồi bỏ đi. Ngang qua chỗ Khang đứng, bắt gặp ánh mắt căm phẫn của Khang, Điền cúi mặt xuống.
Khang lúi húi trong bếp, bé Thủy vẫn ngon giấc. Anh kéo chăn đắp cho Thủy rồi bưng bát mì mở cửa bước ra ngoài. Trăng sáng, sương lạnh, Khang đến bên cửa nhà Quỳnh, gõ nhẹ cửa.
-Quỳnh.
CHU THU HẰNG
( Song Thu sưu tầm. Nguồn: NguoiChiLinh.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét