Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Đến với bài thơ hay - Thầy tôi


Nghề dạy học không chỉ là nghề kiếm sống đơn thuần, mà nó còn có một thiên chức thiêng liêng hơn, cao cả hơn: đó là nghề khai sáng! nghề dạy làm người.
Nghề dạy học và nhiều thầy dạy đã được xã hội tôn vinh và xứng đáng với sự tôn vinh đó.
Hầu hết những người thầy giáo với ý nghĩa chân chính, đích thực đều ý thức rằng: Một khi đã tình nguyện gắn trọn đời mình với nghề dạy học, một nghề nghiệp đầy hy sinh thầm lặng, nhưng cũng đầy quang vinh và cao cả ; họ sắn sàng chấp nhận những thử thách nghiệt ngã có khi cả là những buồn đau, cay đắng nhất của đời! Trong những trường hợp như thế, có được những trái tim đồng cảm, những "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" sẽ cảm động và tri âm xiết bao, họ sẽ có đủ niềm tin, đủ nghị lực đứng vững và tiếp tục hành trình với sứ mệnh thiêng liêng của nghiệp làm Thầy.

Bài thơ dự thi "Thầy tôi" của Nguyễn Thúy Quỳnh có trên bàn biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ngày 7 tháng 9 năm 2008 là một bài thơ như được viết bằng máu, chia cảm với nỗi đau của một người thầy, của những người thầy chân chính.


THẦY TÔI

Một đời tích nghĩa nhân
Thầy tôi đóng con đò đưa người qua sông chữ


Kẻ thất học đi qua
sau một năm
Cầm rìu chặt đò làm đôi
Thầy ngậm ngùi đóng con đò mới


Kẻ tiểu nhân đi qua
Sau mười năm
Vung búa chặt đò làm ba
Thầy dằn lòng đóng con đò mới


Người tâm phúc đi qua
sau ba mươi năm
Trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh


Tôi về tìm thầy
Có người bảo lên sông Ngân mà hỏi
có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông


Những mảnh vỡ lặng câm
găm trong ngực
Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc
- Thầy ơi...


Bài thơ có sức nổ lớn trong tôi, và tôi tin rằng nó cũng có sức nổ lớn trong nhiều bạn đọc.
Tôi thao thức với những vần thơ ứa máu. Bài thơ vần điệu và nhạc tính ẩn vào trong, chỉ có ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, dễ hiểu, thậm chí là thô ráp, nhưng bố cục rất chặt, rất kiệm lời, hàm súc, bài thơ được viết ra từ cảm xúc bằng máu của Nguyễn Thúy Quỳnh.

Người Thầy của tác giả trước hết là người thầy với đầy đủ ý nghĩa đẹp đẽ, người thầy phẩm chất chân chính "một đời tích nghĩa nhân" Thầy đóng con đò để đưa người qua dòng sông chữ - dòng sông trí tuệ.
Thầy đã dồn sự tích lũy sức lực và trí tuệ, đạo đức và vốn sống của cả cuộc đời mình cho nghề nghiệp.
Thầy nguyện suốt đời cho nghề nghiệp làm thầy. Người lái đò đưa khách qua sông.
Tất cả những hình ảnh đó rất quen thuộc mà người đời đã dành riêng cho người thầy giáo, nói về thầy giáo và nghề làm thầy giáo.

Có bao nhiêu khách? là những khách nào đã nhờ thầy vượt qua dòng sông trí tuệ này?
Bao nhiêu thế hệ học sinh, những con người với những cái tên cụ thể làm sao nhớ xuể.
Tác giả khái quát ba loại khách qua sông, ba loại học trò thụ giáo thầy bứơc vào cuộc sống, đó cũng là ba loại người: Kẻ thất học, kẻ tiểu nhân và người tâm phúc!

Bạn đọc, nhất là những người đã từng đứng trên bục giảng đang chờ đợi những tứ thơ diễn đạt sự chuyển hóa theo hướng tốt đẹp, thành quả có được ở từng loại học sinh này. Song, bài thơ được khai thác dưới một góc độ khác : Theo cấp độ học vấn, theo cấp độ thời gian; Từ kẻ thất học, kẻ tiểu nhân, người tâm phúc:

Sau một năm,

sau mười năm,

sau ba mươi năm

Công lao dạy dỗ của người thầy chân chính càng dày, trò học càng cao, sức tàn phá của trò đối với con đò sự nghiệp của thầy càng tàn bạo, càng đau xót:

Cầm rìu chặt đò làm đôi,

vung búa chặt đò làm ba,

trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh.

Ôi, có phải càng văn minh bao nhiêu thì tội ác càng hiện đại và dữ dội hơn lên bấy nhiêu không? Chao ôi, cổ nhân đã để lại cho đời chữ "Nhẫn".
Thầy kiên nhẫn với kẻ thất học : "Thầy ngậm ngùi đóng con đò mới." Thầy kiên nhẫn với kẻ tiểu nhân : "Thầy dằn lòng đóng con đò mới".

Thưa thầy, phải chăng thầy cho rằng mọi tội ác đều do dốt nát mà ra, và thầy độ lượng, và thầy kiên nhẫn khai sáng.
Nhưng còn người tâm phúc? kẻ sau ba mươi năm trở bút, đò của thầy tan thành vạn mảnh! nước kiên nhẫn của thầy liệu có tràn ly?

Nguyễn Thúy Quỳnh không một lời giải thích? mà cần gì phải giải thích. Ôi, con người tâm phúc! thế nào là con người tâm phúc cơ chứ? kẻ cơ hội đã từng "Qua sông phải biết lụy đò" chăng? kẻ có chữ cao hơn thầy chăng? kẻ giàu có, rủng rỉnh tiền nong, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, có quyền nhìn đời bằng con mắt khinh thị chăng? kẻ có quyền có chức cao hơn thầy chăng? kẻ thấy nhục vì một thời phải thụ giáo thầy, con người đạo cao đức trọng nhưng nghèo khó, đạm bạc và địa vị xã hội thấp kém hơn hắn chăng? Hay đó là những kẻ vẫn rao giảng đạo lý, vẫn cao đàm khoát luận ca ngợi sự nghiệp trồng người cao cả, nhưng chính họ lại là lực cản và tàn phá sự nghiệp đó lớn nhất?

Khác với hai khổ thơ trên có 4 dòng, khổ thơ này chỉ có 3 dòng, thiếu hẳn một dòng về thầy. Chẳng biết thầy đâu, thầy làm gì, còn hay mất ? Chao ôi, sự thiếu vắng, im lặng, không nói, sao mà hợp lý và tàn nhẫn đến mức đáng sợ thế?

Chẳng lẽ cả ba loại người thụ giáo thầy đều bội bạc hết hay sao? May thay Nguyễn Thúy Quỳnh đã chỉ ra có những con người như thế nhưng không phải tất cả đều như thế.
Tất cả mọi người qua sự rèn luyện trong nhà trường, qua sự dạy dỗ của thầy, so với chính họ, họ đã được hoàn thiện dần nhân cách và phẩm chất toàn diện của con người.
Hầu hết mọi người đều biết tri ân với những gì thầy cô và nhà trường đã dành cho họ. Thầy giáo của tác giả, một thầy giáo giàu trí tuệ và nhân cách "một đời tích nghĩa nhân" những học sinh của thầy quyết không thể tất cả đều tồi tệ như thế. Đó là một khẳng định.
Một người ươm trồng cây giỏi, nhất định phải tạo được nhiều những giống cây quý. Một thầy giáo giỏi với ý nghĩa đích thực, nhất định có nhiều học trò giỏi, giàu nhân cách đẹp, và tác giả là một học trò như thế.
Tuy nhiên, nếu toàn bộ cây trái đều không sâu, thối, kém chất lượng, nếu không có học sinh nào yếu về năng lực , kém về nhân cách là điều không thực tế và có màu sắc duy tâm.

Thầy giáo đạo cao đức trọng, nhân cách thanh cao, tài năng suất sắc sẽ sống mãi trong tình cảm của học sinh và được xã hội tôn vinh.
Về tìm thăm Thầy giáo cũ, ai đó đã chỉ cho tác giả lên sông Ngân mà hỏi. Phải chăng Thầy đã khuất bóng? Nếu vậy, thầy đã được người đời tôn vinh và xứng đáng được tôn vinh. Thầy đã nhập vào hàng ngũ những Cao nhân, Tiên lão, thầy là một trong những ngôi sao sáng đẹp nhất dải Ngân Hà.
Lại nữa , "có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông". Thì ra thầy vẫn sống, vẫn trường tồn, bất tử.
Người Thầy đạo cao đức trọng ấy có ở khắp nơi, là phẩm chất tốt đẹp thể hiện ở rất nhiều các nhà giáo hôm nay và mai sau. Điều đó khiến ta ấm lòng và sáng một niềm tin.

Chúng ta không lảng tránh một thực tiễn không vui. Trong cơ chế thị trường, bên cạnh những cái được, không ít những vấn đề phức tạp nảy sinh. Đạo đức và nhiều giá trị truyền thống bị sói mòn, suy thoái . Tình cảm học đường, tình cảm thầy trò có nhiều biểu hiện xuống cấp. Tác giả đau đớn thốt lên
" những mảnh vỡ lặng câm
găm trong ngực
sông chữ ngầu ngầu đang khóc
-Thầy ơi..."

Dòng sông chữ đang khóc, những người có chữ đang khóc, tác giả và chúng ta đang khóc. Lương tâm và đạo đức đang lên tiếng, đang cảnh báo. Nước mắt, không! đó là ngầu ngầu máu đỏ. Và đó cũng là máu đang nhỏ từ tim thành những tứ thơ!

Ai đó trong chúng ta đọc bài thơ này có nghe chính tim mình về tình cảm học đường, tình cảm trường xưa, thầy cũ? và bạn có khi nào giật mình vì trái tim của chính mình vô cảm !

ST & BS

Nguồn :http://nguyenthuyquynh.vnweblogs.com/post/1580/232612#commentform

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét