Năm 1996, tôi dạy hợp đồng ở Trường THPT Phả Lại. Vào dịp kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt
“Chú dế và giọt trăng
Lăn trên nền cỏ biếc
Một giọt trăng lung linh
Giọt trăng lăn trên cỏ
Lấp lánh cả lá hoa
Một chú dế đi qua
Ngạc nhiên tròn xoe mắt
Chú dế ta định nhặt
Giọt trăng đem về nhà
Loay hoay mãi chú ta
Cũng không sao nhặt được...?
À...Thì ta hiểu rồi
Trăng dính trên phiến lá
Tốt hơn là đem cả
Giọt trăng và lá cây
Nhưng giọt trăng rơi ngay
Trên một nền lá khác...?”
Chú dế càng kinh ngạc !?...
Thày Hán vừa dứt lời thì cả phòng rộ lên những lời trầm trồ thán phục. Nhưng cũng có một thày (tôi không còn nhớ rõ là thày nào) tỏ ý nghi ngờ: “khéo không nó lại chép ở đâu đấy”. Thế là mọi người quay sang bàn bạc xem có ai đã từng đọc ở đâu đó một tứ thơ na ná như thế không. Tôi cũng lục lọi trí nhớ mình nhưng không tìm thấy gì. Cuối cùng thì bài thơ được xác minh đúng là sáng tác của em Nguyễn Thị Thủy, học sinh lớp 11C và bài thơ được trao giải nhất cuộc thi thơ năm ấy. Mùa hè năm 1997 cũng do tình cờ tôi được đọc lại bài thơ ấy trên một tờ Thiếu niên tiền phong. Cuối bài thơ có ghi rõ tên và địa chỉ tác giả: Nguyễn Thị Thủy ( học sinh lớp 11C Trường THPT Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương).
Thấm thoát thế mà đã 14 năm rồi... Tôi cũng chưa có dịp nào gặp lại tác giả . Nhưng ấn tượng về bài thơ thì vẫn y nguyên như ngày ấy và mỗi lần có dịp nhẩm đọc lại tôi vẫn thấy vô cùng hào hứng và thích thú. Thích thú bởi vì bài thơ đã vẽ ra được hình ảnh một chú dế hồn nhiên, ngây thơ và vô cùng sống động.
Vẽ ra được một hình tượng sinh động và đầy thơ ấy không thể chỉ bằng vào sự quan sát hay ký ức được. Nếu Nguyễn Thị Thủy không dựa vào trí tưởng tượng của mình, không biết hóa thân và nhập vai làm một chú dế, chui xuống cỏ, đi lang thang thì không thể có chuyện tình cờ bắt gặp một giọt trăng...đẹp quá, thích quá, muốn lấy bằng được để đem về hang mà không thể. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác chú dế ngây thơ và ngốc nghếch nhà ta không hiểu vì sao cả ? Rõ ràng Nguyễn Thị Thủy đã biết làm bé mình đi thành con giun, con dế để cho tứ thơ vụt lớn lên thành đắc sắc và độc đáo. Thử hỏi đã có bao nhiêu cách tả trăng và yêu trăng rồi nhưng mấy ai đã yêu trăng được thật sự “trẻ con” như Nguyễn Thị Thủy ? Thơ tối kỵ những chung chung mờ nhạt , càng tối kỵ những đại ngôn, khoa trương mà sáo rỗng.
Mùa hè năm 1999, khi tôi đang đánh máy làm số Nội san thơ CLB Côn Sơn số 27, thì được đưa thêm mấy bài thơ của Nhóm thơ Bãi Bông Phả Lại. Trong đó có bài Tình biển tình người của Nguyễn Thị Tách:
“Hạ Long nước biển trong xanh
Hè vui thắm thiết có anh có nàng
Mênh mang dòng nước mênh mang
Quện chặt thân nàng đùa giỡn với ta
Hạ Long nước biển mặn mà
Khác nào tình cảm của ta với nàng
Ngỡ ngàng giây phút ngỡ ngàng
Mơ màng ta thấy như nàng tơ xuân
Mình trần đâu phải mình trần
Bộ đồ áo tắm khoe thân nõn nà
Nhìn ra ngoài biển khơi xa
Vòm trời khum xuống như là dù buông
Biển trời như khép cánh buồng
Tâm hồn sảng khoái nụ hôn ngọt ngào
Hạ Long sóng nước dạt dào
Thuyền tầu du khách ra vào thảnh thơi
Hạ long phong cảnh tuyệt vời
Tình đời tình biển sáng ngời xanh trong
Yêu sao anh Bái Tử Long
Vì tình vì nghĩa nằm canh biển trời
Nhìn lên dãy núi trẻ tươi
Bài thơ tên gọi nụ cười xinh xinh
Soi mình mặt nước lung linh
Ngàn năm vẫn vậy trọn tình nước non
Khen cô có tấm lòng son
Đời đời vẫn thế sắt son một mình
Yêu sao mảnh đất Quảng Ninh
Quê hương giầu đẹp biển tình bao la”.
14 câu đầu của bài thơ quả thực là một tứ thơ lạ. Nó kể chuyện một đôi trai gái trẻ trung xinh đẹp giữa mùa hè đi tắm biển Hạ Long. Người con gái cứ quện chặt lấy người con trai mà hồn nhiên đùa giỡn. Còn người con trai thì lúc đầu cũng thoáng chút ngỡ ngàng e ngại. Nhưng trước vẻ “tơ xuân” của “Bộ đồ áo tắm khoe thân nõn nà” của người con gái, đã không đừng được nữa. Vả lại “Nhìn ra ngoài biển khơi xa” anh cảm thấy vòm trời cũng như đang buông cánh dù xuống và mặt biển cũng như đang khép cánh buồng lại để che chở cho họ. Thế là trời biển Hạ Long, thanh thiên bạch nhật và bát ngát bao la phút chốc bỗng hóa thành một căn phòng kín đáo dành riêng cho đôi trẻ. Trong cảm thức ấy, người con trai đã vô cùng sảng khoái trao một “nụ hôn ngọt ngào” cho người con gái.
Tôi thật sự chưa gặp được một “pha” tắm biển nào lại tươi mát và nồng nàn đến vậy. Đó là một cái hôn hiếm có trong đời thực và càng hiếm có ở trong thơ.
Chỉ đáng tiếc là bài thơ đến đây đã hết nhưng ngòi bút của Nguyễn Thị Tách thì lại cứ lan man con cà con kê kể lể thêm những chuyện chẳng còn dính dáng gì đến đôi trẻ nữa. Đoạn ấy vừa nhạt vừa làm xấu, làm hỏng cái tứ thơ lạ mà đẹp ở bên trên.
Trong trường hợp này muốn làm cho bài thơ hay chỉ cần có một động tác nhỏ là cắt béng đi 14 câu cuối bài. Nhưng để làm được một động tác đơn giản ấy lại là cả một vấn đề lớn. Muốn vậy người làm thơ phải biết tự thẩm định thơ mình một cách khách quan và chính xác. Nói cách khác người làm thơ phải có tầm hiểu biết sâu rộng và sự tỉnh táo của một nhà phê bình, ít nhất là cho mình. Tìm đọc những bài thơ hay, tìm đọc những lời bình thẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhất là của các nhà nghiên cứu... Hoặc gần gặn hơn: lắng nghe những nhận xét trung thực của bạn bè có thể giúp ta dần dần được như vậy.
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét