Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

KỶ NIỆM PHÓNG VIÊN TRUYỀN HÌNH



Trong cuộc đời phóng viên truyền hình, Tô Hà đã đi nhiều nơi trên đất nước, nhất là duyên hải nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhưng đặc biệt vẫn là chuyến đi biên giới phía Bắc, lên tận điểm chốt cao của tỉnh Lai Châu tháng 6 năm 1985 và chuyến đi Trường Sa tháng 5 năm 2008. Xin chia sẻ với Xóm Tri Ân một vài kỷ niệm trong chuyến đi Trường Sa. Bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy trên báo Tuổi trẻ và tuoitreonline đã đưa anh Hoàng Minh Thạo tìm được Tô Hà, tìm được gia đình thủ trưởng cũ Nguyễn Hữu Thảo. (Trong bài viết có một số ảnh nhưng hình như không tải lên được).



10 ngày với Trường Sa - 9: Thương lắm Quế Đường ơi…

Thứ Năm, 12.06.2008, 06:33am (TinNhanhBlog.com) Không bàn về sự hay hay không hay của bài thơ ở đây, chỉ biết khi đọc những câu thơ ấy, Tô Hà đã khóc, những lời thơ nghẹn trong nước mắt. Đầu dây bên kia, lính nhà giàn sau phút đùa vui tếu táo với văn công đã trở lại đằm hơn. Và càng đằm hơn nữa khi những lời thơ cất lên, qua sóng nước đến với họ. Cả khoang tàu lặng phắc, chỉ có tiếng bộ đàm sột soạt. Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài… Điểm đến cuối cùng trong hải trình của tàu HQ-996 sẽ lả nhà giàn Quế Đường. Theo lịch, tàu sẽ lại thả xuồng cho một số thành viên đại diện lên tặng quà và thăm hỏi bộ đội. Ai cũng nóng lòng muốn lên thăm anh em chiến sĩ, nhất là cánh báo chí, văn nghệ, và một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Sóng quá to, không thể thả xuồng để lên nhà giàn, Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - một người có kinh nghiệm dày dặn trong những chuyến đi biển thế này giữ thái độ điềm tĩnh nói lời giải thích với các đại biểu. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh quá nóng lòng nên cứ nhất quyết mặc áo phao lên người lăm lăm trong tư thế xung trận khiến Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa phải nói với NSNA Vũ Huyến – Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: - Các bác muốn an toàn thì ở lại tàu với anh em, còn các bác cứ hăng hái đòi xuống là không còn đường vào bờ đâu… Sau câu “dọa” của vị tướng, “không khí nghệ thuật” hừng hực mới lắng xuống. Và những giờ neo lại nhà giàn đã trở thành khoảng thời gian lắng đọng nhất của chuyến đi. Dưới con mắt của các nghệ sĩ, có hai sự kiện gây cảm xúc mạnh nhất với toàn bộ các đại biểu trong đoàn công tác. Sự kiện thứ nhất là lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện tháng 4 năm 1988. Buổi sáng ngày thứ 5 trong hành trình đi biển, buổi lễ được tổ chức trên boong tàu. Trang trọng, thiêng liêng và đầy xúc cảm. Sự hi sinh của những người lính vì từng tấc đất của Tổ quốc mãi mãi được ghi nhớ và để lại cho những người ở lại sự bồi hồi tiếc thương. Điếu văn do Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa đọc đã có sức lay động lớn, tái hiện lại sự hi sinh thầm lặng mà cao quý của những chiến sĩ Hải quân. Đoàn công tác dành một phút mặc niệm tưởng nhớ linh hồn các anh hùng liệt sĩ. Cả con tàu như lặng đi khi hương hoa được thả xuống biển khơi. Mặt nước xanh dềnh sóng, những khóe mắt thấm ướt… Sự kiện thứ hai chính là sự kiện diễn ra tại khu vực nhà giàn Quế Đường. Theo như dự định thì đây là điểm dừng chân cuối cùng trong hải trình, dự định thì thế nhưng trời nổi giông, tàu neo lại chờ đợi mãi mà không thể thả xuồng để vào với bộ đội. Nhà giàn và tàu đành đứng nhìn nhau qua ống nhòm. Tôi nhìn rõ những bóng chiến sĩ hải quân trên lan can nhà gian hướng về phía con tàu. Thả hoa trên biển tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa. Phải lên tàu rất lâu sau chuyến lên đảo An Bang sóng gió, Nhật Huyền mới lấy lại tinh thần, cô không còn quá sợ hãi và xúc cảm như ở vùng biển An Bang. Và cũng vì sóng to nên tàu mới neo lâu, mới có thời gian để Huyền tĩnh trí. Và khi mà con tàu đã neo lại đến hơn bốn tiếng mà sóng vẫn to, chỉ huy quyết định không cập xuồng. Mọi người trên tàu mặt buồn so. Ai nấy nhìn nhau chép miệng. Lại hát qua sóng vô tuyến có hỗ trợ của… ống nhòm. Tốp nữ Ngọc Mai, Nhật Huyền, Ánh Thảo lại hát và trò chuyện với bộ đội. Những mẩu đối thoại giữa chiến sĩ nhà giàn với văn công cứ đứt quãng, lúc được lúc mất, lúc trong lúc đục, khi mờ khi tỏ. Đại tá Phan Huy Tú - Trưởng Phòng dân vận Quân chủng Hải Quân ngồi bệt xuống sàn khoang lái loay hoay chỉnh chiếc âm ly làm sao để nhà giàn và tàu nghe rõ hơn, nét hơn. Nhà giàn DK-1 nhìn qua cửa sổ tàu HQ-996 - Các em là ở đoàn văn công nào thế? - Chúng em ở Đoàn nhà mình đây! (ý nói Đoàn nghệ thuật Hải quân) - Em tên gì? - Em tên Ngọc Mai… - Em tên Nhất Phượng… - Em tên Nhật Huyền… - Các anh thích nghe bài gì? - Bài gì cũng được… Sau đó là một vài câu đùa tếu táo, hình như sự có mặt của vị tướng – Phó Chính ủy đã bị… bỏ qua, lính nhà giàn và văn công cứ anh anh em em ngọt xớt. Bỗng cuộc vui bị ngắt quãng, Ngọc Mai dừng lại, nói mà như mếu: - Coi chừng anh phải gọi em bằng… chị đó nghe. Cả phòng cười ồ còn Mai thì nghẹn giọng, nước mắt dấn dấn. Đúng như thế thật, Ngọc Mai sinh năm 1975, là ca sĩ khá cứng trong đoàn, thông thường thì đúng là rất nhiều lính đảo phải gọi cô bằng chị thật. Ngọc Mai không nói tiếp được nữa đành chuyển ống nói cho bạn diễn. Đến lượt Nhật Huyền hát “Gần lắm Trường Sa”, một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hình Phước Long… Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa xa lắm em ơi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc san hô.Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương. Vẫn thấy anh đang sừng sững hiên ngang giữa bão giông trước mặt biển san hô. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh... Nhưng chỉ ít phút sau cô đã lại khóc khi chưa hát được nửa chừng. Nghĩ lại những gì diễn ra tại đảo An Bang tôi không khỏi mỉm cười, một điều tưởng như nghịch mà lại có lý ở cô ca sĩ này: Không được vào đảo hát – khóc; được vào đảo hát – khóc; không được vào nhà giàn hát - khóc. Có lẽ đây là những giọt nước mắt hồn nhiên và bản năng nhất rơi trên Biển đông. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trên Biển Đông Mà đâu chỉ các cô ca sĩ trẻ người non dạ, dễ sóng sánh đò đưa mới rơi nước mắt, nghệ sĩ Tô Hà của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tuổi đã khá cứng và kinh nghiệm đầy mình cũng đã rơi lệ không dưới 3 lần trong chuyến đi này. Hơn mười năm trước, bạn xem truyền hình nhớ tới Tô Hà bởi giọng thuyết minh truyền cảm suốt bộ phim dài tập “Người giàu cũng khóc”. Và hôm nay, trong chuyến đi biển này, cũng nói về chuyện khóc, lại nhắc đến một chút về bộ phim nhưng “Ngưòi giàu cũng khóc” đã được biến tấu thành “Người già cũng khóc” dù chị chưa đến mức quá già. Lúc tàu tới Quế Đường, dù say sóng Tô Hà cũng cố gắng mò lên khoang lái để giao lưu với lính đảo. Trong thời gian tàu neo đậu, Tô Hà đã xúc cảm viết nên những vần thơ, và bây giờ chị mang tờ giấy xé vội từ sổ tay ấy lên tự mình ngâm qua bộ đàm. Giọng thuyết minh “Người giàu cũng khóc” giờ véo khoan nhặt bổng trầm với những lời thoại là tự sự của chính mình nhưng cứ nghẹn lại không cất lên được.
Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió
Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa
Mang vóc dáng Tổ quốc mình nơi đó
Chí kiên trung vượt mọi phong ba

Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển
Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà
Khát một câu dân ca, một dáng hình con gái
Một lá thư nhà ấm mong ước đòan viên

Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi
Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời Xin gửi lại tình đất liền sâu nặng
Qua ngọn sóng bạc đầu
Ơi Quế Đường ơi

Không bàn về sự hay hay không hay của bài thơ ở đây, chỉ biết khi đọc những câu thơ ấy, Tô Hà đã khóc, những lời thơ nghẹn trong nước mắt. Đầu dây bên kia, lính nhà giàn sau phút đùa vui tếu táo với văn công đã trở lại đằm hơn. Và càng đằm hơn nữa khi những lời thơ cất lên, qua sóng nước đến với họ. Cả khoang tàu lặng phắc, chỉ có tiếng bộ đàm sột soạt. Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài… Ở đầu dây bên kia, dường như có tiếng thở dài... Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - Đại diện đoàn công tác nói lời chào anh em nhà giàn. Con tàu được lệnh nhổ neo, ba hồi còi hú vang chào đồng đội. Chị Bích Thủy và chị Tô Hà vẫn đứng mãi trên boong vẫy tay về phía nhà giàn. Những giọt nước mắt chảy dài trên má trước khi lăn xuống mặt biển ngầu sóng. Chẳng hiểu vì sao nước mắt lại mặn mòi như thế. Và biển, từ bao đời nay biển cũng vẫn mặn mòi… Con tàu cuốn neo rời nhà giàn Quế Đường, những cánh tay con gái vẫn vẫy mãi về phía những người lính. Nhìn từ phía sau tôi không biết đâu là tay chị Bích Thủy, đâu là tay chị Tô Hà, đâu là tay của Vân Mai, Ngọc Mai, Nhật Huyền, và đâu là tay cô phóng viên Trúc Hà mạnh mẽ mà đa cảm… Ba hồi còi nữa rền vang, con tàu bắt đầu tăng tốc cưỡi đè lên sóng sầu bọt trắng, thế là món quà đã chuẩn bị tặng các anh đành mang về lại đất liền. Đúng lúc ấy biển mưa xối xả… Những giọt nước mưa rơi trên những cánh tay, rơi trên má, trên bờ vai con gái. Sau làn mưa là mặt trời vừa lộ ra sau đám mây nặng trĩu. Một vùng biển mưa và một vùng biển nắng. Nước mắt của trời tuôn rơi hòa cùng nước mắt của người trong phút chia tay dù chưa hề gặp mặt. Nhà giàn nhỏ bé, ẩn hiện mờ xa sau làn mưa mỏng tang rắc trên những con sóng bạc đầu… Nghệ sĩ Tô Hà trước nhà giàn nhỏ bé mờ xa... Hà Nội tháng 5 năm 2008 N.X.T

1 nhận xét:

  1. Đêm nay. tôi mới đọc bài này, tôi đã thấy " Nhà sàn bé nhỏ, ẩn hiện mờ xa sau làn mưa mỏng tang rắc trên những con sóng bạc đầu..." Tôi đã bật khóc.
    Cám ơn nghệ sỹ Tô Hà đã cho tôi được khóc

    Trả lờiXóa