Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Hàng trăm bài báo đến với bạn đọc ký tên Vũ Anh Tuấn, Vũ Anh Tú mà nhiều người không biết cuộc sống nghiệt ngã của tác giả - những người đã chưa một lần cắp sách tới trường, không có bất cứ một bằng cấp hay chứng chỉ nào.
Mùa đông năm 1967, bố mẹ Vũ Anh Tuấn vui mừng khôn xiết, hạnh phúc đón đứa con trai đầu lòng “nối dõi tông đường” nặng 3,5 kg. Niềm vui chưa trọn, khi con trai đầu lòng tròn 1 tuổi bắt đầu lần giường tập đi, đôi vợ chồng trẻ bàng hoàng nhận ra cơ chân, cơ tay con mình cứ tự dần teo đi. Những bước chập chững đầu tiên của Tuấn cũng là những bước đi cuối cùng...
Sau đó, người con thứ 2 của họ là con gái chào đời và lớn lên khoẻ mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Mùa đông năm 1976, người con thứ 3 là con trai Vũ Anh Tú chào đời với bao niềm hy vọng...
Không ai muốn nhắc đến nỗi đau đã ập xuống người con trai đầu lòng. Nhưng thêm một lần, bất hạnh lại ụp xuống đầu gia đình nhỏ bé này. Tú cũng mắc phải căn bệnh quái ác như anh trai mình là Vũ Anh Tuấn... Bà Hảo lặng lẽ tâm sự có thể là do di truyền. Người con thứ 4 của họ là con gái khỏe mạnh bình thường...
Còn nước còn tát, dù hy vọng mong manh, ông Bình bà Hảo “vái tứ phương”, ai mách gì cũng làm theo để chữa trị cho con. Của cải cứ “đội nón ra đi” mà Tuấn vẫn vậy. Đến người con Vũ Anh Tú, hết miền xuôi lên miền ngược, ai mách ở đâu có thể chữa trị được là ông bà lại tất tả đi.
Rốt cuộc, 2 người con trai của ông bà đã mắc chứng teo cơ toàn thân vô phương cứu chữa. Nỗi đau buồn của ông bà cũng dần vợi bớt khi 2 người con trai tưởng “bỏ đi” đã đầy nghị lực vượt qua nghiệt ngã của tạo hoá tự học, tự kiếm sống...
Nằm bất động trên giường, đôi tay co quắp yếu ớt, Vũ Anh Tuấn tâm sự: “Lớn lên một chút đến tuổi đi học, tôi mới cảm nhận hết được sự thiệt thòi của mình với bạn đồng lứa. Tôi biết rằng cánh cửa trường học đã vĩnh viễn khép lại với tôi. Sau bao đêm suy tư, tôi quyết định tự học. Người thân mang sách vở về, tôi tự học viết, đọc, rồi những phép tính...
Khó khăn lắm mới giữ được cây bút. Tập viết là cả một cực hình, bút cứ chuội ra, không theo ý muốn... Khi đó, chính sự tự học đó đã làm cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn, nỗ lực hơn và tôi tự học hết lớp 12 lúc nào không hay... Tôi thấy cần phải làm một công việc gì để có thể tự lập, tự giúp mình được. Thế là hàng ngày tôi tự học tiếng Anh qua truyền hình rồi tự mua sách vở về học...
Trước đây, gia đình tôi ở ngõ Cấm, Hải Phòng. Năm 1998, gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống, tôi có cơ hội gần các toà soạn báo nên có tập tành viết bài gửi các báo. Và, hiện tôi cộng tác với nhiều báo như báo Sinh viên Việt Nam, Hà Nội mới, Phụ nữ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Gia đình Xã hội, Khoa học & Đời sống...”.
Cũng như anh trai mình, Vũ Anh Tú tự học, tự trang bị kiến thức. Hàng ngày, Tú viết bài, dịch gửi đăng các báo. Tú còn tự mò mẫm học tin học... Sức khỏe kém, nhưng dường như chạy đua với thời gian, chạy đua với nghiệt ngã của số phận, anh em Tuấn - Tú làm việc quên mình bên máy vi tính đến 3 - 4 giờ sáng...
Hàng trăm bài báo đến với bạn đọc ký tên Vũ Anh Tuấn, Vũ Anh Tú hay bút danh Sao Biển (của Vũ Anh Tuấn) mà nhiều người không biết cuộc sống nghiệt ngã của tác giả - những người đã chưa một lần cắp sách tới trường, không có bất cứ một bằng cấp hay chứng chỉ nào.
Dù hoàn cảnh sống khắc nghiệt từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều không tự làm được nhưng Vũ Anh Tuấn luôn trau dồi kiến thức, lạc quan yêu đời và đã từng giành giải nhất cuộc thi dịch thơ tình năm 2001 của báo Sinh viên với bài thơ “Vì em yêu anh” của nhà thơ Hughes.
“Mọi người hãy nhìn nhận người khuyết tật thực sự là lực lượng lao động tiềm năng của xã hội chứ đừng nhìn như là một đối tượng chính sách mà là đối tượng có thể cống hiến cho xã hội. Người khuyết tật tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều ưu thế như chăm chỉ, kiên nhẫn và ý chí vươn lên...” - Tuấn nói.
Theo Lam Khê
Tiền Phong
Việt Báo
//
(Theo_DanTri)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét