Đỗ ĐìnhTuân
Phần một
Ảnh minh họa
Đúng là làng tôi nằm ngay cạnh một con Sông Đào. Các ông già bà cả trong làng thường vẫn kể về sự tích con sông này là do quân lính nhà Mạc đâo. Vua Mạc định đóng đô ở vùng núi thuộc Bình Giang-Phả Lại bây giờ, mới cho quân lính đào con sông này, cắt ngang qua cánh đồng, từ sông Kinh Thày vào, làm con đường thủy chuyển kinh đô từ Cổ Trai lên. Nhà vua lệnh cho quân lính phải đào xong ngay trong một đêm. Nhưng mới đào được đến nửa chừng thì có một vị thân núi hóa thành con gà trống cất tiếng gáy báo sáng. Quân lính tưởng là trời sáng thật nên cũng nghỉ không đào nữa. Con Sông Đào thành một con sông cụt. Ngọn nó lửng lơ ở giữa cánh đồng mà việc xây dựng kinh đô của nhà Mạc ở vùng này cũng bị hủy bỏ. Nhưng ở đây vẫn còn dấu tích của thành nhà Mạc ở Phả Lại. Gần thành nhà Mạc còn có một cái ao cạn khá to gọi là Đấu Đong. Không phải để đong thóc, đong gạo mà là để đong quân lính. Đặc biệt, còn cả một phòng tuyến bằng lũy đất nối dài đến hàng mấy cây số, vẫn gọi là Bờ Hào. Ngọn con Sông Đào có cái tên rất hình tượng: Đuôi Nheo. Cái tên này đã làm tôi luôn nghĩ con Sông Đào chính là một con cá nheo khổng lồ, đầu nó rúc vào sông Kinh Thày còn đuôi nó thì ve vấy quẫy ở giữa cánh đồng. Mà cái Đuôi Nheo ấy đang quẫy thật. Bởi nó nối liền với đầu của ba dòng suối chảy từ Chùa Sùng về, từ Càng Cua ra và từ Lễ Kễ xuống. Ba con suối ấy vòng vèo uốn lượn như ba dải lụa mềm vắt vẻo qua cánh đồng mà nối với Đuôi Nheo.
Đuôi Nheo chính là ngọn sông Đào làng tôi. Không biết có phải vì thế không mà người làng tôi những lúc ru con hay những khi làm cỏ trên đồng thường hay hát cái khúc hát này:
Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Hai tay vít lấy hai cành
Quả chín thì vặt quả xanh thì đừng
Cùng một lời hát thôi mà khi hát ru thì nghe rất thiết tha nhắn nhủ mà khi hát vui trên đồng nghe lại ngân nga, bay bổng, cứ như muốn khoe khoang cùng trời đất vậy. Tuổi thơ tôi đã từng được ru trong câu hát ấy và tôi cũng cứ đinh ninh rằng câu hát ấy là do chính người làng tôi làm ra, mặc dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng có lấy một bằng cứ nào để chứng minh cho điều ấy cả.
Ngày chúng tôi còn bé, hàng năm, cứ đến mùa mưa rào là nước rừng theo các dòng suối ấy mà đổ vào Sông Đào. Nước con Sông Đào lại dâng lên cuồn cuộn chảy đổ ra sông Cái. Các loài thủy sinh, nhất là giống cá chép lại từ ngoài sông Cái được dịp ngược nước vào trong đồng tìm bãi đẻ. Đó là mùa người làng tôi thường rủ nhau đi úp cá giả. Toàn được cá thật thôi nhưng lại vẫn gọi là cá giả. Bởi ở mùa sinh nở, bao nhiêu tuyệt vị thơm ngon béo ngọt của con cái thì dồn vào trứng, con đực thì dồn vào tinh cả, nên cá gầy ăn nhạt nhẽo không ngon. Gọi “cá giả” là vì thế. Giống cá đẻ thường thích chọn những ruộng trũng, hoặc bãi cỏ ven sông. Con cái lao lên đấy, chạy vòng tròn quẫy đạp rồi đẻ trứng. Những con đực cũng bám đuôi theo, hễ thấy con cái đẻ trứng thì lập tức chúng cũng phun tinh dịch vào.
Làng tôi có ông Lý Tín quanh năm kéo vó bè và hay sờ mò cá mú đêm hôm nên rất thạo về cá. Tôi phải gọi “ông Lý Tín” bằng bác, vì là anh em thúc bá với bố tôi và là bác trưởng tộc dòng họ Đỗ nhà tôi ở đời thứ 6.Ngày ấy, chúng tôi chưa biết được tên tục của bác, chỉ biết “Tín” là tên cô con gái cả, mà tôi vẫn gọi là chị, còn “Lý" thì bố tôi bảo chỉ là một chức “Lý mua” chứ không phải “Lý làm”. Sau cách mạng tháng Tám, cũng như nhiều làng khác, làng tôi không còn “Tục hội đình”, “Tục giỗ hậu” và “Tục bán chức” nữa. Nhưng những ai đã làm, đã mua, tức là đã thành danh thì người làng gọi quen rồi không thay đổi được nữa: ông Lý Tín, ông Đội Nhân, ông Lý Khang, ông Hội Tùng, ông Hội Mậu, ông Cai Viêm, ông Lý Vỵ, ông Tiên Phác, ông Ký Đính, ông Trưởng bạ Thọ, ông Trương Hương, ông Nho Mại…
Bác lý Tín nhà tôi, có dáng người cao cao, cái đường ngôi cân ở giữa và một mái tóc mượt luôn được vuốt ngược về phía sau, trông khá ấn tượng. Chúng tôi thường thấy bác vận một bộ quân áo nâu bã bạc mầu nắng gió. Ống quần thường cộc chỉ chấm đến đầu gối. Ống tay cũng cắt cộc vừa chấm đến khuỷu tay. Những lúc đi cày ,đi bừa bác hay đội nón gủ và có cái dáng đi rất lững thững. Nhưng những lúc đi úp cá thì khác, bác thường để đầu trần hoặc chỉ đội một cái nón mê rất bé. Vì đã thông thạo những nơi cá hay đến đẻ nên bác thường đi “úp lảnh”, nghĩa là đi riêng một mình chứ không “quần tam tụ ngũ” như dân nghiệp dư. Bác cũng không úp bằng nơm mà úp bằng một cái dập. Dập là một công cụ úp cá trông giống như một cái “vó tôm”. Nó gồm có hai cái gọng tre và một vuông lưới gai được nối vào bốn chân gọng tre bằng những đường riềm sợi gai rất chắc. Úp bằng dập có cái diện tích úp lớn hơn nơm, nhưng vì mắt lưới thoáng nên lại nhẹ hơn nơm. Bác thường nép mình dưới một bóng tre, hay ngồi thu mình trên bờ, chăm chú theo dõi những đường cá chạy, y như một con thú rình mồi. Chỉ khi nào đàn cá cắn đuôi nhau đã thu vào thành một vòng tròn nhỏ và con cá cái ở giữa bắt đầu quẫy đẻ bác mới giương dập lên úp gọn. Có lần một mẻ dập của bác đã tóm gọn được cả một đàn cá có đến 12 con và cứ to đều như hòn gạch chỉ. Bác lễ mễ ôm cái bọc cá ấy về nhà trước sự trố mắt ngạc nhiên và thán phục của những người chứng kiến…
Bác Lý Tín có hai bà vợ. Bà vợ cả là kết quả của một mối tình đầu mãnh liệt. Hai người phaỉ lòng nhau, nhưng gia đình nhà gái không chịu gả cho bác vì chê nhà bác nghèo, mà lại đem ép gả cho người làng khác. Không chịu mất nhân ngãi, bác hẹn với nhân tình cứ để đúng đến đêm hôm cưới thì trốn đi. Âu cũng là duyên trời, ngay tối hôm cưới, khi người chồng bé con còn đang vòi ngủ với mẹ, thì “cô dâu” trốn được ra điểm hẹn và hai người rủ nhau đi biệt. Làng xóm lại ồn lên về một câu chuyện tình vừa ly kỳ vừa sốt dẻo. Người ta bàn luận, khen chê, phỏng đoán… nhưng cũng là để cho vui miệng thế thôi chứ ảnh hưởng gì? Mãi đến khi câu chuyện tình kia đã nguội và những người "rỗi hơi" cũng đã thấy mỏi mồm thì đôi “vợ chồng trẻ” mới dẫn nhau về. Lúc này thì bụng “cô dâu” đã lùm lùm, ván đã đóng thuyền và thuyền đã có lái, một tay lái vững vàng, chắc khỏe. Bấy giờ thì “nhà giai” bên “chồng cũ” chỉ còn cách thuân tình cho nhà gái giả lễ. Nhưng bác cả chỉ sinh được ba cô con gái: Tín, Ái, Phiếm. Bác càng ngày càng khát con trai. Giữa nạn đói năm 1945, cô Son-em gái bác, một lần ra chợ Bến, thấy một bà mẹ đói muốn cho con đi, cô son đã xin về cho anh chị mình nuôi. Vì xin ở chợ Bến nên cũng đặt tên luôn là Bến và cái tên đầy đủ của người nghĩa tử trưởng tộc này là Đỗ Đình Bến.
Về sau, trong làng lại có một bà góa chồng mà mới sinh được một mụn con trai, đặt tên là Chấp. Người ta cũng đang cần chỗ dựa mà bác cũng đang cần một người vợ biết đẻ con trai. Bác tìm đến và cả hai bên đều thuận tình vui vẻ. Không ngờ cái mối tình “rổ rá cạp lại” này lại sinh thêm cho bác đúng ba người con trai nữa: Sĩ, Cam, Tý.
Nhưng khi lũ rừng về, nước sông Cái lên to, thì nước lại chảy ngược con sông Đào mà vào trong đồng. Người làng tôi lại phải hò nhau ra lấp cống để ngăn nước sông Cái không cho chảy vào đồng. Qua mùa lũ lại phải đào lên tháo cống ra để lấy nước vào đổ ải cấy chiêm. Không rõ con đê được đắp lên từ bao giờ nhưng cái cống Kỳ Đặc nối sông Đào ra sông Cái thì có ghi niên đại xây dựng là năm 1922. Năm nào cũng thế cứ phải một lần lấp xuống, lại một lần đào lên tốn khá nhiều công sức.
Nhưng cứ đến mùa lũ sông Kinh Thày thì bắt buộc phải lấp, không lấp thì cả làng, cả huyện sẽ ngập trong nước lũ. Bởi con sông Kinh Thày có đến bốn nguồn cung cấp nước: sông Đuống, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Cho nên cứ sau một trận mưa nguồn vài hôm là nước sông Kinh Thày lại dâng lên. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, và cuốn theo nó cơ man nào là củi rác ở trên rừng về. Những cành cây củi rác từ trên rừng núi Thái Nguyên theo sông Cầu mà đổ vào sông Lục Đầu. Những cành cây củi rác trên núi rừng Yên Thế theo dòng sông Thương cũng đổ vào sông Lục Đầu. Những cành cây củi rác từ vùng núi Chàng, Chũ theo sông Lục Nam cũng lại đổ vào sông Lục Đầu. Sông Lục Đầu gom chúng lại rồi đưa chúng về xuôi. Nhưng đến đoạn hợp lưu với con sông Đuống thì bị ngọn nước của dòng sông Đuống này đánh tạt sườn, đùn phần lớn củi rác ở sông Lục Đầu vào sông Kinh Thày. Con sông Kinh Thày thành một dòng sông chở đầy củi rác. Dân hai ven bờ cứ thấy lũ đem củi về thì lại đua nhau ra kéo củi về đun, và họ cũng đặt tên luôn cho con sông này là dòng Sông Củi . Có lẽ đây mới chính là cái tên khai sinh của dòng sông . Rồi từ tên Sông Củi, các nhà nho mới chuyển nó thành tên chữ: Sài Giang: sài là củi mà giang cũng là sông. Sau này Sài Giang lại được thay hình đổi dạng một lần nữa mà thành ra Kinh Thày: “thày” vẫn là củi mà “kinh” cũng chỉ là một dòng kênh, tức là sông. Cũng giống như Sài Sơn được gọi là Núi Thày, rồi từ Núi Thày mà có tên Chùa Thày vậy… Từ khi cống Kỳ Đặc bị lấp, nước sông Đào không có đường thoát ra sông Cái nữa. Chúng bị ứ lại và dìm làng tôi và hàng loạt các làng khác suốt một vùng trong đê của huyện Chí Linh vào mùa úng ngập. Cả cánh đồng dưới làng tôi bị ngập nước trắng băng, chỉ còn thấy nổi lên lác đác những gò đống: đống Cao, đống Mả Dậm, đống Quán Giáo, đống Cổng Chợ, đống Gốc Đề, đống Gốc Cậy, trại Phù Trang…Theo các bờ ruộng, giống cỏ nùng, cỏ môi ngoi lên nhanh chóng. Còn dưới chân ruộng thì tha hồ cho các loài rong rêu tự do mọc: rong đuôi chó, rong vẩy ốc, rau vậy, trang trang, súng…Vụ mùa, cánh đồng dưới làng tôi không cấy lúa được. Nó thành nơi thả trâu, đánh dậm, đánh sẻo và thả lưới bén…
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét