Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Ký ức tuổi học trò

(Viết cho tập “Lớp D-khóa 4-
Trường cấp 3 Hồng Quang-Một thời để nhớ ”)

Mùa thu năm 1956, vì ở Chí Linh chưa có trường cấp 2 nên tôi đã phải “tay nải gió đưa” lẽo đẽo ra thị xã Hải dương theo học ở trường Trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm .
Trường Trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc đó thực chất đã là một trường phổ thông cấp 2+3 rồi, vì ngoài các lớp 5, 6, 7 đã có thêm mấy lớp 8 nhô. Ngày tôi vào trường, trời mưa to lắm, phố Quang Trung và phố rẽ vào chùa Quang Hanh ngập cả vỉa hè. Bọn học trò chúng tôi cứ phải vừa đi vừa nhấc ống quần lội lõm bõm vào trường. Nhưng chỉ một năm sau thì Trường trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm tách ra thành 2 trường: Trường cấp 3 Hồng Quang học ở vị trí cũ, và Trường cấp 2 thị xã Hải Dương được chuyển ra gần Phố Ga -Đường Hồng Quang bây giờ và mãi sau này mới mang tên Trường cấp 2 Trần Phú.
Tiếng là Trường cấp 2 của thị xã Hải Dương nhưng học trò khắp trong tỉnh cũng về học. Nhưng khóa tôi học thì đa phần là các bạn ở thị xã. Trần Tiến, Nguyễn Kiều Dung, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Nữ, Vũ Đình Mai, Lê Đức Ban, Lương Vĩnh Thịnh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Khắc Hồng, Nguyễn Thị Út, Nguyễn Thị Trọng, Bùi Quý Khoáng ... Trần Thị Kim Dung, Đỗ Bá Tiến, Chu Thừa Tuyên, Nguyễn Bá Phường...Nhưng tuyệt nhiên tôi không biết gì về Võ Thị Thanh, Chu Thị Hạnh, Chu Thị Phú...cũng là những cô gái thị xã-những bạn học cùng lớp thời cấp 3 sau này ?

Thị xã Hải Dương lúc đó còn nhỏ bé lắm. Nhộn nhịp nhất vẫn là phố Trần Hưng Đạo, thứ đến phố Quang Trung và khu Chợ Lớn. Nhưng vui nhất, bắt mắt nhất vẫn là khu có rạp chiếu bóng Hòa Bình, nhà kem Thụy Anh và Hiệu sách nhân dân..
Ở giữa khoàng nhà kem Thụy Anh và rạp chiếu bóng Hòa Bình vẫn còn có một quán cơm bình dân che tạm bằng một mái lá trên một ô đất trống. Những ngày đầu ra thị xã, bọn học trò nhà quê chúng tôi thường đến ăn ở quán cơm này vì rẻ và cũng khá ngon. Thời ấy, ao chuôm, sông ngòi, đồng ruộng còn lan vào đến gần tận trung tâm thị xã. Từ vườn hoa Độc Lập nhìn ra Ga vẫn thấy mênh mông bát ngát và xa thăm thẳm. Từ vườn hoa Đu Đủ nhìn ra cầu Phú Lương cũng vậy. Phố Bến Bè (phố Tam Giang bây giờ) một bên còn san sát nhà tranh vách nứa và một bên là đường con trạch ngổn ngang tre, nứa, lá.
Mùa nước lớn, từ phố Bờ Sông (phố Bạch Đằng bây giờ) nhìn ra chỉ thấy nước ngập mênh mông, mãi cuối tầm mắt mới thấy xanh xanh lũy tre xóm Miễu (Hải Tân bây giờ). đường ra Cầu Cất, khu Bình Minh, Khu Máy Sứ, phố Điện Biên Phủ bây giờ còn là những xóm làng mang tên Tân Kim, Bảo Sài, Hàn Giang...

Ngày mới ra thị xã, tôi và một ông anh thúc bá tìm trọ trong một nhà ở làng Hàn ngay gần Ga. Ông chủ đi kháng chiến rồi làm cán bộ gì đó mãi trên mạn ngược. Ở nhà chỉ có hai bà vợ. Bà vợ cả, người làng Hàn, trông nhanh nhẹn tháo vát, nhưng sắc sói, lắm lời. Người vợ bé lại là người mạn ngược, ông chủ lấy ở nơi công tác. So với bà cả, thì bà bé trông chất phác và rất ít nói. Nhưng quan hệ giữa hai bà thường xuyên căng thẳng. Những cuộc cãi nhau, mà chủ yếu là những trận la mắng của bà cả, xẩy ra như cơm bữa. Những lúc ấy, bà hai thường chỉ biết ôm con nín nhịn, thỉnh thoảng mới đáp lại được một câu yếu ớt. Nhưng liền sau đó thì bà cả trả đũa ngay bằng một trận “báo táp” hơn nhiều. Có một lần, đang đêm chúng tôi phải bật dậy vì những tiếng gào khóc, la làng, chửi bới được “phối khí” với những tiếng đấm, tiếng đá, tiếng quăng quật tạo thành bản “giao hưởng” đến chói tai, sởn gáy. Thì ra đêm ấy ông chủ về, ông chủ đã “nâng cấp” những “bè đôi” rền rĩ thường ngày thành buổi “đại nhạc hội hoành tráng” . Sau buổi ấy, chúng tôi cũng lặng lẽ rút quân.
Chúng tôi tìm đến trọ ở số nhà 22 phố Trần Phú, sau một doanh trại quân đội, trên đường ra Cầu Cất. Đó là một ngôi nhà hai tầng, gồm bốn hộ thuê trọ. Tầng trên có hộ gia đình một ông giáo và gia đình một ông bác sĩ. Tầng dưới gian phía trong là gia đình một ông “cán bộ tổ chức”. Chúng tôi cũng chỉ nghe nói thế chứ không biết cụ thể ông ấy làm việc ở cơ quan nào. Gia đình anh em tôi trọ nằm ở gian phía ngoài là một gia đình thuộc diện “dân tự do”. Bà vợ chuyên bán bánh kẹo ở Chợ Lớn. Còn ông chồng khi thì đi bán kem, khi thì đạp xích lô... Thực ra thì gia đình họ cũng chẳng rộng rãi gì nhưng vì nể tình hơi ho quen biết mà cho chúng tôi ở trọ thôi. Ông chủ nhà tôi trọ vốn là người gần làng tôi. Khoảng đầu những năm năm mươi bị huy động vào “lính bảo hoàng”. Hòa bình lập lại được ra lính và ở lại thị xã này làm dân tự do.
Bà vợ vốn là gái xứ Thanh và theo công giáo, nhanh nhẹn, tháo vát và cũng khá đáo để. Cuộc sống của họ cũng lam lũ vất vả lắm. Bà vợ, suốt ngày ngoài chợ đã đành. Ông chồng cũng thường dậy từ rất sớm ra nhà kem chờ lấy hàng, rồi đạp về các huyện bán. Hôm nào cũng thấy khoảng bốn năm giờ chiều mới về đến nhà. Người ông ấy đen nhẻm, dáng vẻ bơ phờ mệt nhọc. Được cái bà vợ có vẻ chiều chồng. Chiều nào cũng thấy bà ấy lo cho chồng một bữa cơm khá tươm tất. Thường thì ông ấy cứ nghỉ ngơi tắm rửa xong là cơm rượu đã sẵn sàng. Ông ấy cứ việc ngồi một mình mà khề khà trước đi. Bà ấy còn lo tắm rửa cho con, cho mình rồi mới vào ăn sau. Trong những lúc khề khà như thế ông ấy thường than vãn sự đời như là muốn thổ lộ và chia sẻ với chúng tôi vậy. Cứ sau cái động tác gắp một miếng giò lụa hoặc một miếng giồi chó... bỏ vào miệng nhai, tợp một hớp rượu, khà một tiếng là ông ấy lại than: “Đời khổ lắm, đời chó lắm các chú ạ!”. Đầu tiên thì chúng tôi chỉ buồn cười. Buồn cười vì thấy ông ấy ăn uống sung sướng thế có gì mà kêu khổ? Nhưng lâu dần qua những câu chuyện ông ấy kể chúng tôi cũng tin rằng ông ấy đã thực lòng.

Chúng tôi trọ ở đây được chừng hơn năm thì xẩy ra một sự cố bất thường. Lần ấy bà chủ chuyển sang đi buôn chuyến. Một chiều thấy ông chủ dẫn một phụ nữ về nhà giới thiệu với chúng tôi là khách quen. Cô này người đen đen cao cao không lấy gì là xinh đẹp. Cơm chiều xong thấy hai người lại dẫn nhau ra phố Quang Trung xem hát cải lương. Chúng tôi ở nhà đến giờ thì đi ngủ và ngủ say như chết chẳng biết có chuyện gì xẩy ra sau đó nữa.
Chỉ đến quá nửa đêm, khi bà chủ về tru tréo ầm ĩ lên thì chúng tôi mới bừng tỉnh giấc. Ông anh tôi xông vào giữ chặt cái tay đang cầm dao phay của bà chủ. Ông chủ thì vừa che chắn cho cô gái, vừa chằm chằm nhìn vợ để liệu hướng tránh đòn. Một loáng sau thì hàng xóm cũng thức cả dậy. Họ xúm lại xem, kẻ can, người hún, người nguyền rủa... nhưng rút cuộc họ cũng ngăn chặn được “một cuộc chiến tranh đẫm máu”.
Người ta giằng con dao trong tay bà chủ. Người ta giải vây cho cô gái. Người ta hẩy tay ra hiệu cho ông chồng chuồn đi... Nhưng không ai bịt mồm được bà chủ cả. Suốt đêm ấy bà ấy rên la kêu khóc. Hết nguyền rủa “con đĩ” lại mắng nhiếc chồng. Rồi trong cơn nóng giận bà ấy trách mắng luôn cả anh em chúng tôi nữa: “Cho các chú trọ chẳng có ích lợi gì. Để anh dẫn gái về nhà mà các chú cũng để yên được...”. Trong lòng chúng tôi cũng dậy lên một nỗi tự ái nhưng đành câm miệng hến chứ biết nói gì.
Suốt đêm ấy chúng tôi không ngủ được nữa. Chúng tôi chỉ nằm nghe và mới rõ được cái câu chuyện tình cũng khá bất thường của họ.Tai một làng nọ ở xứ Thanh, trong một lần đi càn, một anh lính bảo hoàng, trông thấy một cô gái xinh đẹp, anh ta bèn túm sống, kéo đến chân một cái đống rơm cạnh gốc cau, ngả bàn đèn. Không ngờ sau lần “nếm thử” ấy thì anh lính bảo hoàng kia không sao quên được cô gái nữa. Cho nên anh ta lại về tìm cô gái. Cố nhiên là cô gái ghét dơ, chỉ muốn băm vằm cái mặt thịt kia ra cho bõ ghét. Nhưng lại nghĩ “mình đã thất thân với người ta rồi, nghĩa là thực tế đã làm vợ người ta ”. Cho nên ngấm nguýt thì cứ ngấm nguýt nhưng cuối cùng cũng đồng ý cho cưới cheo đàng hoàng. Họ thành vợ thành chồng, dắt díu nhau đi chỗ này chỗ khác, cuối cùng đậu lại ở thị xã Hải Dương... Cho đến hôm nay , người con gái ấy lại thêm một lần đau nữa như vừa bị cưỡng hiếp lại vừa bị phản bội. Trong những lời rền rĩ xót xa ,bà ấy cứ đay đi đay lại cái câu “ mày mà không cưỡng hiếp tao cái lần ấy thì không đời nào tao thèm lấy cái mặt mày...”.Ấy vậy, nhưng sau cơn tức giận, bà ấy vẫn tha thứ cho chồng, vẫn ăn ở với chồng đến trọn đời mãn kiếp như lời thề trước Chúa trong ngày lễ thành hôn.
Từ hôm sau, chúng tôi cảm thấy rất sượng sùng và không thoải mái nữa.Trên đường đi học, tôi tâm sự với một bạn học cùng lớp là Nguyễn Văn Nghĩa nhà ở ngay trong xóm Đền Mẫu. Nghĩa thoải mái bảo ngay “Hay là các cậu đến ở nhà tớ, nhưng để tớ về hỏi qua bố mẹ đã”. Chỉ vài hôm sau Nghĩa đã bảo chúng tôi “Bố mẹ tớ đồng ý rồi, các cậu dọn đến mà ở”. Thế là chúng tôi chuyển đến trọ ở nhà Nghĩa, số nhà 24 trong xóm Đền Mẫu cách nhà trọ cũ cũng không xa.

Ông bố Nghĩa là một người trông rất mất cân đối. Đầu to, cằm bạnh, má hóp mà thân hình lại thấp bé nhẹ cân. Trông sức vóc ông ấy thì có vẻ loẻo khoẻo yếu ớt lắm nhưng lại phải làm một công việc khá vất vả là bốc vác tre nứa lá. Sáng nào cũng thấy ông ấy mặc bộ quần áo cũ nhàu nát, đội chiếc mũ lá đã tuột vành, thất thểu đi làm và trưa chiều lại trở về nhà với một dáng vẻ rất mệt nhọc. Tính nết ông ấy thì lại càng khó chịu hơn. Đi vắng thì thôi, chứ hễ về nhà là ngồi vào bàn rượu. Bữa rượu của ông ấy thường lai rai suốt buổi trưa, suốt buổi tối. Mà hễ ngồi vào bàn rượu là ông ấy lè bè chửi bới, kể hành kể tỏi, hành hạ vợ con. Những lúc ấy, ở trong cái nhà này người ta chỉ còn nghe thấy mình ông chủ nói, mình ông chủ chửi. Vợ con và cả chúng tôi nữa đều dãn cả ra xa và im thin thít không ai dám ho he hóc hách. Vậy mà cũng chẳng mấy khi được yên thân. Hình như hôm nào ông ấy cũng tìm ra được một thứ tội tình của vợ, của con để mà hành hạ. “Giái nhớn đâu?” “Dạ! Bá bảo gì con ạ” “Vào đây tao bảo”. Rồi một tay ông ấy giữ tay “Gái nhớn”, một tay cúi xuống lấy dép, bắt đầu lè bè hỏi tội “Làm sao hôm nay con lợn sề bỏ cám?” “Dạ con biết làm sao được ạ” “ Này thì không biết này, không biết này”. Mỗi tiếng “không biết này” như thế được kèm theo với một chiếc dép đập vào mặt, vào đầu. “Gái nhớn” cứ việc mà kêu khóc xin tha. Nhưng chỉ đến khi nào ông ấy chán tay hoặc đuối sức thì mới thôi đòn. Cũng tương tự như thế, hôm thì đến lượt “Gái con đâu ?-” Vì sao mày để em ngã sưng tím cả mặt mày lên?”. Hôm lại đến lượt “Thằng Nghĩa đâu?- Mày vác mặt đi đâu mà tối sẫm mới về ?”. Sau khi đã hành con, ông ấy lại chuyển sang hành vợ. “ Còn cái con đĩ già kia nữa. Mày tưởng mày đảm đang lắm đấy phỏng?” “ Thôi thôi ông ơi, nào tôi có dám nhận tôi là người đảm đang đâu? Ông yên đi cho tôi nhờ”. “ A, con này láo, mày lại dám chặn họng ông à ?”. Thế là ông ấy sấn đến, lôi bà ấy ra, túm tóc, bạt tai, đấm đá...cho đến chán, đến mệt...Thật tình, chúng tôi chẳng thấy “ bà chủ” có lỗi gì với “ông chủ”cả . So với ông chủ thì bà chủ hơn hẳn về mặt hình thức. Bà ấy người cao ráo, sáng sủa, da trắng, tóc dài, môi son cắn chỉ. Suốt ngày bà ấy đã lam lũ bán rau ngoài Chợ Lớn. Chỉ buổi tối “ bà chủ” mới ở nhà. Có lẽ vì mệt nhọc và sợ chồng nên thường bà ấy chỉ nằm yên ở trên giường. Nhưng cây muốn lặng, gió lại chẳng muốn đừng. Không mấy tối bà ấy không bị chồng chửi mắng, đánh đập.

Cuối năm học 1958-1959, chúng tôi tốt nghiệp cấp 2 cả. Ông anh tôi xin đi học Sư phạm. Nghĩa xin được một công việc bán thuốc tân dược trên Tây Bắc. Chỉ còn mình tôi xin thi lên cấp 3. Trong dịp này tôi gặp Hà Đình Vĩnh người thôn Văn Thai. Vĩnh rủ tôi đến trọ cùng với hắn ở trong xóm sau Phố Bắc Sơn. Ngày ấy chưa có những lò luyện thi vào cấp 3 như bây giờ. Gia đình cho chúng tôi đi trọ là để có thời gian mà tự ôn thôi, chứ ở nhà quê, mùa vụ công việc nhiều, thì học hành và ôn tập làm sao được. Vì thế mà tiếng là đi học thi nhưng chúng tôi cũng nhàn nhã và tự do lắm. Chủ nhật, chúng tôi thường rủ nhau cuốc bộ về Văn Thai chơi. Cũng có lần tôi rủ Vĩnh về Chí Linh chơi, nhưng Vĩnh bảo: “Chân tớ ngắn lắm, không đi xa được. Nhưng thi xong, nếu đỗ tớ nhất định sẽ về”. Thi xong chúng tôi lại ngong ngóng mong đến ngày báo kết quả. Rồi ngày đó cũng đến. Thí sinh các ngả đổ về đứng chật kín cái sân nhỏ trước cửa phòng thí nghiệm. Thày Trần Hữu Hùng, Hiệu trưởng nhà trường ra công bố danh sách học sinh trúng tuyển chính thức gồm 190 em và một bản danh sách dự khuyết gồm 40 em. Tôi đã nghe có tên tôi trong danh sách trúng tuyển chính thức rồi, nhưng cuối buổi vẫn cố nán lại để xem trực tiếp bản danh sách một lần nữa cho mục sở thị. Tôi cũng cố tìm trong danh sách dự khuyết xem có Hà Đình Vĩnh hay không, nhưng đều không có. Tôi về nhà trọ thì Vĩnh đã khăn gói về quê ngay rồi. Chắc Vĩnh buồn lắm nên không ở lại để chia tay nhau lần cuối. Cũng từ đó tôi mất hẳn liên lạc với Hà Đình Vĩnh. Tròn 40 năm sau, hè năm 1999, đi coi thi tốt nghiệp phổ thông ở trường Tuệ Tĩnh, tôi mới có dịp qua làng Văn Thai. Nhớ tới người bạn cũ, Tôi hỏi thăm một cô gái đang phơi rạ ở bên đường. Cô gái bảo “ Bác ấy bây giờ công tác ở xa lắm, chỉ thỉnh thoảng mới về quê thôi”.

Vào trường cấp 3 tôi được phân vào lớp 8D. Năm ấy nhà trường mới làm thêm được một dãy nhà học bằng tranh tre nứa lá gồm 12 gian ngăn chia thành 4 phòng học. Dãy nhà học ấy kéo dài suốt từ gốc đa tới gần hết chiều dài khuôn đất của nhà trường. Các vách ngăn được ghép bằng gỗ ván để khi cần có thể tháo ra cho các lớp thông luôn với nhau thành một hội trường lớn. Những ngày đầu chúng tôi được tập trung học chính trị ở cái hội trường lớn này. Thày Trần Hữu Hùng, hiệu trưởng nhà trường trực tiếp giảng. Thày Hùng giảng rất rõ ràng khúc triết. Thỉnh thoảng thày lại kết thúc câu giảng bằng cụm từ “có phải không?”. Cứ mỗi lần như thế, khuôn miệng thày lại như cười nhưng đôi mắt thày thì nghiêm lạnh nhìn ra khắp lượt. Bọn học trò chúng tôi vừa thích lại vừa sợ. Đôi khi cũng cười rộ lên nhưng rồi lại im ngay nghe thày giảng. Trong bài giảng hôm ấy, thày Hùng có nói đến triết học Mác-Lê nin, đến chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử...

Học trò lớp 8D đa số là các bạn ở Ninh Giang và Tứ Kỳ. Các bạn thị xã cũng khá đông, nhưng cùng lớp cũ với tôi chỉ còn có Nguyễn Khắc Hồng, Nguyên Thị Út, Nguyễn Văn Sáu và Lê Đức Ban. Tôi vẫn trọ ở nhà bạn Nghĩa cũ. Vì còn một mình nên cũng buồn. Buổi sáng lủi thủi đi học một mình. Chỉ thỉnh thoảng ra đến Ngã Sáu mới gặp Hồng và Út. Nhưng nghe đồn các hắn có tình ý với nhau nên cũng ngại nhập bọn. Còn Sáu thì đặc biệt khác đời. Rất ít khi hắn nhập bọn đi với bạn bè. Hôm nào, tôi cũng thấy hắn sivin gọn gàng, tay trái cắp một cái cặp da đã cũ, cúi đầu, cắm cổ, chân bước rõ dài, tay vung rõ mạnh, sáng:đi một mạch đến trường; trưa: đi một mạch về nhà. Chúng tôi thì khác. Buổi sáng, vì xuất phát đi từ những điểm khác nhau, vả lại đứa nào cũng lo đến lớp cho kịp giờ, nên cũng ít tụ vạ. Nhưng buổi trưa thì khác. Chính những con đường đã gom chúng tôi lại với nhau. Trên con đường từ lớp về nhà, ngoài Hồng, Út cũ ; xuất hiện thêm hai nhân vật mới: một tay cao kều người Bình Giang và một tay loắt choắt da vàng nghệ người Tứ Kỳ. Đó là hai nhân vật mà chỉ ít ngày, ít tháng sau sẽ cùng với tôi thành “người một nhà” và gắn bó với nhau suốt đoạn đời học ở cấp 3.

Tay người cao kều ấy chính là Phạm Đình Tiến. Hắn người thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang. Hắn có một bà cô (chị bố) lấy chồng ở thị xã, cũng ở ngay trong xóm Đền mẫu này, rất gần chỗ nhà tôi trọ. Hắn ở một mình mà tôi cũng ở một mình. Hắn muốn có bạn trọ cùng cho vui mà tôi cũng đang muốn chuyển chỗ trọ cho đỡ buồn. Thế là hắn rủ tôi sang trọ cùng. Cố nhiên là tôi phải sang hỏi “hai bác”. Bác gái không nói gì, thế nào cũng được. Còn bác giai thì có băn khoăn về khoản nấu ăn của chúng tôi. Hai bác không thể cho chúng tôi ăn chung với gia đình là lẽ đương nhiên. Nhưng Tiến là cháu để tách ra ăn riêng thì không hay mà Tiến ăn với gia đình để mình tôi ăn riêng cũng thấy bất tiện. Những điều băn khoăn ấy của người lớn lại chẳng là gì với chúng tôi cả. Chúng tôi đang rất ngại ăn chung với gia đình mà chỉ thích nấu ăn riêng. Trong suốt những năm tháng đi trọ học có bao giờ chúng tôi ăn chung với gia đình nào đâu. Ở đâu chúng tôi cũng chỉ tự thổi nấu lấy ăn. Mà bữa ăn của đám “hàn nho” chúng tôi ngày ấy đơn giản lắm. Thành phần chính là một bò (khoảng 3 lạng) gạo luộc. Cái gọi là thức ăn chỉ là một mớ rau luộc. Nước chấm cũng tự pha chế lấy. Một dúm muối với một thìa nước rau khoắng đều lên thế là đã có một bát nước mắm ngon rồi. Chỉ thỉnh thoảng lắm mới có thêm khoản thịt kho đậu, hoặc tôm rang, cá kho...Đó là những bữa có thể coi là “cải thiện”. Các món xào, món nấu ...đều nằm ngoài thực đơn. Nhưng đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nên chúng tôi ăn gì cũng ngon, và không biết bao nhiêu cho đủ. Vì thế mà có lần tôi mới tức cảnh mấy câu thơ:
Tiêu chuẩn trên cho bữa một bò
Đói thì không đói chẳng ra no
Nửa chừng xuân đánh vừa ngon thẻm
Nhai vã càng ngon chả thiết giò.
Ấy vậy mà bài thơ cũng thành “có vấn đề” và tác giả của nó cũng phải xem xét về mặt tư tưởng ? Có lẽ vì có thày đã hiểu chữ “Tiêu chuẩn trên cho” kia là ám chỉ Đảng và Nhà nước. Nhưng thực tế Đảng và Nhà nước lúc đó đã cho chúng tôi một chút “tiêu chuẩn” vật chất nào cụ thể đâu? Chỉ có bố mẹ cho tiền và cho gạo. Có tiêu chuẩn định lượng hẳn hoi. Gạo, mỗi bữa 1 bò, ngày 2 bò, cứ thế mà đong đổ vào ruột tượng mà vác đi. Tiền, đủ chi mua rau mắm và các khoản đóng góp...“Tiêu chuẩn trên cho” trong bài thơ của tôi chỉ là chỉ bố mẹ thôi, chứ Đảng với Nhà nước gì ở đây mà “bất mãn” với “chống đối”, mà “ảnh hưởng tư tưởng nhân văn giai phẩm”?

Ở thời ấy lòng người dân hãy còn rộng rãi lắm, nhưng vật chất thì lại quá eo hẹp. Vì thế mà tôi và Tiến cứ nài nỉ “hai bác”cho tự thổi nấu lấy ăn. Có lẽ vì đó là một phương án rất thực tế, cho nên ngần ngừ thì có ngần ngừ nhưng cuối cùng “hai bác” cũng đồng ý. Còn tay người loắt choắt da vàng nghệ kia chính là Nguyễn Văn Vỵ. Hắn người thôn La Tỉnh, xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Không hiểu sao, hắn lại hỏi trọ ở một nhà mãi tận xóm Bảo Sài. Từ Bảo Sài phải đi qua một quãng đồng nữa mới tới xóm Đền Mẫu. Có lần tôi đến chỗ hắn trọ, thấy cũng khá chật chội, mà đường thì xa và những ngày mưa còn lầy lội nữa. Cũng có lần hắn đến chỗ chúng tôi. Hắn mặc bộ quân áo âm lịch, quần còn đang sắn, chắc là vừa mới phải lội nước lên, tay cầm một bọc to. Vào đến nơi, hắn mở ra, toàn là những đồ chơi gấp giấy, do chính tay hắn gập. Nhiều thứ lắm: tầu bay, tầu bò, tầu chiến... rồi con ngỗng, con gà, con chó...Hắn quả là một người rất khéo tay . Tôi phục hắn lắm. Vì về khoản này thì tôi vụng thối. Tình thân của chúng tôi cũng đậm dần lên và ít lâu sau thì tôi và Tiến lại xin với “ hai bác” cho Vỵ đến trọ cùng. Bộ ba Tiến-Tuân-Vỵ hình thành từ giữa năm lớp 8, khoảng cuối năm 1959, đầu năm 1960 gì đó.
Nhà “hai bác” chỉ có hai vợ chồng già, không có con. Nghe nói đâu là tại bác giai. Thời trai trẻ, bác đi làm bồi tầu, cũng lênh đênh khắp năm châu bốn biển rồi làm sao ấy mà vô sinh. Lúc ấy bác giai đang làm ở Tổng kho cấp 2 và cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Mái đầu húi cao đã bạc trắng , nhưng nước da hồng hào, dáng đi hơi nhanh. Bác thường hay nói to và giật giọng nên mọi người cũng hơi ngài ngại, cho là bác khó tính. Thực ra bác cũng chỉ là một người vô tâm và phổi bò thôi, không nghĩ ngợi nhiều và cũng chẳng có ác ý gì với ai. Bác gái trông lặng lẽ và buồn bã hơn. Có lẽ, một người phụ nữ không được làm mẹ, càng về già thì nỗi cô đơn càng mênh mông. Vì thế mà ánh mắt của bác trông héo hắt lắm. Bác rất dễ tủi thân và hay sụt sịt khóc. Ngoài nghề làm ruộng, bác gái còn có nghề dán vàng thoi. Chắc đây cũng là một nghề gia truyền của gái làng Châu Khê .Vì tôi thấy bác còn có một cô em gái, góa chồng sớm, thỉnh thoảng vẫn xuống chị, và hai chị em cứ kí cách gấp bẻ dán vàng ở trong buồng. Cô em trông cao to trắng trẻo hơn cô chị và cũng có vẻ hồn nhiên hơn. Thỉnh thoảng tôi lại thấy bác ấy ngẫu hứng hát ngâm một câu ca dao. Toàn là những câu ca dao quen thuộc cả thôi. Hình như cứ ngẫu hứng bắt gặp câu nào thì bác ấy lại ngâm hát câu ấy: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi / Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng...Kim vàng ai nỡ uốn câu / Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời...”

Năm 1960, miền bắc hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Tố Hữu có những câu thơ viết về phong trào ấy cực hay: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác / Lúa mượt đồng ấm áp làng quê...” Đọc những câu thơ ấy, tôi mê lắm. Mê thơ và mê luôn cả cuộc sống ở nông thôn nữa. Tôi chỉ muốn có dịp được trở về quê hương tham gia xây dựng hợp tác xã góp phần đưa nông thôn mình tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Tôi chả để ý gì đến tình hình thực tế cả. Tôi đâu có biết rằng, so với thời còn cá thể, gia đình chúng tôi những năm đó thu nhập rất thấp và chúng tôi cũng đang chịu đói lây, phải bữa cơm, bữa cháo. Chúng tôi mua được một cái phích, vỏ ken bằng cật nứa. Buổi sáng, trước khi đi học, bỏ mấy nắm gạo vào đấy rồi đổ nước sôi vào là trưa về mỗi đứa sẽ có vài lưng cháo húp. “Bác gái” thương chúng tôi đói thường để dành thêm cho chúng tôi, hôm thì một bát ngô rang, hôm thì mấy củ khoai luộc. Thế là trưa nào đi học về chúng tôi cũng thi nhau cấm cúc nắm ngô rang, hoặc nhá khoai luộc, trước khi húp cháo. Vậy mà vẫn vừa ăn, vừa trao đổi chuyện trò, vui như tết. Có lần đúng dịp “rằm tháng bẩy”, ba chúng tôi cuốc bộ về La Tỉnh thăm nhà Vỵ. Ông bố Vỵ đau dạ dày khá nặng, người gầy yếu, nhăn nhó, mặc bộ quần áo gụ, nằm ềm ệp trên cái phản kê ở giữa nhà. Mẹ vị, mặc cái quần lửng, chiếc áo vá cũ kỹ, nhưng người còn tỉnh táo, nhanh nhẹn. Hôm ấy, bác hí húi nấu bánh đúc, ăn với nộm rau muống. Bác bảo ở đây có tục ngày rằm tháng bẩy phải ăn bánh đúc nộm rau muống. Lúc ấy thì chúng tôi chẳng nghĩ gì, bác nói sao cũng tin vậy. Nhưng về sau, thì đôi lúc, chúng tôi cũng ngờ rằng, chúng tôi đã về đúng vào lúc nhà Vỵ hết gạo. Lần về nhà Tiến thì đàng hoàng hơn. Bố Tiến có nghề sửa chữa xe đạp ở phố Kẻ Sặt. Người ông trông cũng bé nhỏ và yếu ớt. Mẹ Tiến làm nông nghiệp ở làng Châu Khê, trông cao và đen khỏe hơn chồng. Cái cao đen của Tiến là do “gen” của mẹ. Làng Tiến có đường lát gạch. Nhà Tiến có sân gạch tường bao kín đáo. Phía sau nhà, có một vườn chuối. Có lẽ cũng mới tân nên chỉ thấy những cây chuối đơn đang vươn những tầu lá khép gần tới nhau. Trong ba chúng tôi thì có lẽ nhà Tiến khá hơn cả. Nên hôm ấy chúng tôi được chiêu đãi một bữa cơm thịt gà hẳn hoi. Chỉ có nhà tôi là không bạn nào về. Có lẽ vì tôi mời cũng chưa nhiệt tình và các bạn thì cũng ngại vì biết tôi đang phải sống với mẹ kế.

Năm sau, thì thêm Đảo và Khiêm cũng đến trọ ở xóm Đền Mẫu. Nhà Đảo và Khiêm trọ cũng rất gần nhà chúng tôi và cũng chỉ có hai ông bà già. Ông, làm nghề đạp xích lô còn bà, thì ở nhà nội trợ. Đảo trước trọ ở mãi xóm Miễu tận Hải Tân bây giờ. Còn Khiêm trọ ở đâu tôi không rõ. Cuối năm lớp 8, trong buổi lễ tổng kết năm học Đảo trình diễn một tiết mục “Violon ống bơ” do Đảo tự sáng chế mà hay cực kỳ. Từ đó Đảo thành danh “Nghệ sĩ violon ống bơ”. Đảo có cái khuôn mặt tròn to, cái mũi sư tử và một nụ cười rất thoải mái. Trông hắn cười tôi hay liên tưởng đến ông “Phỗng cười” vì nó cũng hể hả và thoải mái như thế. Khiêm thì khác hẳn. Hắn ăn nói ấp úng hơn và cái cười cũng thường nhăn nhở nửa vời, không thoải mái lắm. Năm chúng tôi hay đi về cùng nhau. Nhất là cuối năm lớp 10, thời kỳ ôn thi , thì còn hay rủ nhau ra tận cầu Phú Lương tận dụng ánh sáng của những ngọn đèn cầu mà ôn tập. Nhưng trước hôm thi vài hôm thì chúng tôi nghỉ hẳn. Chúng tôi rủ nhau đi chơi khắp xung quanh thị xã để cho nhẹ đầu mà vào thi cho tỉnh táo. Những buổi đi chơi cuối khóa ấy còn có sự góp mặt của Hồng và Mai nữa.

Chúng tôi còn rất nhiều kỷ niệm ở cái xóm Đền Mẫu ấy: những buổi đi làm thuê trong công trường xây dựng nhà máy sứ Hải Dương; những buổi chiều đi câu tôm ngoài Cầu Cất...kể làm sao cho hết được. Nhưng từ khi ra trường tôi không có dịp về đây nữa. Tiến cũng mất liên lạc với tôi từ khi hắn đi Tây Bắc. Sau này lại nghe tin Tiến về Viện nghiên cứu cơ khí gì gì đó, rồi mất vì bệnh lao phổi.Thế là từ buổi chia tay tôi cũng không còn có dịp nào gặp lại được Tiến cả. Cái hình ảnh lưu giữ lâu nhất trong tôi về Tiến lại là một hình ảnh hài hước. Lần ấy Tiến xuống bếp bắc cơm. Sân thì thấp mà nền bếp thì cao mà cửa bếp cũng lại thấp. Hắn từ dưới bước lên vô tình va vào cái đầu kèo đau điếng. Hắn ngồi thụp xuống sân, tay ôm đầu, miệng dở cười dở mếu chịu đựng cơn đau. Thấy hắn thế, phản ứng tự nhiên của chúng tôi là phì cười. Sau, tôi còn làm thơ trêu hắn:
Người cao chỉ tội cái thân còm
Xuống bếp lên nhà cứ phải khom
Đầu kèo mấu cột coi chừng đấy
Không tránh mau là có mẻ om.

Với Vỵ thì sau còn liên lạc dài dài một chút. Những năm học đại học thỉnh thoảng chúng tôi vẫn sang thăm nhau. Năm 1969, Vỵ còn cất công về tận Chí Linh chơi với tôi ở trường sơ tán. Nhưng sau đó thì lại mất liên lạc cho mãi tới buổi họp lớp ngày 18/10/2009 mới gặp lại nhau. Năm 2001, có một lần đưa con gái ra thi vào trường Cao đẳng Sư phạm, trong khi chờ con thi, tôi có đi lang thang vào khu Đền Mẫu cũ. Tôi hỏi thăm và gặp lại được người bạn Nghĩa năm xưa. Nghĩa bán thuốc trên Tây Bắc đến tận khi nghỉ hưu mới về lại Hải Dương ở. Nghĩa vẫn ở cái khuôn đất cũ nhưng bây giờ đường lối mở mang khác trước nên tôi chẳng nhận ra được gì nữa. Tôi hỏi thăm đến “gái nhớn”, “gái con”, đến “cô Dương” , “chú Bình”, những em ruột của Nghĩa, đều đã trưởng thành và riêng tây cả. Tôi không hỏi đến nhà “hai bác” vì biết “hai bác” đã thành người thiên cổ từ lâu rồi. Nhưng vì thế mà tôi càng thêm nhớ “hai bác”... và cái mùi thơm của ngô rang , cái vị ngọt của khoai lang luộc dường như lại phảng phất bay về...

Chí Linh 4/5/2010
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét