Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 7

Lang thang Pa ri
Rời đồi Mông Mác, chiếc xe Mecxedet Benz kềnh càng lại một lần nữa len lỏi trên các đường phố Pa- ri để đưa đoàn khách đến địa điểm tham quan mới là quảng trường Concorde (đọc là Công Coóc). Đường nhỏ nên xe chạy chậm và mọi người lại được ngắm nhìn một số công trình lịch sử qua cửa kính xe như Nhà hát Hàn lâm Pa- ri- mà hình thu nhỏ của nó chính là Nhà hát Lớn HN, nhà Quốc hội cũ v.v...
Concorde- cái tên nghe rất hiện đại, gắn liền với tên loại phản lực siêu thanh do châu Âu chế tạo để thực hiện ước mơ vượt Đại Tây Dương trong vòng vài giờ nhưng đã phải xếp vào Viện bảo tàng vì một thanh sắt vớ vỉn rơi dưới đường băng. Nhưng có lẽ tên của loại máy bay này được đặt theo tên quảng trường thì hợp lẽ hơn bởi Concorde đã có từ lâu rồi. Đó là một quảng trường mà lịch sử hình thành và tồn tại của nó gắn liền với lịch sử cuộc cách mạng Pháp. Chính QT này là nơi đặt máy chém xử tử vua LuyXVI, hoàng hậu Angtoannet và nhiều quý tộc, quan chức khác trong triều đình Pháp quốc. Quá khứ đẫm máu đã làm quảng trường này thay đổi quang cảnh và tên gọi nhiều lần và tên gọi Concorde là tên mới nhất sử dụng cho đến nay.
Điểm nhấn nổi bật trên QT Concorde là chiếc cột đá Ai Cập trông xa như một chiếc bút chì vươn thẳng lên trời. Nhìn những dòng chữ tượng hình khắc đầy trên thân cột, nhà cháu nghĩ đây là một trong những chiến lợi phẩm mà quân đội của Napoleon đã mang về cho nước Pháp khi chinh phục Bắc Phi. Miệng thì cũng lầm bầm chửi thắng cha này tham thế, vơ vét không từ một thứ gì ở những nơi mà hắn đi qua, từ vàng bạc châu báu đến tranh, tượng, đồ trang sức... Đến cả cái cột này mà chúng cũng không tha! Rồi lại thầm khen hắn tài, to thế kia mà hắn vẫn đưa về đây được.
Nhưng không phải như vậy! Cây cột đá này có một lịch sử hòa bình và thân thiện hơn nhiều: Đó chính là một trong hai chiếc cột đá Ai Cập của đền Luxor đã được vị phó vương ai cập Muhammad Ali tặng cho nước Pháp vào năm 1831. Chiếc cột hơn 3.300 năm tuổi này (từ thế kỷ XIII trước Công nguyên) có chiều cao 22,86 mét, nặng 227 tấn, được tạc nguyên khối từ đá syenite hồng, bốn mặt được tạc chìm các chữ tượng hình Ai cập cổ thể hiện các vinh quang của pharaon Ramesses II. Nó được đặt chính giữa quảng trường trên một bệ đỡ cao 9 mét, và riêng chóp nhọn mạ vàng trên đỉnh cũng có chiều cao lên tới 3,5 mét. Tên của nó là cột đá Obélisque.
Với diện tích cũng như lịch sử hoành tráng như vậy, quảng trường Concorde là địa điểm tổ chức rất nhiều sự kiện lớn của quốc gia như đón nguyên thủ các nước khác tới thăm, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ trọng... Chính vì vậy, thật đen đủi cho đoàn nhà cháu là để chuẩn bị cho Quốc khánh sau đó 2 ngày nên một số xe chuyên dụng đã đậu kín quanh bệ cột đá, một hàng rào bằng lưới sắt cũng khoanh lại một khu vực rộng cấm vào- hình như họ đang dựng lễ đài cho ngày Quốc khánh thì phải. Thế là không thể đến tận nơi sờ tay vào mặt đá hồng ngàn tuổi, cũng không “dựa cột” mà chụp được một tấm làm kỷ niệm. Kể ra cũng hơi tiếc một tý.
Thấy tình hình dừng lại cũng chẳng ích gì, nhà cháu đề xuất ý kiến là cho xe chạy chậm một vòng xung quanh quảng trường để ngắm nó từ mọi góc. Quả thật rất kỳ vĩ và đẹp! Chả thế mà mô típ “cái bút chì” này đã được khối nơi học tập. Chỉ thấy hơi gờn gợn là vị trí đặt cái vòng đu quay gần đó có vẻ không hợp lắm!

Nhà hát hàn lâm Pa ri- nguyên mẫu cho Nhà hát lớn HN




Quảng trường Công coóc








Cột đá Obelisque




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét