Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

CHÒM SAO TUA RUA HY VỌNG

Lời giới thiệu của Tô Hà: 
Mạc Yên là FB của một người học Khoa Văn với Hươu Sao. Anh có nhiều bài viết sâu và hóm, rất thực. Hươu Sao xin giới thiệu một bài viết của anh để mọi người cùng đọc. 
Trong hình ảnh có thể có: 11 người, mọi người đang cười
                                       TẤM ẢNH CÓ HAI THẰNG TRỐN LÍNH (Mạc Yên)
     Nhớ 46 năm trước mặc áo lính lên đường, tôi lại nhớ ngày khám tuyển nghĩa vụ, nhớ cu Theo - thằng bạn nối khố, nhớ đêm nằm đếm chòm sao Tua rua hy vọng.
     Vào những ngày đầu hè 1971, khi chúng tôi “chưa ráo máu đầu” trong đời sinh viên, tức là vẫn sống như còn là những cậu học trò ngốc nghếch của giảng đường đại học, chúng tôi đã có lệnh chuẩn bị đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Hình như khi đó chiến dịch Đường 9 –Nam Lào ta đánh không ngon lắm, sang tới năm 1971, chiến trường càng thiếu nhiều quân. Đám thanh niên 17, 18 tuổi sinh viên như chúng tôi không ra trận thì còn ai ra trận. Nhưng đang ở cái tuổi này, lại học ở cái khoa Văn Tổng hợp này mà phải bỏ dở thì tiếc lắm. Nghe các thày Đại học giảng đang hay, mà Hà Nội cũng đang hay. Từ quê ra tỉnh, lần đầu tiên tôi biết mùi kem Bờ Hồ. Kem thủ đô nhuốt vào mát lạnh đến tận ngón chân. Đường Hà Nội thì chỗ nào cũng rải nhựa, cứ chân trần mà bước, hơi nhựa mát từ gan bàn chân lên đến tận đỉnh đầu. Sướng quá, "như đi Liên Xô". Tiếng súng chiến trường chưa vọng tới. Hà Nội thanh bình, đi đâu cũng thấy cỏ dại, cây xanh. Vì chưa chết bao giờ nên tôi không sợ chết. Tôi mới 17 tuổi, nhưng lại khai sinh thành 18. Tôi chỉ thấy tiếc học, tiếc lắm ! Giá được học thêm năm nữa, cho tròn 18, cao hơn chút nữa rồi ra trận vẫn hơn. 
       Đêm trước ngày đi khám tuyển quân sự, tôi buồn. Nhắm chặt mắt, cố ngủ mấy lần không được, tôi đành kéo chiếc chiếu lên sân thượng nhà cao tầng, nằm đếm sao, chờ sáng. Tôi nằm được một lúc thì nghe có tiếng giây thép chống sét cột thu lôi rung rinh trong gió. Có bóng người đến gần. Tôi hắng giọng, báo hiệu để người lạ ấy tránh ra, không dẵm vào mặt chiếu tôi nằm. “H đấy à ?”. Tôi nhận ra giọng thằng cu Theo, người Thái Nguyên, có biệt danh là “Theo Bi”, vì mặt mũi, tai mắt mọi thứ đều tròn. Nghe tiếng Theo thở dài buồn buồn, tôi đoán ngay là Theo đang nghĩ đến chuyện ngày mai đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tạng người đầy đặn, khỏe mạnh như Theo, như tôi, khám là trúng nghĩa vụ ngay. Tôi hỏi thật: “Theo này, mày có thích đi không?”. Theo trả lời còn sâu hơn sự thật: “Mày hỏi rất thừa. Quan trọng lúc này là có cách nào khám trượt, ở lại học thêm năm nữa hẵng đi.” 
       Theo ngồi xuống chiếu bàn bạc với tôi các kiểu gian lận khi khám sức khỏe. Thật ra, tôi đã trốn đi khám nghĩa vụ một lần, năm học lớp 10, nhưng vì thiếu chiều cao, bị loại. Nhưng cũng nhờ chuyến đi khám ấy, tôi nghe lỏm được khối chuyện ăn gian lúc khám. Tôi huy động trí nhớ, kể cho Theo nghe các bài trốn lính. Theo cũng hào hứng kể ra hàng loạt mưu mẹo. Mưu để tăng cân, tăng chiều cao cho đắt lính thì nhiều, nhưng mưu làm giảm cân, làm lùn người thì quá khó. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng hai chúng tôi thấy chỉ có cách ăn gian bằng con đường tim mạch, huyết áp. Nghe nói, cà phê, thuốc lá là hai thứ dễ làm loạn nhịp tim. Nếu uống cà phê, đặc biệt là uống cà phê hòa với tàn thuốc lá thì tim đập rất mạnh, giống như người bị bệnh. Hai chúng tôi thấy phương án đó rất hay, kín đáo mà sạch sẽ. Hiềm một nỗi, cả hai chúng tôi đều không biết uống cà phê, cũng chẳng biết hút thuốc để lấy tàn. Đặt điếu thuốc vào môi là tôi ho liền. Mà ho thì dễ lộ, có người phát giác báo chuyện ấy cho ông Bùi Đắc Ngôn – lớp trưởng, thì có khi bị đuổi học, thậm chí đi tù chưa biết chừng. 
       Tôi và Theo vò đầu, bứt tai, cuối cùng vẫn đi đến một quyết tâm lớn: Không biết hút, sợ ho thì cứ bật diêm đốt thuốc cho cháy ra mà lấy tàn. Cà phê có đắng đến mấy, đắng như thuốc độc, cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà uống. Vì sự nghiệp học hành, không có con đường nào khác (!) Vậy thì hai đứa chúng ta phải đi khám thật sớm. Đến cách bệnh viện khám khoảng 200 mét, ta sẽ tìm một quán cà phê, chui vào, tiến hành pha chế. Để đảm bảo bí mật và có đủ thời gian cho thứ thuốc độc đó ngấm ngáp vào mạch máu, có công hiệu, mọi việc phải được tiến hành lúc 5 giờ sáng, khi chưa rõ mặt người. Theo ngáp một cái rồi nhắc nhở tôi: “ Chuyện đại sự thế này, phải tranh thủ ngủ đi, mai dậy sớm, hành động cho tỉnh táo và giữ được bí mật”. Tôi bảo: “ Tao chả ngủ được đâu. Mày ngủ đi, khoảng bốn giờ tao gọi dậy”. “Mày có đồng hồ ?”. “Không có”. “Vậy thì lúc nào mày thấy chòm sao Tua rua xuống ngang đầu cột thu lôi thì gọi tao dậy. Ngang đầu cột ấy là quãng 4 giờ, giờ Dần, đẹp đấy. Ta sẽ đi bộ, hoặc quá lắm là nhảy chuyến xe điện đầu tiên”.
        Nghe Theo nói thế, tôi phục hắn lắm. Uyên bác, tác phong dứt khoát, lại khỏe mạnh như hắn, cứ vào bộ đội, đánh nhau, có khi lên đến Đại tá, trốn lính ở lại một năm làm gì… 
       Tôi nằm lơ mơ, nhìn bầu trời sao. Bên hông tôi, Theo nằm ngáy vang như sấm. Nghĩ đến hành động gian lận, đen tối ngày mai, tim tôi đập loạn xị như người bị bệnh. Chòm sao Tua rua trên nền trời thăm thẳm kia cứ nhấp nháy, rung rinh. Biết đến bao giờ nó mới ngả đến đầu cột thu lôi, như lời cu Theo này dặn. Tôi thấy mỏi mắt và hơi hơi nhức đầu. Chòm sao mờ dần rồi lặn sâu vào mắt... 
       Tôi giật mình tỉnh giấc vì có người đá vào chân, gọi dậy. Theo cũng chồm dậy. Mặt trời đã lên ngang con sào. Chẳng thấy bóng chòm sao Tua rua đâu cả. “ Các chú định trốn nghĩa vụ hay sao đấy. Cả lớp người ta đi rồi. Khám được quá nửa rồi.” Giọng mấy ông bộ đội biệt phái vang lên trên sân thượng. Tôi nhìn ra xung quanh. Trên sân thượng còn có đến chục thằng con trai khoa Văn, khoa Sử ngủ quá giấc như hai chúng tôi. Tôi và Theo hấp tấp cuốn chiếu chạy xuống cầu thang, vứt chiếu vào phòng rồi chạy ra bến xe điện Thanh Xuân. Dưới ánh sang mặt trời lúc này, tôi và cu Theo nhìn nhau như hai thằng âm mưu ăn cắp, lấm lét sợ tố giác lẫn nhau.
       Khám hết các bộ phận trên cơ thể, vào phòng kết luận, tôi được bà bác sỹ trưởng nhìn ngắm với cặp mắt thương hại. “ Cô hỏi thật cháu nhé – bà hỏi tôi nho nhỏ - Cháu có muốn đi đợt này không ?”. Tôi gắt lên với bà: “ Cô hỏi gì lạ thật. Đủ sức khỏe thì đi chứ !”. Bà bác sỹ thở dài, lắc đầu rồi hạ bút kết luận cho tôi : A1. 
       Tôi chạy ra tìm Theo. Nó đang bô bô phét lác gì đó với đám Nguyễn Chí Thành, Phạm Nguyên Bảng, Phùng Bá Ngoạn… Nhìn mặt nó, tôi thấy nó chẳng nhớ gì đến kế hoạch đen tối thì thầm với nhau đêm qua hết cả. Thậm chí nó còn quay sang chê tôi là không xứng sức khỏe A1, chỉ đáng B2 là cùng. Tôi ức lắm…
       Hơn một tháng sau chúng tôi lên đường, mỗi thằng một mặt trận, nhẹ nhàng như những anh lính binh nhì vô tư, chẳng còn nhớ gì đêm ấy.

       Chiến tranh qua đi. Chúng tôi, thằng lành lặn, thằng bị thương thủng đầu, nhưng nói chung là đều sống sót. Nhưng bốn mươi mấy năm rồi, hôm nay nhìn cu Theo đột nhiên tôi thấy ức. Tôi nghĩ, đêm ấy mà tôi không ngủ gật, gác được sao Tua rua, hắn đừng hòng vào được bộ đội. Tôi đêm đó ngủ quên, là tôi vô tình đổi đời cho cu Theo. Nay về hưu rồi, sách Theo viết in được một đống, nguyên nhẩm đọc tên sách đã mỏi hết mồm; về hưu thì với cái lon Đại tá. Không những thế, Theo còn ghé tai tôi nói nhỏ: "Đại tá nhưng tao hưởng lương Tướng đấy".
BK, 16/7/2010
Mạc Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét