Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 15

                                       
 

Phan Bội Châu
(1867-1940)
            
          Phan Bội Châu (tên cũ là Phan văn San), hiệu là Sào Nam, Người làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là nhà nho nghèo Phan Văn Phổ, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nhàn rất mực hiền hậu.
            Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Sa Nam quê mẹ, cách Đan Nhiệm chừng 3km. Lúc nhỏ Phan Bội Châu nổi tiếng thần đồng. Năm sáu tuổi theo cha đi học, chỉ ba ngày đã thuộc hết Tam tự kinh, bảy tuổi đã hiểu được kinh truyện, tám tuổi đã làm thông thạo các lối văn cử tử, mười ba tuổi đi học ở huyện, đỗ đầu, làm được thơ văn lối cận cổ, mười sáu tuổi đỗ đầu xứ nên gọi là “đầu xứ San”.
            Phan Bộ Châu còn là một chàng trai nết na hiếu đễ, sống gần gũi nhân dân lao động, tng là một tay hát phường vải có tài. Nhưng đặc biệt nhất ở ông là sớm xuất hiện một tình yêu nước mạnh mẽ. Mới lên chín tuổi, thấy phong trào Bình Tây nổ ra khắp nơi Phan Bội Châu đã tập hợp các bạn bè cùng trường “lấy ống tre làm súng, lấy hột vải làm đạn, giả đùa làm quân Bình Tây”. Mười bảy tuổi, thấy nghĩa quân ở Bắc kỳ nổi dậy, ông hăm hở muốn ra quân, bèn khêu đèn giữa đêm ngồi thảo hich Bình Tây thu Bắc. Mười chín tuổi (1885), kinh thành Huế và tỉnh Nghệ An rơi vào tay giặc, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan Bội Châu đã tổ chức ngay một đội “thí sinh quân” gồm 60 người chuẩn bị lên đường ứng nghĩa thì bị thực dân pháp về làng càn quét, làm kế hoạch của Phan Bội Châu không thực hiện được. Từ đó chí hướng diệt thù cứu nước của Phan Bội Châu càng nung nấu. Từ đó ông chuyên tâm rèn tâm luyện chí, tìm đọc nhiều tân thư tân văn của các nhà nho tiến bộ trong nước và nước ngoài...một mặt ông mở rộng giao du, tìm người đồng tâm đồng chí kết thành vây cánh chuẩn bị cho bước đường hoạt động sau này.
            Năm 1900, Phan Bội Châu dự kỳ thi hương và đỗ thủ khoa trường Nghệ. Cũng từ đây ông chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc. Năm 1904, ông thành lập Hội Duy Tân, tôn Kỳ ngoại hầu Cường Để lên làm minh chủ. Hội Duy Tân chủ trương dùng võ trang bạo động và nhờ vào ngoại viện để “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập ra chính phủ độc lập”.
            Năm 1905, theo kế hoạch của Duy Tân hội, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc rồi Xiêm, để đón gió muôn phương tìm đường cứu nước. Theo lời khuyên của Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã dùng thơ văn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kích động lòng yêu nước của mọi người. Ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm như: Việt nam vong quôc sử, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam, Việt Nam quốc sử khảo...
          Khoảng từ năm 1905- 1909, Phan Bội Châu đã dấy lên phong trào Đông Du đưa hàng trăm thanh niên sang Nhật Bản, Trung Hoa học tập những kiến thức khoa học tiến bộ, trù tính việc đánh Tây giành độc lập cho nước nhà.
            Tháng 3 năm 1909, do thực dân Pháp câu kết với Nhật nên tổ chức Đông Du bị giải tán và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật. Ông tr về Trung Quốc ít lâu rồi sau đó sang Thái Lan mở trại cày ở Bạn Thầm tính kế lâu dài, đợi ngày trở về nước hoạt động. Tháng 10 năm 1911, cách mạng Tân Hợi nổ ra, Phan Bội Châu lại trở lại Trung Quốc. Tiếp thu tư tưởng của Tôn Trung Sơn trong cách mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu đã từ bỏ xu hướng quân chủ và chuyển sang xu hướng dân chủ tư sản. Ông tuyên bố giải tán Duy Tân hội, tập hợp số anh em còn lại thành lập Việt Nam Quang Phục hội lấy tôn chỉ duy nhất là “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam”,  đánh dấu thêm một bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

            Việt Nam Quang Phục hội đã cử người về nước tiến hành một số hoạt động vũ trang để làm “tỉnh hồn nước và gây ảnh hưởng cho tổ chức như ám sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (12/4/1913), ném tạc đạn ở khách sạn Hà Nội (24/12/1913)...liên hệ với các nhóm vũ trang khác đánh úp các đồn lẻ, phối hợp với các cuộc nổi dậy của lính tập ở một số địa phương. Trước những hoạt động của Việt Nam Quang Phục hội, thực dân Pháp đã đàn áp một cách dã man. Bản thân Phan Bội Châu cũng bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24/12/1913.
            Năm 1917, Phan Bội Châu được ra tù. Đúng lúc đó, cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra. Dưới ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sôi nổi khắp thế giới. Phan Bội Châu nuôi niềm hy vọng vào xu hướng này và dần dần “thiên về cách mạng thế giới”. Ông bắt đầu tìm hiểu về cách mạng Tháng Mười, viết báo ca ngợi lãnh tụ Lê Nin, ca ngợi Nhà nước công nông của Liên Xô.
            Năm 1924, phỏng theo Trung Quốc Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc Dân đảng. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc với lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản từ Liên Xô về công tác ở Trung Quốc, Phan Bội Châu đã dự định sang năm 1925 sẽ cải tổ Việt Nam Quốc Dân đảng theo xu hướng tiến bộ nhất. Nhưng dự định ấy chưa kịp thực hiện thì ngày 30 tháng 6 năm 1925, Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt cóc ở ga Bắc Thượng Hải đem về nước. Chúng âm mưu bí mật thủ tiêu Phan Bội Châu. Nhưng thông tin này bị tiết lộ và một phong trào đấu tranh đòi tự do cho Phan Bội Châu đã nổ ra rộng khắp trong cả nước. Trước áp lực của phong trào này, thực dân Pháp đã buộc phải tuyên bố tha bổng cho Phan Bội Châu nhưng bắt buộc ông phải sống ở Huế mà không được về quê Nghệ An.
            Từ năm 1926 trở đi Phan Bội Châu phải sống ở Huế trong sự giám sát ngặt nghèo của thực dân Pháp, Phan Bội Châu đã dồn tâm huyêt của mình trên mặt trận văn hóa. Ông làm thơ, viết văn, biên khảo sách vở, kiểm điểm lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhằm để lại cho hậu thế những tri thức và kinh nghiệm. Nhiều tác phẩm và công trình của cụ như Khổng học đăng, Quốc văn Chu dịch diễn giải, Phật học đăng, Nhân sinh triết học, Phan Bội Châu niên biểu...  đều là những công trình hết sức có giá trị.                  
            Cho đến những giây phút cuối cùng của đời mình trước khi nhắm mắt, Phan Bội Châu vẫn giành hết tâm huyết và gửi gắm hy vọng vào thế hệ trẻ:
                   Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa
                   Có vài lời ghi nhớ về sau
                   Chúc phường hậu tử tiến mau!
            và gửi lại quốc dân lời từ biệt đầy cảm động: “Cứu quốc tồn chủng, hữu chí vô tài, kim cánh dữ quốc dân trường từ tội thậm, khất thứ”. Dịch nghĩa ra là: “Lo cứu nước bảo toàn giống nòi, tôi có chí nhưng không có tài. Nay đã đến lúc từ biệt quốc dân, tôi thật có tội lớn, mong được tha thứ”.
            Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một “tiết” của Phan Bội Châu viết về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong cuốn sách Việt Nam quốc sử khảo được ông viết vào năm 1908 và xuất bản ở Nhật Bản năm 1909.

                                  VỊ ANH HÙNG BẬC NHẤT
                       CHỐNG NGOẠI XÂM THÀNH CÔNG

            Non sông chung đúc nên bậc anh kiệt, đất vì bậc anh kiệt mà chung đúc non sông. Tỉnh Nam Định, phủ Thiên Trường, xã Tức Mặc, có một họ Trần đời đời làm nghề đánh cá. Ai ngờ ở đấy lại nảy sinh ra một đấng anh hùng ngang trời dọc đất. Giũa đá lấy ngọc, đãi cát lấy vàng, ông xanh cứ thường ở chỗ mờ mịt ấy lại ngầm cho đầu thai một người con trai kỳ lạ để chuẩn bị cho một ngày kia chỉnh đốn lại càn khôn, đợi thời ra tay, mà đã ra tay tất phải đổ núi dốc sông. Người đó tức là Trần Hưng Đạo đại vương Quốc Tuấn.
            Có bậc anh hùng Hưng Đạo đại vương, tất trước đó phải có tay gian hùng Trần Thủ Độ. Có thế thì cơ nghiệp nhà Lý một sớm mới lọt vào tay nhà Trần. Lý mất sang Trần tức là trời đã mang thời thế để cho anh hùng. Giao long được mây mưa, điểu ngạc1 gặp gió thu, thì tài biến hóa xung kích không thể lường được (Thủ Độ không học vấn mà có tài lược, nhà Trần thu được thiên hạ cũng đều do mưu lược ông ta). Đời Trần Nhân Tôn, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6 (1284), tức là tương đương với đời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt Bắc triều. Hốt Tất Liệt tham lam như cá kình, tàn bạo như cọp dữ, hòng nuốt cả các nước xa xăm: Tây Tạng, I Lê2, Đột quyết3, Thổ Nhĩ Kỳ, Miến Điện, Qua Oa4, Chiêm Thành, Tức Phụ5 đều bị chúng xâu xé, nay lại đến lượt nước ta. Chúng đã ra lệnh đem 50 vạn quân đất Hồ Quảng do Thái tử Thoát Hoan chỉ huy. Đại tướng Toa Đô lại đem cả số quân đi đánh nước Chiêm Thành hợp sức vào. Lấy một nước nhỏ yếu như nước ta đương đầu với quân đội hùng mạnh từ hai ngả tiến đến, tưởng chừng như chúng ta không may chết đến nơi rồi. Nhưng ta đã sẵn có bàn tay chống trời.
          Tháng 12 năm đó quân Nguyên xâm phạm lãnh thổ. Nhà vua thân đem các vương hầu, điều khiển mọi quân thủy bộ, cho Trần Quốc Tuấn làm Nguyên soái. Binh lính các lộ của các vương hầu cũng chịu sự chỉ huy của Quốc Tuấn. Thường kẻ địch khi sắp sửa đại bại, thì có một trận thắng để mà kiêu hãnh. Còn như ta sắp sửa đại thắng thì có một trận bại để mà kích thích. Quân Nguyên tiến đến Vạn Kiếp. Kinh thành chốc lát bị vây hãm. Xa giá nhà vua đi đến Thanh Hóa. Trần Ích Tắc đã đầu hàng. Trần Bình Trọng đã thua trận. Trong ngoài đều bối rối sợ hãi, lo không biết có sống được trọn ngày không? Nhưng nếu không có những việc đó thì không làm nổi bật Trần Hưng Đạo lên được. Trong khi ông chỉ huy ba quân, điều độ các tướng, thần thái vẫn không khác gì ngày thường. Quả nhiên, chẳng mấy chốc mà tin thắng trận ở Hàm Tử Quan báo đến, ca khải hoàn ở Chương Dương Độ vang lên. Toa Đô nộp đầu, Mã Nhi bỏ chạy 6.
          Xét lịch sử chiến đấu đương thời, có việc mặc trang phục nhà Tống đánh lừa quân địch là công của Trần Nhật Duật; cướp giáo bắt giặc7 là công của Trần Quang Khải. Nhưng nếu không có cái thái độ thung dung lo việc lớn của đại nguyên soái, cái dũng khí trẻ hăng kích thích của ba quân, thì làm sao chuyển bại thành thắng dễ dàng như thế được?
          Quân Nguyên đã thua trận nhiều lần, lại khổ vì mưa nắng ốm đau chết chóc. Vương đoán bọn giặc tất phải rút về, nên bố trí dùng tên độc phục binh ở sông Vạn Kiếp chờ giặc. Quả nhiên, giặc trúng kế. Tướng giặc là Lý Hằng, Lý Hoan bị chết. Chỉ có một mình Thoát Hoan trốn thoát. Từ đấy sông bể yên lặng như thường. Nhưng nếu chỉ có mỗi một trận thắng đó mà không còn bóng giặc Nguyên nữa thì cái anh hùng của Hưng Đạo đại vương chẳng hóa ra tài lớn mà sức thử nhỏ quá hay sao? Thoát Hoan bại trận về, Hốt Tất Liệt nổi giận đùng đùng, bèn nghĩ kế đem binh sang phục thù để rửa hận. Cho nên, năm Trùng Hưng thứ ba (1287), nhà Nguyên đem 7 vạn lính ở ba tỉnh Giang Hoài8, Hồ Quảng9, Giang Tây10 và 6 ngàn lính ở Vân Nam cùng với 30 vạn quân lính của Thoát Hoan thống lĩnh chia đường xâm lược nước ta.
            Bọn Trình Bằng Thi đi theo đường bộ, bọn Ô Mã Nhi đi đường biển.Thế giặc so với trước ồ ạt gấp mấy lần11. Hưng Đạo Vương lúc đó như thế nào? Theo sử chép thì vua ra lệnh cho Quốc Tuấn đốc suất các vương hầu tu sửa, tích trữ khí giới, quân nhung để chuẩn bị đối phó. Sử lại chép: khi quân Nguyên đến xâm lược lần thứ hai, vua phụng mệnh Thượng Hoàng qua Hán Nam, quyền bính, quân quốc đều bỏ mặc cho Quốc Tuấn cả. Vĩ đại thay! Thân chưa đầy bảy thước mà nắm vững vận mệnh an nguy của thiên hạ, tay không nắm một tấc đồ binh mà làm cho tai mắt bốn bể đều chú ý cả vào. Bởi vì lúc bấy giờ nếu không có Hưng Đạo Vương thì không có nhà Trần mà nước Nam ta cũng không còn.
            Trời sinh ra một bậc vĩ nhân đủ để lo liệu việc lớn cho cả một đời. Sức lực của vĩ nhân đó thật là khác người. Sử chép, Vương giao việc biên thùy cho Trần Khánh Dư đóng giữ Vân Đồn, thật là dùng đúng người. Tướng giặc Trương Văn Hổ đem thuyền lương đến, Khánh Dư chặn đánh. Giặc đại bại ở ngoài khơi Lục Thủy, thuyền lương chìm hết. Quân lính nhà Nguyên thiếu ăn ai cũng nghĩ đến việc rút về thành, khiến cho quân ta biết mình sẽ đại thắng. Vương biết quân Nguyên thế nào cũng phải rút lui, bèn trước hết chôn cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên, đợi quân rút lui, thừa lúc thủy triều lên, ra khiêu chiến, giả cách thua, bọn giặc truy đuổi. Thủy triều rút, quân ta trở lại phản kích. Thuyền giặc mắc phải cọc nhọn, bị quân ta đánh úp, chết vô kể. Ô Mã Nhi bị bắt. Vua rước Thượng Hoàng trở về Long Hưng12 và dâng bọn tù binh nhà Nguyên. Từ đấy, sông biển được yên lặng như xưa13.
            Than ôi! Bấy giờ đối với quân Nguyên thì như thế, và giờ đây bản triều đối với Pháp địch mà nói thì bên ta yếu, bên địch mạnh, bên địch ít, bên ta nhiều, cũng giống nhau mà thôi. Tạo vật ác nghiệt thay! Giặc cướp sao nhiều như thế, mà Hưng Đạo Vương sao lại không xuất hiện nữa? Tiếc thay!
            Theo sử chép, sở dĩ Vương lập được công lớn, dẹp yên được giặc mạnh là nhờ có ba điều:
                   a/ Thứ nhất là lòng nhiệt thành: Theo sử chép, quân Nguyên áp tới biên cảnh, thế rất hung hăng. Thánh Tông nói rằng: “Thế giặc như vậy, chúng ta nên hàng thôi”. Hưng Đạo Vương bèn tâu rằng: “Trước xin chém đầu thần đã, rồi sau sẽ hàng”. Lòng nhiệt thành đó đã làm xúc động người ta không kể gì sống chết. Vậy thì việc vá trời lấp biển không có gì khó cả.
                   b/ Thứ hai là có kiến thức cao: Sử chép rằng, quân Nguyên sang đánh ta lần thứ hai, các quân ở biên thùy tâu lên vua hay. Vua liền hỏi Vương, Vương đáp: “Nước ta đã lâu ngày hưởng thái bình, dân không biết việc binh dịch. Cho nên năm trước khi quân giặc đến, có kẻ đã đầu hàng, lẩn trốn. Nhưng nhờ có uy linh của tổ tiên, thần vũ của bệ hạ, nên đánh đâu thắng đến đó và quét sạch được bọn địch. Nay nếu chúng lại đến, quân sĩ ta đã quen việc đánh trận. Còn chúng thì đi xa nên mỏi mệt, lại khiếp sợ về cái thất bại của Toa Đô trước kia mà mất chí chiến đấu. Theo thần thì tất phá vỡ được”. Lúc đó quan chấp chính xin cho nhiều quân số14. Vương liền nói: “Quân chỉ cần tinh, không cần nhiều. Bồ Kiên15 xưa cầm trăm vạn quân cũng có làm gì được ai?”. Quân Nguyên vừa đến biên giới, vua hỏi Vương rằng: “Giặc đến rồi, làm thế nào bây giờ?”. Vương đáp: “Giặc năm nay dễ đánh!”. Vương ốm, vua hỏi rằng: “Nếu có việc không may xảy ra, quân Bắc lại đến xâm lược thì làm thế nào?”. Vương trả lời rằng: “...bọn chúng cậy vào trường trận, mà ta thì dùng kế đoản binh16. Lấy đoản mà chống lại trường, đó là điều thông thường của binh pháp. Nếu quân giặc tiến ào ạt một chiều như lửa, như gió, thế trận ấy lại càng dễ đánh. Nếu như chúng biết dùng kế tằm ăn rỗi, khoan thai từ từ, không ham cướp của dân, không cần thắng nhanh, thì phải kén dùng tướng giỏi biết coi biến hóa như gỡ thế cờ vậy, phải tùy thời mà liệu mới được”. Vương tự tay soạn ra sách Binh gia diệu lược17, viết hịch trao cho chư tướng, đại ý nói rằng: “Kỷ Tín lấy thân mình chết thay cho Cao  đế để thoát; Do Vu lấy lưng đỡ giáo để che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng ăn than để phục thù cho chúa; Thân Khoái chặt tay để tưởng nhớ đến quốc nạn. Xưa nay những bậc trung thần nghĩa sĩ, lấy thân tuẫn tiết vì Tổ quốc như thế, thời đại nào mà chẳng có. Nếu như những người đó khư khư giữ thói thường “nữ nhi” thì làm sao mà có được tên tuổi ghi trong sử xanh đời đời bất diệt với núi sông như thế!
           ...Bọn sứ thần Mông Cổ kia hàng ngày đi lại xôn xao. Chúng uốn cái lưỡi cú diều mà nhục mạ triều đình, đem cái thân trâu ngựa kia mà dám ngạo mạn các bậc vương công. Ta đây, đến bữa quên ăn, đêm nằm vỗ gối,, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa xả thịt lột da, ăn gan uống máu bọn giặc đấy thôi. Sao vậy? Bởi vì mối thù với bọn Mông Thát là không đội trời chung... Thế mà các ngươi vẫn điềm nhiên không nghĩ đến việc rửa thù, thì còn mặt mũi nào mà đứng trong trời đất nữa!”.
          Xét ra, mối họa quân Nguyên đối với triều Trần cũng chưa bằng mối họa người Âu ngày nay, mà lời giáo huấn của Hưng Đạo Vương đối với tướng sĩ thống thiết, cấp bức như thế. Vậy mà nước ta mắc phải bạch họa18 đã hơn 50 năm nay, không có lấy một thân vương, đại thần nào có thể nói ra được nghị luận như vậy, còn mong gì những sự nghiệp khác? Than ôi! Phúc làm sao cho triều Trần lại có được Hưng Đạo, mà tội cho ta ngày nay vắng ngắt vắng tanh không có lấy một người như thế! Xin hãy nghĩ kỹ, gộp những lời bàn của Vương lại mà xem. Biết người, biết ta, thấu suốt mọi sự tình là đã đủ nuốt trăm vạn hồ binh vào trong bụng rồi. Ý nghĩa trước nhất của nhà binh là: vua tôi một lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức thì bọn kia tất sẽ bị bắt. Lại nói: có được đội quân nhất trí như cha con thì mới dùng được. Đời xưa Tôn Võ tử có nói: “Trên dưới đều muốn thì tất thắng”. Vương thực mưu lược hơn cả Tôn Võ tử.
                   c/ Ba là nhân cách cao thượng: Sử khen Vương là một người có văn võ tài lược, thông minh hơn người, nhưng đó chưa phải là chỗ trác tuyệt của Vương. Vương sở dĩ là trác tuyệt, chính là vì không hề đếm xỉa đến những điều danh vị lợi lộc; Vương chỉ biết có nước nhà mà không biết có giầu sang. Đó là những điều mà người đời không sánh kịp.
            Sử chép rằng: Cha Vương là An Sinh vương, trước kia có hiềm khích với Thái Tôn, trước khi chết trối lại với vương rằng: “Mày nếu không vì tao mà lấy được thiên hạ, thì tao chết không nhắm mắt”. Nhưng Vương trước sau vẫn không cho là phải. Kịp đến khi quân Nguyên tràn sang, Vương nắm trong tay quyền bính cả nước, giả vờ hỏi thử con là Quốc Nghiễn. Nghiễn trả lời rằng: “Khác họ còn không nên huống hồ người cùng một họ”. Vương cho là phải. Lại đem hỏi thử Quốc Tảng. Tảng tiến vội lên nói: “Tống Thái Tổ là một ông làm ruộng, mà còn thừa dịp tốt mở vận để có cả thiên hạ nữa là...!”. Vương tuốt gươm vạch tội, định chém ngay. Thánh Tông thấy Vương có nhiều công lao, phong cho chức Thượng quốc công, được quyền ban phẩm tước cho mọi người. Nhưng Vương chưa hề lạm ban chức tước cho một ai. Cao thượng mà người khác không bì kịp là như vậy. Giá như đặt địa vị Vương ở châu Mỹ thì vị tất lại không như Hoa Thịnh Đốn19sao? Bởi vì lòng Vương không tham lam mà lại độ lượng khác thường, chỉ biết lấy điều tế thế an bang làm tâm niệm mà không coi việc tôn thờ ngôi vua làm trọng. Con người đã có cái nhân cách như thế thì việc lập công lớn, làm việc lớn, cứu nạn lớn cũng là việc thường vậy!
            Không những Vương mà đến ngay những tôi tớ của Vương cũng khác với người thường. Vương thường nói: “Con chim Hồng, chim Hộc sở dĩ bay được cao là nhờ có sáu cánh (?), nếu như không có sáu cánh (?) thì chẳng khác gì chim thường”. Đó chính là khen ngợi những người tôi tớ. Vương có mấy người đầy tớ trong nhà là Dã Tượng và Yết Kiêu. Khi quân Nguyên đến, Kiêu giữ thuyền ở bến sông. Tượng thì đi theo quân quan. Thua trận, thuyền đều bị tan hết. Vương muốn rút lui theo đường núi. Nhưng Tượng nói rằng: Nếu Kiêu chưa thấy Vương đến thì không dám dời thuyền đi chỗ khác, vậy phải chạy mau đến bến. Quả nhiên, khi đến nơi, thấy Kiêu vẫn còn một mình ở đấy. Bấy giờ thuận gió xuôi thuyền chạy gấp, quân Nguyên đuổi theo không kịp. Vương thường lấy lời trối của An Sinh vương nói với hai người, nhưng bị họ ngăn lại và nói rằng: “Theo kế đó thì tuy nhất thời được phú quý, nhưng tiếng xấu sẽ lưu lại nghìn thu. Đại vương nay chẳng phải đã phú lại quý đó sao? Bọn chúng con đây nguyện lấy cái chết của một người đầy tớ trung thành, chứ không muốn lấy cái việc bỗng chốc lên quan mà bất trung bất hiếu. Chúng con xin nêu gương anh chàng Duyệt20 làm thịt dê ngày xưa21
Vương nghe nói cảm động, ứa nước mắt thầm khen mãi.
               (Việt Nam quốc sử khảo, Chương Thâu dịch và chú giải)

Ghi chú
            1-Điểu ngạc: một giống chim dữ, tựa như diều hâu, chim cắt. (có sách chú là chim ưng biển hay còn gọi là chim thư cưu).
            2-I Lê: tức I răng
            3-Đột Quyết: là giống người sống ở phía bắc các sa mạc châu Á  
            4-Qua Oa: tức là đảo Gia Va thuộc InĐôNêsia.
            5-Tức phụ: cũng là một giống người sống ở phía bắc các sa mạc châu Á
           6-Có thêm đoạn lời phê: “Công nghiệp của Vương như vậy mà đương thời không có lấy một tấm bia, một tấc đá để làm kỷ niệm. Nhưng nghìn thu miếu mạo, với ức triệu người sùng bái thì đó cũng là kỷ niệm rất lớn vậy”.
            7-Tức là 4 câu thơ của Trần Quang Khải:
                             Đoạt sóc Chương Dương độ,
                             Cầm Hồ Hàm Tử quan.
                             Thái bình tu nỗ lực,
                             Vạn cổ thử giang san.
            8-Giang Hoài: tức là Trường Giang và Hoài Thủy
            9- Hồ Quảng: tên cũ của một tỉnh thời Nguyên, tương đương với địa phận tỉnh Hà Nam và phía nam các huyện Vũ Xương, Hưng Sơn của tỉnh Hồ Bắc, phía tây huyện Điện Bạch tỉnh Quảng Đông, phía đông huyện Hà Trì, phía nam huyện An Dương tỉnh Quảng Tây. Những vùng đất đó thời Minh chia ra thành ba ty bố chính sứ: Hồ Quảng, Quảng Đông, Quảng Tây. Từ đó gọi đất lưỡng hồ là Hồ Quảng. Đầu đời Thanh đặt là tỉnh Hồ Quảng. Đầu đời Ung Chính chia làm hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc; duy tổng đốc Lưỡng Hồ thì vẫn gọi là Tổng đốc Hồ Quảng.
            10-Giang Tây: một tỉnh ở lưu vực Trường Giang, tức là ở trung bộ Trung Quốc.
          11-Có thêm đoạn lời phê: “Lần này trở lại, chúng cho rằng thế lực chúng đánh ta cũng như dùng mũi giầy đá móc là ta ngã dúi. Nhưng tham lam, kiêu hãnh, phẫn nộ, kiêm có cả thì thắng làm sao được?”.
           12-Long Hưng: tên một phủ, trước là địa phận làng Đa Cương, mộ tổ nhà Trần táng ở đây, vì thế mới đổi là phủ Long Hưng; đời Hồ đổi là Tân Hưng; nhà Lê đổi là Tiền Hưng, trước kia thuộc tỉnh Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình.
            13-Có thêm đoạn lời phê: “từ đấy lại thấy núi cao nước trong như cũ. Công nghiệp của Vương chất đầy trong thiên hạ và hậu thế”.
            14-Có thêm câu lời phê: “Bọn chấp chính da thịt nói chung kiến thức đại để như thế cả”.
            15-Bồ Kiên: thời Đông Tấn, Tam Tần vương là Bồ Kiên có số quân đến trăm vạn(quân chiến đấu bằng cung tên dáo mác hơn 60 vạn, quân cưỡi ngựa gần 30 vạn). Năm 383, Bồ Kiên đem quân đóng dọc ở sông Phì Thủy để đánh nhà Tấn. Tướng nhà Tấn là Tạ Thạch đánh cho quân Bồ Kiên chết đến 7,8 phần 10. Bồ Kiên trúng tên bay, phải bỏ chạy.
            16-Trường trận, đoản binh: Trường trận là dàn thế trận dài, quân lính đánh bằng cung tên, cũng gọi là Trường binh. Đoản binh là quân lính chuyên dùng dáo mác đánh giặc.
            17-Binh gia diệu lược: chính là cuốn Binh gia diệu lý yếu lược, người đời sau thường gọi là Binh thư yếu lược, nội dung nói về những phương lược chính yếu, lý lẽ mầu nhiệm dùng cho nhà binh.
            18-Bạch họa: họa người da trắng, ở đây muốn nói đến họa xâm lăng của người Pháp đối với nước ta.
            19-Hoa Thịnh Đốn: tức Washington(1732-1799), một trong những nhà lãnh đạo cách mạng tư sản Mỹ và là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ
            20-Anh làm thịt dê tên Duyệt: do tích kể rằng, khi nước Sở bị mất, vua Sở bỏ chạy, Duyệt chạy theo để tỏ lòng trung thành. Đến lúc phục quốc, vua Sở Chiêu Vương hỏi Duyệt muốn gì? Duyệt trả lời: “Đại Vương mất nước, bây giờ được lại nước rồi, tôi mất nghề thịt dê, bây giờ chỉ xin được lại làm nghề thịt dê. Đối với tôi như thế là đủ, Đại Vương không cần khen thưởng gì khác”.                              
            21-Có thêm câu lời phê: “Gia nô mà còn có những kiến thức tuyệt hảo như vậy, huống hồ là chủ”.

9/11/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét