Từ lâu, mảnh đất Chí Linh đã thực sự trở thành quê hương của tôi
rồi. Không chỉ vì nơi đây, tôi có một gia đình, có nhiều thế hệ học trò trưởng
thành và tình nghĩa mà còn vì đó là nơi
lưu giữ biết bao nhiêu kỉ niệm không thể nào quên.
Nhớ lại cách đây 35 năm, khi đó tôi
mới tốt nghiệp Đại học sư phạm, vừa nhận quyết định phân công công tác thì gặp
cậu em con bà cô ruột . Biết tôi được phân về tỉnh Hải Dương, cậu em liền bảo :
“ Chị được phân về Hải Dương là tốt rồi. Chỉ trừ huyện Chí Linh ra, còn về
huyện nào cũng được cả” Tôi vốn quê gốc ở Hưng Yên, lại theo gia đình lên khai
hoang tận miền Lục ngạn Bắc Giang từ nhỏ, nên chẳng biết mô tê gì về tỉnh Hải
Dương cả. Nghe cậu em nói vậy thì biết vậy thôi chứ thực tình tôi chẳng quan
tâm mấy. Với tôi khi đó về đâu cũng chẳng sao. Trời xui, đất khiến thế nào, tôi
lại được Ty giáo dục phân về đúng huyện
Chí Linh. Tôi hăm hở đạp xe đạp từ Ty về trường nộp quyết định. Vừa đi vừa hỏi
thăm cũng phải mất vài tiếng đồng hồ mới tới nơi. Đường xá ngày đó đâu có hiện
đại như bây giờ . Tôi nhớ khi qua phà Bình là rẽ trái và đi dọc theo đường đê,
đến Kinh Trung lại rẽ phải rồi đi theo đường làng đến dốc Mật đi một thôi đường nữa là đến trường. Với những
người ở đồng bằng thì Chí Linh là vùng rừng núi, đèo heo hút gió, lên dốc xuống
khe. Còn với tôi, người đã từng quen với núi rừng Lục Ngạn thì Chí Linh chẳng
có gì là ghê gớm cả. Không những thế, từ Chí Linh về nhà tôi còn gần hơn rất
nhiều so với từ các huyện khác trong tỉnh Hải Dương nên tôi rất vui.
Tôi được nhà trường phân cho một căn
phòng tập thể là nửa gian nhà trát vách lợp rạ (đối diện với tư dinh của gia
đình Hiệu trưởng); một giường gỗ cá
nhân, một bàn thồi và một ghế tựa. Lần
đầu tiên trong đời có một phòng riêng, dù rất nhỏ nhưng tôi vẫn thú lắm. Tôi
bắt tay ngay vào việc trang hoàng cho căn phòng của mình. Nào dán giấy xung
quanh, dán một vài bức tranh trang trí,đóng mắc áo, kê giường,bàn, chọn chỗ dặt
va ly, đặt giá sách… rồi lùi ra tiến vào ngắm nghía mãi.và tự thấy căn phòng
mới xinh xắn làm sao
. Sáng hôm sau, Hiệu trưởng bảo tôi lên
gặp tổ trưởng tổ văn để nhận nhiệm vụ. Tôi lập tức lên ngay Cứ tưởng tổ trưởng
sẽ hỏi han tình hình, quê quán rồi phân công lịch dạy. Nào ngờ, ông ấy chẳng
hỏi han gì đã phân công lớp dạy ngay rồi lại còn hướng dẫn một thôi, một hồi về
cách soạn giáo án nữa chứ. Tôi nghĩ, ông này bị làm sao thế không biết người ta
đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, đã đi thực tập mấy tháng trời chẳng lẽ không
biết soạn giáo án ư? Thật đáng ghét! Lạ lùng hơn nữa là ngay sau khi cái ý nghĩ
đó xuất hiện thì cũng là lúc tôi chợt có một linh cảm mơ hồ rằng có lẽ sau này
mình sẽ lấy ông ta đấy.rồi lại tự cười về cái ý nghĩ vớ vẩn của mình..
Ấn tượng đầu tiên của tôi về học
sinh Chí Linh không được tốt đẹp cho lắm. Bởi vì ngày đầu đi trên sân trường,
tôi gặp một tốp học sinh nam chắc là vừa đi đá bóng về cậu nào cậu ấy,chỉ vận
độc chiếc quần xà lỏn, mình trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Gặp tôi,
chúng không chào hỏi chi hết mà còn nhìn trân trân rồi một cậu nháy mắt với các bạn và cất tiếng hát: “ Đất
này đất tốt súp lơ su hào”. Cả bọn cười vang. Tôi biết chúng chế nhạo cái đầu
phi rê của tôi (vì thời đó mọi người thường gọi những người uốn tóc bằng cụm từ
không mấy thiện cảm là đầu súp lơ) Tôi bực và ngượng lắm nhưng chẳng biết làm
sao đành coi như không có chuyện gì và điềm nhiên bước đi. Bụng bảo dạ rằng học
sinh ở đây chắc là bướng bỉnh và nghịch ngợm lắm đây.
Cái ấn tượng ấy càng được
củng cố hơn khi buổi đầu lên lớp, một cậu học trò nghịch ngợm nào đó, biết cô
giáo có chiều cao khiêm tốn đã giắt giẻ lau lên tận đỉnh bảng. Phát hiện ra
thói tinh nghịch của chúng nên nghe lớp trưởng báo cáo xong, tôi gọi một học sinh cao nhất lớp lên
viết sĩ số vào góc bảng và lấy giẻ lau để xuống bàn giáo viên, rồi tự nhiên ,
bình thản dùng vài phút làm quen và bắt đầu giảng bài ngay. Bài giảng được tôi
chuẩn bị khá kĩ lưỡng nên có lẽ đã cuốn hút được học sinh. Tôi bằng lòng với
giờ giảng của mình và thú vị hơn là cái trò treo giẻ lau bảng lên cao trong các
buổi học sau không còn tiếp diễn nữa.
Tôi dạy văn 3 lớp 8 (H,I, K) và chủ nhiệm
lớp 8I, một lớp đa phần là học sinh thuộc thị trấn Phả Lại. Để nắm bắt phần nào
tâm tư tình cảm của các em, tôi ra bài viết về một kỉ niệm đáng nhớ nhất của
mình rồi gợi ý các em cứ viết thật chân thực là được. Lạ lùng thay, hầu hết học
sinh nam lớp tôi chủ nhiệm đều viết về những trận đánh nhau rất quyết liệt giữa
học sinh Phả Lại và Phao Sơn còn các em nữ thì lại viết nhiều về những buổi
trông hàng hoặc mang cơm ra chợ cho mẹ. Qua những bài viết đó và qua tâm sự
trực tiếp, tôi đã có thể hiểu và chia sẻ được với các em. Dần dần cô trò chúng
tôi trở nên rất thân thiết. Có chuyện gì vui buồn các em đều tâm sự với tôi.
Học sinh thị trấn thường hiếu động, hay mất trật tự nhưng các em lại tự tin,
mạnh bạo hơn các em học sinh nông thôn. Vì thế nếu biết cách khích lệ động viên
thì các em học tập rất hăng hái. Đặc biệt là các em khá tinh tế và rất biết
cách quan tâm đến mọi người Nhiều việc làm của các em khiến tôi vô cùng xúc
động.
Thuở đó, mọi thứ đều rất khan
hiếm, phấn viết của giáo viên rất bụi mà
vẫn thiếu. Có phấn Vạn Tường để viết là đã hạnh phúc lắm. Còn phấn Côn Sơn thì vừa mủn vừa bụi. Thế nhưng
vẫn chẳng có đủ để mà viết. Nhiều khi còn phải đập cả tượng thạch cao ra để dùng
tạm( dù nó cứng quèo quèo và mờ tìn tịt)
đến khổ.Một hôm, các em mang đến biếu tôi một bọc giấy, gói cẩn thận và vuông
vắn lắm. Tôi đang ngỡ ngàng và chưa kịp phản ứng thế nào thì một em nữ đã nhanh
nhảu nói ngay: “ Hôm qua, ba đứa chúng em đi Hải Dương thấy cửa hàng bách hóa
bán phấn, chỉ bán cho mỗi người hai hào thôi; thế là chúng em bảo nhau xếp
hàng, vòng đi vòng lại hai lần mua được chừng này phấn về biếu cô giáo”. Tôi
chợt hiểu ra, chỉ biết đỡ lấy bọc phấn từ tay các em, nói lời cảm ơn mà dường như
mắt đã rưng rưng thì phải. Rồi tôi lại bị cuốn ngay vào sự vô tư và ngây thơ
của các em, khi nghe các em tíu tít kể tội nhau. Nào là hôm qua em bảo xếp hàng
vòng nữa thì thằng này lại bảo là ngại quá, đứa kia lại bảo là về thôi không
thì tối mất; nào là nếu nó nghe em vào bách hóa sớm hơn thì đã mua được nhiều
hơn…Rồi cứ thế chúng nhao nhao kể hết chuyện nọ đến chuyện kia về chuyến đi
tỉnh của chúng. Loáng cái đã hết cả buổi chiều và chúng chào tôi rồi ùa ra khỏi phòng như những chú
chim non ríu ra ríu rít thật đáng yêu.
Tôi mang phấn cho mấy cô bạn thân
trong trường, mỗi người một ít. Số còn lại đem đựng vào một cái hộp phấn Vạn
Tường cũ để viết dần. Thú thật là sau này dù được viết nhiều loại phấn khác
nhau( có cả phấn Mỹ nữa) nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc vừa thích thú vừa
yêu thương như những viên phấn các em xếp hàng mua tặng tôi ngày đó. Mỗi hôm,
tôi gói vào giấy một vài viên cho vào trong cặp, lên lớp viết thừa dù một mẩu
nhỏ tôi vẫn gói lại mang về. Không phải vì tiết kiệm mà vì một điều gì đó
thiêng liêng, cảm động rất tự nhiên từ sâu thẳm hồn tôi. Thấy tôi gói phấn vào
giấy như vậy, mấy hôm sau, một học sinh đã mang tặng tôi cái hộp nhỏ xinh xắn.
Cầm chiếc hộp vẫn còn hăng mùi sơn, em nói nhỏ: “Em tặng cô để đựng phấn. Em tự
gò lấy không được đẹp, cô thông cảm nhé.” Tôi chỉ biết trân trọng đón nhận và
cám ơn cậu học trò bé nhỏ mà tinh tế của mình. Tình cảm của các em đã giúp tôi
thêm yêu nghề và có trách nhiệm hơn nhiều trong mỗi giờ giảng. Như một thói
quen cố hữu, sau mỗi tiết dạy tôi đều tự kiểm điểm lại xem còn chỗ nào chưa ổn
. Nếu tiết dạy nào thiếu cảm xúc hoặc khai thác sơ sài thì tôi rất buồn và tự
trách mình nhiều lắm.
Thoắng một cái đã đến ngày 20-11(
ngày đại lễ của giáo giới). Sau bao nhiêu năm làm trò, giờ tôi mới được làm
thày. Vì thế, kỉ niệm về ngày nhà giáo
hồi đó thật đáng nhớ với tôi. Cũng là ngồi dự lễ kỉ niệm nhưng tôi không còn
phải ngồi xếp hàng dưới sân nữa mà là ngồi trên dãy ghế dành cho giáo viên. Một
cảm giác thích thú, tự hào thấy mình oai oai chợt dâng lên trong tôi. Tôi muốn
buổi lễ kéo dài mãi. Nhưng khi nhìn xuông học sinh, thấy các em phải ngồi nắng
giữa sân trong tư thế không được thoải mái, đã có một số em quay lung tung nói
chuyện riêng hoặc tỏ vẻ khó chịu. Chợt nhớ đến cảm giác của mình khi còn là học
trò, tôi lại muốn buổi lễ kết thúc nhanh; lại thấy những diễn văn kia thật dài
dòng, vô lý và vô duyên quá. Rồi buổi lễ kỉ niệm ấy cũng kết thúc . Các trò
chạy ùa về lớp học, còn cánh giáo viên ai có giờ tiếp theo thì vào phòng chờ,
ai không có giờ thì về phòng riêng. Tôi có giờ sau đó đúng vào lớp mình chủ
nhiệm nên không vào phòng chờ mà tranh thủ vào lớp để chơi với học sinh. Nhìn
các em mồ hôi chỉ vừa đủ làm mềm da trong cái hanh hao của buổi đầu đông, khiến
cho những cặp má căng tròn ửng hồng thêm mỡ màng, non tơ và sáng láng, chợt thấy
các em thật đẹp và đáng yêu. Các em ngồi quây quanh tôi râm ran chúc mừng, ríu
rít chuyện trò. Nhìn quanh thấy thiếu hai em nữ, một lớp phó học tập, một quản
ca. Tôi đang định hỏi thì các em xuất hiện. Một bưng lọ hoa tươi, một cầm chiếc
khăn phủ bàn tiến vào. Các em chào tôi rồi tiếp tục làm nhiệm vụ trải khăn phủ
bàn và đặt bình hoa ngay ngắn trên bàn giáo viên. Công việc vừa xong thì cũng
là lúc trống vào lớp vang lên. Cô trò tôi cùng bước vào tiết học. Thay vì việc
lớp trưởng báo cáo sĩ số như mọi ngày, hôm đó cả lớp đứng nghiêm và đồng thanh
: “ Chúc mừng cô giáo nhân ngày 20 tháng 11”. Tôi thật sự bất ngờ và vô cùng
cảm động. Thể theo nguyện vọng của các em, hôm đó tôi không giảng bài mà nghe
các em tâm sự và kể chuyện cho các em nghe- truyện : “ Nhà thờ đức bà Pa Ri”
của V. Huy Gô. Chẳng biết tôi kể có hay không, nhưng các trò thì thích thú lắm.
Im phắc lắng nghe , khi kết thúc thì xuýt xoa thích thú và có em còn thốt lên :
“ Tiếc quá đã hết rồi” Từ đó, chúng rất hay yêu cầu tôi kể chuyện. Tôi hứa với
chúng là nếu tuần nào lớp được toàn giờ tốt thì tiết sinh hoạt lớp cuối tuần,
tôi sẽ kể chuyện. Tôi không ngờ là việc đó đã có kết quả thật tốt đẹp. Lớp tôi
ngoan hẳn lên, giờ học tốt nhiều hơn và tình cảm cô trò càng thêm thân thiện
gắn bó. Nhiều tuần dù bị mất vài giờ học tốt , tôi cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng
và vẫn kể chuyện hoặc bình những bài thơ ngoài chương trình học cho các em
nghe. Đến nay, nhiều khi gặp lại, các em vẫn thường nhắc đến những câu chuyện,
những bài thơ bình tự do đó và nhắc nhiều nhất đến truyện “ Nhà thờ đức bà Pa
Ri”, “ Ô TEN LÔ” hay bài thơ “Đánh thức
trầu” của Trần Đăng Khoa.
Hồi đó, ngày 20-11, không nghỉ học như bây giờ. Vì
thế cũng không có hiện tượng học sinh lũ lượt kéo nhau đi chúc các thầy cô giáo
như hiện nay.Mà thường là các cán bộ lớp đại diện hoặc một nhóm học sinh đến chúc mừng vào buổi
tối. Thỉnh thoảng cũng có một vài phụ huynh ( thường là những gia đình đã thật thân tình với giáo viên)
mới đến. Quà cáp cũng chỉ mang ý nghĩa tương trưng, tình cảm thôi chứ không
nặng về giá trị vật chất và tuyệt đối không có chuyện phong bao như ngày
nay.Tôi nhớ như in, năm đầu tiên dạy học của mình, tôi đã nhận được một bọc
khoai lang của một bác phụ huynh ở Thái Học. Vợ chồng bác khá cao tuổi lại chỉ có ba cô con gái đã yên
bề gia thất, một cậu con trai út đang học lớp tôi. Cậu chàng được chiều nên
lười học lại hay đi học muộn. Tôi đã xuống thăm nhà cậu vài lần và cùng với các
trò trong lớp giúp cậu học tập tiến bộ nhiều. Vì thế, gia đình cậu quý tôi lắm.
Mùa nào thức ấy, bác gái thường mang quà cho tôi, khi bọc ổi, lúc đùm na… Quan
hệ giữa tôi với gia đình bác, bề ngoài thì là phụ huynh với giáo viên nhưng
thực chất thân thiết như người nhà vậy.
Tối hôm đó, tôi đang soạn bài thì nghe một tràng pháo nổ ngay trước
cửa. Giật minh, quay ra, hóa ra các trò lại đến thăm. Chúng mang theo một bánh
pháo tép, đên khoảng sân trước cửa phòng tôi thì đốt rồi chạy ùa vào phòng. Tôi
hơi bất ngờ vì cứ nghĩ ban sáng cô trò đã hàn huyên chúc tụng cả rồi. Chúng
tặng tôi một bó hoa và một bức tượng thiếu nữ làm bằng thạch cao nhỏ nhắn và
xinh xắn lắm rồi chúng hát tặng tôi những bài hát quen thuộc ca ngợi nghề giáo.
Tôi không biết hát, nhưng lớp tôi hồi đó nhiều em hát hay lắm. Liên hoan văn
nghệ do Đoàn trường tổ chức nhân dịp chào mừng ngày thành lập đoàn và
ngày sinh nhật Bác cuối năm học đó, các tiết mục của lớp tôi đều được cổ vũ
nồng nhiệt và được xếp thứ hạng cao. Tôi rất thích tiết mục đơn ca bài “ Những
cô gái đồng bằng sông Cửu Long của em Trần Thị Thúy và bài đồng ca “Đêm Trường
Sơn nhớ Bác”. Chẳng biết các em học lỏm ở đâu mà dàn dựng rất công phu và hát
thì đều lắm, truyền cảm lắm. Cứ như dân chuyên nghiệp vậy. Một năm học qua đi
thật nhanh. Tôi về nghỉ hè mà chỉ mong sớm được trở lại trường. Hình như có một
cảm giác nhớ trường nhớ lớp, nhớ trò thật nôn nao của năm dạy học đầu đời. Rất
tiếc là sau này dù có mong trở lại trường trong những kì nghỉ hè nhưng cái cảm
giác nao nao kia không trở lại nữa.
Sau kì nghỉ hè, thấy các trò lớn hơn và hình như cũng đằm tính hơn.
Cái chất háo hức hơn hớn của năm trước đã bớt đi và cái chất e lệ nhiều
hơn ( nhất là các em nữ). Có lẽ ở thời
kì này, các em nữ nhanh lớn hơn và cũng người lớn hơn các em nam thì phải. Vào
đầu năm học, các em đề nghị tôi cho tổ chức một bữa liên hoan do các em tự nấu
lấy. Tôi đồng ý ngay, một phần vì muốn lớp vui hơn, đoàn kết hơn, phần vì muốn
thưởng thức tài nghệ nấu ăn của các trò. Quỹ lớp năm trước vẫn còn một ít, các
em bảo nhau đóng thêm rồi làm một bữa liên hoan rất xôm. Tôi ấn tượng nhất với
món chả cá ngần vàng rộm, có vị ngọt đặc trưng của cá, vị thơm của hạt tiêu,
thì là mà chả cá mực ngày nay không thể nào sánh bằng. Nước chấm các em pha chế
cũng miễn chê. Hài hòa về mầu sắc và đậm đà hương vị. Nhìn bát nước chấm nhỏ
xinh, có màu vàng ong, điểm máy lát tỏi trắng ngà, mấy lát ớt đỏ tươi đã thấy
bắt mắt. Khi nếm vào mới thật mê. Bởi mùi thơm đặc trưng của nước mắm ngon quện
với vị chua mát của chanh tươi, vị ngọt vừa phải của đường cát, vị cay của ớt,
tỏi . Tất cả như vừa đủ để kích thích thị giác, khứu giác và vị giác của ta,
khiến ta đã nếm một lần là nhớ mãi. Tôi thầm nghĩ, học sinh thị trấn Phả Lại có
khác. Hôm đó, lớp có mời các giáo viên bộ môn và được các thầy cô tấm tắc khen
tài tổ chức và tài nấu nướng của các em. Tôi có ý tự hào về các trò của mình
lắm. Tuy vậy, tôi rất băn khoăn vì không biết các em làm thế nào mà mua được
nhiều thịt vậy, lại toàn thịt ngon ơi là ngon. Tôi nêu băn khoăn đó của mình
thì mới được biết rằng các em mua thịt ngoài chợ đen. Chả là, hồi đó, cánh giáo
viên chúng tôi toàn mua thịt bằng tem phiếu, mỗi tháng được 0,5 kg . Một số
giáo viên ra trường lâu năm, quen biết nhiều còn nhờ vả mua được thịt ngon, chứ
lính mới tò te như tôi thì phải xếp hàng đến khổ mà chỉ mua được thịt bụng bèo
nhèo thôi. Thịt ngoài chợ hồi đó không bán công khai và ê hề như bây giờ. Chúng
tôi chẳng có tiền mua nhưng giả sử muốn mua cũng không biết tìm chỗ. Qua các
trò, tôi mới biết những người bán thịt chui ngoài chợ họ đã mua thịt bằng nhiều
cách rất tinh vi. Có khi là mua của người mổ lợn chui, khi thì mua của người ăn
bớt được từ các bếp ăn tập thể hay cửa hàng ăn uống. Có khi họ mua bằng tem
phiếu của người có tem phiếu bán ra nhưng họ móc ngoặc với cửa hàng thịt nên
không phải xếp hàng mà mua được toàn thịt ngon thôi.
Một kỉ niệm đáng nhớ nữa là dịp cô trò tôi đi phục vụ đoàn thi đấu thể thao của nhà
trường do Ty giáo dục tổ chức ở thị xã Hải Dương( nay là thành phố Hải Dương). Biết
rõ các trò mua sắm đồ ăn rất sành và nấu nướng cũng khéo nên tôi chỉ cần nêu thực
đơn là chúng bảo nhau làm rất tinh tươm. Trớ trêu thay là cái ông tổ trưởng tổ
văn năm trước, năm nay đã lên chức Hiệu phó và là người dẫn đoàn đi thi. Tôi
vốn không có cảm tình với ông ấy từ hôm hướng dẫn soạn giáo án, lại tức thêm vì
buổi bình giờ giảng ông ấy bảo tôi mới ra trường nên xếp loại khá để còn phấn
đấu (trong khi cả tổ nhất trí xếp loại tốt). Cho nên tôi chẳng quan tâm hỏi han
gì, chỉ lo cùng các trò làm tốt nhiệm vụ. Mãi sau này, khi đã thân nhau, ông ấy mới bảo
hồi đó chúng tôi làm tốt lắm và quý tôi từ dạo ấy.
Sau đợt đi phục vụ đoàn thi đấu thể thao về, cô trò chúng tôi đã
thật sự thân thiết nhau như chị em. Các em nữ khi đi đâu thường đến mượn khăn
hoặc áo của cô giáo.Chúng rất thích chiếc khăn len màu tím huế do tôi tự móc
nên truyền nhau dùng. Tôi cũng không cho hẳn em nào mà để cô trò dùng chung
luôn. Ngày ấy len hiếm lắm chứ nếu nhiều như bây giờ thì tôi đã móc tặng mỗi em
một chiếc rồi. Tôi có được chiếc khăn len ấy cũng là do ông anh trai đi miền Nam ra,
mua được cân len, nhờ tôi đan áo cho chị dâu và các cháu chỗ còn lại tôi mới
được phép móc khăn cho mình
Không riêng gì trò nữ, các trò nam cũng rất gần gũi, đáng yêu. Có
chuyện gì khó xử trong gia đình, chúng cũng nhờ tôi can thiệp, kể cả chuyện bố
mẹ hay cãi vã nhau. Hồi đó tôi chưa có gia đình và thực sự là chẳng hiểu gì về
những chuyện giải quyết mâu thuẫn chồng vợ. Nhưng trò đã tin tưởng mà tâm sự và
nhờ cậy nên buộc phải tìm hiểu thôi. Bấy giờ, tài liệu nói về những vấn đề
riêng tư cũng đâu có nhiều như bây giờ. Tôi lần tìm đọc ở những mục tâm sự
trong báo Phụ nữ rồi cứ nghĩ từ cuộc sống của ba mẹ mình và suy luận thêm ra mà
đánh bạo hay liều mạng thì đúng hơn, gặp gỡ phụ huynh của trò tâm sự. Nói là
khuyên nhủ thì không đúng mà tôi chỉ chủ yếu nói với họ về nỗi buồn và những
mong muốn của con họ khi nó thổ lộ với tôi( cố nhiên là có thêm mắm thêm muối
vào). Vậy mà cũng có kết quả thật. Trò đến cám ơn tôi đã đành mà cả phụ huynh
cũng cám ơn nữa mới oách chứ.
Tuy vậy cũng có chuyện tôi
làm không được phụ huynh tán đồng và cho đến tận bây giờ, nhiều lúc nhớ lại,
tôi cũng thấy mình thật ấu trĩ. Đó là việc một trò, có ba là sĩ quan quân đội
nên em cũng rất thích đi bộ đội. Hè năm đó có đợt tuyển quân, mà theo trò nói
là “ tuyển đặc công nước hẳn hoi. Em thích lắm, ba em cũng đồng ý rồi, chỉ có
mẹ em là kiên quyết phản đối. Cô nói giúp em với. Vào đó em vẫn học được mà.
Nếu không được đi thì ở nhà em cũng không còn tâm trí nào mà học nữa”Nghe bùi
tai, tôi cũng đến gặp phụ huynh và nói giúp trò. Bác ấy chỉ cười buồn và nói
nhẹ nhàng thôi nhưng tôi rất thấm thía: “ Tôi tưởng cô giáo phải khuyên trò
tiếp tục học tập chứ. Học xong rồi nhập ngũ cũng có muộn đâu. Nhưng học hành dở
dang thì phải làm sao?” Tôi chỉ còn biết xin lỗi bác và về động viên trò học
tiếp. Chuyến này, tôi phải nhờ các bạn nói thêm vào. Đặc biệt là nhờ một bạn nữ
mà trò đó thân thiết nhất. Cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết
.Tôi thở phào nhẹ nhõm và rút ra cho mình một bài học nhớ đời!
Sao Đỏ:10-11-2012
Vũ Thị Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét