Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

XUÂN LÒNG

(họa bài Còn Đông của Minh Hương)

Xuân đến lâu rồi có thấy không
Đào, Mai đua nở rõ ràng trông
Tiết trời dường sắp sang đầu hạ
Tâm tưởng sao còn vẫn cuối đông
Xuân ở ngoài trời là xuân tiết
Xuân vui trong dạ ấy xuân lòng
Mùa xuân xa bạn – mùa xuân lạnh
Sum họp còn trong nỗi ước mong ?!

Phố Hóp 11h30’ 31-01-2012 T.D

Còn Đông

 
Xuân Đến rồi ư, thật thế không?
Mà sao như vẫn thấy còn Đông!
Mưa phùn lất phất niềm thương đợi
Gió bấc thì thào nỗi nhớ mong
Kẻ đã đi xa quên ước hẹn
Người còn ở lại mãi chờ trông
Đào mai hồng cúc đua khoe sắc
Riêng chút tình ai ấp ủ lòng.
 


Nha Trang – 01/2011
MH

Thăm Côn Sơn nhớ Lệ Chi Viên


Khi đến Côn Sơn nắng đã tà
Sương mờ phủ trắng đỉnh đồi xa
Thông xanh, xanh thẫm nghiêng ngoài ngõ
Vải chín, đỏ tươi phủ trước nhà
Du khách say sưa chưa muốn bước
Thi nhân canh cánh chửa đành ra
Giữa đền Nguyễn Trãi bâng khuâng dạ
Nhớ Lệ Chi Viên nước mắt nhoà!


T A N

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Khai bút đầu xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An


  - Sáng ngày 28/1 ( tức mồng 6 tháng Giêng), tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An - Chí Linh, Hải Dương đã diễn ra lễ khai bút đầu xuân và khen thưởng học sinh giỏi năm 2011 do Trung tâm Hỗ trợ thủ khoa Việt Nam phối hợp chính quyền địa phương tổ chức.

Tới dự buổi lễ có ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Hữu Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thủ khoa Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Thừa - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương… cùng hàng chục học sinh của thị xã Chí Linh có thành tích cao trong học tập.


9 chữ: Trí, Tuệ, Minh, Tâm, Đức, Phúc, Thành, Đạt, Vinh 
được chọn để khai bút đầu xuân Nhâm Thìn. 


Sau lễ dâng hương và ôn lại công lao của đức Vạn thế sư biểu Chu Văn An với sự nghiệp giáo dục nước nhà, lễ Khai bút đầu năm bắt đầu. Mở đầu, chữ “Học” viết trên khuôn lụa lớn được 10 vị cao niên kéo lên trước sân đền. Tiếp theo, các đại biểu của Trung ương, tỉnh, thị xã lên khai 9 chữ: Trí, Tuệ, Minh, Tâm, Đức, Phúc, Thành, Đạt, Vinh.


Ông Nguyễn Hữu Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thủ khoa Việt Nam 
vinh danh các học sinh tại buổi lễ.


Lễ khai bút kết thúc bằng màn pháo bông rực rỡ. Đây là việc làm mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, ghi nhớ truyền thống hiếu học của các thế hệ người Việt Nam và tỏ lòng tri ân cùng bậc thánh hiền. 
 


Du khách về dự lễ, thắp hương trước đền thờ Thầy giáo Chu Văn An.

Cũng tại lễ khai bút, Trung tâm Hỗ trợ thủ khoa Việt Nam phối hợp với UBND thị xã, Hội Khuyến học thị xã trao thưởng cho 43 em học sinh của thị xã có thành tích cao trong kỳ thi đại học năm 2011, kỳ thi học sinh giỏi các cấp, các em học sinh giỏi tiêu biểu của các xã, phường, các học sinh nghèo vượt khó học giỏi.  
Thế Cường - Đinh Ngọc

MH (Sưu tầm)
Nguồn: http://dantri.com.vn

Cảm hứng xuân trong thơ chữ Hán Ức Trai

  Vũ Xuân Bạch Dương 


Nguyen TraiXưa nay người ta nói nhiều về thơ Nôm của Nguyễn Trãi, nổi bật vẫn là hình ảnh mùa xuân hiện ra thật phong phú, tươi trẻ và sống động. Nếu trong thơ Nôm Nguyễn Trãi “mùa xuân được cảm nhận như là biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ, hoàn chỉnh, phổ biến” thì còn một mùa xuân suy tư và ẩn ức, có vẻ già cỗi hơn, riêng tư hơn, chất chứa những nỗi niềm sâu lắng bàng bạc trong dòng thơ chữ Hán của ông.

Thơ xuân Nguyễn Trãi không nhiều bằng thơ tả mùa thu, thơ tự sự hoặc thơ tự răn mình. Đặc biệt là thơ chữ Hán về mùa xuân lại ít hơn thơ Nôm. Nếu xuân trong thơ Nôm của ông căng tràn sức sống, là một sự tiếc nuối tươi trẻ, mang hơi thở của tình yêu (bài Cây chuối) thì xuân trong thơ chữ Hán của Ức Trai lại pha chất cô liêu, tượng hình, có lúc bình dị nhưng lại có khi huy hoàng, tráng lệ. Hình ảnh xuân trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi gợi cho người ta cái cảm giác trầm buồn, cô quạnh lẫn một chút hờn dỗi của người anh hùng cô thế thu mình về ẩn dật trong thiên nhiên sau những thăng trầm của thời cuộc, sau những trải nghiệm đau đớn của bản thân:
   
 Thế sự bất tri hà nhật liễu
 Biển chu quy điếu Ngũ Hồ    xuân
 Việc đời không biết ngày nào xong
 Để một con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ Hồ
                                       Mạn thành I – Ức Trai thi tập

Nguyễn Trãi ví mình như Đỗ Phủ có tâm có tài mà suốt đời lận đận. Thôi thì rũ bỏ hết, tất cả chỉ là hư vinh, chỉ có cõi vĩnh hằng là những gì thiên nhiên ban tặng. Một cái tâm thanh tịnh, giác ngộ ở đỉnh cao của vô ngã! Có điều là hình ảnh xuân ở bài này được ông ví như “con cá” vậy, thật lạ và hình tượng! Ngư ông Nguyễn Trãi không phải câu con cá thật mà là câu xuân. Vậy có phải xuân – biểu tượng của thiên nhiên chính là những cái có thật, hiển nhiên trước mắt, có thể động chạm vào được? Còn việc đời kia, những hận thù, giết chóc, mưu mô mãi mãi cũng chỉ là tạm bợ, khổ não và phiền toái? Xả bỏ thì sẽ an lạc, yên bình, đó là điều tất yếu!
 Con cá là hình ảnh động, là sức sống, một sức sống vô tư của tự nhiên muôn đời, của tạo hóa vĩnh trường.
Có thể nói rằng, cuộc đời Nguyễn Trãi là một mùa xuân lớn! Mùa xuân luôn rạo rực trong ông. Sức sống và cống hiến của ông chính là minh chứng rõ ràng nhất của sức xuân nơi ông. Tình yêu đất nước, con người và thiên nhiên là thể hiện mạnh mẽ nhất của mùa xuân Nguyễn Trãi. Ông đã giúp nước ta có những mùa xuân vẻ vang chiến thắng và thanh bình. Thế nhưng Nguyễn Trãi vì quan tâm nhiều nên khổ cũng nhiều. Nỗi buồn đau, chán nản của ông chỉ là một mặt thống nhất khác trong sự thể hiện sức xuân nơi tâm hồn ông, cái sức sống mãnh liệt đã đuổi sạch bọn xâm lăng, phò vua cứu nước, gây dựng triều đình, chăm lo cho đời sống muôn dân, yêu mến thiên nhiên, cảnh vật.
Do đó, mùa xuân trong thơ ông, nhất là thơ chữ Hán có một vị trí đặc biệt, là mạch cảm hứng để khai thông mọi mạch nguồn cảm hứng khác. Nguyễn Trãi Xuân nên Nguyễn Trãi yêu mùa xuân. Xuân trong thơ chữ Hán Ức Trai độc đáo ở chỗ đóng vai trò như một người bạn lớn để ông nương tựa trong những khi quay về quy ẩn sau giấc mộng tan tành:

Nhãn biên xuân sắc huân nhân túy
Chẩm thượng triều thanh nhập mộng hàn
Bên mắt sắc xuân khiến người say đắm
Trên gối tiếng thủy triều đập vào 
                                 giấc mộng nghe lạnh lùng
                                Hải khẩu dạ bạc hữu cảm – Ức Trai thi tập

Người anh hùng ấy thường bất mãn với thời cuộc, hoài bão lớn lao nhưng với cuộc đời dường như không thể dung hòa được, thế nên:

Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng  hữu hận diệp tiêu tiêu
Xưa nay thời gian vô cùng, sông rộng bao la
Anh hùng mang mối hận lam lá rụng veo veo
                                         Vãng hứng – Ức Trai thi tập
Đau đớn hơn là:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng   di hận kỷ thiên niên
Hoạ phúc có manh mối không chỉ trong một ngày
Anh hùng để mối hận lại đến nghìn năm sau
                                         Quan hải – Ức Trai thi tập
Một triều đại không đủ thấu lòng quân tử! Một triều đình không đủ độ bao dung! Còn chốn nào để đi ngoài không gian và thời gian bất tận? Số phận, tài năng và tâm hồn của con người có khả năng làm thay đổi lịch sử ấy trải dài suốt hai chiều vô tận của nhân gian. Và mùa xuân là một trong những nơi mà ông tìm đến để trải lòng mình. Đó là nơi người lữ khách tha phương tìm về cội nguồn, thân quyến trong nỗi cô đơn luyến tiếc khi xuân đã quá nửa:

Nhất tòng luân lạc tha hương khứ
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua
Thiên lý phần uynh vi bái tảo
Thập niên thân cựu tận tiêu ma
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ
Quá bán xuân quang tê cú hoa
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia
Kể từ khi lưu lạc nơi đất khách
Đếm đốt ngón tay thấy thanh minh đã qua mấy lần
Xa nghìn dặm mồ mả không được cúng lạy, quét dọn
Trải mười năm thân thích cũ đã hao gầy hết
Chợt tạnh khí trời vào tiết mưa rào
Đã quá nửa xuân hoa tê cú nở đầy
Tán khuây nâng một chén còn phải cố gượng uống
Để đừng có ngày nào cũng khổ nhớ về quê nhà 
                                            Thanh minh – Ức Trai thi tập

Thấm đẫm trong lòng Nguyễn Trãi là nỗi buồn nhớ cố hương, gia quyến. Nhìn cảnh xuân qua mà lòng sầu tiếc vô hạn vì đã không làm tròn bổn phận trong gia đình. Mùa xuân là lúc những gia đình, thân tộc đoàn tụ chung vui đón Tết, là lúc người ta được quây quần hoan hỷ, xua tan những mệt nhọc của năm cũ, những nỗi cô đơn trống vắng khi phải xa gia đình trong một năm. Đó cũng là truyền thống bao đời nay của dân tộc ta. Vậy mà Ức Trai lại đang một mình nơi đất khách, lạc lõng đến nỗi quá nửa xuân mới vội giật mình. Sự tiếc nuối thời gian trôi qua đời người như lời nhắc nhở cho bổn phận làm người một khi đã sinh ra trong trời đất này. Mùa xuân lúc này đóng vai là một người bạn lớn âm thầm giác tỉnh thi nhân, khơi gợi lên trong lòng người xa xứ những tình cảm cô đọng lâu ngày nay lại bừng dậy. Tiếc xuân là Nguyễn Trãi tiếc cuộc sống vì xuân là biểu tượng của sự sống. Con mắt xuân của Nguyễn Trãi lúc này là âu sầu, cô độc, khác hẳn với niềm hân hoan, rạo rực trong bài thơ Nôm Cây chuối :

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
                        Cây chuối – Quốc âm thi tập

Tuy nhiên hai thái độ này vả chăng là mâu thuẫn trong một con người? Hoàn toàn không! Đó chỉ là hai mặt thống nhất của sự “đam mê nhập cuộc” nơi Nguyễn Trãi. Tiếc xuân là Nguyễn Trãi tiếc tuổi trẻ, tiếc quãng đời thanh xuân cũng như tiếc cho cuộc sống con người là vô thường. Thời gian chẳng đợi ai, cái vòng sinh diệt cũng chẳng chừa người nào. Ai ý thức được điều đó thảy đều yêu quý thời gian và hay tự xét lại mình xem mình đã sống như thế nào để không phí những gì đang có.
Nhưng mùa xuân trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi không chỉ toàn mang màu sắc cô quạnh, buồn phiền mà đột phá với những ví von lạ và tươi mới. Nét tươi mới của mùa xuân trong thơ Ức Trai biến hóa qua óc tưởng tượng độc đáo của thi nhân:
       
Thử giang nhược biến vi xuân tửu
Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên 
Sông này nếu biến thành rượu xuân cả
Chỉ sợ trong lòng sông ông vẫn ngủ say
                         Thái thạch hoài cổ – Ức Trai thi tập

Ông già Nguyễn Trãi lại say sưa trong men xuân, nhớ đến Lý Bạch thưở xưa. Thôi thì cuộc đời là vậy, cho qua hết những u sầu, thất vọng, băn khoăn, trăn trở. Hãy hoà nhập với cỏ cây, hoa lá mà hát ca, mà thoát tục: 

Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên 
Đầu bến cỏ xuân xanh lục như khói.
Lại thêm trời mưa xuân nước vỗ ngang trời.
Đường ngoài nội vắng teo ít người qua lại.
Con thuyền đơn độc suốt ngày gối đầu 
                                       lên bãi cát mà ngủ
                                               Trại đầu xuân độ – Ức Trai thi tập

Cảnh xuân lại một lần nữa được tung hoành rực rỡ bởi trí tưởng tượng của thi nhân, huy hoàng và thánh thiện. Cảnh giới của sự thanh tịnh trong tâm được Nguyễn Trãi đưa lên một mức độ khác, cao hơn, vi diệu hơn. Sự đơn độc của con thuyền là sự đơn độc trong tâm hồn thi nhân, nhưng đó là sự đơn độc nhàn tản, mãn ý. Mùa xuân ở đây lại như tô điểm cho vẻ đẹp thanh khiết đó, vui vầy và an nhiên, tự tại. Nhưng lại có khi xuân của Ức Trai chậm chạp, già nua, hệt như tâm thức của thi nhân đang cảm thấy mình lạc lõng với xung quanh :

Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai
Suốt cả ngày thong thả đóng cửa phòng sách
Ngoài cửa không hề có khách tục đến
Trong tiếng cuốc kêu nghe xuân đã sắp già
Đầy sân hoa xoan nở dưới mưa phùn
                                   Mộ xuân tức sự – Ức Trai thi tập
    Tuy nhiên vẫn có một sự sống, một niềm hy vọng sâu kín đang trào dâng trong hình ảnh hoa xoan nở. Tuy đóng mà mở, tuy tĩnh mà động, tuy xa mà gần. Tưởng rằng Nguyễn Trãi quên ư? Rũ bỏ tất cả ư? Không phải! Đó là một sự lắng mình để chiêm nghiệm, để tự gây dựng cho mình một nội tâm mới, một sức năng mới trong thái độ đối người tiếp vật của ông mà thôi.
Mùa xuân là lúc vạn vật thay bộ áo cũ, khoác lên mình tấm áo mới, háo hức và sôi động. Nhưng đối với một số người nó cũng chất chứa những ưu tư, kéo lê cả những u sầu của năm cũ vì những việc chưa giải quyết được hay còn dang dở. Tuy vậy, mùa xuân của Ức Trai đã không bị vướng bụi trần, hoàn toàn thanh thoát và nhẹ nhõm, như dải lụa làm rơi hết những ưu tư thường nhật. Xuân có thể hiểu được nỗi cô đơn trống trải và truyền sang cho thi nhân những hương vị tươi mới. Và, Ức Trai hiểu rằng mùa xuân trong ông không bao giờ chết cho dù nó có mang những hình tướng gì chăng nữa. Đó là mùa xuân của sự vận động, luôn nảy sinh một mãnh lực tiềm tàng trong những giờ phút cuối hay những khi thinh lặng nhất. Đó cũng chính là sức sống ưu việt của thơ văn Nguyễn Trãi qua ngàn năm.

Tháng 9 năm 2005
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học, tập 2,3; 2000.
2.    Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, Hà Nội, 1976.
3.     Đoàn Thị Thu Vân, 2001, Tiếp cận thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Trẻ & Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM
4.    Bùi Văn Nguyên (chủ biên), 1995, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 4, NXB KHXH, Hà Nội
5.    Thiều Chửu, 1991, Tự Điển Hán Việt Thiều Chửu, NXB TP. HCM.


MH (Sưu tầm)
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?

VÃN TẾT


Tết đã xa rồi , người cũng xa
Bàn thờ vơi bánh , xuống màu hoa
Tình xuân bịn rịn mùi hương khói
Tiết hạ hồ mơ ánh nguyệt ngà…


Làng Hóp 09 giêng 2006 T.D

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

NHỚ !


Tất cả đèn đường thắp sáng đêm nay *
Xanh thẫm hàng cây tưng bừng quán xá
Chỉ một mình em giữa ảo huyền xa lạ
Em ở đâu trong tuyết trắng đêm nay

Em ở đâu trong tuyết trắng đêm nay
Em gọi ai dọc bờ sông mây
Lời em khan ngược chiều tuyết bụi
Bước chân mồ côi trái tim tha thủi

Cứ ước ao Đà Lạt nửa vầng trăng
Nửa vầng trăng trên trời phiêu dạt
Thác dội Cam Ly có lần em đã hát
Như thơ anh thường khắc khoải đi tìm

Chưa một lần được hò hẹn cùng em
Đã được cầm tay sánh vai dạo phố
Đà Lạt, Sài Gòn đã quen đã ở
Nhớ cánh tay mềm thân thuộc 
                                  cả hương hoa

Biết thế nào cũng nhớ lắm khi xa
Kỷ niệm không quên là những
                                   đêm không ngủ
Là Đà Lạt đượm nồng hương ấp ủ
Là tình yêu đợi em cuối con đường

* Ở NÔNG THÔN NHỮNG NGÀY TẾT MỚI THẮP SÁNG ĐỀN ĐƯỜNG 

           01 tết nguyên đán 2009
                                               NTQ

HOA ĐÀO NGUYỄN HUỆ

(Đền Gềnh ở Gia Lâm, thờ Ngọc Hân công chúa )

Đền Ghềnh nhộn nhịp tôn nghiêm,
Hòa trong hương khói nỗi niềm Ngọc Hân.
Ba mươi năm cõi dương trần,
Cành vàng lá ngọc, nét xuân bẽ bàng.
Sóng tình đã cuốn trái ngang,
Hoa đào Nguyễn Huệ huy hoàng Thăng Long.
Bắc cung Hoàng Hậu vô song,
Nhân từ phúc hậu trong lòng chúng dân.
Xót người liệt lữ hồng quần,
Thăng trầm lịch sử xoay vần đớn đau.
Lòng dân vẫn một trước sau,
Hơn hai thế kỷ sáng màu đèn nhang.


                                                Cẩm Tú

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Chùm thơ xuân của Khúc Hà Linh

  




Xuân

Nửa đêm thức giấc nhìn ra
Đầu hiên cành táo la đà trĩu sương
Bốn bề thanh thoát tiếng chuông
Một mùa xuân đã tỏa hương bên thềm.


Sông xuân

Mỏng mảnh sông xuân, dải lụa êm
Qua đông ngực đất sữa trào lên
Ngậm sương ngô biếc vươn mầm khỏe
Hong nắng đậu xanh nhú nõn mềm
Mưa phấn bâng khuâng thơm tóc mẹ
Gió hương bẽn lẽn dịu môi em
Tàu ai lướt sóng xuôi ra biển
Có chở tình quê tới mọi miền ?


Tre mùa xuân

Dễ dàng nhận ra mùa xuân
Qua màu xanh sắc lá
Hôm nay đất tươi non quá
Trong veo sau giấc ngủ đông

Riêng loài tre bình thản- âm thầm
Tóc hắt hiu bứt từng sợi úa
Con mắt tre lim dim như ngủ
Không nhận ra  xuân đã đến rồi

Phải đâu như thế người ơi
Tre nhân từ, chắt chiu , tằn tiện
Cả hôm nay vẫn không màng trang điểm
Sức xuân dồn ứa bên trong  .

Cho mai này vàng óng búp măng
Cánh tay trần chọc vào nắng gió
Cho ngọt mãi một lời thơ cổ
“Tháng ba làm lạt tre già”


                          KHÚC HÀ LINH

chiều xuân


Rộn rã chiều xuân óng ánh gương
Xuân bừng vẻ đẹp vẫn khiêm nhường
Nắng vàng mỏng mảnh phơi đầu xóm
Hoa trắng đung đưa vẫy cuối đường
Chim hót líu lo cây thắm sắc
Bướm bay chấp chới đất đơm hương
Trăng non mờ ảo viền mây ngọc
Ta gửi tình vào chén rượu sương!


T A N

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

                Cửa nhiều khách đến,nhiều tiền của đến
                Nhà nhiều người qua lại, vạn vật qua lại.
                                   (lược dịch nghĩa)



                             TẶNG NGƯỜI CAO TUỔI XÓM TRI- ÂN

                                          THI THƯ BẤT LÃO

                           (   Có sách ,có thơ đời trẻ mãi.)

Xóa một nhận xét đã đăng

Cách xóa một nhận xét đã đăng
Để xóa một nhận xét đã đăng, có thể làm theo hai cách sau:

Cách 1: Nếu ta không có quyền đăng nhập vào blog triancuocdoi thì Ban biên tập sẽ xem và xóa những nhận xét nào hỏng hoặc không đúng theo tiêu chí hoạt động của Blog. Ta không phải làm gì hết, nếu có nhận xét phù hợp nhưng không muốn đăng nữa thì đề nghị Ban biên tập xóa đi.


Cách 2: Nếu đã đăng nhập được vào Blog triancuocdoi thì làm theo 2 cách sau:
Cách thứ nhất:
Khi đăng nhập vào rồi, màn hình hiển thị như sau:


Ta bấm vào chữ nhận xét để vào xem tất cả các nhận xét, tìm nhận xét muốn xóa và đánh dấu vào ô vuông ở đầu dòng của nhận xét đó.






Sau đó bấm vào chữ XÓA ở trên đầu (như hình trên) để xóa nhận xét.


Cách thứ hai:
Đăng nhập vào triancuocdoi và tìm bài viết có nhận xét muốn xóa, bài viết sẽ hiển thị trên màn hình như sau:
Sau đó, ta bấm vào chữ nhận xét ở dưới bài đăng để hiển thị nội dung các nhận xét, ta muốn xóa nhận xét nào thì bấm vào chữ xóa ở phía trên nội dung của nhận xét đó để xóa.
Cách xóa trên đều có thể thực hiện với tất cả các blog cá nhân, nếu thấy nhận xét của ai đó trong blog của mình mà mình không muốn cho đăng thì có thể xóa.

Chúc mọi người thành công!

Nha Trang Xuân về

 
Không chỉ nắng vàng lộng lẫy
Sang xuân thêm chút gió mùa
Nhẹ vương đôi làn sương khói      
Hanh hao se lạnh vai gầy

Ô kìa chiều nay lất phất
Mưa xuân thỏ thẻ thẹn thùng
Ngỡ ngàng giơ tay ta hứng
Nâng cả mùa xuân tuổi thơ…

Chiều 03 tết Nhâm Thìn 2012
MH